User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

1- 

Vào giữa thập niên 60 tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, có hai thanh niên đàn anh mà tôi ngưỡng mộ là nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, người chủ trương tạp chí Biểu Tượng (cùng với Hoàng Đông Trước, Hà Nghiêu Bích) và anh Tuấn Tây lai với ngón đàn tây ban cầm vô cùng điêu luyện, lả lướt, dễ làm mê hoặc lòng người. Khi đó tôi đang học lớp đệ tam B1, ban toán ở trường trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long và rất mê văn thơ. Tôi đang tập tành viết văn làm thơ và tham gia các phong trào “bích báo”, báo Xuân ở trường. Có khi lén bạn gửi bài lên các báo trên Sài gòn và tờ Biểu Tượng nên có dịp làm quen với anh Nguyễn Kim Dũng, tức nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, cũng là nhà văn Lê thị Tư sau này. Tôi lén vì sợ các bạn ở chung nhà cười khi biết mình gửi nhiều bài mà được đăng chẳng bao nhiêu. Cũng vậy, hai thằng bạn của tôi cứ lén hẹn với người yêu trong nhà mà mãi sau này tôi mới biết. Anh Dũng là cháu vợ của Giáo sư Phạm văn Tệt dạy Pháp văn trong trường, anh là một thầy giáo vô cùng tài hoa cả thơ lẫn văn. Rất tiếc tạp chí Biểu Tượng chỉ in được vài số là đình bản vì lý do tài chánh eo hẹp mà giới tiêu thụ cũng chưa thành luồng, thành mạch để chuyên chở tờ báo xa hơn!

doi mat blogtamsuvn1

Chúng tôi gồm ba đứa học trò quê từ quận Chợ Lách lên Vĩnh Long trọ học. Nơi trọ là nhà của anh ruột một trong ba đứa, anh đang là Đại đội trưởng thuộc Sư Đoàn 7 Bộ binh đóng quân ở Kiến Hòa (Bến Tre). Tụi tôi ở trọ khỏi tốn tiền nhà. Căn nhà xinh xinh cửa xanh nằm ngay mặt tiền đường Trần Công Lại, tại dốc cầu Cái Cá, đối diện cổng sau của trại công binh Đào Duy Từ. Nhiều buổi chiều tụi tôi ngồi trước nhà vừa đánh đàn vừa hóng gió. Mấy anh lính gát cổng sau của trại công binh nổi hứng hát những bài ca lính chiến cho tụi tôi tập đệm đàn. Có khi mấy bạn cùng lớp ghé chơi, ca hát tân cổ nhạc, uống trà, ăn bánh ngọt, kẹo thèo lèo, trước mua vui sau làm nghĩa vì ngón đàn của bọn tôi chắc tìm không ra Thầy muốn dạy. Một đôi khi chúng tôi dừng tay đàn để nghe tiếng độc tấu tây ban cầm réo rắt của anh Tuấn Tây lai phát ra từ căn nhà bên cạnh, chỉ cách nhà chúng tôi một khoảng vườn cây ăn trái. Những nhạc khúc cổ điển tây phương quen thuộc, trầm bổng, nhanh chậm; những bản tình ca nhạc Việt buồn đến nao lòng đã thu hút một số nữ sinh xe đạp đầm, áo dài trắng mà chúng tôi thường thấy. Anh Tuấn đẹp trai, người hơi ốm, mũi cao, mắt sâu… Có thể vì thế mà anh có biệt danh Tuấn Tây lai. Anh có mái tóc khá dài và quăn gợn sóng rất nghệ sĩ. Anh hơi bất cần đời với chiếc xe đạp đòn dong cà tàng, không vè, không thắng (phanh), áo thả đong đưa ngoài quần. Không hiểu sao trường cho anh đặc ân ăn mặc tóc tai như thế! Chúng tôi chưa gặp Cha Mẹ anh nên không biết anh giống Cha hay Mẹ và ai là Tây lai!

