Hai ngày sau buổi trưa tạm chia tay thị trấn Duyên Hải trở về Sài Gòn, Kwon Ji-hoon sắm đủ các thứ trong dự định. Cùng trở xuống Cà Mau chuyến này theo lời hẹn với ông bà Hai Phó, cũng vẫn là anh chàng thông dịch Quân. Chỉ khác với lần trước, Ji-hoon tự lái chiếc xe thuê mướn.
Ai quen biết Quân cũng khen anh rất giỏi. Còn nghe nói về thời anh ta kiên nhẫn luyện học tiếng Hàn, mặc cho bạn bè trang lứa trề nhúng loại chữ khó học. Đến khi Quân là con cưng của công ty, tụi kia thấy mới bắt thèm. Mà cũng phải nhìn nhận Quân có nhiều thực tài, ngoài tiếng Hàn, anh ta còn một bụng phong phú Anh văn lúc còn là sinh viên phân khoa Ngoại ngữ. Thêm những năm vừa học vừa đi dạy kèm ở Sài Gòn và làm nhiều loại nghề, lăn chai để sinh tồn của thời sinh viên nghèo đi học xa nhà. Trải nghiệm cuộc sống, giúp Quân thành công dễ dàng trong công tác thông dịch tại văn phòng môi giới hôn nhân cho người ngoại quốc.
Suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi xe xuống nhà thím Hai Phó, xen trong tiếng nhạc hòa tấu nhè nhẹ từ bộ dĩa nhạc giao hưởng, Quân lắng nghe Ji-hoon trầm buồn kể chuyện gia đình của anh ta:
- Ông Kwon Chung-Ho là ba của Ji-hoon, người có gốc gác nhiều đời tại một làng nhỏ chuyên nghề trồng rau và hoa kiểng bao bọc bởi con sông Seokho bao la hiền dịu. Sống trong địa phương khiêm nhượng ở vùng ngoại ô hướng đông bắc của Daejeon, một thành phố lớn miền trung Hàn Quốc. Năm 1950 ông được 15 tuổi thì cả nước nổ ra cuộc chiến tranh quốc-cộng. Gia đình ông cuốn theo đoàn người di tản xuống miền Nam. Họ di chuyển bằng tất cả phương tiện kể cả thô sơ như xe bò xe ngựa, xe đạp thồ hàng, đi chân gồng gánh. Dân chúng cuống cuồng chạy trối chết vì Hồng quân tràn qua vĩ tuyến 38 tiến xuống thật sâu. Trong thế tập trung sức mạnh mũi nhọn và bất ngờ, đoàn quân Bắc Hàn như dao bén chẻ tre, tấn công quân Nam Hàn tan tác mọi nơi. Trong cơn hoảng loạn trong giòng người chạy loạn, ông Chung-Ho được người ta đùn đẩy lên một chiếc xe tải của chính phủ. Cũng thời điểm đó, ông thất lạc với gia đình và đoàn người lánh nạn cùng làng. Sau đó không lâu thì đoàn xe nầy bị phe miền Bắc pháo kích dữ dội lúc trên đường chạy ra bờ biển phía Tây. Số người trong đoàn xe chết như rạ, ông Chung-Ho bị trúng vài mảnh pháo, máu thắm đỏ áo nhưng vết thương không nặng. May mắn cho ông được một toán quân y sơ cứu, thêm một may mắn lớn là được những người dân địa phương thồ ông và những người bị thương khác trên những chiếc xe bò kéo hai ngày đêm để ra bãi lên duyên vận hạm của Hải quân Mỹ.
Những chiếc tàu Hải quân loại đó đổ hàng trăm ngàn người tỵ nạn lên đảo Jindo, vị trí gần như cực Nam Hàn Quốc. Tại đây, ông Chung-Ho cùng một nhóm người khác được một chủ nông trại trồng cây ăn quả nhận về để bảo trợ nuôi dưỡng. Cũng tại bệnh viện nhỏ của đảo, lúc đó được tăng cường những vị bác sĩ tháo chạy từ các tỉnh và thủ đô. Những y sĩ thiện nguyện giải phẫu để lấy những mảnh đạn trong người ông Chung-Ho. Chỉ trừ một mảnh kẹt dính hai đốt xương cổ số 4 và 5, lý do mà người ta e rằng tình trạng thiếu phương tiện giải phẫu có thể gây cho ông bại liệt suốt đời.
