(Viết tặng người vợ thương yêu)
Phiên chợ bắt đầu từ sáng sớm, đến xế chiều thì chợ tan. Cảnh chợ chiều thường ảm đạm thê lương. Cuối chân trời, ánh thái dương ngập ngừng ngả mầu cam và chẳng bao lâu nữa, cảnh chợ tan trong khói sương chiều và sẽ còn hoang vu gấp bội.
Cuộc sống khi về già chẳng khác gì cảnh chợ chiều, đôi khi cũng u buồn không kém. Chợ chỉ họp một ngày từ sớm mai đến chiều tối, đời người ai cũng sống một lần nhưng đố ai biết giờ nào thì chợ tan, năm tháng nào chúng ta ra đi?
Bố mẹ tôi gặp nhau giữa chợ đời cách đây hơn 80 năm. Buổi bình minh năm ấy, tôi ra đời lúc mặt trời lên cao nhất vào giữa trưa, và tôi là đứa con thứ tư trong gia đình bẩy người.
Cách đây một phần tư thế kỷ, mẹ tôi số phận hẩm hiu, trời bắt về nghỉ sớm giữa cảnh chợ còn nô nức náo nhiệt nên đám tang cũng đông như phiên chợ bởi gia đình và bạn bè ngỡ ngàng thương tiếc.
Tôi vẫn nhớ như vừa mới hôm qua, trời Tháng Tư vào buổi trưa, nắng vàng còn lung linh trên đầu cây ngọn cỏ trong nghĩa trang Loma Vista, một nỗi buồn có ý thức xâm chiếm hồn tôi, duy nhất và mãnh liệt như chưa bao giờ kinh hoàng như thế! Nước mắt rơi vô định tựa máu tuôn ra ngoài. Trái tim vùi giập, co thắt bất thường của người con biết mình đã mất mẹ từ đây. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, vết thương lòng ấy vẫn còn và tôi cũng chưa gặp nỗi buồn nào lớn hơn!
Ðoạn trường này... ai có qua cầu mới hay!
Mẹ đi rồi, chiều hôm bên bếp lửa, hương khói gia đình nhạt nhòa theo thời gian. Hình ảnh sum họp bên nhau mất đi nhiều ý nghĩa. Anh em tôi, tự do bay bổng như đã dứt khoát cắt lìa cuống rún của mẹ từ dạo ấy, người đi xa hay ở gần đều hoang vắng! chẳng mấy ai còn nhớ dư âm những ngày xưa thân thiết nên ít khi quay đầu nhìn lại... vì thế vô tình nhiều năm tháng quên cả người cha già đang sống lẻ loi một mình. Thế mới biết tình mẹ thiêng liêng! Sự gắn bó ấy vô hình nhưng có thể thay đổi cuộc sống toàn gia đình khi mẹ mất đi! Ai ơi hãy xem mẹ như đời mình, như món quà quý nhất Thượng Ðế ban cho... mỗi người chỉ một lần rồi thôi. Tiếc thay! trong cuộc sống bể dâu, ai có đôi mắt sáng thì lại thường không biết nhìn...
Bố tôi đã trên 100 tuổi, vẫn sống giữa buổi chợ chiều nhưng tâm hồn và thể xác rã rời mệt mỏi. Giai đoạn này có lẽ gian nan nhất đời Cụ vì không thể sống độc lập mà ngược lại cần sự chăm sóc toàn thời gian cho việc ăn uống, vệ sinh và di chuyển.
Một buổi chiều trong tiết Tháng Ba nhân ngày lễ Thanh Minh, đi viếng mộ mẹ tôi về, hôm ấy trời đổ mưa, Cụ xuất khẩu thành bài thơ mà mỗi lần đọc lên, tôi lại thấy xót xa trong lòng:
“Thanh Minh viếng mộ em nằm
Vẫn còn thoang thoảng hương trầm tiễn nhau
Sụt sùi trời khóc cùng tôi
Hạt mưa lã chã tơi bời tim đau
Viếng em anh lại say rồi
Bóng trong nước mắt giọng cười năm xưa
Bông hồng trên mộ ánh trưa
Ðợi luân hồi đến, em đưa anh về...”
