User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Đố ai quét sạch lá rừng
Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây.

Cởi bỏ đôi bao tay làm vườn ra, tôi khoan khoái ngắm luống hoa vừa được làm sạch cỏ và vun gốc. Bây giờ là mùa xuân, mùa của hoa nên vườn nhà tôi đầy màu sắc. Mấy gốc hồng sau giấc ngủ dài trong mùa đông đang trỗi dậy với những đóa hoa rực rỡ, vạt thạch thảo bên hông nhà nở đầy hoa tim tím. Bắt chước mấy cuốn sách chuyên về vườn tược tôi cũng trồng hoa theo từng tầng như họ đã bày vẽ. Trong cùng của luống hoa tôi trồng một hàng huệ trắng, mùa nầy huệ cũng đang trổ bông, những bông hoa trắng muốt vươn cao trên cái nhánh thanh mảnh màu xanh nhạt. Thấp hơn một chút là mấy cây vạn thọ với những bông hoa vàng ánh. Ngoài cùng thấp nhất, dọc theo luống hoa phủ đầy trên mặt đất là với chi chít những đóa hoa li ti màu trắng.

Nhưng cái tôi thích nhất vẫn là mấy khóm cúc trước nhà. Trên vạt đất không lớn lắm tôi đã trồng đủ loại cúc, cúc trắng, cúc tím và cúc vàng. Mùa nầy cúc chưa ra hoa nhưng những cây lớn đã đơm đầy nụ tròn vo như nút áo. Tuy không cố ý thiên vị nhưng có lẽ vì ảnh hưởng của nhà thơ Nguyên Sa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” nên khóm cúc vàng nhà tôi lớn trội hơn mấy loại cúc khác. Ở đây không có Phượng Vĩ đỏ rực rỡ mỗi mùa hè nên những người lẩm cẩm như tôi nhớ về tuổi học trò không gì bằng hoa cúc. Nắng đã lên cao, cảm thấy mệt tôi vào nhà pha trà định bưng ra vườn ngồi uống thì chuông điện thoại reo vang. Tôi đến bàn, nhấc máy lên và lên tiếng:
- Alo
Bên kia đầu dây một khoảng thời gian im lặng dài hơn bình thường, tôi lập lại
- Alo
Cuối cùng, một giọng đàn ông trầm ấm vang lên:
- Alo, Thường đây, Diệp có khỏe không?

Tôi cảm thấy lạnh toát theo sống lưng, hai tay tôi run lẩy bẩy và gần như vô thức…. tôi gác máy điện thoại. Thường, cái tên đó tôi làm sao quên được. Vì cùng với cái tên ấy, cùng với giọng nói trầm ấm ấy là kỷ niệm của mối tình đầu, một mối tình ngây thơ đầy mộng mơ của tuổi học trò.
Hồi đó tôi mới mười sáu tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, tôi học chung với Ngân em gái Thường ở trường Nữ Trung Học lớn nhất Mỹ Tho là Trường Lê Ngọc Hân. Thường học trên tôi hai lớp và học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Thời ấy học sinh trường nam và trường nữ khó có cơ hội làm quen với nhau vì sinh hoạt của hai trường đều riêng biệt mặc dầu chỉ cách nhau có con đường Hùng Vương. Thường và tôi thì may mắn hơn vì có Ngân, Ngân là Trưởng ban Văn nghệ của lớp nên vào mỗi cuối năm tôi và các bạn thích văn nghệ hay đến nhà Ngân để nhờ Thường tập cho hát và tôi là Trưởng ban Báo chí nên mỗi khi lớp làm Bích báo thì Thường lại theo Ngân đến nhà tôi để trang trí cho tờ báo tường của chúng tôi.

moi tinh dau

 

