User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn là nơi phồn hoa đô hội vào bậc nhất. Những người dân khắp các tỉnh thành luôn ấp ủ giấc mơ được một lần tận mắt chiêm ngưỡng "Hòn ngọc viễn Đông" văn minh thịnh vượng. Còn những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn đều ngây ngất bởi một thành phố xa hoa lộng lẫy, bị chinh phục bởi những đại lộ thênh thang, dập dìu ngựa xe và những hàng cây cao vút hai bên đường…

xe lam sai gon xua ca

Thời đó, phương tiện đi lại của người Sài Gòn là xe đạp, xe gắn máy loại phân khối nhỏ từ 50cc như Honda Damme dành cho nữ, Honda SS67 dành cho nam, bên cạnh đó là chiếc xe Vélo Solex, Mobylette... Còn phương tiện giao thông công cộng ở Sài Gòn ngày ấy ngoài xe xích lô là xe Lambro 550 hoặc Lambretta. Hồi đó lộ trình xe lam giăng kín Sài Gòn – Gia Định, xe lam không có trạm dừng cố định cho khách lên xuống. hành khách đi xe lam chỉ việc ra lề đường vẫy tay là bác tài ghé vào đón, và khi khách muốn xuống chỉ cần vỗ vào thùng xe hoặc buông một câu "ghé dzô bác tài", là xe sẽ dừng lại bất cứ chỗ nào cho hành khách xuống.

Nhọc Nhằn Đời Xe Lam

Nhà tôi không có xe lam nhưng ông hàng xóm, người cùng làng cùng quê với bố tôi chạy xe lam, ông có thằng con trai học cùng lớp với tôi dạo ấy. Thằng Bình những ngày nghỉ học thường theo bố đi "lơ xe", mỗi lần như vậy nó được bố cho ít tiền lẻ, thế là hôm sau bọn nhóc chúng tôi lại được "ăn theo" một đĩa gỏi khô bò và một ly chè đậu đỏ bánh lọt ngon tuyệt. Còn nhớ, một buổi sáng Mùng Hai Tết, gia đình tôi thuê xe lam của ông hàng xóm để đi lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thăm mộ chú tôi. Chuyến xe khởi hành lúc mặt trời chưa kịp ló dạng và thành phố vẫn còn đang say giấc trong ngày đầu xuân.

Sau khi khoác lên mình chiếc áo bụi bặm đã bạc màu sương gió pha lẫn mùi dầu nhớt, đội thêm cái mũ nỉ, hai bố con ông lặng lẽ đẩy chiếc xe lam từ trong xóm ra tới đường cái mới cho nổ máy. Chẳng hiểu chiếc xe hôm nay "đau yếu" thế nào mà "bác tài" đã co chân đạp đến vài chục lần, thế nhưng, nó cứ lặc lè mãi không chịu nổ máy, lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, tiếng thở hồng hộc nghe rõ mồn một, ông ngả chiếc ghế ở ca-bin xuống, thằng nhóc bạn tôi biết ý, lấy đèn pin ra soi… sau một lúc loay hoay, hì hục chiếc xe giờ đã chịu nổ máy tành tạch… đều như tiếng pháo, vang vọng cả một góc phố trong buổi sáng mùa xuân.

Thiết kế của xe lam chở khách được chia làm hai phần. Phần đầu xe là Ca-bin, nơi tài xế ung dung ngồi cầm lái như ghi-đông xe gắn máy, và xe lam cũng vô số tay như loại xe hai bánh Lambretta. Dưới ghế ngồi của bác tài là thùng chứa máy xe, khi xe bị chết máy hoặc "dở chứng bất tử" bác tài phải nhảy xuống đường, giở yên lên, dùng một sợi dây thừng kéo cho máy nổ hoặc chùi bu-gi, xịt chút xăng "mồi" cho máy xe dễ nổ để chuyến hành trình lại tiếp tục thẳng tiến trên đường.

Chiếc xe lam chở đoàn người chạy bon bon trên xa lộ Biên Hòa yên ả trong làn sương sớm, ngọn gió xuân từ cánh đồng hai bên đường thổi mát rượi mang theo mùi cỏ lẫn mùi ngai ngái của bùn đất… cho đến khi xe chuẩn bị lên dốc Thiên Thu, con dốc không cao nhưng dài, và chiếc xe bắt đầu chậm lại. Chú "lơ xe" bạn tôi liền nhảy xuống đường, tay cầm cục gỗ, vừa chạy theo vừa chêm bánh xe, phòng khi nó đuối quá tắt máy, tuột dốc.

