
"Sông quê nước chảy đôi bờ
Để em chín dại, mười khờ thương em…” (Sông Quê)
Con Sông Đồng Nai của tỉnh Biên Hòa rộng lớn cỡ nào thì tác giả đây không mấy nhớ, nhưng “… Có một giòng sông chảy tràn trong trí nhớ…” và những đứa trẻ tắm sông của những ngày thơ ấu thuở thái bình xa xưa ấy thì tác giả không thể nào quên được.
Ai đi qua tỉnh Biên Hòa mà không một lần băng ngang qua cây cầu Đồng Nai? Dưới chân cầu là một giòng sông mênh mông bát ngát, hai bên bờ chất đầy những gỗ là gỗ. Nơi đây là bến của dân buôn gỗ nên họ gọi là sông Bến Gỗ. Dạo ấy vì còn thơ dại nên tác giả không mấy để ý là phải đi quanh quanh, quẹo quẹo làm sao mới vào đến được một con xóm rất là hiền hòa, dễ thương của tỉnh Biên Hòa.
Tuy vườn tược rộng mênh mông, nhà nào nhà nấy cách nhau cũng khá xa. Phía sau những căn nhà ấy, xa xa là một giòng sông mà:
“...Mỗi ngày em qua bên này sông đi học,
Ngọn gió reo buồn, buồn trông nhánh mù u…” (Sông Quê)
Nhánh mù u là nhánh quái gì mà cho vào nhạc nghe buồn thúi ruột. Sorry! Tác giả tuy trưởng thành trong miền Nam nhưng là gốc Bắc Kỳ nên miền Nam miền Bắc hay miền Trung gì tác giả cũng bù trớt. Nói sao nghe mâu thuẫn bỏ xừ phải không quý vị? Chẳng lẽ tác giả là người “cõi trên” hay sao, miệng thì tự xưng mình là người Việt Nam mà chẳng biết cái mốc xì gì về VN hết là sao? Xin thưa! Tác giả rời miền Bắc khi vừa năm tháng tuổi và chỉ sống ở Sài Gòn cho đến khi sang Mỹ. Cho nên viết nắng mưa hai mùa, trời trăng mây nước của Hòn Ngọc Viễn Đông năm nào thì tác giả viết khá trôi chảy. Viết về miền Bắc thì không được rồi vì lúc đó mới 5 tháng tuổi. Miền Trung cũng không xong vì chưa đi bao giờ. Còn về miệt quê của người miền Nam thì chỉ một lần một duy nhất hồi còn thơ dại, theo nhỏ bạn về Biên Hòa thăm gia đình của bạn nên trí nhớ không được dồi dào lắm! Và con sông phía sau những ngôi nhà ấy là con sông gì nhỉ? (Hồi đó đâu có ngờ qua Mỹ rồi mình trở thành “dzăn sĩ” đâu mà để ý đến tên những con sông, những ngọn núi của quê hương mình để bây giờ cho vào bài viết cho nó thêm chan chứa tình quê mẹ.) Tiếc là lúc ấy tác giả cũng chỉ lo… tắm sông nên cũng chẳng biết con sông đó tên là gì? Mời quý vị theo dõi nhé!
Thằng Đực ngồi trên bờ nhìn xuống giòng sông, ngó con Lẹ đang bơi lội quẩy đạp tung tăng dưới nước còn lẹ hơn con rái cá. Mỗi lần con Lẹ lật ngửa, chiếc áo bà ba trắng dán sát vào thân hình nó, in rõ đôi gò ngực mới nhú như hai trái chanh non khi ẩn khi hiện theo nhịp bơi của nó, ngó mà mắc cỡ hết sức. Thằng Đực thầm nghĩ: Cái “con ba trợn” này (là tiếng mà dì ghẻ của con Lẹ thường gọi nó) không biết nó có biết nó đã bắt đầu vào tuổi dậy thì không, mà sao giống như là đứa con nít? Cứ tênh hênh thả ngửa lại còn ngoạc cái mồm kêu lớn:
- Ê! Tụi bây sao không bơi? Thằng Đực! Biểu tụi nó nhảy xuống đi chớ!