Nói vậy thì các bạn cũng hình dung được là Thường tài hoa đến mức nào, đàn giỏi, hát hay, vẽ đẹp, Thường còn là một tay bóng rổ xuất sắc và là một học sinh giỏi của trường. Đã thế Thường còn có một vẻ phong trần rất nghệ sĩ và một gương mặt chữ điền đầy nam tính, cho nên Thường được rất nhiều cô ái mộ và tôi là người ái mộ thầm lặng, bởi vì tôi biết tôi chỉ là một người tầm thường nhất trong số những bóng hồng vây quanh Thường. Biết thân, tôi luôn luôn đứng xa xa nhìn các cô nhõng nhẽo, vòi vĩnh cái nầy cái kia với Thường. Nhưng tôi không ngờ cái vẻ hững hờ, buông xuôi đó lại làm Thường chú ý và anh hiểu được lòng tôi để rồi trong một buổi chiều kèm hai đứa học Toán tại nhà khi con bạn thân “mắc dịch” của tôi làm bộ ra nhà sau uống nước Thường đã kịp bỏ vào quyển sách Toán của tôi một lá thơ. Đó là lá thơ tình đầu tiên của tôi và cũng là lá thơ mà tôi đã mơ ước bao ngày. Khỏi nói thì các bạn cũng biết tôi sung sướng đến mức nào.

Những ngày kế tiếp là những ngày đầy hoa bướm của hai đứa. Thường kèm tôi học rất nghiêm túc, tôi thì vui với hạnh phúc đang có nên cố gắng học để Thường vui hơn là để ba má tôi vui, nhưng những kết quả tiến bộ thấy rõ của tôi đã làm ba má tôi có cái nhìn tốt đẹp về Thường. Tôi được ba má cho phép đi chơi ngày Chúa Nhật, đầu tiên là có Ngân, dần dà chỉ có hai đứa. Cũng như những đôi tình nhân khác chúng tôi đã dắt tay nhau đi khắp các con đường của thành phố Mỹ Tho, lạy Phật ở chùa Vĩnh Tràng, viếng cảnh và ăn cơm chay ở Cồn Phụng, hái trái cây ở vườn ông Khánh hay chỉ đơn giản là ngồi nhìn nước chảy và nói chuyện trời trăng mây nước ở vườn hoa Lạc Hồng. Để cám ơn bà mai, thỉnh thoảng chúng tôi rủ Ngân đi ăn kem, sang hơn thì đi ăn hủ tíu. Tôi tiếc là mình không có anh trai để làm mai cho Ngân để nó cũng biết thế nào là hạnh phúc như tôi vậy.

Tôi còn nhớ những ngày theo Thường về nhà anh, Ngân vẫn hay rủ tôi đến nhà nó chơi nhưng đi với Thường tôi có một cảm giác lạ lùng hơn và tôi cảm thấy hình như mẹ Thường đối với tôi cũng khác hơn ngày trước, bà ân cần hỏi han về gia đình tôi và hay tâm sự về những mơ ước của bà cho cái gia đình nhỏ bé nầy. Ba Thường là lính đi công tác liên miên, hình như ông cũng có chức vụ gì đó nhưng ông sống rất giản dị, không có người phục dịch như các ông Tướng Tá khác. Ba tôi có biết về ông và tỏ ra rất kính trọng mẫu người gương mẫu đó. Ngoài Ngân ra Thường còn có một em trai tên Tú. Tú cũng có gương mặt đẹp như Thường nhưng không may cho em lúc nhỏ bị bệnh sốt bại liệt tuy được cứu sống nhưng phải chịu di chứng liệt, hai chân teo nhỏ lại đi đứng phải dùng nạng. Tôi cũng như gia đình Thường rất thương Tú, tôi hay đi với Thường đưa Tú ra bờ sông ngồi hóng mát, mua kẹo cho em ăn và kể chuyện cổ tích cho em nghe. Nhiều khi tôi phải quay mặt chỗ khác lén lau nước mắt khi nhìn vào đôi mắt u buồn đầy vẻ chịu đựng của em. Những ngày hạnh phúc của tôi cứ như vậy mà trôi mau.

Tháng Tư năm 75, tôi và Ngân bãi trường sớm vì chiến cuộc có nguy cơ lan tràn đến thành phố. Thường thì phải học thi Tú Tài hai nên chúng tôi cũng ít gặp nhau hơn. Trong gia đình tôi, các chú, các dì đã đến gặp ba má tôi thường xuyên hơn, đâu đây tôi đã nghe đến từ di tản. Đêm đó khi gặp Thường tôi đã khóc với anh, bày tỏ nỗi lo sợ của tôi về một ngày ly biệt. Thường an ủi tôi và trước khi ra về anh còn nhắn nhủ:
- Diệp đừng lo nghe em, ở cùng ở đi cùng đi, chừng nào anh không còn là Thường nữa thì mình mới xa nhau.
Tôi gật đầu mà nghe lòng mình ngập tràn hạnh phúc trong sự che chở của người tình.

