Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
.
Vừa về Sài Gòn hôm trước, hôm sau còn đang ngủ bù thì đã bị dì Ái lên đánh thức:
 
– Nhơn ơi, có chàng nào tới tìm Nhơn đang đợi dưới nhà kìa. Buổi sáng anh có tới lần rồi nhưng thấy Nhơn vừa mới chợp mắt nên dì hẹn chiều. Bây giờ anh ta quay trở lại.
 
Ở vai vế dì nhưng tuổi của dì Ái lại suýt soát tuổi Hạnh Nhơn nên lúc nào hai dì cháu cũng thân mật như bè bạn. Dì hóm hỉnh thêm vào:
 
– Chàng ta xưng tên là Triệu. Nhìn bộ dạng nôn nóng của chàng dì đoán là người xưa của Hạnh Nhơn phải không (?) Úi chà chà, đàn ông mà mắt sâu như lòng giếng là yêu ai thì yêu cả đời đó nghe Nhơn.
 
Yêu ai thì yêu cả đời”.. con khỉ mốc! Hạnh Nhơn vừa bỉu môi vừa giận dỗi dặm bông phấn liên tục. Mình mới ra nước ngoài có ba tháng là hắn đã vội vàng đánh đổi bốn năm yêu đương da diết với mình để lấy Hà Linh, Phó bí thư đoàn trường, con gái cưng của Trưởng phòng Tổ chức và qua nhịp cầu quen biết đó hắn đã được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Thế mà sao hắn vẫn có thể mặt dạn mày dầy đến tìm mình nhỉ?
 
Trong lá thư vĩnh biệt Triệu đã muôn ngàn lần xin Hạnh Nhơn hãy cố gắng hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của anh để có thể tha thứ cho anh trước quyết định khiến anh cũng đau lòng không kém cô: Cha anh sau bao ngày vật lộn với bạo bịnh rồi cũng đã qua đời để lại mẹ anh với đàn con nheo nhắt mà trong đó anh lại là con trưởng. Cầm cái giấy quyết định phải đi xa mà Triệu choáng váng cả người, nếu vắng anh thì ai sẽ đứng ra chèo chống lo toan cho cả gia đình trong khi mẹ anh vì quá buồn phiền đã gần như suy sụp. Nghe lời khuyên của bạn bè, anh tìm đến gặp Hà Linh để tính chuyện lo lót. Nhưng oái oăm cho anh là Hà Linh đã không chịu lấy một xu mà sốt sắng nhờ cha cô hiệu chỉnh lại quyết định và kèm theo một lời thú nhận là cô đã làm tất cả chỉ vì một động lực tình yêu mà cô đã dành cho anh từ mấy năm qua! Những diễn biến sau đó là chuyện tất nhiên không tránh khỏi vì có tình nào là tình cho không biếu không bao giờ.
 
Ngày đó Hạnh Nhơn nhớ mình đã khóc hình như là gần hết nước mắt, khóc ê chề thê thảm còn hơn cả khi biết tin chồng bị tử nạn xe hơi hồi hai năm trước. Chồng Hạnh Nhơn là giáo sư đại học người Đức, hơn cô mười sáu tuổi, rất hiền lành, đứng đắn, tôn trọng vợ nhưng trong hai mươi năm chung sống họ có rất ít thì giờ cho nhau vì hầu hết thời gian của ông là bay đến những hội nghị ở nước ngoài và tập trung vào những công trình nghiên cứu mà ông đam mê; Nên khi ông mất đi, để lại trong Hạnh Nhơn một niềm thương nhớ dịu dàng trân trọng hơn là nỗi đau quay quắc của kẻ bị phụ tình …
 
Hạnh Nhơn chợt thấy mình thở dài. Vậy mà 22 năm đã trôi qua! Ngày ấy Hạnh Nhơn cũng vừa tròn 22 tuổi khi chia tay với Triệu. Khi nghe Hạnh Nhơn thông báo là hè này cô về thăm nhà sau 22 năm xa xứ, Sương, bạn của cô từ hồi sinh viên nay đã theo chồng sang Pháp định cư, đã không quên hỏi thăm dò:
 
