User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Cơn mưa nhẹ. Mưa bụi bay như tơ giăng, kèm theo cái lạnh buốt thịt da như mưa phùn gió bấc miền Trung. Nhưng mà, hình như cây khô chuyển  mình, cành khẳng khiu trơ trụi giờ nhú lộc non xanh mởn. Mùa xuân đến rồi!

     Tâm trạng con người ảnh hưởng bởi bốn mùa. Mùa hè đẹp nhất của tuổi học trò, khi cánh phượng đỏ thắm rung rinh trên cành, ve râm ran ca hát, lòng học trò rộn lên niềm vui nỗi buồn lẫn lộn. Thu êm ả trầm lặng khiến tâm hồn xao xuyến mông lung, cho mãi đến khi xuân sang, cỏ cây bừng lên sức sống, muôn loài hoa tươi màu phủ tràn nơi nơi báo hiệu mùa đông giá lạnh đã qua, trời trong xanh thay cho màu mây xám ảm đạm buồn bã, là lúc lòng ta cảm thấy vui vẻ hưng phấn, rộn ràng mừng đón xuân sang, Tết đến.

     Ở hải ngoại tôi không có cái cảm giác nôn nao chộn rộn như ở quê nhà những ngày trước Tết. Tuy ở đây mùa xuân đất trời rõ nét, những cội đào cổ thụ như chiếc dù khổng lồ kết hoa dày đặc, cùng muôn loài thực vật thắm tươi đua nở. Cũng có không khí Tết ở vài Market Châu Á, chợ hoa, bánh mứt tràn ngập không thiếu thứ gì. Nhạc xuân vui tươi rộn ràng phát từ những cái loa trong chợ. Nhưng “không khí” có vẻ gượng gạo cố gắng một cách bất lực. “Chợ hoa” chỉ là góc nhỏ khiêm nhường trong Market, trưng bày trăm chậu hoa lan hoa cúc. Không phải là con đường dài một rừng hoa Nguyễn Huệ, mỗi năm nghệ nhân kết cây lá tạo dáng thành hình con vật biểu tượng trong năm, con đường bỗng rực rỡ với muôn ngàn hoa tươi cây kiểng. Không phải công viên Tao Đàn mênh mông đi mỏi chân, hay những công viên trong toàn thành phố Sàigon tràn ngập muôn hoa bát ngát, đua sắc rợp trời, đủ mọi sáng tạo cấy ghép các loại kỳ hoa dị thảo. Bông mai nhiều cánh như bông cúc, cội cây thâm trầm vững mạnh, sức sống mãnh liệt dồn ép trong chậu nhỏ, sống lâu hơn một đời người. Giá chậu cây quí chỉ có nhà giàu nứt vách mới dám mơ tưởng. Hoa mai luôn là biểu tượng, là chúa xuân rực rỡ. Sắc hương vừa đài các tinh tuý, vừa dân dã mộc mạc…

    Người người nô nức kéo nhau trẩy hội hoa xuân tắc nghẽn các nẻo đường. Để ngắm nhìn thưởng ngoạn. Để trầm trồ suýt soa. Để nghe vang vang khúc ca mùa xuân rộn ràng, xuân vừa về trên bãi cỏ non, gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn, có một bầy em bé ngoài đê, hát câu i tờ đón xuân về… Ngày trước Tết có thú vui háo hức mong chờ, khác ngày “trong mùng” tiếc nuối sợ xuân qua mau.

    Ở đây không có những lều trái cây, dưa hấu, bưởi, cam quýt, dựng tạm bán suốt ngày đêm đến chiều ba mươi Tết. Cũng không có những chợ chồm hổm tự phát, lấn tràn ra đường nối dài rộng thêm chợ ngày thường vốn đông chật. Người quê từ những vùng ngoại ô đem lên chợ tỉnh thành sản phẩm của nhà, buôn thêm hoa màu lối xóm nhân một chuyến đi. Lá dong lá chuối xanh tươi, dây lạt gói bánh, cùng rau cải, xà lách rau thơm mới nhổ tưới rói, tất cả trải trên tấm nhựa cũ, “thương gia” ngồi xổm hoặc trên cái đòn nhỏ, bán suốt ngày rôm rả. Cả những mẹt thịt heo, người ta nuôi “bỏ ống” một hai con sau vườn, chờ gần Tết tự mổ đem ra chợ bán tận ngọn kiếm thêm chút tiền so với bán cho lái. Rồi những “cửa hàng” củ kiệu, hành chùm chất cao như đống rạ… Chợ tưng bừng, hối hả nhộn nhịp, tưởng như cái cảnh mua bán đông đúc rộn ràng này không bao giờ có thể ngưng, vậy mà đến chiều ba mươi đột nhiên vắng lặng, như bị giông gió cuốn phăng hết những lều những bạt, những sạp hàng. Người ta dọn dẹp mau chóng như chưa từng diễn ra nơi đây những ngày bán mua sôi động, đường xá vắng hoe, thỉnh thoảng một  chiếc xe vội vã lao nhanh kịp về dọn mâm cơm cúng ông bà. Chợ Tết muôn màu muôn vẻ không đâu giống được như ở Việt Nam.

