Năm mới lại về, một chu kỳ thời gian lại tiếp tục vòng quay. Những âm vang, hình ảnh ngày Tết quê nhà có lẽ vẫn còn ôm ấp mãi trong tim người xa xứ với những kỷ niệm khó quên. Xin được phép quay lại thời ngây thơ tuổi nhỏ để nhớ lại một thời an lành và êm ấm của ngày xa xưa…
Ngay từ lúc còn nhỏ đã biết được những tục lệ kiêng cử trong ngày đầu tiên của năm do ba má nhắc nhở - mà hầu như đứa trẻ nào thời ấy cũng phải biết và tuân theo - là phải vui vẻ, tươi tỉnh, không cau có, không được quét nhà ngày mồng một v.v…Và cứ nhớ hoài câu truyện đọc hay xem kịch ở đâu đó, là có hai vợ chồng ngày đầu năm, tươi cười chúc Tết nhau “chúc mình năm mới vui vẻ, tài lộc bằng năm bằng mười năm ngoái” và nhắc nhở nhau những gì cần tránh trong ngày đầu năm với lời lẽ ôn hòa, dịu dàng… Cứ mỗi lần xem là trong đầu tôi lại cười thầm “ tại sao không đối xử đẹp với nhau hằng ngày mà chỉ “lên khuôn” vào ngày Tết ?” Như thế cũng biết là hầu như ai cũng tin rằng khởi đầu cho ngày đầu tiên của năm mà được tốt đẹp, vui vẻ thì hanh thông, hạnh phúc suốt cả năm nên ai ai cũng muốn kiêng cử để có được sự tốt lành này.
Rồi những năm bắt đầu thời trung học - khi mà chúng tôi được thầy cô dạy môn Quốc Văn truyền đạt những kiến thức về văn chương, văn hóa Việt Nam - tôi biết được thói quen và truyền thống của người Việt là chọn khai bút cho ngày đầu năm với quan niệm rằng ngày đầu tiên của năm sẽ là ngày quan trọng cho một khởi đầu mới, nếu ngày đầu tiên mọi việc đều suôn sẻ thì cả năm sẽ luôn được may mắn. Do đó khai bút thường được các giới liên quan đến học hành , cầm bút chọn để thực hiện với hy vọng năm mới có nhiều thuận lợi , tiến bộ và thành công. Trong tinh thần đó, tôi cũng bắt chước các cụ thời xưa bày ra trò “khai bút đầu năm” dành cho riêng tôi - một đứa học trò vẫn luôn mong muốn mỗi năm mình phải khá hơn năm trước!
Nhớ lần đầu tiên tập khai bút ( có lẽ là năm lớp Sáu, lớp Bảy chi đó), tôi thực hiện khai bút với một bài giải Toán một cách âm thầm, không áo quần trịnh trọng, không nói cho ai biết vì sợ bị người nhà chọc quê hay chê cười và dĩ nhiên là không một nghi lễ nào cả như cổ nhân ( bởi vì có biết phải làm nghi thức chi đâu ). Vào sáng sớm ngày mồng một Tết - khi mọi người trong nhà còn chìm trong giấc ngủ - tôi lặng lẽ ngồi vào bàn viết, nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ, cảnh vật hình như vẫn còn đang... ngái ngủ như tôi. Trong màn sương mờ nhạt của xứ đất đỏ Pleiku, tôi thầm thì nói với đất trời về ý định của mình là mong được học hành tiến bộ suốt năm, rồi chọn một bài toán mà mình đã biết cách giải , ngồi chép lại thật sạch sẽ, rõ ràng vào tập rồi hí hửng đặt nó nằm ngay chính giữa kệ sách để mỗi lần ra vô đều nhìn thấy như là một nhắc nhở và tin tưởng cho việc tiến bộ trong học tập cho năm mới . Không rõ là năm đó có khá hơn không, nhưng hình như là đầu óc có “sáng suốt” hơn, vì có lần tôi có thể “dẫn” cô giáo dạy Toán đi vòng vòng theo cách giải của tôi (- khiến cô mướt mồ hôi khi chấm bài vì cứ tưởng tôi có cách giải độc đáo hơn -) mà không bị trừ điểm vì cách “chứng minh dài dòng, không cần thiết” mới hay chứ!
