User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Rời sở, Nguyên thở phào nhẹ nhõm, tất cả nỗi khó chịu bực dọc để lại chỗ làm, chẳng tội gì đeo bên mình cho mất vui dù hôm nay gặp quá nhiều… quân dữ!  

Làm việc trong cơ quan chính phủ từ ngày ra trường đến nay trải qua mấy mươi năm, công việc xét đơn trợ cấp thất nghiệp mang tính xã hội nên hàng ngày Nguyên tiếp xúc nhiều người với nhiều tính cách khác nhau, có người mềm mỏng nhẫn nại, có người giận dữ hạch sách khi phải chờ đợi lâu. Lại có cả trường hợp gian lận khiến nhân viên duyệt đơn cần có kinh nghiệm để phát giác. Thường những người gian lận lại là người lớn lối hung dữ, hòng trấn áp tinh thần viên chức chính phủ, nên Nguyên đặt cho họ cái biệt danh chẳng hay ho gì, là “quân dữ”. Mấy năm kinh tế suy thoái, mỗi ngày người xếp hàng xin trợ cấp dài thêm, hồ sơ giải quyết không kịp, nhu cầu bức thiết cuộc sống khiến người ta trở nên nóng nảy, bất lịch sự. Đúng là xứ Mỹ dân “chủ” có khác!

Lên xe, Nguyên mở nhạc ngay theo thói quen. Những giai điệu âm nhạc thiết tha cuộn chảy khiến hồn người nhẹ nhàng thư thái, tạm quên phiền muộn bởi va chạm hàng ngày. Để giòng nhạc trôi lướt bên tai, nghĩ qua chuyện khác, Nguyên bất giác mỉm cười nhớ đến câu nói hài hước hồi trưa của Hậu. Chả là mỗi lúc nghỉ ăn “lunch” cô thường vừa ăn vừa “tranh thủ” phone nói chuyện với bạn. Hậu lớn hơn cô hơn cô vài tuổi, hai người hòa hợp như cùng một lứa, tuy tính bạn trầm lặng ít nói nhưng khi nói thì dí dỏm rất vui, nhờ vậy giải tỏa cho cô bớt những căng thẳng trong ngày làm việc.

Hồi trưa Hậu kể chuyện “cổ tích”. Kể, lúc nhỏ chị phải gối đầu trên tay mẹ ngủ, bắt mẹ quay mặt về phía mình ôm suốt trong tay cả đêm  không được trở mình, một hôm chợt tỉnh giấc giữa khuya nhìn thấy cái lưng mẹ, bà mỏi quá bất giác xoay sang hướng khác, thế là chị lăn xuống gầm giường nằm khóc thút thít, mẹ nổi giận lôi lên đánh cho mấy roi quắn đít, chừa tội nhõng nhẽo!...

