.
Nhà của anh chàng Năm Cua-đinh trên xóm Chòi Đồng vào những ngày thường cũng có lúc bạn bè con cháu tụ tập vui vui, mấy ngày nay nơi đây xuống cấp buồn hiu thấy rõ. Lúc trước cả xóm cùng chịu cảnh cúp điện hoài, lóng rày điện hết đóm thì có thêm nạn đứt cáp quang truyền internet, hệ thống dự phòng thu tín hiệu vệ tinh qua các dàn ăng-ten của chủ nhà mạng cứ chập chờn như ma hiện. Mấy ngày không vào 'net', chàng Năm cảm thấy bực bội như thiếu một món gì không có khó mà xong. Trời ấp Năm cứ mưa rả rít, lâu lâu có những cơn gió mạnh mang không khí ẩm ướt lùa vào gian phòng khách đơn sơ có một người ngồi trầm ngâm bên tách trà hình như nguội ngắt. Năm Cua Đinh xoay người nhìn chiếc đồng hồ treo trên bức tường gạch chưa được tô láng, mới hơn 10 giờ sáng mà hắn tưởng như đã xế chiều. Sự chuyển động thân người của hắn khiến cho đám mộng ngàm của chiếc ghế đai rít lên kèn kẹt. Cũng vì bộ bàn ghế nầy mà tuần rồi vợ chồng hắn cãi nhau. Năm Cua-đinh nhớ như in chiều hôm đó, bà chủ nhà kéo ghế ngồi sát bên hắn như "mấy độ thu về" có cài đặt âm mưu:
- Nhà mình thường có khách đến chơi mà không có món nào tiện nghi cho ra hồn, tui tính thay bộ bàn ghế cũ xì ọp ẹp nầy bằng bộ xa lông như nhà ông bà Sáu Bờ-rô.
- Thằng Sáu nó khá, nhà tường lầu đúc, người ta chưng dọn xa lông gỗ cẩm lai giá trị mấy chục triệu thì đúng điệu quá rồi. Còn nhà mình lót gạch tàu trống trước hụt sau, có được bộ bàn ghế gỗ còng là quá xứng với nồi nào vung nấy. Bà ham hố chi hàng độc, tốn tiền mà coi chừng làm trò cho người ta cười.
- Lạ à nghen, tui có tiền tui sắm gì kệ tui, có mượn chác ai mà họ cười. Hay là ông muốn giữ kỷ niệm lóng cây còng mà cô Năm Cô Đơn chủ quán Đợi Chờ nửa bán nửa tặng hồi nẳm.
- Tui chỉ nói lỡ lời mà bà cứ nhắc hoài. Kỷ niệm là tui nhớ lần đầu tiên tui đi làm mướn ở ấp nầy.
- Ông đừng có lẻo mép. Không phải ông chuyên nghiệp gặt lúa mướn hay sao. Mùa gặt năm Thìn, băng thợ của ông kéo về đồng nầy, anh Năm mình nhờ ca vọng cổ mùi mẫn mà cua dính tui. Còn việc ông đi xẻ mương lên liếp vườn cho Năm Cô Đơn là lúc con bé Hai của mình được mấy tuổi rồi.
- Bỏ vụ của tui đi. Cả tuần nay thằng Hai Chích thất vọng nằm vùi, tui thấy mà đau lòng cho nó. Bà Năm Cô Đơn cũng ác, cứ ầu ơ ví dầu, bây giờ mới ló ra nùi tâm sự. Tình gì mà dài thòn nửa vòng trái đất, tui không tưởng nổi.
- Mắc chi mà đau lòng. Bà Năm hứa hẹn gì với Hai Chích chưa. Người ta chủ quán, phải trò chuyện vui vẻ với khách hàng. Trước khi mấy ông trồng cây si, không ai chịu hỏi thăm người địa phương.
- Một ông Hai Chích ôm mối tình si, không phải mấy ông à nghen. Vợ Hai Chích mất 5-6 năm rồi, cô Năm cũng 'chổng chừa', họ thương nhau hay ráp lại vợ chồng thì đâu sai đời lỗi đạo. Ừ, bà biết gì về cô Năm Cô Đơn mà kêu người ta vấn kế.
