Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
1/ Ú… oà
 
9 giờ sáng 11 tháng giêng, Sen vội vã chạy lên. Nó thở hổn hển ném vào nhà tôi một bịch rau sống. Thấy xà lách còn nguyên búp, tôi tròn mắt: “Trời ơi, mày chưa rửa rau hả?”. Sen nạt: “Sáng giờ tao làm muốn chết vẫn không hết việc. Ở đó mà la làng…”.  Chu cha ơi! Mấy hôm trước tôi nhờ Sen lo rau sống cho món bún bò vì rau nhà Sen trồng sạch 100%, nó lại có máy ozôn sục khí rửa rau quả, không sợ các bạn phương xa đau bụng đau dạ. Giờ nó nói thế, tôi đành im lặng cất rau vào nhà. Thấy chị Nhung vẫn còn loay hoay bên bếp, tôi kêu lên: “9 giờ kém. Trễ rồi.” Nhung bảo: “Mày đi với Sen, tao ra sau”. 
 
Sen hấp tấp chở tôi ra phi trường. Ngồi trên xe, nó kể sáng nay bao nhiêu là việc: tưới cà phê, trèo cây hái mít rồi xẻ rồi hì hụi gỡ từng múi, luộc khoai lang, ra vườn hái rau… Như để thanh minh  với tôi. Còn tôi, hết lo Diệu Thảo và các bạn ngơ ngác ở sân bay lại nghĩ nỗi rau chưa rửa, nồi bún bò chưa xong… mà lòng ngổn ngang trăm mối.
 
Pleiku 11
 
Gửi xe xong chúng tôi vội rảo bước vào khu vực ga đến. Hành khách tấp nập bước ra tươi cười trong vòng tay chào đón của người thân. Xe nhà, tắc xi, xe máy nườm nượp. 
Mươi phút sau, sân bay vắng dần. Không thấy bạn. Không nghe tiếng máy bay hạ cánh. 
 
Chỉ nghe tiếng loa thông báo chuyến bay khác sắp cất cánh. Bạn đâu? Máy bay đến lúc 8g45 phút sáng nay mà. Chúng tôi bồn chồn đi tới đi lui. Sen bước tới đọc thông báo. “Chuyến bay này hạ cánh đúng giờ. Đó, mày thấy không 8g45 đó…”. Ừ, đúng giờ nhưng các bạn đâu? Chúng tôi ra hơi muộn, các bạn đâu cả rồi?
 
Sen tiếp tục dán mắt vào khung cửa kính. Nó chợt lay vai tôi: “Mày xem nhỏ kia giống Kim Liên, đúng không?”- “ Bờ vai với mái tóc xoăn nhẹ điệu đà và dáng ngồi đó đúng là Kim Liên rồi. Nhưng các bạn khác đâu?”. Sen cười: “Đúng phải không? Giờ mày đừng đưa mặt về phía đó nữa. Quay lưng lại và núp xuống cho tụi nó tìm chơi”. 
 
Tôi quay lưng hụp đầu xưống nhưng thỉnh thoảng lại nhô lên nhìn. A, Diệu Thảo kia rồi! Không giấu được  sự vui mừng, tôi bước ra chỗ ga đến. Sang Hạ kìa. Songthy nữa.. 
 
Tôi đưa tay vẫy. Lạ thật. Sang Hạ và Songthy cùng quay lưng. “Núp! Núp mau lên!” tiếng Sen vang lên. Ai dè thoắt cái các bạn đã bước ra. Phút giây hội ngộ thật vui. Hai bên đều chơi ú… oà. Buồn cười quá, các bạn đã thấy chúng tôi lơ ngơ tìm từ lâu và cố tình “trốn” đấy thôi. Tiếng cười. Tiếng nói. Những cái ôm nồng ấm… Tôi không còn nhớ rõ Sang Hạ, Songthy hay Kiều Loan… ai là người nhầm tôi với Nhung và Sen nữa…
 
