User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

songque

Ngoài trời âm u, bên trong hương trầm toả khói mờ mờ, hai mái đầu cùng bạc trắng, một người trên bàn thờ, một người dưới bàn thờ đang nhìn nhau. Người đàn ông nét mặt ủ rũ, từ nãy giờ vẫn lẩm bẩm một mình, nhưng thật ra là ông đang nói chuyện với cái hình của vợ...

Mình à, hôm nay là gần sáu mươi ba năm mình về làm bạn với tôi, tuy thật sự chúng ta chỉ sống chung có sáu mươi năm, tám tháng, mười lăm ngày... bởi vì mình xa tôi đã tròn hai năm rồi.

Từ khi mới cưới cho tới lúc bạc đầu, mỗi khi nói chuyện với mình, tôi vẫn thích dùng cụm từ "mình, tôi" là cụm từ âu yếm nhất chúng ta vẫn gọi nhau trong suốt cuộc đời. Tại sao phải thay đổi nhỉ? bởi vì cho dù trải qua bao nhiêu năm tháng, tình yêu của vợ chồng mình có bao giờ thay đổi đâu.

Chuyện tình của đôi ta giống như chuyện tình trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao: anh chàng sinh viên nghèo yêu cô tiểu thư xinh đẹp, con nhà danh gia thế phiệt, và sau cùng họ đã nên duyên.... Nghĩa là chúng ta đã lấy nhau, tôi đã cưới được người con gái tôi yêu làm vợ. 

Tôi vẫn cám ơn Thượng đế đã an bài cho tôi một số phận quá tốt đẹp, và tôi cám ơn mình đã cho tôi một cuộc sống lứa đôi vô cùng hạnh phúc. Trên thế gian này, chẳng cái gì có thể tồn tại mãi, hạnh phúc cũng vậy, từ ngày tôi mất mình, đời tôi cũng mất hết sinh thú. Hôm nay ngày giỗ mình, tôi chạnh lòng nhớ đến những ngày xưa cũ, cả một quá khứ lại hiện về làm tim tôi nao nao, xót xa nhớ sao là nhớ...

Dạo đó, tôi chỉ là một cậu học trò tỉnh lẻ, mới đậu xong Tú tài, lên Sài Gòn  tiếp tục việc học.  Mộng ước của gia đình tôi đơn sơ lắm, mong tôi trở thành một nhà giáo, mai mốt ra trường, trở về quê làm nghề gõ đầu trẻ, cha truyền con nối đã mấy đời, cái nghề nghèo nàn và bạc bẽo, xong không sao bỏ được. 

Nhà trọ của tôi ở cùng khu phố với nhà mình. Thời đó, nhà cửa ở Sài Gòn xây cất không đồng loạt như bây giờ, có những căn biệt thự nguy nga tráng lệ, nằm ngay cạnh những căn nhà nhỏ, thấp lè tè. Vì thế nên mình và tôi tuy thuộc hai tầng lớp giàu, nghèo khác nhau, nhưng lại ở cùng khu phố.  

Căn nhà trọ nghèo nàn của tôi ở cuối phố. Hàng ngày đi học, tôi đạp xe đạp đi ngang ngôi biệt thự sang trọng, có giàn bông giấy màu tím của gia đình nhà mình. Thỉnh thoảng thấy bóng hồng thấp thoáng ra vào, tôi cũng chẳng để ý, cho tới một lần tình cờ chạm mặt mình ngoài cổng rào, tôi ngẩn ngơ... Mình đẹp quá, đẹp trên cả sức tưởng tượng của tôi, đẹp như gì nhỉ? ờ phải rồi, mình đẹp như cô Công chúa trong phim Vacances Romaines. Chẳng hiểu sao, tự dưng tôi bỗng thấy luống cuống, và tim thì đập như trống làng, tôi cắm cúi bước nhanh, không dám ngoái lại...

Từ đó mỗi khi đi ngang nhà mình, tôi cố tình đi chậm lại, đôi khi len lén núp sau bóng cây, chờ đợi để được nhìn thấy mình. Thế rồi tôi hay nằm mơ, hình ảnh của mình đi vào những giấc mơ của tôi hàng đêm... 

