User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

"Thôi, nhắc nhở mà làm gì. Tôi chỉ là một kẻ đứng bên lề trong một cuộc đổi thay dâu bể, đang xảy ra nơi miền đất thân yêu. Gởi về xóm cũ quê xưa, có chăng chỉ là nỗi ngậm ngùi." (1)

Bên kia con kinh Măng Thít của làng Tường Lộc quận Tam Bình, đối diện với nhà cô dượng Năm tôi là một cù lao lớn, cây cối rậm rạp nhà cửa khang trang được gọi là cù lao Lưu. Có lẽ dòng họ Lưu là một dòng họ lớn, thế gia chi tộc, nổi tiếng lâu đời trong làng, đã lập nghiệp sinh sống trên cù lao từ thuở xa xưa khi mới lập quốc, nên danh từ ấy còn lại đến ngày nay.

tambinh

Lúc tôi còn nhỏ thì người cô Út của gia đình cũng xuống thuyền hoa để về nhà chồng, bên cù lao Lưu. Dượng Út cũng dòng họ Lưu, là một thanh niên trang nhã, gia đình vọng tộc, đã đỗ bằng Thành Chung và đang làm giáo viên ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Thời ấy, đỗ bằng Thành Chung là một vinh dự hiếm có trong làng, và lại là nhà mô phạm thì nhất định bà nội tôi chấm đậu trúng tuyển. Gia đình tôi là một gia đình gia giáo, cô Út tôi được gửi lên tận Sài Gòn để học trường Thương mãi và cũng là một thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng trong làng. Cả hai họ đều cho là một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Sau này tôi mới nghe được một bà cô già nói rõ là có đến hai thầy giáo trẻ tuổi, đều thuộc dòng họ thế gia đến xin hỏi cưới cô tôi. Nội tôi phân vân, không biết phải lựa chọn làm sao? Là một Phật tử thuần thành, ăn chay trường, tu tại gia, nội chỉ còn nước thắp nhang lạy trước bàn thờ Phật Tổ, đánh một hồi chuông và lâm râm khấn vái xin Đức Phật từ bi quyết định giùm cho nội tôi. Tên của hai thí sinh được viết vào hai mảnh giấy, xếp lại bỏ vào quả chuông và nội thò tay bốc một thăm. Ông dượng họ Lưu may mắn của tôi được chộp trúng! Vậy là cô dượng tôi đã có duyên với nhau từ kiếp trước.

Phần tôi đang học lớp Nhì trường quận nên rất thích các thầy giáo trẻ tuổi. Thật ra thâm tâm tôi cũng thấy một mối buồn vu vơ vì từ đây lại vắng bóng thêm một người cô nhỏ đã từng sống bên cạnh anh em chúng tôi. Tuy nhiên vốn tính vô tư của tuổi trẻ, tôi cũng quên đi nhanh chóng nỗi buồn ấy và tận hưởng những ngày vui của gia tộc. Vả lại xá gì cái con kinh Măng Thít quen thuộc, đâu phải là một chướng ngại đối với tôi nên mỗi khi cao hứng tôi lại lội ngang qua kinh đi vào cù lao Lưu thăm cô dượng tôi. Tôi vốn là một thằng bé lém lỉnh, háu ăn nhưng được cái là rất lễ phép. Mỗi khi đến đâu đều thưa bà con người lớn một cách trịnh trọng. Bên nhà dượng tôi, từ ông Bác đến các Chú thím đều thương và hay giữ tôi lại để ăn cơm vui vẻ trong gia đình. Người anh của ông dượng rất giỏi chài lưới, nên gia đình ăn uống sung túc trong bối cảnh đồng quê rẫy bái. Mỗi lần đi chài về, cá trắng cá đen tôm càng tép lóng đầy rẫy khoang xuồng, thừa đủ cho gia đình dùng, chưa kể đến cái ao cá vồ phiá sau nhà và vườn rau đậu ở bên hông. Những con cá vồ to lớn béo ục, chỉ nuôi bằng cơm cám nên bụng đầy mỡ trắng. Đem nấu canh chua bạc hà rau om hay chiên vàng dầm nước mắm tỏi ớt thì ngon tuyệt, không chỗ nào chê được, nhứt là đối với một thằng bé háu ăn bụi đời như tôi, ít khi có dịp may được đớp một bữa cá vồ.

