User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

TTT Ong Sao

Từ biển mặn cha gom mây làm giấy. Viết trang thư gởi mẹ chốn non cao. Đọc thư cha lòng mẹ buồn biết mấy. Con! Con ơi! Con hư đến thế sao? Nghĩa đồng bào từ bọc thai trăm trứng. Tuy phân hai nhưng cùng giống cùng giòng. Bốn ngàn năm con cháu Tiên Rồng, chia nhau mảnh giang sơn gấm vóc. Lời thư cha làm mẹ buồn bật khóc. Dòng lệ rơi thành những trận mưa nguồn. Tiếng nấc nghẹn ngào là sấm vọng trong truông. Một chút thở dài là cảnh rừng cây thay lá. Quà cho con từ xuân sang hạ, thu tiếp sang đông, mẹ vẫn gởi nhờ theo những dòng sông..., thật đầy đủ, không bao giờ sai hẹn. Thư của mẹ cũng theo ra tận biển, sóng bạc đầu xô vỗ tiếng hoan ca. Thư mẹ trả lời cha: Tình núi rừng biển cả. Cho dẫu: Con nhìn cha xa lạ. Con nhìn mẹ hững hờ. Con yêu quý! Yên tâm! Không sao cả! Con của mẹ, mẹ vẫn yêu vẫn nhớ! Cha vẫn âm thầm, không than không thở; vẫn mãi lặng thinh không hề trách một lời! Các con ơi! Thôi thì cứ vui chơi! Chừng nào chán hãy quay về với cha với mẹ! Trong vòng tay, hãy nghe lời mẹ kể, câu chuyện ngày xưa, bên ánh lửa hồng… Chuyện mùa Xuân. Chuyện mùa Hạ. Chuyện mùa Thu. Chuyện mùa Đông. Chuyện núi. Chuyện Rừng. Chuyện sông. Chuyện biển. Chuyện thần tiên linh hiển. Chuyện phù thủy gian tham. Chuyện cái nước Việt Nam, chuyện đàn con của mẹ.

Ờ! Ờ! Thì đây mẹ kể cái chuyện mùa Xuân: Có chú mục đồng, chăn trâu ngoài ruộng! Đến khi chiều xuống, chú dẫn trâu về. Xếp cây roi tre, chú cầm ống sáo. Con trâu không cần bảo, thong thả bước trên đê. Ngồi trên lưng trâu, chú chăn trâu trông sang hơn cả Bá Lý Hề của Trung Quốc. Cây sáo tre thành cây sáo ngọc trổi khúc ly tao. Tha thiết ngọt ngào, tiêu dao trầm ấm! Càng nghe càng thấm. Tiếng sáo chiều vang vọng bờ đê. Thằng bé chăn trâu không biết ai dạy mà thổi sáo hay ghê! Nhất là trong lúc chiều về nơi đồng quê hoang dã! Tiếng sáo nghe hay chi lạ! Hay vì đây là tiếng dân tộc tự tình! Chỉ riêng mỗi một đất nước mình, mới có thằng con nít ngồi trên lưng trâu thổi sáo! Chẳng cần biết nhạc luật cung đình ngũ âm xàng xự ra sao. Chẳng cần biết thế nào là mím, đập, vuốt, buông này nọ khi thổi sáo. Chỉ biết mỗi một cây hóp nhỏ mọc ở góc vườn. Chặt cây hóp, ép cho thẳng, phơi khô, để đó; chờ lúc rảnh rỗi, buồn buồn làm ống sáo thổi chơi. Đây là “Ống sáo trâu” nên chẳng sợ ai cười. Lại nữa, có lẽ vì cảnh đời ô trọc nên tiếng sáo tre thường phát ra những âm thanh buồn não nuột! Buồn nhưng không ấm ức, không oán than, bực dọc, càu nhàu. Em bé chăn trâu vẫn cất tiếng cười dòn tan khi bày tỏ niềm vui. Em vẫn rất là tươi cho dù đời cực khổ. Trên lưng trâu, em dùng cây sáo nhỏ: Thả hồn về trong thế giới thần tiên. Rất đẹp. Rất hiền. Tất cả của riêng em không ai dành lấn. Trong chiều tà, sương khói mông lung. Gió xuân đã thì thầm sao đó, làm trăng xuân thẹn thùng chưa chịu để lộ mảnh xuân thì chua ngọt cốm chanh. Con trâu đen vẫn không chịu bước nhanh. Đủng đa đủng đỉnh, ngúc nga ngúc ngắc cặp sừng, thỉnh thoảng cong cái đuôi quất lên trên lưng rồi quất xuống phía bên hông… Qua hết bờ đê, băng một quãng đồng, xong quẹo vào xóm nhỏ. Lối quen cũ, lũy tre xanh bên bờ cỏ xanh xanh. Con trâu hiền lành đứng yên đợi chờ vô cùng bình thản. Tiếng sáo tre chấm dứt tự bao giờ!