Tụi tôi thuộc loại mọt sách, học hành chăm chỉ, mỗi kỳ thi đều đậu hạng khá cao, nhưng chẳng biết tiệc tùng nhậu nhẹt, một phần vì là học trò quê và Cha Mẹ cũng không dư dả gì! Mỗi chiều tụi tôi đi ngang nhà anh Tuấn để xuống bến sông Cái Cá tắm hoặc giặt giũ. Tuần nào cũng thấy trong nhà anh có tiệc, đàn hát vui nhộn với đôi ba bóng hồng. Cũng cần khoe thêm khu vực này gần xóm bún, nên món bún chấm nước mắm ớt thật cay, vừa rẻ vừa gọn thường được bọn tôi chiếu cố. Những cuối tháng hết tiền, bọn tôi rủ nhau ăn trưa ở quán cơm Xã hội và chiều ăn bún “suông” cũng đủ khuya xót ruột quá trời! Thấy chúng tôi thân thiết, thương mến nhau hơn anh em mà lại chăm chỉ học hành anh Tuấn khen ngợi và đề nghị sau này ba đứa tôi nên gia nhập Hải Lục Không quân! Câu chú bùa “thiêng yểm” này về sau thành sự thật! Không biết hè năm đó anh Tuấn đậu Tú Tài 2 hay không vì khi nhập học trở lại, anh không còn ở căn nhà cổ xưa, chung quanh có những cây xoài đại thụ đó nữa. Những xe đạp, áo dài vì thế cũng theo tiếng đàn và ngọn gió từ lòng sông Tiền thổi lộng bay xa… Nhiều đêm trời rả rích mưa dai, tôi ngồi học bài bên khung cửa sổ, chợt như nghe vọng lại tiếng đàn, tiếng hát của ai đó từ trong khu vườn cây trái. Khi trời sấm sét, trong ánh sáng lóe lên bất chợt, chừng như tôi thấy có tà áo dài dài quá khổ phất phơ trước cửa nhà anh Tuấn từng ở đi học. Ba đứa tôi là “ma sứ” nhưng cũng “nổi da gà”, đóng cửa sổ lại và đọc bài to hơn tiếng mưa gió bên ngoài cho đỡ sợ!

2-    

Khi tám chàng phi công vừa tốt nghiệp trường bay khu trục Keesler, Biloxi, MS. Cánh bay còn mới tinh, chưa có chút kinh nghiệm chiến trường, được gửi lên trường bay Lockbourg, Columbus, OH để xuyên huấn Co-pilot trên loại máy bay C123K, vì Không Quân Hoa Kỳ sẽ chuyển giao 48 phi cơ C123K để thành lập 3 phi đoàn, đóng ở căn cứ Tân Sơn Nhất. Tôi là một trong số các chàng trai coi trời bằng vung này. Trường bay tọa lạc ở ngoại ô thủ phủ tiểu bang Ohio. Người Mỹ quanh đây chưa biết dân Việt Nam mặt mũi ra sao. Chỉ biết nhiều con em của họ, khi sang Việt Nam là một đi khó trở lại! Cũng chính thành phố này sinh viên biểu tình chống chiến tranh, bị cảnh sát bắn chết, tạo phong trào phản chiến cực mạnh trong lòng dân chúng Mỹ. Tại đây chúng tôi gặp tám chàng hoa tiêu chánh (co-pilot khi bay ngồi ghế phải, sẽ được huấn luyện lên hoa tiêu chánh, hoa tiêu chánh có thể ngồi ghế trái nếu bay với huấn luyện viên, trưởng phi cơ khi bay ngồi ghế trái, riêng các huấn luyện viên ngồi ghế phải hay trái đều được) Đa số các chàng “hào hoa phong nhã” này đã bay C47, C119 ở căn cứ TSN hay Nha Trang. Chúng tôi thật vui mừng đón quý đàn anh vào lúc tờ mờ tối và trời đang có tuyết rơi. Quý anh vừa học xong “phòng cao độ” ở căn cứ Không Quân Mỹ Okinawa, Nhật Bản bay qua. Không khó mấy và rất ngạc nhiên khi tôi nhận ra anh Tuấn Tây lai… tóc của anh vẫn để dài hơn mấy anh khác, bộ đồng phục vàng tiểu lễ, mũ xếp đội lệch làm anh có phong độ hơn xưa nhiều…. Nụ cười, ánh mắt… nhung làm anh có vẻ còn níu kéo một thuở thư sinh:

_ Trời! Chú mày là phi công bảnh quá ta! Ở phòng nào cho tao ở với!
_ Có roommate rồi Trung úy! Vừa nhạc sĩ vừa phi công chắc chết con gái người ta hết!
_ Phi công đủ rồi mày ơi! Bay bổng hà rầm thời gian đâu mà văn nghệ văn gừng! Đợi vài tháng chú về nhà là biết liền! Hổng phải như thiên hạ tưởng đâu!