Dượng tôi còn có một người em út, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nên hai đứa rất là tương đắc. Anh ấy thường dẫn tôi đi bắn chim dọc theo bờ kinh hay vào sâu trong những khu vườn kế cận, cây cối um tùm rậm rạp. Mỗi buổi đi bắn chim đối với tôi chẳng khác nào những cuộc thám hiểm hoang dại. Tôi xách túi đạn đất, vai mang bị đựng chim. Anh T. đi trước, chúng tôi lặng lẽ rình mò xuyên qua các cây cối chằng chịt trong khu vườn hoang. Kìa một con chim chìa-vôi đang phùng xoè cặp cánh, cái đuôi vẫy vẫy, nhún lên nhún xuống, vừa kêu líu lo inh ỏi. Anh T. tra đạn vào giàn thun, kéo dây thun thẳng về phía sau, ngắm kỹ rồi buông vút. Rẹt... con chim trúng đạn lảo đảo rơi bịch xuống mặt đất. Tôi khoái chí chạy đâm bổ tới để lượm con mồi đang giẫy chết, còn nóng hổi trên tay. Tôi vui vẻ đưa con chim cho anh T. xem rồi bỏ gọn vào túi dết.

BanChim 01

Cuộc săn bắn hào hứng lại tiếp diễn. Anh T. quả là một tay thiện xạ ít khi bắn trật. Nhiều con trao-trảo tham ăn trái trứng cá hay những con thằng-chài xanh biếc mỏ đỏ đang thu mình rình cá trên những cọc tre cạnh bờ ao đều chịu chung số phận hẩm hiu dưới viên đạn thần tốc của anh. Vài con chim sâu vàng nhạt đang tí tách chuyền trên cành sung, nghiêng qua nghiêng lại để kiếm sâu, hay mấy chú chích-choè, lúc nào cũng kêu chít chít, hai cánh xoè ra khép lại liên hồi như muá quạt, cũng lần lượt chui vào chiếc túi dết của tôi. Có lần đi gần đến bờ kinh, anh T. bỗng ra dấu cho tôi dừng lại và chỉ cho tôi về phiá xa. Trên một cành bần de ra mặt kinh, một con bìm bịp mầu nâu đỏ, đuôi dài lớn hơn một con bồ câu, đang chễm chệ rình cá. Sau một phút do dự, anh T. cho tay vào túi lấy ra một viên bi tròn bằng đá xanh mà anh đã gia công mài nhẵn nhụi. Tra đạn vào quai da, anh từ từ kéo thẳng dây thung về phiá sau, ngắm nghía cẩn thận và buông vút. Viên đạn lao đi như xé gió. Trong một tích tắc con chim lớn xoè cặp cánh ra, tưởng chừng nó bay vọt đi, nhưng có lẽ vì trúng đòn nặng nên lảo đảo rồi cuối cùng rớt thẳng xuống đám ô-rô. Tôi khoái chí hét to lên và chạy bay xuống bờ kinh, đạp nhầu lên đám ô-rô bất kể gai góc để sau cùng xách con chim to lớn lên mà có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi mới hạ được.

Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy ân hận vô cùng và hối tiếc đã gây ra sự chết chóc cho những con chim bé nhỏ vô tội ấy. Có lẽ vì tôi đã sống, đã biết thế nào là sự đau khổ ray rứt khi mất đi một người mình thương yêu. Nhưng vào thời ấy, ở tuổi trẻ vô tư, chưa phân biệt thiện ác, tôi làm gì biết tôn trọng sự sống của các sinh vật bé nhỏ nên đã vô tình xem các loài chim đáng thương ấy như những con mồi hay những chiến lợi phẩm không một mảy may ân hận.

Ông Bác, ba của dượng tôi là một nhà chí sĩ, giỏi võ, đã từng hưởng ứng phong trào Đông Du, du học ở Nhật theo cụ Phan Bội Châu lúc còn trai trẻ mong lật đổ chế độ thực dân, phục hồi đất nước cho nhà Nguyễn. Nhưng việc bất thành, ông đành chọn lấy cuộc sống ẩn dật nơi làng quê hẻo lánh. Thỉnh thoảng ông lại dạy cho đám con cháu trong nhà những đường roi gia truyền để giữ lấy nghiệp nhà. Đôi khi tôi cũng được may mắn dự phần vào một buổi tập võ, nhưng có lẽ tôi không phải là một Dương Qua của Kim Dung tiên sinh trong bộ Thần Điêu Đại Hiệp nên không thâu thập nổi môn "Đả Cẩu Bổn Pháp" nầy. Mỗi lần có dịp đập lộn với bọn trẻ là tôi chuyên môn đánh võ rừng, miếng nào xài cũng được kể cả miếng "Cẩu Xường" (2), miễn đối phương bị hạ là được rồi !

