Tháng Tư dương lịch, Âu châu thực sự đã bước vào mùa xuân. Khắp mọi nơi được bao phủ với màu sắc rực rỡ của ngàn hoa. Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé, chiếm dải bình nguyên giữa hai dãy núi chính Alpes và Jura của Âu châu. Với khí hậu cao nguyên nên dù giữa xuân, đầu hạ, Thụy Sĩ thỉnh thoảng vẫn có những ngày lạnh lẽo, người ta vẫn phải co ro trong những chiếc áo măng-tô khi ra ngoài.
Từ một căn phòng trên lầu năm của một bệnh viện ở ngoại ô thành phố. Ông Chánh ngồi thờ thẫn bên cạnh chiếc giường bệnh, trên đó bà Chánh đang thiêm thiếp ngủ. Thỉnh thoảng ông ngước mắt nhìn bâng quơ ra bên ngoài khung cửa sổ, dõi theo vài con chim nho nhỏ chuyền bay trên các hàng cây trong khuôn viên bệnh viện. Có lúc vì một suy nghĩ gì đó, ông buông lại tiếng thở dài buồn bã quay nhìn vào khuôn mặt trắng xanh của vợ. Người đàn bà đã đến với ông biết bao nhiêu kỷ niệm sướng khổ từ một mối tình duy nhất trọn vẹn, đẹp đẽ trong đời ông.
Có lẽ cuộc sống của gia đình ông sẽ luôn luôn êm đềm, hạnh phúc như một bản nhạc đầy âm vang hoan lạc nếu như ông bà đã không bước vào lầm lẫn vì một cuộc đổi thay! Hơn 40 năm ông bà sống bên nhau trong tình thương yêu tràn trề, dù thời thế luôn luôn xao động với chiến tranh, khổ nghèo nhưng hai ông bà vẫn bên nhau, cùng chia xẻ buồn vui, lo lắng cho nhau một cách rất hài hòa, hạnh phúc. Nhưng đến một ngày, cách đây gần nửa năm, vì sự mời gọi quá ân cần và hợp lý của Hùng, con trai duy nhất, ông bà đã quyết định bỏ đất nước ra đi mà phải nhận chịu những phiền toái không vui! Có lẽ vì quá buồn từ sự sai lầm đó mà chứng đau tim của bà Chánh tái phát, phải vào bệnh viện cấp cứu trong khung cảnh cô đơn, lạnh lẽo nơi xứ người.
Đang miên man, trầm mình vào suy nghĩ. Vài tiếng ho nhè nhẹ của bà Chánh đã kéo ông về với thực tại. Cúi xuống nắm nhẹ bàn tay mát lạnh đầy gân xanh của vợ. Ông âu yếm nâng nhẹ bàn tay của vợ áp sát vào mặt mình như muốn truyền hơi ấm của thân thể, trái tim mình cho vợ. Mong thổi đi cái lạnh giá mong manh từ bàn tay xanh xao của vợ. Nhưng sau vài tiếng ho khan, bà Chánh lại im lặng chìm trong giấc ngủ, đã không nghe được tiếng hỏi đầy lo lắng của ông:
- Bà có cảm thấy khỏe hơn tí nào không?
Sau câu hỏi không lời đáp, thấy vợ vẫn yên lặng trong giấc ngủ, ông Chánh nhẹ nhàng đặt bàn tay bà vào lại trong chiếc chăn, rồi lại chuyển ánh mắt không chủ đích ra ngoài khung của sổ để tiếp nối suy tư. Trong khoảng không gian tĩnh lặng của căn phòng bệnh viện, cuốn phim dĩ vãng của mối tình êm ả, không sóng gió trong đời ông lần lượt quay lại trong trí nhớ…
*
Năm 1973, Chánh là sinh viên năm cuối của Đại học Sư phạm Sàigòn, dù đã 22 tuổi nhưng Chánh vẫn là một cậu sinh viên hiền lành, chưa biết gì về tình yêu trai gái, chỉ biết ăn và học giỏi cho cha mẹ vui lòng. Bố của Chánh, một kế toán viên bình thường của một chi nhánh bưu điện trong thành phố. Mẹ, cô giáo của một trường Tiểu học trong khu Bàn Cờ, rất gần nơi gia đình sinh sống. Cuộc sống của gia đình Chánh chính xác là biểu tượng của giới trung lưu trong xã hội Sàigòn thời chiến tranh. Một căn nhà hai tầng lầu tạm gọi là khang trang, với khoảng sân nho nhỏ tráng xi măng khá rộng đủ chỗ cho hai chiếc xe gắn máy của ông Tú, bố của Chánh và của Chánh. Góc sân, dưới tàn cây thiên lý, một chiếc bàn gỗ dành riêng cho ông Tú dùng cho việc tiếp đãi bạn bè vào những ngày cuối tuần không mưa với bàn cờ tướng. Dọc theo hai bên sân là dải đất dành cho bà Tú trồng hoa và vài loại gia vị cần thiết cho việc bếp núc.
Một hôm trong bữa cơm tối, bà Tú cho biết sáng mai phải đi lo giấy chứng nhận sức khỏe tổng quát để bổ túc cho hồ sơ xin nhập nghạch. Gặp đúng ngày nghỉ học nên Chánh lấy xe chở mẹ đến bệnh viện lo việc khám sức khỏe. Sau khi làm xong các thủ tục giấy tờ, Chánh dẫn bà Tú đến khu tiếp nhận bệnh nhân, dặn dò vài điều cần thiết trước khi để mẹ theo cô y tá đến khu vực chụp hình phổi và khám nghiệm sức khỏe. Xong đâu đấy Chánh tìm một chỗ ngồi khá riêng biệt ở một góc trong căn phòng chờ đợi, lấy tờ báo ra đọc. Miệt mài với tờ báo, Chánh hoàn toàn không chú ý đền một cô gái, có lẽ trẻ hơn Chánh vài ba tuổi đang dìu đỡ bà mẹ đến ngồi xuống chiếc ghế còn trống ngay bên cạnh Chánh, rồi nói với bà mẹ:
- Đây chắc đúng là chỗ mà người ta chỉ dẫn rồi mẹ ạ. Mẹ ngồi xuống ghế nghỉ tí chút, con đem hồ sơ ra nộp cho phòng nhận bệnh.
