User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
dieubuontramnam
hình trên net
 
Uyên ký xong, chưa kịp buông viết, Định đã chồm tới, chộp tờ đơn ly dị, lật đật gấp làm tư, cho vào túi, phòng khi Uyên đổi ý.
 
Định lạnh lùng đi ra cửa, ngồi trên chiếc Dream 2 bóng lộn, trước khi đề máy, Định tàn nhẫn vẫy tay, nhếch một bên mép: ”Bái… bai…!”.
 
Uyên gục xuống, ôm mặt khóc nức nở. Thế là hết! Hạnh phúc vỡ tan! Mười năm tình nghĩa mặn nồng giờ đây chỉ còn cơn đau bầm gan tím ruột. Ngôi nhà ấm cúng, rộn tiếng nói cười, kể từ nay trống vắng, lạnh lùng. Tất cả đã đổi thay. Từ lúc nào không rõ, Uyên chỉ mơ hồ thấy bất hạnh thoát ẩn thoát hiện bên đời, ra sức đe dọa, công phá hủy hoại nền móng hạnh phúc gia đình. Và, hôm nay, nó đã hiện nguyên hình. Dù Uyên đã dày công chống trả, xây dựng nhưng vô hiệu. Uyên hoàn toàn thua cuộc và xác nhận điều đó bằng chữ ký trên tờ đơn xin ly dị mà Định đưa ra.
 
Mười năm qua, Uyên đã đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ tình yêu của mình, giữ cho bé Thư một người cha. Uyên cũng có tự ái nhưng cô không muốn cái tôi của mình che khuất bé Thư. Đứa con được tạo hình trong những ngày tháng ngọt mật hương vị tình yêu. Cái thuở đất trời bỗng nhỏ bé hơn cả ánh mắt người tình và cái thế giới đông đảo con người hẳn phải ngạc nhiên vì sự tìm đến nhau của hai kẻ ở hai đầu đất nước. Người Nam, kẻ Bắc. Vậy mà vừa thoáng trông thấy nhau trong giảng đường Đại Học, họ đã phải ngỡ ngàng, ngập ngừng chẳng muốn quay đi. Uyên không sao quên được ánh mắt Định lúc ấy. Sâu thẳm, diệu vợi và thu hút. Uyên bàng hoàng ngẩn ngơ đánh rơi cây bút. Nhặt lên, Uyên cứ loay hoay vẽ những đường vô nghĩa trên trang vở, để lời giảng của thầy bay lãng đãng trên vòm cao giảng đường. Mãi đến lúc Định gọi: ”Cô… sao cô bé không về?”. Uyên mới chợt tỉnh, thẹn thùng nhìn giảng đường vắng ngắt, chỉ còn lại hai người.
 
Uyên và Định yêu nhau dễ dàng như có duyên nợ từ kiếp trước. Cả hai đều nghèo. Tình yêu đã giúp họ vượt qua khó khăn để cảm thông nhau. Định thường bảo:
 
- Yêu em, anh vui niềm vui của em, buồn nỗi buồn của em. Vì vậy, anh phải cùng em chia sẻ khó khăn, gánh gồng nặng nhọc.
 
Định giúp Uyên việc nhà. Anh kèm toán, Tiếng Anh cho hai đứa em Uyên, sửa sang lại mái nhà, chuồng heo, điện đóm… Anh cáng đáng tất cả những việc lẽ ra ba Uyên phải chu toàn. Đằng nầy, ông bỏ mặc những đứa con sớm mồ côi mẹ để chạy theo một mối tình mới. Chúng đói no ra sao cũng được, ông cứ lo hưởng thụ như lúc vợ còn sống. Ham vui và vô trách nhiệm là tính cách bất di bất dịch của ba Uyên.
 
Chị Thuyền, chị hai của Uyên, đứa con gái lớn của ông chưa tốt nghiệp phổ thông Trung Học đã rời ghế nhà trường để đi buôn. Một mình chị nuôi bốn miệng ăn. Người thiếu nữ đang xuân lăn xả vào giữa chợ đời kiếm sống. Gió bụi thời gian, gai chông dọc đường mặc tình nhuộm xám ước mơ riêng tư của chị. Thuyền từ chối lời cầu hôn của người yêu để được tự do… nuôi đàn em dại, trong đó có Uyên. Uyên yêu chị lắm! Cô cũng muốn bỏ học để cùng chị lo cho gia đình. Nhưng, chị Thuyền cương quyết bảo: ”Một mình chị dừng lại cũng đủ rồi. Em không phải lo! Ráng học thật giỏi. Mai nầy đỗ đạt, giúp gia đình cũng chưa muộn. Biết đâu lúc ấy, chị cũng phải nương dựa vào em.”
 
