.
Đấy là cá tính độc đáo của nhân vật Hoạn Thư, nổi danh tài trí một thời trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du. Tài trí đây không phải là để phục vụ cho đất nước hay tha nhân gì cả, mà dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình của chính mình, khi đã lỡ trao thân gửi phận cho một người đàn ông thuộc giống đa tình cỡ Thúc Sinh. Cái người hay “Mượn gió bẻ măng“, tối ngày chỉ la cà trong các lầu xanh tửu điếm… để làm gì nhỉ? Để phá tiền của vợ chứ còn gì nữa, ai đời dám đem cả ngàn lượng vàng ra chuộc cô Kiều rồi dấu riêng một chỗ, tưởng rằng “lấy vải thưa che mắt thánh“ được người vợ thuộc hàng trâm anh thế phiệt, con gái yêu của quan lớn trong triều đang sống tại quê nhà.
Cô nàng Hoạn Thư không cần phải đích thân đi đánh ghen làm chi cho mệt xác, chiêu thức hạng bét này không thể xử dụng cho một tiểu thư lá ngọc cành vàng như nàng. Phải làm sao cho chồng và tình địch khi nhìn nhau cứ phải ngậm đắng nuốt cay, nghẹn ngào không nói được thành câu mới hả dạ:
Làm cho nhìn chẳng được nhau.
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên.
Với địa vị và tiền tài sẵn có Hoạn Thư đã cùng mẹ soạn thảo một âm mưu thâm độc để bắt cóc Nàng Kiều, ra tay là một bọn Khuyển, Ưng thuộc dòng xã hội đen chuyên nghiệp. Họ tạo hiện trường giả “người chết“ sau khi đã đốt nhà và mang vật chứng Thúy Kiều đi giấu nhẹm trong dinh quan Lại Bộ.
Trước khi mở màn vở tuồng “Ghen kiểu Hoạn Thư“ lừng danh kim cổ, người viết có vài lời bàn Mao Tôn Cương cho người phụ nữ có bản lãnh phi thường ấy. Thiên hạ cứ đồng hóa nhân vật Hoạn Thư với hai chữ “ghen tương“ tầm thường, mà không để ý đến khả năng ứng xử tuyệt vời trong mọi tình huống của nàng.
Để giải mã cho câu: Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen, khoa học ngày nay đã chứng minh được là khi cơn ghen nổi lên, não bộ trên đầu sẽ truyền xuống tiểu thận để tiết ra một loại Stress-Hormon tên gọi Adrénalin. Ôi thôi, Hormon này đi đến đâu là làm tăng bội phần nhịp đập con tim, máu huyết sẽ nhảy vũ điệu quay cuồng, hơi thở dường như tắt nghẹn, có nghĩa là nạn nhân ở trong một trạng thái sống dở chết dở ghê sợ lắm. Tâm trạng của Hoạn Thư cũng không khá gì hơn:
Lửa tim càng dập càng nồng.
Trách người đen bạc, đem lòng trêu hoa.
Vậy có cách nào hóa giải tình trạng khẩn trương như thế không? Có chứ đơn giản thôi, ta chỉ cần ngồi thiền, hít thở thật sâu hay niệm Phật để tâm được yên lặng, chờ thời gian cần đủ cho cái Hormon quái quỷ ấy tan biến đi, trả lại ta mặt nước hồ thu như nguyên thủy lúc ban đầu. Ái chà! Nói nghe thì dễ chứ khi máu ghen đã nổi lên rồi thì… thì sao nhỉ? Thì như báo chí vẫn đăng tin đấy: nhẹ chỉ nhờ các tay anh chị rạch mặt để cảnh cáo, còn nặng sẽ được tặng một chai át-xít vào mặt. Phương án này chỉ tổ mau mất chồng sớm mà thôi, nên một người danh giá như Hoạn Thư: Ở ăn thì nết cũng hay, Nói điều ràng buộc thì tay cũng già, đã qua nhà mẹ đem tình địch đáng ngại là Thúy Kiều về làm nô tì với tên mới là Hoa Nô.
Cuộc đánh ghen nhân từ, trí tuệ và độc đáo, có một không hai trong lịch sử “đánh ghen“ đã đưa tên tuổi của Hoạn Thư lên hàng Siêu Sao trong nhiều thế kỷ. Cái ghen của Hoạn Thư nhiều lúc cũng lộ vẻ nhân từ:
Ví bằng thú thật cùng ta.
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
Khi thấy Kiều đánh đàn hay làm thơ giỏi, Hoạn Thư cũng phải:
Tiểu thư xem cũng thương tài.
Khuông uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Và đáng ngại hơn nữa là đã công khai khen tình địch trước mặt chồng:
Ví chăng có số giàu sang.
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
Đấy chỉ là một khía cạnh nho nhỏ của Hoạn Thư, chứ nổi bật nhất vẫn là màn đánh ghen vô tiền khoáng hậu sau đây:
Trong khi bày tiệc tẩy trần cho Thúc Sinh về sum họp với vợ nhà, Hoạn Thư đã dàn dựng một màn bi hài kịch cho người chồng phản bội của mình phải chạm trán với người yêu trong tình huống chủ tớ não lòng:
Cùng trong một tiếng tơ đồng.