Thằng Đực hết hồn ngó sang thằng Sửu, thằng Tỵ, thằng Bông và thằng Út coi tụi nó có “thấy” gì không? Nó có cảm tưởng như ai cũng nhìn thấy cái “hắc ám” trong đầu nó hết vậy. Nhưng không, đám nhỏ hầu như chẳng để ý gì, chúng ôm nhau vật lộn và chuyện giỡn nổ như bắp rang, chẳng đứa nào thèm dòm ngó, quan sát để đọc được những ý nghĩ trong đầu nó.
Nghe thấy con Lẹ kêu lớn như vậy, cả đám nhảy tùm xuống sông bơi thoắt một cái đã sang tít tận bên bờ bên kia. Chỉ trừ thằng Đực vẫn chưa hoàn hồn khi bị tiếng kêu của con Lẹ cắt đứt giòng tư tưởng nên nó cứ ngồi thừ người ngó con Lẹ bơi, mặt mày nóng ran như lên cơn sốt. Trong khi con Lẹ thì vừa bơi ếch vừa ngó ngoái lại thằng Đực như chờ đợi, thấy thằng Đực cứ ngó xuống sông như người mất hồn, nó lại lật ngửa tênh hênh:
- Ê Đực! Mày “ngó” cái gì dzậy?
Thằng Đực hoảng hồn khi thấy con Lẹ lại lật ngửa, nó rủa thầm “đồ con ba trợn” rồi chạy mất sau khi bỏ lại một câu:
- Bữa nay tao hỏng được khỏe.
Vào đến sân nhà mình, nó dừng lại dưới gốc cây khế đứng thở hổn hển, hai tay nó ôm lấy ngực mà đầu óc nghĩ lung tung. Nó với con Lẹ và đám con nít tắm sông hồi nãy ở cùng một xóm, học chung một trường Tiểu Học ở tỉnh Biên Hòa, tuổi chúng nó chỉ độ 12, 13. Hè năm nay chúng nó vừa thi xong vào Đệ Thất trường công, tất cả đều đậu. Trừ thằng Đực, phải lên Sài Gòn ở với cậu mợ Út và bà ngoại. Vì ba má nó muốn vậy, và nó cũng đã thi đậu vào một trường công lập nào đó ở trên Sài Gòn rồi.
Ngày nào cũng vậy, cứ buỗi trưa đi học về, cơm nước xong xuôi là tụi nó rủ nhau đi tắm sông đã thành thông lệ. Mặc dù bây giờ là hè không phải đi học, nhưng cứ xế trưa trưa, hoặc chiều chiều một chút là tụi nó lại nhảy tùm xuống sông nghịch phá. Trong một đám con trai như vậy, con Lẹ trở thành “hoa lạc giữa rừng gươm”. Nhưng đám con nít dường như “don’t care”, chúng đùa giỡn với nhau không phân biệt, coi con Lẹ như là “thằng”. Chỉ có thằng Đực sao bỗng dưng biết mắc cỡ sớm, nó bực mình khi thấy con Lẹ cứ “vô tư như người Hà Nội”. Hồi nào tới giờ chơi với nhau mày tao mi tớ, cứ loạn cào cào cả lên có sao đâu? Nhưng hôm nay, sau khi nhìn thấy bộ ngực như trái chanh non của con Lẹ nhấp nhô dưới nước sau làn áo bà ba trắng bằng vải phin mỏng. Thằng Đực bỗng dưng cảm thấy không tự nhiên, nếu phải đối diện với con Lẹ.
Người ta nói “nữ thập tam, nam thập lục”. Con gái 13 tuổi đã “trưởng thành”, rõ ràng là con trai “khờ” hơn, mười sáu tuổi mới biết khôn. Vậy mà thằng Đực cũng chỉ mới 13, mà sao nó biết “khôn” sớm, để ý từ chút. Trong khi con Lẹ cũng 13 mà… ngu thấy bà, chẳng ý tứ gì hết!
Có lẽ nó mất mẹ sớm, ở với dì ghẻ nên chẳng ai chỉ bảo. Thằng Đực nghĩ vậy! Nó thấy trong lòng đứng ngồi không yên, nó muốn nói cho con Lẹ biết để con nhỏ đừng có bơi như vậy nữa. Con gái lớn rồi, phải biết e dè khép nép một chút chớ! (Như lời má nó thường dạy em gái nó vậy!) Cũng may là con Lẹ mặc quần đen chứ nếu mà nó mặc quần trắng xuống nước nữa thì thiệt… Thằng Đực cảm thấy hai lỗ tai mình nóng bừng, không dám nghĩ tiếp nữa.
