Sống tại xứ người, tôi tin là đa số đều hòa nhập được vào lối sống nơi địa phương mình ở, cho nên vào ngày lễ Giáng Sinh và Năm Mới, người Việt mình cũng tổ chức ăn mừng lớn lắm. Ngoài việc “ăn theo” thì nơi xứ Úc, đây cũng là dịp gia đình được đoàn tụ vì đa số các cơ quan, hãng xưởng… đều cho nhân viên nghỉ lễ dài hạn, ít nhất là 4 tuần!
Do đó Tết Dương lịch – mà người mình quen gọi là Tết Tây - đã là quen thuộc với người xa xứ. Thật ra theo tôi nhận thấy thì Giáng Sinh được chuẩn bị và tổ chức rầm rộ hơn còn Năm Mới chỉ là bước tiếp theo. Riêng nước Úc lại bước vào mùa hè trong thời điểm này cho nên các dịp ăn chơi lại càng dễ dàng nối tiếp hơn vì thời tiết tốt và trời chỉ bắt đầu sụp tối lúc 9 giờ đêm nên người dân có thể vui chơi lâu hơn. Vào đêm Giao Thừa, thường là gia đình hay đại gia đình sẽ rủ nhau tụ họp đâu đó để ăn uống chờ đón năm mới. Nếu may mắn nhà ở gần nơi tổ chức bắn pháo bông thì chỉ việc ung dung ở nhà, mở máy lạnh nhâm nhi món ăn với thức uống và trò chuyện cùng nhau để chờ giây phút giao mùa từ năm cũ bước sang năm mới và ngắm nhìn những tia pháo bông rực sáng trên bầu trời. Còn những người ở xa trung tâm thành phố và nhất là thanh niên thiếu nữ, thì đây là cơ hội cho các em rủ nhau bát phố. Thành phố không có màn lạng xe nhưng kẹt xe khủng khiếp và các bãi đậu xe không còn một chỗ trống ngay từ lúc 6,7 giờ chiều, do đó chính phủ thường khuyến khích người dân đón xe công cộng để ra trung tâm thành phố thay vì lái xe nhà và cho miễn phí giá vé đi xe nữa vào lúc 6pm của ngày Giao Thừa cho đến sáng sớm của năm mới; cũng như tăng cường thêm nhiều chuyến xe để đón khách du xuân. Bởi thế, đa số người dân và nhất là giới trẻ hiếm khi cùng gia đình tận hưởng đón năm mới trong nhà suốt đêm đó, mà chỉ quanh quẩn chờ phone của bạn bè để rồi sau đó là xin phép “phóng” đi ngay ra city!
Nhớ những năm các con còn nhỏ, cả nhà sau khi ăn tối xong, lái xe ra city đón Giao Thừa. Không thể nào tiến gần trung tâm thành phố, nên bắt chước những xe phía trước tấp vào thành cầu Westgate bridge - chiếc cầu lớn, dài và đẹp nhất ở thành phố Melbourne và cũng là chiếc cầu để tiến vào city - để chờ đón pháo bông (bây giờ do dân số đông đảo hơn nhiều nên đã bị cấm không còn được đậu nơi đây nữa). Khi chiếc kim phút của đồng hồ vừa nhích đến con số 12 thì hàng loạt tiếng nổ bụp bụp và pháo bông tỏa sáng trên bầu trời Melbourne, các con tôi tuy ngủ gà ngủ gật trên vai bố mẹ nhưng lúc đó cũng tỉnh ngủ và bắt đầu vỗ tay reo hò trầm trồ theo những tia sáng đủ màu đủ kiểu tỏa ra… Cả nhà ôm nhau chúc mừng Năm Mới, rồi cùng tiến lại các gia đình bên cạnh bắt tay chúc tụng. Buồn cười nhất là tôi còn nhớ lời “đe dọa” của bạn bè “nhớ đừng ra đường đêm Giao Thừa nhé vì mọi người có quyền ôm hôn mình mà không bị trách trong giờ khắc đầu năm mới” cho nên tôi cứ lấm lét và với tư thế đề phòng khi tiến lại các gia đình quanh chúng tôi ngày ấy và sau đó mừng rỡ nói với chồng khi yên vị trên xe “may ghê không ai thèm hôn!”…
