Ảnh do Nguyên Minh gửi
Tặng Na Na
Sài Gòn tháng 6, những cơn mưa bất chợt xối xả làm những con đường ngập nước chưa kịp rút rồi chợt nắng nhưng không biết lúc nào mây phủ kín âm u và ào ào trút nước xuống như thác đổ. Tôi bước xuống xe dừng lại quán cà phê trên đường Bạch Đằng. Như đã hẹn với một người quen cũ biệt tăm hơn 30 năm trước. Cô là con gái đầu lòng của một cặp vợ chồng nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học miền Nam trước năm 1975.
Trong buổi ra mắt Tập san Quán Văn 87 mang chủ đề chân dung văn học Thủa làm thơ yêu em, qua điện thoại người mẹ cho biết sẵn dịp cô con gái về thăm quê hương sẽ đại diện tác giả tham dự.
Tưởng mình sẽ bỡ ngỡ không nhận ra người phụ nữ đang đối diện. Trước mặt tôi, cô gái mang kính cận, hé môi cười nhỏ nhẹ hỏi:
– Cậu nhận ra con không?
– Na Na mà. Bản sao khuôn mặt mẹ con ngày tôi làm con gái.
Trước khi mở đầu chương trình buổi ra mắt Quán Văn tôi giới thiệu mọi người về người phụ nữ từ dưới khán phòng đang bước tới đứng cạnh tôi, cách đây gần 60 năm trước chỉ là con bé tôi đã từng ẵm trên tay. Khi sanh con gái đầu lòng Trần Dạ Từ viết thư báo tin cho tôi biết ở nhà bé tên là Na Na, khai sinh là Lê Thị Sớm Mai.
Sau đó những lần đến nhà tôi vẫn thường gặp cô bé lớn lên theo thời gian cho đến ngày gia đình cô biệt xứ.
*****
Tôi và cha mẹ cô có những giao tình thắm thiết từ trước khi họ lấy nhau. Với mẹ cô như tình chị em kết nghĩa. Qua sự giới thiệu của một giáo viên trẻ người Huế cư ngụ trong nhà tôi khi tôi rời thị xã Phan Rang trở về quê nội xứ Thần kinh, với cô em gái mê văn chương, làm thơ ngay từ khi là cô nữ sinh Đồng Khánh. Còn cha cô như ông đã xác nhận trong ngày chúng tôi gặp lại nhau tại Mỹ khi chúng tôi làm Quán Văn, cả hai chúng tôi là bạn bè cùng một lý tưởng làm văn học. Tuổi tác xấp xỉ nhau.
Những năm thập niên 1970, cha mẹ cô đã thay đổi biết bao nhiêu chỗ ở. Từ ngày mới sống chung nhau trong một căn phòng nhỏ tại một building sang trọng ở Sài Gòn do một nhà báo nhượng lại nhưng chỉ một thời gian ngắn phải dọn đi vì không đủ đóng tiền nhà với số lương ít ỏi bấp bênh. Những năm tháng sau cha mẹ cô với công sức và tài năng trong nghề làm báo, cuộc sống vươn lên và họ đã mua nhà riêng rồi theo thời gian từ từ thay đổi đến căn biệt thự sang trọng hơn.
Cô bé Na Na được cha mẹ nuông chiều. Ngay từ lúc sinh con người mẹ đã làm thơ tặng cô bé xem như đó là vầng thái dương kết cuộc của mối tình đầu.
Cả ba mẹ cô đều mong ước cô con gái cưng của mình sẽ thành một nhạc sĩ dương cầm. Điều này đã thôi thúc người mẹ tạo điều kiện cho cô bé đi vào thế giới âm nhạc, khi bà đã chứng kiến những tang tóc đau thương của cuộc chiến năm Mậu Thân ngay trên thành phố Huế trong một lần bà trở về thăm quê hương. Tiếng bom đạn giội xuống phố thị. Tiếng súng AK cùng M 16 nổ liên hồi. Tiếng chân người chen lấn chồng chất nhau chạy lánh nạn. Tiếng trẻ con khóc thét lên vì sợ hãi. Tiếng thất thanh người đàn bà khi chứng kiến chồng mình bị ngã đạn. Những âm thanh đó đã gây bao nỗi kinh hồn, đã làm tan hoang cả thế hệ chúng tôi. Bà muốn biến những âm thanh cay nghiệt đó thành những tiếng đàn dương cầm réo rắt yêu thương cho thế hệ con mình. Tôi hiểu đó là lý do mà Na Na được vào trường Quốc gia Âm nhạc và trong một ngày đẹp trời cô bé Na Na nghiêm chỉnh ngồi đưa những ngón tay bé nhỏ gõ lên phiếm đàn của cây dương cầm Yamaha mới tinh do ba mẹ cô mới mua. Năng khiếu âm nhạc cùng tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của cô bé lên mười đã làm tiếng đàn dương cầm thánh thót. Những âm thanh gợi lên tiếng suối reo róc rách, tiếng gió vi vu qua đồi thông, tiếng hò mái đẩy trên sông, tiếng chim hót trong lùm cây xanh, tiếng cười nức nẻ của trẻ con, tiếng dế kêu ngoài đồng ruộng sau mùa gặt… Như nỗi ước ao một mai khi đất nước hòa bình.
