User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Sống ở xứ người đã lâu và đã quen đón mừng Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch, thế nhưng với người Việt tha hương thì hình như lúc nào cũng đau đáu nhớ về hương vị ngày Tết ở quê nhà. Do đó, những năm đầu của thập niên 70, 80 không khí Tết chưa có gì đặc sắc vì người Việt chưa đông đảo lắm, có chăng là lác đác bánh chưng, bánh tét và vài loại bánh mứt được bày bán nơi cửa hàng tạp hóa Á châu mà thôi. Rất ít gia đình tổ chức mừng ngày Tết truyền thống vì hầu hết ai cũng đều phải đi làm, đi học nếu như Tết không rơi vào đúng cuối tuần. Bởi thế, trong những năm này, gia đình tôi hay bày ra làm những món ăn ngày tết để quây quần bên nhau và để cho các con biết thêm một ít phong tục đón xuân của người Việt. Món được các con rất thích làm nhưng không hảo ăn cho lắm, đó là gói bánh chưng, bánh tét!  Vì ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ Úc nhằm vào mùa hè nên phải theo dõi tin tức thời tiết sát sao để biết ngày thích hợp cho việc gói và nấu bánh, nếu những ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C thì sẽ bị cấm đốt lửa ngoài trời và dù không bị cấm thì cũng chẳng ai dám nấu với nhiệt độ bên ngoài như hỏa lò thế. Sau khi đã chọn được ngày nấu thì công đoạn chuẩn bị cũng khá nhiêu khê về việc đi tìm mua lá chuối, rất ít nơi bán lá chuối vào thời điểm đó vì hiếm người biết khai thác thương vụ này, lá chuối giá đắt gấp đôi giá mua thịt heo gói bánh nữa đó mà phải đi lùng sục khắp nơi nên rất tốn thì giờ.

Mặc dù luôn tránh công việc nhà nhưng cô con gái lớn của tôi lúc đó chỉ chín, mười tuổi lại luôn là người hăng hái thuyết phục tôi nấu bánh mỗi khi tôi ngán ngẫm nghĩ đến việc chuẩn bị. Cháu sẵn sàng thức dậy sớm giúp mẹ làm những việc cần thiết như rửa, lau lá; ngâm đậu nếp, bày các dụng cụ để sẵn sàng cho việc gói bánh. Nhờ học cách gói bánh tét từ mẹ do gốc gác người Trung và làm bánh chưng từ mẹ chồng là người Bắc, nên tôi gói được cả hai thứ, dù không khéo lắm, nhưng không lo ngại bị chê cười chi cả, vì chỉ gói để ăn trong nhà và để biếu mấy gia đình bên nội ngoại tại nơi tha hương thôi, vả lại người được biếu cũng nồng nhiệt đón nhận lắm lắm. Lúc gói bánh là lúc mà cả nhà tôi nhộn nhịp, rất bận rộn nhưng vui lắm… mẹ thì xếp lá đổ nếp đậu thịt thực hiện công việc gói bánh, con thì lăng xăng, đứa đưa dây, đưa kéo (bên này thì không thể tìm đâu ra lạt để làm dây buộc bánh đâu), chồng thì lo buộc cho chắc các đòn bánh để khi nấu không bị tuột dây, không bị hở để tránh nước vô bánh… những tấm lá lụn vụn cũng không quăng bỏ, vì được các con dùng để tập gói những chiếc bánh nhỏ xíu, xinh xinh… cả nhà tuy mệt nhưng nao nức chờ lúc canh nước nồi bánh.