Bác tài thì cài số, ép ga, khói xe phun ra phì phì đen mịt xông cả vào trong xe, chiếc xe "cà khổ" cứ rung lên bần bật như người bị sốt rét rừng rồi chậm chạp, lặc lè bò lên con dốc. Khi lên tới đầu con dốc, khuôn mặt bác tài giãn hết cỡ vì bớt lo âu, còn chú lơ xe thì đang quệt mồ hôi trên trán, thở hổn hển nhảy lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi xe lam.

Theo lời kể của bạn tôi, cứ vài tháng, cả nhà lại được bố nó chở đi nhà thờ đức mẹ Fatima Bình Triệu để xem lễ và cầu xin. Tôi hỏi: "mày có cầu có xin gì không?". Có chứ, tao cầu cho cái xe được mạnh khỏe, đừng đau ốm, ngày nào nó nằm ẹp ở nhà là y như rằng có người đến đòi nợ, bữa cơm cũng vì vậy mà thiếu vắng thịt cá và sợ nhất là nét mặt rầu rĩ của ba, nỗi buồn hiu của má.

Giữa một không gian linh thiêng, nhiều người đến cầu xin làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt thậm chí cả trúng số độc đắc… chỉ riêng bạn tôi là thật thà, ngây ngô cầu cho cái xe lam già nua, cũ kỹ cũng là cái "cần câu cơm" được mạnh giỏi. Khi chiếc xe còn nổ máy, còn lăn bánh là vẫn còn chạy tốt, vẫn còn kiếm được chút tiền, không phải bò lăn ra sửa, nhất là không bị những bạn hàng cằn nhằn, trách cứ vì bị lỡ phiên chợ.

Buồn Vui Theo Chuyến Xe Lam

Năm học lớp 10, theo sự giới thiệu của GS Dương Quốc Ân tôi đã ghi danh theo học tại trường Đệ Nhị cấp Trường Sơn của thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Sỹ Tế. Ngôi trường tọa lạc trên đường Lê Văn Duyệt, nằm khoảng giữa hai ngã tư Trần Quý Cáp và Hồng Thập Tự vì vậy thỉnh thoảng lại có dịp nhảy xe lam đi học.

Trong một lần tình cờ may mắn được ngồi chung xe, kề vai tựa vế rồi làm quen với một cô gái có khuân mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen tròn, còn giọng nói thì nhỏ nhẹ như hơi thở, một nữ sinh trường nữ trung học Nguyễn Bá Tòng. Cô nữ sinh diện chiếc áo dài và chiếc quần lụa trắng trơn, còn cặp đùi thiếu nữ thì cứ mát rượi, cho tôi cảm giác bâng khuâng khó tả, nó giống như sợi tơ trời mong manh, bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan… nhẹ nhàng mà sâu lắng, vội vàng mà hạnh phúc.

XeLam

Giờ đây, mỗi lần nhớ lại chuyện xưa với áo mỏng lụa mềm dáng nhỏ thân quen bất chợt nghe trong lòng mình xao xuyến, mênh mang nỗi niềm thuở ấy.

Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán, ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng, cô em bạn cùng đường

Một buổi trưa đi học về trễ, chẳng biết vì nắng hoa mắt hay vì đói bụng nên đã "vớ phải" một chuyến xe lam đầy nhóc khách, phải ngồi "ghế súp". Chú bé lơ xe nhanh nhảu hô to: "Bà con khép chân vô giùm" rồi nhét tôi ngồi ở khoảng trống hiếm hoi giữa hai hàng ghế, nơi có những cặp đùi to khỏe, bắp vế chắc nịch và…rất thô cứng, lúc đó, quãng đường bỗng trở nên dài thăm thẳm đến vô tận. Ngồi "kề vai tựa gối" giữa hai bà bán thịt cá tan chợ chừng vài cây số mà sao thấy ngột ngạt mùi chợ búa lan tỏa khắp xe.

Theo nguyên tắc, xe lam chỉ chở được khoảng 8 đến 10 hành khách. Khách ngồi trên hai hàng ghế dài đặt dọc theo thùng xe, song song nhau. Nếu hai người đối diện đều chân dài thì bốn đầu gối thế nào cũng đụng nhau mỗi khi xe lam thắng gấp, để tránh va chạm thì hai cặp giò phải khép lại và xếp chéo nghịch chiều nhau.