Tôi bồn chồn như có lửa đốt khi hơn tuần nay không thấy Thường tới, rồi bất thình lình cái ngày đen tối đó đổ ập xuống, miền Nam thua cuộc, đầu hàng khi chưa kịp đánh. Không tiên liệu trước cái kết cuộc đó lại đến quá nhanh như vậy nên gia đình tôi bị kẹt lại. Không thể chờ đợi được nữa tôi xách xe đến kiếm Thường. Tôi sững sờ đến độ không tin vào mắt mình, nhà Thường cửa đóng im ỉm, hoang vắng như chưa từng có ngưòi ở. Nuôi hy vọng là mọi người chỉ đi chợ hay thăm bà con, lát nữa sẽ về, tôi đi loanh quoanh một lúc rồi quay lại thì vẫn không thấy ai ở nhà. Tần ngần trước cửa, tôi chưa muốn về thì người hàng xóm gọi tôi lại, bà ái ngại cho hay:
- Họ đi hết cả rồi cô không biết à? Đi độ ba bốn bữa gì rồi, chắc bây giờ đã ở Mỹ rồi. Thôi cô về đi, đừng chờ nữa, không còn ai ở đây đâu.
Tôi thẫn thờ như người mất hồn quay lưng đi quên cả cám ơn bà hàng xóm tốt bụng. Trên đường về, tôi vừa đạp xe vừa để mặc cho nước mắt tuôn rơi, tôi nói thầm trong bụng “Sao lại như vậy hở Thường? anh đã từng nói đi cùng đi, ở cùng ở mà sao lại bỏ em?”
 
Vào tới sân, tôi phải vội vàng lau nước mắt, cố làm mặt tỉnh vì nhà có khách. Chưa kịp bước vào tôi đã nghe tiếng nói của ba tôi:
- Trời ơi, sao dại quá vậy con, mầy đã ở ngay sân bay chỉ có leo lên máy bay thôi mà lại bỏ về. Rồi đây khổ thân con ơi.
Tôi bước vào thấy khách là Vịnh, Vịnh không phải là bạn của tôi, anh là con của một người bạn của ba tôi, anh đã học qua trường Kỹ Thuật nên khi bị động viên anh vào Quân Cụ, nhờ tay nghề cao anh được trực ở sân bay Tân Sơn Nhất để lo về kỹ thuật cho mấy chiếc máy bay. Tôi gật đầu chào Vịnh và vô cùng bối rối vì ánh mắt mừng vui của anh khi thấy tôi. Mẹ tôi cũng nhìn thấy điều đó. Tôi bước vội vào nhà nghe loáng thoáng tiếng Vịnh nói:
- Dạ, con hổng nỡ bỏ ba má con, vả lại…
Ba tôi ngắt lời:
- Thế mầy có về bên nhà chưa
- Dạ chưa, tiện đường nên con ghé đây trước
Ba tôi gọi vói vào:
- Diệp ơi, lấy xe đưa anh Vịnh về bển đi, chắc ba má nó trông dữ lắm rồi đó.

Tôi dạ rồi trở ra lấy xe đi cùng Vịnh về nhà. Tới nhà, Vịnh bước xuống trả xe lại cho tôi, anh không vào ngay mà nắm lấy ghi-đông xe và hỏi tôi:
- Diệp có chuyện gì buồn sao khóc vậy?
Tôi phải nói dối anh:
- Dạ tại ở nhà ai cũng khóc
Anh an ủi tôi:
- Không sao đâu, dẫu gì mình vẫn có nhau.
Trời ơi, tôi phải cắn chặt răng để ngăn không cho nước mắt trào ra, tôi ước gì người đứng trước mặt tôi là Thường, ước gì Thường nói với tôi những lời như vậy. Tôi lật đật chào Vịnh rồi quay xe về. Cũng như lần trước nước mắt tôi không ngừng rơi trong suốt đoạn đường đi.