Nếu định nghĩa tương tư là yêu thầm, là mộng mơ, nhớ bóng nhớ hình… thì cậu sinh viên nghèo quả là đã tương tư cô Công chúa trên lầu cao. Tôi chỉ dám mơ thôi, bởi vì mình cao sang quá, tôi sợ không với tới. Cho tới bây giờ tôi vẫn tự hỏi không hiểu tại sao, tôi lại được mình yêu? Chỉ có một câu trả lời thoả đáng nhất, là định mệnh đã an bài.

Cho tới một ngày, trời sắp đặt cho chúng ta gặp nhau trong một buổi văn nghệ liên trường, tôi ở trong ban nhạc và tôi đã đệm đàn cho mình hát. Chúng ta quen nhau từ đấy, mới đầu chỉ là những câu chào hỏi vu vơ, và bấy giờ cô gái kín cổng cao tường xinh đẹp kia mới biết tôi là hàng xóm. Mình mỉm cười hóm hỉnh, làm tôi mắc cỡ khi nghĩ có lẽ mình đã nhiều lần trông thấy anh chàng si tình đứng dưới gốc cây, ngó lên cửa sổ nhà mình??? Qua cơn bối rối, chúng ta nói chuyện bâng quơ, tôi biết mình chỉ mới mới mười bẩy tuổi và đang học lớp đệ Nhị (lớp 11) trường Trưng Vương. Cô tiểu thư con nhà quyền quí cao sang kia không hợm hĩnh, kiêu ngạo như đa số, trái lại, mình hiền lành dịu dàng, và... hình như không có ác cảm với tôi. Mình khen tiếng đàn tôi ngọt, tôi khen giọng hát mình hay. Buổi đầu chỉ có thế, mọi việc tiếp theo là do thiên định. 

Tôi chẳng nhớ bằng cách nào, tôi đã chiếm cảm tình của mình, chỉ biết sau đó là những buổi hẹn hò, gặp gỡ những khi tan học. Ngày nào tôi cũng chờ mình nơi cổng trường. Một lần mình nghỉ học ba, bốn ngày liền, làm tôi bồn chồn, lo lắng không yên, sau cùng sốt ruột chịu không nổi, tôi liều lĩnh gõ cửa nhà mình. Trời ơi! chẳng biết là may mắn hay không may mắn, người ra mở cửa cho tôi lại chính là.. ba của mình. Tướng tá to cao, vẻ mặt nghiêm nghị của ông làm tôi sợ quá, quên hết những câu nói đã sửa soạn từ trước. Tôi bối rối đứng im, mặt hết tái lại đỏ, còn tay chân thì thừa thãi chẳng biết dùng vào việc gì. Ông cụ đưa mắt nhìn tôi từ đầu tới chân, rồi mới hỏi:

- Cậu tìm ai?

Bấy giờ, tôi mới thu hết can đảm, rụt rè nói:

- Thưa bác cháu muốn gặp cô Hạnh...

- Có việc gì không?

- Dạ... dạ có ạ... Tôi ấp úng, xin phép bác cho cháu gặp Hạnh để đưa bài.

- Cậu quen với con Hạnh à?

Tôi càng sợ, không biết nói sao, nên chối phắt:

- Dạ không! Nhưng em cháu là bạn cùng lớp với Hạnh, nhờ cháu tới đây đưa bài cho Hạnh học thi. Tiện đường đi ngang qua đây, nên cháu ghé đưa giùm em cháu...

Từ trước đến giờ, tôi không quen nói dối, nên cứ lúng ta lúng túng trông đến buồn cười. Ba mình chắc cũng đoán hiểu, ông cụ nhìn tôi cười tủm tỉm:

- Thì ra vậy... Thôi được, ngồi đi cháu, để bác kêu con Hạnh xuống, mấy hôm nay nó bị cảm, nên nghỉ học.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, bây giờ nhớ tới mà còn run, không hiểu sao lúc ấy lại dám to gan đến thế? Nhưng nhờ vậy mà sau đó, tôi được ông cụ cho phép thỉnh thoảng được đến chơi nhà. Thật ra ba mình tuy nghiêm khắc, nhưng thương con và không có tư tưởng môn đăng hộ đối, phân biệt giàu nghèo, nên mới bằng lòng nhận tôi làm rể, và tôi mới lấy được mình. Có lẽ ông cụ thương tôi thật thà hiền lành, và hiểu được tình yêu sâu đậm của chúng mình. 

