Vài hàng về tác giả: Ông Võ Long Triều sinh năm 1934 tại Bến Tre, nhưng lớn lên, học hành và sinh sống tại Sài Gòn. Từ năm 1951 đến 1961, ông đi du học tại Pháp. Trở về nước, ông phục vụ tại Bộ Canh Nông VNCH và giảng dạy tại trường Ðại Học Nông Lâm Súc. Dưới thời Nội Các Chiến Tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, ông được tham khảo và mời giữ chức vụ Bộ Trưởng Thanh Niên. Sau thời kỳ Nội Các Chiến Tranh, ông Võ Long Triều cho ra tờ Ðại Dân Tộc và tranh cử vào ghế dân biểu Hạ Nghị Viện VNCH khóa sau cùng trước 30 Tháng Tư 1975. Sau biến cố này, ông Võ Long Triều cũng đã phải trả cái giá 11 năm tù trong các nhà tù Cộng Sản.
Tuổi già con người hay sống lại với những kỷ niệm xa xưa. Ngồi một mình tưởng nhớ thời thơ ấu, hay kể lại cho con cháu những thú vui mà bây giờ chúng nó không còn cơ hội để thưởng thức bởi hoàn cảnh và điều kiện sinh sống không giống như thời đã qua. Cũng có lúc cùng với bạn bè nhâm nhi trà rượu kể cho nhau: Hồi đó tao thế nầy mầy thế khác, quê tao ruộng ít vườn nhiều, quê mầy ruộng đồng mênh mông, đến mùa lúa chín nhìn giống như mặt biển vàng rực rỡ. Mỗi khi gió đùa sống gợn nhưng lúa vàng không rớt xuống đồng.
Làng tôi nhỏ tên gọi là Phú Thuận, cạnh bên Tân Hưng và Châu Hưng, thời Pháp thuộc nhập ba xã thành Châu Phú Hưng, quận Bình Ðại, trước thuộc tỉnh Mỹ Tho sau nhập vào tỉnh Bến Tre. Khai sanh của tôi vẫn ghi tên xã Châu Phú Hưng tỉnh Mỹ Tho.
Thời tiết miền Nam, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hai mùa: Mưa và Nắng. Mưa từ khoảng tháng 4 cho đến tháng 10, nắng từ tháng 11 đến tháng 3. Trận mưa đầu mùa gọi là “sa mưa dông”. Năm nào hạn hán, đồng khô cỏ cháy thì dân chúng xôn xao, già trẻ bé lớn đều than van khấn vái. Bởi vì ruộng khô, nhà nông không cày cấy được, trễ mùa thất thu gia đình khốn khó. Những gia đình không phải nông dân cũng cần hứng nước mưa chứa vào lu, mái, để dành uống suốt năm. Khi tắm giặc thì dùng nước sông nước giếng. Do đó trời mưa hay nắng hạn quan trọng vô cùng đối với dân trong làng.
http://vistalandtravel.com/images/tours/2008_07/281/Song%20nuoc%20cuu%20long.jpg
Nắng hạn đi bơi
Nếu cuối tháng 4 mà trời vẫn còn nắng hạn, dân làng tha oán, hương chức hội tề nhóm họp liên miên, bàn tán có nên tổ chức “Ði Bơi” để cầu trời xin mưa hay nên chờ đợi. Ði bơi là một truyền thống lâu đời của làng tôi. Một hình thức toàn ban Hương chức Hội tề và dân làng cầu trời một cách trang trọng và thành khẩn nhằm mục đích duy nhứt là xin trời mưa xuống cho dân nhờ.
Hương chức Hội tề có nghĩa là ban Lãnh đạo Làng xã. Ban Cố vấn gồm hai bậc Trưởng thượng uy tín nhứt trong làng: Hương Bái, Hương Bồi do ban hành chánh của làng bình bầu và ông Hương Cả đích thân mời thỉnh. Nhiều vị Bái, Bồi hoặc khiêm nhường, hoặc muốn làm giá, nên eo xách từ chối đôi ba lần trước khi nhận chức. Hai vị nầy chủ xướng việc Tế lễ Cúng bái trong làng như Cúng Thần hay Tế Trời Đất.
