User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
1-
Sự thường, giới thiệu một tác phẩm thơ văn là một việc làm nghiêm chỉnh, rất nghiêm chỉnh; đòi hỏi một sự cẩn trọng tuyệt đối khi sắp xếp ý tưởng và lọc lựa ngôn từ, có một chút thành ý tim gan, có một chút đẩy đưa bóng bẩy, một chút thật, một chút ảo, một chút xa, một chút gần. Điều cần và đích tới, là ít chữcho cả một đời dài, là đôi câu về một rừng chữ nghĩa, đưa tác giả và tác phẩm đến gần với đời, với người. Nhiều người đã viết như vậy, nhiều người khác sẽ viết như vậy, đó gần như một thông lệ, một nguyên tắc, ngoại trừ những biệt lệ và Túy Hà – dòng sông say – người được đề cập đến trong bài viết này là một trong những biệt lệ đó. Hãy để tên lãng tử cười khóc với đời tự nói về mình và hãy cho tôi được nói thêm đôi điều để biết vì sao gọi Túy Hà là một biệt lệ.
 
“Lưu lạc ta bà khắp Bắc Trung Nam. Đã từng ca hát trên lưng Trường Sơn và khóc ngất giữa đồng bằng Nam Bộ. Cựu học viên Trường vẽ, Trường lính. Cựu tù không án (mười năm)”.
 
Người lính Túy Hà đã ca hát trên lưng Trường Sơn, lời ca có thể là một khúc nhạc buồn, một tiếng kêu bi ai đưa tiễn một đồng đội lìa đàn; người lính Túy Hà cũng đã khóc ngất giữa đồng bằng Nam Bộ, giọt lệ có thể từ những niềm vui òa vỡ khi đơn vị vừa qua khỏi một tai ương, khi thân mình còn nguyên vẹn, còn nhìn thấy được nụ cười hồn nhiên trên môi bằng hữu, dẫu sao, cả niềm vui lẫn nỗi buồn của người lính đều ẩn chứa những bi uất, những chua cay không nói thành lời, Túy Hà đã sống một đời như vậy trong suốt một thời trai trẻ lưu lạc khắp Bắc Trung Nam và anh đã nói ra như vậy, không hãnh diện khoe khoang, không tủi buồn oán trách chỉ túy lúy riêng mình và “ngạo với nhân gian một nụ cười”.
 
Có quá nhiều tính cách trong cùng một con người; Túy Hà đã tự nói nhưng không đủ, hãy vẽ thêm một nét chấm, hãy tô lại một vết nhòe, hay gom đủ những đoạn rời để nhìn rõ và để nhận ra một Túy Hà trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn, anh không chỉ là người lính trong cái quân đội hào hùng nhưng bất hạnh, anh dũng mà  oan khiên, mà Túy Hà còn là một tổng thể tiêu biểu của một nghệ sĩ, một mẫu người, một cảnh đời nổi trôi tai kiếp trong cơn tai kiếp nổi trôi của cả một dân tộc. Túy Hà có thể là một gã tình si khờ dại với một tà áo bên cổng trường Trung Học Vũng Tàu, một mái tóc ở trường Sư Phạm Qui Nhơn hay một giọng hát liêu trai nơi xóm nghèo Chợ Sãi Quảng Trị; Túy Hà có thể là một người tù ốm o, đói rũ, nhưng ngạo nghễ ngẩng mặt cười khan giữa vòng rào trại giam không biết ngày về; Túy Hà có thể là người họa sĩ tàn đêm ứa lệ nhìn những hình vẽ quảng cáo đỏ xanh như những gượng ép xé lòng nhưng có khả năng đổi miếng cơm ăn trong những ngày bi cực sau khi được “trả tự do”; và Túy Hà cũng có thể là một người say biết buồn giữa những mênh mông giàu có ở một nơi không phải là quê hương. Tất cả những điều đó đã biến Túy Hà thành giòng sông say, khóc bằng những nụ cười bỡn cợt, và cười bằng khóe mắt mọng nước rưng rưng trong tranh, trong truyện, trong thơ. Trân trọng giới thiệu họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Túy Hà là một điều lỗi nhịp, phụ lòng và nghiêm chỉnh đề cao Túy Hà, biết đâu, sẽ bị anh cho là mai mỉa. Người nghệ sĩ ở Túy Hà muốn bỡn cợt, rong chơi với đời như một con thú hoang, như một loài hoa dại. Hãy bỡn cợt rong chơi cùng anh, và đóa hoa dại kia, nếu thực sự có một mùi hương, tự nó sẽ tỏa ngát, sẽ bay xa, cùng đời, cùng người mà mọi lời giới thiệu hình như đều thừa thãi.
 