Ngày Mồng Một của Tết Tây, nếu trời không mưa thì chắc là món barbeque luôn hiện diện nơi nhà của người Việt Nam với gia đình và bạn hữu. Nếu người Úc được mời thì hẳn là họ không ngớt trầm trồ với cách ướp thịt của ta, vừa đậm đà vừa thơm… điếc mũi, chứ không…vô duyên như món thịt nướng của Úc. Không phải tự hào dân tộc, nhưng chắc chắn món ăn Việt Nam với lối ướp độc đáo thì không có nước nào sánh bằng! Nhất là món thịt nướng của Úc, chỉ cắt lát rồi bỏ lên vĩ nướng, chứ chẳng có ướp chi cả, lại còn “lợi dụng” mấy lát hành tây nướng để kế bên để tạo mùi thơm “ké”, cho nên miếng thịt ăn rất lạt lẽo! Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, món salad trộn của Úc để ăn kèm thì không chê vào đâu. Tuy cũng là rau, nấm, dưa leo, cà chua .v.v… nhưng sốt họ pha chế để trộn thì rất ngon! Cho nên thịt ướp lối ta và salad trộn lối tây đã hòa điệu với nhau để thành món ăn hấp dẫn! Không biết người tây và ta hòa điệu với nhau có thành cặp đôi hoàn hảo được như món thịt rau không ta?
Trở lại với Tết Tây xứ người…
Giờ đây các con đều đã trưởng thành, những dịp cùng nhau đi ngắm pháo bông đêm Giao Thừa cũng ít dần, nhưng vẫn rất vui vì các con luôn hiện hiện đông đủ vào đêm Giao Thừa. Bây giờ thì có sự thay đổi, không còn bố mẹ lái xe chở con đi mà là các con thi thoảng lại rủ bố mẹ ra city để “Happy New Year!” và lần này thì trong xe, người ngủ gà ngủ gật lại chính là ông bà già! Thiệt là… đổi đời!
Năm ngoái cả đại gia đình muốn thay đổi không khí, đã cùng nhau mướn một căn nhà nghỉ mát ở ngoại ô Melbourne để cùng vui hưởng thú đoàn viên với ba thế hệ… Đêm Giao Thừa của Tết Tây, với những tia pháo bông ít ỏi, với không khí êm ắng của đêm trừ tịch nơi xa thành phố, cái se se lạnh của đất trời, … tự dưng nỗi nhớ và không khí tết quê nhà được gợi lên, người lớn thi nhau nhắc lại chuyện xưa… để rồi những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại xứ người đã cùng ngồi ôn kỷ niệm với họ, đã thích thú lắng nghe, đã tò mò hỏi chuyện về những cách thức đón Giao Thừa, đón Tết Ta ở Việt Nam với những tục lệ mà có lẽ chúng nó chỉ phần nào thấy được qua phim ảnh hoặc nghe được qua lời kể của ông bà, cha mẹ mà thôi! Hình như mắt những người lớn đã ươn ướt và những đứa trẻ chắc cũng phần nào hiểu được nỗi lòng của kẻ tha hương…
Năm nay, lại sắp đón Tết Tây và Tết Ta cùng một tháng…, hãy cùng nhau chúc mừng Năm Mới, hãy cho nhau những lời chúc chân tình dù dĩ nhiên hương vị ngày Tết Tây và Tết Ta có khác… nhất là đón Tết nơi phương xa với nỗi vui buồn lẫn lộn! Dù thế nào đi nữa, hình ảnh Việt Nam với những phong tục tập quán truyền thống muôn đời của quê hương vẫn còn mãi trong tim chúng ta, phải vậy không, những người con đất Việt đang xa xứ?
Hồ Diệu Thảo