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Sau khi hành hạ đối phương tơi bời hoa lá với đòn ghen Nhẹ như bấc, nặng như chì; “Bên thắng cuộc” Hoạn Thư thấy khoan khoái trong lòng, bèn xoa tay:
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm.
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay
Tuy hả dạ đã dằn mặt được anh chồng Thúc Sinh và Nàng Kiều phải gánh nhiều nhục nhã, nhưng Hoạn Thư vẫn chưa yên tâm phải tìm phương kế cách ly bó rơm Thúc Sinh trước ngọn lửa rực Thúy Kiều. Bằng cách khoan hồng độ lượng đưa nàng vào Quan Âm Các để chép Kinh (có tài liệu cho rằng chép Kinh Hoa Nghiêm, nhưng người viết tìm tới tìm lui trong 3254 câu vẫn chưa ra manh mối), với pháp danh tự đặt là Trạc Tuyền cho thích hợp với công việc cao quý này. Trao truyền tam quy ngũ giới kiểu này là sai nguyên tắc! Nhưng thôi chúng ta không nên làm khó dễ cụ Nguyễn Du làm gì? Mà phải thật hãnh diện khi có được một tuyệt tác như thế!
Màn kịch đánh ghen chưa thể kết thúc ở giai đoạn “Mỡ đang còn treo trước miệng mèo”, cho dù cô Kiều có mặc áo nâu sòng, đầu có cạo hay mang một pháp danh thánh thiện nào đi chăng nữa, mèo Thúc Sinh vẫn lẩn quẩn theo sau. Đúng là như thế! Mạng lưới theo dõi của Hoạn Thư lúc nào cũng rình rập từng phút lại từng giây, để đến khi nghe được nỗi lòng của Thúy Kiều:
Liệu mà mở cửa cho ra.
Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu.
Và Thúc Sinh phải lộ chân tướng hèn nhát và bội bạc của mình trong tình huống chẳng đặng đừng:
Liệu mà xa chạy, cao bay.
Ái ân ta có ngần nầy mà thôi!
Hoạn Thư lúc ấy mới thật yên tâm, từ từ bước ra khỏi chỗ nấp, dịu dàng kéo tay chồng dẫn về nhà. Cô Kiều bị một phen sợ vỡ mật, biết mình không thể ở gần người đàn bà độc đáo này, nên trong ba mươi sáu phép biến hóa, tẩu vi thượng sách. Bỏ của chạy lấy người là hay nhất. Ấy sai rồi! Cô Kiều đã vào cửa Không làm gì có của mà bỏ lại, cô nàng còn lấy theo chuông vàng khánh bạc trong Quan Âm Các của Hoạn Thư để làm vật phòng thân nữa. Việc phá “giới thứ hai không trộm cướp” của Kiều, sau khi đã trộm trái tim không ngủ yên của Thúc Sinh lần đầu, đã là cái quả đưa đến chuyện Thúy Kiều phải vào lầu xanh lần thứ hai.
Hoạn Thư biết chuyện Kiều bỏ trốn lại ẵm theo hiện vật vẫn phớt lờ, không chịu báo công an hay nha môn truy xét, cố tình để tình địch biến mất trong cuộc đời. Nhưng đời này mấy ai học được chữ ngờ, thời gian sau Thúy Kiều gặp gỡ Từ Hải, bỗng chốc trở thành “Bà Lớn”, nên có cảnh oán trả ân đền:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma.
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Và cơ hội cho Hoạn Thư dùng ba tất lưỡi để thoát án tử hình:
Rằng tôi chút dạ đàn bà.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Rồi nhắc lại ơn nghĩa cũ:
Nghĩ cho khi các viết kinh.
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Cuối cùng nàng chấm dứt bằng những lời lẽ đánh động lương tâm của vị nữ quan tòa Thúy Kiều, để được bản án tha bổng đuổi ra ngoài khỏi bị chết chém:
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Nghĩ cho cùng thấy anh chàng Thúc Sinh có “Số Đỏ” thật sự, một người vừa khoác lác, vừa nhát gan lại được tới hai người đàn bà thông minh tài trí, bản lãnh phi thường yêu thương và suýt phải toi mạng vì mình.
Đấy là chuyện xưa tích cũ từ thời cụ Nguyễn Du, không phải đợi đến ba trăm năm mới có một Hoạn Thư thời A Còng nhỏ nước mắt khóc thương vị tiền bối này:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Tạm diễn Nôm là:
Không biết ba trăm năm sau,
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như chăng?
Vậy nhân vật Hoạn Thư thời A Còng là ai mà dám so sánh mình với Hoạn Thư của cụ Tố Như, không sợ bị truy tố về tội lộng ngôn hay sao? Mời các bạn theo dõi câu chuyện của nhân vật Trần Thị Lá Sen, vợ của anh chàng lãng tử Nguyễn Văn Đầu Vịt của chúng ta.
