User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Đi Tìm Đứa Trẻ Trong Căn Nhà Của Mình

Khi ta còn bé, có một nhà thơ tí hon mơ giấc mơ cùng ta đêm trăng sáng. Khi ta lớn lên, nhà thơ ấy nhỏ lại, sống lẩn lút đâu đó trong căn nhà của giai đoạn trưởng thành. Khi bạn muốn tìm gặp, người ấy lúng túng ngượng ngập như đứa trẻ đỏ mặt lên lúc có người lớn cúi xuống bắt tay. Nếu một hôm nào bạn bỗng muốn ngồi xuống viết một bài thơ, rồi táo bạo hơn nữa bạn đọc to bài thơ ấy lên, xúc cảm dâng trào, bạn tưởng ai nấy đều khóc. Nhưng đọc xong, chẳng ai nói lời nào. Mọi người ngơ ngác không biết bạn muốn gì, kín đáo mỉm cười, cha mẹ bạn lắc đầu ái ngại. Lo cho tương lai của con mình.

Mà tương lai của bạn cũng đáng lo.

Vì thơ ca không dành bất kỳ một lời hứa nào cho người đến với nó cả: công danh không có, tiền bạc càng không. May ra nó tặng bạn một món quà. Nếu ngày nào bạn in được một tập thơ, nhà xuất bản sẽ gởi nhuận bút bằng ba tập thơ biếu, một để đem khoe với bạn bè, một để đem về cho mẹ, nếu bà còn sống, và một để bạn cất đi, thỉnh thoảng đem ra đọc lại trong chiều mưa gió.

Nhưng bạn viết để tạo nên mối liên kết giữa mình và sự vật. Càng lắng nghe, một người càng trở nên toàn vẹn với mình. Thay vì mở rộng sự khác biệt giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa trái và phải, giữa buồn rầu và hài hước, giữa thành công và thua cuộc, giữa hận thù và tha thứ, thơ có khả năng mang chúng lại gần nhau trên bề mặt tiếp nối, giao kết. Bắt đầu từ những người gần gũi nhất, những vật quen thuộc nhất.

Bạn thử nhớ một người bạn cũ:

Người ở bên trời ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này

(Huy Cận)

Một người hàng xóm?

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong

(Nguyễn Bính)

Tình mẫu tử.

Nửa đêm nhớ mẹ tôi thường khóc
Xin tụng giùm nhau kinh vãng sanh

(Du Tử Lê)

Tình anh chị em.

Tôi không bao giờ biết cánh cửa mà tôi đi qua
Để bước vào thế giới này
Đã được làm ra
Bởi anh tôi, bằng cơ thể mình. Anh ấy cao
Hơn tôi một tí: chàng trai trẻ rất xinh

I have no idea that the gate I would step through
to finally enter this world
would be the space my brother’s body made. He was
a little taller than me: a young man

Đó là Marie Howe, cô viết về anh trai của mình. Những câu thơ có vẻ bình thản chứa đựng sự âu yếm dành cho người anh, lòng tự hào. Nếu bạn có một người chị hay anh, bạn dễ cảm nhận điều ấy.

Ngôn ngữ, trang giấy, màn hình, tạo cho bạn một môi trường riêng tư và ấm áp, một chỗ kín đáo để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình. Một xã hội chỉ biết chú trọng đến các tiến bộ kỹ thuật, các thú vui vật chất, các tăng trưởng kinh tế, mà không chú ý đến các quan hệ giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, không chú ý đến các niềm tin, vẻ đẹp tâm hồn, đến khuynh hướng thơ mộng của tuổi mới lớn, là một xã hội đang gặp nhiều rắc rối. Điều đáng mừng là bất chấp những khó khăn, nhiều người bắt đầu nhận ra bài học về hai thứ đang ngày càng mất đi: các giá trị đạo đức và các giá trị tâm hồn. Sự giàu có của một đời sống xã hội bao giờ cũng bao gồm sự giàu có vật chất và tâm linh. Hiện tượng nhiều người làm thơ, nhiều tập thơ được xuất bản, tuy với chất lượng khác nhau, một mặt đặt ra những vấn đề về học thuật, mặt khác là hiện tượng chứng tỏ con người còn biết đi tìm trong thơ những điều họ không tìm thấy trong đời sống xã hội. Người mới viết chỉ cần một sự hướng dẫn đúng đắn, khiêm tốn, đàng hoàng, ở vào tuổi càng sớm càng tốt.