Trong chuyến trở lại Pleiku này, Diệu Thảo đã rủ sáu bạn cùng về. Chúng tôi gọi hai xe tắc xi. Thấy xe hơi chật, tôi nói địa chỉ và bảo xe chạy trước, chúng tôi chạy Honda theo. Khoảng cách gần, đường thông thoáng, khi chúng tôi đến khách sạn, các bạn đang nhận phòng. Hỏi các bạn có yêu cầu gì không, ai cũng lắc đầu. Sang Hạ trân trọng giới thiệu hai người bạn mới: Chung- chị chồng- và chị Giang- một người Campuchia, bạn thân của Sang Hạ. Cả hai đều có vẻ thân mật, gần gũi. Vậy là bớt lo rồi! Vào phòng Diệu Thảo, thấy Sen đang lấy mít, khoai lang- đặc sản vườn nhà- đưa Thảo, tôi rủ Sen về rửa rau. Sen không đi. Kim Liên vui vẻ: “Để Liên đi”. Tôi lắc đầu, bước vội về nhà phụ Nhung lo bữa trưa…
 
2. Bún bò và xăm hường 
 
10g30, tôi gọi điện thoại cho Diệu Thảo. Độ nửa tiếng sau, bảy khách quý cùng Kim Sen tung tăng thả bộ qua nhà chúng tôi. Lệ Thu cũng vừa tới. Các bạn ngồi vào bàn. Lúc đầu định self- service nhưng không gian chật nên Nhung phục vụ từng người. 
 
Rượu được rót ra ly. Người rượu nếp, người rượu nho. Rượu ghè với bốn năm cần rượu chuẩn bị từ mấy hôm trước, giờ nằm chơ vơ chẳng ai đụng đến. Sang Hạ, Songthy, Kiều Loan, Diệu Thảo ngồi kề nhau, tung hứng, trêu chọc nhau. Các bạn đối đáp dí dỏm và thông minh. Đặc biệt là Sang Hạ: trêu người khác mà gương mặt luôn “đóng” nét trẻ thơ, ngơ ngác, hết nhìn người này lại người kia như phân bua, như muốn nói em “khờ khạo lắm, ngu ngơ quá…”. Chúng tôi chỉ biết ôm bụng cười.
 
Xong mục bún bò, chị Nhung mang tiếp mứt món ra nhâm nhi rồi pha cà phê. Songthy một ly cà phê đen đá, các bạn khác mỗi bạn chỉ một chút để thử vị cà phê chứ không hảo. Diệu Thảo và tôi bày các bạn chơi xăm hường. Một bộ nên chỉ sáu bạn chơi: Sang Hạ, Songthy, Kiều Loan, Kim Liên, chị Giang và Chung. Tiếng xúc xắc lanh canh. 
 
Mọi người hộp hộp dõi mắt nhìn và lắng nghe tiếng Diệu Thảo: “Nhất hường. Nhị hường. Mậu hường. Hường là gì? Là một mặt tứ đó. Từ từ rồi biết. Ui, tam hường. Chắc Trạng về nhà này rồi. Nãy giờ tam hường miết. Suốt. Tứ tự. Tứ hường! Trạng! Trạng năm tuổi! Ai đổ trạng sáu tuổi thì giựt!-“ Là sao? Là sao?”-“ Là trạng này chưa chắc ăn. 
 
Ai đổ tuổi cao hơn thì giành. Lo mà giữ nghen…”. Kiều Loan than: “Trời, sao tui lúc nào cũng nhất hường. Bèo dzậy?”- “ Nhất hường cũng ăn một thẻ, tàm tạm rồi. Mà bà có tập trung chơi đâu. Trạng phạt bà đó. Nhất hường miết là phải rồi.” Mấy cái miệng đồng thanh: “Anh Long ơi, để Kiều Loan chơi…” Songthy, Kim Liên cũng cứ mậu hường, nhất hường. Hiếm hoi lắm mới có tam hường. Songthy chẳng mặn mà gì với xăm hường. Bạn đang làm thơ! Một giọng nói vang lên: “Để đó. Tui chụp ảnh gửi cho ông Long. Bà Loan về đây nhậu nhẹt lập sòng nè…” Căn nhà tràn ngập tiếng cười.
 