Sau đám cưới, mình đã rời gia đình để đi theo tôi, giã từ nếp sống sang giàu, yên phận về làm vợ một anh giáo nghèo. Đôi ta sống hạnh phúc bên nhau, mình sanh cho tôi sáu đứa con: bốn trai, hai gái, đều thông minh, ngoan ngoãn, dễ thương. Thời gian thấm thoắt trôi, các con đã trưởng thành và có gia đình riêng cả.  Chúng ta có mười chín đứa cháu vừa nội, vừa ngoại. Hà hà, gần hai tiểu đội con nít! những lần họp gia đình, con cháu tụ tập về đông đủ, mới vui làm sao. 

Nhưng năm này qua tháng kia, cuộc đời bao nhiêu thay đổi, chẳng gì có thể tồn tại mãi, hạnh phúc cũng thế... Sau ngày lễ mừng kỷ niệm cưới sáu mươi năm của chúng ta không bao lâu, thì mình thọ bệnh và qua đời.

R1

Mình "đi" nhanh quá, tôi chưa hết bàng hoàng thì mình đã bỏ tôi... Mình bệnh có tám tháng thôi, tám tháng trước, mình vẫn khoẻ mạnh, rồi một lần đi khám bệnh thường niên, thử nước tiểu thấy đục. Chỉ có thế, nhưng những kết quả thử nghiệm tiếp theo cho thấy mình đã mắc phải một căn bệnh hiếm, bệnh amyloidosis, protein tích tụ trong thận và tim, làm hai cơ quan đó sưng phù và không thể hoạt động bình thường. Nhìn mình đau đớn, mệt nhọc từng hơi thở, ruột tôi như đứt ra từng khúc, ước gì tôi có thể gánh cái đau thay cho mình. Mặc dù hết sức chạy chữa, nhưng tình trạng sức khoẻ của mình càng lúc càng tệ hơn. Trong những ngày cuối, bệnh mình trở nặng, các con tụ tập về đông đủ, chăm lo cho mẹ và chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng cho một cuộc chia tay vĩnh viễn.

Một đêm đang ngủ, tôi bỗng choàng tỉnh vì một cảm giác rất lạ, dường như có cái gì không ổn đang xảy ra. Nhìn sang giường bên, mình nằm co quắp như con tôm, hơi thở mệt nhọc, đứt quãng, tôi rờ thử thấy người mình lạnh và ướt đẫm mồ hôi. Trời ơi! mình đang toát dương! Tim tôi nhói lên, ngày xưa, trước khi thở hơi cuối cùng, mẹ tôi cũng có những biểu hiện tương tự.  Tôi run lẩy bẩy đánh thức cả nhà dậy. Các con hốt hoảng chụp lấy điện thoại, toan gọi xe cấp cứu chở mẹ đến bệnh viện, nhưng tôi gạt đi, để làm gì vô ích:

- Bố biết đó là dấu hiệu mẹ sắp chết. Mẹ muốn chết ở nhà, bên cạnh những người thân, mẹ sợ bệnh viện...

Các con để bố quyết định, và tôi đã làm theo ý muốn của mình. Mọi người xúm quanh giường để tiễn người đi. Ngoài trời hình như có bão, gió ào ào đuổi nhau trên mái nhà, gió phần phật trên những tàu lá chuối sau vườn... Bên trong, căn phòng đột nhiên im lặng một cách khác thường, mọi người như nín thở, không ai dám cử động mạnh, chỉ có cái đồng hồ treo trên tường vẫn đều đặn buông những tiếng tíc tắc khô khan. Mỗi phút giây qua đi, đầu óc tôi càng thêm căng thẳng, khoảnh khắc chờ đợi cái chết thật kinh khủng... Cơn hấp hối không kéo dài lâu, qua cơn vật vã, mình nằm yên, miệng mấp máy, nhưng không một lời nào được thốt ra. Thương ơi! mình không nói được nữa rồi, nhưng tay vẫn nắm chặt tay tôi, một giòng lệ ứa ra nơi khoé, mình mở mắt lờ đờ nhìn khắp lượt các con cháu, rồi tia nhìn đậu lại trên mặt tôi, bất động... 