_ Mi về có ghé Triệu không, lần nào bạn bè cũ gặp nhau Triệu cũng hỏi sao ai cũng về Việt Nam chơi mà Hạnh Nhơn thì cứ ở riết bên đó hoài! Anh ấy lúc nào trông cũng buồn buồn vì nghe nói hai vợ chồng cơm không lành canh không ngọt hay sao đó. Còn con Hà Linh thì mấy chục năm rồi tính tình vẫn không đổi, chỉ có mặt mũi là khác xưa thôi. Mi về mà coi con Hà Linh bây giờ gặp ngoài đường không còn nhận ra. Ngày xưa mới ở ngoài Bắc vô vừa quê vừa xấu, bây giờ chị chàng theo phong trào các mệnh phụ đua nhau đi sửa sắc đẹp, cái gì cũng tân trang, nâng cấp lên. Ta gặp kỳ rồi thiếu điều cô nàng phải chìa chứng minh thư nhân dân ra ta mới dám tin đó là chị Phó bí thư nhà mình năm não năm nao!
 
Hạnh Nhơn tinh nghịch:
 
_Mi đã nói vậy thì ta xin rút lui trong danh dự vì mình bây giờ già cúp bình thiếc rồi, sắp được mời đóng vai chính những phim kinh dị nay mai.
 
Sương gạt ngang:
 
_Ta không tin. Mi đã từng là hoa khôi của khoa thì dù có già đi nữa nhưng vẫn còn nét đẹp quý phái mà khối quan bà trong nước có tiền vào ra mỹ viện như đi chợ để đổi đời mà vẫn không sao gột rửa được.
 
Hạnh Nhơn dí mũi vào sát gương, hài lòng ngắm nghía mình. Ừ, trang điểm xong mình cũng còn làm khối người đàn ông phải ngoái đầu nhìn lại. Từ ngày chồng chết mình đã chẳng phải trốn tránh bao nhiêu là đám vây bủa lần trong lần ngoài… Hạnh Nhơn lựa cho mình cái áo đầm sát nách màu hồng bạc đơn giản nhưng sang trọng mà cô yêu thích nhất. Chắc chắn cái áo này cô sẽ làm cho Triệu tự dằn vặt suốt đời về cái chuyện ngày xưa anh đã phụ rẫy cô.
 
Thật vậy, Triệu đã đứng há hốc khi thấy Hạnh Nhơn bước ra. Anh vẫn thường hình dung ra Việt kiều nào cũng béo tốt, chảy mỡ nhưng Hạnh Nhơn thì không, cô có già đi nhưng so với đám bạn cùng khóa thì Hạnh Nhơn trông như chỉ chồng lên mười tuổi. Còn dung nhan thì có phần liêu trai nồng nàn hơn cả ngày xưa khi cô hãy còn là cô sinh viên mới, thủ thỉ đứng cạnh Sương dưới rặng trúc đào mà anh gặp lần đầu trong giờ giải lao…
 
Sương hớn hở gọi anh đến giới thiệu vì Sương ở cùng xóm với Triệu:
 
– Anh Triệu học trên bọn mình một lớp, còn đây là Hạnh Nhơn bạn em. Bọn em vừa có hai giờ lịch sử đảng, nên nhức đầu như búa bổ. Chỉ có đồng chí giảng viên và đồng rận Hà Linh là khí thế bừng bừng, kẻ tung người hứng không biết mệt mà thôi. Còn anh, anh đi đâu mà mặt mày ngơ ngác như một gã từ quan lên non tìm động hoa vàng vậy?
 
Triệu trả lời Sương mà mắt anh lại thăm thẳm hướng vào Hạnh Nhơn:
 
– Anh có giờ mỹ học công nghệ với thầy Lưu. Thầy không bắt học mà cho cả lớp ra sân trường tìm cái đẹp hiện hữu chung quanh ta… và may mắn là anh đã tìm thấy.
 