Kết thúc cuộc chơi, người may mắn nhất là chị Giang, Sang Hạ cũng khá tốt: có suốt, có tam hường, có trạng; Chung cũng tạm được. Kim Liên, Kiều Loan, Songthy chủ yếu là thua! Vui là chính! Chẳng ai buồn quan tâm đến hai ván xăm hường đầu năm.
 
Món sương sáo, hột é, hột ươi mỗi bạn chỉ nếm một chút. Sen và Lệ Thu làm khó, đòi tôi phục vụ. Thì làm! Cuối cùng Lệ Thu phải hỏi nhỏ đường đâu (ly hạt é, sương sáo quá dở vì nhạt hoét). Mà tôi ngốc thật, Diệu Thảo đã nói các bạn thích dùng sương sáo với sữa tươi không đường. Sao tôi không mang đường ra để ai ưa ngọt thì tự thêm vào?
 
3. Chiều nơi thung lũng hồng
 
Thung lũng hồng! Cái tên gợi nhớ vùng thung lũng với những mảnh ruộng, ụ rơm, rừng cây, con suối, sườn dốc đỏ với những lối đi hiểm trở phía sau trường TH Phạm Hồng Thái, Nông- Lâm- Súc… ngày xưa. Đó là nơi rong chơi thám hiểm, sưu tầm các loại đá, các loại thảo mộc của đám học sinh nghịch phá. Nay cả vùng này được người dân khai phá dựng nhà cửa, ruộng vườn. Đặc biệt nơi thung lũng này có nhà hàng Thiên Thanh 1- nhà hàng sân vườn với hội trường tiệc cưới và các lều quán nhỏ mở ra một không gian đồng quê Việt Nam bát ngát nên thơ: những cánh đồng mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau, những mảnh vườn, những ngôi nhà cheo leo trên sườn đồi… Đó cũng là nơi Songthy mời anh chị Đào Thương- cặp vợ chồng là cộng tác viên của trang TPH và quan trọng hơn, đây là hai người bạn của dượng Songthy: dượng Hoà! 
 
Ba giờ chiều, anh chị Đào Thương đến. Anh chị có nhã ý đưa Songthy và các bạn đi ngắm một vài cảnh đẹp như Biển Hồ nước, Biển Hồ trà với con đường thông trăm tuổi, núi Hàm Rồng… BBT Tống Phước Hiệp trẻ trung, thanh lịch và năng động: mỗi bạn đeo một chiếc túi thổ cẩm, quai túi được dệt tên từng người và bốn bộ váy áo đồng phục: hai đen, hai xám nhạt. Songthy, Kiều Loan lên xe đi trước cùng anh chị Đào Thương. Chúng tôi đợi tắc xi. Nghĩ sẽ đi được ít nhất hai điểm nhưng không ngờ chiều buông nhanh quá. Các bạn chỉ kịp ngắm cảnh, chụp ảnh, hít thở khí trời thoáng đãng và tận hưởng bầu không khí mát mẻ, dễ chịu của những ngày tháng giêng Pleiku rồi đi đến nhà hàng. Anh chị Đào Thương nói: “Khung cảnh ở Thiên Thanh 1 có nhiều cảnh để chụp. Đến sớm, còn ánh mặt trời chụp cho đẹp!” Và cũng như lúc đi Biển Hồ, hình như ông trời biết Songthy thích phong cảnh nên xe của anh Thương đến nơi trước; chúng tôi đợi tắc xi. Songthy, Kiều Loan và anh chị Đào Thương mãn nhãn ngắm cảnh, xe chúng tôi mới tới. Đây là nơi dân Pleiku luôn muốn giới thiệu với bạn phương xa. Các bạn thích thú “tác nghiệp”. Người đẹp, cảnh đẹp, những khoảnh khắc cần lưu giữ nhanh chóng được ghi lại…
 