Cái sự tích giận mẹ chui xuống gầm giường nằm rốt cuộc được kéo lên ăn… lẩu lươn, Nguyên cười đau cả bụng. Cô cũng kể cho Hậu nghe những thành tích long trời lở đất của mình, “lươn” bảy món cô ăn trừ cơm là chuyện thường, ngày nào không “ăn” mới lạ, còn cảm thấy nhớ như thiếu vắng món ngon! Tính Nguyên hay hờn giận, Hậu cũng vậy, hồi đi học chơi với bạn bè hở chút giận dỗi khiến bạn chạy làng hết. Nhờ kinh nghiệm cô đơn bạn bè tẩy chay vì họ quá mệt mỏi chả ai chìu được, đến nay Hậu đã khỏi được cái tính vớ vẩn ấy, nhưng bịnh của Nguyên thì hết thuốc chữa!... Nguyên rất quí mến người bạn này, chỉ không thích mỗi tính ít nói. Có những lần cô text cho Hậu cái mail dài cả thước, bấm mỏi tay, chỉ thấy hồi âm lại vài giòng ngắn ngủi không tương xứng với “tâm tình” gởi đi. Mail dài là vì khi nói chuyện nhắc đến người nào liên quan, cô luôn kể lại lý lịch nhân thân người đó, chẳng hạn cô viết… hôm qua em nói chuyện phone với Thúy lâu lắm, Thúy là đứa em nhỏ hơn mười tám tháng, hồi xưa… Hôm qua em nói chuyện với chị Tư, là chị lớn hơn bốn tuổi, hồi xưa… Hôm qua em nói chuyện với Tiên, Tiên là nhỏ bạn chia nhau bẹo nửa viên xí muội, hồi xưa…vv… Nguyên vô tư viết dài dòng dù người đối thoại đã thuộc làu vai vế, tuổi tác, hoàn cảnh những nhân vật này từ lâu, nhưng cô vẫn nói lại nhắc lại, có lẽ vì vậy mà mail cô lúc nào cũng dài... Tính ít nói của Hậu giống hệt tính lầm lì của đức ông chồng Nguyên. Mỗi khi cần hỏi cô chuyện gì đó, chồng thường “nhắn” trước… anh chỉ muốn nghe kết luận cuối cùng… câu chận đầu của anh khiến cô nổi giận… anh phải nghe đầu đuôi, em không thể nói ngang hông được… Và cái phần “đầu đuôi” của cô làm mất nhiều thời gian…

Tính kiệm lời của hai người thân thiết này khiến Nguyên rất bực! Hậu ở ngoài “vùng phủ sóng” Nguyên không làm gì được, còn ông chồng lắm lúc lên cơn giận cô quay cho chàng chóng mặt hoa mắt. Nhưng cũng lắm lúc chán chẳng buồn nói đến nữa!…

Chưa tới sáu giờ. Hoàng hôn sẫm màu tối, đọt nắng hanh hao cuối ngày chơi trốn tìm sau tán lá. Trời vào thu. Rừng phong ngút ngàn màu lá đỏ, như áo choàng rực rỡ của nàng tiên kiêu sa. Gió xao xác mơn man trên tấm nhung lá mượt. Gió đưa lá chao liệng như đàn bướm lả lơi.  Gió nghịch ngợm miệt mài rượt đuổi cánh lá héo gầy tội nghiệp đến tận cuối đường. Mùa thu đẹp dịu dàng đằm thắm như phụ nữ chớm tuổi heo may. Nguyên ngơ ngẩn nhìn sắc lá bên đường. Đâu cần phải lên núi mới có thể ngắm cảnh rừng thu đổi màu, trên đường về cô cũng được ngắm lá vàng lá đỏ, bức tranh thiên nhiên ở khắp nơi. Con nai nhỏ lững thững bên đường, Nguyên lẩm bẩm căn dặn… đừng dại dột qua đường nghe con, ta không nỡ cho mi vào chảo với món nai xào lăn đâu… Chợt cô giật mình... Ơ…thôi chết! Đường về nhà đâu thể mới mọc rừng phong này để đám thú rừng ẩn náu? Lại đi lạc rồi!? Chẳng trách chạy hơn giờ đồng hồ thấy đường càng lạ. Con đường đi về mỗi ngày, trải qua mấy mươi năm nhắm mắt đi cũng tới, nhưng khổ nỗi cô không “nhắm mắt” mà mở mắt chiêm ngưỡng rừng thu lá đổi màu, tai nghe nhạc lâng lâng thanh thản, đầu óc miên man hồi tưởng chuyện vui buồn, tay được toàn quyền quyết định nên nó cứ ôm đường thẳng, tiện, khỏi cần bẻ lái chi cho mệt. Rốt cuộc càng đi càng xa!

Lần này đi lạc về trễ cô sẽ nói dối chồng lý do khác. Chuyện đời đôi khi thật lạ, nói thật người ta không tin. Lần trước đi lạc trở về nhà sau hơn hai tiếng rời sở, chồng ngồi xem Tivi thấy cô về vui vẻ bật dậy hỏi han, khi cô hồn nhiên khai lạc đường, anh nhướng mắt nhìn với vẻ nghi hoặc. Anh ngạc nhiên không ngờ cô nói dối vụng thế!... Cái gì? Em đi làm mỗi ngày trên con đường đó mấy mươi năm rồi mà đi lạc sao? Nói dối kiểu này không ai tin được!...