chiatay2 1

Những ngày sau đó tôi sống như một cái máy được người ta lên dây thiều, cả ngày tôi cứ trông ngóng tin tức của Thường. Trong những ngày nầy ngưòi ta chỉ có một nỗi đau mất nước thôi mà còn không chịu nổi huống gì tôi, tôi có thêm nỗi đau mất người tình nữa. Một hôm một cô bạn đến thăm và cho tôi biết thêm tin tức của Thường. Cả gia đình Thường đã ra đi cùng với gia đình Bích Phượng, cô bạn học cùng lớp của tôi. Tôi bàng hoàng đến choáng váng cả người, tôi không tra hỏi vì sao cô có được tin tức đó nhưng tôi biết đó là sự thật vì nếu phải chọn lựa giữa Bích Phượng và tôi, chọn lựa giữa sự đi và ở thì Thường chọn Bích Phượng là hợp lý nhất. Bởi vì Bích Phượng là con gái độc nhất của một thương gia giàu có và thế lực nhất nhì ở tỉnh Mỹ Tho nầy, ba của cô thường giao thiệp với Tướng, Tá, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng. Bích Phượng đẹp lộng lẫy với những quần áo sang trọng và một vẽ kiêu kỳ, nhìn đời bằng nữa con mắt, cũng phải thôi, cô có đủ lý do để kiêu hãnh. Tôi chỉ buồn vì nếu đã chọn Bích Phượng thì Thường còn đến với tôi để làm gì? Chẳng lẽ anh tàn nhẫn đến độ muốn đùa trên tình cảm với một con bé xấu xí quê mùa như tôi hay sao? Chẳng lẽ Ngân, con bạn thân nhất của tôi lại muốn về phe với anh nó đưa tôi vào một trò chơi ác nghiệt hay sao? Nhưng gì thì gì, sự thật vẫn là sự thật và sự thật là Thường đã nắm tay người tình mới ra đi. Tôi không ốm tương tư nhưng tôi bệnh một trận không đến nỗi thừa sống thiếu chết nhưng cũng làm cho tôi xanh xao vàng vọt. Mẹ tôi lo sợ lắm lúc nào cũng ở bên cạnh để săn sóc tôi, bà chỉ sợ tôi làm chuyện dại dột, bà an ủi tôi:
- Thôi con à, giữ người ở không ai giữ người đi, nó đã như vậy rồi thì trước sau gì nó cũng bỏ con mà thôi, tìm người khác họ có tình hơn con ơi.

Tôi hiểu mẹ tôi muốn nhắc tới Vịnh, người đã vì tôi mà bỏ cả chuyến đi Mỹ khi nó đang trong tầm tay mình, để giờ đây phải mang thân tù tội. Tôi thấy mẹ tôi thật tức cười, bà coi tôi như một con bé ham ăn, vật vã khóc lóc vì mất một cây kẹo nên để dỗ cho tôi nín bà vội vàng nhét vào tay tôi một cây kẹo khác. Thật lòng tôi không ghét Vịnh nhưng tôi cũng không thương anh. Cõi lòng tôi lúc nầy đang trống rỗng, tôi thấy chán ngán mọi thứ và trên hết tôi mất niềm tin ở mọi thứ, tình bạn, tình yêu… chẳng phải tôi đã có một tình bạn thân thiết và một tình yêu mật ngọt đó sao? Tôi thờ ơ với cuộc sống, thờ ơ với bạn bè và cả với chính mình. Nhưng nếu đem lương tâm ra mà xét, đem tình cảm giữa người với người ra mà đối xử với nhau thì tôi thấy tôi có một phần trách nhiệm với cuộc sống đọa đày ngày hôm nay của Vịnh dẫu rằng tôi chẳng hề hứa hẹn gì với anh. Nghĩ vậy nên thỉnh thoảng tôi viết thêm một vài hàng trong lá thơ gia đình gởi cho anh mỗi đợt thăm nuôi. Mẹ tôi thường làm một món ăn khô hay xào thịt với mắm ruốc và sả bằm nhỏ gởi cho Vịnh.

