User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

    Cô bạn thân thời trung học email cho tôi từ bên Úc.  Biết cảnh trạng buồn nhiều hơn vui của tôi cô thường xuyên an ủi.  Trong email mới nhất này cô dặn dò tôi nên chú ý đến sức khỏe: ăn, uống, ngủ, nghỉ đầy đủ, nhớ uống thuốc bổ, đừng để lòng buồn bã mà nên đi ra ngoài giải khuây, đừng để những bất hạnh cuộc đời quật ngã,… Điều cô dặn đi dặn lại nhiều nhất là cô khuyên tôi phải nên chăm sóc nhan sắc và vẻ ngoài cho lúc nào cũng được tươi mát (?).  Đọc email của cô mà tôi mỉm cười. Tôi bây giờ đã chán hết mọi thứ, ở đó mà se sua chưng diện như thủa nào. Tôi email lại. Trong đó tôi đùa với cô rằng: là người… đẹp tự nhiên (?!) tôi đâu cần son phấn. Nếu không đẹp, không trẻ thì làm sao tôi có được một danh xưng tuyệt vời là “Triệu Hoa Công Chúa”? “Công Chúa Triệu Hoa” không những chỉ đẹp mà còn đẹp hơn triệu triệu loài hoa.  Nếu không thế thì sao được làm chúa tể của loài thực vật này?  Trước cái email kiêu ngạo bốc lửa của tôi, cô email lại: “Nói nghe tự tin dữ!”.

   Bạn tôi không chỉ nói suông cho vui. Cô đã gửi cho tôi những hộp kẹo chocolate loại hảo hạng để cho tôi cúng Kỳ Lân và cúng Ba. Cô gửi cho tôi mặt nạ dưỡng da ban đêm, kem chống nhăn, kem làm tươi trẻ làn da ban ngày; mùa đông cô gửi cho tôi khăn choàng cổ tím rịm màu hoa sim vì cô biết tôi đi làm thường đi bộ mỗi ngày bận đi bận về mấy cây số. Nhìn cước phí bưu điện được đóng trên kiện hàng mà tôi nóng ruột. Tôi không muốn bạn tốn kém vì mình nhưng bạn nói đó chỉ là một chút tâm ý, từ chối bạn sẽ giận. Là người theo đạo Công Giáo nhưng khi nghe tin con tôi qua đời rồi Ba tôi mất, cô và chồng lên chùa gửi tên cúng cầu siêu.  Hai vợ chồng bạn đã cùng tôi song hành chia nhau nỗi đau.

     Trước ngày đứa con thương yêu bé bỏng đột ngột về Trời tôi là người rất vui vẻ yêu đời. Cuộc sống đơn giản không cao sang quyền quý nhưng tương đối đầy đủ về mọi mặt. Chưa phải là bà cụ lụm cụm nên tôi vẫn còn trau chuốt vẻ ngoài. Mỗi khi mặc áo hồng tôi thoa son môi màu hồng; mặc áo tím tôi thoa son môi màu kiến sen; tôi diện bộ nữ trang ngọc trai đi đôi với áo màu kem; bộ ngọc sapphire với áo màu xanh da trời; bộ ngọc ruby đi với áo đỏ; váy dài váy ngắn tùy theo mùa, mũ len đội đầu và khăn choàng cùng màu vì lúc trước tôi siêng lắm, bận rộn đi làm suốt ngày nhưng vẫn có thì giờ thêu thùa đan móc. Không những làm cho mình mà còn làm theo… đơn đặt hàng của mấy cô em, cháu,.… Điệu hạnh là vậy!  Yêu đời là vậy! Tưng bừng sức sống là vậy! Trên đường đi nhìn những chú chim họa mi, chim se sẻ ríu rít nhảy nhót trên những cành cây khô ran khô rốc loáng thoáng những chồi cây xanh vừa nhú là đã cảm thấy lâng lâng một niềm vui; nhìn thấy một nụ hoa chớm nở là lòng đã rộn ràng; một làn gió mát dìu dịu, một chiếc lá thu vàng bay bay cũng đủ gợi lên trong tôi cả một trời thơ lai láng. Vậy mà sau ngày định mệnh đau buồn đó mọi thứ thoắt cái đã trở nên mờ nhạt.  Lòng ham muốn, sự đam mê về những thứ mình đã từng chiếm hữu thoáng chốc đã lắng xuống tận đáy lòng! Trong nỗi đau bàng hoàng làm tê liệt cả thể xác lẫn tinh thần, tôi đã tìm về thổn thức quỳ dưới chân Đức Phật, cầu xin sự chở che. Quỳ dưới chân Ngài tôi cảm được thân phận bé nhỏ hèn mọn của kiếp con người. Ngưỡng nhìn dung quang ngời ánh từ bi của Ngài tôi tìm được nguồn an ủi bao la. Tôi để tâm mình vào từng lời kinh tiếng kệ, lắng nghe những lời thuyết pháp để mong tâm linh được khai ngộ những điều mà do vô minh vọng tưởng mình đã phí phạm theo đuổi hàng mấy chục năm của kiếp người.