Đây là lúc mà các con tôi rất thích, nhất là lúc trời sập tối, quanh bếp lửa ngoài trời, cả nhà ngồi bệt dưới đất, nghe bố mẹ kể những câu chuyện vui ngày tết, những phong tục vui xuân, những truyền thống trong đêm giao thừa… và nhất là những củ khoai lùi, những trái bắp nướng phết mỡ hành ăn dặm trong khi chờ bánh chín là những kỷ niệm khó quên cho các con và cũng là những gợi nhớ đến rưng rưng lệ không khí ngày tết ở quê nhà với chúng tôi, những người phải xa quê hương mà không hề định trước. Khi bố mẹ quyết định vớt bánh, thì cặp mắt háo hức của các con như đàn chim non đang chờ mồi  trông thật là thương, chúng chờ xem những cái bánh nho nhỏ do chúng làm sẽ ra sao, vì khi thay nước dù là đã có ý để các bánh nhỏ này ở trên nhưng với độ sôi sùng sục của nước, chúng đã lặn đâu mất tiêu nên không vớt sớm được. Sau khi phụ nhau khiêng các thanh gỗ để chèn, ép các bánh cho ráo nước và dọn dẹp đồ nghề và các thùng nấu bánh cho gọn, cả nhà bắt đầu khui một cái bánh thử ngay trong đêm. Bánh nóng lại bụng đang đói nên đó là một cái bánh ngon nhất, tuyệt vời nhất, bởi kèm vào đó là công sức của cả nhà. Lạ một điều là các con tôi chỉ ăn bánh lúc đó và các chiếc bánh nhỏ do tự tay mình làm ra mà thôi, chứ những ngày sau thì cháu lắc đầu nguầy nguậy không đụng đũa vào khi bánh chưng, bánh tét được dọn lên bàn. Hỏi, thì các cháu đáp “chỉ thích không khí gói bánh thôi, chứ bánh này có chi ngon đâu, ăn ngán lắm!” Do đó, năm nào cả nhà cũng chờ đợi giây phút hạnh phúc này nên không lạ gì cô con gái lớn của tôi luôn hăng hái thuyết phục mẹ nấu bánh.  Lần lần, con cái lớn dần, rồi công việc, rồi lớn tuổi và vì đủ mọi lý do… chúng tôi đã không còn dịp ngồi gần nhau để cùng gói bánh, cùng canh bánh nữa mà chỉ mua bánh để chưng trên bàn thờ gia tiên thôi. Thỉnh thoảng nhớ lại, lòng buồn man mác… 

Những năm sau, người Việt cũng đông hơn, những sinh hoạt trong các hội đoàn, đoàn thể càng ngày càng  nhiều và nhất là từ khi có văn phòng Cộng Đồng người Việt ở các tiểu bang thì không khí đón Tết bắt đầu náo nức nhộn nhịp. Từ những ngày đầu tháng 12 dương lịch, song song với việc chuẩn bị đón Giáng Sinh, thì người Việt đã có những hội họp bàn thảo cho việc đón mừng Tết Nguyên Đán nữa. Những tiểu bang có đông người Việt sinh sống như New South Wales hay Victoria thì những hội chợ Tết được tổ chức  vào cuối tuần, từ lúc nửa tháng Giêng dương lịch chia ra ở từng vùng đông người Việt trong tiểu bang và tiếp theo là những tuần lễ kế tiếp cho những vùng khác để rồi đến tuần lễ đúng vào ngày giao thừa hay ba ngày Tết thì sẽ có một hội chợ lớn, chính thức cho toàn thể người Việt trong cả tiểu bang. Thường thì Cộng đồng người Việt liên lạc với hội đồng địa phương nào thuận tiện để mướn khu công viên, trường đua hay một khu đất rộng đủ sức chứa hàng ngàn người vào hai ngày cuối tuần của tuần lễ nhằm vào giao thừa hay ba ngày tết để tổ chức hội chợ, còn những hội chợ nho nhỏ tổ chức ở từng địa phương thì chỉ cần nhờ hội đồng thành phố nơi tổ chức ngăn một số con đường quanh chợ Việt nam trong vùng đó để có thể dọn những gian hàng ngay trên mặt đường phố để bày hàng buôn bán. Năm nào cũng thế, những tờ quảng cáo lịch trình của các hội chợ được dán ở các cửa hàng người Việt và phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh, báo chí để mời chào mọi người đến tham gia, đây là việc làm của văn phòng cộng đồng Việt Nam và hội Thương gia của các vùng.