Nơi trường bay này, một ông Thầy Mỹ dạy hai học trò cùng là co-pilot hay trưởng phi cơ. Những kỷ niệm khó quên ở căn cứ Không Quân Hoa Kỳ này là những lần đàn hát trắng đêm với mấy cô sinh viên Việt Nam xinh đẹp đến từ thành phố Cleveland.  Anh Tuấn được một nàng sinh viên hát hay, ngâm thơ mùi mẫn lâm ly để ý thương yêu. Ngoài tài đánh đàn, bay bổng anh Tuấn còn biết làm các món nhậu khá ngon. Vào dịp Tết Nguyên Đán anh Tuấn chuẩn bị vài món mứt, vài thức ăn ướp sẵn và hẹn cùng mấy cô sinh viên họp mặt Tân niên. Chẳng may, toán phi công tụi tôi bay xuống căn cứ nhảy dù Forf Campbell, tiểu bang Kentucky thực tập thả dù cho lính dù Mỹ. Lúc bay trở về Ohio thì bị bão tuyết, đành phải bay vòng lại Kentucky ăn Tết với mấy ông thầy Mỹ trong câu lạc bộ sĩ quan Nhảy dù. Khi toán mười sáu phi công tốt nghiệp, về lại Việt Nam check out (kiểm soát định chuẩn) hành quân ở căn cứ Không Quân Phan Rang thì một ông thầy Mỹ huấn luyện một trưởng phi cơ và một co-pilot. Anh Tuấn và tôi có tên cùng vần T đầu nên được chỉ định học chung thầy. Thường những ai khéo tay, vẽ đẹp, đàn hay, khiêu vũ lả lướt đều có khiếu bay bổng. Anh Tuấn đàn giỏi nên bay cũng quá nhuyễn! Tôi học hỏi lý thuyết, mẹo vặt từ anh nhiều hơn mấy ông thầy Mỹ, nhất là kinh nghiệm cận tiến và đáp phi cơ sao cho an toàn, nhẹ nhàng… trên phi đạo.

Mỗi chiều thứ sáu Bộ tư lệnh Sư Đoàn 5 Không Quân cho một phi cơ C47 hoặc C119 ghé ngang Phan Rang đón chúng tôi về Sài Gòn, đến chiều chúa nhật có máy bay đưa trở lại Phan Rang. Mỗi cuối tuần tôi đều tranh thủ về Vĩnh Long thăm người yêu vì đã hai năm trời mê bay bổng, xa quê không gặp mặt. Tuy rằng tuần nào tôi cũng gửi về nàng hai lá thơ có kèm hình, hoa ép khô, tranh vẽ tay và vài bài thơ tình! Thư đến thường xuyên đến nổi ông đưa thơ rất trân trọng, kín đáo và quí mến người yêu của tôi như tiểu thư.  Một cuối tuần tôi theo anh Tuấn về Vĩnh Long, hai anh em lấy xe Honda, đèo nhau về Tam Bình thăm Ba Má và gia đình anh. Trước khi đến nhà, chúng tôi ghé trụ sở xã uống trà với mấy anh lính nghĩa quân, anh Tuấn quen thân với ông Uỷ viên An ninh và nghe nói ông Phó Quận Tam Bình là bà con trong thân tộc. Nhà anh Tuấn ở cạnh bờ sông, vườn rộng mênh mông nhưng cây trái xem ra không được chăm sóc kỹ, đa phần trồng cau, dừa và chuối giống như những nhà giàu xưa ở Chợ Lách quê tôi.

Bé Mai Xuân vừa đi học về, liếng thoắng trong chiếc áo dài màu trắng trinh nguyên, dáng ngây thơ của tuổi học trò còn phủ trùm mắt môi tóc áo. Thấy chiếc Honda của anh Tuấn đậu trước nhà, cô Bé chạy ù vào nhà mừng anh Hai mới về! Chạm mặt tôi, nàng khựng lại, rồi bẽn lẽn ra nhà sau hỏi Mẹ và tìm anh Tuấn. Tôi cũng choáng váng, bị vertigo như đang bay, kéo nhiều G, máu không lên đến não bộ. Đứng trời trồng vài giây... Cô học trò 11,12 tuổi, ánh mắt màu lá nâu, nàng chuyên chở cả mùa Thu từ đâu tới? Áo trắng tiệp màu mây và mái tóc dài chảy xuôi giòng suối mát! Dáng nàng cao cao, mảnh mai uyển chuyển trong chiếc áo dài không kiểu cách. Nắng còn vương trên đôi má và trái chín còn đỏ mọng màu son môi. Mũi cao thanh nhã, mắt sâu thăm thẳm biển trời! Không biết nàng là Công chúa của sông biển hay Hằng Nga của mây trời đến để làm điên đảo trần gian… Gặp Ba Má anh Tuấn, tôi không còn ngạc nhiên về sắc diện, dáng vóc của anh và bé Mai Xuân. Ba anh cao người, mặt mũi, tai mắt có vẻ Tây phương, phong cách trí thức. Mẹ anh tuyệt đẹp, trắng trẻo, thanh lịch tuy dáng không cao là mấy. Dù mới gặp tôi lần đầu mà hai Bác đã thân thiện, tử tế khiến tôi cảm phục và tự nhiên như đang ở nhà Ba Má tôi vậy.