Nó ngồi phệt xuống gốc cây khế trước nhà thẫn thờ. Bữa nay nó làm sao vậy? Con Lẹ mặc cái gì? Làm gì? Thì thây kệ con Lẹ, mắc mớ gì tới nó mà nó phải lo lắng? Hỏng lẽ nó “khoái” con Lẹ rồi sao? Tầm bậy! Thằng Đực lắc đầu xua ngay đi ý nghĩ vừa mới chớm trong đầu, nhưng sao hình ảnh con Lẹ lật ngửa với bộ ngực mới nhú cứ lởn vởn trước mắt nó làm nó không yên.
- Đực! Làm gì ngồi đó vậy con?
Tiếng má nó kêu làm nó giật mình, nó cự nự:
- Má! Con lớn rồi, sao má không kêu con tên Đức như trong khai sinh? Mà cứ kêu Đực hoài nghe kỳ thấy mồ.
Má nó cười rầy thương nó:
- Mồ tổ mày! Hồi nào tới giờ ai cũng biết con là Đực, sao bữa nay tự dưng đòi kêu tên thiệt?
Thằng Đực giải thích:
- Mai mốt con lên Sài Gòn học, bạn bè đều biết con tên Đức. Má kêu Đực, tụi nó nghe được rồi cười con làm sao?
Má nó lại gần xoa đầu nó hỏi:
- Đực có gì xấu mà con hỏng chịu? Con biết hôn? Đực là cái tên ở nhà hồi con mới sanh ra, bà ngoại con đặt chứ đâu ai xa lạ. Hồi còn nhỏ, con là một đứa bé rất bụ bẫm và dễ thương. Theo phong tục ở quê mình, con nít mà ngó ngộ nghĩnh, sáng láng một chút người ta không dám đặt tên đẹp sợ ông bà quở, nên bà ngoại con mới đặt thêm cho con một cái tên kêu ở nhà cho nó lành. Phải thương yêu lắm mọi người kêu nựng, mới gọi con là Đực như vậy.
Thằng Đực nhăn nhó:
- Nhưng bây giờ con “lớn” rồi chớ bộ! Sao mọi người hổng kêu bé Ba (em gái nó) là “Cái” đi mà lại kêu là bé Ba?
Má nó cười hiền hòa, nói đùa:
- Thôi được rồi, từ nay má kêu “người lớn” của má là Đức hén?
Thằng Đực không nói gì, đầu óc nó vẫn còn bồng bềnh theo hình ảnh bơi lội của con Lẹ. Mấy bữa rồi, thằng Đực không đi tắm sông, nó nói với đám bạn là nó bị trúng gió, ớn lạnh nên nghỉ vài bữa cho khỏe. Đám bạn nó cười chọc nó: “Có Đực thì… tắm mới dzui. Hổng Đực thì tắm cũng dzui như thường”.
Đúng là trẻ thơ, tâm hồn xanh như bầu trời. Chúng chỉ ăn với học thôi, chẳng cần nghĩ ngợi chi cho rắc rối cuộc đời.
Không đi tắm sông thì phải tắm rửa ở nhà cho sạch sẽ, nghĩ thế nên vừa mới ngủ dậy là thằng Đực nhảy vô nhà tắm liền, làm vệ sinh cá nhân chớp nhoáng cho lẹ. Xong xuôi, nó lấy cái gáo dừa múc nước từ trong bệ xây xối ào ào. Trong xóm này, phần đông nhà nào cũng xài nước từ dưới giếng bơm lên chứ không xài nước “phông tên”. Còn nước để nấu ăn, nấu uống là nước mưa được trữ trong những chiếc lu sành thiệt lớn hứng từ mái nhà. Nên nước mưa trong những lu nầy uống vào nghe mát ruột gì đâu. Thường thì cơn mưa đầu mùa họ bỏ, không có hứng để cho nước mưa làm sạch mái nhà, máng xối trôi đi hết những bụi bậm, dơ bẩn... Những cơn mưa sau, họ hứng suốt mùa mưa cho đầy lu rồi đậy lại để dành, dùng cho cả năm, đến mùa mưa năm sau lại tiếp tục cứ thế mà xoay vần.