Nói xong cô gái với xấp giấy trong tay đem đến chiếc quầy nhận bệnh nhân trao tận tay cho người nhân viên rồi trở lại chỗ bà mẹ, đưa đôi tay thân thiết xoa nắn bờ vai của mẹ: - Chắc phải chờ tí chút, sẽ có người đến dẫn mẹ đến nơi chụp X quang và khám bệnh.
Bà mẹ ậm ừ, đưa tay chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh, âu yếm nói với con:
- Con ngồi xuống đây, cho đỡ mỏi chân!
Những lời đối đáp rất bình thường của hai mẹ con ngồi bên cạnh, chẳng có gì để Chánh phải chú ý, mất tập trung vào những trang báo. Nhưng khi bà mẹ quay sang nhìn cô gái nói tiếp:
- Cầu mong phổi của mẹ không có gì rắc rối, bệnh ho mấy tuần qua chỉ là bệnh cảm cúm thông thường mà thôi.
Đưa tay vuốt ngay ngắn tà áo cô gái, ra chiều âu yếm bà mẹ nói tiếp:
- Nếu con bận rộn hãy về trước đi, đừng vì mẹ mà phải bỏ giờ dạy học. Sau khi khám bệnh xong mẹ sẽ tự lấy xích lô hay Taxi về nhà cũng được.
- Mẹ khỏi phải lo. Con đã nhờ người bạn dạy thay cho con ngày hôm nay rồi! Hơn nữa con cũng muốn biết rõ bệnh tình của mẹ ra sao, để mẹ một mình con không yên tâm lắm.
Cuộc đối thoại của hai mẹ con cô gái, đã kích thích tò mò của Chánh. Anh đưa mắt kín đáo nhìn cô gái. Khuôn mặt trái xoan, làn da trắng mịn với mái tóc đen hơi xoắn buông thả xuống bờ vai. Vẻ đẹp rất đơn sơ vẫn còn trộn lẫn vẻ ngây ngô đùa nghịch của một nữ sinh viên, hơn là bóng dáng của một cô giáo nghiêm nghị đứng trước lớp học như trong trí tưởng tượng của Chánh. Ngay lúc đó, một cô y tá, tay cầm tập hồ sơ bước đến trước mặt hai mẹ con, nói với họ:
- Bác tên là Sinh phải không ạ? Bác theo cháu đến phòng chụp X quang rồi cháu sẽ dẫn bác đến phòng xét nghiệm để bác sĩ chuẩn đoán bệnh cho bác.
Bà mẹ nói vài tiếng cám ơn cô y tá rồi quay sang đưa chiếc giỏ xách tay cùng vài đồ vật lỉnh kỉnh trong túi áo cho cô con gái. Trước khi theo cô y tá, bà còn ngoái lại dặn dò:
- Con đừng đi đâu nhé, ngay khi xong, mẹ sẽ lại đây kiếm con cho khỏi bị lạc nhau nhe!
Cô gái mỉm cười với vẻ thận trọng quá mức của mẹ, nói vài câu trấn an cho mẹ vui lòng rồi quay ra sắp xếp lại chiếc áo len mỏng cùng vài vật dụng mà bà mẹ để lại trên mặt chiếc ghế ngồi. Có lẽ vì vướng vào chiếc áo len nên vài món đồ rơi vãi xuống nền nhà, trong đó có một hộp cao nho nhỏ rơi trúng vào chân của Chánh rồi tiếp tục lăn xa hơn, sang phía bên kia chỗ ngồi của Chánh. Nhìn thấy vẻ lúng túng của cô gái, Chánh im lặng cúi xuống nhặt chiếc hộp lên, đưa tận tay cô ta. Cô gái càng lúng túng hơn khi nhìn thấy nụ cười có tí chọc ghẹo của Chánh khi anh đặt hộp cao vào hẳn lòng bàn tay của cô ta. Lí nhí cô gái nói với Chánh:
- Cám ơn ông! xin lỗi...
Chẳng để cho cô gái nói hết lời, Chánh nhìn cô ta mỉm cười:
- Có gì đâu mà lỗi với phải hả cô giáo?
Vẫn với nụ cười chọc ghẹo trên môi, Chánh hỏi tiếp:
- Vừa nghe cô nói chuyện với bác, cô là cô giáo phải không?
- Dạ, vâng ạ.
Cùng với câu trả lời, cô gái hơi nhíu mày chuyển ánh mắt nhìn kỹ Chánh hơn. Hình như dáng dấp chỉnh tề kèm theo chiếc cặp da để trên đùi của Chánh đã làm cô gái có chút suy nghĩ rồi ngập ngừng cô ta hỏi:
- Chắc ông cũng là thầy giáo phải không ạ?
Sự suy đoán của cô gái không hoàn toàn chính xác nhưng cũng làm Chánh ngạc nhiên, nhìn cô ta anh trả lời:
- Cô đoán chỉ gần đúng mà thôi. Phải còn gần nửa năm nữa tôi mới thực sự là thầy giáo như cô. Tôi đang học năm cuối của Đại học Sư phạm Sàigòn.
