
- Sao cô lại thích đọc loại sách nầy? Ủy mị lắm.
Tôi khó chịu vì thái độ của anh ta nên xẵng giọng:
- Anh quen với tôi sao?
Anh ta trả lời rất tự nhiên:
- Chưa, nhưng sẽ quen mà. Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Thế Phương đang phục vụ cho binh chủng Nhảy Dù, mong được làm bạn với cô.
Phương giục:
- Sao rồi? Cô có chấp nhận lời tôi không?
Tôi nhìn anh dè dặt:
- Anh nói bạn là thế nào? Nếu anh đến đây nghe nhạc thường xuyên thì cũng coi như là bạn của tôi rồi mà.
- Không, tôi muốn nói là bạn riêng thôi.
Tôi thấy anh chàng nầy có vẻ sổ sàng quá nên nghiêm mặt lại:
- Xin lỗi anh, tôi chưa nghĩ đến điều đó, vì tôi chưa quen biết anh nên tôi không thể chấp nhận, mong anh hiểu cho.
Anh chàng vẫn lầm lì:
- Đêm nay tôi đưa cô về nhà nhé!
- Không được đâu anh, Ba tôi sẽ đến đón tôi.
Anh ta nhún vai nhìn tôi:
- Ông già giữ con gái kỹ thế.
Tiếng người nhạc sĩ điều khiển chương trình vọng vào:
- Bích Liên ơi, tới phiên cô rồi đó nghe.
Tôi từ giã anh lính:
- Xin phép anh, tôi phải ra sân khấu rồi.
- Hẹn gặp cô sau.
Tôi bước trở ra sân khấu với bản nhạc “Thuở Ấy Có Em”:
“…Thuở ấy có em anh chưa từng sầu. Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng. Hỡi em, em về đâu cho đời còn luôn nhớ nhau…”
Khi Ba tôi đến đón tôi, anh lặng lẽ nhìn theo không nói lời nào. Mấy đêm sau liên tiếp anh đều đến, đều tìm cách nói chuyện với tôi nhưng tôi cố giữ khoảng cách với anh vì tôi rất sợ mình sẽ yếu lòng, sẽ vướng vào tình yêu của lính, nhất là lính Nhảy Dù như anh.Tôi biết dù có lưu luyến, thương nhớ bao nhiêu rồi anh cũng ra đi, anh phiêu lưu trên khắp nẻo đường đất nước, khắp bốn vùng chiến thuật, bất cứ nơi nào khi chiến trường cần đến anh. Tôi phải tự thương lấy mình, thương cho thân phận của một người con gái sinh ra trong thời loạn.
Quả đúng như vậy, vào một ngày cuối tuần anh đến từ giã tôi để trở về đơn vị. Kỳ đi phép về thăm ông ngoại nầy đối với anh rất thú vị, rất vui. Tôi cũng có chút ngậm ngùi, lưu luyến vì những ngày qua anh thường nói chuyện với tôi, tôi cũng được hiểu về anh đôi chút.
Con chim xanh đã trở lại núi rừng, người đã xa rồi tôi cũng không còn gì vương vấn. Những đêm sau giờ đi hát, trên đường về tôi chợt nhận ra mình cô đơn quá, thiếu người san sẻ những ưu tư, lo lắng trong cuộc sống. Đêm bỗng buồn lê thê như những bài tình ca dang dở, và tôi trở lại với nếp sống hằng ngày tẻ nhạt.
Có một ngày chị Phượng khoe với tôi:
- Để hôm nào bạn trai của chị từ chiến trường trở về chị sẽ giới thiệu cho em biết mặt nhé!
Tôi chọc chị:
- Bạn trai thường hay là người yêu? Chị đừng giấu em, khai thật đi em sẽ ủng hộ hết mình.
Chị lườm tôi:
- Cái con nhỏ nầy. Ừ, thì… là người yêu. Em đã lớn chắc cũng có chàng nào trong tim rồi phải không?
Tôi giơ tay lên trời:
- Em xin thề, chưa có chàng nào cả.