Sau sáu năm ở tù ngoài Bắc, Vịnh được đưa về Nam ở Xuyên Mộc, lần thăm nuôi đó theo lời khuyên của Mẹ, tôi có đi cùng với mẹ Vịnh vào thăm anh vì nghe đâu anh đang bệnh nặng, ngoài các thứ thuốc men, gia đình còn mong anh giữ chút niềm tin để chiến đấu với bệnh tật. Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh tiều tụy của Vịnh. Ngày trước Vịnh cao lớn to con là thế mà bây giờ nhìn quắt queo như một ông già, quần áo của anh đem theo giờ bận vào trông rộng thùng thình như đồ mượn. Bất ngờ khi gặp lại tôi Vịnh có vẻ mừng lắm. Hết giờ, trước khi đi vào trại Vịnh còn ân cần nói với tôi:
- Đừng lo, anh không sao đâu.
Tôi gật đầu mà nước mắt chảy thành giòng.
Không lâu sau Vịnh được thả về và không lâu sau chúng tôi cưói nhau. Tôi nhận lời lấy Vịnh là để cho ba mẹ tôi yên lòng.

Ông bà không thể nào sống bình yên khi tôi đã gần ba mươi mà cứ nhởn nhơ ra vào như con gái mười tám. Riêng tôi thì còn gì để mà trông mong, mà kén chọn nữa, về với Vịnh là chọn lấy một cuộc sống bình yên, chọn lấy niềm vui trong bổn phận và trách nhiệm. Không ai hiểu con bằng mẹ, mẹ tôi biết tôi không yêu Vịnh nên lúc nào bà cũng an ủi tôi:
- Ba mẹ ngày xưa cũng thế con à, có biết mặt nhau đâu mà vẫn sống đến già. Các anh chị con đã yên nơi yên chỗ hết rồi, chỉ còn mình con thôi. Thằng Vịnh nó là người tốt, ba má nó cũng thương con và là chỗ thân tình với mình, mẹ rất yên tâm khi gởi gấm đời con cho nó.
Tôi thở dài, biết làm sao hơn, mong rằng lâu rồi đời mình cũng qua.

Sau đó Vịnh đưa tôi vượt biên, chúng tôi định cư ở Úc và bắt đầu một cuộc sống mới. Đáng lẽ chúng tôi đã có một mái gia đình hạnh phúc nếu những người trong cuộc không cư xử quá vụng về, và lỗi lầm lớn nhất có lẽ là ở tôi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ tôi có trách nhiệm trong việc không ra đi của Vịnh, từ đó dẫn đến những năm tháng chôn vùi tuổi xuân của anh trong ngục tù và giờ đây là những căn bệnh còn sót lại trong cơ thể anh. Để đền bù tôi cố gắng chăm sóc cho anh, nhưng tiếc thay những chăm sóc chu đáo đó lại đến từ khối óc hơn là từ con tim nên nó thiếu cái nồng nàn của người vợ, thiếu cái nũng nịu của người tình, những chăm sóc làm đau lòng một người nhạy cảm như Vịnh. Từ đó Vịnh đâm ra hoài nghi và khép kín. Cuộc sống vợ chồng của chúng tôi tuy êm đềm nhưng thiếu sự cảm thông và chia xẻ lẫn nhau. Mỗi người là một đời sống riêng, một thế giới riêng mà người kia không có ngõ để bước vào. Khi chúng tôi nhận thức được rằng mình đang làm khổ nhau thì không lùi được rồi, ba đứa trẻ hai gái một trai đã ra đời, và vì tương lai của con cái chúng tôi lại cùng nhau ra sức chống đỡ cho cái gia đình đang lung lay đó. Dù sao, đó cũng là thời gian đẹp đẽ nhất của tôi và Vịnh vì cả hai còn có một điểm chung để mà bàn bạc với nhau trong bữa ăn hay trước giờ đi ngủ.

