User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

chuany

Ngày đầu năm, giống như nhà thơ Phan Ni Tấn (?) tôi cũng: ”Lên chùa thắp một nén nhang, Tụng kinh lớn tiếng cho tâm từ hòa”. Nói đúng ra tôi đã “lên chùa” vào ngày 26 Tết để cùng các Sư Cô và đạo hữu làm công quả. Dưới hỏa đường tôi chỉ phụ với các Sư Cô chiên được 18 thùng tàu hũ rồi lên chánh điện lau bụi các bàn thờ và tượng Phật. Sáng chúa nhật tôi đến chùa dạy xong lớp Việt Ngữ là tới khóa lễ. Hai giờ chiều về nhà rửa một đống chén cao như núi vì sáng sớm vừa nấu mâm cơm cúng đón ông bà vừa nấu xôi, chè đi chùa. Làm nhiều việc cùng một lúc trong thời gian ngắn nên tôi không đủ thì giờ để rửa chén. Thanh toán xong đống chén là lại tới giờ vô chùa lạy sám hối. Kỳ này Sư Cô cho lạy express (tốc hành) nên ôi thôi mọi người vừa lạy tóc tai vừa dựng đứng, ngoài trời lạnh buốt giá trừ 30 độ F, tuyết ngập hơn đầu gối cả tấc mà mồ hôi mồ kê đổ như tắm, mặt mày đỏ phừng phừng như Quan Công.

Lạy sám hối mệt ngất ngư mà ai cũng mừng vì mọi người đều biết rằng: ”Niệm Phật một niệm phước sanh vô lượng, Lễ Phật một lễ tội diệt hằng sa”. Lạy xong 108 lạy mọi người đều xơ vơ xửng vửng đứng lên không muốn nổi (vì Phật Tử thuần thành toàn là lão ông và lão bà, người trẻ nhất cũng trên 50). Riêng tôi vì biết mình sẽ dành nhiều thì giờ cho chùa dịp này nên trước đó mấy ngày đã ráng thức khuya dọn dẹp nhà cửa, nấu sẵn thức ăn cúng Tết, đêm nào cũng thức tới sau 12h khuya. Tôi là người rất dở thức khuya. Đêm nào mà thức quá nửa đêm thì coi như… tiêu! Lên giường nằm mãi thật khó dỗ giấc ngủ! Phải mất thêm một vài giờ trằn trọc tới khi mỏi mòn. Sáng 6h đã thức dậy chuẩn bị đi làm. Cơ thể đã mất quân bình như thế lại cộng thêm với việc lạy sám hối đứng lên quỳ xuống liên tục khiến hai bắp đùi và hai cái đầu gối ê ẩm mỏi nhừ làm mấy ngày trời tôi đi sửa tướng như con cua!

Ba ngày ở chùa công việc chủ yếu của tôi là ngồi bàn thư ký để giúp thập phương bá tánh ghi tên cầu an và cầu siêu. Chỉ có thế thôi mà từ sáng sớm đến chiều tối không rảnh để ăn miếng bánh uống miếng nước. Quý vị nhà bếp sợ tôi đói nên mang lên cho mấy cái bánh ít, chả giò, xôi nhưng thực phẩm để đó mà không có thì giờ để ăn. Thật ra khi bận rộn như thế tôi lại không cảm thấy đói! Ước gì ngày thường mà không biết đói bụng như thế thì đỡ quá không phải sợ lên cân!

Năm nào cũng thế trước Tết độ ba tuần lễ Phật Tử chúng tôi đã chuẩn bị làm tới bốn cây mai giả cao gần tới nóc để gắn phong bao lì xì và mấy tờ liễn nho nhỏ có thủ bút của Sư Cô trụ trì (Sư Cô viết thư pháp rất đẹp) để cho bá tánh đến chùa hái lộc đầu năm. Làm mai giả mất khá nhiều thì giờ, rất nhiều lần bị dây kẽm đâm chảy máu nhưng chưa bao giờ tôi hái được lộc vì nhường ưu tiên cho khách đến chùa, tới phiên mình thì cây đã trơ cành!