- Vậy để chị nói với chàng giới thiệu cho em một người nhé? Bạn của ảnh đông lắm, lính Nhảy Dù, Thiên Thần Mũ Đỏ em chịu không?
Tôi cười:
- Chà, ca ngợi binh chủng của chàng như vậy chắc là chị “đậm” với người ta lắm rồi, cầu mong cho chị gặp người tốt. Ngày trước em cũng có quen sơ sơ với một anh nhưng… chẳng tới đâu cả.
Hai chị em chúng tôi huyên thuyên tâm sự. Chị Phượng luôn nhắc đến người yêu: một Trung Úy trẻ, đẹp trai, oai dũng, can trường trên trận địa… Chị đã gặp anh ta năm trước khi đi làm dâu phụ cho một người bạn lấy chồng là một sĩ quan Nhảy Dù.
Hai tuần sau đó chị vui vẻ báo cho tôi biết người yêu của chị đã về phép, nhà anh ở cư xá Đô Thành nhưng anh hẹn gặp chị ở phòng trà Mỹ Phụng. Chị Phượng bảo tôi đi cùng, tôi từ chối vì không muốn làm “kỳ đà cản mũi” cho hai người nhưng chị nói:
- Anh Tùng có một người bạn đi chung, có em trò chuyện cùng anh ấy thì chị và Tùng sẽ được nhiều thời giờ tâm sự hơn.
- Thì ra chị cần em “đỡ đạn” cho chị.
- Được rồi, tùy em nghĩ. Em chịu đi chứ?
- Dạ, cũng được thôi.
- Anh không mang kính đen là Tùng của chị đó.
Tôi nhìn theo tay chị, anh chàng cao ráo, phong độ làm sao. Hèn nào chị hết lời ca tụng chàng. Còn anh kia thật… đặc biệt, trời đã tắt nắng rồi mà còn mang cặp kính râm to tướng, chiếm cả gần 1/4 khuôn mặt.
Khi chúng tôi đến trước mặt, anh Tùng chào hỏi và giới thiệu thì anh chàng kia cũng vừa gỡ cặp kính râm ra, tôi bỗng giật mình lùi lại miệng lắp bắp:
- Anh là… Thế Phương phải không?
Anh chàng cũng vừa nhận ra tôi:
- Ồ! Cô Bích Liên ở Cần Thơ chứ gì! Mấy năm rồi mà Liên không thay đổi lắm, còn tôi…
- Tôi nhận được anh chứng tỏ anh cũng không già thêm đâu.
- Hay quá, không ngờ là người quen xưa.
- Gặp lại Bích Liên tôi mừng lắm. Bích Liên vẫn còn đi học chứ? Có còn đi hát thêm vào buổi tối không?
- Dạ, Liên không còn đi hát nữa để dành thì giờ học hành vì Liên đang học Đại Học Sư Phạm. Anh Phương có gì vui không? Trông anh già dặn và buồn hơn trước.
- Liên nói đúng, tôi đang buồn vì người yêu vừa đi lấy chồng. Ngày trước khi tôi muốn làm bạn với Liên thì Liên lạnh nhạt hờ hững, tôi cũng không có dịp để bồi dưỡng tình cảm thêm với Liên. Sau đó tôi quen một người con gái khác ở Sàigòn và chúng tôi yêu nhau được hơn một năm rồi. Nàng học trường Régina Pacis, con nhà giàu, có lẽ vì vậy mà gia đình nàng chê lính như tôi nên cuối cùng thì tôi đành hát bài “Sayonara” để tiễn nàng về chốn cao sang. Giờ tôi chỉ còn tìm vui với máu lửa sa trường thôi.
- Xin lỗi anh, ngày đó không phải Liên chê anh mà vì Liên còn nhỏ, còn bổn phận với gia đình. Hơn nữa Liên sợ làm người yêu của lính, lính cứ đi biền biệt, liệu mình có giữ nổi không? Nhưng bây giờ nhìn lại thấy chung quanh toàn là lính, bạn bè ai cũng có người yêu là lính cả nên Liên cũng… bớt sợ rồi.
Phương cười có chút giễu cợt:
- Thế bây giờ Liên có dám làm người yêu của lính không?