Tim Hạnh Nhơn như bị cộng hưởng, thôi thúc đập dồn. Trong sự run rẩy của cảm xúc, Hạnh Nhơn chơi vơi như nụ hoa hàm tiếu sau bao ngày e ấp, nay háo hức bừng nở tỏa ngát hết sắc hương khi được đắm mình dưới tia mặt trời cháy bỏng là những tia nhìn ấm áp từ mắt Triệu. Từ đó họ trở thành một đôi đẹp nhất trong trường. Họ luôn luôn tự hào về nhau vì cả hai không những chỉ đẹp, mà còn học xuất sắc và tài hoa. Hạnh Nhơn là tay vẽ chính cho báo tường còn tiếng kèn saxophon da diết, ão não của Triệu lại khiến các nàng sinh viên rớt tim lộp độp. Bao nhiêu là kỷ niệm nồng thắm trong kho tàng vàng son của hai đứa: Những mùa xuân náo nức hội hè, những mùa hè lo âu thi cử, những mùa thu lang thang đắm mình trong mưa bụi mơ màng và mùa đông đưa nhau về với một vòng tay ôm ấm áp bịn rịn không muốn rời xa. Ngày xưa, chao ơi, cái ngày xưa đắm đuối trong biển tình hun hút với Triệu sao mãi mãi cứ đeo đẳng trong đầu Hạnh Nhơn để cô không phút nào được thảnh thơi khi nghĩ tới Triệu mà không thấy hậm hực dù đã 22 năm xa cách! (Có vậy mới biết đàn bà là chúa thù dai, họ không nhớ những niềm vui sướng mà người đàn ông đã đem lại cho họ mà chỉ ghim sâu vào đầu những việc mà người đàn ông đã làm họ đau lòng!)
 
Hạnh Nhơn hả hê đọc được vẻ ngưỡng mộ trong cái nhìn của Triệu khi mắt anh trượt từ gương mặt được tô diểm tuyệt mỹ đến thân hình thanh tân dong dỏng và cuối cùng đậu lại trên đôi chân dài trắng muốt của cô. Điều đó khiến Hạnh Nhơn cảm thấy mình trở nên chủ động và duyên dáng hơn khi tiếp chuyện với anh. Triệu ngồi đó, bơ phờ thảm hại và bối rối chờ đợi một lời trách móc của người xưa nhưng Hạnh Nhơn không còn là cô bé ngờ nghệch hay dỗi hờn nữa. Thật tình trước khi về thăm nhà, Hạnh Nhơn không có ý tìm gặp lại Triệu, nhưng tự anh đã tìm đến, đánh thức những phiền muộn mà anh đã gây lên ngày xưa, khiến bản tính được chì chiết, dằn vặt tên tội phạm lại bùng cháy lên trong lòng Hạnh Nhơn. Có nhiều cách làm đau lòng nhau êm ái, chẳng hạn như khen ngợi Hà Linh không tiếc lời khi nghe Triệu kể trọng trách mà vợ anh đang đảm nhiệm cũng là một trong những đòn phép để đày đọa đối phương. (Thậm chí nhiều khi khiêm nhường ở đây lại còn quá cha tự cao tự đại vì tôi biết tôi có giá hơn vợ anh cả ngàn lần):
 
– Vậy anh Triệu là số một rồi. Vợ vừa đẹp vừa thành đạt trên đường danh vọng, bạn bè mình ngày xưa có ông nào được như anh đâu. Hạnh Nhơn thì vụng bắt chết, lấy chồng 20 năm là làm bạn với ông Táo cả 20 năm. Cả đời chưa kiếm được một đồng, một xu để phụ cho chồng, chưa làm được một việc cỏn con nào để chồng nở mặt nở mày được cả!
 
Triệu nhìn Hạnh Nhơn đầy trách móc vì sự từng trải đã cho anh biết cô nói không thật lòng:
 
– Hạnh Nhơn cũng đã lập gia đình chắc Nhơn thừa biết hôn nhân mà không có tình yêu thì làm sao hạnh phúc cho được!
 
Hạnh Nhơn định đốp Triệu một câu thắm thía: “Hình như đàn ông nào vắng mặt vợ cũng ca cái bài cũ rang cũ rích đó” nhưng nghĩ lại thấy tàn nhẫn quá nên cô chỉ cười cười :
 
_ Ông nhạc sĩ Vũ thành An có viết một câu hay lắm: Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình sẽ qua.
 
