User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Ngày giỗ một năm của Ba, tôi đã cảm xúc viết lên bài “Ba Tôi” để tưởng nhớ người cha thân yêu đã lìa xa dương thế. Tám năm sau nỗi buồn đã phôi pha, nhưng cứ mỗi lần nhìn mọi người tíu tít sửa soạn cho ngày “Father Day” hay đọc kinh, xin lễ cho ngày Sinh Nhật và ngày giỗ của Ba thì lòng bỗng dưng chùng xuống… Biết rằng đời người là sinh bệnh lão tử, có ai tránh khỏi nhưng sao vẫn thấy nao lòng mỗi khi nhớ lại hình ảnh gầy guộc của Ba trong những ngày cuối cùng và nhớ lại mình đã mất cha…

Ba mang bệnh dimentia, chứng bệnh mất trí nhớ của người già, một chứng bệnh mà chúng tôi không thể nào nghĩ rằng Ba mình vướng phải vì Ba nổi tiếng có trí nhớ rất dai, được xem như tự điển sống của chúng tôi. Mỗi lần Ba đi công tác xa, nhắn  người nhà gửi cho Ba thứ gì đó Ba cần thì Ba chỉ rõ từng chi tiết, để ở đâu, ngăn thứ mấy v.v… Sau này, khi chúng tôi đã đi làm việc, cứ mỗi lần cần dịch nghĩa chữ nào trong tiếng Anh thì không cần giở tự điển là gì, chỉ việc gọi điện thoại, thì không những Ba trả lời  nghĩa chữ đó mà còn giải thích tường tận những liên hệ quanh nó, nhờ đó mà chúng tôi hiểu nhiều và rõ hơn về các từ vựng. Ba không phải là thông dịch viên hay nhà ngôn ngữ học nhưng thông thạo tiếng Anh và Pháp nhờ làm việc với các cố vấn người Pháp và Mỹ ở hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa năm xưa nên đã dạy chúng tôi rất nhiều trong việc nói và viết tiếng nước người.

Nhớ làm sao những ngày còn Ba…

Vì bận công vụ, thường xuyên vắng nhà nên mỗi khi Ba được về phép thì cả nhà rộn rã tiếng cười nói. Ba hát rất hay, mỗi lần Ba về nhà là những người hàng xóm thường chạy qua thăm và yêu cầu ông hát. Bài “tủ” của Ba là bài “Nụ Cười Sơn Cước” của Tô Hải vì đây là bài Ba hát trong đám cưới của mình và những câu “nàng ơi tôi đã rút tơ lòng, dệt mấy cung yêu thương” thì đó là những lời thương yêu Ba gửi đến Má, thật là tình tứ và lãng mạn. Ngưỡng mộ vô cùng tình cảm của Ba Má!