Những ai đã từng say mê theo dõi câu chuyện “Mái ấm chợ chiều”, nội dung gói trọn trong bốn chữ T to đùng: Tình, Tiền, Tù, Tội. Hẳn đã biết rõ nguồn cơn của cái gia đình thuộc diện trí thức tiểu tư sản này. Anh Đầu Vịt sau thời gian dài đi hoang, dĩ nhiên là tìm về nơi cố quận, nơi sản sinh nhiều kiều nữ chỉ thích lấy chồng với nhãn hiệu “Việt kiều”, “made in Vietkieu” là hàng xịn, vớ được hàng này là có cơ hội đổi đời sẽ được xài hàng ngoại trọn kiếp.
Thiên hạ hay dọa anh Đầu Vịt là “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” nhưng anh nào có sợ vì nghĩ mình bản lĩnh phi thường như Ma Vương, ma nào dám đến gần. Thế rồi anh kết bạn trăng hoa với một kiều nữ phơi phới xuân tình, xuân xanh chỉ xấp xỉ dưới tuổi con trai anh. Người đời chê anh là kém đạo đức nhưng anh vẫn cho là chuyện bình thường, xã hội ngày nay tuy không chấp nhận chế độ đa thê, nhưng trong đầu anh vẫn giữ mãi câu “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” đáng sợ ấy.
Thế rồi Thời gian thấm thoát thoi đưa. Nó đi đi mãi không chờ đợi ai, cho đến năm anh Đầu Vịt ăn mừng thọ Lục Tuần. Các cụ bảo năm tuổi xui lắm phải có đứa con ẩn tuổi bố, ra đỡ đạn cho bố mới được bình yên. Thế là em Mận Đào sẵn sàng gánh vác đại sự, cho ra một nhi đồng cứu quốc thật dễ thương và giống anh Đầu Vịt từ dung mạo đến tính tình, nghĩa là có nhiều cá tính độc đáo.
Câu chuyện đến đoạn này đã làm chúng ta thương cảm cho số phận “con Tiều” của chị Lá Sen. Phải xử trí ra sao khi biết chuyện? Có người cho rằng nhất định chị phải quẳng tờ giấy ly dị vào mặt lão chồng mất nết, cho hắn biết thế nào là lễ độ. Chứ hết phương cứu chữa rồi, lão Đầu Vịt phải có trách nhiệm với cậu bé Gia Gia. Ôi thôi mỗi người nghĩ mỗi kiểu, nhưng chẳng phương án nào cứu rỗi nổi cái gia đạo rối beng của chị Lá Sen.
Nghĩ cho cùng anh Đầu Vịt cũng sợ phát khiếp khi em Mận Đào tặng anh một “Trái sầu rụng rơi” kiểu đó, vợ anh mà biết được thì không biết cuộc đời còn lại của anh sẽ trôi về đâu? Anh nghĩ đơn giản lắm, ta sẽ chơi màn “Một cảnh hai quê”, cứ sáu tháng mùa đông ta về với em và con, sáu tháng xuân hạ ta về lại mái nhà xưa; phải dấu và tuyệt đối phải dấu kiểu: Nghĩ đà bưng kín miệng bình. Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
Nhưng trời bất dung gian, cậu bé Gia Gia tuy bản chất thuộc dòng khỏe mạnh, nhưng hay dở chứng ho hen khó thở. Cứ nhìn cảnh cậu con trai bé nhỏ của mình phải nằm trong các bệnh viện nhi đồng với giây nhợ chằng chịt, chung giường với hai ba bệnh nhân tí hon khác mà anh cảm thấy ruột gan mình như đứt từng khúc ruột (một kiểu Đoạn Trường Tân Thanh ấy mà). Anh quyết định phải đưa mẹ con Mận Đào sang quê hương thứ hai của anh, phải cứu nhi đồng cứu quốc của anh ra khỏi mạng lưới y tế khủng khiếp của đảng và nhà nước. Cứu người như cứu hỏa, còn lửa ghen của bà vợ cứ để từ từ sẽ tính sau.
Thế là anh bí mật làm hồ sơ giấy tờ bảo lãnh cho “Em và Con” sang đoàn tụ ngay tại địa chỉ của Mái ấm chợ chiều, đấy là cái vi-la to đùng của vợ chồng con cái anh gây dựng từ mấy chục năm nay. Hai cậu lớn đã có sự nghiệp và gia đình ra ở riêng từ lâu, trong nhà chỉ còn cậu út sắp xong đại học cũng tấp tểnh đòi ra ở riêng nhưng chưa được phép của bố mẹ.
Chị Lá Sen vẫn sống một cách vô tư, biết chắc lão chồng “trăng hoa là bệnh của người em yêu” từ lâu rồi, nên chị đã học nhiều phương pháp để tự cứu mình. Châm ngôn treo trên tường chỉ đơn giản có 3 chữ “Ich liebe mich” theo tiếng Phổ, còn tiếng Anh là “I love me”, nói nôm na theo cụ Khổng là “Người không thương mình thì trời tru đất diệt”, nghe không quen tai nhưng lại có tác dụng cứu khổ cứu nạn cho chính mình.
Hoa Lan