Thật lòng mà nói thì lúc xưa tôi chưa bao giờ có cảm giác thích thú khi ngồi xem TV trực tiếp truyền hình cuộc diễn hành của các binh chủng quân đội VNCH nhân ngày QLVNCH 19 tháng 6 mỗi năm, chỉ thấy vui mắt với hình ảnh, màu sắc và âm thanh một lúc rồi quay qua làm việc khác chứ không ngồi say mê xem như ba má tôi. Cái quyến rũ tôi chịu khó dán mắt vào truyền hình là để háo hức nhìn các mệnh phụ phu nhân như bà Tổng Thống, Phó Tổng Thống v.v… nếu như màn hình chiếu về phía họ để xem họ ăn mặc, trang điểm kiểu gì, hoặc nếu như có con cái họ cùng tham dự thì lại càng ngó kỹ hơn và khi những chiếc phi cơ bay lượn trên bầu trời để biểu diễn những pha ngoạn mục trước khi chấm dứt buổi lễ là phần mà tôi luôn chờ đợi với lòng thán phục những phi công tài hoa của Không quân. Chỉ có thế thôi chứ hình ảnh những người lính dù bước đi rất hào hùng oai vệ, áo quần chỉnh tề, thẳng nếp, đi nhịp nhàng trong tiếng quân nhạc đệm theo, nhưng cứ hết lớp người này đến lớp người khác cũng tương tự cách đi, cách diễn… thì quả thật cũng không bắt mắt cho lắm để hao tốn thì giờ vài tiếng đồng hồ ngồi trước màn hình…
Ấy vậy mà khi đã xa quê hương, cứ mỗi lần xem phim tài liệu này do các đài SBTN, hay của Thúy Nga Paris by Night hoặc Asia chiếu lại thì nỗi xúc động lại dâng lên và thầm cám ơn những công sức của người lính VNCH đã đổ ra cho việc giữ gìn hòa bình thời trước cũng như trầm trồ xen lẫn tiếc nuối về một quân đội khí thế hùng mạnh như vậy mà lại tan hàng tức tưởi. Những bài hát của Cục Tâm Lý Chiến – trong đó có bài Huynh Đệ Chi Binh cũng làm gợi nhớ biết bao hình ảnh của người chiến sĩ thuở ấy. Không dám lạm bàn về sự sụp đổ của chế độ hay sự tan rã của quân đội VNCH, tôi chỉ muốn nói đến cái tình “huynh đệ chi binh” mà quân đội VNCH đã thể hiện cho đến nay dù là cuộc chiến đã chấm dứt hơn 40 năm qua. Cái tinh thần mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục bởi không thể hiểu nỗi sợi dây nào hay nói đúng ra là cách huấn luyện ra sao mà đã ràng buộc một cách tự nguyện của những đồng đội lại với nhau chặt chẽ và tôn trọng nhau đến như vậy!
Trước năm 1975, tôi không nhận ra rõ về điều này, mặc dù vẫn có nghe có thấy, cho nên “huynh đệ chi binh” thì theo cách nhìn của tôi cũng chỉ như là một slogan của quân đội mà thôi, cho đến khi qua bên xứ ngưòi, có cơ hội đọc những bài viết của các tác giả Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh..vv.. những mẩu chuyện thật vừa thương tâm vừa hào hùng của những người lính VNCH và sự tương trợ rất đắc lực đến mức có thể hy sinh bản thân mình để cứu đồng đội giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến đã được diễn tả qua lời văn súc tích, thấm đậm tình người của các tác giả, có lẽ đã lấy không ít những giọt nước mắt cảm thông cũng như lòng ngưỡng mộ, cảm phục của độc giả.
