
Tết nay chị có về xứ Huế
Thăm nước sông Hương, núi Ngự Bình
Xuôi về thôn Vĩ qua Nam Phổ
Nhớ gởi cho tôi một chút tình.....
Không chỉ riêng bốn câu thơ nầy, mà cả nguyên một bài thơ về Huế nói trên không biết của tác giả nào, đã nằm lòng trong trí tôi từ thuở còn ngồi ghế Trung Học, đến nỗi sau nầy khi gặp bất kỳ người bạn gốc Huế nào, sau khi nghe tôi ngâm nga bài thơ trên, cứ tưởng tôi có gốc gác hay dây mơ rễ má gì đến Huế. Đến chừng biết tôi dân Nam Kỳ, chưa từng được đến Huế, mà lại... mộng du về Huế quá quắc như vậy, đâm ra... nghi ngờ!
Cách đây vài tuần, một thằng bạn cùng khóa đang là Hội Trưởng Hội Đồng Hương Huế của một vùng thuộc Cali, gọi điện thoại rủ rê tôi:
- Mi ráng thu xếp về họp mặt Tân niên với anh em trong khóa, sẵn dịp hôm sau Chủ Nhựt tau dẫn mi đi ăn Tết muộn với Hội Đồng Hương Huế của tau.....!
Trong những ngày cuối năm, tự dưng địa danh Huế lại ồ ạt tuôn chảy vào ký ức vốn bắt đầu nhòa nhoẹt của tôi... thế cho nên, tôi nghĩ, hãy viết một lần về Huế như giải tỏa nỗi niềm đến một nơi chốn chỉ ẩn hiện trong tôi qua những cơn mơ.....
Niên học 60 dù đang bù đầu cho kỳ thi Tú Tài I, tôi cũng ráng viết một truyện ngắn và làm một bài thơ chuyển đến cho Thi sĩ Thế Viên, tác giả tập thơ “Khi Người Yêu Tôi Khóc”, đang là Cố Vấn cho Ban Biên Tập Đặc San Xuân của Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, để đăng vào quyển đặc san nầy. Thầy Hồ Thế Viên, Giáo sư Việt Văn các lớp Đệ Nhất Cấp của trường, ông người Huế, dáng dấp thật chải chuốt, học trò các lớp lớn Đệ Nhị Cấp tụi tôi không “khoái” ông chút nào, nhưng các em bé lớp Đệ Thất-Đệ Lục thì... “thần tượng” ông lắm!
Thuở đó, việc viết bài đăng đặc san của trường cũng là chuyện thường tình của học trò, nhưng riêng tôi, sau khi gởi bài cho thầy Thế Viên, ông đến lớp gặp tôi, hẹn đến nhà gặp ông để bàn về những bài vở của quyển đặc san.... và tại đây, tôi đã gặp cô gái Huế thật là... Huế: Hồ thị G., em gái thầy Thế Viên, đang học trường Tư Thục Hùng Vương.
Sắc đẹp G. trung bình, không trắng trẻo lắm - giống ông anh Thế Viên - nhưng nói năng thật dịu dàng và duyên dáng, đặc biệt mái tóc... Huế của G. óng ánh xõa dài xuống lưng. Mỗi lần hẹn hò đi chơi, G. đều mặc áo dài trắng tha thướt có đứa cháu trai 5, 6 tuổi con thầy Thế Viên theo... hộ tống.
Gần cuối năm thi bài vở ngập đầu, các cuộc gặp gỡ đi chơi với G. cũng thưa dần, mặc dù giọng nói ngọt lịm và mái tóc dài chấm lưng của G. vẫn quấn quít bên tôi trong những đêm dài ngồi “gạo” bài. Một ngày trước cuối năm học vài tháng, G. hẹn đi chơi và cho biết “Mạ gọi về Huế”... Chia tay G., địa danh Huế đã thấm vào trong tôi từ lúc đó...