    Mỗi khi Tết đến tôi lại nhớ Má tôi quá đỗi. Đối với Má, Tết là ngày thiêng liêng trọng đại, có ảnh hưởng đến cả một năm mới, nên Má tôi chuẩn bị rất chu đáo.

     Ngày nay mọi thứ từ bánh chưng, củ kiệu, củ hành, dưa món, kẹo mứt đều làm sẵn bán. Hoặc ai thích tự tay gói bánh thì chợ cũng có bán lạt chẻ sẵn, đỡ chút vất vả để hưởng cái thú vị canh nồi bánh chưng đêm trừ tịch, lửa bập bùng tí tách, đốm lửa bay như pháo hoa xua cái giá lạnh đêm đông, chờ đón giao thừa. Ngày xưa Má tôi chuẩn bị mọi thứ từ trước  ngày đưa ông Táo lên trời. Lá dong mua về Má lau từng kẽ. Ống giang ngâm nước vài ngày cho mềm rồi cặm cụi chẻ ra bó lạt dẻo. Gạo gói bánh dùng nếp cái hoa vàng, đậu xanh mỡ, thịt ba rọi nạc ướp hành tiêu thơm lừng. Má cẩn thận vuốt từng góc, chiếc bánh vuông vức như khuôn. Nấu mười hai tiếng, vớt ra ép nặng. Chiếc bánh chưng của Má bóc ra xanh ngắt màu lá, nếp rền dẻo, nhân đậm đà.

    Má tôi không mua kẹo mứt ngoài chợ, Má làm một thẩu bánh Nhãn (tên bánh do Má đặt). Bánh Má làm rất kỳ công, tự giã gạo nếp bằng cối đá cho đến khi gạo mịn nhuyễn. Theo cách “gia truyền”, gạo giã khô thì bột bánh còn nguyên vị ngọt đậm đà, không lạt lẽo như bột xay cối nước. Bột nếp quết với trứng gà, vo viên tròn như hột nhãn, chiên lên rồi rim đường, bụi đường trắng mờ bọc ngoài viên bánh giòn tan béo ngậy, từ thời tôi đến thời con tôi mê mẩn! Sau ngày Má tôi mất, món bánh độc đáo của Má không có “truyền nhân”.

    Ngày Tết nhà tôi luôn có nồi thịt kho tàu mềm riệu óng mượt, chân giò kho măng khô thơm ngọt miếng măng, béo ngậy miếng thịt. Giò thủ đặc trưng và nhiều loại giò chả, vịt gà. Thịt đông ăn với dưa chua, đây là món “quốc hồn quốc tuý” của người Bắc, ngày xưa không có tủ lạnh, muốn nấu món này phải chờ mùa đông, nấu xong múc ra tô để một vài giờ sau tô thịt đông đặc do tiết trời, nước và thịt quyện vào nhau một khối trong ngần, như viên bi có vân, ngon điếng hàm nhưng không phải ai cũng biết ăn, bởi cái lạnh phản nguyên tắc bình thường của những món ăn mặn. Má còn có nồi cá thu hoặc cá trắm kho riềng ăn Tết, cá kho kỹ ngon bùi hơn thịt. Má tôi không biết ăn củ kiệu, Má chỉ làm dưa món, dưa chua và muối vại củ hành. Ngày ấy còn nhỏ, tôi nghĩ củ hành cay nồng mặn đắng nên chẳng bao giờ ăn thử. Sau này biết vị củ dưa hành thơm ngọt ròn tan thì không biết cách làm. Đến nhà bạn bè ngày Tết được mời cơm có món củ hành muối ăn với thịt kho riệu, bánh chưng, lần đầu đánh liều nếm thử tôi mới biết hương vị món ngon ngày Tết là đây…

    Ngày còn nhỏ, có những cái Tết tôi được Má đưa về quê chơi. Bạn bè Má toàn người Bắc “ri cư” nên phần nhiều ở Rạch Giá. Người quê mọi thứ đều tự làm. Nhà nào khá giả thì ngả bò ngả heo, lấy thịt giã giò lụa, giò bò, làm giò thủ, nấu thịt đông và chia bớt cho hàng xóm… Mùi mứt sên thơm lừng tỏa ra từ trong bếp mọi nhà, khắp làng quê.