Với câu trả lời cởi mở của Chánh. Nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt, vẻ ngại ngùng ban đầu hình như hoàn toàn biến mất, thay vào đó sự thân tình có ngay trong lối xưng hô. Cô gái nhỏ nhẹ:
- Em chỉ là giáo viên cấp Tiểu học mà thôi! Không phải là thầy giáo cấp Trung học như anh đâu!
Thế rồi những câu chuyện xoay quanh đủ mọi đề tài. Từ việc học hành, đời sống xã hội chung quanh cũng như hoàn cảnh gia đình đều được đem ra tâm sự. Gia đình Loan, tên cô gái, trước kia sinh sống với nghề nông ở Vĩnh Long. Trong một lần, khi Loan mới lên 5 tuổi, ông Sinh, ba của Loan ban đêm chèo ghe đi soi ếch bị máy bay bắn chết. Bà Sinh cảm thấy không thể sống yên ổn ở vùng thôn quê được, nên đem con lên Sàigòn sinh sống và ở vậy nuôi con. Hiện nay hai mẹ con đã có cuộc sống khá ổn định. Bà Sinh dành dụm mở được một tiệm bán tạp hóa nho nhỏ, trong một ngõ hẻm ở Tân Định, cuộc sống vật chất tạm gọi là đầy đủ. Loan thích nghề dạy học nên sau khi xong tú tài bán phần, cô thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm, tốt nghiệp rồi được làm việc ngay tại trường Tiểu học trong khu vực gần nhà.
Chánh cũng kể cho Loan nghe về cuộc sống rất bình lặng, yên ấm của gia đình mình. Những câu chuyện vu vơ riêng tư đó đã nhẹ nhàng kéo hai người gần với nhau. Những nụ cười thoải mái, những chia xẻ vui buồn trong công việc cũng như những mơ ước tương lai cũng được nói đến. Thời gian đợi chờ hai bà mẹ qua rất mau, nhưng cả hai chẳng có cảm giác gì sốt ruột dù đã gần hai tiếng đồng hồ qua đi. Cho đến khi họ ngỡ ngàng thấy hai bà mẹ như đã từng quen biết đang vui vẻ, nói cười đi bên nhau, từ đầu dãy nhà bên kia phòng đợi đang tiến đến chỗ hai người. Chánh chưa kịp lên tiếng hỏi mẹ về kết quả khám nghiệm, bà Tú đã vui mừng lên tiếng:
- May quá, sức khỏe của mẹ hoàn toàn không có gì cả, bác sĩ đã cấp cho mẹ tờ giấy chứng nhận sức khỏe rồi.
Rồi nắm lấy tay mẹ của Loan, với giọng mừng vui bà Tú nói với con trai:
- Thật ngẫu nhiên mẹ gặp lại bác Sinh, người bạn quen biết ngày xưa của mẹ.
Bà Sinh còn kích thích hơn nữa, chìa ra một xấp giấy cho con gái, rất vui mừng bà nói:
- Phổi mẹ hoàn toàn không có vấn đề gì, con ạ. Bác sĩ cho biết bệnh ho mấy tuần qua của mẹ chỉ là bệnh cảm sốt thông thường mà thôi, chỉ vài ngày tĩnh dưỡng và uống thuốc là sẽ khỏi.
Cuộc hội ngộ bất ngờ, nhất là tâm lý vui mừng từ kết quả của sức khỏe hình như đã làm cho hai bà mẹ đua nhau tâm sự, kể lể đủ chuyện. Hai bà mê kể lể đến nỗi quên cả sự hiện diện của hai đứa con của mình. Chúng im lặng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười với những câu đối thoại đôi khi rất ngô nghê của hai bà mẹ. Từ ngày gặp nhau ngẫu nhiên đó, tình cảm của Chánh và Loan đã có những bước đi rất thuận lợi. Hai bên gia đình, đặc biệt với hai bà mẹ, họ chẳng cần giấu giếm tìm đủ mọi cách tạo dịp cho hai trẻ gặp nhau. Cuối tuần thường là những cuộc họp mặt ăn uống hay hẹn hò đi chơi thăm viếng đền chùa. Không bao giờ hai bà mẹ quên bắt đứa con của mình làm tài xế đón đưa hay ngồi nghe những tính toán tương lai khi Chánh tốt nghiệp ra trường, ổn định việc làm.
Tình yêu của Chánh và Loan được trôi chảy êm đềm như thế. Nó đẹp đẽ như dòng suối êm chảy giữa một bình nguyên toàn cỏ xanh, đầy hoa muôn sắc. Cuối năm đó, chỉ vài tháng sau ngày Chánh tốt nghiệp, nhận sở làm tại một trường Trung học ở bìa thành phố, một đám cưới không quá đình đám nhưng cũng không thua kém phần trang trọng được thành hình. Vào khoảng giữa năm 1974, sau đám cưới của con gái vài tháng, bà Sinh cảm thấy mệt mỏi, nóng sốt nhẹ, kèm theo vài cơn ho. Như mọi lần, bà nghĩ rằng chỉ là căn bệnh cảm cúm thông thường nên không đi bác sĩ, tự ý mua thuốc về uống. Vài ngày sau bệnh trở nặng, Loan đưa mẹ đến bệnh viện thì quá trễ. Bà Sinh chết vì tai biến mạch máu não.