Triệu buồn buồn nói nhỏ:
 
– Biết là chuyện đã cũ lắm rồi nhưng anh vẫn muốn xin lỗi Hạnh Nhơn lần nữa. Mấy năm sau mẹ anh qua đời, nhưng khi còn sống bà vẫn thường trách anh đã làm em đau khổ nên bây giờ quả báo nhãn tiền bắt anh phải sống bất hạnh với Hà Linh. Chắc Nhơn cũng còn nhớ, ngày xưa em đến chơi nhà anh, mẹ anh lúc nào cũng thương và coi em như là con gái của bà.
 
Chuyện gì mà phải viện tới hai bậc sinh thành thì không phải là chuyện để đùa cợt nữa rồi. Lời ân hận thật thà khiến cơn bực bội của Hạnh Nhơn bị bốc hơi nhanh chóng. Hạnh Nhơn chợt thấy mình thật vô duyên, mình còn quyền hạn gì nữa mà cứ đi làm khổ người ta. Dao găm, lựu đạn thủ trong người định hăm he đi trả thù tên bạc tình nay rã rời bải hoải. Hạnh Nhơn ơi, cơn bão tình tàn phá đời mi đã chạy tít ra tận chân mây xa mù sao mi cứ mãi đăm đăm ôm lòng oán trách. Tốt hơn hết hãy hưởng thụ tháng ngày bình yên, không phải lo toan phiền muộn vì những chuyện gia đình trúc trắc, xào xáo như chị em hay bạn bè chung quanh mình. Từ ngày chồng chết mình đã sống thong dong biết là bao, ngày nào cũng ôm giá vẽ đi lang thang tìm nguồn cảm hứng, còn cần người tán gẫu thì anh chị em, bạn bè trong câu lạc bộ họa sĩ lúc nào cũng nồng ấm săn sóc cô.
 
Hai mươi năm hạnh phúc tràn trề với chồng đến nỗi đôi khi cô đã thầm hỏi: Chắc gì ngày xưa mình với Triệu nên chồng nên vợ rồi sẽ êm ả như vầy! Những ngày xanh tình xanh học trò thơ mộng ngát hương ấy không thể hàn gắn được thì nên xếp lại, hay tốt hơn nữa là hỏa tán đi cho bay mất mọi dấu tích để lòng được thanh thản như bạn bè trong ngày hội ngộ. Tại sao không nhỉ…
 
Hạnh Nhơn chợt dịu dàng như bóng mây che rợp mặt trời bỏng rẫy:
 
– Chuyện xưa quá rồi. Thôi, chúng mình nghéo tay nhau là không nói chuyện cũ nữa nha anh. Mình nói về chuyện khác đi.
 
Câu chuyện được xoay qua hỏi thăm bạn bè, thầy cô ngày xưa, ai còn ai mất, ai thong dong ra nước ngoài, ai chật vật ở lại. Lúc chia tay, Triệu trở nên ngập ngừng:
 
– Còn một chuyện này… Hà Linh, cô ấy bảo anh tìm mọi cách mời em ngày mai ghé nhà chơi cho biết.
 
Hạnh Nhơn hơi đắn đo. Mình với Hà Linh hồi còn đi học hầu như lửa và nước, như đêm và ngày, như đen và trắng, hôm nay cô ta có uống nhầm thuốc hay không mà lại mời mình đến chơi?
 
Để cân bằng lại những mặc cảm cá nhân là vừa ngu vừa xấu, Hà Linh đã cậy quyền con ông cháu cha cũng như lý lịch chính trị của mình để ra uy với bạn bè chung quanh bằng thái độ lên mặt hung hăng , hù dọa để họ phải khiếp sợ lòn cúi trước cô. Hạnh Nhơn biết điều đó nhưng cô có cái tự trọng của cá nhân mình, cô đẹp, học rất giỏi, được thầy yêu bạn mến thì việc gì cô phải đi bợ đỡ Hà Linh. Thái độ của Hạnh Nhơn lúc đó là lãng tránh Hà Linh tuy trong thâm tâm cô vừa sợ hãi lẫn khinh ghét con người lố bịch, đần độn đó. Về phía Hà Linh thì lúc nào cũng sùng sục tìm cách xoi mói, truy tìm một sai lầm nào đó của Hạnh Nhơn nhưng Hạnh Nhơn khôn ngoan vừa giữ mình, nên khi phê bình Hạnh Nhơn, Hà Linh không tìm được lý do nào hơn là: Kiêu kỳ kiểu tiểu tư sản, thụ động trong công tác phấn đấu chính trị, không hòa đồng vào tập thể… Ngày Hạnh Nhơn xin nghỉ học để đi đoàn tụ gia đình, Hà Linh đã không hết lời xỉ vả cô:
 
