User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

     Làn sương dày đặc trên sông chưa tan, các giọt sương long lanh đọng trên lá cây, hơi lạnh còn tỏa khắp không gian mơ màng đã thấy bóng Bà Ngoại thấp thoáng dưới bếp. Rồi tiếng củi cháy lách tách, ánh lửa hồng ấm áp từ miệng ông Đồ Rau phả dọi lên vách bếp. Mùi hành hương, mùi kiệu khử dầu dừa tỏa ra thơm thơm. Một lát sau Ngoại đã rang xong một chảo cơm to. Mùi dầu dừa mới thắng chiên cơm thật thơm, thật ngon nhất là được chiên bằng chảo gang. Thay thế cho hành củ, hành lá, cơm chiên với củ kiệu cũng thơm ngon không kém. Ngoại cho cả nhà lót dạ buổi sáng bằng cơm chiên với tép rang, dưa mắm và cá kho tiêu cho chắc bụng để chuẩn bị cho một ngày dài hoạt động.

      Sau buổi điểm tâm đơn giản, nắng sớm cũng vừa rạng lên ở chân trời, đã nghe tiếng dì Hai, mợ Ba, và các chị lao xao ngoài sàn nước. Sàn nước của Ngoại làm bằng đá xanh dày và chắc chắn sát bên mé sông. Xung quanh có mấy cái lu, vại lớn chứa đầy nước có hàng rào kẽm gai che chắn. Kế bên hàng rào Ngoại trồng mấy dây khổ qua và đậu rồng. Gần Tết nên đậu rồng và khổ qua lên xanh um leo đầy trên hàng rào. Trái xanh mướt lắt lay, rung rinh theo những cơn gió chướng từ mé sông thổi lên. Đậu rồng xào tôm, thịt nạc khá ngon mà chấm ăn sống với cá hoặc mắm kho cũng mặn mà bữa cơm. Bà Ngoại có một món khoái khẩu mà đàn cháu nhỏ không đứa nào dám nhúng đũa vào là món lá khổ qua nấu canh tép bầm nhỏ vò viên. Trái khổ qua đã đắng mà vị của lá khổ qua còn đắng gấp mấy mươi lần. Bà Ngoại bảo món này “ăn nên thuốc”. Bụi sả của Ngoại cũng um tùm. Cây so đũa cao vút của Ngoại đã trổ bông trắng xóa hứa hẹn cho những nồi canh chua tôm hoặc cá linh nồng nàn hấp dẫn.

     Như mọi năm dì Hai phụ trách làm mứt bí. Mứt bí làm thật công phu, được làm từ trái bí đao già, vỏ dày mốc trắng, móng tay bấm không lủng. Trái bí to người lớn bê muốn không nổi. Dì Hai dùng dao lớn chẻ ra từng miếng bằng cỡ bàn tay, bỏ hột, gọt vỏ, ngâm nước vôi sau đó mới dùng kim xăm. Món mứt này dì phải làm mấy ngày mới xong. Miếng mứt bí khi đã thành phẩm trông bắt mắt, trong vắt như miếng thạch. Ngoài món mứt bí, dì hai còn khéo món mứt bưởi làm từ phần xốp trắng giữa vỏ và múi của trái bưởi. Mứt bưởi ăn ngon nhưng cũng làm cực như mứt bí nên tôi chỉ nhìn xem dì làm nhưng không bao giờ có ý định học. Chị Năm, chị Sáu chuyên môn mứt khoai lang, mứt cà chua và mứt đu đủ. Chị Hai thủ phần mứt dừa đủ màu và mứt tầm ruột (sau này lớn lên tôi phụ trách mứt trái tắc, mứt khóm dẻo, món ruột của Ba và Mẹ), Bà Ngoại làm món chuối ép xào gừng, dừa, đậu phộng. Còn các món mứt hạt sen, thèo lèo, bánh men, bánh gai,…. Đi chợ mua cho nhanh cho khoẻ. Riêng món bánh ít, bánh tét, bánh dừa, bánh cúng là phần của Ngoại. Món bánh ít trộn khoai cao do Mẹ phụ trách. Chị Hai chắc tiền kiếp là người Triều Tiên nên rất “hẩu” món cải kim chi nên năm nào chị cũng làm một thẩu thủy tinh lớn dưa Đại Hàn đầy ớt đỏ và gừng ăn cay xé lưỡi. Mẹ chuộng dưa kiệu nên năm nào Mẹ cũng cắt tỉa làm mấy kí cho Ba nhậu với tôm khô.  