- Chị Năm chủ quán lớn hơn tui chừng 2-3 tuổi chớ mấy. Cha mẹ chị là ông bà Hai Thời về đây khoảng đâu năm 78. Chị có hai người chị thứ Ba và thứ Tư lập gia đình, nhà ở chợ Ngã tư Long Hồ, còn người anh thứ Hai ngồi trên bàn thờ, kỷ vật của anh chỉ còn là khung kiếng bằng liệt sĩ. Lúc đó chị trẻ đẹp lắm mà trai ruộng nào có mấy ai dám ao ước. Gần đất vườn chị Năm có ông bà Tư Son cũng cất nhà trên vườn xưa của họ. Năm đầu tiên ai cũng biết hai ông bà Tư về ruộng sống cheo ngoeo, thời gian sau thì có thêm người cháu trai chừng hai mấy ba mươi đến ở chung. Ông bà Tư ra xã xin nhập hộ khẩu cho anh Tân, ông giới thiệu là cháu ruột, con người anh trai của ông đã qua đời. Ông cũng xuất trình giấy tờ của địa phương quê quán chứng thực anh Tân là lính trơn Sư Đoàn 18 đã qua thủ tục khai báo. Anh Tân lúc đó rất đẹp trai, dáng người cao ráo nhanh nhẹn, ăn nói chững chạc có duyên, nói chung là văn võ song toàn. Ảnh là dân thành phố mà chỉ ở đây chừng một năm thì đã thông thạo công việc ruộng vườn hay chèo ghe bơi xuồng ngon lành không ai bì kịp. Anh Tân cũng hay tới lui nhà ông bà Hai Thời để giúp đỡ những công việc lặt vặt. Gái thanh trai lịch sống gần thì dễ sanh cảm tình, càng ngày hai người càng thân mật và khắng khít hơn là tình bạn bè chòm xóm. Mọi người xóm tui quả quyết anh Tân sẽ cưới chị Năm ngay khi xong mùa gặt lúa năm đó. Duyên tình người ta đang thuận buồm xuôi gió, rồi cũng tại mấy thằng cha ba hoa ba đá vô duyên như mấy ông vậy đó, không biết từ đâu nhảy ra phá đám người ta.
- Bà cứ gán mọi chuyện xấu trên đời vào hết cho tụi tui là sao.
- Chần ngần trước mà nhiều khi còn bị muộn. Bạn thân của ông mới đây làm cả xóm tá hoả tam tinh rồi đó. Không chịu ngồi im nhận lỗi, ở đó hỏi trả treo.
- Thôi nghỉ đờ-mi-tăng đủ rồi, thổi còi vô hiệp hai đi, bà cứ khui móc chuyện cũ của người ta hoài. Tui lỡ mà vướng cựa vụ gì, sống sao nổi với bà.
- Thời đó, đám con gái chưa chồng cỡ trạng tui ở ấp Năm hễ có dịp gặp nhau là say sưa bàn tán, tập trung vào chuyện ông bà Hai Thời chịu gả bà Năm cho anh Tân mà đòi bắt rể. Nhưng cũng nghe nói ông bà Tư Son dứt khoát không đồng ý, do đó mà cuộc tình đẹp như trăng rằm của họ cứ kéo dằng dai chưa kết thúc. Một bữa nọ, anh Tân và chị Năm đi tàu đò ra chợ Ba Càng mua sắm máy móc gì đó. Phải mua đồ xong thì xuống tàu ngồi chờ tới giờ rời bến thì đâu sanh ra cớ sự. Hai người vô quán cà phê kế bên bến tàu, anh Tân mới kêu 2 ly cà phê, thì ngay lúc đó có mấy tay sỉn say cũng bước theo vào. Có một thanh niên dáng dấp phong trần, trên người y mang chiếc túi vải ka-ki màu nhà binh có quai dài quàng chéo qua vai. Hắn tách khỏi nhóm bạn và đi xăm xăm đến ôm vai anh Tân:
- Ông thầy, ông thầy đếm mấy cuốn lịch mà ngồi đây khoẻ re vậy. Ông thầy về sớm nhất đó nghen, nhà ông thầy ở gần đây không. Mấy năm mới gặp lại, ông thầy vẫn đẹp trai lịch sự y chang.
Mặt anh Tân lúc đó tái xanh, anh gỡ tay thằng say rượu. Ngày thường anh rất bình tĩnh, hôm đó anh Tân có vẻ hốt hoảng lắp bắp:
- Anh nhận lầm người rồi. Trước 75 tui đi lính sư đoàn 18, bị tập trung một tháng rồi về quê làm ruộng tới bây giờ, tôi chưa từng làm thầy bà gì hết.
Tên thanh niên sững người một chút, nhưng y tiếp tục oang oang:
- Tui nhìn lầm người? Ba bốn năm trời, thằng Tư Cà Mau nầy từng ăn chung gà-mèn, ngủ chung lều với Trung Uý Tân, đại đội phó cọp ba đầu rằn tiểu đoàn 42 Biệt động. Tui hiểu tánh, quen giọng, quen hơi với ổng còn hơn anh em ruột, tui cũng từng băng bó vết thương trên vai ổng trong lần mới nhảy ra khỏi trực thăng thì bị pháo giữa đồng ở Mộc Hoá. Tui biết ổng có máu đỏ chớ đâu phải máu đen. Vậy mà bây giờ thằng lính tà-lọt nầy nghèo, nó lặn lội mua đồng nát lạc-xoong kiếm miếng ăn, gặp người ta mừng còn hơn cha tui sống lại. Vậy mà họ nỡ lòng ngó ngang không hề quen biết. Tư Cà Mau xin lỗi huynh đài nghen.