Ban hành chánh gọi là Hương chức Hội tề gồm có 12 vị: Hương Cả (chủ tịch), Hương Chủ (phó chủ tịch), Hương Sư (cố vấn), Hương Trưởng (ngoại vụ), Hương Chánh (nội vụ), Hương Giáo (giáo dục), Chánh Hương Quản và phó (cảnh sát) Hương Thân (thư ký nội dịch), Hương Hào (thư ký ngoại dịch), Chánh Lục Bộ và phó (tài chánh, nhiệm vụ chính là thu thuế ). Thời pháp thuộc, lúc tôi còn nhỏ có khoản thuế thân là ác nghiệt nhứt. Mỗi người dân trong làng từ 21 tuổi trở lên phải đóng thuế mỗi năm để có quyền sinh sống trong làng. Người ta bị xét giấy thuế thân như xét thẻ căn cước bây giờ. Có người nghèo quá trốn thuế bị Chánh Lục Bộ đề nghị Hương Quản bắt “đóng trăn”. Nhiều người ở tỉnh thành không biết đóng trăn là gì, có lẽ cũng nên giải thích sơ qua.
Cây trăn làm bằng hai tấm ván dầy bề ngang năm tất bề dài khoảng hai thước, chồng lên nhau theo chiều đứng của bề ngang, kẹp trong bốn cộc cứng chắc ở hai đầu, tấm ván trên có thể kéo lên hạ xuống. Trên mặt hai tấm ván có khoét hai lỗ nhỏ vừa với cổ chân người. Tội phạm đút hai chân vào, tấm ván trên hạ xuống, trên hai cọc cây của hai đầu có cây nêm đóng cứng lại, hai tấm ván khít rịt không kéo lên xuống được nửa cho tới khi có người mở nêm. Tội nhân chỉ còn nằm chờ Hương chức Hội tề phân xử hay giải về quận hoặc tỉnh thành. “Ðóng trăn” đồng nghĩa với còng nằm bây giờ, bằng một thanh sắt xỏ ngang còng chân đóng dính vào sàn nhà.
Nếu hạn hán kéo dài làng phải tổ chức “đi bơi”. Ban Hội tề chỉ thị cho ông “dân trường”, người tùy phái của làng đi khắp nơi thông báo ngày dân làng phải đi bơi. Trai tráng và người khỏe mạnh trong làng phải đem theo “cây dầm”, loại chèo tay ngắn để bơi, những ai không có dầm phải cầm theo một khúc cây giả như cây chèo.
Sáng sớm ngày phải đi bơi, tiếng mõ đánh ba hồi lợi ba dùi, dân làng tụ tập trong sân đình cũng gọi là “nhà việc”, nơi hương chức hội tề nhóm họp.
Mõ hồi một là tiếng mõ đánh liên hồi rồi ngưng và đệm liền thêm một tiếng. Ðó là tiếng còi báo động có việc khẩn cấp. Còn mõ ba hồi lợi ba dùi là để tập họp dân làng với mục đích gì đó. Mõ hai hồi lợi hai dùi là việc quan, gọi hương chức hội tề, thường là Hương cả và Hương Quản.
Cái mõ thường làm bằng một khúc cây gốc “mù u” dài khoản một thước rưỡi. Giữa thân mõ có khoét một lỗ bề ngan chừng 5 phân, dài một thước, đục bộng ruột. Dùi mõ cũng làm bằng cây mù u ngắn. Mõ đánh nghe tiếng cum ngân vang, dội xa. Dùng làm vật báo hiệu cho dân trong làng.
Sau ba hồi mõ mọi người có mặt đầy đủ, Hương chức Hội tề mặc khăn đóng áo dài, có ông đội nón lá, ông nào giàu đội “nón cụ”, kết bằng cánh lông chim, lông vịt màu xanh hay đen trên chót nón có gắn hình tháp nhọn bằng kim khí màu bạc, quay nón bằng vải nhiễu xanh hay đỏ. Tất cả xăn ống quần lên khỏi đầu gối. Ý nghĩa là sẽ có nước nhiều đến nỗi phải xăn quần lên mà lội.