Hội chợ Tết, dù nhỏ hay lớn, cũng thu hút số lượng người đi xem đủ mọi lứa tuổi nên vô cùng đông đảo và náo nhiệt vì chương trình phong phú của nó. Này nhé, dù là hội chợ tại từng vùng hay hội chợ toàn tiểu bang thì luôn có những nét chính: cổng chào, lều trưng bày hình ảnh sinh hoạt  của người Việt và nét văn hóa truyền thống cổ truyền, các gian hàng ăn uống, trò chơi và sinh hoạt văn nghệ, múa lân, đốt pháo, bắn pháo bông…

Xin được điểm qua các phần này:

-        Cổng chào: thay đổi hằng năm do trưng cầu dân ý với người dân Việt trong tiểu bang, nhưng đều có một nét tiêu biểu gì đó về nước Việt, chẳng hạn cây tre, lá dừa, trống đồng, bản đồ hình cong chữ S, áo dài…

-        Lều trưng bày hình ảnh, cây cảnh: những hình ảnh sinh hoạt thành công của người Việt trong tiểu bang hoặc trong nước; những hình ảnh về văn hóa xưa, hình ảnh sinh hoạt của các cơ quan thiện nguyện, những cây bonsai và hoa Tết…

-        Gian hàng ăn uống vẫn là nơi đắt khách nhất vì chỉ nơi đây và lúc này mới có những món ăn Việt nam mà mọi ngày không có như bắp nướng phết mỡ hành, chuối chiên, bột chiên, còn thịt bò quấn lá lốt, nem nướng, chả giò thì tiệm ăn nào cũng có bán hằng ngày nhưng trong hội chợ vừa cầm xâu thịt, cuốn chả để vừa ăn vừa đi vòng vòng các gian hàng thì vẫn thích hơn. Nước mía, rau má… thì thu hút rất nhiều người mua vì hằng ngày chỉ có vài tiệm bán mà thôi. Những năm sau này thì có thêm gian hàng thức ăn của người bản xứ nữa, kebab, hotdog và cả những cửa hàng của các nước Á châu như Đại hàn, Nhật, Đài loan… cũng được giới trẻ ủng hộ rất mạnh.

-        Múa lân là để mong thịnh vượng, thành đạt, hạnh phúc, hanh thông nên không thể nào thiếu trong các kỳ lễ hội, đặc biệt là các con em gia đình Việt nam đã bắt đầu tham gia vào  đội múa này chứ không còn phải thuê mướn của người Hoa nữa. Bắn pháo bông và đốt pháo  đã trở nên quen thuộc vì vừa đẹp mắt, vừa vui tai tạo sự thơ thới, hân hoan cho mọi người và nhất là lại gợi nhớ đến không khí  đón xuân của quê nhà yêu dấu. 

Trò chơi ở ngoài trời thì ngoài những trò chơi quen thuộc mà người bản xứ đem đến được đón nhận mạnh thì màn tạt lon, hái lộc truyền thống cũng thu hút được rất đông đảo người chơi. Đặc biệt là hát vè lô tô, đây là trò chơi đánh số lô tô có từ lâu trong nước và được “du lịch” ra nước ngoài khiến các thanh thiếu niên sinh trưởng bên đây thích thú và lạ lẫm lắm. Gian hàng này rất đông khách, tham gia cũng có mà thưởng ngoạn cũng không ít, không ai đi qua gian hàng này mà không dừng lại xem và nghe hát. Cũng là những tấm vé có các con số, nhưng thay vì được quay số thì có người hát số, lời hát vừa vui vui, ngộ ngộ  lại có vần có điệu, chẳng hạn như thế này : “lẳng lặng mà nghe, tui kêu con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy này ra, Rồng xanh oai dũng, bay lượn vẫy vùng, phun nước đì đùng, hô mây gọi gió, đêm không trăng tỏ, tánh dê bay cao, Rồng té lộn nhào, Rồng lặn mất tăm, là con 35”. hoặc“con số gì đây là con số gì đây, tôi bốc số này, là ra con mấy, lác khô đi trước, lác ướt theo sau, tha hồ mà gãi, là con số 7”; hay“Tề Thiên Đại thánh, học được phép tiên , càn khôn quấy phá, Phật tổ Như Lai, hóa phép bàn tay, hóa núi Ngũ Hành, đè con khỉ đột, là con số 1” Lời hát đôi khi ngây ngô khiến người nghe bật cười , nhưng phải công nhận là người hô lô tô phải có khiếu và nhậy bén lắm mới nhớ vần điệu để hát hợp với con số được cho ra. Phần trúng số không nhiều nhưng cũng là một giải trí đặc biệt và lý thú để vui xuân.