Buổi cơm chiều kéo dài thành đêm thơ nhạc với mấy anh lính trong công sở xã và bốn Thầy Cô từ trường Trung Học Tam Bình, khiến tôi thêm ngưỡng mộ gia đình anh Tuấn. Ba Má anh rất hiếu khách, cũng thơ thẩn, ca hát tân cổ hòa đồng với chúng tôi. Đặc biệt tôi chú ý đến tài năng và cung cách trình diễn của bé Mai Xuân. Bình thường cô bé có vẻ nhút nhát, e lệ nhưng khi hát lại dạn dĩ, điêu luyện, duyên dáng… Khi biết ra, Mai Xuân được anh Tuấn và quý Thầy Cô trong trường huấn luyện để bé trình diễn trong những lễ phát thưởng cuối năm của trường. Có khi giúp vui trong quận đường như một “thần đồng” văn nghệ. Khi tiệc tàn bé Xuân vội căng mùng cho tôi và anh Tuấn ngủ trước rồi lo dọn dẹp chén dĩa ra nhà sau. Tự nhiên tôi nghe như có mùi hương lạ từ tóc áo con gái hoà quyện cùng mùi thơm dạ lý thoảng nhẹ trước sân len vào cửa sổ. Ngọn gió qua sông, khẽ hát trên song cửa, cánh én nhà ru tôi vào giấc ngủ muộn màng.

Sáng hôm sau tôi mượn xe anh Tuấn và rủ bé Mai Xuân ra chợ quận ăn sáng, tôi mua tặng bé cây viết máy hiệu Pilot, kèm mấy bài thơ mới làm trong tuần ở Phan Rang… Tôi cũng khoe từng có thơ đăng báo ở Sài Gòn và trúng giải thơ báo Xuân ở trường Tống Phước Hiệp. Cô bé ngỏ lời thán phục, hứa sẽ học thuộc và ngâm thơ cho tôi nghe khi tôi và anh Tuấn về thăm nhà lần tới. Tôi nhận ra ánh mắt long lanh, đầy sắc màu, ngập hồn lá nâu cùng cử chỉ thân thiện, trìu mến có pha chút tình nghệ sĩ giữa chúng tôi. Tôi hy vọng Bé xem mình như người anh thứ hai sau anh Tuấn. Có được cô em xinh đẹp duyên dáng như thế chắc tôi cũng… nhẹ phần bay bổng, lướt gió tung mây và thấy hoa mộng chớm nở giữa trời xanh... ”Có phải em là mây viễn xứ, tôi nhìn ngây ngất mộng liêu trai, em khảy nguyệt cầm rung điệu gió, tìm em… tôi thả cánh thơ bay…

Trước khi rời Tam Bình, tôi có dịp cùng Mai Xuân nói về tuổi học trò. Hai anh em ngồi bên bờ sông, ngắm những cánh lục bình nở tím xuôi giòng. Vài phiến lá nâu chao nghiêng theo giòng nước cuốn dầy đặc nỗi buồn phù sa. Tôi đọc mấy bài thơ học trò viết hồi còn đi học và cô bé ướt mắt lắng nghe. Bé hát tặng tôi bài dân ca đã hát trong trường vào dịp lễ Tết. Nhìn miệng Bé Xuân duyên dáng buông lơi tiếng hát, tôi tưởng nắng gió và hồn mình óng mượt, lung linh trên từng phiến lá, mấy tán dừa bung lá che dù, lao xao tiếng nhạc. Tôi rất ngạc nhiên khi bé cho biết có mấy người lính trong xã lẩn quẩn quanh nhà, giữ an ninh cho anh Tuấn và tôi trong đêm. Ba Má anh Tuấn thật cẩn thận, chắc biết hai cây súng hộ mạng P38 của tụi tôi chẳng ăn thua gì khi gặp chuyện lớn.
Từ đó trong nhịp sống phi công quay cuồng, mỗi lần nhớ ánh mắt lá nâu, tôi ngồi trầm ngâm… thả những vần thơ yên bình vào vùng cát bụi, vào khoảng trời xanh để gió cuốn đi những hồi tưởng tiếc… Và ngắm mây vẫn bay bay về miền viễn xứ… Có ai vạch được tim mình để nhỏ lệ trầm kha…