    Tết quê vui hơn nhiều so với thành thị. Từ giữa tháng chạp nhà nhà rộn ràng sửa soạn, í ới giục giã nhau lên rừng cắt lá dong, chặt ống giang, bánh chưng luôn là món thức ăn biểu tượng ngày Tết. Rồi những bộ lư hương được bưng ra hè ngồi đánh bóng, nhà bên này nhóng sang nhà bên kia chuyện trò vui vẻ. Mỗi người một việc. Tục lệ ngày mùng một Tết nhiều thứ phải kiêng, trẻ con sung sướng nhất là được cha mẹ kiêng không… đánh đòn, không bị la mắng và được mừng tuổi (lì xì).  Qua mùng những hội thi nhiều tiết mục rộn rã ngoài đình, ngoài chợ, kéo dài gần hết tháng giêng vì thời gian này là lúc nông nhàn. Rau tươi lúc muốn ăn ra vườn nhổ, không cần mua trữ để đến héo úa hư thối. Gà vịt muốn ăn ra chuồng bắt, béo tròn mơn mởn. Người quê thân tình thật thà, không niềm nở xã giao ngoài mặt. Tết quê hương thắm đượm niềm vui dài ngày. Không như ở hải ngoại, duy nhất một ngày chủ nhật, bất kể là “mùng” nào.

    Má tôi không cầu cao lương mỹ vị. Một miếng chanh vắt vào bát nước rau muống luộc, một tí gừng đập giập bỏ vào nước rau bắp cải, hoặc như Má nói, ngày xưa ở ngoài Bắc một quả sấu dầm nước rau cũng xong một bữa cơm. Nhưng lại rất kỹ càng tỉ mẩn trong hương vị rau đi kèm mỗi món. Bún riêu, bún ốc, bún mọc, bún thang, rau muống luộc, phải ăn kèm kinh giới. Giá luộc kèm húng cây. Gà mái tơ luộc kèm lá chanh. Bún chả, chẻ ngọn rau muống thật nhỏ nhiễn như sợi bún để rau mềm giòn, ăn cùng kinh giới tía tô. Canh riêu cá, chả cá, chả mực nêm rau thì là. Đặc biệt cà om với đậu phụ rán và thịt ba rọi, rau tía tô thái nhiễn bỏ vào nhiều mới dậy mùi, đúng cách, hoặc bò tái bê thui thì chỉ có thể đi cùng rau húng giũi. Mỗi loại rau hợp với món ăn làm tăng thêm rất nhiều hương vị độc đáo, dù đơn giản như rau muống, giá luộc, hay cầu kỳ như bún thang bún chả. Má còn có món cá rô kho vùi trấu đến xương mềm tan trong miệng. Cá rô vốn xương cứng và nhiều, khó nhằn, không biết cách kho xương vẫn cứng mà thịt nát, ăn rất dễ bị hóc hoặc xương đâm vào lợi. Cá rô chiên giòn, trứng cá béo bùi đặc biệt. Cá rô luộc gỡ lấy nạc nấu canh cải xanh với gừng, thơm ngon ngọt ngào. Cá rô ba món của Má, tôi được thưởng thức suốt thời thơ bé.

    Sau ngày miền Nam thất thủ, toàn xã hội đói nghèo cơ cực, đâu còn những mùa xuân tưng bừng rộn rã, chúc Tết thăm nhau gần hết cả tháng giêng. Đâu còn những ngày Tết no đầy viên mãn, thức ăn tràn ngập phủ phê. Những năm đầu mới “giải phóng” tôi đi rừng làm rẫy, ngày cuối năm đem về nhà được… quày chuối, ít mỡ nước... Ăn Tết vậy là sang rồi, ngày thường rau chỉ “xào” với mắm tôm hoặc chút muối, một quả trứng vịt “xào” với mấy đồng mắm tép mặn ăn vài ngày, “cao cấp” hơn là một lạng thịt ba rọi kho với một… ký lô củ cải!