Ông Hương cả dẫn đầu, tất cả hàng một theo sau. Ông lớn tiếng hô to:
- Lạy trời mưa xuống! Mọi người la theo:
- Hố bơi! (Tay cầm chèo hay cầm cây giả bơi như ngập nước phải ngồi thuyền.)
- Cầu trời cho ruộng nước đầy đồng!
- Hố bơi!
- Dân làng cày cấy dài công!
- Hố bơi!
- Ðược mùa no ấm mọi người vui tươi.
- Hố bơi!
- Dân Làng Phú Thuận rập đầu!
- Hố bơi!
- Cầu xin trời phật thương tình
- Hố bơi! Một ông hội tề nào đó cũng xướng:
- Cả làng cầu khẩn ơn trên!
- Hố bơi! Một người dân nào đó cảm hứng dạng miệng cũng xướng theo:
- Chúng con cầu xin trời đất!
- Hố bơi!
- Mưa xuống cho ruộng đầy nước cho lúa đầy đồng.
- Hố bơi!
Ðám đông theo hàng dọc đi khắp trên các bờ đê, hết thửa ruộng nầy đến thửa ruộng khác, cứ như thế mà xướng hô và cứ như thế mà bơi cho đến trưa mới trở về sân làng giải tán. Năm bảy ngày sau mà trời chưa mưa lại phải đi bơi nữa. Và nếu có mưa thì mọi người khoan khoái bảo rằng nhờ đi bơi. Thời tôi còn sống trong làng có dịp chứng kiến được ba lần dân đi bơi trong đó có thân phụ tôi.
Cúng đình tế thần
Mỗi năm làng phải tổ chức “đám đình” một lần để cúng Thần cầu xin cho dân an và sinh hoạt của làng phát đạt.
Thần là một bài vị do vua sắc phong ghi tên một danh tướng, để trong một hợp nhỏ màu đỏ bên ngoài có mạ kim tuyến vàng. Bởi vậy mới có câu “Sinh vi Tướng tử vi Thần”. Tên ông thần làng Phú Thuận, tôi có biết qua lúc còn nhỏ, nay đã quên.
Ðám đình nào cũng phải có một gánh hát bội diễn lại những chuyện cổ tích bên tàu thường dựa vào chuyện Tam Quốc Chí. Cũng có năm phải tế lễ đặc biệt cúng trời đất thần thánh mỗi khi có hạn hán hay thiên tai do bệnh truyền nhiễm hoành hành. Lệ cúng đình mỗi năm theo ngày tháng qui định, kéo dài ba ngày. Các Hương chức cấp cao từ Chánh Hương Quản trở lên phải cúng một mâm xôi đậu, vị nào nghèo xin làng châm chế cúng xôi trắng như ông Hương Giáo Sen cũng không thành vấn đề, các Hương chức nhỏ cúng xôi trắng. Lệ cúng đình phải có một hoặc nhiều con heo quay và heo trắng. Chầu hát, heo quay, heo trắng thường do các ông Trưởng thượng giàu sang cúng hiến dù là Hương chức hay dân thường. Nếu không đủ vật tế lễ thì làng xuất tiền “công nho” ra mà mua hay trả tiền thuê gánh hát.
Ngày chánh lễ cửa đình mở rộng, Ông nội tôi, Quan Huyện, đi đầu, Hương Bái, Hương Bồi khăn đóng áo dài trịnh trọng theo sau, học trò lễ mặc áo dài bằng nhiễu xanh đầu đội mũ quan có vải lòng thòng sau lưng chấm ót, chấp tay đứng hai hàng. Ông Bái khởi xướng có ca có kệ: Cúc cung bái.., học trò lễ phụ họa nghe êm tai rợn người.
Hành lễ xong, đãi tiệc linh đình, quan ngồi bàn quan, dân ngồi trên hai bộ ván cũng thường gọi là bộ ngựa ở nhà sau, hết đợt nầy tới đợt khác, người trong làng xúm nhau xào nấu dọn ăn cho đến khi hết người dự.