    Tôi không tài giỏi gì đâu và cũng chẳng phải là kẻ ngụy quân tử.  Ngày nay tôi thường đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp chẳng qua là tôi đã bị nhận chìm trong đau thương khốn đốn. Hết nỗi đau này lại tiếp nối nỗi sầu muộn khác. Cái đau cái buồn đã gậm nhấm xâu xé buồng tim.  Cái khổ đã mở mắt cho tôi nhìn thấy cuộc đời bằng một nhãn quan tương đối tỉnh thức, chỉ cho tôi thấy rằng cuộc sống con người là Vô Thường, có đó rồi mất đó; cuộc đời này đầy dẫy những tạm bợ, chấp vá, thiếu cái này thì lập tức những cái kia sẽ ngã nghiêng thậm chí chới với hụt hẩng đổ nhào, chứ làm sao một người đang sống hạnh phúc bình an, vật chất dư thừa làm gì có thể dễ dàng xem nhẹ những lợi lạc phù phiếm của thế gian?  Họa chăng chỉ có Đức Phật là Đấng Đại Trí Đại Giác mới có thể thản nhiên từ bỏ cuộc sống vương giả  trong cung vàng điện ngọc, từ bỏ ngôi vị đế vương một chút không ngần ngại để tìm kiếm con đường giải thoát không những cho chính mình mà cho toàn thể chúng sanh.  Ngày xưa có nghe, có đọc sách về Phật học cũng chỉ là một hình thức để mở mang kiến thức, có áp dụng vào đời sống cũng chỉ là những điều căn bản đạo đức mà ông bà cha mẹ đã dạy chứ chưa thực sự có cơ hội hiểu nhiều về nghiệp, duyên, nhân quả, vay trả trả vay, luân hồi sinh tử, để hiểu biết tin sâu về những điều cao siêu ẩn tàng trong kinh sách nhà Phật.

     Trong một bài thuyết pháp tôi đã có nghe một câu:“Không khổ không tu được”, thật vậy!  Nếu không thực sự nếm mùi vị của đau khổ, nếu cái khổ không ngấm sâu vào tận lục phủ ngũ tạng, không làm mềm nhũn những sợi gân, nhão nhoẹt các bắp thịt, bóp nghẹt hơi thở thì sẽ không thấu hiểu được cảm giác của cái đau ra sao!