Sau khi lo ma chay cho mẹ xong, Loan bán tiệm tạp hóa thu gom tiền dồn vào sửa chữa lại căn nhà của gia đình Chánh cho khang trang hơn chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Có lẽ vì buồn lo quá sức cho việc ốm đau và ra đi của mẹ, Loan bị động thai, phải đi bệnh viện, bác sĩ phải giải phẫu để cứu mẹ và đứa con. Hùng tên đứa bé. Điều rất buồn cho toàn thể gia đình Chánh là Loan không thể mang thai được nữa. Sàigòn bước sang năm 1975, cuộc chiến tranh dài lâu đã thực sự chấm dứt. Với gia đình có đến 3 người làm nghề giáo, một người làm nhân viên tầm thường của sở bưu điện, cuộc sống của gia đình Chánh mặc dầu cũng bị ảnh hưởng những khó khăn của thời hậu chiến nhưng so với phần lớn gia đình khác của Sàigòn vẫn dễ thở hơn nhiều. Vợ chồng Chánh và bà Tú vẫn hàng ngày đến trường lo việc dậy học, ông Tú vẫn làm người nhân viên văn phòng cho chi nhánh bưu điện địa phương.
Vào một buổi chiều mưa nhè nhẹ, trời đã có phần nhá nhem tối, từ trường học trở về Chánh thấy một đứa bé gái khoảng 4,5 tuổi, quần áo nhem nhuốc nằm co ro dưới tàng cây bên cạnh cổng nhà. Chánh nghĩ rằng đứa bé nào đó trong xóm vì ham chơi, quá mệt mỏi nên ngủ gật mà quên về nhà. Chánh đưa tay lay gọi con bé, mong nó thức dậy, nhưng nó chỉ mở mắt lờ đờ như quá kiệt sức rồi lại thiếp đi. Chánh cúi xuống nhìn kỹ con bé đáng thương, có lẽ nó ít tuổi hơn thằng Hùng vài ba tuổi, thân thể gầy gò, màu da tái xanh trong bộ quần áo dơ bẩn rách tơi tả, run rẩy vì nước mưa, gió lạnh. Chánh có linh cảm con bé không phải là người trong xóm, mà là đứa trẻ vô gia đình lang thang trên đường phố. Sau một chút suy nghĩ, Chánh kẹp chiếc cặp vào nách rồi cúi xuống bế xốc con bé vào nhà. Gần như cả buổi tối hôm đó vợ chồng Chánh và ông bà Tú bận rộn với việc tắm rửa, săn sóc ăn uống cho con bé.
Yến, tên con bé, cho biết gia đình nó hình như ở một làng quê nào đó thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Một hôm cả gia đình gồm bố mẹ và 3 đứa con đều là gái, nó là đứa con út 4 tuổi, dọn nhà đi đâu đó, mà nó cũng không biết. Sau nhiều ngày gia đình nó, lúc di chuyển bằng xe đò, lúc lênh đênh trên ghe thuyền. Rồi vào một buổi sáng, bố mẹ nó để cả 3 chị em nó với vài túi quần áo ở một góc đường, dưới tàng cây bên cạnh một bến xe, bảo chị em nó ngồi đợi vì phải đi làm việc gì đó. Quá mệt, lại gặp buổi trời nắng nóng nên cả 3 chị em đều lăn ra ngủ. Không biết bao lâu, khi tỉnh dậy con Yến thấy chỉ có một mình. Tất cả đống bao quần áo và cả 2 đứa chị của nó hoàn toàn biến mất! Con bé khóc lóc, chạy đi mọi nơi tìm cha mẹ và hai chị. Gặp bất cứ ai nó cũng hỏi thăm, mô tả hình dáng của cha mẹ và 2 đứa chị. Nhưng với những mô tả mù mờ của đứa bé 4 tuổi, nó nhận được những lời chỉ dẫn vu vơ của người đi đường. Cuối cùng với những chỉ dẫn vu vơ, nó thành một đứa trẻ không gia đình, nhà cửa hòa nhập với một vài đứa trẻ khác cùng cảnh ngộ trong Sàigòn rộng lớn vẫn còn rất nhiều bề bộn sau chiến tranh.
Ban ngày chúng lang thang trên đường phố, la cà đến các khu ăn uống sống nhờ vào lòng tốt của người đi đường. Đêm đến chúng tìm chỗ ngủ ở các xạp gỗ trong chợ hay dưới mái hiên, lề đường của phố xá. Đêm qua cũng vậy, sau một ngày lang thang, tranh nhau những món ăn dư thừa với các đứa trẻ khác từ các nhà hàng, quán ăn. Lại gặp hôm trời mưa, bụng đói và mệt, nó trôi giạt đến khu nhà của Chánh và ngồi dưới tàng cây bên cạnh chiếc cổng nhà. Với ý định nghỉ chân rồi đi tìm chỗ khác ngủ qua đêm. Nhưng vì mệt và đói nó đã ngủ thiếp đi, gặp đúng lúc Chánh về nhà. Mọi người trong gia đình Chánh, kể cả ông bà Tú nghĩ rằng, chỉ cho con bé ngủ tạm trong nhà đến ngày mai, cho nó ăn sáng, thay cho bộ quần áo lành lặn, giúp nó chút tiền để tiêu dùng rồi lại thả nó đi tìm mẹ. Nhưng khi nhìn con bé im lặng, dòng lệ chảy dài trên khuôn mặt trắng xanh trong ánh mắt rất buồn của con bé, mọi người trong gia đình Chánh cảm thấy ái ngại. Bà Tú đưa tay vuốt ve con bé, hỏi nó ra đường rồi đi đâu, làm gì… Nó ngước mắt nhìn mọi người rồi lí nhí trả lời không biết!