Không bao giờ tôi quên được ánh mắt đó, ánh mắt mình nhìn tôi những phút giây cuối cùng, nó biểu lộ sự thương nhớ lẫn tiếc nuối, xót xa thê thảm... Tôi đau đớn, bất lực nhìn mình đang đi lần vào cõi chết, ánh mắt mình từ từ dại đi, rồi một màn trắng đục kéo đến, che lấp cả con ngươi, mình không còn nhìn thấy gì nữa, hơi thở cũng yếu dần rồi lịm tắt. Sợ hãi, tôi vùng ôm lấy mình thật chặt, như có thể giữ lại, tôi gọi tên mình điên loạn, nhưng chẳng nghe trả lời, mình đã bỏ tôi rồi... 

Cô đơn, đau khổ, tuyệt vọng... cùng dấy lên một lượt, làm tôi choáng váng, mắt tôi hoa lên và đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Trong khoảnh khắc, tôi rơi vào tình trạng vô thức, chẳng còn biết mình đang ở đâu, chung quanh tôi, cảnh vật bỗng dưng tối xầm lại và mờ đi, như có một làn sương mù che phủ. 

Trong khoảng không gian mờ đục đó, tôi thấy lại đôi mắt của mình vô cùng dịu dàng, đang nhìn tôi như an ủi. Lòng tôi lắng xuống, xưa kia những lần tôi gặp thất bại trong cuộc sống, mình cũng xoa dịu tôi với ánh mắt như thế. Tôi hoang mang tự hỏi đây là thực tế, hay chỉ là một giấc mơ? Đôi mắt long lanh như ánh sao dẫn đường, đưa tôi đi ngược trở về quá khứ, với những ngày hạnh phúc mật ngọt của vợ chồng mình. Tôi cứ đắm chìm trong ảo giác như vậy không biết bao lâu, vì tôi đã mất hết ý niệm về thời gian và không gian.. Cho tới khi các con gỡ tay tôi ra, một đứa nói vào tai tôi thật khẽ, nghe như tiếng thở dài:         

- Bố buông ra đi! mẹ chết rồi... 

Tôi bàng hoàng sực tỉnh, ngơ ngác nhìn quanh, trong khi các con nhẹ nhàng đặt mẹ nằm ngay ngắn trên giường. Mình nằm nhắm mắt như người đang ngủ, nét mặt dãn ra, thanh thản, mình đã hết đau đớn rồi, hết vĩnh viễn... Tôi  cúi xuống, run run lau những vệt nước mắt chưa khô còn đọng trên đôi má xanh xao của mình, thì thầm: 

- Thôi thế cũng xong, mình yên nghỉ đi! Từ nay mình đã hết bệnh tật, hết đau khổ rồi đó, mình sẽ đến một nơi khác sung sướng, an vui hơn nhiều.

Các con kéo tấm khăn giường màu trắng phủ lên người mẹ, rồi đưa bố ra nhà ngoài. Bấy giờ nước mắt tôi mới ứa ra, tôi khóc lặng lẽ, âm thầm, từ nay, trên chặng đường cuối cùng chỉ còn một mình tôi. Sau lễ an táng, thân xác mình sẽ bị chôn vùi trong lòng đất, sẽ trở thành cát bụi, chẳng bao giờ tôi còn được thấy mình nữa... Tim tôi đau như vỡ thành từng mảnh, vĩnh biệt người vợ yêu dấu, người bạn đời đã đi bên tôi hơn sáu mươi năm qua...