     Trong nỗi u hoài của kiếp sống thế nhân, tôi nghe bên ngoài cuộc đời thiên hạ xôn xao đón xuân.  Cô bạn nhắc chuyện chuẩn bị phơi củ cải ngâm nước mắm làm dưa món, gói bánh chưng; trang hoàng nhà cửa bằng mai vàng, dưa hấu,… Tôi lắng nghe bên trong đáy tim mình để xem có chút xao xuyến khi được nhắc nhở về những ngày Tết cổ truyền mà đã từng là đề tài tôi háo hức viết bài, háo hức được chen chân cùng mọi người trở về ngày cũ… nhưng mà mùa xuân trong tôi đã giã từ tôi mà đi không biết khi nào trở lại khiến lòng tôi buồn hiu hắt như cô lái đò héo mòn chờ tình quân trở lại trên bến sông xưa! Chiều 30 Tết tôi cố gắng nấu mâm cơm chay cúng trong nhà trong cửa và đón ông bà về ăn tết với con cháu.  Cúng xong tôi lên chùa buổi tối lễ Phật lạy sám hối. Đón ông bà về mà tôi không nhớ tiễn ông bà đi, tệ chưa?! Tới ngày mùng 6 tôi mới nhớ (bởi vì trong lòng mình đâu còn có mùa xuân!). Một anh Phật tử lớn tuổi ở trong chùa, nghe chuyện, anh nói:”Mình quên đưa ông bà đi thì ông bà cũng nhớ đường trở lại trên trời mà! Cô lo gì”. Tôi cũng có gặp chị Phật Tử lớn tuổi. Chị đang chiên tàu hũ trong một nồi dầu thật lớn chuẩn bị cho bữa cúng hôm sau. Thấy tôi đi tới chị mỉm cười và chào hỏi:”Em khoẻ không?”. Tôi cũng chào lại. Chị nói một cách dịu dàng: ” Chị thấy em dạo này tươi tỉnh, mặt mày tươi sáng. Lúc con em vừa mới mất trông em vô cùng xơ xác, thật là tội nghiệp! Đó là nhờ đạo hạnh tụng kinh niệm Phật đó em!”. Nghe chị nói mà tôi mủi lòng muốn khóc! Lời chị nói cũng gợi tôi nhớ lại câu chuyện về bà Tì Xá Khư (Visakha). Bà được coi là vị nữ thí chủ lớn nhất của giáo đoàn thời Phật tại thế. Bà xuất thân là con gái của một nhà triệu phú, ông Ngoại của bà cũng là một nhà triệu phú. Kinh điển đã diễn tả bà là người phụ nữ có vẻ đẹp toàn bích, xinh đẹp mỹ miều từ thủa còn thơ:”Tóc bà láng mượt như đuôi công, môi hồng đỏ tự nhiên như trái chín, răng trắng như ngà, khít khao đều đặn như hai hàng ngọc, da mịn màng như cánh sen, cho tới tuổi già mà vóc dáng vẫn xinh đẹp như thời son trẻ”. Ngoài nhan sắc hiếm có bà còn là người có sức khỏe như nam nhân, là người “có trí tuệ hơn người, vừa sáng suốt việc đời, vừa thông minh việc đạo’, tính cách lại đoan trang khoan thai nghiêm chỉnh, gần như trong bất cứ hoàn cảnh nào bà cũng là người xử sự rất chủ động. Vậy mà có một lần Đức Phật từ Vương Xá về Xá Vệ và ngự tại tu viện Đông Viên, bà Tì Xá Khư đến hầu Phật mà mặt mày ủ dột, đầu tóc và áo quần ướt đẫm nước mưa. Thấy bà trong tình trạng như vậy Phật mới hỏi:

- “Này Tì Xá Khư!  Bà đi đâu vội đến nỗi bị ướt nhẹp thế kia?
Bà mếu máo thưa:
- Bạch Thế Tôn!  Đứa cháu nội của con vừa mới chết! Con buồn quá!  Vội đi tìm Thế Tôn mà quên cả mang theo dù nón!”
- Cháu được mấy tuổi? Bị bệnh gì mà chết?
- Bạch Thế Tôn!  Cháu con mới ba tuổi.  Chết vì bệnh thương hàn.
Phật hỏi tiếp:
“- Bà muốn có nhiều con cháu lắm phải không?
- Bạch Thế Tôn!  Con muốn có thật nhiều con và thật nhiều cháu!  Càng đông con cháu thì nhà càng vui.
- Này bà Tì Xá Khư! Nếu con cháu của bà nhiều như dân số của thành Xá Vệ này thì chắc là bà vui lắm phải không?
- Vâng!  Bạch Thế Tôn!   Nếu con mà được đông con cháu như dân số của thành phố này thì còn gì sung sướng bằng!
- Bà có biết mỗi ngày ở thành Xá Vệ này có bao nhiêu người chết không?
- Bạch Thế Tôn!  Có ngày thì mười người, có ngày thì chín người, tám người, bảy người hay sáu người, ít nhất là một người chết.  Bạch Thế Tôn!  Không có ngày nào mà thành phố này không có người chết!
- Này Tì Xá Khư! Nếu con cháu của bà cũng nhiều như dân số của thành Xá Vệ này thì chắc chắn là ngày nào đầu tóc áo quần của bà cũng ướt nhẹp như thế kia, phải không?
   Nghe đến đây thì bà giật mình sửng sốt, vội thành khẩn thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thôi, thôi! Con không muốn con cháu đông đúc như dân thành phố này nữa đâu!  Con đã hiểu thánh ý của Thế Tôn rồi!  Càng thương yêu nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ lụy nhiều.  Thế tôn đã dạy cho con nhiều lần về điều này mà con vẫn cứ lú lẫn mãi!
   Đức Phật mỉm cười hoan hỉ vì thấy bà đã tỉnh ngộ”.