Sau tháng tư năm 1975 tôi cũng như mọi người ở miền Nam phải trải qua một cuộc đổi đời bi đát. Ly tán. Tôi tìm nơi ẩn dật ở một vùng quê hẻo lánh. Ở đó không ai biết đến mình. Thỉnh thoảng có dịp tôi vào Sài Gòn mới thay tên. Thành phố buồn thiu. Đường xá vắng tanh. Bỡ ngỡ với những cái biển tên đường lạ hoắc. Nhà hàng Continental sang trọng ngày xưa giờ biến thành cửa hàng ăn uống tạp nham mang tên Đồng Khởi. Tôi tình cờ ngang qua một cửa tiệm kế bên vừa hé mở, mới nhận ra người đàn bà đang ngồi trước nhà: chị Nhã Ca. Như phần đông những nhà văn nhà báo khác cùng chung số phận, gia đình họ đều lâm vào cảnh nghèo khổ. Tất cả nhà cửa cùng máy móc trong nhà in của Trần Dạ Từ đều bị tịch thu, cùng các tác phẩm thơ văn của nhà xuất bản Thương Yêu bị mang đi đốt sạch. Na Na cùng mẹ phải kiếm sống bằng việc buôn bán lẻ tẻ nơi chợ trời. Trước khi gia đình Nhã Ca bị yêu cầu rời khỏi nhà, họ chỉ mang theo cây đàn dương cầm về ở đậu nhà một người bạn đã tỵ nạn qua nước ngoài.
Mẹ con Na Na sống vất vưởng theo từng năm tháng. Từ cô bé hồn nhiên trong sáng, tuổi 13, trở thành một thiếu nữ lo toan kiếm sống, những lúc buồn phiền cô chỉ biết thả hồn mình qua từng phiếm đàn dương cầm. Na Na xem cây dương cầm này như một người bạn thân thiết nhất đời mình. Những tâm tư thầm kín nhất cô thổ lộ lòng mình qua từng giọt âm thanh như những lời tỉ tê. Khi ba mẹ cô cho người mang cây đàn đặt sát cạnh cửa sổ trong phòng, cô nhìn qua khung cửa sổ những bụi hoa hồng đang nở rộ dưới ánh nắng ban chiều còn sót lại. Để dành sự ngạc nhiên đối với cô con gái cưng đầu lòng, bà mẹ phủ lên cây đàn một tấm màn nhung màu huyết dụ. Khi cô gái vừa đi học về, bước vào phòng mình thấy lạ, từng bước chân nhè nhẹ tiến tới, đôi bàn tay mượt mà lần giở tấm màn ra. Chiếc dương cầm cùng tấm thiệp nhỏ ghi hàng chữ: Bố Mẹ ước mong con mãi mãi bên cạnh cây đàn này. Cô bé mười tuổi rón rén ngồi trên chiếc ghế dài và những ngón tay gõ từng nốt nhạc phát lên những âm thanh reo vui như đón nhận một món quà quý báu. Và như muốn gắn chặt đời mình bên cây dương cầm cô lén lấy mũi dao nhọn khắc vào bên trong nắp cây đàn vụng về hai chữ Na Na.