Tháng 7-1953, ròng rã ba năm tận sức đánh nhau khốc liệt giữa các lực lượng Hải Lục Không quân của hai khối cộng sản và tự do đối chọi trên đất nước nhỏ bé. Cuộc xâm lấn của Bắc Triều Tiên và sau đó tham gia bởi gần triệu Hồng quân Trung Quốc và mấy chục ngàn chuyên gia Liên Xô. Bộ ba nầy bị quân đội Liên Hợp Quốc được Mỹ dẫn đầu khối tự do liên tay đánh bại. Hòa bình tạm vãn hồi bằng một ký kết đình chiến. Triều Tiên tiếp tục bị chia cắt và theo 2 thể chế khác nhau, tình trạng trở lại y như thỏa thuận của các siêu cường khi Triều Tiên thoát khỏi đô hộ của Nhật sau chiến tranh thế giới.
Ông Chung-Ho nôn nóng trở về chốn cũ đoàn tụ gia đình. Hơn hai tuần quá giang xe tàu và đi bộ, ông mới về đến quê xưa. Vùng đất rau quả của những nông dân cần cù sống đạm bạc dưới những mái nhà thân yêu ngày nào, nay trở nên hoang vu điêu tàn. Nhờ giòng sông Seokho bọc ba phía như hình quả chuông úp xuống, nên làng trồng rau tránh được sự tàn phá trực tiếp của chiến tranh. Nhưng gần một tháng đình chiến mà những văn phòng chức việc điểm danh số người hồi cư chỉ hơn quá nửa. Họ hàng của ông Chung-Ho có một số vẫn biền biệt tăm hơi, trong đó có cha mẹ và hai em gái của ông Chung-Ho.
Gần ngã ba độc đạo tẽ vào làng, dân địa phương dựng tạm một nhà dãy bằng vật liệu thô sơ bằng tôn gỗ viện trợ. Mục đích làm chỗ chờ đợi người thân, chỗ hội họp công cộng và cũng là nơi tiếp nhận thông tin, vật dụng thuốc men thực phẩm giữa dân chúng địa phương với các phái đoàn cứu trợ. Dãy nhà cũng là chỗ nghỉ đêm cho những người thất tán trên đường về quê. Là trạm liên lạc mở cửa 24 với các toán thống kê tìm kiếm của chính phủ và nhân viên thiện nguyện các hội Hồng thập tự Quốc tế hoạt động trên khắp Nam Hàn.
Suốt nhiều tháng tự thân dò hỏi tìm kiếm phăng theo lộ trình đoàn người chạy loạn trên bộ và tin tức những chiếc tàu xuôi Nam bị nạn. Những ngày còn lại, ông Chung-Ho gần như ăn ở tại dãy nhà chờ đợi trong cực hình của sự lo âu khắc khoải và đau buồn tuyệt vọng. Khoảng thời gian nầy, ông Kwon Chung-Ho nhận được nhiều lá thư cầu chúc, an ủi của cả nước và từ đảo Jindo. Cha mẹ nuôi và bạn bè ở quê thứ hai biết được cảnh ngộ của ông trên báo. Họ thành tâm chia sẻ đau buồn với ông Chung-Ho. Sau ba tháng không một tin tức về những người mất tích, họ mới dám khuyên ông nên thu xếp nhà cửa và đất đai gởi cho thân thuộc còn lại, rồi ra đảo sống với họ để tạm quên cảnh cũ.
Năm 1960, ông Chung-Ho cưới cháu gái của ông chủ đồn điền trái cây trên đảo Jindo. Năm 1965, ông bà Kwon Chung-Ho sanh Ji-hoon, cũng là lúc cha mẹ nuôi cắt một góc tư sản nghiệp tặng không điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ vừa có con. Sự việc nằm trong chương trình nghỉ hưu của ông chủ điền về già mà không có con nối nghiệp.
Sinh ra và lớn lên ở đảo, Ji-hoon tròn 22 tuổi cũng vừa tốt nghiêp khóa 4 năm Sư phạm khoa Anh ngữ tại một đại học danh giá ở Seoul. Mùa hè năm 1987, Ji-hoon chuẩn bị cưới người bạn tình quen biết nhau từ thơ ấu và suốt thời trung học. Mọi việc vui vẻ và êm đềm như nắng ban mai trên những khu vườn lê táo, thì xảy ra một tai nạn lấy hết nước mắt của gia đình họ và kinh động nỗi thương tâm dân chúng cả một vùng. Mẹ của Ji-hoon và cô dâu tương lai bị tử nạn trong số mấy chục hành khách trong chiếc tàu biển bị trốt xoáy lật chìm trên hành trình con thoi từ đảo qua một thành phố ở đất liền.