Bài thơ này cách đây đã lâu. Ðời người theo kiếp luân hồi, khi về già ta trở thành đứa bé trong tấm thân cằn cỗi. Bố tôi cũng không tránh khỏi vòng sinh tử của tạo hóa. Cụ đi đứng bắt đầu khó khăn, hai ba bước lại dừng chân nghỉ. Thính giác và thị giác chỉ còn chút khả năng nhưng đó là bề ngoài cơ thể, không quan trọng bằng sự suy nhược của khối óc và tinh thần bên trong, mất đi sự suy luận để trở về trạng thái trẻ thơ. Mỗi giây phút qua đi đều là sự khởi đầu vì người già vừa nói xong đã quên ngay nên tâm hồn Cụ lúc nào cũng như tờ giấy trắng, mỗi ngày lật một trang. Tôi vẫn nghĩ, cuộc đời Bố đã le lói suốt trăm năm thì những năm tháng cuối cùng này sẽ chẳng huy hoàng như trường hợp của mẹ tôi vì bệnh tật rình rập hành hạ, bạn bè đã về bên kia thế giới tất cả. Chung quy chỉ còn lại nỗi buồn cô đơn và hàng ngày chờ đợi con cháu giúp đỡ mỏi mòn.
Ý thức được điều đó nên tôi thường thu xếp để về sống với Bố khi hoàn cảnh cho phép vì hiểu rằng chẳng bao lâu nữa mối tình này sẽ khép lại, không còn bỏ ngỏ như hôm nay. Tình huynh đệ hợp lực để chăm sóc người cha già chưa bao giờ quan trọng và cần thiết hơn lúc này. Câu nói một con én không làm nổi mùa xuân là lời khuyên đầy ý nghĩa cho tất cả anh chị em tôi. Ước mong ai cũng hiểu để thực thi trách nhiệm của mình một cách hoàn hảo.
Sống với người già cần nhiều bài học tâm lý. Khi xưa cứ tưởng có tiền và thời giờ là khuất phục được mọi trở ngại nhưng thực tế khó khăn đến mức độ mà chính mình phải giác ngộ và sửa đổi sự suy nghĩ nếu không muốn bị thất bại vì tuyệt vọng. Từ khi sinh ra, cái nhìn của tôi về đấng sinh thành không thay đổi, xuất phát từ ý nghĩ cao cả và tình yêu thương kính mến. Khi Bố tôi nói hay làm điều gì sai, tôi không vô tư bỏ qua, ngược lại muốn phân trần với Cụ theo tư tưởng người xưa: Nhân vô thập toàn vì thế tạo nên tranh luận. Những chuyện giản dị, phải trái, rõ như ban ngày nhưng Bố tôi bây giờ đối đáp xử thế một cách rất lạ kỳ...
Người già trong cảnh chợ chiều, được chia thành hai phần đối nghịch: Có cụ hiền, có cụ dữ khi tuổi đời càng cao. Bố tôi trung dung ở giữa. Tùy lúc, tùy nơi, tùy người đối diện mà nổi cơn điên. Một hôm, đi ăn cơm về, Cụ ngủ trưa. Ðến khi thức dậy, tôi khuyên Cụ đi tắm cho khỏe nhưng vì không muốn nên Cụ thản nhiên bảo: “Trong khi ông ngủ, tôi tắm, sạch sẽ rồi!” Tôi nào có ngủ đâu! thế là Bố con lại cãi... Bữa khác, Cụ thèm thuốc lá, tôi đưa Cụ điếu thuốc nhưng cố dặn đừng hút trong nhà. Bố tôi nói: “Biết rồi! không bao giờ hút ở đây, ra ngoài sân mới đốt, đây này... ông thấy tôi để trên vành tai!” Tôi yên trí, quay ra làm bếp thì Cụ ngồi ở phòng khách đốt thuốc, đến khi Cụ khập khễnh ra gạt tàn bên cửa sổ mới biết sự thực... nói một đàng nhưng Bố làm một nẻo. Tôi mang mặc cảm bị lừa gạt nên Bố con lại cãi... Lần khác, Cụ ngồi đếm tiền, khoe mới rút từ ngân hàng được $175. Lát sau, bỗng nhiên thấy vẻ mặt Cụ lo lắng, rút bóp đếm lại rồi u sầu xòe bàn tay phân trần: “Mất hết tiền rồi!” Tôi hỏi ai lấy thì Bố tôi trả lời: “Ở đây chỉ có tôi và ông...” Rồi Cụ giận, không nói một lời.
