User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Vợ mất sớm, cuộc sống khó khăn, ông Hiển tất bật với việc mưu sinh, việc chăm sóc con cái, không còn thời gian để nghĩ về bản thân.

Khi con cái đã trưởng thành thì ông về hưu, nhưng ông không thấy thanh thản trong lòng, con cái mà ông hết lòng chăm sóc, vắt kiệt sức mình để cho chúng nó ăn học, thế mà bây giờ người làm cho ông buồn lại là con của ông.

Khi thằng Minh, con trai lớn cưới vợ, ông nhường phòng của ông cho nó, rồi khi thằng Ninh cưới vợ thì ông phải ngủ ở phòng khách, phòng còn lại là của cô gái út. Trước hôm đám cưới con gái, ông mừng vì nó lấy được chồng tốt và cũng mừng vì từ nay ông có chỗ ngủ tử tế chứ cái cảnh ngủ giường xếp ở phòng khách thì ông không thể chịu đựng được nữa rồi.

Phòng khách là nơi tụ tập của cả nhà, có hôm con ông còn mời bạn bè về nhậu đến khuya. Thế là tối nào ông cũng sang ngồi trên chiếc ghế đá trước nhà hàng xóm. Lúc đầu họ ngạc nhiên hỏi vì sao ông thức khuya vậy, ông ngập ngừng trả lời là ông khó ngủ, ra ngồi đây hóng mát…

Về sau ông bà Hoàng, người hàng xóm, cũng hiểu rằng phòng khách sáng choang các con ông còn “” thế kia thì nằm đâu mà ngủ. Những đêm lạnh thấy ông ngồi bó gối trên chiếc ghế đá, họ cũng thấy xót xa, nhiều lần ông Hoàng định qua để nói ”phải trái” nhưng bà vợ ngăn lại:

-Mình ở gần ông Hiển mấy chục năm mà ông không biết sao, thôi đừng có động vào ổ kiến lửa, cha mẹ hiền lành mà sao con tai quái thế không biết.

Một hôm ông vừa ngồi xuống ghế thì ông Hoàng thân mật mời ông vào nhà.Sau khi trà nước ông Hoàng nói luôn:

-Tôi xin lỗi anh trước, lẽ ra tôi không nên xen vào việc nhà anh, nhưng sống cạnh nhau tôi rất cảm mến anh nên mới dám nói. Các con anh có coi anh ra gì đâu, đêm nào cũng ngồi đợi trên ghế đá lạnh lẽo thế này thì chịu sao nổi. Anh nên bán nhà đi, chia cho tụi nó, rồi anh ra xa trung tâm một chút mua căn nhà nhỏ để ở, để được ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Anh nghĩ xem, già rồi, sống được bao lâu nữa đâu.

-Tôi cũng có nghĩ đến, nhưng vừa nói ra tụi nó gạt ngay, và bảo thẳng với tôi, nếu bố bán nhà thì coi như chúng nó và tôi không còn cha con gì nữa cả. Con vợ thằng Minh còn nói bây giờ còn khỏe thì đến nhà cũng đòi bán, đến lúc ốm đau thì đây không chứa đâu, liệu mà ăn ở… Thực ra muốn bán thì tôi cũng bán được nhưng bán đi là mất hết tình cha con nên đành chịu.

Ông còn nhớ một tuần trước khi đám cưới, con gái đưa thằng rễ đến kê dọn lại phòng, sửa ổ khóa, nó bảo:

-Phòng này là của con, bố cứ để đấy không ai được sử dụng, khi chồng con đi công tác con sẽ về ở.

-Nè cô nói ngang ngược thế mà nghe được sao, lâu nay bố ngủ phòng khách giờ cô đi lấy chồng, thì bố sẽ ngủ ở đó. 

- Không được, anh thương bố thì nhường phòng anh cho bố.

Trước khi lên xe hoa, nó cẩn thận khóa cửa phòng, nhưng ngay chiều hôm đó thằng Minh đã phá ổ khóa, không phải để cho bố ở mà để cho đứa cháu nội gái của ông vào ở. Chuyện chưa dừng ở đó, vì thằng Ninh cũng muốn xí phần.

