User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ðây là chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng radio tần số Z. Lời tâm sự đầu tiên từ một nữ sinh muốn gửi đến người chú đã bỏ nhà đi xa nhiều năm. Chuyện bắt đầu khi ông bà nội tôi mất. Ý nguyện của ông bà là chia đôi mảnh vườn hai ngàn mét vuông thành hai phần bằng nhau cho hai người con trai mỗi người một nửa. Ở quê tôi các cụ chỉ nói miệng, chẳng ai lập di chúc. Lúc này chú còn trẻ. Ba thì đã có gia đình, nhiều thứ phải gánh vác lo toan. Chú phụ giúp nhiều phần. Nhưng chủ yếu vẫn là ba mẹ nuôi dưỡng chăm sóc ông bà đến khi các cụ qua đời. Ông bà mất, xét thấy mình là anh lớn lại gánh vác nhiều trọng trách nên ba tôi tự đứng ra sang nhượng đất sang tên mình, không có phần của chú. Chú giận nhưng không muốn kiện tụng tranh chấp. Rồi chú bỏ đi biệt tăm.  Có người nói nhìn thấy chú lên núi đi tu. Sau này ba tôi đi khắp các chùa trong vùng tìm chú nhưng không gặp. Nay ba tôi sức khoẻ yếu, rất hối hận. Giá như ba có thể giãi bày hết nỗi khổ tâm cho chú hiểu. Ba mong chú trở về để anh em hàn gắn. Nếu chú nghe được lời tâm sự này, xin hãy liên lạc với gia đình. Người dẫn chương trình chọn bài hát Cây tùng. Lời bài hát vang lên cùng một giọng ca sĩ nam trầm khàn Tôi thường đứng trước sân, nhìn ra cây tùng nhỏ mọc trong khu vườn lớn. Khu vườn nay hiu quạnh. Trên ngọn cây tùng chỉ có gió nổi lên
 
Ðây là chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng radio tần số Z. Lời tâm sự tiếp theo đến từ một nữ công nhân khu công nghiệp X. Tôi từng mơ ước làm cô giáo về gõ đầu lũ trẻ quê mình. Gia đình có mảnh đất vườn lớn nhưng đất đai khô cằn vì hạn mặn. Gia cảnh khó khăn, tôi bỏ đèn sách, vào thành phố làm công nhân may. Ðời công nhân xa nhà bấp bênh buồn lắm. Tôi sống chung với một người vì quá cô đơn chứ không phải vì yêu. Anh hứa sẽ cưới tôi và lo cho tôi cả đời sung túc. Cuộc sống lúc thăng lúc trầm nhưng có anh tôi thấy mình có một điểm tựa để hy vọng vào tương lai. Vậy mà tôi chờ mãi không thấy anh đưa về gặp gia đình. Gần đây tôi nhắc lại những lời hứa hẹn năm xưa thì anh chối, rồi vùng vằng bỏ đi. Tôi đau khổ. Không chỉ vậy, nhà máy tôi đang làm nợ lương công nhân nhiều tháng. Mấy chị em trong khu trọ rủ tôi bỏ việc hiện tại để làm phục vụ cho quán cà-phê hoặc làm nhân viên tiệm mát-xa. Những việc này lương cao lại không vất vả. Tôi sợ mang điều tiếng là làm chuyện không đàng hoàng. Nhưng xét lại hoàn cảnh, tôi cũng không còn là gái nhà lành, dấn thân thêm bước nữa cũng không xấu gì hơn. Mấy hôm trước tôi đi chùa cầu phước, sư thầy nói kiếp trước tôi mắc nghiệp nặng nên kiếp này phải trả. Xin cho tôi hỏi, tôi phải trả đến bao giờ mới xong? Người dẫn chương trình nói vài lời chia sẻ với cô gái, khuyên cô mạnh mẽ và lạc quan. Sau lời tâm sự, người dẫn chương trình chọn bài hát Ngọn cỏ lau. Lời bài hát thiết tha:  quạnh, tôi là loài lau cỏ mọc bên sông. Vì một cơn dông mà bứt gốc. Tôi là loài lau cỏ, chỉ một làn nước nhỏ, cả thân mình tôi trao.
 