Nhưng rồi con cái cũng lớn lên, cũng theo nhau mà bỏ đi. Cậu con trai lớn có gia đình, mua nhà ra ở riêng, tuy không xa lắm nhưng phải cuối tuần mới đem gia đình về thăm ba mẹ. Cô kế theo chồng làm ngành xây dựng đi xây cất đâu tận Brisbane, cô Út cứ muốn học thêm mãi nên vẫn còn ở với ba mẹ nhưng cô cũng đã lớn rồi đã tự quyết định mọi việc cho mình từ rất lâu rồi. Thế là Vịnh và tôi mất cái điểm chung mong manh đã cột chặt hai người từ bấy lâu nay. Cả hai sống bên nhau như hai cái bóng lặng lẽ vào ra trong ngôi nhà rộng. Đêm đêm, nằm bên Vịnh nghe tiếng thở đều của anh, nhớ tới lời khuyên của mẹ tôi ngày trước tôi cứ thắc mắc hoài không hiểu tại sao mình không có được hạnh phúc như mẹ ngày xưa, tại tâm hồn tôi phức tạp hơn, tại con tim tôi ngỗ nghịch hơn, hay tại Vịnh cứ mãi hẹp hòi ghen tương với hình bóng mơ hồ của quá khứ. Thế mới biết hạnh phúc là sự đồng cảm chớ không phải hạnh phúc là đã đóng trọn vai trò một người chồng gương mẫu hay một người vợ tốt.

Sau đó, một người bạn cũ trong cùng đơn vị quân đội ngày xưa nay đang sống ở Mỹ mời gia đình tôi sang chơi. Tôi muốn dành thời gian cho con gái tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nên tôi đề nghị Vịnh đi một mình. Sau kỳ holiday đó, trở về Vịnh có vẻ vui vẻ, cởi mở hơn. Tôi chưa kịp mừng thì trong một buổi cơm chiều cuối tuần lúc con gái tôi đã xin phép đi chơi với bạn Vịnh cho tôi biết anh đã tìm được nguồn vui trong tôn giáo với một giáo phái nào đó ở Mỹ và giờ đây anh muốn được dồn tất cả thời gian và tâm trí của mình cho niềm tin đó. Tôi lặng lẽ nghe anh nói, không buồn mà cũng không vui. Bởi vì tôi đã biết trước cái kết cuộc tất nhiên nầy, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Vịnh có vẻ hài lòng trước phản ứng của tôi. Chúng tôi chia tay nhau như hai người bạn. Tôi kêu các con trở về, nói cho chúng nghe quyết định của Vịnh, gia đình có một ngày sum họp và một bữa cơm chia tay. Tôi thu xếp cho Vịnh ra đi với một nửa tài sản, phần còn lại tôi mua một căn nhà nhỏ với một mảnh vườn con con sống cùng đứa con gái Út.

em toi 4 500 

Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tôi không nhớ gì về quá khứ, chuyện xưa thật sự đã là một đống tro tàn, thì hôm nay cú điện thoại của Thường như một ngọn gió thổi bùng lên ánh lửa tưởng chừng đà tắt ngấm. Kỷ niệm như những chiếc lá mùa thu cứ từ từ rơi rụng xuống tâm hồn tôi, tôi như sống lại cái thời hoa mộng đó, kỷ niệm xen lẫn vào cuộc sống đời thường của tôi như những đám mây trắng bay qua bầu trời xanh, cứ như vậy tôi sống giữa mộng và thực. Lửng đửng lờ đờ hết mấy hôm chưa kịp hoàn hồn thì tôi nhận được một lá thơ, một lá thơ viết tay hẳn hòi. Lâu rồi, tôi đã quen nhận những cái e-mail vắn tắt vài hàng thăm hỏi của con hay bạn bè, lá thơ viết tay thật sự đã làm tôi cảm động vì tôi thấy những giòng chữ viết tay bao giờ cũng chuyên chở những tình cảm của người viết hơn là những hàng đánh máy cứng ngắc và vô hồn. Thơ không phải là của Thường mà là của Tú, em trai Thường. Và đây là nội dung của bức thơ.