Muốn đọc thơ và làm thơ, bạn cần học im lặng, tập lắng nghe. Để đi đến trung tâm của sự thật, bản chất của vẻ đẹp, đầu mối của hạnh phúc và đau khổ, bạn cần biết im lặng và lắng nghe sự im lặng, tìm thấy ở đó sự tỉnh thức. Những người yêu mến văn chương quý trọng sự tinh tế, biết quý trọng sự sống, hơi thở, bầu không khí, sự giao hòa của trời đất, xa lánh các lý thuyết đấu tranh hận thù, xa lánh sự giả dối, thói khôn vặt, biết kính chào mặt trời buổi sáng như một mặt trời mới.

Làm thơ, tất nhiên cần cảm hứng. Nhưng cảm hứng thôi, chưa đủ. Cũng như đối với một bản nhạc, một bức tranh, không những người chơi đàn hay vẽ tranh phải học, mà người nghe nhạc hay nhìn tranh cũng phải học. Cũng như đối với sáng tạo, sự tiếp nhận cần được học. Chữ chỉ đến với bạn cũng như một nốt âm nhạc đến với nhạc sĩ khi bạn sẵn sàng tiếp nhận. Bạn mở hết các cánh cửa, nhớ lại cảm xúc, kinh nghiệm. Như thể không phải bạn đang ngồi sáng tác một bài thơ hay một bản nhạc, mà chính trái tim bạn đang làm điều ấy. Bạn tập trung, quan sát những điều đang diễn ra, sống lại những giây phút nào đó trong đời, để tự chúng bày tỏ. Bài thơ xuất hiện như một ý tưởng hay một hình ảnh, hay một ý tưởng thông qua một hình ảnh, mà người xưa gọi là tứ. Người làm thơ gặp khó khăn vì trước mặt họ có biết bao tác phẩm hay của tiền nhân. Đúng là:

Nhớ thuở xưa khi chưa có ta đường đi thênh thang
Kịp đến khi có ta chông gai mênh mang

(Vũ Hoàng Chương)

Nhưng bạn hãy cứ là mình. Một bài tập nhỏ: bạn có bao giờ nhìn thấy mùa hè chưa? Nếu đã từng, bạn thử viết ra điều ấy, và chỉ một mùa hè thôi, của riêng bạn. Như Xuân Tâm.

Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở vườn quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ

Hay mùa thu? Như Đinh Hùng:

Hôm nay có phải là thu
Mây năm xưa đã phiêu du trở về

Đó là thơ lục bát. Bạn thử làm thơ lục bát, chẳng hạn, và về bất cứ đề tài gì, miễn là lục bát. Thế là bạn đã bắt đầu.

Học kỹ các thể thơ và quy luật của chúng

Những năm gần đây hình như ở giới sáng tác người Việt, việc học tập, trau dồi các thể thơ, làm chủ chúng về mặt nghệ thuật ngày càng không được nhấn mạnh như trước, bị quên lãng. Kèm theo nó là sự coi thường lý luận và phê bình văn học. Kèm theo sự coi thường ấy là việc chúng xứng đáng bị coi thường. Sự chiến thắng của thơ tự do trong khoảng nửa thế kỷ nay, mặc dù là một thành tựu lớn về nghệ thuật, lại tạo ra một bước lùi khác trong nhận thức của nhiều nhà thơ. Nhiều người không làm chủ được các thể thơ dân tộc. Vẫn biết một nhà thơ tự do xuất sắc không nhất thiết phải làm thơ lục bát cho hay, nhưng họ cũng phải biết những quy luật tối thiểu và phải làm được những bài thơ trong các thể thơ có luật ở trên mức trung bình. Không phải tự nhiên mà các thể thơ có vần đã sống lâu dài trong lịch sử.

Trong khi việc nhồi nhét các quy luật, học tập một cách máy móc, là việc cần tránh, thì ngược lại chúng ta không nên rơi vào cực đoan khác, đó là bỏ qua vai trò của trí nhớ và những ước lệ căn bản. Cần nhớ rằng họa sĩ thiên tài Picasso trước khi vẽ những bức tranh có tính cách mạng, trừu tượng hay lập thể, ông đã từng tập vẽ chân dung, tập vẽ truyền thần sao cho thật giống với ngoài đời. Trước khi bạn vẽ đẹp, bạn cần biết vẽ sao cho giống.