– Đồ cái thứ con ngụy ấy thì trước sau gì cũng phản bội tổ quốc để chạy theo liếm giày bọn đế quốc. Chỉ tiếc là chúng ta không phát hiện ra sớm để đào thải chúng ra khỏi mái trường xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên của chúng ta. Chúng ta đã quá nhân đạo khi khoan dung cho cha anh của bọn đó và cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cho chúng để bây giờ chúng lại đem chất xám được chúng ta trang bị sang phục vụ cho bọn tư sản ( ! )
 
Hà Linh ơi, cái mà cô gọi là khoa học kỹ thuật trang bị cho sinh viên ở trong nước mình mà đem ra xứ người thì đã lạc hậu cả trăm năm, chưa kể thời kỳ khó khăn sau năm bảy lăm, sinh viên lên giảng đường mà bụng đói kêu ột ột, mỗi tháng tám ký gạo, tám ký bo bo và 250g thịt mỡ thì chưa ho lao đã là may lắm rồi, dư đâu ra chất xám mà phục vụ cho đế quốc đây hở Hà Linh? Sau đó lại thêm chuyện Hà Linh phù phép để giành giật Triệu khiến giờ đây Hạnh Nhơn hết sức ngỡ ngàng khi nhận được lời mời. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại theo kiểu các anh chị sang hợp tác lao động là không chết thằng tây nào cả nên đàn bà trong nước mà còn nghĩ “thoáng” như thế huống hồ mình lại từ ngoại quốc về, mình sử dụng đồng Euro có giá trị cao thứ hai trong các ngoại tệ, tại sao mình lại rụt rè mà không dám đối đầu với địch thủ nhỉ. Hạnh Nhơn cười tươi tắn, bắt chước văn chương của Hồ Biểu Chánh:
 
– Không lẽ Linh thất công mời mà Nhơn lại không thất công cái miệng tới ăn. Ngày mai Nhơn sẽ uống thuốc xổ, rồi để bụng trống sang ăn đồ ngon, đặng làm vui lòng Linh.
 
Xuống thềm, Triệu còn chần chừ:
 
– Mai anh ghé đón Hạnh Nhơn tới nhà cho mau nhé ?
 
Hạnh Nhơn nghịch ngợm:
 
– Hạnh Nhơn nghe nói ở Sài Gòn bây giờ mấy bà đi đánh ghen tạt át-xít như điên, anh cho Nhơn xin hai chữ bình an.
 
Triệu phân trần:
 
– Đó là đề nghị của chính Linh, cô ấy cứ sợ Nhơn không biết đường, lớ ngớ bị lạc. Anh gọi vào số máy di động của cô ấy cho em kiểm tra lại nhé.
 
– Rồi, rồi. Em tin. Nhưng xe cộ thành phố thì chạy ngang chạy dọc như mắc cửi, làm sao mà lạc được. Em sẽ đến đúng giờ, anh và Linh đừng lo!
 
Hôm sau Hạnh Nhơn sửa soạn còn tỉ mỉ hơn hôm trước. Vậy mà dì Ái còn chưa hài lòng, dì xuống tận Lê Thánh Tôn thửa về cho cháu mấy cái áo tơ tằm kiểu xường xám lộng lẫy, vừa để làm quà vừa để cho Hạnh Nhơn nổi đình nổi đám lên. Dì nghiến răng trèo trẹo gọi tất cả những công sức mình đổ vào bằng một cụm từ trào phúng là trả thù dân tộc cho hả tức sau một đêm nghe cháu tâm sự. Với Triệu, Hạnh Nhơn đã ký hiệp định đình chiến chứ còn với Hà Linh thì giữa họ bao giờ cũng như có một bức tường kiên cố như bức tường đẫm máu giữa Đông và Tây Bá Linh.
 