  (Trích từ phần phụ lục trong quyển “Mười Vị Đại Đệ Tử Của Đức Phật” của Tịnh Văn Pháp Sư)

   Một trong nhị vị Sư Cô đang tu ở ngôi chùa mà tôi thường đến lễ Phật mồ côi mẹ từ lúc lên ba. Đã hơn 30 năm rồi mà mẹ Cô vẫn chưa siêu thoát. Cách đây khoảng hai năm trước ngày cô lên đường sang Hoa Kỳ hoằng pháp, mẹ cô đã hiện về báo mộng cho cô biết là ngày mai mẹ cô sẽ cùng lên máy bay đi với cô qua Mỹ (?!).  Nghe có dễ sợ lắm không? Đã hóa thành người thiên cổ trên ¼ thế kỷ mà vì lòng thương yêu lưu luyến đứa con thơ dại mẹ của cô vẫn chưa chịu ra đi từ bỏ thế gian ô trược này. Rõ ràng là: “Càng thương yêu nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ lụy nhiều!”.  Đây là một bài học cho tất cả chúng ta. Bà Tì Xá Khư là một con người hiếm có ở thế gian (nói về tài, sắc, đức hạnh, bản lĩnh cứng cỏi cùng những đóng góp lớn lao cho Phật pháp lúc Đức Phật còn tại thế) mà vẫn bị nao núng, bị chi phối trước nỗi đau tử biệt sinh ly thì xá gì một kẻ phàm phu tục tử như tôi? Tôi đã từng nghĩ mình là người giàu sức chịu đựng, là người can đảm hơn những người can đảm. Tôi vốn là người thường phô bày niềm vui ra ngoài nhưng rất khéo che đậy nỗi khổ tâm trong lòng mình. Tôi đã rất ít bày tỏ sự bi lụy đau khổ ra ngoài trong thời gian qua nhưng giờ đây tôi có cơ hội nhận chân con người thật của mình sau khi mọi việc đã lắng xuống. Tôi biết sức khỏe mình đã tiêu hao rất nhiều sau khi phải hết sức gồng mình chịu đựng, chống chọi những cơn cuồng phong ác nghiệt của kiếp con người. Tôi giờ như cọng bún, là chiếc bánh men đang ngâm trong chén nước… rời rã…

    Giờ đây tôi chẳng còn mơ ước điều gì. Cái ăn cái mặc cũng chẳng màng thì còn quan tâm đến chuyện gì nữa? Nhìn mình trong gương tôi thấy một khuôn mặt già nua héo hắt. Tôi có tấm hình năm rồi chụp chung với Trúc Hồ và Mai Thanh Sơn ở Philadelphia hôm vận động đấu tranh nhân quyền gửi tặng cô bạn, cô khen mái tóc… bà già sao vẫn còn đen mượt chưa có tóc bạc…. Vậy mà chỉ mới có một năm sống trong âu sầu tóc tôi đã thưa thớt. Lý trí nói với tôi rằng cuộc sống vẫn phải tiếp tục như vầng dương phải mọc vào ban ngày và bóng tối phải làm chúa tể của trời đêm nhưng trái tim tội nghiệp vẫn dìu dặt nỗi buồn. Đâu dễ gì vượt qua cái thường tình! Phật đã dạy rằng nước mắt khóc vì đau khổ, vì sinh ly tử biệt của chúng sinh nhiều hơn nước trong bốn biển. Vết thương nhẹ khi lỡ đứt tay hay bị phỏng trong lúc làm bếp còn phải cần có thời gian đôi ba ngày để làm lành trở lại, những vết thương tâm hồn trầm trọng như thế này đâu thế nào chỉ năm bảy bữa nửa tháng có thể lãng quên? Trong lúc chờ đợi quyền năng của liều thuốc huyền diệu thời gian, tôi thành khẩn dựa vào sự cao siêu của Phật Pháp mầu nhiệm như dược chất áo lên trên nỗi đau làm dịu đi những cảm giác đau buồn.
   Tôi cảm ơn người bạn đã luôn quan tâm đến mình.  
   Tôi cám ơn những người anh, người chị, những người bạn hữu vẫn luôn âm thầm lặng lẽ nghĩ nhớ tới và cầu nguyện cho mình. Xin Ơn Trên ban sự bình an cho tất cả chúng ta.

Đặng Thúy Định

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com