Rồi cuộc chiến gây ra bởi tham vọng của những người thờ chủ nghĩa Cộng sản, dựa trên giáo điều, sự lừa dối, khủng bố và dã tâm chém giết… mỗi lúc càng khốc liệt. Chắc chắn vài thập niên sau, khi không còn chủ nghĩa Cộng sản, lịch sử thế giới sẽ xác định Cộng sản độc tài chuyên chế là thời kỳ đen tối (thà giết lầm hơn bỏ sót) nhất của nhân loại! Thần chết có mặt khắp quê hương, nhất là ở các chiến trường. Mùa hè đỏ lửa năm 72, Tân Sơn Nhất đã có ba phi đoàn vận tải C123K, giữ nhiệm vụ chuyển quân cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn, nhất là hoán chuyển các lực lượng Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân từ Vùng 3 ra Vùng 1 hỏa tuyến. Ngoài ra các phi đoàn cũng đảm trách thả dù tiếp tế cao độ 100 mét trên mặt đất cho các đơn vị lớn bị các Sư Đoàn Cộng sản bao vây. Tại chiến trường An Lộc vào những hồi khói lửa ngút trời. Đường hàng không là phương tiện duy nhất để binh lính và dân chúng nhận tiếp liệu. Một buổi sáng trong mùa bão lửa, Không đoàn 53 chiến thuật có hai phi vụ tiếp tế đạn dược và nhu yếu phẩm. Trọng trách giao cho Phi Đoàn 421 và Phi Đoàn 425. Theo thuyết trình quân báo, chúng tôi sẽ thả theo trục Nam Bắc, rẽ phải về hướng Đông, nơi có ba tiểu đoàn Biệt động quân án ngữ, cũng là khu áp lực địch yếu hơn. Phi trường L19 phía Bắc đã bị giặc chiếm đóng cần phải tránh. Chiến trường có nhiều vũ khí phòng không và xe tăng. Vì quen các chiến trường nên chúng tôi tỉnh bơ đi ăn sáng ở khu gia binh. Đến giờ qua phòng dù mượn dù, áo giáp, áo lưới mưu sinh thoát hiểm. Ra bãi đậu quay máy, taxi ngang qua hai phi đạo, đến hot cargo nằm phía bắc hai phi đạo (07) 25L & 25R, về hướng Gò Vấp để nhận hàng hóa tiếp tế. Các nhân viên phi hành vẫn nói cười rôm rả, yên chí lớn sẽ hoàn tất phi vụ an toàn và chính xác như những lần trước.

Khi chúng tôi cất cánh thì mặt trời cũng đổ lửa ở phương Đông. Cánh quạt của hai máy nổ chém ngọt khoảng không gian còn ướt hơi sương, sáu lưỡi gươm chém gió làm rung cả thân tàu. Hai động cơ phản lực rú lên như cố xô những bờ gió, nhấc bổng phi cơ lên cao độ. C123k được gắn thêm hai máy phản lực để xử dụng trong khi cất cánh và đáp, nhất là ở các phi trường ngắn của Miền Nam Việt Nam. Sau khi thả những kiện hàng tiếp tế cho quân bạn, hai máy phản lực giúp phi cơ đạt cao độ an toàn rất nhanh. Chúng tôi bay vòng chờ trên bầu trời Lai Khê. Một phi tuần hai phi cơ khu trục Skyraider từ phi trường Biên Hoà bay sát ngọn cây, bắn uy hiếp tinh thần địch quân. Phi hành đoàn chúng tôi bay chiếc số một, phi cơ có số đuôi là QC, call - sign Quebec Charlie chúi mũi phi cơ xuống thấp thật nhanh, lấy hướng Nam Bắc theo trục quốc lộ 13, nhắm vào vị trí khói màu cam vừa đúng lúc đạt cao độ 300 bộ, tức 100m trên mặt đất như đang làm assaulted landing… Hai cửa sổ trên phòng lái được mở theo check lists. Chúng tôi gặp những lưới đạn đủ loại và khủng khiếp đến chưa từng đương đầu, tưởng chừng có thể nghe được tầm đạn đi đan hình lưới nhện. Green lights, hàng thả xong, red lights! Tàu break phải, 4 máy full powers vượt cao, ồn ào và thoát hiểm…