Tắm xong, thằng Đực chưa vội ra ngoài mà ngó mặt mình trong kiếng, nó lấy cây lược chải thử mái tóc rồi chẽ ngôi lệch sang một bên cho gọn ghẽ. Chu mẹt ơi! Nó sượng sùng kêu lên như vậy khi thấy mặt mình sáng sủa và “người lớn” hẳn lên. Nó nghĩ thầm: Sao mọi khi mình ngu quá! Cứ để tóc xụi lơ, phủ xuống trán như một đứa con nít (Thiệt! Không biết tuổi nó mà người lớn với ai?) Lên Sài Gòn rồi mình phải “lịch sự” hơn một chút mới được. Nó nghĩ như vậy và hài lòng với mái tóc vừa mới chải xong của mình.
Sau một hồi ngắm vuốt, cu cậu nhè nhẹ mở cửa thò đầu ra ngoài ngó qua ngó lại xem có ai không, rồi mới e dè bước ra khỏi nhà tắm vì sợ có người nhìn thấy mái tóc “khác thường” của mình.
Má nó đang ngồi đổ bánh bò hấp nơi chái bếp sau nhà, mùi bánh bò chín thơm lừng bay tỏa. Chuyện! Bánh bò hấp của má nó là số 1 trong xóm này, toàn bằng cây nhà lá vườn. Men cơm rượu má nó làm bỏ mối khắp nơi trên Sài Gòn. Còn nếp, bột mì hay bột năng, bột gạo gì đó, sản xuất từ cái cối xay bột của nhà nó mà ra.
Mỗi lần nhà có tiệc, muốn đổ món bánh bò hấp là má nó phải chuẩn bị trước cả tuần lễ. Phải làm cơm rượu cho lên men rồi mới lấy nước cơm rượu đó làm bánh bò. Mấy bụi lá dứa sau vườn được má nó chăm sóc kỹ nên xanh um và tươi tốt, lớn mạnh. Để dành nấu chè, làm bánh bò hấp, bánh ít lá gai thơm lừng mùi nước cốt dừa được nạo từ những trái dừa khô dọc theo bờ ao vườn nhà. Chỉ món bánh bò hấp má nó mới đổ bằng lá dứa mà thôi! Má nó nói bánh bò nướng mà cho lá dứa sẽ làm mất mùi thơm của đường thẻ (cũng là do hãng đường, của ông nội nó để lại, làm ra). Cho nên mới nói món bánh bò hấp hay nướng gì của má nó cũng “number one” hết. Chưa kể má nó còn có món bánh da lợn “gân” ăn quên đầu thai luôn! Đó là bánh da lợn nhưn khoai môn, nhưng mà má nó còn bào thêm khoai môn sợi rắc vào nhưn ăn nghe sực sực và thơm mùi khoai môn thiệt đã gì đâu…
Mùi nước cốt dừa pha lẫn với lá dứa bốc lên chung với mùi lên men cơm rượu trong thau bột gạo má nó đang đổ trên bếp, làm thành những chiếc bánh bò hấp màu xanh tự nhiên của lá dứa. Bánh được lấy ra từ cái chảo gang có nhiều ô lỗ tròn dùng để đổ bánh khọt. Xếp vào một cái dĩa, những chiếc bánh được đặt chồng lên nhau thành hình cái tháp một cách khéo léo làm nó thèm chảy nước miếng.
Nó chạy a tầm phù lại sau lưng má nó, kề mũi hít lấy hít để. Thằng Đực đã quên luôn mái tóc “người lớn” mình vừa mới chải xong. Nó cười hí hí, mũi thì “hịt, hịt…” miệng thì nói:
- Thơm quá má ơi! Con ăn một cái nhe!
Miệng nó nói, tay nó bốc! Má nó cười đánh vào tay con, cản lại:
- Không được! Để cúng bà nội xong đã, bà nội chưa ăn mà con ăn trước sao được. Bữa nay giỗ bà nội con quên rồi sao? Một lát nữa sẽ có cô Bảy, cô Tám, chú Chín, chú Mười ở miệt dưới (dưới làng lân cận) đi ghe lên nữa đó!