Nhưng cũng đã có biết bao câu chuyện tình lãng mạn, chuyện tâm lý - tình cảm - xã hội lâm ly, bi đát cười ra nước mắt trên những chuyến xe lam. Chẳng phài vô duyên vô cớ mà nhạc sĩ Vinh Sử lại sáng tác bài hát "Chuyến xe lam chiều", còn duyên cớ gì thì chắc chỉ có mình nhạc sĩ và người ấy biết… Trên chuyến xe lam đông người chiều nao. Xui mình không quen mà ngồi bên nhau. Trời mang nhiều trớ trêu chi. Người chưa hề biết quen gì. Sao ngồi gần như tình nhân si... Nhưng cũng đừng vì ngây dại lúc tựa kề vai nhau để khi bước xuống xe thì sầu dâng muôn lối vì cái bóp đã "không cánh mà bay" mất tiêu rồi.

Những lúc xe đông khách, phía sau hết chỗ ngồi, bác tài sẵn sàng ngồi thu mình lại ngay giữa yên xe để có thêm chỗ cho bạn hàng ngồi ghé vào hai bên, vai kề vai với bác tài rất thân tình. Từ đó những câu chuyện tiếu lâm cũng được sáng tác từ cái "Ca-bin" độc đáo này. Trên chuyến xe lam đông khách, hai bên bác tài là hai bà bạn hàng sồn sồn đang ngồi kề vai tựa vế, bỗng đâu xe chết máy ngang hông, bác tài nói: "Hai bà làm ơn xuống xe, vô trong lề cho tui đạp mái cái coi", là người miền Nam nên bác tài phát âm "đạp máy" giống như "đạp mái" khiến hai bà bạn hàng sửng cồ tru tréo: "Trời đánh thánh vật cha già dịch… giữa đường giữa sá mà đòi đạp mái!". Xe lam là như vậy đó, lãng mạn lắm, hài hước lắm và cũng nhếch nhác lắm lắm.

Còn Đâu Hình Bóng Xe Lam

Xe Lam đã hoàn tất sứ mạng của mình ở miền Nam và trở thành một dòng xe 3 bánh chuyên dùng: chở người, chở hàng. Xe Lam ngày nay tuy không còn lăn bánh trên đường phố, cái hồn vía thì đã "quy cố hương" nhưng cái xác thì vẫn còn dù rất rệu rã để tồn tại. Nói theo cảm tính một chút thì "tàn mà chưa phế", không chở người, chở hàng thì lên tây nguyên chở cà-phê, xuống đồng bằng chở lúa gạo hoặc chở rác, chở xà bần, chở ve chai, phế liệu… Thú thật, công bằng mà nói thì xe Lambro cũng đã đủ tuổi nghỉ hưu, đã quá niên hạn sử dụng để chở khách, phần gây ô nhiễm vì chạy xăng pha nhớt, phần xe Lambro đã rệu rã không còn đủ sức mạnh để có thể cạnh tranh với Ba Gác Máy, xe Lôi và hơn nữa là Daihatsu... nên đã bị xóa sổ khỏi danh bạ xe cơ giới. Chính những chủ nhân của nó đành phải buông tay lái khi cuộc sống phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi thì lấy gì mà chăm chút, tiền đâu mà tu sửa. Dẫu sao thì xe Lambro 550 cũng là dòng xe 3 bánh tải nhẹ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người miền Nam cho đến tận bây giờ.

xe lam sai gon xua

Xe lam từng có một thời hưng thịnh, một thời tung hoành ngang dọc và gần gũi, thân thiết với người dân miền Nam. Xe lam chở đám cưới, đám ma. Xe lam chở gánh hàng hoa, chở buồng cau liếp trầu, chở cả cái làng quê ra phố chợ. Xe lam chở những cô cậu học trò cùng nỗi lo toan, tất bật của người lao động nghèo buôn gánh bán bưng, thỉnh thoảng có cả mùi nước hoa, son phấn rẻ tiền của vài cô gái ăn sương…vắng khách. Tất cả hình bóng ấy nay chỉ còn lại trong miền ký ức nhạt nhòa, chỉ là chút hoài niệm đã phôi pha của một thời xa vắng.

Thời ấy, tuy chiến tranh nhưng lại rất yên bình, nghèo vật chất mà giàu lòng yêu thương, nghĩa đồng bào. Không như bây giờ, cuộc sống thực dụng, đủ đầy nhưng con người dễ trở thành vô cảm trước đồng loại.

Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại tình yêu
Tôi không cần khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu, dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu cho tôi lại ngày đầu

Phan Văn Thanh, Chs Văn Đức

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com