Theo lệnh Trưởng phi cơ tôi vội gọi Phong Đăng (Trung tâm hành quân Sư Đoàn 5 Không Quân) báo cáo tình hình hỏa lực địch quân và đề nghị ngưng thả dù hôm nay. Chiếc số hai do anh Tuấn Tây lai làm Captain (trưởng phi cơ) chen vào cuộc gọi của tôi: “số một về đáp nhớ mang thêm vớ nghen!”. Tôi biết anh Tuấn ghẹo chúng tôi chết nhát! Tôi trả lời: “Hot hot target. Be careful!” Chúng tôi còn đang quẹo phải và lấy thêm cao độ vì vừa thả xong chừng 2, 3 phút… Ngồi bên ghế phải, tôi thấy tàu bay anh Tuấn đang giảm cao độ từ 5500 bộ nơi vòng chờ. Điểm thả của anh cách chỗ thả của chúng tôi chừng hơn cây số và khói màu đã được Bộ binh đánh dấu… Tàu của anh bỗng bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 chui vào máy, phát nổ, gãy thành ba mảnh và cháy trước khi chạm đất. Anh Tuấn không kịp gọi “May Day”! Phi Hành Đoàn 7 vị, 3 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan vừa đền nợ nước… Nhanh và nhẹ như thời chúng tôi đứng trên cầu Cái Cá, nhún mình nhảy xuống sông tắm, như khi tôi và Bé Mai Xuân mải mê nhìn hai con chim se sẻ múa hát “nhẹ cánh chuyền cành”! Phi công quan sát và chúng tôi không thấy ai bung dù. Họ đang điều động khu trục trở lại yễm trợ, định vị trí và nhờ Bộ binh tiến chiếm, lấy xác… Chúng tôi chưa kịp hoàn hồn thì biết hệ thống thủy điều của phi cơ chúng tôi bị bắn bể, phi hành đoàn phải ra gears bằng tay, bay ngang đài kiểm soát Tân Sơn Nhất nhờ check “Gears down and lock”. Sau khi đáp chúng tôi đếm những vết đạn và hú hồn! Cũng cần phải nói thêm là vào thời điểm này Không Quân VNCH chưa biết Việt Cộng có SA-7. Phải đến khi Trung tá Phi Đoàn Trưởng PĐ 425 bị bắn rơi cùng mấy sĩ quan Điều hành viên tháp tùng check out hành quân, Bộ Tư lệnh Không quân cho tạm ngưng thả dù tiếp tế cao độ 100m trên mặt đất. Đồng thời các phi cơ được trang bị Flares sau đuôi. Với độ nóng cực cao khi được phóng ra, hỏa tiễn tầm nhiệt bay chạm flares phát nổ, thay vì chui vào máy phi cơ.

Chàng phi công “đi không ai tìm xác rơi” cùng phi hành đoàn về đến tử sĩ đường Sư Đoàn 5 Không quân TSN. Tất cả đều nằm gọn trong những túi nylon nhỏ, nhẹ hẫng gồm thẻ bài, 5,7 khúc xương khô cháy nám, khẩu súng P38 và mảnh giấy vẽ vị trí nằm chết trên phòng lái phi cơ lâm nạn. Ôi! Cuộc đời qua nhanh và giản dị đến thế sao anh Tuấn? Cha Mẹ, em gái… sao anh không chịu nhớ! Người tình, tiếng hát… đôi tay lả lướt phiếm đàn… anh bỏ lại cho ai? Căn nhà cổ, khu vườn cây trái, con sông trước mặt… Còn nhớ không anh? Tủ kính gương soi đâu tìm thấy bóng? Cây đàn điện, cây guitar thùng vẫn treo trên vách chờ anh và mãi mãi lặng câm!  Tôi không muốn khóc mà nước mắt vẫn rơi! Tôi chợt nhớ bài thơ “CHẾT” của Thi sĩ George Herbert (1593- 1633) mà anh Tuấn phổ nhạc hồi còn đi học ở Vĩnh Long. Tôi rùng mình tự hỏi “hay anh Tuấn đã tiên liệu sự có mặt tài hoa ngắn ngủi của anh?” Những câu thơ như “Death, thou wast once an uncouth hideous thing. Nothing but bones. The sad effect of sadder groans: Thy mouth was open, but thou couldst not sing…… Flesh being turn to dust, and bones to sticks… Dry dust, which sheds no tears, but may extort. Therefore we can go die as sleep, and trust. Half that we have. Unto an honest faithful grave. Making our pillows either down, or dust.” Anh Tuấn ơi! Tôi sẽ đưa anh về quê Tam Bình với Ba Má, em gái anh. Chắc anh sẽ ngủ yên trên gối mộng sau nhà… either down or dust. Xin anh hãy bình yên nơi honest faithful grave… chim muông sẽ hát thay anh, gió lộng sẽ khảy đàn trên cành lá để ru anh ngủ và tin tưởng (as sleep… and trust) rằng chúng tôi còn giữ Lý Tưởng của chúng ta!