Thương chị, Uyên chỉ còn biết chăm học và đã thành công. Kết quả ngoài sức tưởng tượng. Uyên đỗ thủ khoa và được chọn nhiệm sở. Đơn vị công tác của Uyên là một ngôi trường tại trung tâm tỉnh lỵ. Nó đẹp cổ kính và trang nghiêm. Nơi gắn bó với Uyên từ độ ấy đến giờ.
 
Định cũng được điều về đó. Dạy chung trường, hai người có cơ hội gần gũi, tình yêu càng sâu đậm hơn. Định hỏi cưới, Uyên lưỡng lự. Ra trường, mới có mấy tháng, chưa làm gì được cho gia đình, lẽ nào Uyên đi xây dựng hạnh phúc bản thân. Chị Thuyền biết chuyện, khuyên: ”Em cứ đi lấy chồng. Đời người con gái chỉ có một thời. Đừng để nhan sắc tàn phai. Gia đình mình đẫ có chị lo.Em hãy yên tâm”. Uyên phản đối: ”Tại sao chị hy sinh được mà không cho em làm việc tốt?”. Chị Thuyền bật cười, mắng yêu: ”Lãng duyên chưa! Chị có hy sinh gì đâu. Em muốn làm việc tốt thì cứ làm. Có chồng rồi làm việc tốt không được sao? Rõ khổ!”.
 
Vậy là họ cưới nhau. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc tình của Uyên. Định mồ côi cha mẹ, chỉ còn một người thân là chị cả đã lập gia đình tại thành phố. Chị Tâm, chị của Định rất giàu nghị lực. Từ hai bàn tay trắng đã gây dựng một cơ ngơi nho nhỏ, có việc làm ổn định, đời sống thoải mái. Vì thế, Định yên tâm. Anh dồn sức lo cho gia đình Uyên. Ai cũng khen Định tốt, Uyên khéo chọn chồng. Hạnh phúc của Uyên làm cho bạn bè phải mơ ước.
 
Rồi bé Thư chào đời. Hạnh phúc lại nhân đôi. Giữa Uyên và Định có mối dây ràng buộc. Ngôi nhà tràn ngập niềm vui.
 
Đúng lúc đó, ba Uyên về. Một sự trở về muộn màng, vô tích sự, chẳng ai chờ đợi. Sự có mặt của ông chỉ gợi lại nỗi chua xót đắng cay của những ngày vất vả trước đây. Những bữa cơm chỉ có vài cọng rau xanh, một dĩa nước mắm trong. Những đêm đông giá buốt mấy chị em nằm co vì đói lạnh. Tất cả thao thức chờ cánh cửa bật mở, chị Thuyền về, đứng giữa vùng tranh tối, tranh sáng, nét mặt chị bơ phờ, mệt mỏi nhưng vẫn cố gượng cười, chìa ra những ổ bánh mì nóng hổi, giòn tan. Vừa ăn, Uyên vừa nhớ mẹ và hận thù ba. Uyên tiếc đôi cánh cò đã rũ và giận con đại bàng lại sải cánh bay xa, bỏ mặc chim non trong cơn giông bão.
 
Ba Uyên quay lại giữa lúc trời quang, mây tạnh. Ông mang theo tuổi già và sự thất bại nhiều mặt. Một lần nữa, ông nhuộm xám khoảng trời xanh của đàn con. Tự biến mình thành kẻ nát rượu, ông kéo gia đình trượt dốc, quay lại cảnh sa sút ngày nào.
 