Nguyên chưng hửng nhìn chồng, cục tức chặn ngang cổ không thốt được nên lời. Cô cần gì phải nói dối? Việc làm của cô đôi khi ở lại sở làm thêm vài ba tiếng là chuyện thường. Hoặc có hẹn bạn bè ngoài dự tính sau giờ làm, nên xưa nay việc về nhà đúng hoặc không đúng giờ đâu là vấn đề, chồng cũng không xét nét việc riêng của vợ, vậy sao cô phải nói dối? Thiệt tình!... sống với nhau bao năm mà anh không hiểu tính cô. Rốt cuộc tình cảm anh dành cho vợ biểu hiện qua sự trông đợi trở thành vô nghĩa. Từ đâu đó trong đáy lòng, Nguyên nghe cảm giác hụt hẫng, buồn chán!

Về tới, bước vào nhà. Căn nhà rộng lớn tối om, ảm đạm. Định thần vài giây cho  quen mắt, Nguyên thấy chồng ngồi ngủ gật trước Tivi, anh choàng tỉnh khi ánh đèn sáng choang phủ xuống. Cơn giận bất thần ùa đến không thể kìềm chế, Nguyên hét vang:

- Buồn ngủ sao anh không lên lầu, lại ngủ gà ngủ gật ở đây? Nhà cửa không mở đèn, để tối thui  như địa phủ, có chán không cơ chứ!?

Anh ngơ ngác:

- À… anh ngồi đây từ lúc còn sớm, rồi… à… ngủ quên, anh chờ em về ăn cơm…

- Giờ này mấy giờ rồi mà chờ? Sao anh không lo ăn trước còn đi ngủ? Em đã nói với anh nhiều lần đừng chờ, giờ giấc em về bất thường anh thì sáng năm giờ đã phải dậy đi làm, ngủ sớm cho khỏe chờ làm gì?

Anh tiu nghỉu đứng lên bới dĩa cơm lặng lẽ ngồi ăn. Thường thì trước cơn nóng giận của vợ anh im lặng, nhưng hôm nay dường như ấm ức anh cố nói một câu:

- Em cũng sáu giờ sáng phải dậy chứ đâu hơn gì? Mà… la cà giờ này mới về.

Trời ơi! Nguyên đi lạc chứ đâu có la cà hôm nay. Nhưng cái chuyện đi lạc chẳng thể… khoe. Mà cũng không oan ức gì, có những hôm rời sở cô còn hẹn hò bạn bè, hôm vì công việc mà cũng có hôm chỉ là rủ nhau đi ăn uống rồi tám chuyện cà kê, chia sẻ an ủi bạn đang có nỗi buồn! Biết chồng lo lắng cho mình, cũng biết tình yêu anh dành cho cô là vô hạn, nhưng Nguyên thấy không vui với cách quan tâm của anh, dù biết anh  nói năng vô duyên mãn tính và ngang cua bò... Như có lần trong lúc rửa chén, Nguyên khua mạnh tay vô ý làm chai xà bông rơi xuống sink, nước xà bông đậm đặc bung ra bắn vô mắt, nhức buốt vô cùng! Sáng hôm sau anh  nghỉ đưa cô đi bác sĩ, nếu việc này xảy ra cho bản thân chưa chắc anh đã nghỉ làm. Cả ngày hôm ấy anh săn sóc nhắc nhở vợ nhỏ mắt, nằm nghỉ, không cho đụng việc gì… Nhưng nếu chai nước rửa chén rơi xuống, xà bông không bắn vào mắt Nguyên, không làm anh xót xa đứt ruột thì anh sẽ nói vợ… cố tình gạt chai kia xuống chơi! Mọi thứ cô lỡ tay làm đổ bể, đều được anh qui tội buồn thì phá cho… vui (?) 