Anh Tuấn là con trai duy nhất trong gia đình dư giả. Ba Má muốn lo cho anh làm việc trong xã hay quận nhà nhưng anh không chịu. Anh muốn được như các bạn “thất phu hữu trách” cho thỏa chí tang bồng. Tang lễ của anh rất nổi đình nổi đám, có sự tham dự của các cấp chính quyền Quận và các xã. Quý Cô Thầy giáo và một số học trò cũng đến thắp hương tưởng niệm. Phần tôi, mặc dù mới đến nhà anh Tuấn có hai lần, nhưng thấy song thân anh xem tôi như con, em Mai Xuân nhận tôi làm anh kết nghĩa, nên tôi cũng cột một vòng khăn tang trắng trên đầu. Bé Xuân chỉ còn một mình tôi để trút hết lòng nhớ thương và những kỷ niệm với người anh. Đôi mắt lá nâu đã sưng mộng thành tím bầm tuyệt vọng rất tội nghiệp! Có lần chúng tôi ra bến sông, thấy đàn cò trắng đậu đầy trên những nhánh bần thủy liễu hai bên bờ. Tôi nói ”lũ cò cũng may áo trắng đưa tang anh Tuấn, hồi tối anh nghe giun dế khóc than thảm thiết đó em”.  Bé Xuân véo trên má tôi đau điếng và bảo “Anh đang làm thơ hả?”

Ba đêm ngủ lại trong căn nhà Anh Tuấn là một kỷ niệm khó phai. Bé Xuân rất cẩn thận, căng và tấn mùng, gối nằm, gối ôm… còn để thêm đèn pin, nước lọc phòng khi tôi cần ban đêm. Mỗi lần nàng khóc, đều tìm tôi để được dỗ dành, giải thích lý đạo, lẽ đời trong kiếp nhân sinh. Tôi cũng có cảm tưởng là khi thấy tôi, bé Xuân nhớ anh Tuấn nên mới khóc!? Đã ba lần nàng tựa nhờ bờ vai tôi để rơi nước mắt. Tôi cảm nhận được nỗi cô đơn của cô học trò mới lớn, con nhà vọng tộc trong một xã hội khá nghèo nàn. Nàng như loài chim quí ngơ ngác nhìn dã mộc, không muốn xa gia đình, lên tỉnh học… nên trước mặt sau lưng đều hiu hắt buồn tênh! Mai Xuân tiễn tôi đến bến xe chợ quận, nàng khóc đến chẳng nói được thành lời. Năm nay bé Xuân đã vào tuổi 15, những suy nghĩ của nàng như trưởng thành trước tuổi. Thân gái, đang là con một, nàng thấy những gian nan, trách nhiệm trên đôi vai, bàn tay còn yếu đuối…. Tôi thuộc khá nhiều thơ  trong “Truyện Kiều” nên cũng lo mệnh số “hồng nhan đa truân” và thầm cầu nguyện cho em được nhiều may mắn.

3-   

Tôi trở lại Sài gòn thăm Ba tôi đau nặng, sau 20 năm lang thang xứ người. Những hoạt động Lý Tưởng của anh Tuấn gửi lại, tôi chưa đạt kết quả hiệu nghiệm nào đáng kể. Một buổi tối tôi theo mấy chú em rể đi nghe nhạc ở nhà hàng Không Tên trên đường Hai Bà Trưng, Sài gòn. Trong phần nhạc phụ diễn mở đầu, tôi chăm chú nghe nàng ca sĩ dáng cao gầy, tóc thả dài, ngồi trên chiếc ghế cao, tự đánh đàn guitar vừa hát. Dáng điệu trình diễn khiến tôi nhớ đến Ca sĩ Mỹ Huyền (con gái gia đình Không Quân). Giọng hát Xuân Mai là một pha trộn giữa trong và đục, giữa thảnh thoát lời chim và tiếng gào sông núi, giữa tiếng sóng đại dương và thì thầm lời lá… Nàng dạo nhạc, nghiêng mái tóc thả dài bên ngực trái, nhìn vào khoảng không như đang tìm kỷ vãng: “After the lost of life and sense. The shells of fledge souls left behind. Dry dust, which sheds no tears, but may extort…” Tôi đứng bật dậy, mua một đóa hồng, đợi trước sân khấu… Chừng như tiếng hát, điệu đàn ngấm vào hồn tôi làm lạnh buốt sóng lung.  Tôi để rơi nước mắt hồi tưởng. Thôi đúng rồi! Xuân Mai chính là Mai Xuân, em gái anh Tuấn Tây lai, hát nhạc anh Tuấn phổ thơ George Herbert…. Chỉ thay tựa “Death” bằng “Khi người bỏ đi”…When you’re gone… Hai anh em tái ngộ mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe chuyện thăng trầm “nước mất nhà tan, gia đình ly tán, xã hội đảo điên”. Mai Xuân dùng cây đàn thùng của anh Tuấn và giọng ca quyến rũ của mình làm kế sinh nhai. Chính những mất mác lớn trong gia đình, những ruồng rẫy xã hội, hoàn cảnh khó khăn, những kỷ niệm không phai đã tạo linh hồn cho cây đàn thùng và tiếng hát u trầm của cô ca sĩ! Em cho tôi biết cách đây mười năm có chàng Việt kiều “anh hùng cứu mỹ nhân” về quê cưới nàng.  Hiện nàng có đứa con trai và ông xã vẫn đi đi về về… vì nàng không đành lòng bỏ Ba Mẹ đã già, đơn chiếc đang sống dưới quê để đi Mỹ theo chồng.