Là quân nhân lại là cấp chỉ huy, những uy nghi cứng cỏi của Ba chỉ được thể hiện ở công sở, còn ở nhà tuy nghiêm khắc nhưng ông là một người chồng chung thủy, một người cha mẫu mực thương yêu, chăm sóc vợ con từng ly từng tí. Tôi vẫn nhớ lúc nhỏ, mắt tôi đã yếu sẵn, ông đã sắp xếp công việc để lấy mấy ngày phép dẫn tôi vào Sàigòn để làm mắt kính (không hiểu vì ở Pleiku thời đó chưa có tiệm đo và làm kính chuyên nghiệp hay vì Ba tin tưởng ở Sàigòn làm tốt hơn?), rồi sau đó cứ mỗi đêm, trước khi đi ngủ Ba lại nhỏ thuốc nhỏ mắt cho tôi vì biết tôi lười không chịu tự mình làm việc này. Ông rất coi trọng việc học của các con nên dù bận rộn thế nào thì những buổi tối đều nhắc nhở con cái học tập và kiểm soát rất kỹ. Có cô em thứ năm, cứ mỗi lần học bài là mỗi lần rơi nước mắt vì bài dài quá khó lòng học thuộc, ông kiên nhẫn ngắt từng đoạn ngắn, giải thích ý nghĩa cho em hiểu rồi cả hai cha con cùng ngồi học, chỉ thoáng chốc cô em thuộc nằm lòng bài học, cười toe… Thế là chỉ vài đêm, em biết cách học và tự mình lo lấy… Vì cuộc sống đời quân nhân thời chiến, nên việc học của chúng tôi hay lở dở, có khi chưa học xong một lớp thì đã theo Ba chuyển đi nơi khác vì thế Ba tôi hay nhờ người kèm giúp Toán, Lý Hóa và Anh/Pháp văn  vào cuối tuần để chúng tôi theo kịp bài vở. Tuổi nhỏ, lại ham chơi, nên mỗi lần tôi “bị” bắt học là bất mãn lắm, nhưng đâu dám phản đối, bởi thế nên mỗi lần đi học thêm, tôi thường lơ đễnh không thèm nghe giảng bài cứ tỉnh bơ chơi với búp bê mình cầm theo, anh dạy kèm giận quá méc Ba, thế là tôi bị “dzủa” tơi bời trong buổi cơm chiều đó. Nhớ có năm Ba được mời làm khách danh dự cho buổi lễ phát phần thưởng ở trường tôi học, ông nói ”thôi không đi, mắc cỡ lắm, mình phát phần thưởng cho con người ta trong khi con mình thì học dốt quá!” hoặc  “con đội mười đứa trên đầu không nặng sao con” những câu nói như thế đã cảm hóa được chúng tôi, để rồi những năm sau đó cả cha lẫn con đều cười tươi trong ngày phát thưởng!  Ba tôi là thế đó, không dùng roi đánh con nhưng lại dùng lời nói mà làm mình thấm đòn.

Chăm sóc của Ba dành cho các con ngày càng tỉ mỉ dần nhất là khi Ba được trở về sau hơn mười năm ở trại cải tạo sau năm 1975. Lúc đó mấy đứa con lớn đã ở nước ngoài nên hai đứa em nhỏ nhận được tình phụ tử tuy rất muộn nhưng tràn đầy (vì khi Ba tôi vào tù thì hai đứa nhỏ chỉ mới năm, bảy tuổi nên đâu nhớ mặt cha). Khi cả nhà được đoàn tụ, tôi đã lập gia đình và ở riêng nên chỉ nghe các em kể mà rơi nước mắt vì những chăm sóc của Ba dành cho. Những việc làm tuy nhỏ nhặt và không hề nói ra của Ba đã làm các em tôi cảm động về tấm lòng của người cha, như mỗi buổi sáng Ba thức sớm hơn để lo thức ăn trưa đem theo đi học cho các em; khi thi Anh văn để xếp lớp học lúc mới qua, cô em kế út không đủ điểm để vào lớp chuẩn bị cho Đại học, thế là Ba xin được nhường chỗ đó cho em để em có cơ hội tiếp tục việc học nơi xứ người, Ba trình bày sao đó mà rốt cuộc cả Ba và em đều được học; Ba lại lo học lái xe để có thể đưa đón các em đi học cho khỏi tốn thì giờ đón xe công cộng… Khi ra trường phải đi làm xa, em ngạc nhiên khi bước vào chiếc xe lạnh tanh chứ không ấm như lúc còn ở nhà, mới biết sáng nào Ba cũng ra nổ máy xe, mở heater ra trước để xe sưởi ấm cho các con trong mùa đông giá lạnh. Những việc thêm nước, coi nhớt, bơm bánh xe, rửa xe… là những chuyện lạ lẫm mà em phải làm khi rời xa Ba. Về công việc nhà, Ba luôn chia sẻ, làm những việc nặng nhọc thay Má, Ba không nề hà chuyện đẩy xe cùng theo Má đi chợ, hay nấu nồi cơm, rửa chén… (dù một thời Ba từng hét ra lửa) Tôi còn nhớ có lần qua nhà nấu món bún bò, Ba còn giành lấy việc luộc bún và khoe rằng “ba luộc bún khéo lắm, con xem nè” v.v… Cách Ba chăm sóc thầm lặng như thế nhưng đượm đầy thương yêu mà chỉ khi mất rồi mình mới nhận ra và thương nhớ Ba thật nhiều!