Tuy má thằng Đực lăng xăng vậy đó, nhưng bà cũng chợt nhìn được cái mái tóc khác thường của con trai. Bà nhìn sững rồi cười tủm tỉm, nói:
- Chà! Bữa nay thằng Đ… (bà tính gọi thằng Đực, nhưng sực nhớ tới lời cự nự bữa trước của con trai nên lẹ miệng sửa)… Đức của má ngó bộ “người lớn” thiệt rồi đó đa!
Thằng Đực nghe má nó nói vậy, mới sực nhớ tới cái đầu tóc mới chải của mình. Nó sượng sùng, mắc cỡ đánh trống lảng:
- Bánh bò hấp thơm quá má! Rồi má có làm bánh da lợn hôn má?
Má nó vừa dở nắp nồi hấp bánh bò vừa trả lời:
- Má đổ hồi khuya rồi nhưng phải chờ cúng bà nội xong mới được ăn.
Thằng Đực vừa xoay lưng đi theo hướng ngõ ra bờ sông, vừa nói một câu vô thưởng vô phạt:
- Hèn gì hồi khuya đang ngủ con nghe mùi nước dừa lá dứa thơm phức, con tưởng đâu mình chiêm bao chớ!
Má nó nhìn theo lưng thằng con trai, vừa hỏi vừa dặn dò:
- Con đi đâu vậy? Không được đi qua giờ cúng bà nội nghe chưa?
Nó trả lời nhưng không quay lại:
- Dạ con biết rồi! Con sẽ về trước khi mọi người đến để cúng bà nội.
Bình minh chim hót líu lo, nắng sớm như trải đều nên nhà nào nhà nấy lấp lánh đầy những “giọt nắng bên thềm”. Thằng Đực bước vào sau vườn nhà con Lẹ hồi nào không hay. Ở miệt quê, nhà nào nhà nấy vườn tược rộng thênh thang không ranh giới. Cứ đi dài dài dọc theo bờ sông hết vườn nhà người này là lại đến vườn nhà người khác thôi.
Nhìn cảnh thái bình êm ả của miệt vườn nhà quê, thằng Đực bỗng phân vân không biết có nên rời nhà đi Sài Gòn học không nữa. Dù gì thì nó cũng vẫn chỉ là dứa con nít 13 tuổi, nên sự háo hức đi cho biết đó biết đây vẫn có trong nó. Nhưng bây giờ thì đã muộn, vì nó đã thi đậu vào lớp Đệ Thất trường công ở Sài Gòn rồi, nên có muốn hay không muốn thì hết hè này nó vẫn phải đi Sài Gòn để học. Thôi thì Sài Gòn, Biên Hòa không xa gì mấy, nó vẫn có thể về thăm nhà bất cứ lúc nào nếu nó muốn. Nó ngồi dựa lưng vào gốc cây trứng cá sau vườn nhà con Lẹ miên man suy nghĩ vẩn vơ.
- Ê Đực! Mày hết bịnh rồi hả?
Tiếng con Lẹ từ trên cây trứng cá vọng xuống, làm Thằng Đực hết hồn. Nó ngó lên thấy con Lẹ đang đứng “chàng hảng” đạp chân trên hai cành cây cao cười toe toét. Trời đất ơi! Hết nhìn thấy “con ba trợn” này lật ngửa dưới sông khoe bộ ngực còn non dưới lớp áo bà ba mỏng, bây giờ lại nhìn thấy “cái đen thui” trong hai ống quần đen rộng no gió của nó từ trên cao, khiến thằng Đực không dám nhìn, phải cúi mặt xuống la lớn:
- Lẹ ơi! Mày xuống dưới này được không?
Con Lẹ vẫn hết sức rắn mắt, bướng bỉnh, một tay bíu vào cành cây trứng cá cho khỏi té, một tay chống nạnh hỏi:
- Tại sao tao phải leo xuống? Mày cứ nói tao nghe được, còn không thì mày leo lên đây với tao. Trứng cá chín rồi ngọt lắm! Mày ăn không? Tao liệng cho mày một bịch nghe? Nè! Ngửa mặt lên mà chụp.
Thằng Đực sợ nhìn thấy “cái đen thui” nên vẫn cúi gầm mặt lắc đầu trả lời:
- Tao không ăn, nếu mày không leo xuống thì tao đi dzià, từ nay khỏi gặp. Ít bữa nữa tao theo cậu Út tao lên Sài Gòn học rồi.