Trưa nay, nắng xuân tươi đẹp đang ghẹo hoa và phân phát lục diệp cho lá. Trời còn se lạnh nên én chưa kịp về. Bướm ong say sưa hút mật, chẳng thèm để ý đến loài người đang nhởn nhơ qua lại và những ngọn gió làm nghiêng chao lá cành. Nhóm bạn hữu chúng tôi vừa lo xong các tiệc Xuân cho hội Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc và Hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ, hẹn nhau ở quán Huế Nam Giao, trong khu thương mại Nha Trang, vùng Southwest Houston, vừa xem tranh của Họa sĩ Dương Phước Luyến, một thành viên Văn Bút, vừa thưởng thức các món đặc sản Đất Thần Kinh. Trong số các văn nghệ sĩ hiện diện, có nhà thơ nữ Songthy, chủ nhân nhà sách Phương My, nơi mà tất cả các buổi tổ chức thường gửi vé bán. Songthy tặng tôi một vé nghe nhạc thính phòng… Vô cùng ngạc nhiên, tôi gặp lại ca sĩ Xuân Mai, nàng là một trong số các ca sĩ trình diễn. Tiếng hát vút cao như tiếng sầu vạn cổ, tiếng hạc trong trăng. Đôi mắt màu lá nâu chan chứa nỗi buồn, có khi như quyến rũ tha thiết với cuộc đời, có khi như nhìn vào chân không vô tận, miễn nhiễm tình người. Cả thính đường im lặng, lòng tôi đang thổn thức, tìm về kỷ vãng. Những ngày còn đi học, lúc bay bổng và căn nhà trong Tân Sơn Nhất. Ý tưởng miên man quanh khung cảnh và những gì xảy ra ở nhà anh Tuấn năm nào. Có phải tất cả những người bỏ nước ra đi đều trở thành “con quốc quốc”? Tôi được biết Chồng nàng đã mất. Nàng đang sống với con và cuộc đời chưa định hướng tương lai… Bốn mùa pha lê hạt lệ, người thiếu phụ chưa kịp tỉnh táo để đón nhận niềm vui và hạnh phúc trên đời. Bến đời chưa yên thì giòng sông tình ái đã nghiêng chao trên sóng, thuyền định mệnh nổi trôi tha phương chưa tìm ra bến đợi.

Trên đường lái xe về nhà, tôi dừng lại bên bờ hồ. Mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn. Mấy con ngỗng trắng như thiên nga đang thả nổi tắm ánh đèn vàng vọt. Cỏ lá hoa trầm mình trong sương lạnh. Trăng khuya lưỡi liềm ai treo cheo leo trên thênh thang trời rộng. Dải ngân hà lấp lánh giòng sông quê tôi, giòng sông tuổi thơ Tiền Giang, sông cầu Cái Cá, sông Tam Bình của bé Mai Xuân…. Tất cả lung linh huyền ảo, những áng mây phiêu lãng tan họp vô thường… Tôi lau khô nước mắt, thả mọi ưu phiền theo ngọn gió vừa vô ý bay ngang… Chừng như có bàn tay mềm mại của ai đó chạm nhẹ, vừa mở cửa tim tôi, hỏi thăm về vùng trú ngụ vĩnh cửu cho một tình yêu mới hồi sinh… ”Tiếng hát dâu biển tìm nhau. Bay đâu cũng đau lồng ngực. Người về nâng niu quá khứ. Tim yêu nhỏ giọt máu đào”!

Phạm Tương Như
*Tên nhân vật chánh không có thật, nhân vật tôi không hẳn là tác giả.
Mùa đen 04/2016

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com