Hàng xóm lại một phen điếc tai vì tiếng cãi vả của các con trai và con dâu của ông. Đến khi chúng thỏa thuận được với nhau là con gái của Ninh được ở cùng thì chúng mới chịu yên. Còn ông thì đêm nào cũng phải chờ để được ngủ. Buổi trưa nằm nghỉ một tí thì chúng vừa “đá thúng đụng nia “, vừa càm ràm là nằm chình ình, rõ chán.

Mỗi tháng ông đều góp hai phần ba số lương của mình vào việc cơm nước với gia đình Minh, nhưng xem ra nó chưa bằng lòng nên bữa cơm nào cũng than thở rằng cơm cao gạo kém. Nó mắng con nó là ăn hốt ăn táp, ăn tham. Nhiều bữa ông nuốt cơm không nổi, thế mà thằng con ông vẫn ngồi ăn ngon lành…

Ông buồn lắm nhưng chưa biết phải giải quyết thế nào nên thường đi loanh quanh khắp nơi. Công viên cách nhà vài con đường là nơi ông thường đến. Lạ thật đi đâu ông cũng gặp một người phụ nữ lam lũ dắt chiếc xe đạp cũng cũ như mọi thứ trên xe.

Không có ai để chuyện trò, một buổi trưa ông đến ngồi trên chiếc ghế đá nơi bà thường nghỉ trưa, đã gặp nhau nhiều lần nên xem như người quen, họ nói với nhau đủ thứ chuyên trên trời dưới đất thật vui vẻ thoải mái.

Thế là từ đó, sau khi ăn cơm trưa là ông cũng ra công viên ngồi đợi bà. Ông đi,về như một cái bóng, con cái chẳng hỏi một câu. Có lẽ thấy chiếc ghế vẫn xếp để một góc, chúng nó thấy vui cũng nên…

Cái bà “ve chai” này cũng chừng bằng tuổi ông nhưng trông còn nhanh nhẹn lắm, ăn nói điềm đạm, vui vẻ. Nhất là bà có một kiến thức phổ thông khá tốt, nhiều vấn đề xã hội bà còn tỏ ra giỏi hơn ông. Ông nghĩ trước khi trở thành bà “ve chai” chắc bà cũng được học hành tử tế.Trong một lần nói chuyên vui vẻ ông hỏi bà về chuyện đó thì bà cười :

-Tui có học hành gì đâu, mới học lớp 3 thì đã nghỉ học để phụ mẹ rồi. Chẳng qua trưa nào nằm nghỉ ở đây tui cũng đọc những tờ báo cũ, những quyển sách cũ trước khi đem bán nên biết chút đỉnh mà.

Nghe vậy ông càng thêm tôn trọng và mến phục bà. Sau một thời gian họ thân nhau hơn. Hôm nào không gặp bà, ông thấy như thiếu một cái gì đó, như ăn cá mà thiếu ớt, hay ăn rau muống xào mà không có tỏi…

Nhiều đêm ông ghép tên ông bà lại rồi cười một mình :Vinh-Hiển, Hiển-Vinh, hay thật. Một người bán ve chai, một người ngủ giường xếp mà vinh hiển cái nỗi gì.

Có lẽ sự thông cảm, chia sẻ kéo họ lại gần nhau. Sau khi bàn bạc và được bà đồng ý, ông lựa lời nói cho các con biết là ông muốn đón bà về ở cùng cho tuổi già bớt quạnh quẽ. Ông chỉ nói vài câu là chúng nó thiếu điều ”ăn tươi nuốt sống” ông. Lúc đầu ông còn nghe được vài câu nhưng sau đó tai ông ù đi, người ông mụ đi…Ông bước ra khỏi nhà nhưng giọng nói hung hổ của con dâu ông cứ ong ong trong đầu: nhục lắm, bôi tro trát trấu, già rồi mà còn dê…

Ông cứ bước đi mà chẳng biết đi đâu đến khi chợt nhìn lên thì đã thấy mình đứng ngay trước cơ quan cũ. Cậu bảo vệ nhìn ra và reo lên:

-A, a, bác Hiển, bác Hiển vào đây đi, lâu quá chẳng thấy bác đến chơi.