Ông Chung-Ho không chịu nổi cú sốc, thêm phần tuổi đời trên 50, miểng đạn nằm yên 37 năm trên xương cổ hùa theo trở ác. Vết thương cũ bắt đầu hành ông đau nhức dữ dội. Ji-hoon liên lạc với Hội Những Nạn Nhân Chiến Cuộc. Họ yêu cầu đưa ông Chung-Ho lên thủ đô Seoul làm giấy tờ để tiến hành các xét nghiệm trước khi phẫu thuật dưới sự bảo trợ toàn phần của hội đó. Thời gian chờ đợi lịch làm việc của bệnh viện, nhân viên tổng hội giới thiệu ông Chung-Ho đến điều trị châm cứu của một cao tăng trong ngôi chùa cổ nơi ngoại thành.
Bốn lần được vị sư già điều trị bằng châm cứu và thuốc dân tộc trong tháng đầu, ông Chung-Ho cảm thấy giảm đau nhức rất nhiều, ông xin các vị bác sĩ hoãn ngày phẫu thuật bởi nỗi ám ảnh những lời bảo đảm cơ hội 50-50 thành công và không bại liệt sau ca phẫu thuật.
Phương thức châm cứu kết hợp thuốc thang và tập luyện vật lý phát huy tác dụng, chu kỳ điều trị cũng giãn ra. Nhưng vì yêu cầu phải chấp nhận trị liệu thường xuyên, hai cha ông Chung Ho quyết định ký giấy sang tên đất đai cho người em gái của Ji-hoon có chồng trên đảo. Ji-hoon xin được chân dạy học tại một trường tư ở thủ đô Seoul. Ông Chung-Ho mỗi ngày đến giải trí tại các hội cao niên cho đến cuối đời ông vào 2002, hưởng thọ 67 tuổi.
Hai năm sau ngày cha anh qua đời, Ji-hoon quyết định tìm người kết hôn. Xem báo và tò mò về Việt Nam, Ji-hoon nghĩ đến người anh họ đang kinh doanh ở Sài Gòn.
Nhớ lại những năm hạnh ngộ cao tăng, vị sư già thương tình truyền thụ cho Ji-hoon các bí môn châm cứu, tất cả kinh nghiệm chẩn đoán và hiểu biết các tính năng các loại đông y dược cổ truyền dùng trong trị liệu. Khả năng lúc đó Ji-hoon có thể tự điều trị cho ba mình. Nếu muốn chữa bệnh cho người khác thì phải thi để lấy bằng chuyên môn và xin giấy phép hành nghề theo luật về y học cổ truyền.
xox
Trở lại Duyên Hải lần thứ hai với thông dịch Quân, hoàn tất 4 ngày khởi đầu việc điều trị cho thím Hai, Ji-hoon từ giã gia đình chú thím Hai Phó vì lịch trình vé máy bay trở về Hàn Quốc. Và anh đã không uổng công khi tận tâm trong chức năng một người được truyền thụ tỉ mỉ và từng thực hành y thuật.
Bữa tiệc lễ giỗ ông nội con Thảo vừa rồi, nhà chú Hai Phó đông vui hơn thường năm. Bà con khách khứa chưa hiểu chuyện gì, cũng không ai biết mặt người đàn ông mà chú nhắc luôn miệng, nhưng họ vui lây với chú Hai Phó cao hứng oang oang:
- Thằng Đại Hàn nầy giỏi lắm à nghen, nó mới châm cứu cho bà xã tui lần đầu và uống mới 2 thang thuốc. Vậy mà khuya nay bả nhổ lông gà lông vịt, chặt thịt nấu nướng ì xèo. Hồi sáng đến giờ bả tươi rói lách chách như tôm thẻ, có nghe bả than vãn đau nhức gì đâu. Trước khi về Seoul, nó còn gởi lại 10 thang thuốc thiệt quý. Tui khoái cái siêu sắc thuốc chạy điện, nó tân tiến ở việc mình đổ 3 chén nước, nó sắc còn 8 phân là tự động chuyển qua giữ ấm, không sợ khét khô khét cháy.
Thằng đó cũng tốt thiệt, nó hứa về bển sắp xếp xong công việc làm ăn rồi trở qua đây ở tới khi nào trị bệnh của má con Thảo dứt tiệt căn.
(Hết Phần 4)
Một Lúa