Giữa năm 73 sau gần mười năm trong quân ngũ, tôi được lệnh thuyên chuyển ra BCH Pháo Binh SĐ3BB để tăng cường quân số sĩ quan đang thiếu hụt ngoài đó sau khi SĐ3BB di tản chiến thuật từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, mặc dù tôi đã có danh sách theo học Khóa Pháo Binh Cao Cấp vào cuối năm. Vào trình diện Trung Tướng Nguyễn Xuân Thịnh CHT/PB/QLVNCH để... “khóc lóc”, được ông phán một huấn lệnh thật là... trớt quớt cho tôi:
- Ông quan ba! Ra Vùng Một vài tháng cho biết với người ta. Chừng nào khóa học khai giảng thì về học. Ráng học giỏi, đậu cao, chọn về gần nhà, OK!
Vậy là tôi ra Đà Nẵng, Tiểu Đoàn 30 Pháo Binh 155 ly đồn trú tại Hòa Khánh, từ chối giữ chức Pháo Đội Trưởng tác xạ vì sợ bị... kẹt đạn không được đi học khóa Cao Cấp, chỉ nhận chức Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn. Tại đây tôi được lệnh bắt tay vào việc tham khảo các binh thư Mỹ-Việt để viết cuốn “Huấn Thị Điều Hành Căn Bản” cho BCH/PB/SĐ3BB, một công việc tôi từng làm khi còn là Trưởng Ban 3 TĐ92PB trong Nam.
Khoảng một tháng sau, bản thảo cuốn “Huấn Thị....” dầy hơn trăm trang được đánh máy tươm tất kèm với các phụ bản vẽ tay, được chuyển lên Tr/Tá Nguyễn Hữu Cam Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn để phê duyệt. Gần như nguyên tập bản thảo không có sửa chữa gì, tôi cho nhân viên đánh máy lại trên các tờ Stensil để đem đi in “rodeo”, các bản vẽ tay thì được photo-copy để kèm vô cuốn huấn thị. Sau đó tôi xin nghỉ bốn ngày phép đặc biệt để đi... Huế.
Trước ngày đi phép, tôi gọi báo cho Trần Kim Bảng, thằng bạn cùng khóa đang làm Pháo Đội Trưởng Pháo Đội Chỉ Huy của Tiểu Đoàn 102 Pháo Binh Cơ Động 175 ly, đóng tại Cây Số 17, Bảng hẹn sẽ đem xe tới đón tôi tại ga xe lửa Huế. Tôi cũng gọi ra hẹn với Vũ Văn Bá, một thằng bạn cùng khóa khác đang làm Chỉ Huy Phó Pháo Binh Tiểu Khu Thừa Thiên, Bá cũng hứa sẽ dẫn tôi đi thăm nhiều nơi ở cố đô... Tôi háo hức từng ngày, và không còn nghi ngờ gì, trong vài hôm nữa Huế sẽ hiễn hiện trước mắt tôi.
Thứ Bảy làm việc nửa buổi, dự tính khoảng 11 giờ tài xế đưa tôi ra ga xe lửa đi Huế. Nhưng chừng 9 giờ sáng thì nhận được điện thoại của CHT/PBSĐ Trung Tá Cam, gọi tôi lên Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn họp khẩn cấp. Tại đây tôi nhận được lệnh thành lập ngay một toán “Trọng tài Pháo Binh”, để tham dự cuộc hành quân thao dượt dài ngày của Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân do Đại Tá Trần Kim Đại làm Liên Đoàn Trưởng, vừa hoàn tất giai đoạn huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Hòa Cầm.
LĐ12BĐQ vừa mới được thành lập để tăng cường cho lực lượng Biệt Động Quân tại Vùng I, trước đây chỉ có Liên Đoàn I BĐQ duy nhất không đủ thỏa mãn nhu cầu chiến trường, nên được đổi danh thành LĐ11BĐQ, và thành lập thêm một Liên Đoàn thứ hai, lấy Tiểu Đoàn 37 BĐQ lừng danh trong trận Khe Sanh làm nòng cốt, cùng quân số của các Trại Lực Lượng Đặc Biệt Biên Phòng để thành lập thêm 2 Tiểu Đoàn BĐQ khác nằm trong Liên Đoàn.