Biết Phương chọc mình tôi cúi đầu lí nhí:
- Cũng phải xem là ai, có hợp tánh tình với mình không chứ anh.
Phương gật gù:
- Câu trả lời thật khôn ngoan. Liên à, mình có thể làm bạn không? Tôi chưa dám nói tới chuyện xa xôi, chỉ làm bạn bình thường để an ủi, chia xẻ vui buồn với nhau thôi.
- Được chứ anh. Chúng mình chả là bạn từ ngày trước rồi sao?
- Ừ nhỉ, Liên đã xem tôi là bạn rồi mà. Liên à, tôi có thể gọi Liên bằng “em” được không, Liên nhỏ tuổi hơn Phương nhiều.
- Dạ, cũng được. Coi như anh là anh trai của Liên vậy.
Phương nheo mắt:
- Cô nầy gớm thật, định gài anh vào thế kẹt phải không? Anh không sợ đâu, lính Nhảy Dù thứ thiệt đó nha!
Cả hai chúng tôi cùng cười lớn. Chị Phượng và anh Tùng nhìn sang ngạc nhiên vì sự thân mật của chúng tôi. Từ trên sân khấu giọng một người nam ca sĩ thật ngọt ngào, trầm ấm, nồng nàn với bản “Love Story”.
The sweet Love Story, that is older than the sea….
….. There’d never been another love, another time.
She came into my life and made the living fine.
She fills my heart, she fills my heart.
With very special things, with angel songs, with wild imaginings, she fills my soul, with so much love…”
Phương nhìn vào mắt tôi và nói nhỏ “you fill my heart”. Tôi quay mặt chỗ khác:
- Cái anh nầy, giỡn hoài.
Khi tôi được xuất viện trở về nhà tôi đã bỏ dở học hành, trốn tránh bạn bè và cả Phương nữa, tôi sẽ không bao giờ cho anh gặp mặt. Sau một thời gian dài không được thư tôi, Phương đã hiểu lầm là tôi phụ bạc nên anh giận dữ viết cho thư tôi bằng những lời trách móc nặng nề. Tôi tan nát cõi lòng, đầm đìa nước mắt để vĩnh biệt một cuộc tình đẹp như mơ.
Sáu tháng sau tôi được chị Phượng báo tin, anh Tùng cho biết là Phương đã cưới vợ, một người mà anh Tùng bảo rằng Phương chưa hề quen biết, đó là con gái của người bạn mẹ Phương. Thế là hết, là mãi mãi chia phôi, là trọn đời xa cách, là muôn thuở nhớ nhung, kiếp người bạc mệnh, bất hạnh như tôi số trời đã định còn biết sao hơn? Em chúc anh hạnh phúc bên người tình mới Phương ơi! Em chưa bao giờ phụ anh. Nhiều đêm thức trắng bên chồng thư cũ, bên những tấm ảnh của người yêu tôi nghe một nỗi tái tê dâng ngập tâm hồn. Thuở ấy mình bên nhau cùng xây bao mộng ước, cùng hướng về một tương lai tươi sáng. Nhưng giờ đây trong bóng đêm lệ em tuôn chảy âm thầm anh nào hay biết. Tất cả đã xa rồi phải không anh? Em nhớ làm sao thuở ấy, thuở anh còn ngồi hằng đêm trong quán nhạc để nghe em hát:
“…Từ lúc vắng anh nên em thường buồn. Hay lang thang ngoài đường nhỏ không tên, hay ghi câu nhạc tình héo hắt với tâm tư sầu đau kể từ ngày xa cách nhau…”
Rồi thời gian cứ lạnh lùng trôi, tôi vẫn theo dõi bước chân anh trên vạn nẻo đường sương gió. Anh oai hùng, anh chiến thắng, danh vọng, tên tuổi anh càng sáng chói… còn tôi lu mờ trong bóng tối âm u.
