Thời trước 1975, Hoàng Lộc đã xuất-bản 2 thi tập Thơ Học Trò (1965) và Trái Tim Còn Lại (1971), nhưng chúng tôi không tìm được ở hải-ngoại, vì lẽ đó chúng tôi trích một số thơ từ các tạp-chí thời đó và thơ trích in lại trong thi-phẩm Qua Mấy Trời Sương Mưa (Văn Mới, 1999) là tuyển tập đã đến với người thưởng ngoạn thi ca như những bài ca trữ tình, và với riêng chúng tôi như những âm vang từ vạn cổ, cứ tưởng chừng sống lại với thời xưa và người xưa.
Thơ Hoàng Lộc đưa người đọc đến với những người xưa như Quan Vân-Trường, Khổng Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, ... Người đọc có cảm tưởng đang sống cùng thời hay tái ngộ thích thú với Người Xưa, có lúc chung đụng, ngồi cùng tửu quán với Thôi Hiệu, Lý Bạch, Phạm Thái hay đang tọa thính những khúc đàn Phượng Cầu Hoàng, Hậu Đình Hoa, v.v. với tài tử văn nhân một thời! Cái xưa ở đây cho người đọc cảm nhận một tâm hồn á-đông u uẩn nơi tác giả, "sầu chặt một hồn sầu" mà dường như khoa học cũng không thể lý giải:
"đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu
ai hay sầu chặt một hồn sầu
ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ
hồng nhan, hồng nhan - ta chiêm bao (...)
nhớ em, nhớ buổi trăng tàn khuyết
quán cuồng hào sĩ cũng rưng rưng như ta,
dễ một lần ta khóc (mà khóc!)
em hát liêu trai khúc nguyệt cầm (…)" (Về Hội An, Uống Rượu Đợi Người)
Tác giả tự xem đời mình đã dở dang thất chí, và mỏi mệt đường đời, đành tìm vui với rượu:
"dẫu chẳng hề xưng ta tráng sĩ
cũng thấy chừng như mỏi kiếm cung
xin được mời người dôi hớp rượu
cho lòng qua khỏi buổi tàn đông..." (Mặc Cho Đời Bụi Phủ).
Cái không khí xưa cũng có thể là chuyện tỏ tình bên mái Tây, dùng chuyện xưa, người xưa để làm quen với "tiểu thơ" hôm nay. Tây Hiên đây là chốn tình tự, níu kéo, mong "đến đây thì ở lại đây" (ca dao):
"từ trong cổ lục
em là tiểu thơ
lòng quen khuê các
tây hiên đứng chờ (...)
về tây hiên cũ
nghe mưa đầu sông
tóc em hà xứ
đời ta tang bồng" (Chuyện Tây Hiên)
Ngày nọ, ông đọc Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu rồi so thân và trách cứ người xưa:
"(...) ông bỏ nhà chơi lung
ta rời quê kiếm sống
đất trời không biết tên
bao ác tà thỏ lặc / (...)
thêm lần đọc thơ ông
giá được cười ngạo mạn:
ta xa quê ngàn trùng
ông cách quê mấy dặm!" (Đọc Lại Hoàng Hạc Lâu)
Sinh trưởng ở thành phố cổ Hội An, với một không-gian đậm đặc cổ kính, một không-gian luôn gắn chặt với thời-gian quá vãng, như chưa tiến vào hiện-đại; dĩ nhiên cũng là nơi đầy thi tính, ở cả con người và tâm hồn. Thơ Hoàng Lộc nói chung đưa người đọc trở về một không gian đã đầy rong rêu phủ kín, nơi đó có những âm vang của tiền nhân và những "hồn ma" quen thuộc cũng như lạ-lẫm. Trong cái xưa cũ còn có Cố Hương. Có thể nói cái lõi của thơ Hoàng Lộc là những hoài niệm quá khứ, người xưa, quê cũ,... Giòng thơ Hoàng Lộc cũng là giòng thời gian mà suối nguồn là dĩ vãng, giòng nước đi qua những chốn quê hay đô hội, những cõi trời, những trăng sao, có những bờ bến đam mê, những bến đợi, những chuyến đò lỡ, những ngọn đèn hắt hiu,...