Đồng lương có hạn, nhà thêm người, mức chi ngày một tăng. Ngoài giờ lên lớp, hai vợ chồng Uyên phải làm thêm nghề phụ hầu chia bớt gánh nặng cho chị Thuyền. Uyên dọn hàng tạp hóa tại nhà để vừa buôn bán vừa trông chừng con, vừa tiện việc hoàn tất sổ sách, giáo án. Uyên kiếm thêm được một ít tiền nhưng phải đánh đổi nhiều thứ khác: Nhan sắc, uy tín nghề nghiệp, sự sạch sẽ, ngăn nắp trong nhà và thì giờ chăm sóc chồng con. Những chiếc áo đẹp, Uyên cất kỹ vào va li sợ nó chóng bẩn, hư hại khi mua bán. Uyên mặc những bộ đồ cũ, xộc xệch. Lúc nào Uyên cũng trưng bày nét mặt mệt mỏi, thiếu ngủ, không trang điểm ra trước mặt chồng và học sinh. Vì không nghiên cứu bài trước khi lên lớp nên bài giảng của Uyên có phần thiếu sót, kém sức thuyết phục, dẫn đến tình trạng giảm sút sự kính trọng của học sinh và đồng nghiệp. Bây giờ, Uyên chỉ lo buôn bán. Uyên bỏ chân ngoài dài hơn chân trong. Vì không chuyên kinh doanh, nên kết quả thu cũng nhỏ. Nó lại chiếm khoảng thời gian quá lớn của cô. Uyên bán hàng chục món linh tinh, nhặt nhạnh từng đồng lời bèo bọt. Tạo ra một môi trường chật hẹp, bề bộn, nặng mùi vị quanh mình. Tạo thuận lợi cho kiến chuột, muỗi sinh sống. Chúng tha hồ tung hoành trong nhà, gây cảm giác bực bội, chán nản cho Định. Sau những giờ làm việc, Định về nhà, ngã người ra chiếc ghế tựa bốc mùi ngai ngái, chốc chốc lại đưa tay đập muỗi hoặc nhổm dậy vì kiến. Đôi khi anh phải bò xuống gầm giường, mọp sát đất nhìn vào đáy tủ hoặc vạch vách tìm xác con chuột chết, để kịp thời xóa tan bầu không khí nặng mùi thối. Lúc đầu, Định dọn dẹp giúp Uyên. Nhưng sau đó, đâu cũng vào đấy. Anh đành bó tay, Định đã quá mệt mỏi vì những giờ lên lớp chính khóa rồi sau đó là những giờ phụ ở các điểm dạy thêm, Định cần vô cùng một chỗ yên tĩnh, không có một ông già lúc nào miệng cũng sặc hơi men, lè nhè những câu vớ vẩn về tình yêu, mưa nắng, chuyện hình sự đăng trên các báo… Hai đứa em trai Uyên không còn ngoan ngoãn, bỏ học, nghề nghiệp không ổn định. Chúng hận đời, chán gia đình. Đi thì thôi, về tới nhà là chúng gây gổ, văng tục. Chúng làm cho hoàn cảnh thêm bi đát và Định không còn cách nào khác hơn là chờ đến tối mịt mới quay về. Anh cảm thấy không thể kéo dài tình trạng nầy và đi đến một quyết định: đổi nghề.
 
Định lên thành phố gặp chị, nhờ giúp. Nhân dịp người anh rể đi buôn gỗ, Định xin đi theo. Công việc có khó khăn nhưng cuối cùng suôn sẻ. Hai anh em tậu được một cửa hàng bán gỗ các loại tại thành phố. Định trở về mua nhà mới, đón vợ con ra riêng.
 
Uyên vừa mừng vừa lo, cảm thấy khó xử vô cùng, bỏ mặc gia đình mà đi thì không nỡ. Còn ở lại, Uyên cũng chẳng giúp được bao nhiêu. Hiểu lòng Uyên, chị Thuyền bảo:
 
- Em đã có chồng, phải theo chồng! Việc nhà đã có chị lo. Vả lại, em út đã lớn, đều có việc làm. Còn ba già yếu, đâu có đòi hỏi gì nhiều mà em phân vân, chưa quyết?
 
Vâng lời chị, Uyên về nhà mới. Ngôi nhà không lớn nhưng thoáng đãng, xinh xắn. Mảnh sân con phía trước ngát hương hoa hoàng lan và sau vườn, rợp bóng cây bạch đàn. Uyên thích ngồi bên cửa sổ ngắm mặt trời chiều đỏ ối tuột dần xuống chân trời. Những tia nắng cuối ngày rực rỡ bừng lên, ưng ửng màu da cam, trải dài, nhạt dần trên thảm cỏ mượt mà như tấm thảm nhung. Bé Thư chập chững đi trong sân, thỉnh thoảng cuối nhặt một chiếc lá úa đội lên đầu rồi quay lại cười với Uyên, để lộ mấy cái răng chuột bé tí, xinh xắn. Uyên lâng lâng trong niềm vui ngọt ngào lạ lẫm, cứ ngỡ nằm mơ. Một giấc mơ tuyệt đẹp.
 