Sau giai đoạn huấn luyện, Liên Đoàn 12 BĐQ tân lập phải mở một cuộc hành quân thao dượt vào vùng Mật khu Bàn Cờ phía Tây thành phố Đà Nẵng bên kia dãy Trường Sơn. Toán “Trọng tài Pháo Binh” có nhiệm vụ theo dõi và chấm điểm việc điều động và sử dụng hỏa lực pháo binh của Liên Đoàn, của các Tiểu Đoàn tác chiến, và của các Sĩ quan Tiền Sát Viên Pháo Binh cơ hữu của Liên Đoàn... Sau khi cuộc hành quân chấm dứt, SQ Trọng tài PB sẽ làm phúc trình kết quả về BCH/PB Quân Đoàn.
Như vậy, kế hoạch 5 ngày phép đặc biệt đi thăm Huế... tan thành mây khói! Sau phiên họp, trở về TĐ30PB tôi thành lập ngay “Toán Trọng Tài” gồm tôi trưởng toán với một sĩ quan phụ tá, một HSQ cùng vài binh sĩ chuẩn bị bản đồ và máy móc truyền tin để hôm sau lên đường. Trong cuộc hành quân thao dượt nầy, ngoài Đại Tá LĐT Trần Kim Đại, tôi đã gặp một “người hùng” vang danh cả thế giới: Thiếu Tá Hoàng Phổ - lúc nầy ông chưa lên Trung Tá - nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ37BĐQ, từng sát cánh chiến đấu và tử thủ cùng với một Lữ Đoàn TQLC Mỹ tại Căn Cứ Khe Sanh vào năm 1968. Thiếu Tá Hoàng Phổ hiện đang giữ chức Liên Đoàn Phó LĐ12BĐQ.
Sau vài tuần lễ, cuộc hành quân thao dược tại Mật khu Bàn Cờ chấm dứt, đồng thời cũng chấm dứt luôn nhiệm vụ của toán “Trọng tài Pháo Binh” chúng tôi. Nhưng... y như người xưa có nói “phước bất trùng lai - họa vô.... đơn chí” , thay vì được trở về hậu cứ TĐ30PB, để lấy lại cái giấy phép đi ra Huế chơi, tôi “bị” Đại Tá LĐT Trần Kim Đại trình lên Sư Đoàn xin giữ tôi ở lại làm Sĩ Quan Phối Hợp Hỏa Lực cho Liên Đoàn 12 BĐQ, thay vì phải đề cử một sĩ quan pháo binh khác.
Đại Tá LĐT Trần Kim Đại, phong cách nho nhã như một nhà mô phạm, dù là một sĩ quan cao cấp của một Binh chủng “dữ dằn” Biệt Động Quân, nhưng ở ông lúc nào nhỏ nhẹ từ tốn và đầy chân tình với thuộc cấp. Vị Liên Đoàn Phó, Thiếu Tá Hoàng Phổ, con cọp đầu đàn của TĐ37BĐQ khét tiếng tại Khe Sanh ngày nào, lại là một sĩ quan phúc hậu, hào hoa phong nhã... rồi đến những sĩ quan khác BCH Liên Đoàn 12 BĐQ, trong đó có BS Tín, Y Sĩ Trưởng của Liên Đoàn thật vui vẻ trẻ trung, tất cả dù chỉ làm việc cùng nhau chưa đầy một tháng nhưng đã có một sự mến mộ trong tôi... cho nên tôi không “thắc mắc khiếu nại” gì với lời yêu cầu đó, dù biết rằng việc đi thăm Huế càng lúc càng xa khỏi tầm tay.
LĐ12BĐQ đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân tại Căn Cứ Hương An giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, gần Căn cứ Ross thuộc quận Quế Sơn, với ba Tiểu Đoàn BĐQ thống thuộc hành quân hoạt động dọc theo dãy Trường Sơn để bảo vệ mặt Tây Nam của thành phố Đà Nẵng. Căn cứ lớn như một tỉnh lỵ với đồi núi chập chùng, phối trí một Pháo Đội 175 ly của TĐ101 Pháo Binh Cơ Động do Đ/u Lê Ngọc Thiện K15 làm Pháo Đội Trưởng, một Pháo Đội 155 ly thuộc TĐ30PB do Đ/u Trần văn Cả cũng K15 làm PĐT, cùng với một Pháo Đội 105 ly của TĐ33PB, trước đây do Đ/u Trần Kim Bảng cùng khóa tôi làm PĐT.