Đêm Giao Thừa và Mùng Một Tết chùa đông nghẹt người chen chân không lọt. Dưới hỏa đường bốn thùng nước súp bún bò Huế vĩ đại mà không đủ. Đồ kho chay, đồ xào, bánh trái, xôi, chè đầy vun khay vun mâm mà hết trơn, nhà bếp phải nấu món mới liên tục. Một điều hơi nghịch lý là những người nấu bếp và phân phối thức ăn đứng giữa núi thức ăn mà đói meo (vì không rảnh được một chút nào để lo cho cái bao tử của mình). Thì ra tôi cũng như các bạn đạo lo làm việc mà quên cả thân.

Mấy năm nay bất ngờ tôi có thêm một cái job khá thú vị là giải xăm. Hồi ở VN tôi chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ đặt chân đến Lăng Ông Bà Chiểu để thấy thiên hạ xin xăm hái lộc đầu năm bao giờ nhưng ở đây có rất nhiều người suốt một năm chỉ đến chùa một lần vào ngày Tết với mục đích này. Ngày Mùng Một sau khi khai kinh Dược Sư vào buổi sáng, Sư Cô bận rộn viết thư pháp cho Phật Tử suốt nhưng thỉnh thoảng có người đem lá xăm đến nhờ giải giùm. Một mình Sư Cô làm không xuể nên chỉ qua tôi: ”Qua nhờ cô Diệu Thiện giải giùm cho”. Thiên hạ nhìn thấy tôi đang ngồi bên bàn thư ký với cặp kính lão trễ trên sống mũi chắc trông giông giống… cụ Đồ già (?!), giống bà thầy bói (?!) hay có vẻ… ”ông lên bà xuống” hay sao nên đem đến nhờ giải giùm: ”Cô ơi cô! Cô giải giùm con lá xăm này!”. (Tôi ngồi ở chỗ này ai gặp cũng đều kêu tôi bằng cô và xưng con bất kể già trẻ bé lớn khiến tôi chẳng biết mình già hay trẻ?!). Tuy công việc giải xăm này còn khá mới mẻ nhưng hình như tôi làm coi cũng… được lắm (ít nhất cũng được khoảng chục người khen).

Cách đây hai năm, cũng vào ngày đầu năm, tôi đang ngồi ở bàn thư ký thì có một cô nhỏ học sinh lớp 10 hay 11 gì đó đến gần và rụt rè đưa tờ xăm nhờ giải giùm.Vì là lá thượng xăm nên dĩ nhiên lời giải cũng tốt. Cô nhỏ tươi rói cười vui sướng, cám ơn rối rít. Năm kế tiếp cũng cô nhỏ đó lại đến tìm tôi. Lần này là lá hạ xăm. Sau khi giải xong (thấy sao nói vậy) nhìn cô nhỏ hai cánh mũi phập phồng, nước mắt bắt đầu rưng rưng sau lời bàn… Mao Tam Cương trong khi vài ba cô bạn của cô cũng đứng nhìn cô một cách áy náy khiến tôi đâm hoảng! Eo ơi! Đầu năm đầu tháng! Làm ơn cho người phước đâu không thấy! Tôi vội vội vàng vàng trấn an cô nhỏ: “Tuy là lá xăm không được tốt cho lắm nhưng con đừng quá lo âu! Hãy sống cho tử tế và cố gắng làm những điều lành thiện, giúp đỡ thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ và mọi người chung quanh. Một khi mình đã gieo nhân lành thì những việc xấu, việc không tốt sẽ từ từ được hóa giải. Phước đức là hàng rào kiên cố che chở cho mình khỏi những tai ương hoạn nạn. Con yên tâm. Một khi con đã bước chân vào cổng chùa cô chắc là con biết niệm Phật. Vậy thì nên luôn nhớ niệm Phật nhất là những lúc khó khăn trong cuộc sống. Phật sẽ gia hộ cho con”.

