User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Lâu nay tôi viết, nào là con cá, con cu đất, con trùn... các bạn tôi được dịp chế nhạo, nghĩ là tôi bắt đầu lẩm-ca-lẩm-cẩm. Có lẽ bạn bè, độc giả tự hỏi rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra. Và bây giờ tôi lại viết về “Con Chó... Của Con Tôi”. Càng lớn tuổi càng lần đến ranh giới cuộc đời, con người mới cảm nhận được sự vật quanh mình có những nét đặc thù, mà cả đời không hề để ý. Như sự sống của muôn loài trong vũ trụ, có cả chúng ta, bắt đầu từ những tinh thể nhỏ, nhỏ lắm, mắt thường không trông thấy. Thế rồi được kết tạo, tăng trưởng từ hình hài vóc dáng đến cách suy tư, và cuối cùng trở thành tro bụi “Earth to earth, Ashes to ashes, Dust to dust” theo quy luật của tạo hóa.
Chó là con vật rất quen thuộc với cuộc sống con người, nếu không viết thì thật là điều thiếu sót.

conchoH

Thuở nhỏ ở thôn quê nhà tôi có nuôi hai con chó, con tên Một và con kia tên Mực. Con Một chỉ có một mắt vì lúc nhỏ đi vào ruộng bị rắn nước mổ hư một con mắt. Trước đó nó có tên vì lông trắng, nhưng sau khi còn một mắt thì đổi thành Một. Còn con kia tên Mực vì lông đen có đốm vàng trên mắt và bốn chân. Lưỡi Mực có nhiều đốm đen, theo nghe kể thì nó sẽ không hề hấn gì nếu bị rắn cắn. Mực thân thiết với tôi, năm nào canh bánh tét đêm Giao Thừa, Mực cũng nằm cạnh gác mõm lên chân tôi cho đến khi bánh chín. Sang Hoa Kỳ, trước kia tôi cũng có nuôi hai con chó: một tên Max là loại lai giống, con kia tên Bồ là rặc giống Basset Hound, mấy đứa con hùn tiền mua tặng dịp sinh nhật 50 năm. Sống ở Việt Nam chó tên Việt, sang Hoa Kỳ chó có tên Mỹ. Còn tôi dù ở đâu cũng chỉ là Thằng Năm miền Lục tỉnh thôi!

Sở dĩ tôi lẩm-ca-lẩm-cẩm là vì con chó tôi nuôi, không tốn kém dù ở quê xưa hay bây giờ; khác hẳn con Ginger mà vợ chồng đứa con Út nhận làm “con nuôi” cách nay hơn một năm ở SPCA Houston (S.P.C.A là chữ tắt Society for the Prevention of Cruelty to Animals). Lúc mới đem về Ginger chừng bảy tuần, ốm nhom, tiu nghỉu, mắt chảy xệ buồn so, cách nhìn vừa sợ sệt vừa như van lơn. Cặp mắt van lơn là lý do vợ chồng Út nhận nuôi Ginger. Nó lớn như thổi. Mỗi lần Út mang qua thăm tôi, Ginger thiếu điều kéo sập đồ đạc trong nhà. Cái gì nó cũng ngửi, cũng liếm. Tôi nhìn Ginger lo lắng. Thằng Út biết ý nên cứ theo sau canh chừng. Tội nghiệp thằng con, chắc nó mắc nợ Ginger; hoặc giả nếu vợ thích Ginger thì nó có làm gì hơn! Mấy bức hình gia đình để trên kệ thiếu điều bị hất xuống đất. Giày vớ của tôi nó lôi đi mỗi nơi một chiếc. Kiếm giày mang cũng hết ngày giờ. Cứ mỗi lần gặp lại Ginger trông khác hẳn. Nhìn Ginger tôi cứ nghĩ chắc là “cháu nội” đây rồi! Bởi mỗi lần tôi gợi ý muốn có cháu để bồng, vợ chồng thằng Út chỉ cười trừ. Nó vừa to, vừa khỏe, kéo thằng Út như ngựa kéo xe. Một hôm, chịu hết nổi, tôi phán cho thằng Út “Lần sau, con khỏi cần mang nó sang thăm “ông nội”.

