.
Phương nhờ tôi làm phù rể cho đám cưới của hắn, tôi nhận lời ngay, một là để giúp bạn hai là có dịp ngắm nhìn hay làm quen với vài người đẹp.
Ở nhà quê, thông thường người ta chọn một phù rể là một người còn trẻ đã có vợ con, đi đứng chỉnh tề, nói năng lễ phép, làm đúng thủ tục. Lần đầu tiên, tôi bị một anh bạn bắt tôi phải làm phù rể cho anh cưới vợ ở vùng Bà Điểm, tôi từ chối nhưng anh bảo:
- Cậu cứ làm, có anh bên cạnh, anh sẽ nhắc tuồng cho cậu, miễn là cậu phải bình tĩnh trước các ông bà già khăn đen áo dài, chễm chệ ngồi ở bàn giữa, hoặc các cô gái quê của “mười tám thôn vườn trầu”.
Tôi đành phải nghe theo lời anh bạn, quả nhiên tôi làm tròn vai trò phù rể của đám cưới đó, sau nầy có vài người bạn khác nhờ, tôi có kinh nghiệm và tự tin, không cần đến người nhắc tuồng, tôi ứng xử tùy theo tình huống, rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Ngày xưa, trong đám tiệc người ta hay bắt lỗi bắt phải, để tỏ ra họ nhà trai hay nhà gái có người tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phép tắc của đạo thánh hiền hoặc giữ tròn nề nếp gia phong.
Về hai cô phù dâu, thường người ta chọn hai phù dâu có nhan sắc kém hơn cô dâu, nhờ vậy cô dâu sẽ nổi bật vẻ đẹp. Trường hợp đám cưới bạn tôi cũng không có ngoại lệ, một cô phù dâu nước da trắng, tóc dài mặt xương, sắc đẹp chỉ trung bình, một cô phù dâu nước da bánh mật, tóc cắt vừa chấm vai, miệng nhỏ, mũi cao, trông dáng điệu có vẻ thùy mị hơn cô kia.
Tiệc tan, khách mời đã ra về hết, chú rể nhờ tôi phụ giúp mang quà cáp về nhà, cô phù dâu nước da bánh mật cũng được nhờ phụ giúp, nhờ đó tôi được biết cô ta tên là Thu Cúc.
Khi mọi việc xong xuôi hết ở nhà hàng, cô dâu và chú rể lại nhờ tôi:
- Cám ơn Thanh đã giúp cả ngày nay, bây giờ còn chuyện nhờ sau cùng, bạn làm ơn lấy taxi đưa Thu Cúc về nhà ở ngã tư Bình Thạnh dùm, vì bây giờ đã khuya, khu đó lại vắng vẻ nữa, làm ơn thì làm ơn cho trót nghe.
Thế là tôi lấy taxi và đưa Thu Cúc về nhà ở gần cầu Băng Ky, đúng như bạn tôi nói, đó là khu ít người qua lại ban đêm. Đến nhà, Thu Cúc bảo xe dừng, tôi dặn tài xế chờ tôi quay về, rồi tôi đưa Thu Cúc đến cửa nhà nàng. Người nhà mở cửa, đó là một phụ nữ lớn hơn Thu Cúc vài tuổi, tôi đoán có lẽ là chị của cô ta, để cho phải phép, người phụ nữ mời tôi vào nhà, nhưng tôi lấy lý do xe taxi đang chờ đợi, nên xin phép cáo từ.Trên đường về, hình ảnh Thu Cúc vẫn còn vương vấn trong tôi.
Sau đó, vợ chồng Phương mời cả phù dâu và phù rể đi ăn sáng ở nhà hàng Thanh Thế, nói là để cám ơn chúng tôi, nhưng cũng là để nới rộng giao hảo và thắt chặt tình bạn bè. Dịp nầy, tôi được biết vợ của bạn tôi và Thu Cúc là bạn học cùng lớp, ở một ngôi trường danh tiếng tại thủ đô.