Đến ngày tang thương mất nước, tôi theo người cậu di tản sang Mỹ. Tôi muốn trốn chạy những người thân quen, trốn chạy nơi đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm để lòng vơi bớt não nề băng giá. Nơi đây tôi may mắn được quen với ông Anthony Saleno một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ gốc người Italy, ông đã giúp đỡ chữa trị khuôn mặt của tôi. Sau cuộc giải phẩẫu, tôi rất ngạc nhiên và sung sướng: mặt tôi đã trở lại gần như bình thường. Tôi vui mừng viết thư báo tin cho Ba Mẹ biết để các người yên tâm, bớt đau khổ vì tôi. Nhưng có những chiều lái xe từ sở về nhà, nhìn con đường trước mặt chạy dài hun hút, nhìn dãy Big Bear Mt. mờ mờ ẩn hiện dưới chân mây, hoặc những lần lang thang một mình bên bờ Redondo Beach tôi bỗng thấy lòng nhớ anh da diết. Chính tôi đã hủy hoại tình yêu mình, chính tôi đã xô đẩy anh đến với người khác, giờ đây mọi việc đã lỡ làng, đã muộn màng làm sao tìm kiếm lại những ngày xa xưa ấy? Nước mắt tôi cứ mãi tuôn rơi trong những đêm sầu trăn trở, tôi đã sống với những ngày tháng buồn tênh và những kỷ niệm ngập tràn nhung nhớ.
- Anh Phương có còn nhận ra tôi không?
Phương nhìn tôi, mở to đôi mắt, miệng lắp bắp:
- Trời ơi! Lẽ nào tôi nằm mơ? Bích Liên đây sao? Có thật là em không?
- Anh vẫn còn nhớ tới Liên sao? Liên cứ tưởng thời gian đã làm nhạt nhòa hình bóng Liên trong anh rồi. À, sao anh lại có mặt ở đây? Anh là dân Nhảy Dù mà, đâu phải là đệ tử của ông Tướng Nam?
- Anh theo một người bạn đến thắp nhang cho ông Tướng, người mà anh rất ngưỡng mộ. Thôi chúng ta ra ngoài kia nói chuyện tiện hơn, anh có biết bao điều muốn nói với em.
Chúng tôi ra ngồi ở một băng ghế sau nhà và đã cùng nhau trút cạn nỗi niềm tâm sự. Phương cho tôi biết là sau khi tưởng tôi phụ bạc anh, anh tức giận muốn trả thù tôi nên đã cưới vợ.
- Anh đi biền biệt suốt tháng quanh năm nên người vợ chưa từng thương yêu của anh cũng chán nản bỏ anh theo người khác. Có lần anh được anh Tùng kể rõ hoàn cảnh em cho anh nghe, anh đã hối hận và viết cho em rất nhiều thư nhưng không có sự hồi âm nào (lúc đó tôi đã dời chỗ ở). Rồi trước biến cuộc 30 tháng 4- 1975 xảy ra vài ngày, anh từ Đà Nẵng chạy về tới Nha Trang gặp một người bạn là thuyền trưởng Hải Quân đang chuẩn bị di tản, anh đã ở lại và cùng đi với các anh em Hải Quân đó. Khi đến Hoa Kỳ anh ở miền Bắc Mỹ mấy năm, sau đó anh tìm cách về California sinh sống và hy vọng gặp người quen để biết tin tức về em vì ở Cali có nhiều người Việt Nam. Anh được biết tin Tùng đã chết trong tù, còn chị Phượng thì vì quá nhớ thương chồng và nhiều gian khổ nên cũng đi theo Tùng sau một cơn bịnh nan y. Anh vẫn chờ em, vẫn luôn cầu mong có ngày gặp lại em, không ngờ chúng ta ở cùng trong một thành phố mà trời cao thật trớ trêu. Thời gian dài đăng đẳng không có tin tức gì về em cả, anh đã tuyệt vọng. Vì cần người nương tựa nhau để sống cho qua những ngày tháng buồn nơi xứ người nên hai năm trước đây anh đã kết hôn với một phụ nữ cùng làm chung sở. Anh không yêu cô ta nhiều nhưng nàng cũng là một người vợ hiền. Bây giờ gặp lại em anh hối hận sao mình quá hấp tấp…
Tôi ngắt lời anh:
- Thôi anh đừng nói nữa. Em biết đời em vô duyên, bất hạnh không dám mơ ước cùng anh chung bóng chung đôi.