alt

     Để được một cái Tết đầy đủ bà Ngoại đã chuẩn bị từ nhiều ngày tháng trước. Nếp Bà chọn loại hạt đều, dài và dẻo để dành làm bánh tét. Dây để gói bánh Bà tự chẻ lạt. Có khi Bà dùng dao nhọn chẻ tước cọng lá chuối phơi cho héo. Loại dây này gói bánh cũng dẻo và tốt lắm. Nhà đông người, con cháu họ hàng ngày Tết kéo về thật đông nên Ngoại phải chuẩn bị thức ăn thật nhiều. Nếp gói bánh tét phải trên nửa giạ là ít. Nội cái việc ngâm nếp qua đêm rồi “nê” từng thúng xuống bến sông vo, xả cho hết nước đục trắng của nếp để bánh lâu bị thiu khi đã nấu chín cũng đủ để tôi ẹo be sườn! Đậu xanh đãi vỏ cũng vậy, cả thau lớn. Rồi còn cái màn rọc lá chuối phơi nắng cho heo héo để dễ gói. Sau đó đem vào nhà dùng dao cắt xén cho gọn phiến lá, bỏ bớt những chỗ cứng, queo quắt rồi dùng khăn lau cho sạch bụi. Tôi không biết gói bánh tét nhưng biết cột nên cũng góp phần chen lấn. Người lớn xếp đặt mọi thứ trên bộ ngựa gỗ rồi bắt đầu gói, nhiều tiếng đồng hồ mới xong. Nhân bánh vừa mặn vừa ngọt. Nhân mặn có đậu xanh và thịt ba rọi ướp chút muối tiêu. Nhân ngọt là nhân đậu xanh xào với đường hoặc nhân chuối. Tôi chỉ thích bánh nhân chuối, bánh nhân đậu xanh tôi bỏ thịt, chấm bánh ăn với đường cát trong khi mọi người ăn bánh với thịt kho tàu và dưa cải chua.
 
 
      Ngoài bánh tét, bánh ít nhân dừa, nhân đậu xanh, Ngoại còn gói thêm bánh dừa nhân chuối. Tôi mê món bánh dừa của Ngoại lắm. Nếp để gói bánh dừa Ngoại trộn thêm đậu đen nấu chín, xác dừa khô bằm, ướp chút đường muối nên bánh ngon thơm vô vùng. Mấy thúng bánh vừa gói xong được chuyển vào cái nồi to tướng ở ngoài sân. Ông Đồ Rau là mấy cục gạch tiểu được chồng lên cao nhưng chắc chắn. Củi chụm lò là những bẹ dừa to mà Ngoại đã phơi khô từ nhiều tháng trước để riêng bên một góc sân nhà dành cho những dịp này cùng những thanh củi to gai góc để cháy lâu và cho nhiều than. Lửa bập bùng cháy dưới đáy nồi thật nhiều giờ, từ tám đến mười tiếng bánh mới chín. Khi nấu xong Ngoại vớt ra ngâm vào thau nước lạnh cho bánh mau nguội và dẽ lại, sau đó bánh được máng lên thanh sào bắt qua trần nhà cho ráo nước, thoáng gió cho bánh lâu hư. Nhìn vào đã thấy có vẻ Tết lắm rồi.

     Trước đó cả tuần lễ Ngoại đã xuống chợ mua cả cần xé cải tiều xại để làm dưa. Chỉ cái việc bưng cải lên xuống sông để rửa cho Ngoại trụng nước sôi để vào thúng giạ ủ rồi chuyển vào vại, nấu nước muối chế vào đậy kín lại là tôi đã muốn sụm bà chè rồi.
 
Công chuyện cho những ngày Tết thật là nhiều, hết việc này tới việc kia. Sau khi gói bánh tét, tới màn lau lá dong để gói nem bì. Tôi ưa biết bao mùi bì vừa xào bốc hơi nóng quyện với mùi thính thật thơm và gợi lên không khí ngày Tết. Ba thích thủ vĩ, lỗ tai heo ngâm giấm nên năm nào Bà Ngoại cũng đi chợ mua về một cái đầu heo lớn có khi tới hai cái để vừa làm dưa vừa làm bì. Chỉ cái việc cầm nhíp nhổ lông cũng đủ ê ẩm cái lưng và mấy ngón tay.
 
 
    Bánh ít để gần ngày Mẹ mới gói. Mẹ cầu kỳ gói bánh ít bằng nếp ngâm với khóm bầm nhuyễn để qua đêm. Ngày hôm sau đãi sạch để cho ráo nước, Mẹ mới xay. Nếp khi xay xong Mẹ để cho lắng bột xuống đáy thau và bỏ hết nước. Mẹ đổ bột vào bao vải, dùng vật nặng đè xuống cho đến khi chỉ còn bột, Mẹ lấy ra và bắt đầu nhồi với khoai môn đã xắt thành sợi phơi heo héo. Nhân đậu xanh, nhân dừa Mẹ xào với sầu riêng thơm phức. Cái bánh gói và hấp xong mở ra trong vắt thấy nhân bên trong lẫn sợi khoai, nhai sần sật, giòn giòn và thơm ngon hơn cả bánh ít lá tro, ăn hoài không chán.

