User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

HDT Tet

Thấm thoát mà tôi đã đón Tết Nguyên Đán ở xứ người được 35 năm… Tính ra thời gian tôi sinh sống nơi đây đã nhiều năm hơn ở trong nước, cho nên nếu gọi là xứ người hay nơi tạm dung có lẽ không chính xác mấy đối với tôi vì không biết từ khi nào mà bỗng dưng những gì liên quan đến xứ Úc, tôi đều thấy thân thương, quen thuộc… Nhưng sao cứ mỗi lần đến Tết Ta (tôi vẫn gọi thế để phân biệt với Tết Tây dương lịch) thì dù cho bận rộn thế nào tôi cũng vẫn náo nức chuẩn bị một chút gì đó như bánh chưng, bánh tét, nem chua, chả lụa và không quên một bình hoa nơi bàn thờ tổ tiên cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình và hình như tôi làm việc này một cách tự nhiên như là thói quen cố hữu.

Xin điểm lại những năm đón Tết nơi xứ Kangaroo này một tí.

Năm đầu tiên là 1982, tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến xứ người, đang lãnh trợ cấp thất nghiệp để học Anh văn và tìm việc làm cho nên ngày đầu năm chỉ toàn là nước mắt nhớ nhà... mà hình như các tiệm tạp hóa Á châu cũng chẳng có gì khác lạ hơn ngày thường.

HDT tet 3

Dần dần, người Việt qua định cư đông hơn, các cơ sở thương mại mở rộng, các loại thức ăn Việt Nam trong ngày Tết dần dần xuất hiện ngày càng phong phú… cho nên chỉ vài năm sau đó, hội chợ Tết được tổ chức ở Sydney và Melbourne trước nhất vì đây là hai tiểu bang có người Việt sinh sống nhiều nhất. Thoạt đầu chỉ có bánh mứt được nhập cảng từ Việt Nam, lần lần người Việt tự nấu, làm lấy để sản xuất ngay tại Úc các loại bánh Tết này. Và hội chợ Tết đã thu hút đông đảo người dân đến tham dự vì luôn được tổ chức vào cuối tuần. Tôi còn nhớ vào thập niên 90, hội chợ tổ chức hai ngày cuối tuần của thời điểm cận Tết hay sau Tết một tuần tại các công viên gần nơi người Việt cư ngụ, cho nên vợ chồng con cái kéo nhau ra công viên vừa để thưởng thức văn nghệ, mua sắm ăn uống ở các gian hàng bán Tết, vừa là một hình thức đi picnic của cả nhà. Còn gì vui cho bằng khi chọn một chỗ ngồi ưng ý dưới tàng cây bóng mát, người ngồi thưởng thức văn nghệ do các ca sĩ địa phương trình diễn, lại nhâm nhi món bắp nướng, chuối chiên, bò nướng lá lốt, nem nướng… vừa mới mua xong; người thơ thẩn dạo chơi các gian hàng trò chơi tạt lon, ném dĩa… đặc biệt nhất là phải ghé vào gian hàng chơi lôtô, vừa nghe những lời ca từ ngộ nghĩnh để nhớ lại thời ở quê nhà, vừa để thử thời vận năm mới dù món quà thắng giải chỉ là những món đồ khiêm nhường, không giá trị mấy, chỉ như là hình thức mua vui mà thôi! Mấy bà xúm lại tán gẫu, các ông thì rủ nhau chén tạc chén thù lai rai bia cùng khô mực nướng, đậu phọng da cá hay cùng nhau đánh cờ tướng, thanh niên thiếu nữ cũng dập dìu quanh các gian hàng thưởng thức các món ăn… Các em nhỏ thì sao? Cũng có những trò chơi dành riêng cho các em như cỡi ngựa (dĩ nhiên là ngựa... gỗ) đánh đu, câu cá và những trò chơi do những chủ nhân người Úc thiết lập trong hội chợ, cho nên có thể nói hội chợ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi cho đủ mọi lứa tuổi… Bởi thế hầu như năm nào cả nhà cũng đi hội chợ từ sáng và ở cho đến lúc tối mịt mới ra về, khi pháo bông nổ sáng trời để đánh dấu chấm dứt ngày vui chơi!