hoaPVH1a

Kể từ khi có Ginger, thằng Út thay vì nghỉ trưa ở sở làm, thì về nhà đưa Ginger đi... dạo, vừa ăn trưa. Ginger còn được đưa đi babysit mỗi tuần vài ba lần để “nô đùa” với đám chó khác cho khỏi buồn, khỏi bị depress! Vài ba tháng đi cắt “tóc”, “làm móng tay, giũa móng chân”. Đồ chơi của Ginger không thua gì đồ chơi trẻ nhỏ. Để kỷ niệm ngày xin Ginger, vợ chồng Út mua bánh bakery cho chó ăn! Tôi có kể cả ngày về Ginger cũng chưa hết! Nghĩ lại tội nghiệp các con chó tôi nuôi, bởi tôi nghĩ nó là chó. Còn vợ chồng thằng Út thì coi Ginger như “cháu nội của tôi”! Chó tôi nuôi đâu tốn gì, ăn cơm thừa như lúc ở Việt Nam. Nhớ khi xưa, mỗi lần có khách đến chơi hay tiệc tùng ăn nhậu thì chúng cứ lởn vởn để kiếm xương. Một hôm tôi đến chơi nhà người bạn lúc còn làm việc ở miền Trung, hai đứa ngồi uống bia lai rai. Quăng xương gà, nhanh như chớp con chó đớp trước khi xương chạm đất. Tiện tay, tôi vứt mẩu thuốc đang hút. Con chó ngoạm tàn thuốc bị nóng kêu oăng oẳng rồi dông mất. Thằng bạn nhìn tôi bằng nửa con mắt, làm tôi phải mất công phân trần.

Trở lại chuyện Ginger.
Từ ngày vợ chồng Út báo tin vui sanh đôi. Tôi thầm nghĩ biết đâu Ginger là điềm may cho gia đình. Thấm thoát hai đứa cháu gái kháu khỉnh ra đời, ít lâu sau về nhà, mau lớn và lanh lợi thấy rõ mỗi khi tôi đến thăm. Vợ chồng Út có vẻ chăm sóc tôi hơn mỗi khi tôi bế cháu. Vì thằng Út nhiều lần bắt gặp tôi ngủ gục khi bế con của nó. Khổ thế, cứ nhìn chúng ngủ trên tay là mắt tôi mở không lên. Bởi vậy tôi phải kê gối chung quanh mỗi khi bế chúng. Cha mẹ chúng quan sát tôi kỹ hơn, mà cả Ginger cũng nhìn tôi chầm chầm nhất cử nhất động. Tôi bực mình, nhưng nghĩ lại hai đứa này là “em” Ginger mà! Thiệp mời đầy tháng hai đứa cháu sanh đôi có cả tên Ginger trên đó! Dần dà Ginger biết tôi “vô hại” nên quấn quít mỗi khi tôi bế cháu. Tiếng sủa Ginger mỗi khi tôi đến như báo tin vui cho cả nhà thay vì báo động như trước. Thuở ấy, Ginger còn gầm gừ mỗi khi gặp tôi, có khi còn ngoạm tay tôi như đe dọa. Thằng Út sợ tôi buồn nên mạnh tay lôi nó đi chỗ khác. Tôi nghe tiếng vợ thằng Út “Kéo đi, rồi Ginger gãy chân phải đem đi bác sĩ!”.

Nghe vợ thằng Út trách cứ chồng, tôi lặng lẽ nén tiếng thở dài. Nhìn mông lung. Bên ngoài gió lao xao cành lá. Có lần tôi ví mình như thân phận con chó, bởi quê hương thật xa vời. Nơi quê người, gia đình tôi vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay. Đấng sanh thành đã quá vãng. Cuộc sống trơ trọi côi cút, như con chó được sanh ra lớn lên rồi sống với con người, không biết cha mẹ ở đâu. Khi nhà tôi còn sống, mấy đứa con còn nhỏ, tôi dạy các con đừng đánh đá Bồ và Max, vì chúng nó cũng mồ côi như tôi. Nhà tôi nhìn ngạc nhiên, nhưng hiểu ý. Sau đó mấy đứa con không còn mạnh tay với hai con chó nữa.