-        Phần văn nghệ giúp vui mỗi năm một phong phú, có khi còn mời được ca sĩ nổi tiếng ở Mỹ qua hát nữa nên lúc nào quanh sân khấu cũng đầy nghẹt người, mà không đông sao được khi nơi này vừa được xem ca nhạc miễn phí, vừa là nơi nghỉ mệt sau khi dạo chợ kia mà! Những năm các con còn đi hội chợ tết chung với bố mẹ, tôi luôn được ưu tiên ngồi xem văn nghệ thoải mái  trong khi các bố con tha hồ dắt díu nhau đi dạo cảnh, xem hoa hay xà vào các trò chơi, chỉ thỉnh thoảng mới tạt vào xem thử tôi có cần gì không hoặc xin phép ở chơi lâu hơn giờ đã được quy định trước ở nhà.

Thấm thoát đã hơn 30 năm xa xứ, những tưởng sẽ hòa nhập được với cuộc sống xứ người và quên đi cội nguồn hay chí ít là quên đi phong tục tập quán quê nhà, nhưng ngược lại, nhờ những cá nhân và hội đoàn nhiệt tâm muốn gìn giữ và phổ biến những giá trị văn hoá, những phong tục đáng quý, những đặc trưng của nét đẹp Á châu… mà càng ngày các thanh thiếu niên Việt Nam càng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, về lịch sử dân tộc mình. Xuyên qua các em - những người đang theo học tại các trường, những người đang làm việc tại các cơ quan, hãng xưởng – và cả gia đình qua sự tiếp xúc với hàng xóm, láng giềng chung quanh, người bản xứ đã dần quen và muốn tìm hiểu nhiều hơn về nền văn hóa phương Đông. (Tôi vẫn nhớ hoài lời ông hàng xóm “lúc đầu tôi nghe người mua nhà là người Việt nam thì ngán ngẩm lắm vì cứ tưởng người Việt toàn là dân ma túy, trộm cắp, đến khi ông bà dọn vào, thấy có ba đứa con nhỏ thì lại chán hơn vì biết chắc chắn sẽ ồn ào lắm. Vậy mà lạ quá không hề nghe tiếng la hét, đùa giỡn, lại càng không thấy nhậu nhẹt, say xỉn…” Sau đó hai ông bà thay đổi cách nhìn - bởi đã ngộ ra rằng sắc dân nào cũng có người tốt, kẻ xấu -  nên đã trở nên thân thiện, cởi mở hơn và bây giờ thì cưng các con tôi như các cháu nội ngoại, năm nào cũng cho quà cho đến tận bây giờ dù các con tôi đều đã trưởng thành).

Bước vào các tiệm ăn Việt nam, có thể nhận thấy có nhiều sắc dân và hầu hết các người ngoại quốc  đến ăn đều biết cầm đũa thành thạo, biết gọi những món thông dụng như phở, chả giò, gỏi cuốn… và bánh mì thịt đang trên đà phát triển và ưa chuộng với người dân bản xứ. Tuy rằng những hình ảnh tiêu cực của người Việt vẫn còn tồn tại, nhưng hiện nay có những dãy phố chỉ toàn nghe tiếng Việt và trong hầu hết các cơ sở, bệnh viện công, tư… người Việt hiện diện không ít và đảm nhận những chức vụ quan trọng, đã mặc nhiên khẳng định rằng người Việt ở nước ngoài, không những đã không làm hổ thẹn ông bà tổ tiên, mà còn làm cho người bản xứ phải biết ơn và ghi nhận những đóng góp có giá trị về mọi mặt. Nhưng biết đến bao giờ những tài năng, những khối óc đã được học tập và rèn luyện những cái hay lạ của xứ người  mới được về lại quê hương để cùng nhau đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển một nước Việt hùng mạnh, phú cường, để có thể ngẩng cao đầu trên trường quốc tế hãnh diện xưng danh “Tôi là người Việt Nam”?

 

Hồ Diệu Thảo

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com