Nói rồi nó dợm bước đi, con Lẹ thấy vậy hoảng hồn la lên:
- Thôi được rồi! Mày chờ ở đó tao leo xuống, làm cái gì mà bữa nay mày khó chịu quá dzậy?
Thằng Đực đứng lại, “con ba trợn” (không biết là dì ghẻ nó gọi yêu hay nó ba trợn thiệt thì không biết) trèo xuống đến trước mặt thằng Đực, móc trong hai cái túi áo bà ba của nó ra hai cái túi ny lông nhỏ đựng đầy trứng cá chín cây, đưa cho thằng Đực nói:
- Cho mầy đó! Tao lựa những trái hườm hườm vừa chín tới nhứt cho khỏi dập để dành cho mày đó! Ăn thử coi, ngọt lắm!
Thằng Đực xua tay, nói:
- Mày làm như tao chưa từng được ăn trứng cá nhà mày lần nào hết vậy đó! Tao có chiện muốn nói với mày đó!
Con Lẹ hất mặt:
- Hả! Chuyện gì?
Thằng Đực trở nên lúng túng, nó đưa tay gãi gãi cái đầu làm con Lẹ hiểu lầm, tưởng nó khoe cái đầu mới chải nên rũ ra cười:
- Mày có cái tóc mới ngộ quá! Coi… già chát… Ngó người lớn quá mầy ơi!
Thằng Đực hơi quê, nhưng nhờ câu nói của con Lẹ khiến nó có cớ bạo dạn hơn, nó hỏi:
- Mày thấy tao chải tóc kiểu này ngó người lớn thiệt sao?
Con Lẹ gật đầu:
- Thấy người lớn, coi cũng ngồ ngộ.
Thằng Đực đồng ý:
- Tao cũng thấy dzậy. Rồi nó góp ý khéo léo: “Tui”… thấy tụi mình lớn rồi, lên Trung Học mà cứ mày tao hoài… Lệ (con Lẹ tên Trần Ngọc Lệ) có thấy kỳ hôn?
Con Lẹ nhìn khuôn mặt nghiêm chỉnh, không cười của thằng Đực khi nói chuyện, lại thêm cách xưng hô khác thường thì cũng đoán được chắc có chuyện gì nên cũng hơi ngán không dám mày tao nữa. Nó cười cười ỏn ẻn và ngượng ngập lí nhí:
- “Tui”… cũng thấy dzậy, nhưng mà xưng hô quen rồi. Nếu… “trò” muốn đổi để từ từ tui sửa.
Thằng Đực hỏi tới luôn:
- Vậy… Lệ cũng thấy mình lớn rồi phải hôn?
Con Lẹ không biết trả lời sao. Bởi nó đâu thấy có gì khác lạ ngoài mái tóc người lớn của thằng Đực, nên nó im lặng. Thằng Đực thấy vậy nói nhỏ:
- Từ nay Lệ đừng có đi tắm sông nữa, cũng đừng trèo cây cao ngó “kỳ” lắm!
Nói xong nó chạy mất tiêu luôn, để mặc con Lẹ hai tay cầm hai túi trứng cá ngẩn ngơ nhìn theo bóng thằng Đực không hiểu gì cả.
Thời gian sau đó không thấy con Lẹ tắm sông, cũng không thấy con Lẹ trèo cây trứng cá. Nếu có phải trèo cao hái trái, thằng Đực thấy con Lẹ mặc áo bà ba eo sát, có áo lót trong, hai ống quần được túm lại buộc sát vào bắp chuối. Nó mỉm cười hài lòng khi thấy con Lẹ biết nghe lời nó.
Thật ra con Lẹ chẳng phải ngoan ngoãn gì mà đi nghe lời một thằng con nít 13 tuổi, ra lệnh cấm cản không cho nó làm những chuyện nó thích. Mà vì sau đó, bà dì ghẻ thấy nó đã bước sang tuổi dậy thì để chuẩn bị trở thành thiếu nữ nên đã mua quần áo lót cho nó, và dạy nó cách vệ sinh hàng tháng của phụ nữ. Người dì ghẻ này kể ra cũng tốt, thì ra “con ba trợn” là bà gọi yêu mà thôi chứ chẳng phải ghét bỏ gì nó. Tại thấy nó cứ tồ tồ chẳng trông trước ngó sau gì cả, nên bà gọi nó như thế.