Sydney, ngày….tháng…năm…

Chị Diệp thân mến,

Em xin lỗi đã đường đột viết thơ cho chị, cũng như đã đưa số điện thoại của chị cho anh Thường. Em cũng xin chị đừng giận em về việc đã tìm tòi để có số điện thoại và địa chỉ nhà chị. Em mong chị hãy đọc cho hết lá thơ nầy đừng vội bỏ nó vô sọt rác mà em mất đi cái cơ hội bày tỏ với chị một nỗi niềm em đã mang trong suốt mấy chục năm nay.
Chị Diệp ơi,
Ngày anh Thường đưa chị về nhà em thì em hãy còn là một đứa bé, nhưng em cũng hiểu được mối tình sâu nặng của anh chị. Thật lòng em rất thương chị và luôn mong chị sẽ là chị dâu của em bởi vì chỉ có chị chớ không ai khác hơn hiểu và thông cảm với sự bất hạnh của em, không coi em như một gánh nặng mà họ phải cưu mang vì chị là một người có lòng như anh Thường vẫn nói. Nhưng oái oăm thay chính em lại là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của anh chị. Hồi đó, những ngày cuối cùng của tháng Tư thì mẹ em nhận được hung tin và di vật của ba em do một người lính tan hàng về trao lại. Cũng chính người lính nầy đã kể lại cho gia đình em về những phút giây cuối cùng của ba em, ba cùng một số anh em chiến sĩ đã tử thủ để phần lớn anh em khác rã ngũ trở về với gia đình. Những người ở phía bên kia không biết quân số còn lại trong đồn nên dập pháo liên tục để chiếm đồn và những người tử thủ, có lẽ, thịt xương đã lẫn cùng đất cát…

Chị không thể hình dung được nổi khổ sở và hoảng loạn của mẹ em ngày ấy, vì ba dầu có đi xa vẫn là chỗ dựa của gia đình, nay mất ba mẹ không biết phải quyết định như thế nào cả, phần sợ sự trả thù của những kẻ thắng trận, phần lo cho tương lai của các con, nhất là của em. Chính lúc đó ba chị Phượng đã đến, ông đề nghị cho cả gia đình đi chung với gia đình ông trong chuyến bay sắp tới với tư cách là thông gia. Anh Thường đã phản đối quyết liệt lúc biết được việc đó nhưng mẹ em đã khóc lóc, năn nỉ anh thậm chí đòi ôm em nhảy xuống sông tự tử để làm áp lực với anh Thường. Cuối cùng, anh Thường đồng ý. Sang Mỹ, họ sống với nhau không được bao lâu vì trường học khác trường đời nên những tài hoa đã đưa anh Thường lên ngôi thần tượng một thời của chị Phượng bỗng chốc trở thành vô dụng. Trong cái xã hội thực dụng, bon chen và giành giựt như nước Mỹ anh Thường đâm ra vụng về vì với tâm hồn nghệ sĩ khi quyết định việc gì anh dễ tuân theo cảm tính của mình, trái lại chị Phượng thì gần như quyết định gì của chị cũng được đưa lên bàn tính để thành ra những con số lỗ lời.

Sau khi chia tay nhau, chị Phượng mau chóng lập gia đình và đã ổn định cuộc sống với con cái đầy đủ, chỉ tội nghiệp anh Thường từ đó đến nay đã hơn hai mươi năm anh vẫn sống một mình. Em biết, anh vẫn còn thương nhớ chị, em vẫn cho anh những tin tức về chị vì em không ở xa chị lắm nhưng vì anh Thường dặn em phải tránh mặt để chị yên ổn với cuộc sống gia đình. Có khi tình cờ em cũng gặp chị, em nhận ra chị nhưng chắc chị không nhận ra em vì em đã thay đổi nhiều và em đã được giải phẫu trị liệu nên tuy vẫn mang tật nhưng em có thể đi đứng được mà không phải chống nạng như xưa.

Chị Diệp, gởi những giòng chữ nầy cho chị em không dám mong là chị sẽ tha thứ cho anh Thường để nối lại tình xưa nghĩa cũ, em chỉ mong chị cho anh một cơ hội để nói lời xin lỗi, có như vậy em mới mất đi cái mặc cảm đã làm khổ anh chị suốt mấy chục năm nay và mẹ em nơi suối vàng cũng được thảnh thơi. Tội nghiệp bà, bà luôn bị cắn rứt vì hành động của mình ngày trước nhất là khi thấy anh Thường không thể sống chung với chị Phượng. Tận cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn nhắc nhở đến chị và mong chị đừng hờn trách bà. Đây là tuần lễ cuối của anh Thường ở Úc, cuối tuần nầy em sẽ đưa anh đến nhà chị, rất mong chị đừng từ chối. Chúc chị vui và vẫn mở rộng lòng mình như ngày nào em còn bé.
Em,
Nguyễn Minh Tú