Tại đây một lần Tr/Tướng Ngô Quang Trưởng TL/QĐ I đến căn cứ thăm LĐ12BĐQ. Th/Tá Phổ, tôi, cùng một số sĩ quan tham mưu đứng dàn hàng ngang trước hầm chỉ huy để chào đón ông. Sau khi bắt tay Th/T Phổ, khi bước đến trước tôi vừa khi nghe Đ/T Trần Kim Đại giới thiệu: Đ/u Sơn SQ Phối Hợp Hỏa Lực, ông đã buộc miệng nói ngay:
- À! Sơn ở Vùng Bốn mới ra!
Mới biết lời đồn đãi về trí nhớ quá tốt của Tr/Tướng Ngô Quang Trưởng quả không sai.
Khoảng hơn tháng sau đó, tôi nhận được công điện từ BCH/PB/QLVNCH gọi về trình diện Trường Pháo Binh để theo học Khóa Pháo Binh Cao Cấp. Giã từ LĐ12BĐQ, giã từ SĐ3BB, giã từ TĐ30PB, giã từ tất cả bạn bè Vùng I Chiến Thuật, và cũng giã từ luôn giấc mơ được viếng thăm Cố đô Huế đã từng ôm ấp bấy lâu nay....
Cuối năm 1982, trên chuyến xe lửa của đoàn tàu Thống Nhất khởi hành từ ga Hàng Cỏ Hà Nội xuôi Nam, mang theo hai toa tàu đặc biệt chở gần cả trăm “cựu tù cải tạo” vừa được phóng thích từ các trại tù miền Bắc như Vĩnh Quang, Tân Lập... trong đó có tôi và Hoàn, một thằng bạn hồi thời Trung Học, trước 75 là Biên Tập Viên Cảnh Sát. Trong nỗi mừng vui của những kẻ vừa được trả tự do một cách bất ngờ sau hơn bảy năm trời trong lao tù Cộng sản, chúng tôi như lênh đênh trong niềm hạnh phúc mà không cần biết đến con tàu đang lăn bánh đến sân ga nào....
Cho đến khi những tiếng còi ngắn rúc lên báo hiệu đoàn tàu dừng lại ở một nhà ga, với hàng trăm tiếng xôn xao của những hành khách đi buôn chuyên nghiệp vang lên, tôi và bạn bè mới biết là tàu đã đến ga Huế và sẽ ngừng tại đây khoảng một tiếng đồng hồ. Tự trong tôi vừa vang lên một tiếng kêu thảng thốt:
- Ồ! Huế! Thành phố trong mơ của tôi biết bao năm qua!
Tôi kéo Hoàn bước xuống khỏi toa tàu. Ngoài trời là một khoảng không gian tối đen như mực, xa xa có những trụ đèn chiếu ánh sáng vàng vọt đứng gục đầu buồn thảm. Giờ nầy có lẽ khoảng hai ba giờ sáng, thành phố Huế và người dân Huế chắc đang còn miệt mài say ngủ sau một ngày vật vã vì miếng cơm manh áo dưới chế độ mới...
Trên sân ga bằng xi măng cạnh những toa tàu một khoảng dài, hàng trăm ngọn đèn dầu cháy leo lét nghiêng ngã như những đốm sáng của ma trơi, nhìn kỹ, đó là những gánh bán thức ăn thức uống và các thứ linh tinh, tôi và Hoàn cùng chệnh choạng những bước đi không chủ định. Còn đang lơ mơ giữa một khung cảnh chập chờn, bổng có tiếng vang lên từ phía sau một ngọn đèn dầu:
- Hai huynh trưởng! Hai huynh trưởng! Vào đây uống cà phê!
