User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Ngày 23 có lẽ không có chi đặc biệt cả cho mọi người, có chăng là con số 23 đề cập đến điều kiêng kỵ trong câu “mùng 5, 14, 23/ đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn” để khuyên người ta nên tránh xuất hành hay làm ăn trong những ngày này được tính theo Âm lịch. Nhưng với tôi, con số 23 và thêm tháng 10 Dương lịch đã liên quan đến tôi không chỉ  một lần. Ngày 23 tháng 10 năm 1981, đó là ngày tôi đặt chân lên đất Úc tại thành phố Melbourne với diện tỵ nạn được thường trú. Bốn năm sau cũng đúng ngày này, đứa con thứ hai chào đời. Đến năm 2007, trong khi chúng tôi chuẩn bị mừng sinh nhật cho con gái, thì ba tôi qua đời sau nhiều năm bị bệnh Quên (Alzheimer).

Không biết ngày này lành rủi thế nào với tôi cho mai sau, chứ trong hai lần đầu thì đó là niềm vui, được định cư và chào đón thêm thành viên mới trong gia đình nhỏ của tôi, chỉ có ngày 23 tháng 10 năm 2007 là một ngày mà cả nhà tôi không thể nào quên được với lòng buồn nhớ không nguôi kể từ mười năm nay. Vâng, đó là ngày Ba từ trần và mỗi năm làm giỗ để tưởng nhớ ông!

hinh ba 1

Xin được ngược giở lại trang đời của gia đình tôi một chút:

Năm 1989, cả nhà được đoàn tụ nơi xứ Úc sau bao nhiêu năm gia đình ly tan do thời cuộc. Ba tôi hăng hái hòa nhập với cuộc sống xứ người với vốn liếng Anh ngữ không bị trở ngại. Nhưng sinh hoạt đầy năng nổ tích cực này của Ba không kéo dài cho đến khi 4 đứa con nhỏ nhất trong nhà đã học hành thành tựu. Từ đó những ám ảnh về cuộc chiến, về tù đày không ngớt làm phiền đến ông trong giấc ngủ và dẫn đến chứng Alzheimer. (Xin phép được nhắc lại Ba tôi là sĩ quan của QLVNCH). Có thể đó là hậu quả, là ảnh hưởng tâm lý của tù nhân chiến tranh mà lẽ ra phải có đãi ngộ thích hợp để cân bằng tâm lý, thế nhưng tiếc thay quân nhân VNCH đã không được xã hội nào quan tâm ở cả quê nhà lẫn xứ người. Ở quê nhà, thì đó chỉ là mơ tưởng không thể có dành cho người thua cuộc, còn ở xứ người thì ưu đãi này chỉ dành cho cựu chiến binh của họ chứ làm gì có chính sách chăm lo, nâng đỡ cho cựu đồng minh! Bởi thế Ba tôi quanh quẩn với những nghĩ suy, những bế tắc mà không ai hiểu để cùng chia sẻ bởi bạn bè đồng quân ngũ của ông đa số ở bên Mỹ, còn bên Úc lại ở xa nhau quá.

Chúng tôi thì lúc đó bận rộn với cơm áo gạo tiền, với những đứa con còn nhỏ dại và cũng vì lúc Ba còn tại chức, không hiểu sao chúng tôi luôn sợ không dám đến gần thân cận (mặc dù Ba được tiếng là người cởi mở, dễ dàng thông cảm từ bà con, hàng xóm và cả đám bạn của con cái - Tôi vẫn còn buồn cười khi nhớ cảnh mấy bạn của anh tôi mỗi lần đến nhà chơi và ngồi trò chuyện với Ba nói cười vui vẻ thì ông anh tôi loanh quanh... sau bếp!). Và khi Ba được về nhà sau hơn 10 năm ở trại cải tạo thì những đứa con lớn đã vượt biên ra đi, cho nên dù đã trưởng thành nhưng trong tiềm thức vẫn còn tồn tại cái sợ sệt đó, chúng tôi vẫn rất ngại khi tiếp xúc, trong lúc 4 đứa em nhỏ còn ở nhà thì lại vô cùng thân thiết có thể đùa giỡn với ông dễ dàng khiến chúng tôi phải tròn mắt ngạc nhiên!

Đó chỉ là vẻ bề ngoài của ông mà có lẽ vì mấy chục năm trong quân đội đã tạo thành cái vỏ uy nghi chứ thật ra ông cũng như những người cha bình thường khác, cũng có một trái tim mềm yếu, cũng có một tấm lòng thương yêu vợ con vô bờ bến… mà buồn thay chỉ đến khi Ba lâm bệnh rồi lìa trần thì chúng tôi - những đứa con hời hợt, vô tình mới nhận ra, thì đã quá muộn màng!