@
Túy Hà không phải là tên tuổi mới trong làng chữ nghĩa, anh đã vẽ, đã viết từ những ngày còn rất trẻ và đã có nhiều tác phẩm thơ văn đóng góp với nền văn học ngát hương  của miền Nam Việt Nam trước khúc rẽ buồn lịch sử năm 1975. Bây giờ, cho dù đời có đối với anh như thế nào, bằng tất cả con tim yêu người, yêu đời, Túy Hà gởi đến người đọc đóng góp tim óc của anh bằng tác phẩm Rực Rỡ Đời Thường, một tuyển tập thơ – văn.
 
Cho phép tôi miễn bình luận về Túy Hà, nhưng hãy để tôi làm người mở cánh cửa mời quí vị vào gặp Túy Hà – cũng có thể là gặp chính mỗi chúng ta – và hãy để cho những xúc cảm từ chính trái tim mỗi quí vị sẽ giúp quí vị đến thật gần với Túy Hà.
 
Xin hãy bắt đầu từ những rộn ràng, lãng mạng và đáng yêu thời mới lớn:
……
Qui nhơn phố cũ biệt ly lâu rồi
Nhớ em mái tóc rẽ ngôi
Đôi tà áo khép, mắt môi hẹn hò
Trời ơi! Nhớ tuổi học trò
 
Gởi em Sư Phạm bài thơ tỏ tình
Em đây lại đáng chị mình
Thế mà si dại bóng hình khôn nguôi
Biết em Bình Định múa roi
 
Dối cha trốn mẹ vào coi đã đời
Tàn cuộc chơi hóa rã rời
Gốc cây trường cũ khắc lời ghét yêu…
 
Lời ghét yêu nơi gốc cây trường cũ vẫn còn đó, nhưng người trai thời chiến đã phải lên đường, có những tiếng gọi của núi sông, có những tiếng gọi từ trong lòng mỗi người thúc giục như thế. Tăng Nhơn Phú, ba tiếng rất quen nhưng như đã ngàn trùng:
 
Đồi xưa bạn cũ không còn
Tự dưng nhắc lại nghe lòng quặn đau
Tăng Nhơn Phú – ta sẽ về thăm lại
Đốt nén nhang thơm tạ Đất Trời
Đã cho ta một thời hào sảng
Đã luyện ta thành thép thành đồng
Nhập cuộc chơi có tên Sinh Tử
Giữa làn ranh nghiệt ngã chiến trường…
 
Làn ranh nghiệt ngã, có một chút hào sản kiêu hùng, có một chút đắng cay tê tái, đàng sau những trống kèn quân nhạc là những tăm tối mộ bia. Người lính thầm lặng chịu đựng và kiên gan  bước tới. Hãy cùng Túy Hà gặp lại người lính ở  Hạ Lào, ở An Lộc và ở những giây phút bi uất và hào hùng cuối cùng tại Xuân Lộc
 
Những đường xuyên Việt qua Lào
Đỏ râu rụng tóc bạc màu áo hoa,
…Lạc nhau trong cõi ta bà
Trường Sơn xương trắng chiều tà quạnh hiu.
 
Tìm nhau, cứ mãi tìm nhau
Chỉ nghe gió hú vực sâu lưng đồi.
Gió Hạ Lào nắng chia đôi
Đông Tây hai ngã một trời nhớ nhau
 
Đường xa áo trận bạc màu
Nhớ đêm pháo dập hỏa châu sáng ngời.
Nhớ ngày giặc đánh biển người
Dù hoa nhuộm máu, khóc cười có nhau… - (Nam Lào & Những Áo Hoa)
 
Nhớ cú nhảy tuyệt vời vào An Lộc
Trận đánh nở hoa trên báo chí trong ngoài…
…Những đứa em tôi, Kinh Kha thứ thiệt
Nhảy vào vùng tử địa chẳng co chân.
Dẫu bên cạnh bạn đồng hành vừa rớt
Bi đông đế, hòa máu tươi đổi sắc
Thành rượu vang đỏ sẫm, chẳng ai ngờ.
Đường đạn địch xỏ xâu thêm mấy đứa
Toán thứ hai còn lại vẫn kiên gan
Lưỡi dao găm. Trái mini nắm chặt
Phải giữ đất này một tử sinh
Đêm hóa ngày, đêm hừng hực lửa
Ngày hóa đêm khói súng xây thành - (Điệu Flamenco Cuối Cùng)
 
Sư mười tám dốc toàn lực lượng
Cứ điểm cuối cùng bốn phía tai ương
Một chọi mười lòng gan dạ sắt
Quyết giữ đất này dẫu  trận vong
Tấm huy chương không còn ban xuống nữa
Nên lập lờ hai mặt phân chia
Trận đánh cuối nằm trong ngăn nhớ
Mảnh đạn còn nguyên đâu dám lấy ra
Thôi cứ để như là kỷ niệm
Lần cuối cùng giỡn mặt với tai ương - (Trận Đánh Cuối Cùng)
 
Rồi tiếng súng đã ngưng trong một nền hòa bình rơi nước mắt, và người lính đã chia với tổ quốc những mất mát, đau thương, chịu với dân tộc những tai ương khổ nạn và cuối cùng thành kẻ lưu vong u uẩn, buồn!
 
