Cám ơn trời đã cho con người những giờ khắc tinh khôi của buổi đầu ngày. Cảm giác sạch sẽ tinh tươm và có chút hưng phấn này tôi có được ngay cả trong những tháng năm ở trong trại cải tạo 40 năm trước.
Lúc ấy, cũng như nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi tập dần thói quen không nôn nóng cũng như không có gì tuyệt vọng trước một ngày ra trại, bình thản nghĩ chỉ là được ghi vào sổ đoạn trường rồi một ngày nào đó "đoạn trường sổ rút tên ra" vậy thôi. Và tôi vẫn có cảm giác trong lành thư thái của những sớm mai khi thức dậy ban đầu theo tiếng kẻng của lính cảnh vệ, theo đồng hồ sinh học đầy thao thức của từng người, và về sau là theo tiếng gà gáy.
Chẳng là, trong một dịp được trại cho về 5 ngày để an táng đứa con 3 tuổi qua đời, thấy mấy đứa còn lại quá nhỏ mà cũng vì cần tìm một cái gì đó để có cảm giác mình vẫn ở trong nhà nên tôi đã mang một ổ gà đang ấp vào trại để nuôi. Con gà mẹ ấp ra mấy chục gà con, mẹ con nó sống nhờ thức ăn của hàng trăm người cải tạo. Một thế hệ gà lớn lên rồi nhiều thế hệ gà nối nhau ra đời, chúng lại được “ra trại” về với các con tôi qua một người lính canh tốt bụng giả lơ khi tôi lén mang ra ngoài trong những lần đi lao động bên ngoài. Có tiếng gà gáy sáng, có tiếng gà trưa khá lãng mạn ngay giữa những con người đang bị tách ra khỏi cộng đồng là vì thế.
Giờ nhớ lại, tôi không biết ngày về của mình trải mấy thế hệ gà như vậy, nhưng tôi nhớ rất rõ tiếng gà và gà mẹ dắt con đi ăn đã giúp tôi có những công việc lặt vặt ngoài giờ lao động, như chăm sóc mẹ con chúng một góc nhỏ có tấm tôn rách làm mái che yên ấm, không có lúa nhưng có cơm khô, một ít rau muống rải cho chúng. Tôi cũng thường tìm được những con trùn đất để bổ sung cho chúng một ít chất đạm.
Một lần mất con gà mẹ lòng tôi buồn thương không kể xiết, có một chút áy náy với lũ con ở nhà. Bẵng một thời gian, khi cái buồn đã tạm nguôi thì một sáng con gà mẹ dẫn bầy con mới nở về, mẹ con chúng đến đúng gốc cây trứng cá cạnh chỗ tôi nằm, con mẹ cục cục lớn hơn lệ thường. Chạy đến đón nó mà lòng vui hơn cả tin được ra trại. Trong hoàn cảnh "gió đưa cây cải về trời / rau răm ở lại chịu đời đắng cay” như thế, sự trở về của một con vật có nghĩa khiến lòng ấm áp biết bao nhiêu. Thì ra con gà ngại chỗ đông người đã tìm một bụi cây để đẻ và ấp trứng, khi mẹ tròn con vuông thì nó không bỏ rơi con người cô đơn trong hoàn cảnh mà chắc nó cũng hiểu và chia sẻ.
Thế cho nên, giờ đây, rất xao động với tiếng gà sáng và trưa. Nhà tôi nằm con hẻm khá yên tĩnh, mọi tiếng động nhất là về đêm đều rõ mồn một. Khu dân cư kiểu đô thị nên không nhà nào có bầy gà, chỉ lác đác vài ba con rải rác, nhưng cứ sáng tinh mơ tiếng gà gáy lại rộn lên. Tôi tìm ra một điều là cứ sau những dịp lễ tiếng gà lại thưa thớt đi, lễ nghỉ càng dài tiếng gáy càng vơi nhiều. Gia đình có những con người làm ăn xa trở về và tiếng gà thưa thớt đi, gà mái nhờ biết đẻ trứng nên thoát chết!
Kể cả những lúc về Sài Gòn một đôi ngày tôi cũng nghe được tiếng gà thành phố đâu đó lúng túng, tắc nghẹn quanh những khối bê tông, ngẩn ngơ lắng nghe như đánh thức một nỗi niềm, không mang nhiều tính kỷ niệm mà đơn giản chỉ như một tâm trạng trước một thứ âm thanh đang có thể bị tuyệt tự.
Cao Thoại Châu