Những năm tháng sau 1975 những vật dụng thường dùng trong gia đình như chén bát ly tách bàn ghế tủ lạnh ti-vi cassette từ từ phải đem ra chợ trời bán rẻ để đổi lấy gạo cơm. Riêng cây đàn dương cầm cũng đã mấy lần cùng chung số phận nhưng chẳng có người mua. Đơn giản thời buổi cả nước còn ăn cơm độn với bo bo, sắn mì, khoai lang, lấy đâu ai dư tiền để mua cây dương cầm. Nhờ vậy mà cây dương cầm này vẫn còn chễm chệ cùng cô gái trong căn phòng nhỏ ấm cúng. Mãi đến năm 1988 khi bà ngoại cô đã bỏ Huế sau cái chết của ông ngoại, trong một lần đột quỵ, bà phải nhập viện khẩn cấp cần giải phẫu. Mẹ cô phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn người thân và bạn bè. Trong lúc túng quẫn có người gợi ý và môi giới bán cây đàn dương cầm cho một người miền Bắc đã vào Sài Gòn ngay tháng 4 năm 1975. Giữa sinh mệnh bà ngoại thân yêu và cây đàn dương cầm, Na Na dĩ nhiên phải chọn một trong hai. Na Na xót xa như đứt ruột khi biết mình sẽ mãi mãi xa cây đàn dương cầm từ bao nhiêu năm gắn bó như một người bạn thân thiết.
Để chuẩn bị cho cuộc chia tay, theo lời yêu cầu thiết tha của Na Na đưa cây đàn dương cầm ra khỏi phòng riêng của cô và đặt ở một góc phòng khách để ngày mai người ta mang đi bán ở khu chợ trời. Người mẹ nhớ lại khoảng thời gian trước năm 1975 trong ngôi biệt thự mỗi lần có những người bạn là nhạc sĩ hay ca sĩ chuẩn bị buổi trình diễn những ca khúc hay sáng tác với công chúng, họ thường cất tiếng hát qua tiếng đàn đệm dương cầm của cô bé Na Na mới 10 tuổi.
Đêm hôm đó chỉ có bà, khán giả độc nhất đang ngồi co ro nơi chiếc ghế đệm cũ kỹ, mắt mơ màng nhìn về cõi xa xăm, tai lắng nghe tiếng dương cầm của con gái. Bà nuốt nước mắt khi nhớ lại lời nhắn nhủ của vợ chồng bà qua nét chữ nắn nót của người chồng trên tấm thiệp đặt trên cây đàn cho cô bé: Hãy xem cây dương cầm này như một phần quả tim con. Bỗng dưng bà ngộp thở, như có ai bóp nghẹt quả tim bà.
Cô bé ngày ấy giờ đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, tóc cắt ngắn ngang vai, mang đôi kính cận, đang ngồi trước cây dương cầm, những ngón tay gõ trên phiếm đàn phát ra những âm thanh như những lời thổ lộ tâm sự đau khổ thầm kín của riêng cô cùng chung số phận một thế hệ tuổi trẻ của cô. Cô xót xa khi nghĩ kể từ ngày mai cô sẽ xa mãi mãi cây đàn này. Cô không còn biết trải lòng mình, trút niềm tâm sự với ai ngoài cây đàn.
Sài Gòn đã về khuya. Phố xá đã đóng cửa từ lâu. Con đường Tự Do một chiều vắng tanh. Trên vỉa hè dành cho khách bộ hành tưởng như trống trơn, lại có những bước chân đang thong dong gõ đều từng tiếng giầy lên phiến đá của bốn người đàn ông ngoại quốc. Bỗng một người trong nhóm họ bước chân sải nhanh như chạy theo ai đó để bắt gặp một cái gì quý báu. Ông ta như kẻ mộng du bị tiếng đàn dương cầm từ xa đang dẫn dắt đến gần. Người đàn ông mắt xanh da trắng đó ngạc nhiên tự hỏi: Sao có thể ai đó đàn được dương cầm trong đêm khuya nơi một đất nước sau cuộc chiến đã qua hơn mươi năm vẫn còn đang nghèo khó. Những âm thanh réo rắt từ những bản sonat của Chopin mà ông ta đã từng nghe qua đĩa nhạc trong những đêm khuya trời lạnh giá nơi căn phòng riêng những ngày còn trẻ đã từng làm ông xúc động. Ông dừng chân ngay trước ngôi nhà đang phát ra tiếng đàn dương cầm. Ông do dự trong giây lát nhưng như có ai vô hình nắm lấy bàn tay ông gõ nhẹ lên cánh cửa nhà đó đã khép kín. Bà mẹ của Na Na hoảng hốt mở cửa, trước mặt mình là những người ngoại quốc. Bà luống cuống chưa biết xử lý thế nào thì ông ta chỉ tay vào cô gái đang ngồi say sưa thả hồn mình vào tiếng đàn. Ông ta ra dấu đưa ngón tay vào tai mình. Một người trong nhóm họ bập bẹ nói tiếng Việt chưa chuẩn thông dịch: Ông xin phép được nghe cô gái đàn. Mẹ Na Na chỉ vào những chiếc ghế còn trống bên cạnh bà. Những người khách xa lạ không mời mà đến, hồn nhiên như những khán giả im lặng ngồi tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc với tiếng dương cầm của một nhạc sĩ nổi tiếng.