Đức phu quân của Nguyên ở xã hội này giờ đã thành người quí hiếm, sắp tuyệt chủng. Anh chung thủy, yêu thương vợ con. Anh nhường nhịn cả những khi không có lỗi. Mà cũng tại tính ít nói nên anh nhường cho xong khỏi tranh cãi mất công. Anh chỉ thích đi làm, rồi về nhà ngồi coi Tivi, nhưng thường thì cái Tivi coi anh nhiều hơn, vì anh mỏi mệt mà cũng vì chờ vợ mỏi mòn. Mỗi ngày đi làm về sớm anh dọn dẹp nhà, lau chùi bếp, rửa cái nồi to để vợ đỡ tay khi phải gồng mình xách nặng. Anh đi làm một tuần bảy ngày, không phải over time nhưng công việc chuyên môn hạn chế nhân viên.  Bị bắt buộc làm nhiều, nhưng phù hợp với ý thích nên anh không lấy làm khổ, hăng say làm việc. Bởi thế khi vợ chồng bàn tính mua nhà, cô đề nghị mua gần hãng anh làm, ở một nơi rất xa trung tâm thành phố đông người Việt. Cô chấp nhận mỗi ngày đi về trên đoạn đường gần ba tiếng tới sở làm, bằng lòng với vất vả về phần mình. Từ trong tâm khảm hai người, vợ lẫn chồng đều sẵn sàng hy sinh cho nhau, thương yêu sâu đậm… Thế nhưng cuộc sống sao vẫn không vui!?  

Nguyên thường kể cho Hậu nghe về những mảnh tình vụn vặt thuở học trò. Cái thuở nhất quỉ nhì ma thứ ba…. Cái thuở mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Ở đây không có trâu để Nguyên biểu dương sức mạnh. May! Có vài chàng tuổi trẻ vốn dòng… lãng đãng dở hơi, nạp mạng.

Chuyện kể.

Nguyên vốn con nhà võ. Thuở nhỏ ba khuyến khích mấy chị em đứa nào cũng nên học lấy một vài môn tự vệ, nhưng chỉ mình Nguyên theo “nghiệp đao binh”, có lẽ do tính khí cang cường giống ba. Lưu lạc tha phương ngày nước mất nhà tan mới chỉ mười mấy tuổi, Nguyên càng phải ôn luyện võ nghệ phòng thân. Có tên thư sinh kia một hôm… ngứa miệng chế riễu, con gái học võ cũng chẳng làm gì ai. Rồi dại dột ưỡn bụng thách đố, thách Nguyên đấm ba cái chưa chắc rụng được cái… rốn của hắn, nhưng chỉ mới “ăn” trái phật thủ thứ hai chàng đã gục xuống như cây con gặp bão.

Rồi đến tên anh ruột nhỏ bạn thân. Tuổi trẻ, ở xứ văn minh người ta coi đàn bà con gái là Lady first, nhưng gã này mang nặng đầu óc phong kiến cổ hủ thời Bảo Đại, tính gia trưởng cùng thói vũ phu. Gã tưởng Nguyên cô độc lẻ loi xứ người. Gã tưởng Nguyên dễ ăn hiếp bèn lên mặt kẻ cả… Chỉ mới mở lời “iêu” chưa được Nguyên chấp thuận, thế mà gã giở trò “dạy dỗ” bằng tay, định “âu yếm” tặng cô cái tát… xiếc, Nguyên giận sôi phóng một cú atemi vào cổ tay manh động, lập tức cánh tay trở thành cán giá!

