Cuối tuần cùng mẹ xem lại những hình ảnh cũ thời ấu thơ, không khỏi có chút cảm giác bâng khuâng, ngậm ngùi, luyến nhớ.
Chúng tôi là những đứa con của lính, là military children. Ai cũng biết đời lính nay đây mai đó, không ở nơi nào lâu. Thời đó gia đình tôi đổi nhà liên tục không khác gì dân du mục, tốc độ đổi nhà nghĩ lại cũng thật chóng mặt: tôi học Mẫu Giáo ở Quy Nhơn, lớp Một ở Pleiku, lớp Hai ở Đà Lạt, lớp Ba Pleiku. Nghĩa là thiên cư năm một.
Mùa hè đỏ lửa 72, khi tình hình chiến sự ở cao nguyên đã đến tình trạng dầu sôi lửa bỏng, khi chúng tôi đêm nào cũng lên giường với tiếng súng liên thanh, mìn nổ và tiếng đại bác ru đêm, cùng với hỏa châu liên tục nở rực bừng sáng trời đêm.
Lúc đó ba tôi đi hành quân liên miên. Không yên tâm với chuyện nhà, sợ có chuyện gì thì vợ con bơ vơ không còn tổ ấm nên ông mua nhà, đưa vợ con vào SG. Chúng tôi từ đó được yên thân, an cư, an... trường. Nếu không có cái mùa hè đỏ lửa này, thì cái danh sách trường chúng tôi theo học còn dài hơn nữa, thí dụ như Ban Mê Thuột, Phú Yên là những nơi ba tôi đã, và sắp bị thuyên chuyển trước ngày mất Nam VN.
Mỗi lần dọn nhà là phải bỏ lại nhiều thứ chứ đem theo sao nổi. Chúng tôi vì vậy chẳng giữ được vật dụng gì gắn liền với tuổi thơ, có chăng chỉ là con búp bê đứa em ẵm trên tay, hay chiếc ná cao su anh tôi luyến tiếc nhét vội vào túi quần trước giờ lên máy bay.
Mấy năm trước tôi có đọc một bài viết về American military children, về ảnh hưởng của tình trạng đổi nhà đổi trường liên lục trên lũ trẻ: academic challenge & emotional stress. Mỗi lần đổi trường là phải làm lại từ đầu, làm quen với bạn và thầy cô mới, chưa kể nỗi buồn chia tay lưu luyến với những người bạn cũ. Trong một bài đăng báo hai năm trước, tôi có ví lũ trẻ con lính như những thân cây non, chưa kịp bắt rễ đã bị bứng lên trồng vào vùng đất mới, chắc chắc phải mất một thời gian chăm sóc mới có thể bắt rễ đâm chồi nở lộc. Không ít thì nhiều, tôi chắc chúng tôi cũng có những khó khăn, chấn động về tâm lý, phải tự cố gắng để cân bằng & hòa mình với cuộc sống mới.
Bằng cách nào chúng tôi vượt qua được những khó khăn thời đó? Nhìn lại những tấm hình cũ, tôi đã có câu trả lời: family support.
Tôi nay đã hiểu ba mẹ mình đã cố gắng để chúng tôi có một tuổi thơ bình thường như những gia đình non-military khác. Anh chị em chúng tôi đã cùng nắm tay, đã giúp nhau vượt qua những cú sốc mà lẽ ra đã tạo nên những vết thương tâm lý nghiêm trọng trong trí óc non nớt chúng tôi.
Nhìn lại đoạn đường tôi đã đi qua, rõ ràng gia đình lúc nào cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời mình. Cha mẹ, anh chị em lúc nào cũng "being there" những lúc tôi cần một chốn về, một chỗ dựa, một nơi nương tựa. Mong kiếp sau mình lại đầu thai chung một gia đình.
Thanks for always being there for me, brother & sisters.
Hồ Thanh Nga