Rút kinh nghiệm từ việc đó tôi đã có hơi hơi… khôn hơn khi được nhờ giải những lá xăm xấu. Gặp những trường hợp tương tự như thế tôi đều đem những lý lẽ thông thường ra để giúp cho người ta yên tâm đại khái như “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặp quả nấy, “trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu”, v.v và v.v…. Tôi còn đem những câu chuyện từ truyện cổ Phật Giáo ra để chứng minh, dẫn giải về nhân quả thiện ác. Cô nhỏ này, năm nay đã vào đại học, được lá xăm tốt “học hành thành tài, thi đâu đỗ đó” nên rất là vui vẻ hớn hở. Vào những ngày cận Tết có người gọi đến chùa nhầm lúc tôi bắt điện thoại nhờ coi tuổi sao giải hạn, ngày giờ và hướng xuất hành. Tôi nói việc này tôi không làm được phải nhờ Sư Cô thôi. Viết tới đây trực nhớ tới tờ giấy xem tuổi tính sao của Thầy Pháp Minh. Thế thì hay quá! Chúa nhật tuần này nhằm bữa cúng sao tôi sẽ đem vào chùa để dựa vào đó mà… hành nghề (sẽ không quên đem theo cặp kính đen!). Tôi cũng chợt nhớ lại có lần cô bạn thân bên Úc đố tôi một việc gì đó, cô nói tôi mà đoán trúng cô sẽ phong cho chức… thầy bói! Dĩ nhiên là tôi đoán đúng khiến cô “tâm phục khẩu phục” và hứa sẽ gửi tặng chiếc chiếu, cái mai rùa và cặp kiếng lão không tròng gọng kẽm để ngày đầu năm ra gốc me trải chiếu coi bói kiếm bạc cắc!

Đầu năm con gà gáy ò ó o tôi đã vui xuân ở chùa như vậy. Không đi chợ sắm Tết mà vẫn được bá tánh cho bánh tét, giò thủ, dưa kiệu, chả lụa cúng rồi ăn không hết phải đem chia bớt cho bà con. Năm nay New York City public schools được thị trưởng Bill de Blasio ký sắc lệnh chính thức công nhận Lunar New Year nên tôi được đi chùa mà không phải xin nghỉ một ngày. Cám ơn ông Thị Trưởng.

Trước khi… ngừng bút, xin kể quý vị nghe chuyện Sư Cô trụ trì đi chợ mua đường phèn về nấu bún bò Huế. Trong lúc chúng tôi đang ở trong bếp, kẻ gọt rau củ, người lo nhồi bột để làm mì căn,… thì cô đi về khệ nệ xách mấy túi shopping bag. Cô đưa cho chúng tôi coi mấy bịch đường và hãnh diện bảo là cô chỉ mua đường sản xuất ở Mỹ chứ của Tàu cô không mua. Tôi hỏi làm sao cô biết đường này được sản xuất ở Mỹ? Cô bảo là nó ghi làm ở Brooklyn (New York) mà. Tôi nói cô đưa một bao đường để tôi đọc coi nó được làm ở đâu. Tôi chỉ cho cô thấy là “packed in Brooklyn” chứ không phải “made in Brooklyn” (ở Mỹ). Mấy anh Ba Tàu gạt người đủ cách. Tôi trêu cô là: ”Cô bị gạt rồi cô ơi!” và còn so sánh chuyện của cô với chuyện Trường Vũ khi đi trình diễn, khán giả hỏi là: ”Nị người Hoa hả?”. Trường Vũ trả lời: ”Không! Ngộ người Tàu” làm mọi người bật cười.

Chuyện Trường Vũ hát nhạc quê hương nhưng không rành tiếng Việt làm người ta cười vui nhưng chuyện danh hề Hoài Linh về VN nổi đình nổi đám để rồi tan hoang tất cả không khiến cho ai cười nổi. Câu nói để đời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” dường như ít người chịu ghi nhớ! Thật đáng tiếc!

Bây giờ mới bắt đầu tháng Hai, hương xuân vẫn còn vương vấn. Xin được gửi một lời chúc xuân muộn. Chúc tất cả quý vị Phước, Lộc, Thọ đều được đủ đầy.

Đặng Thuý Định

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com