Pleiku 12
 
Gió bắt đầu thổi mạnh. Hỏi Diệu Thảo có lạnh không, bạn cười: “Không. Về đây khí hậu mát mẻ làm Thảo khoẻ hẳn ra. Còn các bạn Sang Hạ, Kiều Loan, Songthy thì 13-14 độ không là gì cả”. Chúng tôi ngồi vào bàn. Songthy đại diện giới thiệu BBT Tống Phước Hiệp và lí do hội ngộ. Diệu Thảo tiếp lời giới thiệu các bạn Pleiku. Anh Đào Thương, một cộng tác viên của trang TPH nêu cảm nhận về sự dày công biên tập cả về hình thức lẫn nội dung của những người con đất Vĩnh và sự chung tay của một nữ sinh Pleime: tuy xa quê nhưng tấm lòng các bạn luôn hướng về quê hương, về tuổi học trò mơ mộng… 
 
4. Măng Đen và cơm lam- gà nướng
 
Bảy giờ 30 sáng ngày 12 tháng giêng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Điểm dừng đầu tiên là Biển Hồ trà. Một vùng trà đã được xén thấp đều tăm tắp. Những vườn cà phê thoang thoảng hương. Ấn tượng nhất là con đường rợp bóng thông cổ thụ thơ mộng như cảnh trong phim Hàn! “Tách! Tách!”. Các bạn say mê làm người mẫu ảnh…
 
Xe tiếp tục bon trên quốc lộ 14. Sang Hạ bắt đầu tổ chức hát hò. Luật của cuộc chơi là ai cũng phải hát khi đến lượt. Chị Giang- một bài tiếng Hoa. Lệ Thu khoá đuôi, bạn bắt nhịp cho cả xe đồng ca bài: “Nối vòng tay lớn”. Xong một vòng, cuộc chơi xìu vì nhiều người chỉ là “ca lẻ”. Songthy chăm chú chụp phong cảnh trên đường và đưa Sang Hạ, Kiều Loan xem. Kim Liên nói: “Đường 14 này có những địa danh nổi tiếng như Chư Pao, Banhet..” Liên trầm ngâm đọc hai câu thơ của nhà thơ Lâm Hảo Dũng: 
 
Chư Pao ai oán hờn trong gió/ Mỗi tấc khăn sô một tấc đường”. Bầu không khí trong xe bỗng chùng hẳn xuống…
 
Măng Đen! Khu biệt thự! Rừng thông. Xe và người! Hoà trong giòng người, các bạn đất Vĩnh dâng hoa lên Đức Mẹ, thành kính nguyện cầu. Rời khu vực dâng lễ, các bạn bị cuốn hút bởi các quầy  cơm lam, gà nướng, các đặc sản địa phương. Chị Giang, Chung, Sang Hạ, Songthy, Kiều Loan tíu tít hỏi cách lam cơm, cách nướng gà, mua cơm lam ăn thử… Các bạn còn đóng vai người bán: nướng gà, đưa ống cơm lam làm duyên trước ống kính… 
 
Xe chuyển bánh đến chùa Khánh Lâm. Lại ngắm, lại chụp… Và không thể quên việc vào chùa lễ Phật. Điểm đến thứ ba ở đây là thác Pa Sỹ- giòng thác đẹp và khá hùng vĩ với 186 bậc xuống… Xe dừng. Đã hơn 11g, Sen nói mọi người cùng đem chiếu, thức ăn, nước uống xuống chân thác dùng bữa. Các bạn vùng sông nước thấy tấm bảng 186 bậc, lắc đầu, không ngắm thác. Còn lại đúng năm bạn Pleime hăm hở đi. Thác nước đổ thẳng đứng. Dưới chân thác là các chòi tranh, gộp đá, vòm lá, giòng suối, cây cầu… Năm chúng tôi chụp hình nơi chân thác rồi tôi để Kim Sen, Diệu Thảo, Lệ Thu, Kim Liên chụp với nhau. Mấy khi có được bốn bạn cùng lớp như thế!
 