Lòng tôi chợt thấy xót xa, cay đắng và đau đớn vô cùng. Bao nhiêu năm chờ đợi trong mỏi mòn tuyệt vọng, dù biết rằng chuyện tái hợp với người xưa không thể nào có nhưng khi nghe anh đã có người đàn bà khác tim tôi quặn thắt, tái tê.
Phương hỏi tôi:
- Anh nghe Tùng nói em bị tai nạn … anh thấy em đâu có gì khác lạ? Sự thật là thế nào?
- Anh còn tìm hiểu làm chi khi chúng ta đã không về cùng chung hướng đường. Đời đã chia hai lối rẽ, coi như một giấc mơ, tỉnh mộng rồi sẽ không còn gì tất cả.
- Em giận anh phải không? Sao không kể lại chuyện ngày đó cho anh nghe?
- Đúng thế! Em giận lắm. Anh đâu hiểu được cũng vì lặn lội đi thăm anh, em mới bị tai nạn. Anh đâu hiểu được những nỗi đắng cay, đau khổ, tuyệt vọng mà em âm thầm chịu đựng, em cô đơn trong suốt cuộc hành trình dài đăng đẳng. Em vẫn cầu mong được gặp lại anh, vẫn chờ, vẫn đợi… nhưng tất cả chỉ là bọt biển, và một cơn sóng lớn vô tình, tàn nhẫn đã vùi dập chúng không chút luyến thương…
Tôi cảm thấy thật tủi thân, bỗng dưng tôi oà khóc và ôm mặt chạy ra đường. Phương hốt hoảng chạy theo hết lời năn nỉ. Tôi không màng đến anh nữa, không cần nghe anh nói gì hết, tôi lên xe đóng mạnh cửa và gục xuống tay lái. Tôi cứ mặc cho nước mắt tuôn rơi, mặc cho con tim rên rỉ, đớn đau. Tôi hận anh, tôi oán hờn anh, tôi trách anh là kẻ bội tình, đã hai lần bóp chết trái tim vô tội đáng thương của tôi. Cả tuổi xuân của tôi vì ai mà phôi phai tàn tạ, vì ai mà tôi lưu lạc tha phương xa cha nhớ mẹ? Vì tình yêu khờ khạo của tôi thôi.
Tôi ngẩng đầu lên, lau khô nước mắt. Phương vẫn đứng bên ngoài xe miệng lẩm bẩm gì đó tôi không nghe. Tôi nổ máy cho xe chạy… hình như anh muốn chạy theo nhưng xe tôi đã rẽ qua con đường khác, một con đường rưng rưng buồn với hai hàng phượng tím giăng giăng. Hết rồi, một cuộc tình đã đi qua không bao giờ trở lại, có chăng là nước mắt và thương đau. Thôi, người ơi xin giã từ, bây giờ và mãi về sau trong tim tôi chỉ còn một Trần Thế Phương của ngày xưa thân ái, của hương xưa tình cũ. Nhưng Thế Phương đó đã chết rồi, chết trong ngày đất nước tan hoang, sụp đổ, và mối tình si của tôi cũng đã theo người thiên cổ…
Từ ngày đó tôi không bao giờ gặp lại Phương nữa. Chiều nay đứng nhìn cơn mưa ngoài trời dai dẳng, lê thê không dứt, tôi bỗng thở dài. Ngoài kia những chiếc lá vàng đang bay lả tả sau một cơn gió mạnh vừa thổi qua, không gian vẫn một màu xám ngắt… Tôi bước tới giàn máy hát đưa tay mở nhạc, những lời hát sao thật buồn như cuộc tình của tôi:
“Chuyện tình mười mấy năm qua, nay bỗng xót xa, những khi sầu giăng. Còn đâu ngày quen biết nhau, đã yêu anh rồi, yêu cả cuộc đời.
Khi anh đã phụ lòng em… đã phụ lòng em, đau thương anh để lại, xót xa vô vàn, chỉ là bội ước những lời hẹn thề mà lòng tái tê…” (Tình Phụ)
Vi Vân