Khi thăm hỏi, ông Hiển chỉ trả lời cho qua chuyện, đến lúc ông Hiển xin được ngủ nhờ một đêm thì cậu Nam, bảo vệ, mới lo lắng nhìn ông và bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua mệt mỏi của ông. Cậu Nam chẳng biết nói gì để an ủi ông chỉ biết lặp đi, lặp lại: sự đời mà bác…

Ông đắn đo mãi, và ông thấy rằng không thể ở lại trong sự thờ ơ khinh khi của những người là ruột thịt của ông nữa. Nhìn lại suốt từ lúc con cái ông có mặt trên cõi đời này ông chưa làm bất cứ điều gì không phải với chúng, sao chúng lại tệ bạc với ông đến thế. Ông tủi phận chỉ biết khóc một mình.

Sau khi thắp nhang cho vợ, ông thông báo với các con là ông sẽ đi. Chẳng đứa nào hỏi là ông sẽ đi đâu, chúng nhìn ông như nhìn một người xa lạ. Ô hay, sao lại đến nông nỗi này ?

Thái độ đó giúp ông hiểu rằng quyết định của ông là đúng. Duy có một điều ông không hiểu là vì sao con ông lại đối xử với ông như thế. Hay là tại cái việc ông không làm di chúc để lại nhà theo yêu cầu của nó, việc ông gửi sổ tiết kiệm cho người hàng xóm, việc ông không đồng ý cho Minh cưới Hậu trước đây chăng?

Có lần ông chứng kiến Hậu và mẹ cô ta chửi nhau mà sởn da gà. Khi lấy chồng, Hậu không quên mang theo cái thói chua ngoa đanh đá đó khiến cho hàng xóm của ông cũng lắm phen sởn da gà đó thôi.

Nhà thì trước sau gì cũng là của chúng nó, có lần ông đem việc sang tên nhà cho các con để hỏi ý kiến thì mấy ông bạn ở cơ quan khuyên ông đừng vội, ông thấy có lý. Sổ tiết kiệm của ông thì do vợ chồng ông tích cóp từng chút thế mà thằng Ninh nó lấy và giấu biệt, ông tìm toát mồ hôi. Khi thấy ông lục tung mọi thứ nó cười cười:

-Bố tìm gì thế ? Con mượn bố ít tiền để mua chiếc xe thì bố bảo không có, thế mà bây giờ tiền ở đâu chảy vào sổ của bố vậy?

Ông đành nhượng bộ mà rút tiền cho nó để nó im đi, chứ nếu mà cả thằng Minh cũng biết ông có chút tiền thì chắc ông khó mà ở yên được.

Hôm đem sổ qua gửi ông Hoàng, ông đành nói thật.Ông Hoàng bảo :

-Trời ơi, sao anh lại cho nó nhiều tiền thế?

-Tôi phải cho thì nó mới trả sổ.

-Cần gì phải lấy cái sổ đó, anh chỉ cần ra ngân hàng báo mất là người ta khóa tài khoản rồi sau đó sẽ làm sổ mới cho anh.

-Tôi đâu có biết, thế mà phải van xin nó, nó đòi chia đôi thì mới chịu, cò kè mãi, sau đó chắc nó biết thủ tục của ngân hàng nên đồng ý lấy đủ tiền để mua xe thôi.

Trưa hôm đó ông mang túi áo quần và những đồ dùng cần thiết ra công viên ngồi đợi. Thấy cái túi để bên cạnh, bà nhìn ông xót xa mà không nói gì cả. Chừng như nỗi đau đã lắng xuống. Bà cẩn thận tháo quần áo của ông bỏ vào cái hộp giấy, cuốn tròn cái túi lại rồi chạy vội đến vựa phế liệu bán các thứ vừa mua được. Cột cái hộp giấy lên xe bà bảo:

-Chiều nay tôi không mua bán gì nữa. Về thôi.

Về thôi, về thôi…nghe sao mà thân thiết gần gủi đến thế.

Cái chốn “Về thôi” ấy chính là hai cái ống cống to được nối lại với nhau, đặt trên bãi xà bần ngay dưới chân cầu. Trên đường về, bà ghé lại mua hai hộp cơm gà để đãi ông. Hơi khom người một chút là ông vào được “nhà”:

-Sự thể đã đến nỗi này, thôi ông đừng buồn, cứ ở đây với tôi rồi tính tiếp.

Trưa hôm đó ông ăn một bữa cơm ngon hơn bao giờ hết, mà chính xác là sau cái ngày vợ ông mất, tính ra cũng hơn hai mươi năm rồi. Rồi bà nói chuyện này chuyện nọ với ông mà không hề nhắc đến cái lý do vì sao ông đến ở với bà.