Từ ngày mình về làm bạn với tôi, chúng ta chưa bao giờ rời xa nhau nửa bước, lúc nào mình cũng sát cánh bên tôi, vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Chúng ta vẫn thề nguyền sẽ đi bên nhau suốt đời, thế mà cuộc hành trình lần cuối, mình lại phải đơn độc một mình. Tội nghiệp người đàn bà yếu đuối, nhút nhát, luôn luôn cần sự che chở của chồng, giờ đây phải qua sông một mình không có tôi, chắc mình sợ lắm? Trời ơi! lẽ ra phải để tôi đi trước mới đúng.

R2

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu bằng cách nào, tôi có thể sống nổi những ngày sau đó? Đám tang mình xong, tôi dọn dẹp phòng ngủ, cái giường mình nằm vẫn in vết lõm, hơi hướm mình còn đây... Trên bàn phấn mình hay ngồi trang điểm, vẫn còn cái lược có vương vài sợi tóc của mình, và hai thỏi son nằm lăn lóc. Ở tuổi nào, mình cũng thích làm đẹp, hà hà, già rồi mà vẫn còn  điệu ghê! 

Mình nói mình chỉ thích cười, vì cười làm cho người ta trẻ lại. Tôi hứa sẽ không bao giờ làm cho mình khóc, và tôi đã giữ lời hứa, vì vậy nên căn nhà luôn luôn tràn ngập tiếng cười. Bây giờ thiếu mình, căn nhà lạnh lẽo như nhà hoang. Tôi thở dài, cầm mấy cái áo của mình lên ngắm nghía, những bộ quần áo này tôi mới mua cho mình, để thay thế những bộ cũ đã trở nên rộng thùng thình vì mình bị xuống cân rất nhiều.

Thương quá, những lần bệnh hành đau đớn, mà mình cứ phải cố nén, không dám kêu ca, rên rỉ, sợ tôi lo lắng. Lúc nhận được kết quả từ bác sĩ, tôi đau khổ đến mất ăn mất ngủ mấy tuần liền, chính người bệnh là mình lại phải an ủi tôi. Trong hoàn cảnh như vậy mà mình vẫn thản nhiên, không than van khóc lóc, nhưng tôi biết đó chỉ là bề ngoài, sự thật thì "trong héo ngoài tươi", mình gắng gượng tươi tỉnh, để chồng con không bị suy sụp tinh thần. Ôi đức hy sinh cao cả của người vợ yêu chồng, cho đến khi sắp chết vẫn quên mình, để chỉ nghĩ đến sự an vui của gia đình. Nhờ vậy mà những ngày tháng cuối cùng của chúng ta còn được ở bên nhau không biến thành thảm kịch. 

- Đời người ai chẳng phải chết? em may mắn hơn mình vì em được đi trước. Ngược lại, nếu phải đi sau, không có mình, chắc em sẽ không sống nổi.

Mình đã nói thế, mà đúng quá, cuộc sống thiếu mình quả thật không dễ dàng, chúng ta đã đi bên nhau hơn nửa thế kỷ, nay bỗng dưng phải chia cách, nỗi đau làm sao tả xiết?

Mình đi rồi, tôi vẫn ở lại ngôi nhà cũ, đầy những kỷ niệm của chúng ta. Các con, dâu, rể đều hiếu thảo, đứa nào cũng nài nỉ mời bố về ở chung để phụng dưỡng. Nhưng tôi từ chối, ở với chúng nó, làm sao tôi còn được thấy những khung cảnh thân quen ngày trước? 

Chiếc ghế đá ngoài vườn vợ chồng mình vẫn ngồi bên nhau mỗi buổi sáng, để uống trà và sưởi nắng, bây giờ phủ đầy lá rụng, thỉnh thoảng tôi vẫn ra quét, tôi thích ra ngồi đấy để tưởng nhớ đến hình bóng xưa. Căn bếp ấm cúng, chiều chiều thơm mùi xào nấu mình làm những món ngon cho chồng con khi xưa, bây giờ lạnh tanh vì thiếu bóng mình, mà tôi thì có biết chi việc bếp núc. Cái khung cửa sổ chúng ta vẫn ngồi xem tuyết rơi những buổi chiều đông, cái màn cửa do mình may vẫn còn đấy, nhưng ố vàng vì thời gian... đâu đâu cũng mang hình bóng của mình. Làm sao tôi có thể xa rời căn nhà đầy những kỷ niệm này được? bây giờ tôi chỉ sống với những kỷ niệm thôi. 