     Thời ông Ngoại còn sinh tiền, khoảng thập niên 70, vào dịp lễ Tết chúng tôi được ăn Tết tới bảy ngày. Lúc đó tôi còn nhỏ nên chưa biết cực. Mọi việc nấu nướng cỗ bàn, dọn dẹp đều phó trong tay bà Ngoại, dì Hai, mợ Ba, Mẹ và các chị nhưng cực nhọc, vất vả nhất vẫn là Ngoại. Tôi và mấy nhóc tì chỉ tha hồ ăn, lắc bầu cua, chơi cờ quan, cờ triệu phú và nhận bao lì xì. Sau bảy ngày thực phẩm ê hề bà Ngoại dồn hết những thức ăn còn thừa lại vào một cái nồi và hâm đi hâm lại thành món xà bần. Cái món “hầm bà lằng” này vậy mà ngon vô cùng. Ăn với cơm nóng trắng đã ngon mà ăn với cơm chiên lại còn ngon hơn nữa nếu kèm thêm rau sống, dưa leo, chuối xanh xắt lát thì hết xẩy! Ăn hết cơm trong nồi, trong chảo hồi nào không hay. Được biết có một vị vua VN rất thích món xà bần đã ra lệnh cho đầu bếp hoàng cung nấu đủ món ngon xong đổ chung vào một nồi nấu lại thành món xà bần dọn lên cho Ngài.
 
 
     Khi ông Ngoại đã mất, thế thời thay đổi, không riêng gia đình tôi mà tất cả mọi người dân đều giảm việc ăn Tết từ bảy chỉ còn ba ngày. Bấy giờ tôi đã lớn. Việc cúng quảy đã quá vất vả cho tôi. Mỗi sáng sớm đều cúng bánh mứt, nước trà. Buổi trưa và chiều cúng cơm. Mỗi lần cúng là mười mấy mâm, mỗi mâm năm bảy món. Ông Ngoại là trưởng tộc, bà Ngoại là dâu cả nên bao nhiêu giỗ quảy cho tổ tiên bên chồng bà Ngoại lo hết. Trung bình mỗi tháng một đám giỗ. Sống với bà Ngoại tôi lãnh đủ cái gia tài bên chồng của bà.
Bây giờ những cái Tết rộn ràng đầm ấm thủa nào đã lùi xa về miền quá khứ. Đã không còn những ngày cuối năm bận rộn tíu tít nhưng hạnh phúc trong cái rét lạnh dìu dịu làm se làn da của những ngày xuân về. Không còn những lúc làm việc mệt nhọc tay lau giọt mồ hôi trên trán vì cái nóng bên bếp lửa. Không còn những lúc ngâm chân trong nước lạnh để giặt từng chiếc chiếu, cái mùng bên bờ sông, khom lưng chà rửa từng cục gạch Tàu cho nổi lên màu đỏ sáng, nâng niu từng khóm hoa vạn thọ, bụi hoa hồng gai màu đỏ tươi, cây mai vàng trổ nụ,… cho tất cả mọi thứ của ngày Tết được mới, được đẹp đẽ,… Để rồi sáng sớm cửa lớn được mở rộng đón ánh sáng mặt trời mùa xuân tươi mát vào nhà, phúc lành của một năm mới.
 
(hình minh họa trên net)
      Bây giờ xa quê, ăn Tết lẻ loi nhưng tôi vẫn chờ đợi Tết ta về để được đón Tết trong kỷ niệm. Dù bận rộn đi làm nhưng tôi vẫn chịu khó nấu một vài món mà Ngoại và Mẹ thường nấu khi xưa: giò heo hầm củ cải, trái su; thịt kho nước dừa; khổ qua dồn thát lát hầm, tôm kho tàu, dưa cải,… Không phải tôi nấu những món này chỉ để được ăn mà mùi thơm của chúng luôn nhắc nhớ trong tôi những ngày ở quê nhà, gợi lên trong tôi ký ức hình ảnh quay quần sum họp của những ngày xưa thân ái đầy tình yêu thương của những người thân yêu dấu. Bây giờ xác thân đang ở nửa vòng trái đất bên này nhưng tâm tư luôn hoài vọng về phía bên kia địa cầu là nơi có tổ ấm nhỏ bé thân thương của một thủa đã qua.
 
“Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”.


     Thêm một mùa xuân tha hương, dù chưa biết được ngày về vẫn xin cầu chúc các thân hữu và gia quyến một năm mới an lành như ý nguyện và mong ước tất cả chúng ta sẽ có một ngày đẹp trời "Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đầm ấm… ”.


Đặng Thúy Định
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com