    Gia đình tôi ở xóm đạo. Mươi năm sau ngày “giải phóng”, nhà nước nới lỏng kinh tế, dân chúng làm ăn khá hơn trước, Cha chánh xứ tổ chức cùng ban hành giáo ngày mùng một thăm chúc Tết các gia đình trong giáo họ. Đặc biệt những gia đình nghèo khó được tặng quà. Quà là một cái bánh chưng nhỏ bằng bàn tay. Nhà tôi thuộc “diện” nghèo nhất trại nhưng không phải năm nào cũng được nhận cái bánh lộc đầu năm, vì “lộc” còn tùy thuộc vào vận may rủi. May là nếu Cha và người trong hội đồng giáo xứ xuất hành đi về hướng nhà tôi trước thì còn quà, đi sau thì hết. Lần đầu tiên trong những năm có “chân” trong danh sách người nghèo, nhà tôi được nhận cái bánh chưng chúc Tết. Má tôi xúc động ngẩn người, hai tay run run đỡ lấy từ tay Cha, kính cẩn như đón nhận một hồng ân to lớn. Bánh “lộc” chỉ nhỉnh hơn một chút so với chiếc bánh gạo thừa Má gói cho tôi  vui thích ngày còn bé. Từ khi giáo xứ lập ra truyền thống tương thân tương ái này, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất gia đình tôi được Cha xứ đến chúc tuổi đầu năm, kèm theo món quà thực tế có chút hương vị ngày xuân. Những năm Cha đến chúc “chay”, con tôi ngơ ngác hỏi, ngoại ơi sao nhà mình nghèo hơn nhà khác mà Cha không cho bánh chưng? Má tôi xót ruột, thương cháu ứa nước mắt!

    Má tôi ngày xưa cũng mệnh phụ đài các, giàu có sang trọng. Ai làm nên dâu bể đổi dời. Ngày quốc hận cắt chia đất nước, di cư vào Nam tuy Má không còn sang giàu quyền thế thì cũng “thường thường bậc trung”, phong thái, phong lưu chưa mất hết. Dù có những lúc nghèo túng, ba chìm bảy nổi, nhưng lúc nào Má cũng giữ được phong cách nền nã ung dung, bước ra đường là áo dài khăn nhung vấn. Sau này tôi không tìm thấy được hình ảnh của Má nơi các bà “Bắc kỳ” khác. Sao không thấy ai vấn khăn nhung giống Má tôi?

    Vận nước lại một lần nữa đen tối. Xã hội chủ nghĩa… đồng nghĩa với đói nghèo khốn khổ, cơ cực lầm than!

    Dù nghèo túng thế nào, ngày Tết Má cũng bằng mọi cách làm cho cháu ngoại một thẩu bánh nhãn. Con tôi ăn bánh này thay cho bánh chưng, kẹo mứt. Cũng coi như có Tết rộn ràng.

    Ngày nay đời sống gia đình tôi khá hơn, Má không còn! Cái Tết cuối cùng Má vẫn chịu nhiều thiếu thốn, cơ hàn. Ngày Tết bình lặng đìu hiu, như mọi ngày buồn. Mùa xuân không đến viếng nhà. Và chưa hết tháng giêng năm đó Má ra đi cõi khác. Cuộc đời Má tôi thật buồn bã bi ai đoạn cuối đường trần!

    Ngày nay nhiều gia đình không còn phải chờ đến Tết mới có được những món ngon, hoặc phải đợi lúc ốm đau mới được ăn tô phở, miếng giò lụa!  Ngày thường hơi thích món gì ăn liền món đó. Mãi rồi rất khó nghĩ ra được món nào có thể làm ta ứa nước miếng thèm thuồng. Các bà nội trợ tận dụng “chất xám” mỗi ngày nghĩ món ăn, sao cho ngon lạ lúc đi chợ. Nên ngày Tết chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần, nét văn hóa  truyền thống dân tộc, nhưng kèm theo “nỗi buồn” thêm tuổi… già.  Mâm cơm ngày Tết cúng ông bà cho đúng lễ nghi, không còn được háo hức mong đợi như ngày xưa. Đối với những gia đình khá giả giàu có, người ta thích thú chơi Tết, hơn ăn Tết.

    Những cái Tết sau này của nhà tôi tuy no đầy phủ phê bánh trái ngập tràn. Nhưng không có loại bánh mứt nào thơm ngon, ngọt ngào béo ngậy giòn tan như bánh nhãn của Má, viên bánh có vị trí bất hủ trong ký ức. Không có mâm thức ăn nào đủ hương vị đặc thù ngày Tết như thức ăn Má tôi làm khi xưa…

    Ngày đầu năm, tôi luôn có cái cảm giác bổi hổi tiếc nuối những xuân xưa, như người ta ngơ ngẩn tiếc “Ông Đồ”  thời quá vãng của Vũ Đình Liên.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
………………………….
Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
 
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa          
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

 
Hoàng Thị Thanh Nga

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com