HDT Tet 1

Từ năm 2000 trở đi, hội chợ biến thành một hình thức kinh doanh, vô cửa phải tốn tiền nhưng số lượng người ra vào không kém mà còn tăng hơn xưa rất nhiều khi ban tổ chức đã mở rộng dành cho cả các cộng đồng bạn để cùng vui Xuân và giới thiệu một nét văn hóa đón Tết của người Việt Nam! Giới chức chính quyền địa phương cũng cử người đại diện đến khai mạc hội chợ và các sắc tộc khác cũng tham gia mở các gian hàng ẩm thực giới thiệu thức ăn của xứ sở họ. Gian hàng Nhật và Korea đã được giới trẻ Việt ủng hộ nồng nhiệt các món ăn. Tuy nhiên món ăn Việt Nam vẫn thu hút được đa số người tới. Các con của tôi, tuy sinh ra tại nơi đây nhưng năm nào cũng háo hức đi hội chợ chỉ vì muốn ăn bò nướng lá lốt, nem nướng, chuối nướng và giải khát bằng ly nước mía to tướng! Kể cũng lạ, các món này thường xuyên bán ở các quán ăn hằng ngày nhưng các con tôi vẫn thích tới hội chợ để mua ăn, hỏi thì các cháu trả lời vì được nhìn tận mắt cách nấu và vì mùi vị thơm ngon thoảng ra trong nắng gió từ các gian hàng đã quyến rũ hơn là ngồi trong bàn và chờ người mang đến phục vụ trong các tiệm ăn. Hơn thế nữa, cái không khí nhộn nhịp, vui tươi và ồn ào với tiếng hát, lời rao, người qua lại cũng phần nào khiến món ăn tăng thêm phần khẩu vị!

HDT Tet 2

Còn cách chuẩn bị Tết trong gia đình thì sao? - Có lẽ có đi chợ vào những ngày cuối năm âm lịch - ở nơi tôi cư ngụ - mới thấy hết cái bận rộn mua sắm và cái không khí đón tết của người Việt ở xứ người. Ngày 29, 30 tháng Chạp, ôi chao người ơi là người, ai cũng hối hả mua bán rộn ràng, cũng vui mắt lắm! Các gian hàng như rực rỡ hẳn lên với các màu sắc của bánh mứt hoa quả và đặc biệt là giá cả bỗng dưng tăng vọt, ấy vậy mà người mua chẳng e dè gì, vẫn móc túi trả tiền vui vẻ (dù trong lòng chắc cũng ít nhiều… héo úa)! Nghiệm ra rằng, người Việt xa xứ vẫn một lòng hoài hương, vẫn trung thành với nét văn hóa của ngày Tết cổ truyền nơi quê nhà… nên dù thế nào đi nữa cũng muốn sắm sửa cho ra một cái Tết tương đối hoàn chỉnh theo lối xưa: Phải có bánh chưng, bánh tét, phải có nem chả bánh mứt, phải có mâm ngũ quả như thơm, dừa, xoài, đu đủ và sung hay “cầu vừa đủ xài” cũng như nấu những món ăn tương tự lúc ở quê nhà trong ngày Tết… Và trên hết, vẫn mong cả nhà vui vẻ đoàn tụ trong ngày đầu năm với lời chúc Xuân rôm rã… Cho nên dù ở xứ người lâu năm, dù có hòa nhập được với nhịp sống Tây phương nhưng tôi tin là dòng máu Việt vẫn còn ngấm sâu trong tâm tưởng, trong hoài niệm của từng người dân lưu vong… để từ đó họ vẫn nuôi dưỡng và nhắc nhở con cháu tinh thần của nếp sống tam tứ đại đồng đường – dĩ nhiên không phải là cùng sống chung trong một mái gia đình của ba bốn thế hệ - mà là tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, là biết kính trên nhường dưới, là hiếu thảo với ông bà cha mẹ…

Giờ đây sau hơn 40 năm không được hưởng Tết ở quê nhà, cộng đồng Việt Nam trong các quốc gia có người Việt định cư đã từng bước gây dựng lại không khí Tết không những cho người Việt tha hương mà còn giới thiệu, truyền bá được những phong tục, lễ nghi truyền thống đến các thế hệ con em và cả người bản xứ một phần nào hiểu được nét đặc sắc của nền văn hóa Việt.

Năm nay là năm Đinh Dậu, tôi đọc được một bài viết của nhà văn Chu Tất Tiến cho rằng gà có đủ “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Ông giải thích: Nhân là khi gà mái chịu nuôi thêm mấy con vịt mà không càm ràm, phân chia chủng tộc… Nghĩa là ai đứng gần nâng niu là cứ thế bám theo riết, mấy anh chị chủ gà chỉ việc kêu “chiếp chiếp” là gà chạy lại liền… Gà lại biết “Lễ”, gà trẻ nhường gà già, gà mái nhường gà trống… Trí của gà là khi gặp mấy chú diều hâu hay chồn cáo, gà mái thường gom con lại đứng dưới cánh, trông to lớn hẳn ra, nên các chú kia không dám xấn tới… Chữ Tín của gà thì vô địch, cứ đúng giờ là gáy liền, đánh thức mọi người dậy đi làm, không bao giờ trễ nãi..” Tuy lời giải thích có hơi gán ghép để ca tụng Gà nhân năm của nó, nhưng xin mạn phép được dựa vào đây để chúc mọi người luôn giữ vững “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, và mong sao không còn ai phải có cuộc sống như gà, suốt ngày cực khổ đào bới để mưu sinh!

Quý chúc mọi người, mọi nhà một năm Đinh Dậu an vui, hạnh phúc, sức khỏe và thành công!

HDT Tet 5

Hồ Diệu Thảo

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com