Các con không yên tâm để tôi ở đây, chúng lo lắng cho sự an toàn của bố, Thư hỏi:
- Bố ở một mình không sợ à?

- Sợ gì chứ?  Khu này an ninh, xưa nay chẳng bao giờ có trộm cướp. Còn ma hả? có mẹ chúng mày ở đây, thì ma nào dám hiện ra trêu bố?

Tôi cười ha hả, các con lắc đầu chịu thua. Tôi trấn an chúng nó:
- Bố vẫn khoẻ mạnh, bố có thể tự lo cho mình được mà, các con yên tâm.

Tôi còn khoẻ thật đấy, tôi vẫn lái xe được mà. Cơm thì tôi gọi cơm tháng đưa đến tận nhà. Thức ăn họ nấu không đến nỗi tệ, nhưng chẳng bao giờ tôi ăn hết, ngày nào cũng còn dư cả đống. Không phải tại tôi kém ăn, mà bởi vì hai đứa con gái Tâm, Thư hay nấu những món ngon đem đến cho bố. Chúng nó cũng luân phiên lau chùi nhà cửa, xếp dọn đồ đạc gọn gàng sạch sẽ lắm. Bốn thằng con trai thì chia phiên "trực đêm" đến ngủ tại nhà bố, những khi bố ể mình, khó ở... Cũng may các con đều ở gần cả, đứa ở xa nhất cũng chỉ lái xe khoảng ba giờ là tới. Mỗi cuối tuần hoặc khi rảnh, chúng nó lại đến, đưa bố đi đến nhà bạn, đi khám bệnh, đi chơi xa giải trí, hoặc đưa bố đến những nơi bố muốn.

Nhưng tôi chẳng thích đi đâu cả, ngoài cái nghĩa trang nơi mình nằm, tôi thích ra đó, ngồi hàng giờ bên mộ, tỉ tê tâm sự với mình. Nơi đây mát mẻ, yên tĩnh, thanh bình quá, tôi nhớ khi trước, chúng mình tìm mãi mới mua được hai lô đất liền nhau ở dưới bóng mát của một cây cổ thụ già.  Hai vợ chồng bàn tính, hai ngôi đất mộ này, mình bên trái, tôi bên mặt.. sẽ là "nhà" của chúng ta sau này. Bất luận ai về nhà trước, sẽ ở đó nằm đợi người kia, và chúng mình sẽ đời đời ở sát bên nhau.  

Thời gian trôi, vạn vật đều biến chuyển theo qui luật tuần hoàn của tạo hoá, và mình đã ra đi trước tôi…

Hai năm rồi mình nằm yên đáy mộ
Hồn đã về nơi vĩnh cửu hư vô
Giọt lệ sầu còn vương nếp khăn sô
Tôi quay quắt với niềm thuơng nỗi nhớ

Vẫn trọn vẹn một tình yêu chồng vợ
Vẫn từng đêm tìm gặp lại trong mơ
Ngày tôi sang sông, hẳn có mình chờ
Và đôi ta sẽ bên nhau mãi mãi... (Thơ Song Thy)

Âm dương đã ngăn cách chúng ta. Bây giờ mình nằm đây một mình, chắc lạnh? Nhưng đừng lo, không lâu nữa đâu, tôi sẽ về bên mình, bởi vì trần gian chỉ là cõi tạm, có ai đi mãi không về? nhất là tôi đang rất nhớ mình. Mỗi lần đến đây, tôi có cảm tưởng đôi ta vẫn gần gũi vô cùng, bởi vì mình nằm đó, chỉ cách tôi có ba tấc đất... 

Thỉnh thoảng các con cũng đưa bố đến nhà chúng nó ở chơi vài tuần, khi thấy bố bắt đầu bồn chồn nhớ mẹ, lại đưa về... Cứ đi chơi hết lượt sáu đứa con, cũng mất khối thì giờ, thành ra tuy ở một mình, mà tôi có cô đơn đâu? Đông con, mà con có hiếu thì sướng thế đấy. 