Từ xa, hướng về ông ta, Na Na chỉ cúi đầu, miệng nở nụ cười thân thiện như một lời chào. Na Na không ngừng, đôi bàn tay vẫn tiếp tục lướt trên cây đàn. Cô cũng bị những âm thanh từ cây đàn thu hút, cuốn cô vào thế giới nào đó. Theo từng bản nhạc đưa cô vào những không gian khác nhau, cảnh tượng khác nhau. Khi người ông yêu cầu cô đàn bản Clair De Lune, tiếng đàn như những tiếng chân cô bước nhẹ trên thảm cỏ xanh dưới ánh trăng rằm trong ngôi nhà bỏ hoang, điêu tàn sau cuộc chiến ở Thành Nội xứ Huế, quê ngoại của cô. Bản Sonat lại dẫn dắt cô về sông Hương lặng lẽ dưới ánh sáng vàng vọt trong buổi chiều tà. Người đàn ông xa lạ đó còn yêu cầu cô đàn bản Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky. Có phải cả người đàn cũng như người nghe tưởng chừng mình đang ở vài thế kỷ trước trong một đất nước ở đó không biết chiến tranh là gì, họ đắm mình vào câu chuyện cổ tích về một bầy thiên nga hiện thân của những nàng tiên lạc xuống trần gian và hồn nhiên vui đùa bơi lội trong hồ nước xanh. Chính bản Hồ Thiên Nga với tiếng đàn của Na Na đã làm xúc động người đàn ông hơn. Suốt đêm Na Na đàn không mệt mỏi, tiếng đàn càng lúc càng thiết tha hơn.
Trời gần sáng, trước khi từ giã, người đàn ông có hỏi về thân thế Na Na. Ông được cho hay Na Na đã từng tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc. Mẹ cô là nhà thơ, nhà văn Nhã Ca, và cha cô là nhà thơ Trần Dạ Từ. Người ta hỏi thì mình trả lời. Thế thôi. Người đàn ông ngoại quốc xa lạ bắt tay Na Na và người mẹ như truyền hơi ấm chân tình. Âm nhạc đã làm con người gần nhau hơn, không còn ranh giới. Ông còn hẹn ngày tái ngộ. Người đàn ông nói với Na Na:
– Chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày không xa.
Na Na cười hỏi nhỏ:
– Sài Gòn?
Người đàn ông lắc đầu:
– Không. Thụy Điển nhé.
Na Na gật đầu:
– Ok.
Tưởng là chuyện đùa, nói cho vui. Ai ngờ thành sự thật.
Những tháng ngày sau đó gia đình bà được định cư tại Thụy Điển. Khi qua được đất nước đã từng phát giải Nobel mọi lãnh vực, Na Na biết người đàn ông ngoại quốc đó chính là người bảo lãnh cho gia đình cô.
Bao nhiêu năm gặp lại nhau. Tôi đã thành cụ già tóc bạc trên tám mươi tuổi. Còn Na Na giờ cũng thành người đàn bà xấp xỉ sáu mươi. Chúng tôi như trẻ lại, nhắc chuyện xưa và hỏi những sự việc đã qua làm khắc sâu trong trí nhớ. Tôi cầm tay Sớm Mai hỏi nhỏ:
– Con còn đàn dương cầm không?
Sớm Mai đưa mắt nhìn khoảng trời bao la, giọng trầm xuống:
– Cậu ơi. Con không đàn nữa.
Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Từ lúc nào?
Sớm Mai buồn bã đáp:
– Chiếc dương cầm đã bán mất. Còn đâu. Nửa hồn con đã chết. Đã nhiều lần trở về Sài Gòn con cố tìm lại khu chợ trời đã không còn vết tích, như người mẹ tìm lại đứa con đã bị bỏ rơi. Mất tiêu rồi cậu.
Sớm Mai cho tôi biết chồng cô cũng thông cảm nỗi đau của cô, anh mua một cây đàn dương cầm lớn hơn cây dương cầm cũ đã mất đặt ngay trong căn phòng khách sang trọng như một món quà báu tặng người vợ. Sớm Mai không đàn được dù cố gắng đưa những ngón tay lên phiếm đàn. Những âm thanh không còn réo rắt như xưa. Nó như vô cảm, không hòa vào tâm hồn cô. Từ đó, sống ở Thụy Điển cô có một đời sống khác xa.