Năm sau, tự tin hơn và nghĩ rằng mình có vẻ “cheating” khi dựa vào bài đã biết trước, tôi đặt ra cách thử thách chính mình bằng cách sau khi thức dậy sớm hơn cả nhà, cũng thầm thì với trời đất, rồi mở ngay cuốn sách Toán, nhắm mắt giở một trang và dùng ngón tay chấm đại một bài toán trong sách, mà còn can đảm hơn nữa là chọn những trang ở cuối sách vì những trang này thường là những bài khó. Khi mở mắt ra, có khi đó là trang giảng về lý thuyết thì tôi phải nhắm mắt chọn lại. Thế là một bài toán nan giải đang chờ tôi giải đáp. Suy nghĩ, rồi sau đó là cắm cúi làm bài, chép nắn nót lên trang giấy, rồi trân trọng đặt bài viết lên kệ sách vào nơi mà tôi thường nhìn thấy mỗi khi ngồi vào bàn học, với lòng thơ thới hân hoan, yên tâm là năm nay mình sẽ …siêu giỏi!
Có năm suy nghĩ nát óc vẫn chưa lóe ra lời giải, lại có tiếng gọi giục giã kêu ra để chuẩn bị cho việc đón Xuân, chúc Tết; thế là đành lặng lẽ, âm thầm xếp sách, tự an ủi “để từ từ, mình sẽ giải ra thôi, giờ khai bút vẫn còn dài mà!”( vì tin là giờ khai bút được kéo dài suốt ngày mồng một Tết). Tuy vậy, trong suốt ngày đó, hầu như bài toán vẫn cứ lảng vảng trong đầu, dù có được xúng xính áo mới, nhận lời chúc và tiền lì xì mà hình như lòng không được vui là mấy. Có lần đang chơi cờ cá ngựa hay đổ xâm hường cùng ba mẹ, anh em trong nhà, bỗng dưng tôi vụt đứng lên chạy nhanh về phía phòng mình đóng cửa lại. Cả nhà ngạc nhiên gọi vói theo “chuyện gì thế?” rồi có người chạy theo. Biết là không giấu được nữa, tôi “thú thật” về trò khai bút và cho biết là vì lời giải đã lóe sáng trong đầu, nên cần phải vào phòng viết lại nếu không sợ sẽ quên. Cả nhà cười ồ thông cảm, nhìn ánh mắt hài lòng của ba má, cái nhìn thán phục của lũ em…, tôi biết là tục “khai bút” sẽ còn tiếp tục dài dài trong cuộc đời đi học của tôi và biết đâu có người trong nhà sẽ bắt chước theo!
Năm sau, quả thật là tôi không còn phải lặng lẽ, âm thầm ngồi khai bút một mình mà có người đồng hành là cô em kế của tôi. Trong khi tôi loay hoay với những con số thì em chống cằm nhìn ra cửa và một lúc sau thì những câu thơ được em trân trọng viết lên tờ giấy pelure màu xanh với nét mặt thật vui. Tôi thắc mắc “ sao lại làm thơ mà không viết những gì liên quan đến học hành?” Em hồn nhiên đáp: “ em sợ giải toán không ra thì xui suốt năm!”
Thế đấy - với chúng tôi - khai bút là phải chọn những cái sở trường của mình để viết ra và để biết chắc chắn là mình được suôn sẻ, thành công cho cả năm. Đúng là con nít, ý tưởng ngộ nghĩnh, ngây ngô thế nhưng cũng dễ thương biết bao! Dù gì đi nữa thì việc tin tưởng này cũng giúp cho tôi tự tin hơn trong việc học cả năm nếu như mình giải được bài một cách nhanh gọn, hoặc cũng là một nhắc nhở mình cố gắng hơn nữa để việc học không bị lùi hay dậm chân tại chỗ và có lẽ đó cũng là một kỷ niệm ngây thơ nhưng đẹp và không kém phần thích thú mỗi khi nhớ lại trong những năm sau này.
Dù không theo đúng với phong tục đẹp về khai bút mà nội dung là câu đối, bài thơ đường luật ứng tác hay là câu danh ngôn, lời tâm nguyện dành cho năm mới v.v…ít ra chúng tôi cũng biết biến hóa, thay đổi theo sở thích và là thông điệp cho chính bản thân mình, tuy là suy nghĩ và cách thực hiện đơn giản, nhưng cho đến nay với lứa tuổi “tri thiên mệnh”, tôi vẫn cảm thấy rất thú vị với khai bút vào ngày đầu năm như thế. Vậy mà khi kể cho con cái nghe về phong tục khai bút đầu năm của người xưa và cách tôi thực hiện thời còn trẻ, mấy đứa con tôi cười tủm tỉm “mẹ funny thật!” Ôi chao! thực tế “phủ phàng” thế sao? Hay tại tôi không có tài diễn đạt để các con hiểu cặn kẽ? Kệ, với tâm trạng của người Việt xa xứ, tôi vẫn thấy khai bút đầu năm – dù với nội dung, hình thức thế nào - vẫn là một mỹ tục đáng trân trọng, đáng lưu giữ của nền văn hóa Việt Nam! Thế nhưng bây giờ có còn ai thực hiện không nhỉ?
Diệu Thảo