Sau khi đến ở mấy tuần, ông bàn với bà là nên thuê một phòng trọ.

-Chuyện đó thì tôi và hai bà ở trong ống cống bên kia cũng đã thử rồi, phòng trọ vừa với túi tiền của mình thì chẳng khác chi một cái lò, nóng không chịu được, lại ồn ào suốt đêm ngày và đủ thứ chuyện phức tạp, nhưng tùy ông, ông nghĩ thế nào tôi cũng nghe theo.

“…tôi cũng nghe theo”, có lẽ sau không biết bao năm rồi ông mới nghe được câu nói này, cũng chẳng phải to tát gì nhưng với ông thì thật ấm áp. Ông thấy vui vui trong lòng và ông lại nghĩ  “hạnh phúc có xa xôi gì đâu mà mãi đến bây giờ mình mới tìm được.”

Hằng ngày bà đi mua ve chai mang về, ông phân loại và mang đến các vựa phế liệu. Chắc trời thương, nên từ ngày ông đến, bà mua bán gặp nhiều mối hời, có lần dọn kho, chủ nhà cho mà không lấy tiền, bà vui vẻ khoe với ông :

- Hôm nay tôi trúng mánh.

Cứ đến chiều thứ bảy, ông đưa bà đi ăn những món mà họ thích, cũng chẳng phải là cao lương mỹ vị gì, chỉ là bánh nậm, cá kho, canh nghêu… mà họ hạnh phúc biết bao. Rồi họ ra bờ sông, ngồi ghế đá. Ông mỉm cười khi nhớ câu hát nhái “ Bà già nắm tay ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông…”

Cái cây sê-ri bà trồng khi mới dọn đến, nay đã phủ bóng che rợp cả “nhà” rồi, ở đây tuy thiếu thốn chật chội nhưng ông muốn ngủ, muốn nằm lúc nào cũng được, không phải “chờ ngủ” cũng không phải ngồi ghế đá cả ngày như hồi ở nhà nữa. Từ đó ông an tâm không nói đến chuyện thuê phòng trọ nữa. 

Rồi một hôm, hai anh con trai tìm đến:

-Bố về ngay, bố muốn làm nhục con lắm sao, có còn biết suy nghĩ nữa không, không khéo thiên hạ lại cho là con xử tệ với bố.

-Tôi nói thật nhé, ông không về thì xem như ông đã tự ý ra đi, chính ông đã bỏ chúng tôi đấy, ông ra tòa làm giấy từ con cho xong.

Họ nói một hồi rồi bỏ đi, ông không kịp nói câu nào, mà thực ra còn nói gì được nữa.

Về nhà Minh và Ninh cãi nhau một trận vì cái chuyện từ con. Sao anh ngu thế không biết, nếu bố có giấy từ con của tòa thì tôi và ông mất quyền thừa kế. Cứ để ông ấy ở, xem thử được mấy ngày.

Con gái ông thì đợi lúc bà ở nhà mới đến, nó đến nhiều lần và thóa mạ bà bằng những lời lẽ chua ngoa độc địa nhất. Nó bảo bà ăn tiền của ông cũng như ăn c…chó. Bà khóc lặng, nhưng không hề trách ông một lời nào.Bà ngồi thu lại ở một góc, bé nhỏ, đáng thương. Lòng ông đau nhói đau, ông đã làm khổ người ông yêu thương nhất. Ông suy nghĩ mấy hôm, bàn tính với bà rồi giao cái thẻ ATM cho cô con gái.Từ đó nó không đến nữa.Thì ra đó mục đích mà nó đến đây.

Ông cười bảo:

-Bà đừng lo, tôi còn một ít tiền tiết kiệm.

-Tôi có lo gì đâu, ở dưới đáy rồi, có gì để lo nữa đâu.

Những hôm trời mưa ông ngồi bó gối nhìn ra khoảng trời bị cắt một mảng tròn đều. Ông cười bảo :

- Tôi với bà là Vinh Hiển đấy, bà biết không ?

- Ừ thì vinh hiển, vinh hiển thật mà.

Rồi họ cùng cười vui vẻ với nhau với buổi hoàng hôn ấm áp cuối đời.

Đan Thanh

 

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com