Giờ đây Ginger thân thiện với tôi. Mỗi lần đến bế cháu, Ginger ráng chen vào nằm dưới chân như con Mực gác mõm để cùng tôi canh bánh tét đêm Giao Thừa khi xưa. Chốc chốc, Ginger đến ngửi cái nón và đôi giày tôi để ở cửa, xong trở lại liếm chân tôi. Cảm giác ấm cúng len từ chân lên tim làm mờ đôi mắt. Hạnh phúc đến thật nhẹ nhàng và tự nhiên. Tay bồng cháu, tay kia vuốt đầu Ginger. Con chó nằm im lim dim như cảm nhận được thứ tình cảm thiêng liêng truyền qua năm đầu ngón tay. Có hôm Ginger cứ lân la bên cạnh, thằng Út sợ nó phá giấc ngủ của con, ra dấu đuổi đi chỗ khác. Ginger cứ nằm lì dưới chân. Thằng Út quát ”Ginger! Đi tắm”! Con chó riu ríu đi chỗ khác. Ngồi im ngoái cổ nhìn lại trông thiểu não và buồn cười. Thằng Út giải thích Ginger rất sợ tắm. Tôi không nghĩ nó sợ nước nhưng có lẽ sợ thằng Út “mạnh tay” đó thôi.

Bây giờ tôi có thêm một đứa cháu: Chó Ginger! Mà trước đây tôi không hề nghĩ tới. Thứ tình cảm thiêng liêng giữa người và vật không cứ gì chỉ có đối với người. Xưa kia tôi nghĩ chó là chó nên cách đối xử khác hơn mấy đứa con tôi với Ginger. Chúng ta thường nghe nói: “Chó là bạn của con người, không bao giờ phản bội”. Hoặc nếu mượn câu “You can’t teach an old dog new tricks” của người Hoa Kỳ nói với bạn, cũng có ý là đừng bắt tôi học điều gì mới vì tôi như con chó già!

Lằn ranh giữa con người và con chó nhiều lúc thật mong manh, vì cuộc sống quấn quít chung đụng. Sự trung thành của chó đối với chúng ta là điều đáng để con người suy gẫm như câu chuyện cách nay không lâu, ngày 14 tháng 5, các cơ quan truyền thông có loan tin chó German Shepherd hai tuổi được gia đình nọ ở Florida nhận nuôi từ nơi tạm trú thú vật (animal shelter), đã cứu cô con gái bảy tuổi của gia đình khỏi loài rắn độc. Hậu quả lòng trung thành với cô chủ nhỏ phải trả giá khá đắt vì chó bị trúng nọc độc của rắn. Mọi người đua nhau góp tiền giúp chữa trị con chó trung thành. Câu chuyện này nói lên lòng trung thành của thú vật đối với chủ. Tiếc thay, mấy khi tìm được giữa con người với con người, khi nghi kỵ, ích kỷ, tham sân si còn tiềm ẩn trong lòng. Cứ nhìn cách cư xử của tha nhân đối với mình, thì đủ rõ lòng mình đối xử với người. Tôi mong Ginger sẽ bảo vệ hai đứa cháu gái của ông, cũng như con Mực đối với tôi khi xưa.

hoaPVHa

Trở về nhà sau cả buổi chiều bế cháu. Hai vợ chồng Út giữ lại ăn cơm chiều, nhưng tôi từ chối. Chiếc vớ dưới chân hình như ẩm ướt vì Ginger gặm. Buổi chiều cuối tuần thật đầm ấm, thứ tình cảm thiêng liêng trong gia tộc, thứ tình cảm vừa tìm thấy của con người và loài vật. Bóng đổ dài trên lối đi vào nhà. Tôi dừng lại ngắm cây hoa Hoàng Hậu, còn gọi là Hoàng Yến hay Osaka và nhiều thứ tên khác, lần đầu trổ hoa. Cây hoa này được trồng trước nhà để tưởng niệm, vì lúc nhà tôi mất, đường vào chùa, hoa trổ vàng trên cây, trải vàng trên lối đi. Tôi truyền thứ cảm giác huyền diệu từ hơi ấm của hai đứa cháu gái, mùi thơm trẻ thơ còn vương trên áo, sang từng cụm hoa vàng đong đưa.

Tiếng điện thoại reo, tôi trả lời:
-“Ba vừa về đến nhà”.
Tôi nghe tiếng khóc của đứa cháu gái và tiếng sủa của Ginger trong điện thoại!

Màu hoàng anh hắt lên trong nắng vàng. Trên đám mây cao thật cao, có lẽ bà của các cháu đang mỉm cười chia sẻ niềm vui khi vài tia nắng chiều còn sót.

Phạm Văn Hòa

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com