Sẵn nét đẹp quý phái trời cho cộng thêm bàn tay tinh tế của dì Ái trau chuốt, Hạnh Nhơn xuất hiện ngời ngợi rỡ ràng đến nổi Triệu một lần nữa phải đau đớn ân hận như người vừa đánh rơi viên ngọc quý xuống lòng biển. Hai người đàn bà đánh giá nhau chớp nhoáng qua cái nhìn sắc lẻm sau 22 năm xa cách. Cá mười ăn một Hạnh Nhơn cũng cá là Hà Linh đang thầm nguyền rủa tiên sư bố mấy con mẹ thẩm mỹ viện ăn của bà bao nhiêu là tiền mà sao trông bà cứ như cú đứng cạnh tiên thế này hả giời! Hạnh Nhơn đắc thắng: Tay này mắc bịnh tham quyền cố vị thâm căn cố đế quá rồi nên ngay cả trong việc sửa sang sắc đẹp là một việc hết sức tế nhị mà vô tay cô nàng cũng lộ ra hết bản chất ham hố: Mắt sửa to thô lố còn hơn mắt bò; Mũi thì xe hơi cực mạnh, loại dành cho các nguyên thủ quốc gia với sức kéo 200 mã lực, chưa chắc đã bò lên được con dốc cheo leo như sóng mũi của Hà Linh; Tóc lại nhuộm vàng loe hoe râu bắp trong khi mặt thì nước mắm đặc sệt; Kinh khủng nhất là bộ ngực treo lơ lửng trên thân hình ngắn cũn, chưa đến một mét rưỡi của Hà Linh là cả mối lo làm cho người đối diện có cảm giác bất yên vì sợ trọng lượng của chúng có thể bị lệch tâm, kéo Hà Linh té ập mặt xuống bất cứ lúc nào không hay. Chao ơi, Hà Linh ơi hỡi Hà Linh, người ta vào mỹ viện để làm đẹp còn cô vào đấy chỉ tổ làm trò cười không tốn tiền cho thiên hạ!
 
Thua keo này ta bày keo khác, Hà Linh sau một phút há hốc nhìn vẻ toàn mỹ của địch thủ đã nhanh nhẹn nuốt chén thuốc đắng vào bụng, chuyển hướng câu chuyện sang thế mạnh của mình, đó là vấn đề địa ốc. Giọng cô ta the thé cao buốt lên:
 
– Giữa cái thành phố với 11 triệu dân chật như nêm này mà kiếm được cái biệt thự hoành tráng rộng gần ba trăm mét vuông, có ga-ra, có vườn hồng lan đào cúc như bọn mình là đếm trên đầu ngón tay đấy nhé! Cậu biết không, ngay cả thủ trưởng của tớ cấp Ủy viên bộ chính trị cũng không tiếc lời khen ngợi là bọn mình sống như vua đấy. Chưa kể đồ đạc trong nhà từ trang trí nội thất đèn đóm cho đến nhà bếp, cầu xí nhất nhất tớ toàn cho trang bị đồ ngoại, nhất định không chơi đồ Annam. Cái gì mà Made in Việt Nam thì toàn là hàng dỏm không chịu nổi (?) Cậu trông kỹ giùm tớ nhé, ti-vi, tủ lạnh, đồ điện tớ chuyên trị hàng Nhật; Thảm len thì Ấn Độ; Sa-lông Pháp; Đồ gỗ Bắc Âu, đến cái hốt rác nhà tớ cũng ngoại tuốt, hàng Thái Lan đấy…
 
Hạnh Nhơn muốn phá ra cười khi cô chợt nhớ tới cái tính ưa nổ của Hà Linh đã thành cố tật ngay từ hồi hai mươi mấy năm trước…
 
Hồi còn sinh viên, có một lần bạn bè ngồi quay quần, Hà Linh đã lếu láo tuyên bố là miền Bắc xã hội chủ nghĩa của cô cái gì cũng thừa mứa đến độ phải đem… phơi khô hàng khối! Có một tay hỏi cà khịa mà Hà Linh không chịu để ý nên bị mắc nỡm. Anh ta hỏi: Thế ngoài Bắc có nước đá không chị Linh? Đang sẵn trớn cái gì cũng phơi khô hàng khối, Hà Linh trả lời không đắn đo: Ôi dào, cái gì chứ nước đá thì ngoài ấy cứ gọi là dư dật đến độ phải đem phơi khô hàng khối ấy!!!
 