Tuy chẳng là hoa khôi hoa hậu gì, Nguyên cũng có hàng chục cái “đuôi” bám theo thường trực, là đám bạn học choai choai, chẳng đi đến đâu. Trong khi ấy có một “lão” Bắc kỳ lân la vào gia đình thường xuyên. Lão này mặt mũi khó đăm đăm, chẳng nói chẳng rằng như ngậm ngải trong miệng, nhưng sẵn sàng sắn tay làm tất cả những việc mọi người trong gia đình nhờ, chẳng từ nan. Nguyên muốn gì, lão vắt giò chạy. Xe anh Hai hư, sáng mùa đông tuyết ngập đường, gió lạnh buốt xương, lão lăn lết dưới gầm xe cố sửa cho xong bộ phận hỏng hóc để anh Hai có xe kịp giờ đi làm, chiếc xe già cũ rích của anh Hai một tay gã o bế chữa trị. Rồi chị, rồi em, ai cần gì “hú” một tiếng lão liền có mặt. Mọi người trong nhà tưởng bở,  tưởng số may tự nhiên vớ được tên “nô lệ da vàng” trên trời rơi xuống. Hóa ra lão ngắm nghía Nguyên.

Lão lầm lì vậy mà khôn, lấy lòng hết thảy người lớn người nhỏ trong nhà, nên tuy Nguyên chẳng ưa gì lão cũng phải bấm bụng xã giao vì tác động gia đình. Lão luôn tìm mọi cơ hội tiếp cận “dụ dỗ” Nguyên, nhưng càng giao tiếp cô càng chán, lão vô duyên thầy chạy! Có lần lão rù quến được hai con bạn Nguyên, tối thứ bảy cả ba kéo đến ăn uống nơi nhà hàng cô làm waitress cuối tuần. Tụi bạn rắn mắt hành Nguyên bằng cách kêu lấy nước uống loại này, rồi lại đổi loại kia, vài lần như vậy. Con Vân kể chuyện như chọc tức… anh Minh nhảy với Thu Ngọc thiếu điều bế nó lên luôn, cưng như bé yêu… Thế mà lão vẫn nhe răng cười, còn bắt chước kiểu tụi bạn ranh ma hành hạ Nguyên y hệt, khiến cô tức lộn ruột. Rồi bận loay hoay bên trong, lúc trở ra cô thấy bọn họ đã bỏ đi, để lại tờ $5 trên bàn, Nguyên cầm lấy chạy vội theo gọi trả, lão ngạc nhiên… anh để tiền tip cho em mà… Tự ái xung thiên, Nguyên lạnh lùng… anh đi chơi cần tiền hơn, tui không cần… Cách cư xử của lão làm cô ngao ngán, tổn thương Nguyên trầm trọng!

Có con bạn nói vẻ như đùa, nhưng thật ra là… thật. Nó nói nếu Nguyên không thích lão thì nhường cho nó, Nguyên Ok sure ngay không cần suy nghĩ. Nói cho công bằng, lão đẹp trai, cốt cách phong độ, giỏi giang chăm làm, nghiêm trang đứng đắn, thế mà chả hiểu sao Nguyên không thể có cảm tình? Cuối cùng con bạn sau khi giở mọi chiêu tiếp cận, cũng không cưa đổ được “đối tượng”. Lão kiên quyết một lòng không lay chuyển, dù bị Nguyên lạnh lùng từ chối lời cầu hôn mấy lần trong vài năm. Má và anh chị khuyên… lấy người thương mình sẽ sung sướng hơn là lấy người mình thương… Nguyên không đồng ý vậy! Thương qua thương lại mới thật sự hạnh phúc. Chung sống với người mình không hề thương yêu sẽ có cảm giác cô đơn… toàn tập!

Biết Nguyên ham vui ham chơi, chỗ để tụ tập bạn bè chơi vui nhất là câu lạc bộ khiêu vũ, lão năn nỉ để được dạy cô nhảy đầm. Hỡi ôi!... tài nghệ của lão chưa xứng làm thầy, dìu dạy thế nào mà trải qua thời gian dài Nguyên vẫn đạp lên chân lão mà đi. Một hôm xui xẻo! Lão diện đôi giày hàng hiệu Italy mũi nhọn mới tinh, đi đứng nương nhẹ như sợ giày đau, vậy mà cô chỉ thuộc mỗi “phăng” cũ, là… đạp lên chân. Có lẽ vì quá xót ruột giày mới bị bầm giập, lão lầu bầu mắng mỏ:

- Em… ngu thật đấy, dạy hoài cũng không biết đi, toàn giẫm lên chân người ta…

Nguyên cãi:

- Tại anh không biết dạy thì có, với lại nếu anh đừng ôm sát quá em mới có thể né được.