@
Túy Hà viết văn xuôi như những lời tự bạch, không tô vẽ hư cấu mà mộc mạc chân tình, đơn giản ghi lại, như một khúc phim quay chậm về những con người, những mảnh đời, những tình huống rất gần, rất thật với những khung trời, những quảng đời buồn vui đã có, đã mất như một kỷ niệm rất riêng mà cũng là  những dấu vết thật chung của cả một lớp người, một thế hệ Việt Nam. Từ mối tình si thầm lặng với một tiếng hát nơi xóm nghèo Chợ Sãi Quảng Trị của Lệ Hà, lời tự tình vọng lại từ biển xa của Vân Thanh đến những kỷ niệm đắng cay với Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Lâm, Kỳ Lê Văn, giữa vòng rào trại giam An Dưỡng, rồi những giòng nhạc, những ý thơ của Hoàng Tường, của Nguyễn Bá Thận. Mỗi con người, mỗi sự việc đã được Túy Hà, nhắc đến như một cái  cớ, để gởi vào trong từng giòng chữ một tình yêu nồng nàn với người, với đời, bằng một phong cách rất đặc biệt, rất khác đời của một dòng sông say.
 
Tôi vừa mời quí vị “làm quen” với Túy Hà, tôi gọi anh là đóa hoa dại đậm mùi hương, và mùi hương tự nó sẽ trùm tỏa, sẽ lan xa mà không cần bất cứ một lời ngợi ca nào.
 
2-
Tôi hài lòng với ẩn ngữ “Đóa Hoa Dại Đậm Mùi Hương” dành cho Túy Hà sau khi đọc “Rực Rỡ Đời Thường” của anh. Lẽ ra, đôi điều lang mang về Dòng Sông Say có thể ngừng lại ở đây. Hãy cứ để rừng hoa dại tự nó tỏa mùi hương và hãy thõa thuể uống trọn cã những nồng ấm lẫn  những chua cay của hương đời trùm tỏa trong từng dòng chữ, dường như được uất nghẹn òa ra từ  tim gan của Túy Hà. Tuy nhiên, mấy câu thơ nhỏ về “những điều rất thật” đã cuốn tôi vào với “Những Mảnh Đời Biệt Xứ” -tập truyện, ký mới nhất của Túy Hà – và  tôi đã hòa nhập vào không khí truyện, nhân vật truyện của Túy Hà. Tôi như tìm thấy lại một chút gìđó rất gần gũi, rất thân quen về những tháng ngày mong manh hạnh phúc và trùm tỏa đắng cay  của chính mình, của bạn bè mình, của thế hệ mình, bàng bạc ở quê xưa, thấp thoáng nơi xứ người và những dòng chữ này thay cho một lời cảm ơn, người đã nói thay cho nhiều người về những kiêu hãnh, những ngậm ngùi của những mảnh đời đầy ngậm ngùi và kiêu hãnh.
 
Chất chồng năm tháng ngục tù
Những đêm không ngủ, đòn thù trả vay
Gánh nhật nguyệt nặng vai gầy
Thêm vô số nợ tận ngày lưu vong
Những điều rất thật trong lòng
Nhập hồn chũ tuý, hình cong bóng đè.
 
Bia DBX
 
“Những Mảnh Đời Biệt Xứ”, đề tựa, tự nó dường như đã hé mở, đã gởi gắm phần nào nội dung tác giả muốn chia xẻ. Tôi dùng chữ “hình như”, chữ “phần nào” vì tôi biết hoàn cảnh đau thương của dân tộc chúng ta đã biến một phần không nhỏ những đứa con Việt Nam thuộc nhiều hoàn cảnh, nhiều thời điểm và – cho đến nay- thuộc nhiều thế hệ phải biệt xứ. Người biệt xứ nào cũng u uẩn, thân phận biệt xứ nào cũng cóđiều để muộn phiền cho dù do thời điểm, do thế hệ,  có thể nhiều người “biệt xứ” đã là  những Sir, những Madame trên xứ người. Đây là một đề tài lớn, một vấn đề tâm lý xã hội phức tạp. Có lẽ một lúc nào đó, sẽ có một cá nhân, một tố chức nào đó khai thác về đề tài này. Phần Túy Hà, đơn giản chỉ nói về thân phận biệt xứ của chính mình, của bạn bè mình, của thế hệ mình. Một thế hệ thanh niên bi uất nhất của những tháng ngày đắng cay nhất của lịch sự dân tộc. Ngắn gọn là thân phận người lính bị bức tử của một quân đội, một chế độ bị bức tử, lưu lạc.
 