Như gặp ma, anh Tân nắm tay chị Năm đi te te xuống tàu đò, quên luôn 2 ly cà phê đã gọi. Mấy hôm sau thì anh Tân lẵng lặng đi đâu vắng mặt và kể từ đó coi như mất tích. Lâu lâu có ai hỏi thì ông bà Tư Son trả lời một câu thuộc lòng "thằng Tân nói với tui và thím nó là ra Gia Kiệm khẩn rừng trồng cao cao su với đám anh em". Lúc đó không biết do đâu mà xóm nầy đồn rân lên, anh Tân về thăm nhà ở Vũng Tàu gặp chuyến vượt biên của bà con. Họ còn nói anh Tân có trở lại năn nỉ mà chị Năm không chịu đi chung, thiệt là uổng cho chị.
- Lúc đó em biết tình hình của cô Năm ra sao không?
- Có ai gặp chị đâu mà biết. Tối ngày chị Năm rút trong nhà, hỏi thăm ông bà Hai Thời nói chị cũng khoẻ, chỉ có điều chị không được vui và không muốn gặp ai. Lâu lắm chị mới xuất hiện mà cũng ít khi ra khỏi nhà lắm. Có lẽ thấy chị u sầu nhớ anh Tân mà ông bà Hai Thời mở quán cà phê cho chị bận bịu để quên buồn. Em cũng không nhớ khi nào, một bữa trưa vắng khách, chỉ thuật lại câu chuyện nầy mà khóc không cầm được nước mắt. Chị tin anh Tân còn ở đâu đó ngoài Long Khánh, có dịp thì anh Tân sẽ về tìm chị. Chú thím của anh Tân chỉ cho chị Năm nhà con gái của họ ở Phường 9 Vĩnh Long, kêu chị có dịp thì ghé đó xem có tin gì của anh Tân không, bởi ngoài gia đình ông, anh Tân không còn mấy ai thân thuộc.
- Rồi mới mấy tuần nay có tin anh Tân ở Mỹ sắp về thăm chị Năm. Suốt bao nhiêu năm mất tích, bây giờ mới biết tin tức là sao?
- Quán Cô Đơn bây giờ là quán nhà của băng các ông và Hai Chích, ông không lết tới đó hỏi cô Năm. Ông hỏi tui, tui biết hỏi ai?
.......xox.......
- Anh Năm và anh Hai biết không, từ bữa ghé nhà chị Hai Linh là con gái của chú thím Tư Son, tui về nhà mừng tới nỗi thức trắng đêm đó. Lòng mừng rộn rã nghĩ đến ngày cùng chị Hai Linh lên đón anh Tân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Trong bụng cứ nhớ đến những thói quen, những món ăn mà anh Tân ưa thích.
Tay Năm Cua Đinh vớt theo một câu thăm dò giùm Hai Chích:
- Chúc mừng cô Năm sắp tao ngộ người xưa, tui nghi chắc có người thất vọng mỗi khi đến đây uống cà phê.
- Cám ơn các anh luôn luôn ủng hộ quán tui. Chuyện của tui cũng chưa suôn sẻ đâu hai anh ơi. Mới hôm kia, chị Hai Linh gọi xuống nói anh Tân hoãn lại chuyến về mà chưa hẹn lại. Chị nói bây giờ anh Tân buồn khổ lắm... "Năm đó anh Tân đâu phải ra ngoài Gia Kiệm phá rừng làm rẫy bái gì. Lúc đó có người giới thiệu cho ảnh xuống cù lao Dung phía ngang chợ Đại Ngãi, ăn ở tại chỗ để làm mướn cho lò ép mía nấu đường. Ít tháng sau thì chủ lò đường đó có chuyến vượt biên, người ta cho anh đi theo với điều kiện qua đó phải nhận con gái của ông chủ ghe là vợ. Bà kia qua tới Cali đeo dính anh Tân, và cắt đứt mọi liên lạc của anh Tân. Bả còn hăm anh Tân trốn bả về Việt Nam là bả tố cáo chuyện gì đó. Hai người sống với nhau dưới danh nghĩa vợ chồng nhưng không một ngày hạnh phúc, cũng may là họ không có con. Năm rồi bà 'cù lao Dung' ly dị đòi chia nửa căn nhà, anh Tân ra toà thối cho bả 50% tài sản. Bả xài hết tiền, mới đây còn trở lại bắt anh Tân bán căn nhà của ảnh để chia lần hai cho bả, với lời hâm doạ anh Tân nếu còn muốn về Việt Nam êm thắm".
Năm Cua Đinh và Hai Chích bàng hoàng khi nghe giọng nói nghẹn ngào và thấy những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má hồng nhan bạc phận. Cô Năm đã đi lên nhà lâu lắm. Năm Cua Đinh và Hai Chích còn ngồi trong quán lặng im, cả hai cùng buồn vời vợi cho hoàn cành người con gái mà Hai Chích đeo đuổi mấy năm nay.
Hai Chích nói thật nhỏ với Năm Cua Đinh:
- Tao vẫn thương cô Năm đến hết đời tao. Nhưng tao không bao giờ muốn cô Năm đau lòng như vậy.
Nguyễn Thế Điển