Cái mà tôi thích nhất ở nhà ông Bác là một hòn non bộ khá lớn, nằm chễm chệ giữa một cái bể nước xây bằng xi-măng. Thật là cả một công trình nghệ thuật, một thế giới thần tiên thu gọn lại trong một ngọn giả sơn, nói lên cái lối sống ung dung tiêu sái không màng lợi danh của người xưa. Nước chảy róc rách, tùng bá sum sê, trúc mọc san sát. Nơi kia hai Tiên ông đang đánh cờ trên bàn thạch, cậu tiểu đồng mang bầu rượu đứng hầu bên. Nơi nọ khe thẳm rêu xanh bao phủ, vài con vượn núi đang lủng lẳng trên cành thông. Dưới khe nước mấy con cá lý ngư vàng cháy, đuôi đỏ vẫy phướng xum xuê, lững lờ bơi lội. Bên bờ suối, một ngư ông ngồi trầm lặng thả câu. Một cái hang thẳm với con mãnh hổ vằn vện đang cúi đầu liếm nước trong khe. Đằng kia vài con hươu nai thơ thẩn dưới rặng thông reo. Từ đỉnh núi nhô ra một ngôi thiền viện với chiếc mái cong nhọn, rêu phủ xanh lè. Trên đường xuống núi một tiều phu lủng lẳng quảy gánh củi về nhà. Xa xa vài mái nhà tranh ẩn hiện dựa lưng vào vách núi. Tôi đã để ra hàng giờ đứng trầm ngâm nhìn không biết chán ngọn giả sơn nầy, cứ tưởng tượng như mình đang lạc vào một thế giới thần tiên, nước biếc non xanh trường sinh bất tử. Tôi cũng giống như Từ Thức ngày xưa đi lạc vào suối Đào Nguyên và tự hỏi năm trăm năm về trước tôi đã ở động phủ nào?

"Đi, đi đâu, năm trăm năm trước, nước biếc non xanh, ở chỗ nào?
Ở, ở ngoài cõi thế gian ba ngàn, hoa đào nước chảy, lại đi đâu?" (3)

Dượng tôi đúng là một nhà giáo nên trong nhà có một tủ sách lớn. Từ những cuốn sách xưa, đến những cuốn tiểu thuyết mới, cho tới những sách nhi đồng nho nhỏ, hợp thành một kho tàng văn chương quí giá. Ông dượng đã có công góp nhặt từ lúc còn đi học và chắt chiu giữ gìn tủ sách như một bảo vật. Tôi đã được ông dượng truyền lại cho cái thú ham đọc sách, say mê xem sách gần như cái ăn cái ngủ của mình. Lần nào qua nhà cô dượng, tôi cũng xin dượng cho phép vào đọc sách nơi căn nhà giữa yên tĩnh, day mặt ra phiá khu vườn mát mẻ thoải mái, chỉ lâu lâu mới có vài tiếng tắc kè.. tắc kè.. vang lên từ mái nhà. Tôi say mê tìm đọc những truyện hào hứng, nào là: Dế Mèn Phiêu Lưu Ký (Tô Hoài), Con Chim Gi, Cây Đèn Thần, Nghìn Mẻ Một Đêm (Hoàng Cầm phiên dịch), v.v. Rồi đến các nhóm Tự LựcVăn Đoàn, Tân Dân, đã ảnh hưởng sâu đậm vào tâm hồn tôi nhiều nhất. Người Anh Cả (Lê Văn Trương), Gánh Hàng Hoa (Nhất Linh – Khái Hưng), Anh Phải Sống (Nhất Linh – Khái Hưng), Nửa Chừng Xuân (Khái Hưng), Thoát Ly (Khái Hưng) và nhất là Trường Đời (Lê Văn Trương)... lần lượt đi vào đời tôi không biết từ lúc nào nhưng đã để lại dấu vết sâu đậm trong suốt khoảng đời niên thiếu của tôi.