Có lẽ không lời nào diễn tả rõ ràng hơn ý nghĩa của cụm từ “huynh đệ chi binh” bằng những hành động đó, tuy nhiên đó là những giây phút sinh tử, đó là hành động của những người đang trong cuộc chiến, đã từng sinh hoạt, làm việc với nhau; cho nên cái tình cảm “huynh đệ” đó vẫn dễ hiểu, không có gì ngạc nhiên lắm. Còn giờ đây, khi cuộc chiến đã chấm dứt, mọi người đã không còn khoác những bộ quân phục, tình cảm đó lẽ ra phải phai nhạt dần qua thời gian mới đúng, thế nhưng không đâu, tình huynh đệ chi binh vẫn còn rất mạnh và lan truyền tinh thần này qua cả giới trẻ, điển hình như những quyên góp trợ giúp của “lá lành đùm lá rách” ở mọi nơi, những đại nhạc hội quy tụ rất nhiều ca nhạc sĩ được tổ chức quy mô hằng năm ở Mỹ đã nhận được rất nhiều đóng góp hiện kim từ người xem để tài trợ cho các cựu chiến hữu, thương phế binh VNCH và gia đình còn khó khăn ở quê nhà.
Nhìn hình ảnh những ca sĩ trẻ có lẽ chưa biết gì về cuộc chiến trước kia hoặc những người đã từng hát phục vụ tại các tiền đồn heo hút thời xưa hăng say hát những bài hát ca tụng người lính, tình lính giữa trời nắng chói chang, rồi nhiệt tình len lỏi giữa đám đông khán giả để nhận những món tiền quyên góp, và trên sân khấu những lời chia sẻ chân tình của các cựu quân nhân dành cho những người bạn đã nằm xuống vì tổ quốc, những người để lại một phần thân thể vì chiến tranh - đã làm xúc động những khán giả trẻ và lớn tuổi tham dự. Đó là chưa kể những bạn bè chiến hữu phụ giúp riêng tư cho người quen chắc không sao kể xiết. Rất là lạ một điều không lý giải nổi, đó là chỉ cần biết người đối diện mình đã từng ở trong quân đội là đã có cảm tình rồi, đã có thể sẵn lòng giúp đỡ nhau nếu cần và thậm chí là cả con em của họ thì cũng được dành cho một cái nhìn thiện cảm, một lời chào đón nhiệt tình khi tình cờ gặp mặt. Cái tình cảm đó phải chăng xuất phát không những là từ tấm lòng, từ tính nhân bản mà còn là từ sợi dây hay cùng tần số vô hình nhưng vô cùng thân thiết đã nối kết nhau giữa những người từng được đào tạo trong quân trường, của những người từng mang nghiệp lính? Chỉ có thế mới hiểu được dù ở nơi nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào thì tình “huynh đệ chi binh” vẫn mãi tồn tại và trân quý.
Hôm nay đọc báo thấy những người lính Úc tử trận tại Việt Nam đã được hồi hương sau 50 năm chôn vùi thân xác nơi quê người, những nghi thức truy điệu long trọng với sự hiện diện của vị Tổng Toàn Quyền nước Úc, của Thủ Hiến tiểu bang nơi tổ chức nghi lễ (New South Wales), cũng như một số nhận vật tên tuổi của chính trường Úc và một dàn quân chào đón quan tài của 22 người lính tử trận như tỏ lòng biết ơn, tôn trọng sự hy sinh của họ đối với tổ quốc, với gia đình….; tự nhiên thấy nao lòng chạnh nghĩ: những người đã bỏ mình trong cuộc chiến hay giã từ vũ khí như là tù nhân chiến tranh (POW) của các nước tư bản luôn có chính sách đãi ngộ rất xứng đáng với nhiều quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần không những cho bản thân mà còn cho cả gia đình họ; còn các chiến sĩ VNCH đã hy sinh xương máu, đã bị tù đày… thì khi nằm xuống hay sau khi được trả tự do, tản bạt tứ xứ có nhận được gì không, hay chỉ là những cái nhìn thiếu tôn trọng, đầy tính chủ quan và những đối xử bất công dành cho “kẻ thua cuộc”? Đành rằng hiện nay việc thể hiện tinh thần “huynh đệ chi binh” vẫn còn đang trân trọng và ghi nhớ từ những người ở hải ngoại, nhưng như thế đã đủ chưa? Biết bao giờ họ có vinh dự được công nhận “Tổ Quốc Ghi Ơn” như những người lính Úc hôm nay và hơn thế nữa trả lại sự trung thực cho lịch sử Việt Nam trong hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa ngày nào? Một trăn trở mà tôi tin là những ai đã từng khoác áo lính hẳn đang mong chờ!
Hồ Diệu Thảo