Nhân vật truyện của Túy Hà là những người lính còn mang đậm trong tim những tháng ngày hào hùng và bi thương của chiến trận, những mái tóc, nhưng bóng hình rực rỡ mộng mơ ở cửa lớp sân trường, những địa danh, nhưng nơi chốn khó nghèo lẫn phồn hoa của quê xưa ngày cũ. Nhân vật truyện của Túy Hà là những nhọc nhằn lạ lẫm của nghiệp đưa đón khách ở phi trường, những xưởng thợ dây chuyền trong các nhà máy công nghiệp, những chuyến xe đường dài qua các thành phố xa lạ từ Housrson đến Los Angeles, đến New York, đến DC. Nhân vật truyện của Túy Hà là cô bé có hai dòng máu Việt Mỹ tìm lại chút thân quen bên người lính trận sa cơ, là người thiếu phụ đã chia với một nửa của mình những tháng ngày trận mạc, tội tù nở lại nụ cười sau những tháng ngày cô quả bên người rất gần với người thương đã xa. Nhân vật của Túy Hà, những “một lứa bên trời lận đận” chắc chắn sẽ làm quặn lòng những đồng cảnh lận đận bên trời…
 
@
Thôi hãy cứ như nước trôi qua cầu lặng lẽ. Trước mặt vẫn còn lưới bủa nửa đời sau. Tôi vẫn chỉ là gã lưu vong thất thế, trên đôi vai vẫn nặng nợ đời. Chỉ còn chút từ tâm khiêm tốn, khẽ kéo ngăn tim mời gọi người vào, dòng sông đời vẫn mãi luân lưu. Cánh cửa mở với những cảnh đời rất thật đó đây.
 
Những cảnh đời rất thật đó đây, rất gần gũi, rất ngậm ngùi, rất riêng nhưng thật chung. Tuy Hà đã nói như thế và mạch truyện của anh đã dẫn ta vào một không gian như thế. Tuy nhiên, dù thật thế nào, truyện vẫn có chút gì của những hoa dạng đẩy đưa, những nhập nhòa hư thực. Những Mảnh Đời Biệt Xứ của Túy Hà đã không dừng lại ở đó, phần hai trong công trình tim óc của Túy là những tâm tình được định danh về những bằng hữu đời thường: Mỗi người là một mảnh đời biệt xứ và tiếng lòng trong thơ truyện, âm nhạc, tranh ảnh của họ đã phong phú thêm toàn cảnh biệt xứ của mỗi chúng ta: Hãy trải lòng ra để hòa vào thế giới muôn màu với “Chút thoáng qua trong nỗi nhớ đầy” với Nhật Nguyễn & Hữu Việt, “Thơ như nụ hôn chạm môi quạnh quẽ” với Hàn Song Tường, “Cũng ngạo với đời một chút vui” với Cái Trọng Ty, “Người thơ không cần vương miện” với Lan Cao, “Người hát thơ từ những cánh đồng mây” với Phạm Tương Như, “Trang nhậy ký dang dở” với Vũ Linh “Giữa xóm mộ đời khơi nguồn sửa đất” với Phương Triều “Những bước chân điên trong cõi thơ hư ảo” với Vũ Tiến Lập, “Sông Côn nước vẫn còn hờn” với Cù Hòa Phong, “Lời thơ sóng vỗ bờ xa” với Mây Ngàn, “Từ cây chùm gởi trổ hoa” với Nguyễn Bá Thận, “Cớ sao lục bát thấm buồn” với Tuấn Đình, “Người lữ hành không mỏi trên giai điệu cuồng điên” với Vũ Khoa, “Một chút gì để nhớ” với Nguyễn Hữu Nhật, “Chút tình chút ý mấy vần thơ” với Thy Lan Thảo, “Đổi đời tìm lại sắc màu” với Dương Phước Tấn…
 
Ngăn tim của Tuý Hà đã mở rộng, xin mời vào và xin tự tìm lại một phần của chính mỗi chúng ta.
 
Nguyễn Mạnh An Dân
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com