Ông muốn ôm cái vô biên, làm như đã lắm thất vọng đời thường. Hoàng Lộc đưa người thưởng ngoạn đến một không gian buồn, thường quạnh vắng, một quạnh vắng đến tận cõi hư vô. Cảm thức Hoàng Lộc đầy hoài niệm, như sống với quá vãng, một thứ thời gian dệt bằng kinh nghiệm sống, đã qua nhưng vẫn bàng bạc cái không gian hôm nay. Hoàng Lộc đem cái vô-thể (thời xưa, người xưa) sang hiện-thể qua những vần thi ca trữ tình. Cái thế giới hoài niệm đó chứa chan Tình Yêu, ở Hoàng Lộc là một thứ tình u mặc dù nhà thơ tỏ ra đa tình, trung thành, sống chết với tình, da diết,... Nhà thơ nòi tình, yêu nhiều sẽ thất tình nhiều, người yêu sẽ là dĩ vãng:
"(...) em đã lâu nay thành dĩ vãng
nhớ em là nhớ kẻ vong tình..." (Vô Tình Khúc).
Kẻ đa tình cũng có lúc biết nhận lỗi:
"đã yêu ở Hội An
tình đã ra cửa Đợi
tới đâu, dù được yêu
cũng nghe mình có lỗi (...)" (tr. 198).
Nhận làm kiếp sâu đo:
"lâu rồi ta kiếp sâu đo
quẩn quanh trăm lá sầu khô một đời
em qua gió tạt từng hồi
xô ta lủng lẳng giữa trời oan khiên" (Bất Ngờ Gặp Quế Linh Ở Tân Định).
Người nhiều tâm sự, nhận hết mọi thua thiệt dễ đến với bạn Rượu. Rõ là rượu vào dễ tưởng nghĩ đến tình nhân! Và người "nhớ rượu" sẽ có lúc sợ mất người tình:
"chết đi thì quá ngặt
bỏ lại em bên đời
lỡ có thằng chôm trớt
ta nhắm mắt nào nguôi" (QMTSM, tr. 153).
Rượu mà nhìn trăng, trăng sẽ trở nên ám ảnh đời, và đã trở thành dĩ vãng:
"trăng chết vô tình trên giấc mộng
là trăng vỡ lỡ mộng hôm qua
ta khóc vô tình trong cuộc sống
là vô cùng ta xót thương ta" (Vô Tình Khúc).
Và thời thế cũng đã đưa những người con Hội An phải rời bỏ để đi đến những chân trời khác, những vùng chiến-tranh, bạo động. Người con phải xa quê nhà vì nghiệp lính đã dong ruổi bốn phương trời đất nước:
"(...) lại chỉ mình anh qua hè phố lạ
chân lênh đênh không bước kịp tình người
nửa kiếp sống cứ thua hoài thiên hạ
sự nghiệp buồn gió thổi chiều ba mươi (...)
khi dong ruỗi với trăm lần lỡ vận
bỗng nghe thèm tắm lại nước sông quê (...)
mẹ ở đó cũng buồn hơn tháng chạp
lòng mỏi mòn tựa cửa chừng ấy năm (...)" (Lại Một Mùa Xuân Sầu Xứ)
Quê-hương, người thân luôn hiện diện trong tâm trí người lính, như sau một Lần Hành Quân Trở Về:
"Đã thấy khác xa với lời mẹ dạy
linh hồn vàng cùng tận cõi ăn năn
đường lui quân ôi dòng giòng máu đỏ
của kiếp người chưa đủ một trăm năm
Anh ngơ ngác nhìn lên từng thi thể
đôi tay kia thô bạo tự bao giờ
người da vàng- người da vàng tuổi trẻ
đã âm thầm giấc ngủ cuối hư vô
Bởi Thượng đế đã già nên lú lẫn
quyền tử sinh bỏ lạc xuống tay người
trên nước Chúa thấy ngựa về mặt trận
trước đau thương chẳng biết khóc hay cười
Từng cái chết đồng bào trên ngực áo
với huy chương nhắc nỗi xót xa mình
anh cúi mặt xin đời thôi cổ võ
(mẹ ngủ rồi ai hát khúc sơ sinh?)