Lão này cũng thuộc người có tính gia trưởng trịch thượng, không thể chấp nhận “kẻ dưới” mở miệng cãi, lão liền tặng Nguyên một cú đấm như trời giáng vào vai. Cú đấm bất ngờ khiến Nguyên không kịp né cũng không kịp gồng mình, cánh tay đau buốt từ bả vai! Sững sờ một giây. Choàng tỉnh, Nguyên điên tiết phóng cước đá đít lão một cú “dzấp sa ki” sấm sét. Lão chúi nhũi, thuận đà Nguyên xô lão ra ngoài đóng  sầm  cửa lại, chợt thấy còn một chiếc giày lăn lóc trên nền nhà, chưa nguôi cơn tức, cô nhặt lên mở cửa nhắm đầu lão phi tới… Chiếc giày  trúng đích!

Sau màn âu yếm “nựng” nhau quá hớp, mối giao tình gượng ép với lão coi như chấm dứt, nhẹ cả người. Có đời thuở nào, chưa là gì của người ta đã giở thói vũ phu!? … Từ nay xong nợ, không còn phải nhìn bộ mặt lừ đừ như ông từ vào đền mất cảm tình của lão nữa, mặc kệ gia đình có vui lòng hay không. Đời ai nấy sống!…

Lâu lắm mới thấy hai con bạn thân rủ đi chơi. Thu Ngọc và Vân hẹn chủ nhật này đến câu lạc bộ thể thao. Nơi đây có đủ các môn chơi tùy sở thích. Lại có cả dancing nữa, tuy Nguyên nhảy không giỏi lắm bởi bái sư nhằm lão thầy chưa đủ phong độ, nhưng lại thích môn chơi này nên bạn rủ cô bằng lòng ngay.

Bước vào bên trong, Nguyên đảo mắt nhìn quanh tìm hai con bạn, chợt thấy lão Minh khó ưa ngồi chung với vài người bên góc trái, Nguyên lặng lẽ quay sang góc phải. Hai con ranh này hẹn sao không thấy mặt nào đến? Chờ cả tiếng đồng hồ, Nguyên không còn kiên nhẫn bực tức đứng lên đi về.

Ra đến ngoài parking chợt cô nghe tiếng gọi giựt giọng phía sau… Nguyên… Nguyên  đứng lại… Nhận ra giọng lão quát, Nguyên càng cắm cúi bước nhanh. Cô vừa toan đóng cửa xe sau khi đã ngồi bên trong, bỗng một cánh tay ngăn chặn không cho đóng với khí thế rất “hào hùng”. Trời ạ!... Cây muốn lặng mà gió không muốn đừng. Nguyên gạt tung cánh tay đang nắm cửa xe, thộp cổ lão dúi vào tường, lên liên tiếp hai gối vào bụng, lão kêu hự một tiếng, mềm oặt người gục xuống như thân cây đổ. Mấy người bạn hấp tấp chạy ra, ban đầu họ tưởng có thể can ngăn kịp khi lão sinh sự với Nguyên, kẻo tội nghiệp con gái… yếu đuối. Dè đâu chạy ra kịp lúc dìu thằng bạn bị nock out vô.