Sáng hôm sau dân trường bưng mâm theo ông Hương Hào Ba xin yết kiến ông nội tôi. Ông Ba đại diện làng kiến thịt cho Quan Huyện. Trên mâm có một đầu heo quay, đủ mọi thứ lòng, tim gan phèo phổi, mỗi thứ một miếng nhỏ, một đuôi heo, một miếng thịt và một góc xôi cắt xéo. Tục lệ là phải kiến “đầu đuôi thủ vĩ,” có nghĩa là tượng trưng cho tất cả con heo.
Nhiệm vụ của gánh hát là phải về làng sớm hai ngày. Chiều chiều gióng trống lắt cắt lùng tùng để quảng cáo cho dân biết và loan truyền sang làng lân cận để họ tham dự. Trai gái hồ hởi chờ ngày xem hát, thực tế nhứt là có dịp làm quen, trêu ghẹo nhau giao tình. Con nít thì ăn hàng, xem hát, phá phách đủ trò. Bánh kẹo chỉ có bánh ít, kẹo đục, hột vịt lộn, bắp rang, bắp nấu, bánh phồng, mía, sữa đậu nành. Vậy mà trẻ con ăn uống hết ngày nầy sang ngày khác hết đêm nầy sang đêm khác vẫn còn muốn ăn. Ban đêm có hát bội đông người xem, ban ngày thì đám con nít vui đùa đông nghẹt. Tuồng hát do ban Hội tề bàn thảo và chọn những khúc truyện nào phải diễn trong ba đêm. Sau khi chọn cốt truyện rồi, Hương Trưởng Biện tới nhà tôi trình cho ông nội và thỉnh ý xem ông chấp thuận hay muốn thay đổi cốt truyện tuồng hát. Luôn luôn ông nội tôi bảo: Làng quyết định sau tôi thuận vậy, cần gì phải thay đổi. Nhưng ông thường hỏi ai đưa ra đề nghị và ai thuận, ai bát như thế nào, rồi ông bình luận vắn dài cười ngất với vẻ hài lòng.
Ðêm hát đầu tiên ông nội tôi được mời “cầm chầu”. Có nghĩa là ngồi trước một cái trống to để trên khuôn, vừa tầm tay, dùi trống vấn vải đỏ. Mỗi khi ông nội tôi cảm thấy hay vì điệu múa, tiếng hát ly kỳ, cảnh tượng cảm động, Tướng công giận dữ thì ông đánh thùng một tiếng tỏ ý ông khen hay, hai tiếng khá hay, ba tiếng rất hay, nổi hứng ông đánh bốn năm tiếng khen hay lắm thật hay. Có khi ông cầm tiền bảo người hầu đem quăng lên sân khấu thưởng cho một đào kép nào đó thì đào kép đó hát vừa xong đoạn của mình vào trong phải trở ra liền cuối sát đầu, chân bước lui nhanh chóng với tiếng trống cơm nhỏ đánh liên hồi. Ðào kép đó lập lại ba lần tỏ vẻ lạy tạ ơn. Gánh hát nào mà không được người cầm chầu khen thưởng bằng tiếng trống thì đừng hòng năm sau trở lại làng tôi hát tiếp.
Người ta thường nói trong đời có bốn cái ngu trong đó có cái ngu cầm chầu. Bởi vì khi người cầm chầu mà khen thưởng không đúng lúc, đúng thì, sẽ bị người xem phê bình và chế giễu khinh khi. Mà thói thường đâu có ai cùng một ý với ai, bởi vì đoạn hát nầy có người cho là hay, có thể người khác thấy dở, hoặc dù có hay cũng chưa đáng ba dùi trống. Hay là có chỗ không đáng một tiếng thùng.
Tiếng đồn ông nội tôi cầm chầu hay. Có lẽ vì chức quan của ông khá lớn đối với dân làng nên người ta không dám chê, hay vì tuổi già ông đã từng đọc và bàn qua khá nhiều về truyện Tam Quốc Chí.
(Còn tiếp)
Võ Long Triều