Bây giờ thì Hà Linh lại đang mê man choáng ngợp với hàng hóa tư bản mà mới đây thôi, khi kinh tế chưa mở cửa thành cơ chế thị trường cái gì mà có dính dáng ít nhiều đến thế giới tư bản là đã bị cô không ngớt lời bài kích. Hạnh Nhơn thấy đời thật mỉa mai: Sao người ta lại có thể nhổ liếm nhanh đến thế nhỉ, hình như hai chữ liêm sỉ không có trong từ điển của bọn người này hay sao đấy. Suốt cả giờ toàn là Hà Linh độc diễn thao thao bất tuyệt như bị đồng nhập, còn Triệu ngồi câm nín nhưng không giấu được vẻ sượng sùng vì tính phô trương một cách trân tráo của vợ. Bây giờ thì Hạnh Nhơn đã tin lời anh. Đúng là có sự khập khểnh trong đời sống lứa đôi, vì làm sao lại có thể hạnh phúc bên cạnh người vợ lố bịch như thế khi anh ta là một người biết tự trọng? Cuối cùng bài diễn văn còn được kết thúc một câu có tính quyết đoán vô cùng cao độ như một cái tát giòn giã vào giữa má công chúng.
 
– Cậu xem cả cơ đồ nguy nga vậy chứ do một tay gái già này lo toan cả đấy. Còn trông chờ vào cái đồng lương dạy học ba đồng ba cọc của ông ấy thì có mà xây chuồng lợn! Số tớ vậy mà khổ, khi không vơ phải tay cám hấp!
 
Không động chạm gì đến mình nhưng tự nhiên Hạnh Nhơn cũng thấy tê tái dùm cho Triệu đã bị vợ biêu rếu trước mặt khách. Hà Linh không ngờ vì thái độ thiếu lễ độ của cô đã dấy lên trong Hạnh Nhơn bao nhiêu thương cảm dành cho Triệu. Như một thói quen thường nhật, mỗi lần thấy những trái khuấy trong đạo lý vợ chồng của mọi người chung quanh, Hạnh Nhơn lại thầm cám ơn người chồng tốt bụng vắn số của cô. Nhìn bàn ăn thịt thà đỏ hồng ú hụ chưa ăn mà Hạnh Nhơn đã chán ngán, cô chợt thèm tô canh mướp hương, đĩa rau muống xào xanh biêng biếc mà dì Ái nấu hôm qua biết là bao. Hà Linh xoa tay giả dối:
 
– Cậu nâng đũa tự nhiên nhá, cơm rau thanh đạm thôi đấy mà. Nhẽ ra phải bắt thằng bé con tớ ở nhà để ra mắt cậu nhưng cháu nó có giờ học thêm. Chẳng qua là sắp thi Tú tài rồi nên cháu nó phải lo học túi bụi. Tốt nghiệp xong bọn mình định cho nó đi Tây đấy. Đi Mỹ, đi Anh thì tiền học mắc quá, chịu không thấu, vì bao nhiêu vốn liếng bọn tớ đều đầu tư vào việc xây nhà. Nghe người ta tư vấn là sang Đức học không phải tốn tiền học phí thế nên tớ định cho cháu nó sang bên ấy. Tớ ngồi tính sổ bạn bè ngày xưa là chỉ có cậu định cư tại Đức, cơ may quá là năm nay cậu lại về thăm quê hương nên nói gần nói xa chẳng qua nói thật, tớ đã điều nghiên qua Sương và biết hoàn cảnh của cậu không bận bịu, nên bọn mình mới dám quyết định táo bạo là nhờ cậu bảo lãnh giúp cho cháu đi du học. Có cháu thì chỉ thêm có mỗi chén cơm đôi đũa chứ mấy. Tớ tính như vậy còn ý cậu thì như thế nào?
 