Tôi đọc đi đọc lại lá thơ tới mấy lần mà vẫn còn ngơ ngẩn, những hàng chữ ngắn ngủi đó đã đưa tôi trở lại cái cảm giác hụt hẫng, bơ vơ lạc lõng của những ngày đầu khi Thường bỏ ra đi. Tôi có quên cái cảm giác đó để chấp nhận lời xin lỗi của Thường hay không? Trong cuộc sống tôi không phải là người cố chấp, tôi dễ tha thứ và dễ chấp nhận một con người bình thường với những khiếm khuyết của họ. Nhưng trong vấn đề tình cảm tôi hơi khắt khe, lỗi lầm nào cũng có thể xét lại nhưng sự phản bội thì không. Ai đã bước ra khỏi cuộc đời tôi thì chỉ có thể một đi mà không trở lại. Thường có thật sự phản bội tôi không? Cuộc sống đơn lẻ của anh trong hơn hai mươi năm qua có thật là do anh vẫn còn nghĩ đến tôi hay vì một lý do nào khác? Tôi tin rằng mẹ Thường đã làm áp lực với anh để anh chấp nhận ra đi cùng Bích Phượng, bởi vì tôi hiểu bà cũng như mẹ tôi không đặt nặng vấn đề có nên sống chung với người mình thật sự yêu thương hay không, vả lại Bích Phượng là một người xứng đáng, xinh đẹp, giỏi giang, một người vợ mà biết bao người đàn ông mơ ước. Còn Tú nữa, Tú là một cậu bé đáng thương, nếu phải hy sinh tình cảm của Thường cho tương lai của Tú thì cũng là một điều đáng làm, giả sử như Thường không ra đi mà ở lại với tôi thì liệu chúng tôi có thể an hưởng hạnh phúc hay không khi nhìn tương lai của Tú đi vào ngõ cụt.

Tôi đã làm mẹ tôi hiểu tâm trạng của những bà mẹ trước tương lai đen tối của con mình, mẹ nào lại chẳng thương con, nhất là những đứa con bất hạnh. Tôi không giận bà vì nếu tôi ở trong hoàn cảnh của bà chắc tôi cũng hành động như bà mà thôi. Nghĩ cho cùng thì chẳng ai có lỗi trong sự đổ vỡ ngày xưa cả, chỉ do hoàn cảnh, hoàn cảnh đẩy đưa đã khiến những đứa trẻ mười tám đôi mươi, trong lòng còn đầy mộng đẹp, còn muốn sống chết cho tình yêu bỗng chốc trở thành nhân vật chính, nắm giữ quyền quyết định cho sự thành bại trong những tính toan của người lớn. Hiểu được điều đó tôi thấy lòng thanh thản hơn, an nhiên tự tại hơn, thôi thì cứ gặp nhau như hai người bạn cái đã, phần còn lại cứ để cho con tim quyết định.

Giờ hẹn với Tú rồi cũng đến, tôi đâm ra hồi hộp khi có tiếng xe đậu trước cửa, vén rèm nhìn ra ngoài tôi thấy Thường vẫy tay chào những người trong xe rồi chậm rãi bước vào. Tôi đứng sững không nhúc nhích được và nước mắt ở đâu không biết cứ rơi lã chã khi tôi nghe tiếng chuông cửa reo vang. Con gái tôi chạy ra mở cửa vừa đi vừa cằn nhằn:
- Mẹ sao kỳ quá đứng ngay đây mà không chịu mở cửa cho khách vào.
Nó đột nhiên nín bặt khi thấy gương mặt đầm đìa nước mắt của tôi, biết có chuyện nghiêm trọng nó lặng lẽ rút lui sau khi gật đầu chào Thường.
Thường đây rồi, Thường của tôi sau hơn hai mươi năm xa cách. Tôi không nhìn thấy gương mặt anh vì nước mắt không ngừng rơi, tôi chỉ nghe thấy tiếng gọi của anh, tiếng gọi dường như không phải của hôm nay mà là của ngày nào:
- Diệp ơi…

Xuân Lan

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com