Đừng tìm cách kiểm duyệt chính mình. Đừng vừa viết vừa sửa. Bạn phải để mặc cho ý tưởng trào ra từ ngòi bút, như một người có dịp kể lại với người thân câu chuyện đời mình, hay ngồi trong đêm kể chuyện với bức tường. Bạn phải viết về người quan trọng nhất của đời mình và trước hết phải bắt đầu bằng người ấy.

Có thể là cha hay mẹ, anh chị hay em, bè bạn, hay một người mà ta đã gặp đâu đó trong đời, nghĩ về người ấy, may mắn hoặc xấu số, và tưởng tượng bạn có món nợ tinh thần phải trả. Bạn hãy nghĩ đến hoàn cảnh mà mình đã gặp, sáng hay chiều, bến đò hay ga xe lửa. Nếu bạn ngấm ngầm căm ghét một người nào, một nhân vật được nhiều người khác kính trọng như thần tượng, bạn hãy nói thẳng ra. Nếu bạn yêu mến một người nào, một kẻ bị nhiều người khinh ghét, bạn hãy nói thẳng ra.

Có dễ không? Không dễ.

Mẹ tôi không bao giờ tha thứ cho cha tôi
Vì đã tự vẫn
Trong một thời kỳ khốn quẫn rối bời
Ở chốn công viên
Mùa xuân đầu tiên ấy
Khi tôi chuẩn bị ra đời

My mother never forgave my father
for killing himself,
especially at such an awkward time
and in a public park,
that spring
when I was waiting to be born

(Stanley Kunitz)

Xưa nay thơ văn thường buồn. Nhưng giữa những người đang than thở kia, bỗng có một người vui vẻ bước tới, thản nhiên nói:

Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ

Tô Thùy Yên viết được thế là vì ông biết nói thực về một giây phút hiện tại nào đó của mình. Bạn giữ trong tủ áo của mình những cà vạt, những khăn quàng không muốn chia sẻ cùng ai. Bạn quên nó đi, vì không biết phải làm gì với nó, cho đến một hôm bạn mở cánh cửa tủ, nhìn thấy, bạn nhớ lại niềm vui sướng của mình, lòng hối hận.

Nỗi tiếc thương nào, nặng đến đâu bất kỳ
Chúng ta cũng phải mang nó đi

No matter what the grief, its weight,
we are obliged to carry it

(Dorianne Laux)

Do được huấn luyện từ bé, mỗi người đều có thói quen lắng nghe tiếng nói phê bình chỉ trích của chính mình. Tiếng nói ấy là cần thiết trong nhiều trường hợp: khi bạn làm việc, lái xe, diễn thuyết, ngồi trong tiệm ăn, vì chung quanh bạn còn có người khác, bạn không thể tuyệt đối tự do, thích gì làm nấy, vì bạn phải tôn trọng tự do của người khác. Đó là một thói quen vững chắc. Bạn phải rũ bỏ thói quen ấy. Bạn không cần phải hoàn hảo. Bạn không cần phải trở thành một người đàng hoàng đúng mực. Bạn không cần phải chỉn chu.

Trong thơ bạn vứt bỏ những thứ ấy.

Bạn không cần tốt lắm làm chi
Bạn không cần quỳ gối mà đi
Qua sa mạc kia đấm ngực vì hối hận

You do not have to be good.
You do not have to walk on your knees
for a hundred miles through the desert, repenting

(Mary Oliver)

Những kỷ niệm đầu đời của chúng ta thường gắn bó với cha mẹ, ông bà, ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa, chiếc xe đạp, người bạn gái ngồi trước mặt hay khúc khích cười, cây khế, con trâu, tiếng ve mùa hạ, cuốn tiểu thuyết đầu đời, lòng nhân hậu đầu tiên mà bạn gặp trên đường.Có khi nào bạn gọi tên của họ ra trong một bài thơ hay một bài văn không? Nếu chưa thì bạn nên làm. Dưới ngòi bút, những người ấy sẽ hiện về.Lắng nghe tiếng nói của đồng bào đau khổ, tập phẫn nộ với các bất công xã hội, xảy ra trước mặt bạn,ngay bây giờ, trước sự đàn áp của mọi bạo lực, dù chúng nhân danh bất cứ một điều gì. Tập nói lớn lên bằng các chữ im lặng.