Ờ! Ờ! Thôi mẹ kể lại… Giữa cánh đồng cỏ dại, có chú bé chăn trâu… Chiếc ống sáo đeo bên hông bóng láng như bôi dầu, lủng la lủng lẳng… Nhìn thử bên Trung Quốc: Ninh Thích chăn trâu còn không sánh kịp. Lão Tử cỡi thanh ngưu cũng phải thua xa. Mấy người này là những “triết gia, đạo gia hay chính trị gia” các thứ. Họ rất giàu ngôn ngữ có lẽ vì đã đọc hết sách của thế gian. Người ít học sợ họ, không dám đến gần. Họ được thể mở miệng nói ra toàn những câu khó hiểu, hoặc rộn ràng như tiếng đàn sắt căng dây tơ của họ. Họ là những người vừa đọc sách, vừa đánh đàn, vừa chờ đợi “cơm bưng nước rót!”. Ông Lão Tử phải thuê người chẻ tre để cho ông ghi sách. Ông Ninh Thích phải mua cây đàn sắt để cho ông gảy tiếng “tình tang”. Họ không thể tự tay làm lấy vật dụng cho chính họ như chú bé nước Việt Nam tự làm lấy cho chính mình cái ống sáo trâu cục mịch đơn sơ. Chuyện vừa đọc sách, ngâm thơ, vừa đánh đàn sắt ngày xưa bên Trung Quốc bây giờ ít người nhắc đến, nay tiện thể nói ra để đàn con của mẹ biết. Các con nhớ nhé: Mấy người này là những bậc “đại nhân”, biết tất cả mọi chuyện xa gần trong thiên hạ. Biết cả đánh đàn trong khi vất vả học hành, cho dù đang cưỡi trâu như Ninh Thích hay ngồi trên nền đất như Lão Đam. Có một điều họ không biết là lắng nghe những lời tự tình dân tộc. Có một việc khác nữa mà họ không thể nào làm là “cải lão hoàn đồng” tức làm cho trẻ lại như chú mục đồng nước Việt chưa hề biết chữ “thánh hiền”, chưa hề “làm biếng” để thổi ống sáo trâu con ạ!

Nhưng thôi, chuyện bên Tàu là chuyện của người ta. Đem so sánh, sẽ thấy người Việt mình tài hoa hạng nhất. Ngay như em bé chăn trâu để đầu trần, đi chân đất. Tuổi hoa niên đã phải vất vả trăm chiều. Nghèo vật chất, nhưng giàu tiếng sáo tre dìu dặt lai láng tình quê! Tâm hồn dân tộc đã được nuôi nấng bằng lời ru của mẹ. Từ lúc mới chào đời cất tiếng khóc oe oe. Giòng sữa ấm và những tiếng à ơi êm ái. Lời mẹ ru, tiếng mẹ nói bên tai! Cho dù hoàn cảnh giàu nghèo vô cùng khác biệt, nhưng tình mẹ con ai cũng như ai! Kẻ chăn trâu nổi tiếng ở bên Tàu chỉ được năm ba vị, trong khi nước Việt Nam của mình, tính sơ sơ từ thời ông Đinh Bộ Lĩnh, ông Lê Lợi, xuống tới Đào Duy Từ và vài thế kỷ sau: người biết thổi “ống sáo trâu” đếm hoài không hết!

Ừ! Ừ! Để rồi mẹ sẽ kể tiếp câu chuyện ngày xưa!

Thân Trọng Tuấn

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com