1960 - Sài Gòn, thủ đô văn hóa miền Nam mới nghe tưởng như là một danh xưng giai đoạn, chưa chắc đã là một thực thể, song người ta không cần phải giải thích khi nơi đó có đến ba bốn viện đại học lớn, những trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ, nơi đặt trụsởcác trung tâm văn hóa Đông Tây (Hoa Kỳ, Pháp, Đức,...), nơi hàng tuần có những cuộc diễn thuyết và triển lãm nghệthuật, nơi hàng ngày có trên mười tờnhật báo xuất bản.
Danh xưng ấy chưa đúng hẳn, Sài Gòn chính xác hơn là nơi đã xuất hiện những trào lưu học thuật chính dòng, nối nguồn từ di sản văn hóa dân tộc, tồn tại lâu dài, những trường phái văn nghệ ảnh hưởng trong cả nước mãi mãi, Sài Gòn là thủ đô văn hóa Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi, điểm cao nhất của văn chương báo chí là năm 1960, chính năm này có tới năm bảy tờ báo văn học cùng xuất bản hay tục bản liên tiếp: Hiện Đại (Nguyên Sa, tháng 4, 1960), Thế Kỷ Hai Mươi (Nguyễn Khắc Hoạch, 7, 1960), Sáng Tạo (Mai Thảo, bộ mới số 1 tục bản tháng 7, 1960). Tờ Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong cũng có mặt song hành, nhưng do người phụ trách biên tập quá rụt rè thận trọng, nên còn bước đi chập chững.
Nhà thơ Nguyên Sa và Trịnh Thúy Nga tại Paris năm 1953.
Ảnh trong Thơ Nguyên Sa tập cuối cùng, tháng 7, 1998.
Nguyên Sa có mặt trên Sáng Tạo bộ cũ từ cuối thập niên '50 nhưng mãi đến ‘60 mới đứng ra chủ trương tờ Hiện Đại, hai số đầu của Hiện Đại giống như Sáng Tạo bộ cũ, kể cả tên tuổi tác giả in ngoài bìa: Dẫn đầu bởi Mai Thảo, Mặc Đỗ, Thanh Tâm Tuyền, chỉ khác ở chỗ có thêm nhóm các giáo sư Nguyễn Duy Diễn, Lữ Hồ, Lê Xuân Khoa, Lý Quốc Sỉnh, Thuần Phong, Lưu Trung Khảo, ... và phần trị sự có ít ra là hai người: Thanh Nam, Thái Thủy, trong khi Sáng Tạo chỉ có duy nhất một người quản trị là Anh Đặng Lê Kim, hiện nay [2015] đang ở bên Úc. Nghĩ đến Nguyên Sa, viết về Nguyên Sa, bài viết cũng sẽ cách quãng như sự có mặt của ông từ số đầu trở đi. Bài thơ đăng trên Sáng Tạo bộ cũ, số 6, tháng 12, 1956 sẽ còn được nhắc nhở như một tiêu biểu của thơ ông.
Hãy Đưa Tôi Ra Bờ Sông
Nguyên Sa
Hãy đưa tôi ra bờ sông
Để tôi nhìn cho rõ
Tôi nhìn dòng nước chảy
Tôi nhìn tôi bơ vơ
Nhìn bờ sông tìm bờ sông bên kia
Khi lòng sông gặp biển
Hãy đưa tôi ra bờ sông
Để tôi nhìn tôi hò hẹn
Rồi tôi rủ tôi quên
Quên dòng nước chảy
Quên thời gian trôi
Bằng bước chân dòng sông
Không để lại gì trên cát
Tôi rủ tôi quên
Cả dòng sông trôi
Bằng bước chân phù sa
Không để lại gì
Trừ một người bơ vơ
Đã xây nhà bên bờ sông đất lở...
Có mặt trên Sáng Tạo từ số 1 (10, 1956), đến số 31 (tháng 9, 1959) Sáng Tạo ngưng xuất bản, Nguyên Sa đóng góp đủ thể loại. Về tiểu luận, số 1: “Kiến thức rộng và chuyên môn.” Số 3: “Hồ Xuân Hương người lạ mặt.” Số 8: “Vấn đề triết học căn bản.” Số 11: Triết học Kant.” Về truyện ngắn: “Người con gái trong truyện liêu trai,” số xuân 1958). Về thơ có từ số 2, số 6, ... trên số cuối cùng có nguyên 3 trang, bắt đầu từ trang 7 - sau bài luận thuyết “Nỗi buồn trong thơ hôm nay” của Thanh Tâm Tuyền - , nhan đề là “20,” “Tháng Sáu trời mưa,” sự cộng tác của ông với Sáng Tạo kể như sự cộng tác từ số đầu tới số chót. Nhưng Nguyên Sa không có tên trong bộ biên tập của tờ báo. Không thể nói thơ Nguyên Sa là thơ mới kiểu tiến chiến (1932-1945). Bài “Hãy đưa tôi ra bờ sông” ở trên là một bài thơ tự do, không cốt yếu giữ vần hay nhịp điệu ở hai câu, bốn câu, hay tám câu đi nữa. Nhịp thứ nhất chấm dứt ở sau câu thứ sáu. Nhịp thứ hai bắt đầu từ câu bảy tới câu mười hai. Nhịp thứ ba là sáu câu cuối cùng. Một bài thơ tự do từ nhịp điệu, ngôn ngữ, câu cú (câu 4 chữ, câu 5 chữ, câu 6 chữ, 7 chữ và 8 chữ) đến ý tưởng: Tôi rủ tôi quên hết không để lại gì, trừ tôi ra. Mà tôi là ai? - “Một người bơ vơ đã xây nhà bên bờ sông đất lở.” Đây là một bài thơ tự do có đặc tính Nguyên Sa: nhẹ nhàng, những câu hỏi ngược duyên dáng, không lộ tính văn học sinh tử chủ nghĩa, có lẽ vì ông là một nhà giáo dạy Triết, không thấy gì là quan trọng nên cái quan trọng trở thành những câu hỏi đùa không đợi trả lời.