Sau một lúc bàn thảo, mọi người đồng ý đưa con bé ra văn phòng phường. Hy vọng phường sẽ giúp đỡ tìm lại gia đình cho nó, ít ra họ cũng có thể tìm được một cơ sở từ thiện nào đó dành cho những đứa bé lang thang không cha, không mẹ. Ông chủ tịch Phường cùng với vài nhân viên sau một lúc dò hỏi nguồn gốc, tên cha mẹ của con bé. Nhưng cũng chẳng có gì khá hơn, vẫn là những ký ức mù mờ, không giúp gì cho sự tìm kiếm. Cuối cùng ông phường trưởng cho biết vấn đề đem con bé đến một cơ sở từ thiện nào đó chưa chắc đã là giải pháp tốt đẹp. Theo ông ta, gia đình Chánh, có quá đủ điều kiện cưu mang con bé. Nếu có người cảm mến, muốn nhận con nuôi, cơ quan phường sẽ lo thủ tục cho việc nhận lãnh đúng luật pháp. Dĩ nhiên, nếu vì một may mắn, nó gặp được cha mẹ thì giao lại nó cho họ, coi như một việc làm thiện nguyện. Với lời đề nghị của cơ quan Phường rất hợp lý, Chánh chợt nghĩ đến hoàn cảnh của vợ, không còn có dịp sinh nở nữa, việc nhận con bé làm con nuôi đúng là một điều quá may mắn. Đã thế khi nhìn dáng vẻ hiền lành, xinh xắn của con bé càng làm cho vợ chồng Chánh và cả ông bà Tú vui mừng. Cuối cùng mọi thủ tục đã đựợc thông suốt, con Yến đã trở thành đứa con nuôi ngẫu nhiên đến với vợ chồng Chánh. Cũng từ đó gia đình Chánh trở nên ồn ào sống động hơn. Thằng Hùng tự nhiên có đứa em gái để chơi đùa. Ông bà Tú có thêm một đứa cháu để dạy dỗ, sai bảo những chuyện vu vơ…
Cuộc sống kinh tế của xã hội càng lúc càng dễ dàng hơn. Những khó khăn của những năm sau 1975 đã được đẩy lùi dần dần vào dĩ vãng. Gia đình Chánh hòa nhập khá tốt vào những hoạt động văn hóa, được coi như gia đình gương mẫu trong khu vực. Bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế đi lên, Ông bà Tú đến tuổi về hưu nhưng lại bận rộn với bạn bè cùng lứa tuổi và dạy dỗ hai đứa cháu cũng như thay vợ chồng Chánh lo việc giao tế xã hội. Không khí đại gia đình êm ả, hạnh phúc đó được khoảng 6,7 năm thì ông bà Tú sau vài căn bệnh già mà ra đi. Vợ chồng Chánh vẫn tiếp tục dạy học rồi thằng Hùng hoàn tất cấp 3 Trung học với thành tích rất tốt mong ước đi ngoại quốc du học. Con Yến bước chân vào cấp 3 trường điểm của thành phố. Thời gian này đất nước đã thực sự bước vào một giai đoạn mới. Người Việt từ hải ngoại về thăm viếng hay tìm đối tác làm ăn cũng như phong trào ra ngoại quốc dưới nhiều dạng thức khác nhau… không còn là hiện tượng hiếm hoi như trước nữa. Vợ chồng Chánh dù không muốn rời xa con nhưng thấy con nôn nóng muốn đi du học cho bằng bạn bằng bè nên cũng đành gạt nỗi buồn mà xếp đặt cho con sang Thụy Sĩ du học.
Sau khi thằng Hùng du học, vợ chồng Chánh vẫn hàng ngày tiếp nối công việc dạy học. Căn nhà rộng lớn lại trở về với vắng vẻ của những năm tháng trống vắng ngày xưa. Những lá thư, cuộc điện thoại đường xa của vợ chồng Chánh với con trai gần như hàng tuần nhưng cũng không che lấp được nỗi nhớ thương, lo lắng, mong chờ ngày học thành tài rồi trở về của đứa con yêu. Việc học hành của Hùng ở Thụy Sĩ được coi là trôi chảy sau hơn 5 năm với mảnh bằng Kỹ sư cơ khí, rồi tìm được việc làm cho một công ty chuyên môn về xây dựng trong thành phố. Cũng năm đó Yến tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm, sau khi ổn định việc làm, Yến thành hôn với người bạn đồng nghiệp rồi ra ở riêng. Cuộc sống của vợ chồng Chánh càng buồn tẻ hơn. Nơi nào trong căn nhà rộng lớn nhưng trống vắng cũng đều có những dấu tích, kỷ niệm của đứa con trai duy nhất trước khi nó rời xa. Hơn một năm sau, cả hai vợ chồng Chánh hồi hưu. Vợ chồng Yến nhìn rất rõ nỗi buồn, cô đơn của cha mẹ nên vợ chồng Yến lại trở lại sống cùng với ông bà Chánh.
Nhưng cũng chỉ là niềm vui nho nhỏ che lấp một phần nào nỗi cô đơn to lớn trong lòng vợ chồng Chánh mà thôi. Có lẽ niềm an ủi nhất của vợ chồng Chánh là những lần điện thoại viễn dương hàng tuần tâm sự vu vơ với con trai. Thỉnh thoảng vào dịp Tết Âm lịch Hùng tạt về Việt Nam khoảng một tuần lễ hay 10 ngày rồi lại vội vàng ra đi vì công việc. Những lần hội ngộ ngắn ngủi đó là những khoảng khắc hạnh phúc vô cùng to lớn với vợ chồng Chánh khi chờ đón con ở phi trường. Nhưng cũng là những xót đau, tràn đầy nước mắt lúc phải tiễn đưa con khi nó rời xa để về nơi xa xôi mà nó đã tìm được nguồn vui cho chính nó nhưng vô tình nó đã không nhìn thấy nỗi đau chôn sâu trong lòng của mẹ cha. Rồi một hôm, cũng vào dịp Tết đến, xuân về Hùng về thăm quê hương với cô bạn gái Thụy Sĩ, giới thiệu với vợ chồng Chánh, cô ta là vị hôn thê. Lần này Hùng về nước ngoài việc thăm gia đình còn lo làm vài giấy tờ cần thiết cho việc kết hôn tại Thụy Sĩ. Nhận tin vui của con trai, vợ chồng Chánh cố giấu đi sự ngỡ ngàng và lo lắng với quyết định của con. Cả hai kín đáo nhìn nhau thở dài, hiểu rõ đứa con trai thân yêu duy nhất đã thực sự xa rời khỏi vòng tay của mình. Cảm giác đợi chờ đứa con sau khi hoàn tất việc học trở về chăm sóc mẹ cha lúc tuổi già sức yếu đã trở thành ảo vọng!