Ði đâu, Bố tôi cũng muốn theo giống như tôi ngày xưa còn bé. Chúng tôi thường sống bên nhau, trong căn nhà miền núi giữa đồi thông. Những buổi chiều êm gió, hai bố con ngồi bên bờ hồ nhìn ngọn phi lau xào xạc, mỗi người một ý nghĩ về tính vô thường của kiếp người: mới hôm nao hăng say bước vào đời, hôm nay hai người già ngậm ngùi dìu nhau đi trong cảnh chiều tà. Hồi tưởng lại kỷ niệm năm lên 10 được Bố dắt lên Ðà Lạt lần đầu tiên. Bố lái chiếc xe Simca, người bạn ngồi bên cạnh, tôi nằm ngủ phía sau. Trời về khuya, khói sương lạnh bay thấp thoáng qua rừng thông. Nửa đêm, xe bất chợt thắng gấp, đẩy tôi lăn xuống sàn. Tỉnh giấc, nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng: con nai vàng xấp xỉ cao bằng tôi, ngơ ngác đứng giữa đường như bị thôi miên vào ánh đèn pha. Nếu Bố tôi không kịp thắng thì chiếc xe có thể đã lăn xuống vực sâu và con nai bị chết thảm thương. Sáng hôm sau, dậy thật sớm, run rẩy trong sương mờ lạnh giá, tôi say mê nhìn những bông bất tử vừa nở, hoa pensée và forget me not tim tím mọc đầy vườn. Tâm hồn tôi hạnh phúc! Sự lãng mạn có lẽ đã nẩy nở ngay từ phút đầu tiên đứng trước thiên nhiên giữa buổi ban mai lơ lửng khói sương của miền cao nguyên thơ mộng này.
Một hôm, tôi khuyên Bố nên mũ ni che tai, đừng để ý chuyện tiền bạc và chuyện các con tiếp đón bạn bè ở xa đến nhà... Trường hợp không hợp ý thì vào phòng đóng cửa yên lặng nghỉ ngơi. Bố ngồi nghe chăm chú, tôi mừng thầm trong bụng vì lần này đã nói chuyện phải trái với Cụ được rồi. Phấn khởi dắt Cụ đi ăn sáng rồi ngồi cà phê Starbuck trò chuyện nhưng đến lúc đó tôi mới hiểu mình đã thất bại. Cụ không nghe mà lại có phản ứng ngược, Cụ muốn chết và dặn tôi mua giùm viên thuốc bỏ vào cà phê để chỉ 15 phút sau là có thể đi ngay. Tôi không tin Cụ nói thật, chán nản ra về và không quên mang theo hai ly cà phê uống phân nửa dở dang... Trở lại phòng, Cụ thấy trên tay tôi cầm ly cà phê, tưởng đã đáp ứng đòi hỏi vừa qua nên Cụ tu ừng ực đến cạn ly rồi chào từ biệt. Tôi bắt đầu hoang mang như bị dồn vào ngõ cụt, cảm thấy tuyệt vọng không lối thoát... Vì có tình nên tôi mang tội, tôi buồn về sự bất lực, không biết nói sao để Bố hiểu nên nhiều đêm không sao ngủ yên. Kháng thể yếu đi, tai tôi bị nhiễm trùng và miệng lở loét bởi sự giao động khẩn trương của tâm thần.
Vợ tôi có ít nhiều kinh nghiệm sống với mẹ già khi xưa nên khuyên tôi những bài học tâm lý đối với người già. Nhờ đó, tôi bắt đầu hiểu và thấy ánh sáng cuối đường hầm. Bố tôi đã thay đổi theo tuổi già! Người vẫn sống nhưng thời gian đã cướp đi dần dần sự tinh nhuệ về thể chất lẫn tinh thần. Tôi phải sáng suốt để không tuyệt vọng và đau yếu. Hoàn cảnh giống như trên máy bay khi mặt nạ oxygen thả xuống, hành khách phải lo chụp vào miệng mình thì mới hy vọng sau đó còn có thể giúp được người chung quanh. Vấn đề nan giải là tôi phải đối diện với chính bản thân mình để thích ứng với Cụ. Bài toán chỉ một mình tôi biết lời giải. Cụ là người đặt vấn đề nhưng sẽ không bao giờ có câu trả lời.
Sáng mai, tôi sẽ đến gặp Bố, sẽ dắt người đi ăn nhậu sáng trưa chiều, và sẽ không bao giờ biện luận... Ðúng sai không còn ý nghĩa đối với tuổi già của Cụ. Nếu có điều gì Cụ đòi hỏi mà tôi không làm được thì tốt nhất là tảng lờ hay nói tránh sang chuyện khác vì người già mau quên.
Theo kiếp luân hồi, Bố đã trở thành tôi vào lúc còn bé. Cho nên dù vật đổi sao dời, ngày nào hai bố con còn đi bên nhau giữa cảnh chợ chiều là còn nhìn thấy hạnh phúc mà ít ai có được diễm phúc như tôi.
Cao Đắc Vinh