User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

*Tản văn

      Tính đến tháng này tôi đã sống xa nhà cả nửa vòng trái đất hơn bốn mươi năm, mấy năm tạm cư du học thời còn trai trẻ và bốn mươi năm định cư nơi xứ người! Chữ "định cư""xứ người" tôi không biết nên chấm than (!) hay chấm hỏi(?) hoặc chỉ một dấu chấm dứt câu gọn "bâng". Tôi sinh ra ở làng quê, hốc bà tó, đến năm học "Đệ thất", lớp 6 là đã phải sống chín tháng xa nhà mỗi niên học. Điều làm tôi ngạc nhiên, càng về già càng lấy làm lạ là mỗi khi nhớ nhà, mà tôi hay nhớ nhà lắm, tôi thường nhớ đến hình ảnh "Nhà Dưới- Cửa Sau", mặc dù tôi sống quây quần cùng Ba Má, anh chị em ở "nhà dưới - cửa sau" vỏn vẹn có mười một năm tròn và bảy lần ba tháng lẻ... trong những năm Trung học đệ nhất và nhị cấp.

      Tôi không dám lạm bàn về nhà cửa của người miền Bắc "ngàn năm văn vật" hoặc người miền Trung "Hoàng thân quốc thích", chỉ mách đôi điều về nét đơn sơ, xập xệ trong những căn nhà thôn quê, bên cạnh giòng sông, con rạch hay mương ao thường thấy của người Nam "sông nước miền Tây", như nhà Ba Má tôi chẳng hạn.

Chiều chiều ra đứng cửa sau
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều

    Không phải chỉ có những cô gáí lấy chồng xa mới thắt thẻo nhớ nhà, ra đứng cửa sau của căn nhà dưới để vời trông về quê Mẹ rồi hoá thành Ca dao. Tất cả chúng ta đều có lúc ngậm ngùi thương từng con chữ ấy! “Nhà dưới” ở quê mình quả có khác cái “family room” mà chúng ta đang có nơi phương trời Tây. Vào nhà dưới thường phải bước qua ngạch cửa, nơi Ba từ ngoài vườn mới vào, ngồi nghỉ mệt chờ ăn cơm trưa hoặc Mẹ ngồi ngóng ra đường, đợi con đi học về; có khi là nơi để các con chùi chân vì lội mưa, dính sình bùn. Nhà dưới luôn có cái tủ đựng chén, diã, muỗng, đũa... tiêu muối, nước mắm, bên cạnh là vài cái tĩn chứa muối hay gài mắm cá, mắm ba khía hoặc dưa mắm. Có cái lu hay khạp da bò chứa gạo, lon sữa bò đong gạo, cái bếp với vài bộ ba ông táo đen đủi như ông lọ nồi. (không thấy mấy ông tắm rửa gì dù là ngay ngày 23 tháng chạp, phải lên trời “méc” chuyện thế gian). Nhà dưới còn có bàn tròn với cả chục cái ghế đẩu bốn chân bằng gỗ tạp dùng làm bàn ăn cơm gia đình, có thể thêm mộ hay hai bộ ngựa gỗ, chắc chắn sẽ treo cái võng để Mẹ đưa võng ru con Út hoặc Ba nằm ngủ trưa. Nhà dưới không thể thiếu quầy củi, được cắt, chẻ từ những cành cây khô, bẹ dừa già rụng ngoài vườn. Tôi thích nhất vẫn là những bó lá dừa khô, cột bằng dây chuối vừa một ôm người dùng để nhóm lửa hoặc làm cây đuốc soi đường cho  hàng xóm về nhà những đêm tối trời. Tôi nhớ những đêm trăng mờ thời tuổi dại, mê chơi nhà hàng xóm về khuya, khi đi ngang bờ trâm bầu giữa đồng không mông quạnh là chúng tôi hè nhau chạy... và tưởng chừng đang nghe bước chân ma rượt theo sau lưng.