Để níu kéo những hoài nhớ hình bóng, hơi ấm của con trai, vợ chồng Chánh vẫn giữ y nguyên căn phòng ngày xưa của con. Những vật dụng kỷ niệm, món đồ chơi thuở ấu thơ, những cuốn sách tập vở, bằng khen thành tích học hành, ngay cả những chiếc quần áo lót… vẫn được gìn giữ kỹ lưỡng như những kỷ vật vô giá của thằng con trai, làm sống lại niềm vui trong lòng vợ chồng Chánh. Căn phòng đầy dấu tích đó chỉ được sưởi ấm bởi hơi hám của đứa con trong những lần nó về thăm một vài tuần lễ ngắn ngủi rồi lại trở về với hơi lạnh thê lương khi nó ra đi. Có những lúc quá cô đơn, nhớ đến con, vợ chồng Chánh lại bước vào căn phòng đờ đẫn ngắm nhìn những kỷ vật của con. Âu yếm vuốt nhẹ hay áp mặt vào những vật thể vô tri nhưng tràn đầy nhung nhớ, mong sống lại những ngày tháng hạnh phúc xa xưa khi đứa con chưa rời xa đất nước. Thời gian vẫn lẳng lặng đi qua. Vợ chồng Chánh đã có phần lụ khụ, việc cơm nước, sinh hoạt hằng ngày đã cần có người chăm lo. Vài ba năm một lần Hùng cũng dẫn vợ con về thăm cha mẹ. Nhưng khi những đứa con đến tuổi đi học việc thăm viếng của Hùng không còn đơn giản như trước nữa.
Hình như Hùng cũng nhìn thấy tuổi già nua và buồn tẻ của cha mẹ nên đã nhiều lần khẩn khoản muốn kéo cha mẹ sang Thụy Sĩ với mình. Dù thương nhớ con cháu, nhưng vợ chồng Chánh vẫn lưỡng lự vì không muốn rời xa quê hương để đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không bạn bè quen biết. Nhưng với sự khẩn khoản cùng với những lý lẽ nghe qua rất hợp lý của Hùng; thêm vào đó, không muốn hàng ngày phải trực diện với sự cô đơn, buồn tẻ trong căn nhà đầy ắp dấu tích kỷ niệm. Cuối cùng vợ chồng Chánh đã quên đi lứa tuổi xấp xỉ 70, không hình dung ra được những khó khăn khi bước vào một xã hội hoàn toàn khác lạ về con người, ngôn ngữ nên quyết định khăn gói ra đi. Chỉ sau vài tuần lễ đến Thụy Sĩ, vợ chồng Chánh đã cảm nhận rất rõ ràng, quyết định ra đi, rời xa đất nước của mình là một sai lầm to lớn! Với đứa con trai ruột thịt, dù thế nào nó cũng sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng của đất nước. Nó nhìn rất rõ tình thương yêu và sự hy sinh của cha mẹ nên ít hay nhiều vẫn có sự thương cảm khi thấy cha mẹ cô đơn, buồn bã trong một xã hội hoàn toàn khác lạ mà an ủi, chăm lo.
Nhưng với những đứa cháu và nhất là người con dâu khác nòi giống sự thông hiểu không phải là điều dễ dàng. Những khó khăn về mọi lãnh vực trong cuộc sống bắt nguồn từ khác biệt ngôn ngữ, lối sống và suy tư đã phát sinh. Kèm vào đó những tốn kém tiền bạc cho việc nuôi dưỡng cha mẹ già ở một xã hội có mức sinh hoạt mắc mỏ vào bậc nhất thế giới như Thụy Sĩ, đã mang lại những vấn đề không dễ gải quyết cho Hùng. Dù biết con trai, kín đáo không nói ra nhưng vợ chồng Chánh đã hiểu rất rõ, nếu không mau tìm ra một giải quyết sẽ càng làm cho vấn đề tệ hại hơn. Sự chậm trễ có thể mang đến những phiền toái cho hạnh phúc gia đình của con trai. Cuối cùng, sau khoảng gần 3 tháng sống với gia đình Hùng, vợ chồng Chánh đã nhìn thấy rất rõ, chỉ có một giải pháp để rũ bỏ phiền toái, tốn kém cũng như duy trì hạnh phúc gia đình của con, là phải liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để xin hồi hương. Mọi thủ tục được trôi chảy dễ dàng. Niềm vui sắp được trở lại với quê hương quen thuộc, nơi mà mình đã lầm lẫn rời xa đang tràn đầy trong mong đợi của vợ chồng Chánh. Bất thình lình vài ngày trước lên máy bay thì vợ bị bệnh tim tái phát nên phải vào bệnh viện cấp cứu!
