Du lịch để thăm các cảnh đẹp, các kỳ quan thế giới hay di tích lịch sử là chuyện thường tình cho các du khách. Mỗi người sẽ có cách thưởng ngoạn của riêng mình: trầm trồ khen ngợi, thán phục ngưỡng mộ hay kể cả ngậm ngùi thương tiếc…
Tháng Hai vừa qua, tôi cũng có dịp đi thăm một số nơi ở quê nhà và quê người. Mỗi nơi đều có những suy nghĩ lắng đọng trong tâm tư mình, chẳng hạn Singapore - đất nước có diện tích nhỏ bé và không hề có tài nguyên thiên nhiên, vậy mà tiến bộ không ngừng về mọi mặt, cuộc sống và dân trí người dân đã có một mức cao đáng nể và người dân đã tự hào rằng không còn người ăn xin và đói khát và nhất là không có nạn trộm cắp tại đất nước này. Bên cạnh đó là Malaysia, có nền văn hóa cổ xưa và truyền thống như Việt Nam ta, nhưng cuộc sống và dân trí người dân vẫn còn giới hạn, những khu nhà ổ chuột và nhếch nhác vẫn còn đó.
Chiếc cầu thông thương giữa hai nước được tự do qua lại, chỉ cần trình giấy tờ tại hải quan với thủ tục thật đơn giản, người dân Singapore qua Malaysia để mua sắm những thức ăn vì giá rẻ hơn rất nhiều so với nước mình, ngược lại người dân Malaysia qua Singapore để học hỏi những văn minh hiện đại của xứ bạn. Cuộc sống của hai nước láng giềng sao mà an lành, hòa thuận và hỗ tương đến thế. Đất nước tôi cũng có chiếc cầu phân chia ranh giới, nhưng không phải ranh giới hai nước mà là hai miền Nam Bắc của chính đất nước mình. Đúng vậy, tôi muốn nhắc đến chiếc cầu Hiền Lương, bắc ngang sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã tạo ra vĩ tuyến 17, ngăn chia hai miền đất nước và trải qua cuộc nội chiến trải dài đến 20 năm, chỉ được chính thức chấm dứt và thống nhất đất nước vào tháng Tư năm 1975.
Thăm cảnh nước người, suy nghĩ chỉ thuần túy là một du khách thưởng ngoạn, nhìn cái hay cái đẹp của người thì khen ngợi, nhìn cái tiêu cực thiếu sót của họ thì chép miệng “tiếc quá”, thế thôi! Thế nhưng không hiểu sao du lịch tại nước mình, những cái hay cái đẹp thì vui lắm, và thật ngậm ngùi, xúc động với những gì còn giới hạn, phải chăng dù mình chỉ là khách lạ giữa quê hương nhưng giòng máu Việt nam vẫn còn nồng nàn trong tim óc? Bởi thế bỏ qua những suy nghĩ về chính trị có thể không đồng nhất nhau, tôi chỉ muốn nói lên cảm nghĩ của mình về một nơi mà tôi được sinh ra - QuảngTrị và chiếc cầu gắn liền với lịch sử - cầu Hiền Lương tại sông Bến Hải khi được đi thăm trong chuyến du lịch vừa qua.
Dù đã từng nghe nói và xem hình ảnh trên báo chí lúc xưa về vĩ tuyến 17 là ranh giới của hai miền Nam Bắc, thế nhưng chỉ là để biết về một nơi đặc biệt của đất nước mình thế thôi, chứ chưa hề có chút ấn tượng nào, chỉ khi được đặt chân và tận mắt nhìn thì mới tự trách sao lúc xưa mình vô tình, hờ hững đến thế! .
Ngồi trên xe bus, đi dọc con đường đã được sửa sang lại to lớn rộng rãi như xa lộ, mà người hướng dẫn viên du lịch gọi là đường mòn HCM ngày xưa, tôi đã căng mắt ra nhìn để tưởng tượng lại hình ảnh những người lính của cả hai bên trong cuộc chiến gian khổ thời ấy mà đã từng đọc qua trên báo chí… Thật lòng mà nói thì khó có thể nghĩ được con đường mòn đó như thế nào mà đã có biết bao người hy sinh. Bởi thế, chỉ còn biết cười buồn cho thân phận người lính và người dân của cả hai miền Nam Bắc thời ấy.