Nguyên thoáng ân hận vì ra… gối quá nặng. Cũng hơi lo lão bị bịnh hậu. Tại bộ dạng lão cứ như muốn gây sự. Mà cũng tại lão xui, Nguyên giận hai con bạn (cá) cho leo cây, quay lại chém  cái “thớt” vừa lúc đến nạp mạng!... Ơ mà… Đúng rồi, có vậy mà cô không nghĩ ra. Đúng là hai con ranh này phản bạn, lừa Nguyên đến đây giúp cho lão rồi trốn biệt. Từ hôm Nguyên phóng “ám khí” vào đầu lão đến nay cũng cả tháng, cô quên khuấy cái lão của nợ luôn, đâu ngờ lão “mua chuộc” bạn mình dẫn dụ tới đây! Nguyên xách xe đi lùng sục tụi bạn hỏi tội. Gặp đứa này nó đổ cho đứa kia, rốt cuộc không thể có cơ hội “ba mặt một lời” mà xử tội đứa nào cả!

Sau chuyện này Nguyên tưởng lão cạch mặt cô, không ngờ lão lì đòn cao thủ, có vẻ thuộc típ người thích cái thú đau thương. Và đau thương do Nguyên đem lại lão tình nguyện chịu cả đời! Qua thời gian dài Nguyên đã nhìn thấy ưu điểm của lão nhiều hơn khuyết điểm. Lão cũng tự biết mình nói năng không hay ho gì nên tạ ơn trời ban cho tính nói ít, chứ nói nhiều mà nói những câu vô duyên nhạt nhẽo mới thật là bi kịch! Bởi thế cái tật lầm lì nay bỗng trở thành ưu điểm, dù Nguyên rất ghét.

Anh Minh phải cầu hôn đến lần thứ tư Nguyên mới nhận lời, do động lòng khi thấy anh chí tình son sắt, anh thà chịu thất nghiệp ốm đói ở đây “canh giữ” cô, nhất định không đi nơi khác nhận việc! Cái “chân lý” lấy người thương mình hạnh phúc hơn đã thuyết phục được cô… Hơn nữa, có lẽ dây nợ duyên đã buộc!

Có dịp gặp lại má của anh chàng dở hơi năm xưa bị Nguyên “tạo hình” cổ tay thành cán giá, bà nói đùa… thằng Sơn với con không duyên nợ, chớ nó lấy con thì giờ mồ đã xanh cỏ. Nguyên chỉ cười, nghĩ thầm… may là cô không thèm lấy hắn, chứ không chắc mồ hắn xanh cỏ thật… nhưng còn chồng Nguyên bây giờ tốt tướng phương phi hơn xưa nhiều lần, ở nhà cao cửa rộng đề huề, thì giải thích sao?

Sống đời vợ chồng bao nhiêu năm, Nguyên phải cứng cựa lắm mới không bị anh giở thói gia trưởng ăn hiếp, nhưng bên ngoài nhìn vào thiên hạ cứ tưởng cô lấn lướt chồng. Kệ, ai nghĩ sao cũng được, cô đâu cần phải bực tức rồi vạch áo cho người xem lưng, hay ho gì? Cô vun vén gia đình, đối xử tốt với bên chồng được mọi người quí mến, anh cũng vì vậy mà nể nang vợ hơn. Biết tính anh trái khoáy, nói năng ngang phè, cô cũng đã quen nhưng đôi khi vẫn thấy buồn! Cô ước gì vợ chồng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bởi hòa hợp tâm hồn là điều cần thiết cho hạnh phúc trọn vẹn.

Khi Nguyên than thở với Hậu những điều băn khoăn này, bạn liền phán cho một câu xanh rờn… Ối giời! cô mình được voi đòi… tê giác! Ở đời không có gì trọn vẹn cả, người bạn đời chỉ cần 7 điểm trên 10 là phải biết mãn nguyện rồi. Đừng nghĩ chỉ có mình phải chịu đựng chồng, trong khi biết đâu chính chồng cũng đang chịu đựng mình mà không phàn nàn ta thán…

Trời!... tưởng bạn bè binh nhau an ủi mấy câu, ngờ đâu bạn thẳng ruột ngựa. Nhưng có lẽ bạn nói đúng! Vợ chồng là chịu đựng lẫn nhau, chẳng ai trọn phần hoàn hảo. Cũng bởi, đã là duyên… nợ!

 

Hoàng T Thanh Nga
Sep 2015

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com