Ba nhuốm bệnh sau khi bị trầm cảm nặng có lẽ vì những nỗi buồn không ai chia sẻ: nỗi buồn thất trận, nỗi buồn xa xứ, nỗi buồn vì tuổi già. Tiếc và ân hận vô cùng vì lúc đó các con đều bận rộn về mưu sinh, về con cái… đâu có ai dành chút thì giờ để hiểu và chia sẻ với Ba, một người tưởng như cứng rắn chứ đâu ngờ là một người tình cảm, sống nội tâm khi biết là Ba mong sẽ ra đi trước Má bởi Ba sẽ không chịu đựng nỗi mất mát, cô đơn khi không còn Má bên cạnh. Ba vẫn nói “Má cứng cỏi, vững tinh thần hơn Ba” Nhớ lại những ngày đầu đưa Ba vào viện dưỡng lão, Ba đã nắm tay tôi dặn dò “hãy chăm sóc Má và thương yêu lẫn nhau”, rồi sau đó mê sảng cứ kêu tên Má liên tục. Đau đớn thay, người mà Ba thương yêu, chung thủy suốt đời ngay cả lúc mê sảng, vậy mà những tháng ngày hấp hối Ba đã không còn nhận ra Má, không có được một lời từ giã vợ con, ánh mắt vô hồn nhìn quanh khi Má đến thăm đã làm bà bật khóc nức nở… mới biết là chứng bệnh này khủng khiếp cỡ nào cho người thân yêu!

 

Thỉnh thoảng khi cùng nhau tụ họp, Má vẫn chép miệng than ”tội nghiệp Ba, chưa có một ngày sung sướng an nhàn, lúc còn trong quân ngũ thì bận rộn hành quân, lúc qua được nước ngoài thì lại lo chăm sóc cho đám con cháu, đến khi con cái tốt nghiệp, lẽ ra sẽ được hưởng phước thì vướng bệnh rồi lìa đời” hoặc mấy đứa con lớn nhắc khi dự lễ tốt nghiệp của các con mình ”phải chi ba còn sống thì sẽ vui biết bao vì thế nào Ba cũng hãnh diện đi khoe những thành công của mấy đứa cháu nội, ngoại với bạn bè cho xem”

Có thể không quá đáng khi nói rằng Ba là một người cha tuyệt vời, là tấm gương sáng cho chúng tôi và con cháu noi theo không những về đạo đức, tư cách làm người mà còn về cách phục vụ xã hội, đất nước đã cưu mang mình!

Ba đã ra đi tám năm rồi, nhưng hình ảnh những ngày oai hùng và những ngày cuối đời của Ba cứ thỉnh thoảng hiện lên trong tâm trí tôi, nhất là những ngày ra thăm Ba tại nghĩa trang. Ngày đưa Ba về với cát bụi, những lễ nghi quân cách tiễn đưa, lễ phủ cờ tổ quốc, lễ quấn cờ trao cho Má… được các bạn bè và thuộc cấp của Ba tổ chức và thực hiện rất trang trọng đến không ngờ, tôi tin là Ba cũng nhẹ lòng ra đi… Nhìn nụ cười hiền hậu của Ba trong ảnh, dưới ánh nến lung linh và khói nhang tỏa nhẹ, lòng thầm khấn nguyện “Ba ơi hãy an nghỉ nơi nước Chúa, mọi u sầu lo toan đời thường đã giũ sạch rồi phải không Ba. Má và các con cháu đều luôn nhớ đến Ba và thầm hãnh diện về những gì Ba đã đóng góp cho đất nước và gia đình

Tám năm rồi mà hình như Ba vẫn còn quanh đây...

 

Hồ Diệu Thảo (23 /10 /2015)

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com