Muốn hỏi em lời buồn không hỏi được
nên buổi chiều chiến thắng cũng sầu bi
anh bé nhỏ như một loài ngựa lạc
trái tim khô se sắt buổi quay về"
Lâm chiến, bom đạn,... và để người thân thương và làng xóm được sống an lành, nhưng tâm thức người lính không khỏi có những tra vấn hiện sinh về hận thù, chiến-tranh, về những cái chết đồng loại,... Những ngày phép hiếm hoi, trở về quê nhà, khi rời bỏ trở lại đơn vị là những nỗi buồn lặng sâu, như trong bài Ngày Phép Cuối Ở Hội An:
"tôi sẽ đi như ngày rất xưa
trời sẽ mưa - tối chắc trời mưa
em nhìn theo đường xa hút mắt
hỏi mấy sông buồn khúc nhặt thưa?
Hội An ơi - bây giờ - bao giờ
nhánh cây vào một buổi chiều thu
lá cây cũng rớt vào dâu bể
em có sầu không nỗi lãng du?
muốn hẹn với em mai tôi về
vẫn tin lòng ấy với tình kia
nhưng vai áo lính tôi sờn rách
hẹn ước vơi đầy trên lối đi
thành phố ta - thành phố đầu đời
càng xa càng nhớ Hội An ơi
áo em trắng nõn chiều tan học
nên mấy phong trần cũng thấy vui" – 1969 (Trái Tim Còn Lại)
Tâm sự người thua trận buồn nhưng vẫn bi tráng:
"... mai lúc ngày đưa tin chiến bại
kinh thành ta sẽ bó đôi tay
hồn nghiêng gặp áo khinh cừu trắng
sự nghiệp buồn tênh, em có hay? ..." (Thất Trận).
Thơ Hoàng Lộc có cái không khí cổ kính dù kỹ thuật thơ hiện đại pha dân-tộc. Như cái không khí ca dao của ruộng đồng quê hương:
"(...) ngày đó tưởng xa là chết được
ai ngờ con sáo cũng sang sông
ngày đó môi em là mật ngọt /
ai có ngờ cay nát tấm lòng (...)" (Vô Tình Khúc)
Hoàng Lộc kỹ thuật chăm sóc đi đôi với một nội dung đầy tâm sự của một thế hệ phẩn chí trên một đất nước cùng đường. Tác giả khéo dùng chữ địa phương Quảng Nam hay miền Trung như: chia chác, lâu hung, gái gung, buồn kinh, chơi lung, mỏi cẳng, bươn theo,... Thi ca trước nhất là để cảm và làm đẹp cuộc đời, như hoa, mỗi hoa mỗi sắc. Đọc thơ Hoàng Lộc người ta dễ cảm với thơ ông, dễ mở lòng ra với tâm sự ông, dễ hồi hồi và nao buồn theo giòng đời trôi nổi. Trong giới làm thơ, người đã từng góp mặt lâu thì thường rượu cũ quen bình cũ, thường những vần điệu quen, người trẻ thiếu vốn sống và dễ thiếu chiều sâu và điềm đạm của đàn anh, nên có người thiên về kỹ thuật hay hình thức quá, có khi trở thành xảo thuật, bí hiểm, lai căng, hủ nút. Hoàng Lộc, nhà thơ điềm đạm, vụ phẩm hơn lượng, khi viết về nhân sinh cũng như tình yêu, có bề sâu tư duy, đồng thời có kỹ thuật, chữ dùng đặc biệt, thơ vừa có hồn vừa có âm điệu riêng. Hoàng Lộc đã thành công đưa người thưởng thức nghệ thuật vào thế giới riêng của ông. Điểm khác đáng nói ở nhà thơ xứ Quảng là ông đã thành công đem thời đại đầy gió bụi, tai ương vào thi ca, thơ ông có sự sống vì lẽ đó! Ở Hoàng Lộc cái bất biến là tâm hồn Á-đông, dân tộc nhưng hiện đại - tâm hồn của con người hôm nay. Có sống thực trong một cuộc chiến tàn bạo như cuộc chiến vừa xảy ra trên đất nước mới cảm nhận được trọn vẹn tình ý của nhà thơ, tâm hồn và những nẻo khuất của bản ngã. Phải đọc thơ Hoàng Lộc với kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ, đam mê và khủng hoảng của mỗi người. Thế giới đầy những âm vang của vạn cổ trong thơ Hoàng Lộc đã là những "ảo ảnh" nghệ thuật tuyệt vời, đã đưa người thưởng thức đến một cõi mênh mang.
Nguyễn Vy Khanh