Chúng tôi được đổ xuống bờ sông Bến Hải , một con sông thật nhỏ bé so với trí tưởng tượng của tôi, nhìn giòng nước trôi êm ả, nhẹ nhàng, biểu tượng cho một hình ảnh đẹp về sự hiền hòa, bình yên…. Vậy mà , buồn thay, con sông ấy lại là dấu tích lịch sử quan trọng, một con sông bị xẻ làm đôi thành hai bờ giới tuyến – được gọi là vĩ tuyến 17 - qua chiếc cầu nhỏ Hiền Lương bắc ngang qua. Dấu tích đó chắc hẳn vẫn hằn sâu trong tâm khảm của người dân QuảngTrị sinh ra trong thập niên 70 trở về trước, một kỷ niệm đau buồn dù hòa bình đã hiện diện trên quê hương 40 năm rồi…
Chiếc cầu mang tên Hiền Lương, và con sông Bến Hải quả thật là tội nghiệp khi phải chứng kiến biết bao tranh chấp của con người. Nghe kể rằng, cứ mỗi lần tết đến, hai bên tạm ngưng chiến, người lính ở hai đầu vĩ tuyến đều tiến lại vạch ngang giữa cầu để vui cười bắt tay, rồi cùng mời nhau ăn uống, chúc tụng để mừng xuân. Rồi sau giờ ngưng chiến, họ lại cầm súng, sẵn sàng bắn chết lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ được giao cho là bảo vệ phần đất phía mình. Qua cách đối xử trong giờ ngưng chiến thì dù ngây thơ đến đâu, chúng ta cũng có thể hiểu rằng những người lính của hai bên, cũng chỉ là những người dân hiền hòa, họ có muốn bắn giết nhau đâu, ai lại không mong muốn sống trong hòa bình, êm ấm nhưng vì sao lại thế? Một câu hỏi ai cũng biết câu trả lời nhưng chỉ làm đau xót, nhức nhối cho người dân ở hai đầu vĩ tuyến mà thôi!
Tôi cũng chỉ là một người dân bình thường, rất ấu trĩ về chính trị , nghe hiểu về chiến tranh từ sách báo và một chút kinh nghiệm sống dưới thời đó nhưng khi đứng trước hình ảnh con sông và chiếc cầu quê tôi, nhất là khi nghe lời tường thuật của cô bé hướng dẫn viên du lịch về lịch sử của chiếc cầu này, thật sự lòng tôi cảm thấy chùng xuống và có chút khó chịu. Sao không buồn cho được khi nhìn thấy lằn gạch phân chia hai miền vẫn còn đó, Nam sơn vàng, Bắc sơn xanh… Cột cờ phía Bắc lá cờ bay phất phới, cột cờ phía Nam chỉ còn trơ bục xi măng và những hàng chữ lạnh lùng “địa điểm cột cờ chính quyền Sàigòn”…
Và một chút khó chịu khi đành rằng với cuộc chiến, phải có lúc chấm dứt và chúng ta phải chấp nhận hậu quả của nó, thế nhưng có cần thiết để phổ biến những thông tin sai lệch đến du khách không nhỉ? Với những người ở lứa tuổi tôi hoặc lớn hơn có thể phân tích, xem xét để biết được phần nào sự thật, nhưng những lứa tuổi nhỏ hơn, chưa hề biết gì về chiến tranh và nhất là những du khách ngoại quốc họ có cần thiết phải nghe nhiều chi tiết không đúng của lịch sử cuộc chiến và chiếc cầu này đến như vậy không? Bởi thế hơi khó chịu khi nghe cô bé hướng dẫn viên dẫn giải lại lịch sử một cách không trung thực, nhưng biết rằng cháu có biết chi đâu về cuộc nội chiến mấy chục năm về trước vì lúc đó hẳn cháu chưa được mở mắt chào đời, cho nên tôi đành tạm “đóng” tai mình lại để lần bước lên cầu. Đứng lại giữa cầu, bên phía vạch màu vàng, đưa mắt nhìn quanh... buổi chiều trời đầy mây xám, se lạnh và mưa rơi lất phất… Tự dưng lại nhớ đến những câu thơ trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan giữa khung cảnh hoàng hôn của nơi này:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Hình như, đây cũng là một phần nào tiếng lòng ngậm ngùi của tôi khi đứng trước một dấu tích lịch sử của quê mình đã có 40 năm hòa bình? Tháng tư đen đến bao giờ mới thực sự được quên đi, khi mỗi năm “đến hẹn lại lên” có người ăn mừng, và có người xót xa?
Hồ Diệu Thảo