Đọc lớn lên

Thơ trước hết là nghệ thuật ngôn ngữ, nhạc điệu. Ngày nay do thói quen đọc trên sách vở và máy điện toán, không có khán giả, thiếu các sinh hoạt nhóm và sinh hoạt ngoài trời, người Việt chúng ta hình như cũng không có truyền thống biểu diễn, ca hát hoặc nhảy múa nơi công cộng, vì vậy việc đọc diễn cảm hay ngâm thơ ngày càng không được phổ biến. Không gì sánh được bằng kinh nghiệm được nghe tác giả đọc chính bài thơ của mình. Tôi tin rằng tập ngâm thơ là một trong những kỹ năng giúp người ta hiểu hơn và yêu mến hơn tiếng Việt.

Để rũ bỏ tất cả ký ức, tất cả niềm tin, là một điều khó khăn. Tuy vậy khi làm thơ, bạn vẫn cần những giây phút tách hoàn toàn ra khỏi hệ thống các niềm tin của mình, quay lưng lại với các giáo điều, sau khi đã học thuộc một số kỹ thuật căn bản, bạn tập viết một cách tự do, cảm nhận thế giới bằng đôi tai mở rộng, và nhìn sự vật bằng con mắt trẻ thơ. Mỗi ngày làm một việc khiến cho bạn sợ hãi, như Eleanor Roosevelt đã nói.

Sự chồng chất thông tin trong một câu thơ không có nghĩa là tác giả đưa vào đó thật nhiều thông tin, nhiều chi tiết, nhiều sự mô tả, theo nghĩa thông thường.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ

Những câu thơ của Phạm Thiên Thư chinh phục nhiều thế hệ đã không cần dùng đến các kỹ thuật phức tạp. Thật ra thơ hiện nay cũng ngày càng tinh giản, ngày càng gần với văn xuôi.

Hãy so sánh thêm hai đoạn thơ sau đây, đều của Nguyễn Bính:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

Và:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người

Cả hai đều được viết với ngôn ngữ trong sáng, nhưng ý nghĩa của hai câu trên rõ ràng, không thể xê dịch được, trong khi hai câu dưới nghĩa mơ hồ hơn, chứa đựng nhiều thứ hơn mà tác giả không nói hết.

Thay lời kết

Có nhiều cách để trả lời câu hỏi "tại sao người ta làm thơ?", như đã trình bày, và có thể còn nhiều nữa. Nhưng dường như chúng ta không dừng lại ở việc trả lời mà hướng đến những điều khác, đằng sau.

Ví dụ: hỏi để làm gì?

Để đi tìm ý nghĩa cho việc đọc thơ và làm thơ. Thật ra, thơ ngày càng ít được lưu tâm, một phần vì nó bị lấn át bởi các nghệ thuật khác như ca nhạc, sân khấu, phim ảnh, nhưng mặt khác toàn bộ hoạt động nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống quay cuồng trong xã hội tiêu thụ. Làm cho thơ ca ngày càng có vai trò kém đi đối với thanh thiếu niên, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà thơ, vì họ làm thơ dở, sáo mòn, nhưng cũng thuộc về học đường và xã hội.

Các bài thơ được sản xuất ngày càng dễ dãi, các sân khấu thơ được tổ chức ngày càng ồn ào diêm dúa, thì thơ ca ngày càng được viết rất ít.

Bạn phải về nhà, đóng cửa lại, vặn thấp ngọn đèn, ngồi một mình, một góc, một bóng, khóc một mình, cười một mình. Không có cách nào khác.

Nhưng đối với bất kỳ công việc nào, có bao giờ kỹ thuật lại không quan trọng đâu? Bạn phải học ngay từ bây giờ các kiến thức tối thiểu và căn bản, luật bằng trắc, luật của các thể thơ. Bạn phải thuộc lòng một số bài thơ hay, không phải một cách máy móc mà phải nhớ chúng với sự rung cảm. Nếu gặp một câu thơ hay bạn phải cố đọc lại và nhớ lấy. Năm học lớp Đệ thất, tức lớp Sáu bây giờ, tôi gặp bài thơ trong một truyện ngắn của Hồ Dzếnh:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Tôi đọc thấy hay quá nên thuộc luôn, mặc dù không hiểu rõ nghĩa bài ấy lắm. Tôi mơ màng biết rằng tác giả nói về cảnh trăng sáng, sương mờ, sông hồ gì đó, vì nhận ra mấy chữ lõm bõm, nguyệt, giang, sương, và cũng chỉ mấy chữ ấy. Nhưng đọc lên dễ nhớ. Ngôn ngữ cũng như than củi. Càng nén lại bởi sức ép của thời gian, chúng càng cháy đượm, mạnh, bền lâu.