docsach

Nhiều bộ sách bất hủ đã đánh dấu từng giai đoạn của tuổi hoa niên. Tôi quả thật may mắn đã được ông dượng khai phóng cho từ lúc nhỏ nên khi lớn lên, có được tí tiền còm nào là vác đi ra tiệm sách mua những cuốn sách đẹp truyện hay. Có lẽ nhờ đó mà lòng tôi dễ rung cảm, thích món ăn tinh thần, dào dạt tình cảm trước một đoạn văn hay, một bài thơ mơ mộng. Tôi vẫn thường khề khà bảo các con tôi là trong nhà mà không có một tủ sách là thiếu vắng cái tinh túy của con người, cái tinh hoa của dân tộc, cái văn hoá của ông cha để lại. Tôi đã cố gắng truyền lại cái thú say mê đọc sách cho hai đứa con, mỗi đứa đều có tủ sách riêng. Đối với đứa con gái nhỏ duy nhất của tôi thì đã bao lần tôi vào tiệm sách tìm mua cho nó những cuốn Hoa Tím, Hoa Xanh trong loại sách Tuổi Hoa, dần dần theo sự trưởng thành của nó. Nhà tôi ở trước kia trong khu làng Đại Học Thủ Đức, đã có đến vài trăm quyển sách đủ loại do tôi góp nhặt từ lúc còn trẻ tuổi và trong suốt quãng đời nhà giáo của tôi. Nhiều quyển tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, vẫn thấy cái hay của nó, càng hiểu thêm cái thâm thúy ẩn ý mà tác giả đã gói trọn trong tác phẩm của mình. Đã có lúc tôi là một con sâu "chưởng" của Kim Dung tiên sinh, cứ tưởng như mình đang sống thanh thản trong khung cảnh tuyệt đẹp của "Mạn Đà Sơn Trang" hay đang "Tiếu Ngạo Giang Hồ" bất chấp mọi hình thức của một "Lệnh Hồ Công Tử". Rồi Quê Ngoại của Hồ Dzếnh đã đưa tôi trở về quê ngoại của tuổi thơ, rung cảm trước lời thơ chân thành tuyệt đẹp:

"Ta nhớ màu quê, khát gió quê,
Mây ơi dừng cánh đợi ta về
Cho ta trông lại từng xanh thẳm
Ngâm lại bài thơ Phương Thảo Thê." (4)

Tôi rón rén nhẹ nhàng đặt bước chân vào vườn Thơ từ Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính, Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử, những bài thơ nổi tiếng thời tiền chiến, dần dần đến Đường Thi Tuyển Dịch... Các bản dịch bất hủ của Tản Đà, Trần Trọng Kim, Vũ Hoàng Chương, Trần Trọng San, đã đưa đưa tôi vào thế giới kỳ ảo của Thi Văn, lòng cảm thấy bồi hồi rung động trước những vần thơ tuyệt diệu.

Cơn bão lốc cộng sản đã tàn phá cái kho tàng văn chương ấy. Làng Đại Học Thủ Đức bị thu chiếm độc đoán, các giáo sư bị đuổi đi trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ để nhường chỗ cho cán bộ cao cấp cộng sản. Tôi cố mang đi tất cả tủ sách, đành bỏ lại một số bàn ghế tủ đứng, vật dụng kềnh càng. Nhưng rồi thì phần lớn các sách ở miền Nam đều được gán cho danh từ "sách ngụy", "đồi trụy" cấm tàng trữ trong nhà và phải chịu tịch thu. Thế vào đấy, dân chúng "được" xem những cuốn sách giáo điều của chủ nghĩa cộng sản xuất bản từ Hà Nội. Ngày xưa, Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết học trò, thì ngày nay chánh sách của cộng sản đối với văn chương miền Nam nước Việt cũng tàn độc không kém gì.

Trước khi bỏ xứ ra đi, tôi đã bùi ngùi nhìn lại lần chót một số nhỏ sách quí mà tôi đã cố giữ lại. Đành vậy, vì muốn tìm lại một cuộc sống tự do dù cho phải tha phương cầu thực ở xứ người, tôi phải đau lòng đứt ruột giã từ các quyển sách cũ của tôi, giã từ cái làng Tường Lộc nhỏ bé, cù lao Lưu thời thơ ấu, con kinh Măng Thít vẫn lững lờ chảy xuôi, giã từ quê mẹ xa xôi nơi chốn đồng quê tịch mịch.

Hà Ngọc Bích (Paris)

Chú thích:
(1) Trích "Xóm Xưa" của nhà văn nữ Hoàng Dung;
(2) "Cẩu Xường" = Chó cắn. Nếu túng quá đành phải lấy răng cắn vậy!
(3) Giai thoại Cao Bá Quát;
(4) Trích "Tư Hương", tập thơ Quê Ngoại của Hồ Dzếnh, nhà xuất bản Lá Bối

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com