radio
 
Ðây là chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng radio tần số Z. Lời tâm sự tiếp theo đến từ một bạn nữ giấu tên có mã số làm quen M. Tôi hai sáu tuổi. Trước đây tôi là công nhân may nhưng hiện giờ làm pha chế cho một quán cà-phê võng. Khách hàng quen của quán thường là dân lái xe. Nói thật là, đôi khi khách có nhu cầu đi chơi tâm sự riêng tôi cũng đáp ứng. Tiền kiếm được tôi gửi về quê lo cho con gái nhỏ đang được bà ngoại chăm sóc. Chuyện khổ tâm là gần đây tôi đem lòng yêu một nhà sư. Gần quán cà-phê có một ngôi chùa nhỏ, sư trụ trì còn rất trẻ, lại vô cùng đẹp trai. Tôi đi chùa ngày Rằm, Mùng Một, ban đầu để xin Trời Phật phù hộ bình an, sau dần để được gặp sư thầy. Gặp thầy, tôi không biết nói gì. Nghe tiếng tụng kinh, thực lòng tôi không hiểu kinh nói gì. Nghe thầy giảng Phật Pháp, tôi chẳng thấy lĩnh ngộ. Nhưng không đi chùa và không gặp thầy, tôi thấy đời mình trống trải vô nghĩa lý. Trong khuôn viên chùa và gần bên cạnh thầy, tôi thấy mình cũng thanh sạch như mọi phật tử khác. Nơi cửa Phật không ai chê tôi bần hàn, không ai bình phẩm cơ thể, không ai phán xét nghề nghiệp tôi. Tôi có nên thổ lộ lòng mình với sư thầy? Sư thầy từ bi với chúng sanh, liệu có mở lòng với tình cảm của tôi? Một khoảng im lặng. Người dẫn chương trình dường như bối rối. Sau lời tâm sự, bài hát nhỏ rồi to dần trên sóng radio:  Kẻ chân tu tưởng rằng lòng không còn gì vướng bận. Vậy mà vẫn ưu tư khi nghe côn trùng vỗ cánh trong đầm lầy cuối thu.
 
Ðây là chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng radio tần số Z. Lời tâm sự tiếp theo đến từ một phụ nữ quê ở tỉnh P. Tôi và chồng sống với nhau được gần tám năm. Chồng tôi từ mười ba tuổi được gửi đi tu học ở Myanmar. Năm hai mươi tuổi anh về thăm nhà, vì yêu tôi mà quyết định hoàn tục. Tình yêu ban đầu rất đẹp. Cuộc sống thanh bần nhưng hôn nhân hạnh phúc. Nhưng rồi theo thời gian, tôi nhận ra sau bảy năm tu hành chồng mình không bao giờ hoàn toàn trở về được với cõi thế tục này. Ngoài kinh sách, anh không có chuyên môn nghề nghiệp gì để mưu sinh. Chúng tôi buôn bán nhỏ, đôi khi phải mánh lới chút đỉnh để có lời nhưng anh thì hiền lành và chân thật quá. Có con rồi, cuộc sống còn khó khăn hơn. Bao nhiêu gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn cả vào hai vai tôi khiến tôi thấy mình kiệt sức. Tình yêu năm nào đã khô cạn. Tôi muốn bỏ chồng nhưng thấy mình bất nghĩa. Xin khán giả cho tôi lời khuyên tôi phải làm sao? Lời tâm sự kết thúc, một bài hát vang lên: Mặt trời khuất núi. Tăng khách ra về, dấu chân để lại, bụi hồng trần ai.
 
Chương trình ca nhạc theo yêu cầu vẫn còn tiếp tục nhưng radio đột nhiên tắt tiếng. Xe buýt dừng hẳn. Tiếng động cơ im bặt. Bên ngoài trời đã sẩm tối. Tài xế và người soát vé thu dọn đồ đạc. Hành khách cuối cùng trên xe bỗng giật mình nhìn quanh thấy không còn hành khách nào khác. Người soát vé bước đến lay vai vị hành khách, nhỏ nhẹ: Thưa sư thầy, xe buýt đã đến trạm cuối rồi. Nhà sư nhìn lên bầu trời tắt nắng rồi nhìn xuống mặt sân xi-măng sần sùi của nhà chờ xe. Xe buýt đi một đoạn đường dài. Cổng chùa đã cách rất xa. Không biết vì lý do gì nhà sư bỏ qua trạm mà quên không bước xuống.
 
Đinh Ngọc Tâm
 
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com