Người làm thơ cần biết biên tập. Nhà thơ Billy Collins đã nói đại ý như sau: "Tôi thường ném giấy nháp đi và tôi ước gì mọi người đều làm thế. Nếu bạn có một con mèo, nó sẽ thích chơi với quả bóng làm bằng giấy vụn, thế thì một bản thảo tồi có thể dùng vào mục đích ấy. Tại sao nhà thơ lại làm độc giả đau khổ trong khi anh ta có thể làm cho một con mèo hạnh phúc?"

Bạn phải bỏ qua sự canh giữ nghiêm mật của quy ước xã hội, chống lại thói tuân lệnh bầy đàn và thói ích kỷ lãnh đạm. Bạn tập chống lại những kẻ thù này của thơ ca trước hết vì chính bạn. Sau khi bạn bắt đầu làm thế, những đồng minh mới sẽ xuất hiện, khuyến khích bạn tới gần hơn với hai sự thật, của cuộc đời và bên trong mình.

Vì trong thơ bạn chỉ có thể nói thật. Nếu bạn không có ý định nói thật, tốt nhất là bạn đừng viết. Các hình thức văn học, đặc biệt thơ ca, là tấm gương soi rất rõ khuôn mặt bên trong của người viết. Nếu bạn cố tình che giấu hoặc làm sai lệch các sự thật như bạn đã chiêm nghiệm, điều ấy thể hiện trên dòng chữ. Khác với những hoạt động tinh thần khác, làm thơ không cần nhiều phương tiện, trang giấy, ngòi bút, chiếc máy computer, thậm chí điện thoại, tờ giấy gói kẹo, lòng bàn tay. Và can đảm.

Sấm sét trên đầu không xô tôi ngã
Bút mực tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

(Phùng Quán)

Làm thơ không phải chỉ là một quá trình thuần túy nhận thức. Đó là một quá trình vừa tinh thần vừa thể xác, trong đó toàn bộ nhịp tim, nhịp thở và nhịp chân bước của chúng ta cũng biểu hiện. Bạn cần lắng nghe ngôn ngữ của thơ không phải chỉ bằng đôi tai của mình mà còn bằng toàn bộ thân xác, không phải chỉ bằng hiện tại mà còn bằng kinh nghiệm trong quá khứ.

Thật sai lầm nếu cho rằng chỉ trong các ca khúc và trong thơ mới có âm nhạc. Nếu ta chú ý lắng nghe, âm nhạc sẽ đến với ta mỗi ngày: tiếng chim hót ngoài trời mưa, tiếng cãi nhau trên xe buýt, tiếng dế kêu trong cỏ, tiếng loa phường gọi đi họp, tiếng một người đàn bà khóc bên vách nhà hàng xóm. Tập phân biệt tiếng nói của người này và người khác, không những giọng nhỏ giọng to, tiếng thấp tiếng cao, mà còn sự thay đổi của nhịp điệu, cách nhấn mạnh các chữ, cách chọn chữ, sự ngừng lại, ngắt câu, người khiêm tốn, kẻ hỗn hào, người thật thà, kẻ giả dối, bạn sẽ nhận ra rằng không phải chỉ có nội dung lời nói mà chính giọng điệu của người nói truyền đi thông điệp: sự quan sát của bạn tinh tường hơn, tâm trí của bạn sắc sảo hơn, và do đó, cuộc đời trở nên giàu có. Bạn sống vui hơn.

Bởi vì bạn đang đi tìm cái tôi chưa bao giờ mất. Trong mỗi con người đều có một cái tôi nhân từ, thương yêu đồng loại, dũng cảm và yếu đuối, ngu ngốc và thông minh, hài hước, nghiêm trang, thơ mộng.

 

Nguyễn Đức Tùng
Tháng Giêng, năm Ất Mùi, 2015, 180 năm sinh nhà thơ Nguyễn Khuyến.

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com