*
Cuốn phim di vãng được khép lại với tiếng thở dài não ruột của ông Chánh. Chuyển ánh mắt buồn bã từ khoảng không gian bên ngoài khung của sổ to lớn của căn phòng bệnh viện lên khuôn mặt xanh tái lòa xòa vài lọn tóc bạc màu của vợ. Ông Chánh buồn bã cúi hẳn người xuống, để đôi môi cà nhẹ vào gò trán khô tái nhợt của vợ như muốn gửi gắm tình thương yêu, lo lắng của ông cho người đàn bà yêu thương đã cùng với ông đi gần suốt cuộc đời trong âm thanh hạnh phúc. Có lẽ tiếng thở dài, sự nóng ấm của của vành môi của ông đã làm bà Chánh tỉnh dậy. Đưa ánh mắt mệt mỏi nhìn chồng, cảm nhận được nỗi lo lắng hiển hiện trên khuôn mặt, trong ánh mắt của chồng, bà cố nở một nụ cười như muốn xua đi căn bệnh, truyền cho người chồng sự an lòng về sức khỏe của mình. Thấy vợ thức giấc, ông Chánh nắm lấy tay của vợ lắc nhẹ lắc nhẹ, vẻ buồn lo hình như biến mất trên khuôn mặt già nua, thay vào đó là nét mừng vui, ông hỏi:
- Bà tỉnh lại rồi hay sao? Tôi lo cho bà quá!
Chẳng cần nghe vợ trả lời, ông nói tiếp:
- Bà hãy cố gắng vui vẻ lên để mau khỏe mạnh. Tôi và thằng Hùng sẽ lo cho bà về lại Việt Nam ngay. Hãy cố lên cho chính bà và cả cho tôi nữa. Bà hiểu rất rõ, tôi làm sao có thể sống được nếu không có bà?!!…
Hình như lời nói quá thắm thiết, nặng tình của ông Chánh đã làm cho bà Chánh cảm động. Hai dòng lệ ứa ra, chảy dài trên khuôn mặt trắng xanh, bà Chánh nói rất nhỏ:
- Ông đừng lo lắng cho tôi quá mà sinh bệnh thì khổ, tôi sẽ khỏe mạnh lại trong nay mai mà thôi. Làm sao tôi có thể bỏ lại ông sống một mình ở nơi xa xôi và buồn tẻ thế này được. Tôi sẽ khỏe, đủ sức để về với ông. Về với quê hương đích thực của chúng mình, đó mới chính là chốn quen thuộc và hạnh phúc...
Khoảng vài tuần sau, sức khoẻ bà Chánh tạm tạm ổn. Với những dặn dò kèm theo những thuốc men cần thiết của bác sĩ, bà Chánh đã được cùng ông Chánh trở về lại Việt Nam. Niềm vui trở lại, được nhìn và sống lại cùng những kỷ niệm êm ấm xa xưa hình như đã là một toa thuốc tuyệt vời thổi đi những buồn phiền bệnh hoạn không những cho bà mà cả cho ông Chánh nữa. Căn nhà xưa vẫn trầm lặng trong con hẻm có chút xô bồ cố hữu của Sàigòn trong thời kỳ kinh tế mở cửa vẫn không có gì đổi khác. Nhưng hình như ông bà Chánh lại tìm thấy ở nó có cái cái gì đó thân quen, gắn bó làm cho ông bà vui sướng tuổi già. Cuộc sống bình thản trôi được khoảng gần 2 năm sau ngày ông bà Chánh trở lại Việt Nam.
Vào một buổi cuối tuần sau bữa cơm tối, bà Chánh đùa giỡn với lũ con của Yến một lúc rồi tỏ vẻ hơi mệt và đi ngủ sớm. Vợ chồng Yến sau khi thu dọn căn phòng khách bề bộn do lũ con tạo ra rồi cũng vào phòng riêng trên lầu của căn nhà. Ông Chánh vẫn có thói quen thức khuya xem TV hay đọc báo. Tất cả đều bình thường như mọi ngày. Cho đến khi ông Chánh cảm thấy mệt mỏi, thu dọn đống sách báo rồi lên phòng ngủ. Ngay khi bước vào căn phòng, ông Chánh có linh cảm điều gì khác thường khi thấy vợ nằm im, không thức giấc mỗi khi nghe thấy tiếng dép lẹp xẹp của ông khi bước vào phòng. Ông cố ý nói vài tiếng bâng quơ, nhưng thấy vợ vẫn im lặng, không phản ứng. Sự lo sợ điều không hay đã làm ông bước vội đến bên giường đưa tay cuống quýt lay gọi vợ nhiều lần, nhưng bà vẫn im lặng. Sau một lúc bàng hoàng, nhìn nét mặt trắng tái khác thường, hai bàn tay lạnh như ướp đá của vợ. Ông biết bà đã lặng lẽ ra đi, không một lời từ biệt. Ôm lấy thân thể ốm lạnh, cúi sát đầu xuống gần khuôn mặt vô cảm giác của vợ, ông Chánh khóc than trong nước mắt:
- Bà ơi! bà nỡ bỏ tôi lại một mình thế này sao? Tôi làm sao sống được trong nỗi cô đơn, buồn tẻ này đây hả bà?...
Đưa bàn tay âu yếm vuốt ve khuôn mặt của vợ bị lem luốc vì những giọt nước mắt của mình, ông Chánh hiểu rất rõ những ngày tháng mong manh còn lại của đời vừa bước sang một giai đoạn buồn tẻ. Ông thì thầm bên tai xác của vợ:
- Thôi đành vậy, bà hãy yên lòng mà ra đi, tôi sẽ lo lắng cho bà với trọn tình nghĩa rồi tôi cũng sẽ ra đi để tìm đến bên bà cho chúng ta mãi mãi bên nhau. Bà hãy chờ tôi nhé!...