Rồi tôi đến nhà thăm Thu Cúc, sau vài lần quen biết, nàng nhờ tôi giúp giải những bài toán khó, do đó tôi dành mỗi tuần vài đêm đến nhà nàng kèm thêm môn toán. Gần nhau lâu ngày, tình yêu đã nảy nở tự nhiên. Một hôm vào ngày nghỉ, nhân tiện có dịp đi ngang qua nhà, tôi ghé lại thăm Thu Cúc, nhưng nàng không có ở nhà, người cô nàng cho biết, nàng theo bạn học trong lớp đi sinh hoạt đến chiều tối mới về. Thời gian đó, tôi nghe phong phanh có phong trào “CTY” phát sinh trong trường nàng. CTY có nghĩa là Cho Tình Yêu, là phong trào để ủy lạo chiến sĩ đang chiến đấu ngày đêm gian khổ ở chiến trường.
Từ đó, tôi lấy lý do bận học thi ra trường, nên xa lánh Thu Cúc từ từ. Năm sau, tôi ra trường lên dạy ở cao nguyên, rồi lập gia đình với cựu nữ sinh cùng trường với Thu Cúc.
Đám cưới của tôi, tôi không mời cũng không báo tin, nhưng trong tiệc cưới bỗng nhiên Thu Cúc hiện ra với bộ quần áo toàn trắng, riêng trên chiếc áo dài thêu điểm rơi rớt vài cái hoa cúc vàng, tiến đến bên chúng tôi đang đứng chào đón khách mời, sau cái gật đầu chào, nàng bình tĩnh nói:
- Tối hôm qua, em tưởng anh có về nhà trọ cũ, nên mang quà đến tặng, không gặp anh, em đã gửi quà lại đó, anh chịu khó trở lại nhà cũ nhận quà của em.
- Cám ơn Cúc. Mời Cúc vào trong có vợ chồng Phương và Hồng đã đến dự.
- Cám ơn anh chị! Em phải về !Như anh biết ở chỗ em vắng vẻ, lại không có ai đưa đi, nên em xin phép về trước. Chúc anh chị hạnh phúc.
- Dù sao thì Cúc cũng đã đến rồi! Xin vui lòng dự tiệc chung vui với chúng tôi.
- Xin lỗi anh. Dự tiệc mà nửa chừng về không phải phép với khách tại bàn. Cho nên xin phép anh chị.
Nói xong Thu Cúc quay lui, tôi phải đưa nàng đến cửa thang máy và nói:
- Xin lỗi Cúc.
Nàng đáp lại, giọng xúc động:
- Không dám!... Chào anh.
Hôm sau, tôi trở lại nhà trọ cũ, nhận được gói quà gọn nhẹ, tôi mang về nhà cùng vợ tôi mở ra, trong đó có một đĩa nhạc Thương Hoài Ngàn Năm với giọng hát của ca sĩ Phương Dung và một tập Album bìa đỏ. Lật ra ngay tờ đầu với hai hàng chữ của Thu Cúc viết rất bay bướm:
Thương hoài ngàn năm.
Em… tin rằng đó là tình của anh với chị.
Nhà tôi xem xong im lặng, tôi chỉ nghe đĩa hát ấy có một lần, sau nầy không biết nó ở đâu, mặc dù tôi rất muốn giữ nó làm kỷ niệm, còn quyển Album tôi dán ảnh tiệc cưới, nên nó vẫn còn.
Năm sau, từ cao nguyên về, phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lúc ra đi ngang qua phòng chờ đợi, trông thấy Cúc ngồi đó, chào nhau xong tôi hỏi:
- Cúc đợi máy bay đi đâu?
- Dạ ! Em xin được chân dạy học trên Phước Long, nên hôm nay đi lên đó!
Từ đó, tôi không gặp lại Thu Cúc nữa. Cuối năm 1974, nghe tin Phước Long mất, rồi biến cố 30 tháng 4 năm 1975, kẻ ở lại người ra đi, kẻ vượt biên người vượt biển, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, thỉnh thoảng mang quyển Album tiệc cưới ra xem, những hình ảnh người thân, bạn bè làm cho tôi chạnh nhớ tới Thu Cúc, với dòng chữ đầy ắp tâm tình “Thương hoài ngàn năm”.
19-III-2015
Huỳnh Ái Tông