Paris có gì lạ không em?
Nguyên Sa
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cảnh chim
Paris có gì lạ không em?
Mai anh vè giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo dòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi làn tan một chút sương sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa...
Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
Với những bài thơ tương tự bài trên, Nguyên Sa đã mở rộng một khung cửa cho thơ miền Nam mở ra thế giới. Và tình yêu một khi xa cách, có khác gì một vừng mây bay qua, không sầu thảm chết chóc gì, đất trời không sụp đổ như trong thế giới của Đinh Hùng, của Vũ Hoàng Chương.
Nhà thơ Nguyên Sa tên khai sinh là Trần Bích Lan (1 tháng 3, 1932 – 18 tháng 4, 1998) người Hà Nội, qua Pháp du học năm 1949. Năm 1953 học Triết ở đại học Sorbonne. Năm 1955 lập gia đình với cô Trịnh Thúy Nga ở Paris và năm sau hai vợ chồng về Sài Gòn. Ông dạy ở Chu Văn An, đại học Văn Khoa và mở trường Văn Học của riêng mình. Nguyên Sa tham gia hai hội đoàn là Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và Tổng Hội Giáo Giới Việt Nam, chức vụ phó hội trưởng. Nhập ngũ năm 1966, Thủ Đức khóa 24, và phục vụ tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử cho đến 1975.
Trong suốt ba năm cộng tác với Sáng Tạo, thơ văn Nguyên Sa không lẫn với ai được, và vẫn nổi lên thành một hình tượng riêng, từ chữ dùng, cách viết, lẫn nội dung những bài thơ. Trong thời gian Sáng Tạo ngưng xuất bản, từ tháng 9, 1959 tới tháng 7, 1960, Nguyên Sa xuất bản tờ báo riêng của ông: Tạp chí Hiện Đại số 1 ra mắt vào tháng 4, 1960. Các cây bút chủ chốt của Sáng Tạo có mặt ngay từ số đầu của Hiện Đại: Mai Thảo viết “Những người ở khách sạn,” Duy Thanh viết “Ngưỡng Cửa". Tới số 2 Thanh Tâm Tuyền gửi “Buổi sáng Chủ Nhật,” Mai Thảo “Luân,” Mặc Đỗ “Con mắt có đuôi.” Viên Linh dạy học ở Ban Mê Thuột, không gửi bài, mà “Bài Phượng Liên” lại có mặt, do một người bạn tự ý đưa vào. Nhưng bất ngờ, sau tám tháng im lặng, Sáng Tạo tục bản, đề số 1 bộ mới, mở cuộc “thảo luận bàn tròn,” chủ đề “Nhân vật trong tiểu thuyết” và chính thức công bố Bộ Biên Tập, chỉ có [theo abc]: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp, tám người. Nguyên Sa không có tên. Từ số 3 trở đi, cho tới khi đóng cửa, số 9, trên Hiện Đại cũng không còn tên tuổi bài vở của Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền nữa. Trong khi đó, Hiện Đại số tháng 7, 1960 ra cùng tháng với Sáng Tạo số 1 bộ mới, có một nội dung rất phong phú, người ta thấy phụ bản tranh in offset của Tạ Tỵ, bài vở của Bình-nguyên Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Mặc Đỗ, Nguyên Sa, Nguyễn Duy Diễn, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Đinh Hùng, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương. Và lại nữa, cũng tháng 7 này, một diễn đàn văn học nghệ thuật mới lần đầu xuất hiện rất bề thế, khổ lớn và in nhiều phụ bản đẹp, đó là tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi của nhà thơ Trần Hồng Châu (Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch - đang là khoa trưởng Đại Học Văn Khoa), với bài vở của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Đinh Hùng, do họa sĩ Ngọc Dũng làm thư ký tòa soạn. Năm 1960 đã mở đầu một thập niên tươi sáng của Văn Học Miền Nam.
Viên Linh