À, thì ra cái tổ chuồn chuồn nằm ở đây. Qua sông nên phải lụy đò chứ Hà Linh có bao giờ mà tử tế với ai một cách vô điều kiện bao giờ, như việc giúp đỡ cho Triệu ở lại trường hồi 22 năm về trước cũng thế thôi. Hạnh Nhơn là người từ tốn nên cô cần thì giờ để cân nhắc. Thấy cô ngần ngừ đăm chiêu, Hà Linh đổi ngay phương án mới để tấn công địch thủ liền:
 
– Có lẽ chuyện tớ đề nghị hơi đường đột nên cậu cứ suy nghĩ cặn kẽ rồi trả lời sau cũng được. Cậu về lần này chắc chủ yếu là đi du lịch thăm thú đó đây nên tớ tính cả rồi, tớ thì bận tối mắt, cơ quan mà vắng tớ một ngày là như rắn mất đầu ấy chứ chả phải chơi. Còn phần ông Triệu thì ông ấy đang nghĩ hè…
 
Rồi tự nhiên cô ta nhỏ giọng, thì thào làm như thân mật vào tai Hạnh Nhơn:
 
– Thôi thì ông ấy đại diện bọn mình tháp tùng cậu đi bất cứ nơi đâu, từ Bắc chí Nam, lên rừng xuống biển chỗ nào ông ấy cũng biết hết cả đấy. Cậu cứ tự nhiên mà… vi vu, tớ đã duyệt rồi thì cậu cũng đừng ái ngại gì cả nhé!
 
Hạnh Nhơn nghiêng đầu nhìn trừng trừng vào gương mặt hết sức thản nhiên của Hà Linh để xem cô ta nói thật hay định nắn gân mình. Nếu Hà Linh nói tiếng ngoại quốc thì chắc chắn là Hạnh Nhơn đã nghe lầm. Nhưng đáng tiếc ở đây là người Việt nói tiếng Việt nên Hạnh Nhơn không những chỉ nghe rõ được lời mà còn hiểu được cả thâm ý sâu xa. Người tiền sử cách đây cả ngàn năm chưa biết cách in tiền, mọi mua bán đều dựa trên nguyên tắc trao đổi hàng hóa cũng không có những suy nghĩ một cách suy đồi như vậy. Biết là giữa hai vợ chồng đã ông chằng bà chẩu nhưng đến mức coi chồng như sản phẩm để trao đổi qua lại cho một toan tính thì Hà Linh không chỉ chà đạp danh dự của chồng mà đồng thời cũng đã coi thường phẩm chất của Hạnh Nhơn nữa. Phải kiềm chế lắm, nuốt tất cả sự khinh bỉ lẫn kinh tởm xuống, Hạnh Nhơn mới trả lời được:
 
– Chuyện con trai của vợ chồng Linh sang du học tôi phải hỏi thăm thể lệ lại vì tôi chưa làm như vậy bao giờ. Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi sẽ từ chối. Còn chuyện về Việt Nam kỳ này vì tôi đã có dự định nay mai sẽ bay ra Huế để mang hài cốt của cha tôi sang bên đó. Chuyện này thì bà con trong họ đã có người đưa tôi đi, xong việc tôi sẽ trở lại Đức liền. Đó là mục đích duy nhất khiến tôi về lại nơi đây chứ không phải vì một ẩn ý nhỏ nhoi nào là mong nối lại tình xưa với anh Triệu, nên đề nghị vừa rồi của Linh đối với tôi là một sự lăng nhục, không tôn trọng cá nhân tôi một tí nào!
 
Về nhà, nghĩ lại, Hạnh Nhơn tự nhiên ấm ức về sự hèn nhát của mình đã dùng lời quá lịch sự, không dám nói thẳng thắn vào bộ mặt bỉ ổi, vô đạo đức của Hà Linh như phản ứng tự nhiên của dì Ái là văng ra tiếng chửi thề sau khi nghe chuyện. Chửi xong, hai dì cháu đã bật cười ha hả và Hạnh Nhơn hoàn toàn đồng ý với dì là có nhiều tình huống cần phải chửi thề thì lòng ta sẽ nhẹ đi biết là bao… .
 
 
Trần Thị Hương Cau
 
 
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com