Nhớ lần đầu tiên đưa mình đi sanh, thấy mình rên rỉ đau đớn, tôi thương quá, tự cảm thấy có trách nhiệm đã gây ra cái đau của vợ. Hối hận, tôi cầm tay mình, hứa sẽ không dám tái phạm.  Nhưng mình cố nén đau, mỉm cười:
- Em không sợ đâu. Anh sẽ còn phải đưa em đi sanh nhiều lần nữa, số tử vi của anh có tới tám con cơ mà.

- Tám đứa nhiều quá, anh nghĩ bốn là đủ, anh không muốn em vất vả.

Mình nhìn tôi ngờ vực:

- Anh chỉ muốn em sanh bốn đứa, thế bốn đứa kia, anh sẽ ngoại tình với con mụ nào?

Ôi chao! khi không bị buộc cái tội ngoại tình, thật là oan ôi ông địa. Tôi biết mình chỉ đùa chơi cho vui thôi, nhưng tôi cũng phải năn nỉ ỉ ôi, thề thốt đủ thứ, và đầu hàng mình vô điều kiện:
- Thôi được rồi, em muốn tám đứa thì tám... Chỉ sợ em vất vả thôi, chứ anh thì.. dư sức!

Tôi hôn mình và làm vài cử chỉ âu yếm, mình mắc cỡ đỏ mặt, nhìn quanh thấy không có ai chú ý, bèn nhéo cho tôi một cái đau điếng. Nhưng sau cùng, tự ý mình giảm xuống con số sáu, là con số trung bình của mình và tôi cộng lại. Vậy là chúng ta có sáu đứa, sáu đứa con thông minh, xinh đẹp và hiếu thảo... Hồi đó, nếu biết trước các con đều hiếu thảo thế này, thì chúng mình đã "làm" chẵn một tá, phải không mình? hà hà, tiếc thật...

Tôi nói tới đâu rồi nhỉ? dạo này cứ nói trước quên sau, lẩm cẩm mất rồi. À đến giai đoạn về cuộc sống của tôi sau ngày mình mất. Buổi sáng, tôi vẫn ra vườn, ngồi đọc sách báo, uống cà phê một mình, có tin tức gì hay, tôi lại đọc lớn lên cho mình nghe, để rồi bẽ bàng thấy mình chẳng thèm trả lời. Tôi ngoảnh lại, buồn rầu thấy chỗ mình vẫn ngồi bên tôi khi xưa, bây giờ trống trơn, mình đâu còn nữa...  

Mắt như mờ đi, tôi chậm chạp đi vào nhà, run run thắp nhang trên bàn thờ mình, rồi hai vợ chồng nói chuyện... Đúng ra chỉ mình tôi nói với cái hình của mình, còn mình thì im lặng lắng nghe... Qua ánh nến lung linh, đôi mắt mình như có thần, đang nhìn tôi đăm đăm. Tim tôi nao lên, Hạnh ơi! ngày xưa tôi hay cằn nhằn mình nói nhiều.. Hối hận quá, bây giờ tôi muốn đánh đổi tất cả, để được nghe mình nói, dù chỉ một lời thôi, nhưng sao mình vẫn lặng thinh? Tôi ngẩn ngơ, rồi chợt nhớ là mình đã chết, người chết làm sao nói được? chỉ trừ trong những giấc mơ, bởi vậy, tôi chỉ thích ngủ để được nằm mơ, những giấc mơ tuyệt vời, có mình và có tôi... 

Thấm thoát mình xa tôi đã tròn hai năm, hai năm mà tôi có cảm tưởng lâu như hai thế kỷ. Thời gian sao trôi chậm thế? tôi đếm từng ngày, biết đến bao giờ vợ chồng mình mới được gặp lại?