Tôi và Hoàn đứng lại và định thần nhìn vào bóng người ngồi phía sau chiếc đèn dầu đang cháy chao đảo trước cơn gió nhẹ:
- Vào đây hai huynh trưởng! Để em đãi hai huynh trưởng cà phê! “Free”! Không tính tiền đâu, hai huynh trưởng đừng lo!
Gần tám năm trời mới nghe lại tiếng Ăng Lê! Tôi và Hoàn quay lại và ngồi xuống hai cái ghế bằng gỗ thấp sát mặt đất. Nhìn xuyên qua ánh đèn dầu, là một khuôn mặt rắn rỏi sạm nắng nhưng khá điển trai với hàng ria mép mỏng. Hai đứa tôi chưa kịp mở lời thì anh chàng “hàng cà phê” tự giới thiệu luôn với giọng Huế quen thuộc:
- Thú thiệt đây hai huynh trưởng! Em là Thiếu Úy khóa 1/72 thuộc Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân!
Vừa nói vừa kéo từ ngăn kéo nhỏ xíu dưới ghế ngồi đưa ra một tấm hình bọc plastic có hai mặt, dưới ánh đèn dầu, một mặt là hình một Sinh viên Sĩ quan Thủ Đức, mặt kia là hình một Chuẩn Úy BĐQ đội bê rê nâu. Anh chàng nói tiếp:
- Cả năm nay em đón được nhiều huynh trưởng trở về từ miền Bắc lắm!
Chợt Hoàn hỏi:
- Nhưng làm sao mà bạn biết tụi tui là dân “phe ta” vậy?
- Răng mà không biết huynh trưởng?! Dễ ợt! Nhìn là biết liền, không sai vào đâu hết!
Riêng tôi thì trúng ngay “tần số”, tôi hỏi dò:
- TĐ 37 BĐQ hình như của ông Hoàng Phổ phải không?
- Dạ đúng, nhưng lúc em ra trường thì Trung Tá Phổ lên làm Liên Đoàn Phó LĐ12BĐQ rồi, ông làm Phó cho Đại Tá Trần Kim Đại.
Tôi nói thầm trong bụng: thứ thiệt, trúng phóc. Sau khi bình cà phê nóng được chế ra hai tách, anh chàng cựu Thiếu Úy BĐQ lại thò tay xuống dưới ghế ngồi, lấy trong ngăn kéo ra một hộp bơ “Brétel” nhỏ màu đỏ, rồi lấy một cây tăm xỉa răng dùng đầu dẹp khều một chút bơ nhúng vào tách cà phê nóng... Bưng tách cà phê còn bốc khói đưa lên miệng, mùi bơ béo ngậy phả vào mủi làm tôi và Hoàn ngây ngất....
Sau đó tôi và Hoàn hỏi đủ chuyện về xã hội bên ngoài, và một câu nói của anh chàng cựu Thiếu Úy của TĐ37BĐQ đến bây giờ tôi như vẫn còn nghe văng vẳng:
- Được về rồi, hãy kiếm đường mà đi đi mấy huynh trưởng ơi! Cột đèn mà biết đi nó cũng đi nữa! Làm sao mà sống được với cái chế độ khốn nạn nầy! Không biết em còn được ngồi đây tiếp đón bao nhiêu huynh trưởng nữa đây.....?!
Những tiếng còi dài rúc lên, tôi và Hoàn trở lại toa tàu. Chuyến tàu lửa xuôi Nam lại xình xịch chuyển bánh lao vào bóng đêm thăm thẳm của cố đô Huế. Và thành phố Huế, mãi mãi trong tôi vẫn là một vùng “trái cấm” không bao giờ có thể đặt chân hay sờ mó đến được. Cho nên:
“Vọng mỹ nhân? Hề! Thiêng nhất phương!”
Nhớ o gái Huế má môi hường...
Trường Tiền mấy nhịp ai về chợ,
An Cựu giòng xưa đẹp mến thương....
........................ vẫn luôn luôn là những giấc mơ đẹp của tôi!
Xuân Kỷ Hợi 2019
Uyên Sơn