     Hồi còn ở bậc Trung học, những cuối tuần đạp xe trên con lộ đá lởm chởm từ tỉnh lỵ Vĩnh Long về quận Chợ Lách, tôi phải qua phà “Đình Khao”, qua ba xã Bình Hòa Phước, Phú Phụng,Vĩnh Bình. Lòng tôi thật nôn nao khi gần tới nhà. Vừa tẻ khỏi lộ đá, tôi say sưa nhìn hàng dừa đang lả ngọn che dù, mấy cây cau đang nhón đọt, cố chọt trời xanh và nhất là mấy dây khói lam chiều trên nóc nhà dưới bay ngoằn ngoèo, vắt ngang mấy đọt cây đang im lìm say nắng. Những vạt khói quyện hồn tôi thả bổng lên cây. Tôi cũng nhớ lần đầu vợ yêu dấu của tôi phải về Việt Nam thăm Ba bệnh nặng. Nhớ nàng quá tôi phải thì thầm.. ”Chắc em thổi buổi cơm đầu, Lá dừa nhóm lửa khói nhầu mắt anh. Cửa sau, cầu nhủi quẩn quanh. Trúc, tre, bóng Mẹ, vườn xanh, khói mờ...”. Tự nhiên nhớ vợ, hóa ra nhớ nhà!!!

      Riêng căn nhà dưới của Nhạc gia tôi cũng làm mất giá phi công “lù khù” dễ như chơi! Lần đầu đưa Ông, Bác và Ba Má tôi đi coi mắt vợ. Hỏi thăm và ghé vào trại cưa, cũng là nhà của hôn thê. Hai gia đình đang trịnh trọng, y phục chỉnh tề, ngồi vào bàn giữa, dùng trà nuớc, bánh ngọt... bỏ quên tôi ngồi một mình bên bộ divan. Vậy là chàng phi công trẻ “lù khù” hiên ngang đi vòng qua nhà dưới, vào tận mấy phòng ngủ phía sau hai tấm màng vải thêu hoa, gặp người đẹp và hỏi ”Sao em không ra chào Ba Má?” Tôi thấy mặt mày người yêu và mấy cô em vợ xanh như tàu lá chuối, nhất là Út  “Trời ơi! Sao dám vô đây. Ba Má thấy là chết!!!” Mãi về sau Ba Má vợ tôi biết chuyện, chỉ cười ngất. Ông Nhạc tôi còn phán “Nó bay khắp nước Mỹ, khắp xứ mình, thì còn biết sợ ai?”

      Cửa sau của căn nhà dưới thường hướng về bến nước. Nhà bếp, cửa sau, sàn nước, cầu nhủi... thường kề bên nhau, chỉ cách nhau một hàng lu chứa nước mưa, một trong các lu nước có đậy nắp được trang bị thêm một cán mút nước bằng gáo dừa. Đây là xứ sở của Mẹ, của Chị, hình tượng người phụ nữ Việt Nam đảm đang, cao cả, một đời chỉ biết hy sinh cho chồng con. Hình ảnh Mẹ ngồi trên bộ ván vá áo các con và Ba ngồi nơi bàn ăn đọc báo, quan tâm chuyện thời sự, lo cho mấy thằng con đi lính là hình ảnh dễ thương còn mãi trong lòng tôi. Tôi không có Chị, nên chính bản thân từng giúp Má giặt giũ, nhóm lửa nấu cơm, thậm chí phụ làm cỏ vườn, tắm em... Mùa nước rong có khi tôi cõng mấy đứa em ra đến ngoài lộ đá cho chúng đi học. Cửa sau cũng là nơi anh em tôi trốn đi chơi, tới khuya mới lẽn về, dùng thanh sắt giẹp mở cái móc nhỏ, rón rén chui vào mùng đã căng sẵn trên bộ ngựa gỗ.

    Những khi Ba Má vắng nhà thì “nhà dưới- cửa sau” cũng là nơi tôi và các bạn trai gái hàng xóm tập các tuồng cải lương, tập đàn ca tài tử... để rồi có đứa yêu nhau, giang hồ khắp các chiến trường, lại về nhà cưới cô hàng xóm “hồi nhỏ thì gọi mầy tau, lớn nên chồng vợ chung nhau một giường….”

     Cửa sau nhà tôi hiện tại, người yêu trồng nhiều thứ hoa trái. “Tháng ba hoa cải trổ vàng. Lòng tôi ngờ ngợ nhớ hàng rẫy xưa....” . Người yêu cũng mặc áo bà ba, đội nón lá, lom khom cắt tỉa, bông cải vàng cả vuông sân... sao tôi không có cảm giác đang ở đâu đó nơi “nhà dưới- cửa sau” nhà mình ???
 

 

Phạm Tương Như
16 /03/2015

 

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com