Dạo này tôi thấy người không được khoẻ, ăn không ngon và bị xuống cân từ từ, người tôi đã gầy, bây giờ càng gầy hơn, chỉ còn da bọc xương. Các con lo sợ, nên mặc bố phản đối, chúng nó cũng nhất định ép bố phải đi bác sĩ. Kết quả cho thấy là tôi đã mắc bệnh ung thư tụy tạng giai đoạn cuối, bác sĩ nói tôi chỉ còn sống tối đa là vài ba tháng nữa. Lúc được báo tin, tôi không thể ngăn được tiếng kêu sung sướng, thế là chúng mình sắp được gặp nhau, chỉ ba tháng nữa, vợ chồng mình sẽ lại đoàn viên... Chẳng phải tôi vẫn mong đợi cái ngày này từ lâu rồi hay sao? Lòng tràn ngập niềm vui, tôi nồng nhiệt đưa cả hai tay ra, nắm lấy tay vị lương y xiết chặt:

- Cám ơn, cám ơn bác sĩ.

Ông ta trố mắt nhìn tôi như nhìn một người điên:
- Trong đời làm thầy thuốc, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào lạ lùng như vầy. Ông cụ bộ không sợ chết hay sao?

- Nếu sợ mà khỏi bệnh thì tôi sẽ sợ, đàng này... Vả lại tôi có chết đâu? tôi chỉ sắp sang một thế giới khác sung sướng hơn, vì nơi đó tôi sẽ gặp lại người bạn đời tôi yêu quí.

Hiểu ra, ông ta chỉ lắc đầu thở dài, viết cho tôi cái toa thuốc làm giảm đau, và dặn dò các con chúng ta cách chăm lo, săn sóc cho người sắp chết.

R3

Hạnh ơi, sửa soạn đón tôi đi! mình nhé?  Hà hà, bây giờ tôi đã có cái vé ghi ngày giờ rõ ràng để đáp chuyến tàu suốt, sang bên kia thế giới gặp mình. Chúng ta sẽ nắm tay nhau cùng dạo chơi chốn thiên thai, hoặc theo gió bay lên mây, nhờ mây đưa đi xa, xa tít tới tận miền nước nhược, non bồng... Ôi chao! chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ làm tôi nôn nao, sung sướng lâng lâng, người tôi nhẹ tênh như đang bay bổng... 

Nhưng những tiếng khóc sụt sùi đã đưa tôi về thực tế, thì ra các con thấy bố cứ nửa mê nửa tỉnh, biết bố khó có hy vọng qua khỏi, nên đang khóc lóc, chúng thương bố, không muốn bố đi... Chúng nó có tình, có nghĩa và rất hiếu thảo, nhưng chúng đâu có hiểu rằng giữ lại chỉ làm bố khổ thêm. Đưa mắt nhìn khắp lượt các con cháu đang đứng vây quanh giường, tôi nhỏ nhẹ nói với chúng nó:
- Các con có đôi, có bạn cả, hãy để bố về với mẹ chứ? Bố đâu có thể sống cô đơn như vầy mãi? hai năm chịu đựng cũng là quá lắm rồi, bố rất mong gặp lại mẹ. Mấy hôm nay đêm nào mẹ cũng về, hễ cứ chợp mắt là bố lại thấy mẹ hiện ra. Mẹ đứng xa xa phía bên kia sông, vẫy gọi, mẹ mỉm cười với bố, mẹ đang đợi để đón bố đấy! Lẽ ra chúng mày phải mừng bố mẹ sắp được đoàn tụ, chứ sao lại khóc? 

Ngưng một lúc để nghỉ, tôi lại tiếp tục:

- Khi bố đi rồi, các con đừng thương, đừng nhớ tiếc, cứ coi như bố mẹ đang đi du lịch ở phương xa. Cứ nghĩ thế, các con sẽ không buồn.

Nói tới đây, tôi mệt quá nên thở dốc, các con vội vàng đỡ bố nằm xuống. Tự dưng tôi thấy buồn ngủ lạ lùng, tôi đi ngủ đây, tôi muốn ngủ để mơ thấy mình, mơ đến ngày trùng phùng của vợ chồng mình. Chúng ta đã chẳng thề hẹn là sẽ yêu nhau cho tới muôn kiếp sau hay sao? Tôi sắp hết nợ trần rồi, mình ơi! chờ tôi qua sông...

Phương Lan

(Xin bấm vào Google youtube "Nội ơi đừng khóc - Phương Lan" để nghe đọc truyện) 

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com