Cô không còn mảy may gì với quê hương. Có thật vậy không? Để trả lời điều này nên tôi mời cô đến Cafe Thứ 7 tham dự buổi tọa đàm về thơ Nhã Ca, diễn giả là Tiến sĩ Hoàng Kim Oanh. Gần kết thúc chương trình, tôi có phát biểu như một lời tâm sự về tiếng đàn dương cầm của Na Na đã làm thay đổi cuộc đời sau này của gia đình Nhã Ca. Thơ ca cũng như âm nhạc làm tâm hồn chúng ta đẹp hơn. Những câu cuối cùng một bài thơ của Trần Dạ Từ: Người đi qua đời tôi có nhớ gì không người? Người đây tượng trung cho tất cả mọi thân yêu, như người cha, người mẹ, người yêu, người bạn, cũng có thể một con thú cưng, hay một vật dụng cận kề như cây dương cầm. Làm sao Người không nhớ gì sao Người. Nói đến đó tự nhiên tôi xúc động khi nhớ đến nỗi đau của Na Na về cây dương cầm cũ. Tay tôi cầm lấy tay Na Na đưa cô đứng dậy, giới thiệu cô với mọi người:
– Đây là Na Na con gái của nhà thơ Nhã Ca từ Thụy Điển trở về. Hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe tiếng dương cầm của cô.
Trên chiếc dương cầm đã đặt sẵn ở một góc trên sân khấu, người thiếu nữ đã quên hiện tại cứ nghĩ mình là cô con gái năm xưa thủa nào, những ngón tay gõ trên phiếm đàn từng âm thanh nhỏ giọt có lúc réo rắt dồn dập trong bản Love Story làm không khí căn phòng lắng xuống, làm xúc động mọi người.
Riêng tôi, như bị tiếng đàn dương cầm dẫn dắt, tôi như một kẻ mộng du trở về một thời gian xa xưa trong một không gian đầy ắp kỷ niệm. Tiếng gõ mõ hòa cùng tiếng tụng kinh, tiếng chuông phát ra từ một ngôi chùa nhỏ nằm ngay đầu xóm, như một bản hòa âm làm nhẹ lòng tôi. Nơi đó tôi đã bỏ lại một mối tình đầu thơ ngây với một nàng nữ sinh đang trú ngụ. Trước khi chia tay hai người hôn nhau. Nụ hôn đầu cũng là nụ hôn cuối của mối tình. Người xưa từ trong mơ như trở về ngồi cạnh tôi. Tôi nở một nụ cười như vừa bắt gặp người đi qua đời tôi và mãi mãi vẫn tồn tại trong trái tim tôi.
Trước khi về lại Thụy Điển Na Na đến cảm ơn tôi. Tôi cũng bịn rịn nói nhỏ:
– Cậu rất xúc động và mừng con.
Na Na bắt tay tôi như hai người bạn đồng lứa, cùng một dự cảm như nhau, khi đọc một bài thơ, khi xem một truyện ngắn, khi nghe một bản tình ca, tâm hồn mình bỏ vào đó những cảm xúc của trái tim. Na Na tâm sự trong buổi ra mắt Quán Văn và buổi giao lưu này. Cô đã hiểu cốt lõi dòng thơ của Nhã Ca. Nghĩ rằng nơi quê nhà không ai còn nhớ đến, tưởng chừng vĩnh viễn đi vào lãng quên. Tôi nhận ra nỗi xúc động của Na Na khi nhìn những biến đổi từ đôi mắt đến nụ cười cùng tiếng đàn thánh thót.
Tôi hỏi Na Na:
– Có phải Na Na vừa nhận ra cây dương cầm cũ đã mất như hôm nay ngồi nơi đây cậu vừa gặp lại người tình xưa.
– Sao cậu nghĩ đúng như vậy?
– Tiếng đàn hôm nay của con nói lên điều đó.
– Cậu ơi! Hình như con đang ngồi ngay trước cây đàn dương cầm ngày xưa có khắc hai chữ Na Na. Những ngón tay con như có ai dẫn dắt chạy dài trên phiếm đàn và hồn con như bay bổng vào âm thanh kỳ lạ đó. Một nửa trái tim đã mất bỗng tìm về nhập vào tâm hồn con.
Nguyên Minh
Sài Gòn, tháng 7 – 2022
Sài Gòn, tháng 7 – 2022