Bà còn dạy nó khi trèo lên cây cao, hai cái ống quần phải buộc túm lại. Nếu không, ống quần bị no gió căng phồng ra, người đứng ở dưới ngó lên sẽ bị “nổ” con mắt biết chưa? Con Lẹ tuy “ba trợn” như vậy nhưng là đứa học trò giỏi và đủ thông minh để đoán biết được tại sao thằng Đực không muốn nó tắm sông, và tại sao thằng Đực lại “bối rối” khi ngó lên cây trứng cá bắt gặp nó đứng ở trên đó.
Trời ơi! Mắc cỡ chết đi được, sao bỗng dưng nó “khai ngộ” thông minh hết sức khi chợt hiểu. Cái bí mật thiêng liêng nhất trong cơ thể người đàn bà là ở hai chỗ đó, vậy mà trời xui đất khiến làm sao thằng Đực lại nhìn thấy hết ráo. “Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Rồi biến cố 30 tháng Tư 75 của đất nước xảy ra, tro bụi đầy trời, dâu bể đổi dời. Những đứa trẻ tắm sông của tỉnh Biên Hòa ngày đó giờ ra sao? Rồi thằng Đức hay Đực, con Lẹ hay Lệ gì đó đã trôi giạt về đâu? Bởi sau ngày đó, tác giả cũng mất liên lạc với những người bạn nhỏ ấy luôn. Tác giả đang nổi trôi bồng bềnh ở San Jose, đêm đêm ngồi nặn óc nhớ lại những chuyện không đầu không đuôi rồi viết thành truyện, để cầu may, thằng Đực hay con Lẹ đọc được sẽ liên lạc với tác giả thì truyện mới có đoạn kết được.
Nghĩ về cây trứng cá mà tác giả đây không khỏi giật mình, bởi lúc nhỏ tác giả cũng đã từng trèo cây trứng cá. Nhưng mà may mắn thay tác giả không có mặc quần đen ống rộng như con Lẹ để trèo hái trứng cá, mà tác giả mặc quần phùng (may mắn thôi chứ chẳng phải khôn ngoan, ý tứ gì khi còn là một đứa trẻ 9, 10 tuổi lúc bấy giờ). Quần phùng là một loại quần giống như quần đùi ống rộng của đàn ông, nhưng hai ống quần có luồn dây thun khi mặc sẽ ôm sát vào đùi.
Thuở ấy, mẹ tác giả hay may quần phùng cho con gái mặc với áo đầm. Mùa hè trời nóng, tác giả không mặc áo đầm mà chỉ mặc áo lá với quần phùng mà thôi! Tác giả nhớ dạo ấy tác giả hay mặc chiếc áo tay phùng, ngắn tay màu trắng, cổ lá sen, với cái quần phùng xanh da trời sọc ca rô trắng. Leo lên cây trứng cá, ngồi vắt vẻo trên đó chơi với một đám con trai, có khi còn đánh đu tòn teng như “Tarzan” đu dây giữa tiếng reo hò ầm ĩ của đám con trai dưới đất (may phước tác giả mặc quần phùng). Nghĩ lại sao hồi nhỏ mình quậy quá vậy không biết, hồi đó bố mẹ tác giả hay gọi tác giả là con “Nặc Nô”. Là cái con quái quỷ gì tác giả đây cũng không biết, nhưng cũng có thể đoán được là “con giặc cái”. Để chỉ những đứa trẻ phá phách, nghịch ngợm như giặc (?) Chắc vậy!
Thời gian trôi nhanh quá! Tuổi thơ đi qua, tuổi dậy thì đến và tuổi cặp kê thì mất nước. Ba mươi mấy năm rồi buồn lắm ai ơi! Mùa Đông ở San Jose mưa rả rít, rầu thúi ruột, cứ ngồi nhìn mưa ngó xa xa về phía chân trời xám xịt. Nhớ về quê hương mịt mù xa tắp mà không khỏi đau lòng lệ rơi.
Hò… ơ… hơ… hớ… ơ… ơi!
Mùa Đông xứ lạ mưa nhiều
Trông vời quê mẹ chín chiều ruột đau…
Tôn Nữ Mặc Giao