Trở lại xe, ai nấy đều đói và mệt. Tài xế dừng ở chân đồi và bảo lên đồi ngồi ăn, mát lắm! Các bạn không chọn. Vậy là chạy, chạy tuốt về Kon Tum. Gần 2g chiều, cả xe mệt lử. Tôi nói tài xế chọn một quán phở, quán bánh canh nào đó. Không gặm nổi bánh mì nữa. Nạp năng lượng ở quán bánh canh và quán cà phê Indochine xong, xe đưa chúng tôi đến nhà rông và cầu treo Kon Tum. Nhà rông cổng đóng, cầu treo nắng chang chang, các bạn chỉ nhìn từ xa. H’Ngươn gọi: “Cô ở đâu, về đi, nhà chuẩn bị xong cả rồi.” Chu cha, giờ còn ở Kon Tum làm sao về kịp. Đành hẹn H’Ngươn độ 4g. Nhà thờ gỗ, toà Giám mục các bạn chưa đặt chân đến mà. 
 
Bốn giờ rưỡi chiều, xe dừng trước nhà H’Ngươn. Tôi chạy vội vào lấy hai bộ váy áo. Xe chạy thêm một đoạn tới nhà rông- nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Các bạn thay váy áo. Thoắt một cái mấy cô sơn nữ trẻ đẹp xuất hiện bên nhà rông. Cô đứng, cô ngồi, cô mang gùi nhìn xa xăm, cô lầm lũi bước…
 
Về lại nhà H’Ngươn, món cơm lam, heo lụi, gà nướng đã nguội. Mọi người cùng ngồi quây quần. Các bạn vít cần bên ché rượu ghè tạo dáng. H’Ngươn đem đến chỗ tôi một dĩa gà tộc nướng- con gà bé, chỉ độ kí mốt, kí hai. H’Ngươn nói: “ Gà vậy mới ngon, gà kí rưỡi, kí tám không ngon đâu cô”. Các bạn phương xa giản dị, thân thiện, tinh tế, “nhập gia tuỳ tục” thật tự nhiên. Các bạn hỏi ngon lắm nói sao, ngon nhiều nói sao?... Vui lắm. Người vui nhất là đôi vợ chồng chủ nhà người Ba Na. Cô bé H’Ngươn cứ luôn miệng cám ơn các bạn TPH và cứ day dứt vì mình làm chưa tốt nên món nướng bị nguội, mình quên đưa đầy đủ dây lưng, xâu chuỗi cùng những cái gùi, những trái bầu khô đi kèm váy áo để các cô chụp với nhà rông…
 
5. Nhà hàng Trại Hoa Vàng
 
Ngày thứ ba ở Pleiku, anh chị Đào Thương mời cà phê ở Trại Hoa Vàng. Nơi đây đã cho các bạn phương xa nhiều ảnh đẹp: đồi núi hoang sơ, khô khát mùa khô, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh được chăm sóc kì công. Có được những khuôn hình ưa thích xong, các bạn thư thả dùng cà phê và bánh ngọt. Yaourt trái cây, trà lip tông, cà phê đen đá, cà phê sữa đá... Tuỳ thích. Những dĩa bánh ngọt được chị Cẩm Tú Cầu bày xen kẽ thật đẹp mắt. BBT trang TPH đã có một bất ngờ lớn: nhạc sĩ Ngọc Tượng- người mà anh Thương trân trọng gọi là Thầy- đến giao lưu. Anh đến với cây đàn ghi ta của anh Tân- chủ nhà hàng! Sau những lời giới thiệu trang trọng, nhạc sĩ vừa đàn vừa hát một lúc bốn bài hát của anh sáng tác. “Anh ơi, có yêu em/ Hãy về cùng phố núi/ Nơi tình yêu vẫy gọi/ Và anh có yêu em/ Hãy về yêu buôn rừng/ Dệt xanh đồng mênh mông…”- “Em lên với Măng Đen/ Nơi lắm mưa nhiều gió…”. Diệu Thảo, Kim Liên và tôi ngồi nghe mà tiếc hùi hụi: chín giờ sáng nay hai bạn có hẹn với lớp. Vậy là đành xin phép mà đi thôi.
 