ba ở nursing home

Đã bao đêm tôi trằn trọc, rồi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh Ba khi trí nhớ ông vẫn còn khá tốt và còn đi đứng bình thường ở viện dưỡng lão. Ông đã có lần dặn dò - ngắn gọn thôi - khi tôi đẩy ông đi dạo trong vườn “hãy lo cho Má và thương yêu nhau” mới thấy là ông quan tâm đến gia đình và sâu sắc thế nào. Là người luôn chỉnh tề về đầu tóc áo quần như đã quen với nề nếp trong quân đội, cho nên cứ mỗi lần chúng tôi vào thăm, dù là trí nhớ đã kém, nhưng ông luôn gật đầu đồng ý ngồi cho chúng tôi hớt tóc và tắm rửa, sau đó trông rất thoải mái và tươi tỉnh khi thấy món ăn ưa thích được các con đem vào và cười theo phụ họa những câu nói đùa của các con cháu. Có hôm tôi tinh nghịch giả bộ không hiểu nghĩa của vài chữ tiếng Anh, ông còn tủm tỉm cốc đầu tôi và nói “xạo!”, và sau đó giải đáp ngay.

Thời gian vui vẻ đó không tồn tại lâu, trí nhớ Ba suy giảm dần và hình như chưa đến một năm sau đó thì cơ thể ông yếu dần, không ăn uống được và phải nằm trên giường không đi lại được. Đó là lúc mà Ba rất cần sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn của gia đình nhưng tiếc thay vì chưa bao giờ có kinh nghiệm cho việc chăm sóc người bệnh, nên trong thời gian này chúng tôi đã không lo được chu đáo hay nói đúng hơn là quá tệ trong việc quan tâm chăm lo đúng nghĩa, mà chỉ biết thầm thì trò chuyện hay ngồi đọc kinh cầu nguyện và mở những CD nhạc Thánh ca, để cùng nghe và hy vọng là lời ca tiếng nhạc sẽ đưa ông vào giấc ngủ nhẹ nhàng hơn khi mình từ giã ra về… và chỉ có thế thôi, để bây giờ luôn ân hận và thốt lên hai chữ “Phải chi!”

Lúc đó sao không hề thấy rằng mặc dù Ba thoi thóp thở qua ống dưỡng khí, nhưng ánh mắt vẫn lóe lên ánh vui mừng lúc nghe tiếng động của người vừa bước vào - dù không phải lúc nào ông cũng nhận ra người thân - cũng đủ biết Ba mong ngóng và cô độc đến dường nào trong những ngày cuối đời. Hay những nét nhăn nhó mỗi khi trở mình chỉ vì vết lở khi phải nằm lâu một chỗ mới thấy mình hời hợt làm sao để Ba phải chịu đựng với cơn đau xác thịt như thế! Và trớ trêu thay có cả một bầy con cư ngụ quanh đấy nhưng lúc trút hơi thở cuối cùng thì chỉ có một đứa con bên cạnh, mà lúc đó lại đang lo nói chuyện với Y Tá, không để ý Ba đã nhướng mắt rướn người lên nhìn về phía em hình như để từ giã. Em gái tôi đã khóc ngất khi nhắc lại cảnh này vì đó là một ám ảnh ray rứt không thể nào quên với em!

Vậy đó, những hình ảnh đau ốm bệnh hoạn của Ba và nỗi ân hận không làm tròn bổn phận chăm sóc cho cha già cứ lẩn quẩn trong tôi mỗi khi nhắc đến hay ra thăm mộ. Mười năm Ba đã rời xa, mà tưởng chừng như vẫn mới đây dù thời gian có làm phai mờ, hư hao những vật chất quanh Ba như mộ đã mòn đi, bức tượng Chúa Mẹ trưng bày trên mộ đã nứt nẻ … nhưng nỗi nhớ thương Ba và lòng tự trách không chăm sóc Ba đúng mức hình như vẫn còn nguyên trong góc nhỏ của trái tim mà thỉnh thoảng lại dấy lên làm lòng tôi nhói đau!

mo Ba 2 1

Vẫn biết tình thương yêu con cái của Ba không từ nào kể hết mà tôi đã từng đề cập qua một số bài viết trước đây, cho nên Ba sẽ chẳng bao giờ trách móc, buồn phiền chi những đứa con vô ý tứ và không sâu sắc này. Ba ơi, đã mười năm Ba rời xa gia đình nhưng Má và các con cháu luôn bên nhau và ghi nhớ để thực hiện những ước nguyện mà Ba hằng mong muốn. Tiếc là Ba ra đi sớm quá nên không nhìn thấy được thành quả của các cháu nội ngoại của Ba, tuy không to tát chi nhưng hẳn là không làm Ba thất vọng. Mong là Ba yên tâm về cuộc sống của Má và con cháu nơi dương thế để có thể thanh thản an hưởng trên nước Chúa, nơi mà Ba xứng đáng được như thế sau những hy sinh vất vả cho gia đình và xã hội. Ảnh Ba với nụ cười hiền dịu – mà nhân viên viện dưỡng lão luôn khen tặng “nice smile”- hình như đang lung linh, rạng rỡ qua ánh nến! Phải vậy không Ba?

(Kỷ niệm 10 năm giỗ Ba 23/10/2007  - 23/10/2017)
Hồ Diệu Thảo
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com