Đám tang của bà Chánh được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, toàn thể gia đình Hùng từ Thụy Sĩ cũng về dự. Ông Chánh để tạm tro cốt của vợ trong ngôi chùa ở ngoại ô thành phố. Hàng ngày, sáng chiều ông đều thắp hương trên bàn thờ của vợ trong căn phòng khách, đọc kinh siêu độ cho vợ. Ông mua một lô đất trong khu nghĩa trang của chùa, xây dựng một ngôi mộ khang trang. Trong ngôi mộ ông tạo ra hai ô vuông bằng đá mài riêng biệt, vừa đủ cho hai bình tro cốt. Một ô dành cho bà, ô khác bên cạnh sẽ dành cho ông. Ngày giỗ kỵ 49 ngày của bà Chánh, ngoài việc cúng vái tại gia, cầu kinh tại chùa, ông Chánh mời một vị sư làm lễ di chuyển hũ cốt của bà từ chùa đến an vị trong ô vuông tại ngôi mộ mà ông đã sửa soạn trước. Sau ngày giỗ, ông Chánh ít nói hơn ngay cả với con cháu trong nhà. Ông cũng không còn giữ những thói quen thường nhật như đọc sách báo, xem TV hay liên hệ với với bạn bè quen biết trong xóm như xưa nữa. Nhiều lúc ông ngồi im lặng, ánh mắt nhìn bâng quơ ra bên ngoài cửa sổ thỉnh thoảng buông nhẹ tiếng thở dài buồn bã. Vợ chồng Yến nghĩ rằng ông vẫn chưa hết đau buồn với sự ra đi quá đột ngột của bà mà thay đổi tánh nết. Rồi thời gian sẽ mang ông trở lại bình thường như trước.
Rồi một buổi sáng, như thường lệ sau khi chuẩn bị bữa điểm tâm cho cả gia đình, không thấy ông Chánh xuống ăn với lũ cháu. Yến sai thằng con trai lớn lên mời ông ngoại xuống ăn sáng. Thằng bé lên phòng một lúc trở xuống cho biết ông ngủ quá say, nó lay gọi mãi nhưng ông không chịu thức giấc. Linh cảm có gì không bình thường, cả hai vợ chồng Yến chạy lên phòng, ông Chánh nằm ngay ngắn trên giường, đắp chiếc chăn dạ, bình thản như người đang say ngủ. Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường, một chiếc ly vẫn còn sót lại một tí dung dịch màu trắng, đè chận lên một trang thư, chữ viết tròn trịa biểu lộ ông Chánh đã viết nó trong tâm trạng bình thản, trước khi tìm đến cái chết:
Saigòn, ngày … tháng … năm …
Vợ chồng Yến & Các cháu thương yêu của bố, Có lẽ khi các con đọc được lá thư này, thì bố đã vĩnh biệt xa các con rồi! Các con cũng chẳng nên buồn với lựa chọn của bố. Bởi vì đây không phải là một chọn lựa miễn cưỡng, trái lại, là niềm vui, hạnh phúc to lớn của bố khi sắp được hội ngộ cùng mẹ con, người đồng hành duy nhất và toàn vẹn của đời bố. Dù sao bố rất buồn khi phải quyết định rời xa các con, các cháu nhưng làm sao bố có thể sống vui vẻ được trong nỗi cô đơn, thiếu vắng mẹ của các con được! Bố cũng không thể nào bình thản được khi hình dung ra cảnh mẹ của các con ở một nơi xa xăm nào đó phải lẻ loi một mình thương nhớ, chờ mong bố!
Yến thương yêu của bố, đã mấy chục năm qua dưới sự dưỡng dục của bố mẹ, chắc con đã cảm nhận được lòng yêu thương rất chân thành, của bố mẹ dành cho con, dù con chỉ là đứa con gái nuôi. Lòng thương yêu đó hoàn toàn không khác gì, dù một tí nhỏ nhoi so với Hùng, người con ruột thịt của bố mẹ. Viết với con như vậy, bố muốn xác nhận thêm một lần nữa, lần cuối cùng để mãi mãi xa con là bố cũng như mẹ luôn luôn yêu mến và tự hào về con như một đứa con chính bố mẹ đã sinh ra. Lá thư cuối cùng này, bố muốn nhờ vợ chồng con lo việc tang ma cho bố rất đơn giản, theo nghi thức Phật giáo, giống như bố đã làm cho mẹ của con 2 tháng trước. Đem hũ cốt của bố để vào ô vuông bên cạnh của mẹ con trong ngôi mộ mà bố đã chuẩn bị riêng cho bố.
Yến thương yêu của bố mẹ, tất cả chỉ có vậy. Bố nghĩ rằng con sẽ làm cho bố, coi như một sự đền đáp lại lòng yêu thương, dạy dỗ của bố mẹ dành cho con nhiều chục năm qua. Hôm qua bố cũng đã gửi thư cho vợ chồng Hùng nói rõ về quyết định ra đi của bố rồi, bố nghĩ vợ chồng Hùng chắc cũng về chia xẻ bận rộn với con.
Thương yêu và chúc vợ chồng con và các cháu mãi mãi hạnh phúc.
(Bố)
Đọc xong lá thư, Yến thờ thẫn, buồn bã đưa tay gạt nhẹ vài sợi tóc bạc lòa xòa trên vầng trán rộng hơi xanh của ông Chánh. Thằng con trai, nắm lấy vạt áo của Yến lắc nhẹ, ngu ngơ hỏi mẹ:
- Tại sao ông ngoại không thức dậy ăn điểm tâm hả mẹ?
Yến buông tiếng thở dài nhè nhẹ, xoa đầu thằng bé trả lời:
- Ông ngoại sẽ không bao giờ thức dậy nữa, bởi vì chỉ trong giấc ngủ ông mới gặp được bà ngoại của con mà thôi!
Lưu An (Zürich, tháng 5, 2014)