Buổi sáng cuối cùng ở Pleiku đầy bất ngờ và hẳn đã gây ấn tượng sâu đậm cho những người con đất Vĩnh. Anh chị Đào Thương mời cơm trưa ở Trại Hoa Vàng với rau dền và ngũ quả luộc chấm mắm kho quẹt, canh tập tàng, cá diêu hồng chiên, gà kho v…v… Kiều Loan có vẻ ngon miệng. Bạn thích rau sạch- có rau sạch; thích ớt- ớt đầy chén. Chúng tôi cảm thấy rất ấm áp, gần gũi vì có sự hiện diện của anh Tân chị Trang, chủ nhà hàng- những người yêu văn thơ nhạc hoạ, những người góp phần làm nên nét độc đáo của Pleiku.
 
6. Vườn nhà Kim Sen
 
Một giờ trưa, các bạn trả phòng. Theo dự định thì xe tiếp tục đến một số điểm như Đồng Xanh, công viên Diên Hồng, trường TH Pleime trước khi xuống nhà Kim Sen. Nhưng trong khi chị Nhung về nhà, tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi lẩm cẩm nghĩ nhà Kim Sen vườn rộng, nhiều cây trái, hoa lá đẹp… các bạn tha hồ nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Bên tai tôi còn văng vẳng giọng nói của Sang Hạ: “Em thích quá! Xuống nhà chị em sẽ đi hái rau, đào khoai mì, khoai lang luộc…”. Thôi, đi đâu nữa…
 
Không ngờ vườn nhà Kim Sen từ vườn trên đến vườn dưới, các loại cây, củ, quả và hoa… Diệu Thảo đố cây gì, các bạn trả lời ngay tắp lự. Chỉ có cây cải xoăn là các bạn nhầm với cải rổ. Còn khoai mì, khoai lang, khoai từ thì có sẵn, không phải đào. Các loại rau cũng thế. Mít thì chưa có trái nào tiếp tục chín để các bạn tập trèo lên hái… Hết việc, hết đố nhau. Khi tôi xuống chỉ có Sang Hạ, Lệ Thu, Diệu Thảo ở nhà với Kim Sen. Chị Giang, Chung, Songthy, Kiều Loan, Kim Liên đã theo Kim Trang đi Đồng Xanh. Đến nơi nghe nói các bạn chỉ kịp nhìn thoáng qua cái cổng, đứng trước cổng chụp ảnh rồi chạy về. Không biết có kịp ăn yaourt trái cây không nữa…
 
Pleiku chia tay các bạn ở nhà Kim Sen. Mở đầu là món bánh bột lọc- những dĩa bánh đầy vun bên chén nước mắm loáng thoáng ớt. Món chính là món bún măng vịt- những miếng măng le Kim Sen tự tay phơi, thấm vị ngọt của thịt vịt và gia vị, mềm, không một chút xơ nhưng giòn và ngon lạ. Những dĩa rau sống thật hấp dẫn. Tráng miệng là chè đậu ván nước- đậu ván nhà trồng, nấu với đường phèn…
 
Bảy giờ tối, xe đưa các bạn ra phi trường. Giờ chia tay đã đến. Kim Liên không mua vé về chung được nên “một mình làm cả cuộc phân ly”; sáu bạn còn lại cùng đi một chuyến bay. Những cái ôm. Những lời từ biệt. Những bàn tay vẫy…
 
Bóng dáng các bạn khuất dần…Ôi, biết đến thuở nào mới gặp lại những người bạn tinh tế, lịch lãm, thân thiện, hoà đồng, xoá tan khoảng cách- những người đem lại cảm giác gần gũi, tự tin cho bạn bè phố núi: thô tháp, chân chất, luôn cảm thấy mình còn nhiều sơ suất và thầm mong lần sau, lần sau sẽ tốt hơn...                                                                     
 
Tháng 3/2016
NTĐ
 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com