Do công việc làm ăn, Định thường phải vắng nhà. Có khi chuyến đi kéo dài nửa tháng. Ở nhà, Uyên nhớ chồng, cảm thấy chỗ ở mới buồn tênh, lạnh lẽo. Uyên nhớ ngôi nhà cũ, chật hẹp trong xóm nghèo, nhớ chị Thuyền dạo nầy hay buồn ngơ buồn ngẩn. Chiều chiều, chị gõ mõ, tụng kinh. Uyên nhớ hai thằng em hận đời, về tới là đòi ăn, nhớ ba thở nực nồng mùi rượu, nói đi nói lại mãi một câu. Chịu không nổi, Uyên thường bồng con về nhà thăm. Biết gia đình túng thiếu, Uyên thường tiêu xài tiết kiệm rồi dùng tiền để dành mua một ít quà cho bên nhà. Những lúc như thế, chị Thuyền thường can: ”Đừng làm vậy, Uyên ơi! Chồng em biết, sẽ giận đó”. Uyên trấn an chị: ”Không sao đâu, Định thường khen em có hiếu, biết lo cho gia đình. Chính vì thế, Định mới yêu em”. Không đồng ý, chị Thuyền bảo: ”Đó là lúc chưa cưới kia. Bây giờ, em làm vậy lỡ Định cho là em bòn rút, đem về nuôi gia đình rồi làm sao? Không nên đâu!” Uyên cãi: ”Em không tin như thế, cùng một việc làm, lẽ nào khi thì mang ý nghĩa nầy. Lúc lại có dụng ý khác”. Chị Thuyền buông thõng câu nói: ”Nếu không nghe lời chị, em sẽ khổ!”. Uyên không nghe lời thật. Cô tiếp tục quà cáp. Thỉnh thoảng Uyên mời cả nhà qua dùng cơm khi Định về. Nhìn gia đình đoàn tụ, ăn uống vui vẻ, Uyên vui lắm. Cô nào biết, đời không đơn giản như lòng cô. Đầy rắc rối, phức tạp và tàn nhẫn.
 
Những chuyến đi của Định dài hơn, có khi cả tháng mới về một lần. Ban đầu, hai ngày anh về rồi ở lại nhà vài hôm. Lần lần, một tuần rồi hai tuần mới ghé lại như ghé trạm, nghỉ ngơi, chi tiền rồi đi ngay. Anh ít có thì giờ gần gũi, âu yếm, vuốt ve vợ con. Dường như anh về là để gặp bạn, mời ăn nhậu. Hôm sau, Định kêu đau đầu nhưng chiều lại say cho đến ngày đi. Gần đây, Định lại sanh tật nói lớn tiếng, nạt nộ, mắng Uyên như tát nước. Uyên buồn tủi lắm, nhưng thấy chồng quanh năm vất vả vì mình, Uyên nhẫn nhịn, cố giữ hòa khí.
 
Trong khi đó, hai đứa em và ba Uyên thường tìm tới nhà. Thoạt đầu, họ chỉ viếng thăm. Dần dần, họ lợi dụng bản chất hiền hậu, hiếu thuận của Uyên mà kiếm chác. Họ hết xin cái nầy, cái nọ trong nhà, lại vay tiền. Thấy Uyên chấp thuận dễ dàng, chẳng bao giờ đòi lại, họ càng thích khoe khổ, than thiếu vốn. Thậm chí, họ còn ngõ lời vay tiền Định. Định hái ra bạc nhưng anh phải đánh đổi bằng sức lao động của chính mình. Chứ anh không hái ra những đồng tiền từ trên tay kẻ khác. Anh phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của mình, bằng những ngày lao đao chốn rừng sâu. Xa vợ con, bè bạn, hy sinh bao năm đèn sách, nghề nghiệp ban đầu. Chính thế, anh trọng đồng tiền. Tiền là mục đích của đời anh. Tiền là trên hết.
 
Ba và hai em Uyên đã phạm một sai lầm đáng tiếc: Ham tiền mà lại là tiền của Định. Dù họ chỉ bòn mót những con số nhỏ nhoi, không bằng một cử nhậu “chào sân” của Định. Anh vẫn bực. Định có cảm giác mình đang bỏ muối xuống biển, chẳng lợi lộc gì. Anh tiếc nhưng không tiện nói ra. Mọi ấm ức, anh trút lên đầu Uyên. Định bắt đầu ân hận vì đã lấy Uyên làm vợ, tự đào mồ chôn mình. Định ngầm so sánh Uyên với những người đàn bà khác mà anh có dịp giao tiếp khi buôn bán. Một sự chênh lệch quá rõ. Uyên hiền đến dại dột. Uyên chỉ biết sống vì những ràng buộc của bổn phận, của đạo lý. Còn vợ người ta thông minh, lém lỉnh. Họ tỏ ra là những phụ nữ bản lĩnh trong “giai đoạn mở cửa”, trong thời đại kinh tế thị trường. Lấy Uyên, anh phải dang tay ôm lấy “nợ nần”. Đúng là “Kẻ ăn bánh còn người gom rác” Chẳng biết bao giờ mới thoát. Anh chán lắm! Định trở nên tàn nhẫn với Uyên. Anh thích làm khổ Uyên! Anh cho đó là lẽ công bằng vì Uyên làm anh khổ. Anh thường cố ý khen cô nầy giỏi, cô kia đẹp với Uyên, Uyên chỉ biết khóc.
 
Sáng nay, vừa thức giấc, Định đã kiếm chuyện. Anh lấy thư ra đọc. Uyên hỏi, anh bảo: ”Thư bồ”. Uyên run lên vì giận. Cô không còn chịu đựng được nữa. Cảm thấy tức tối lẫn ghê tởm giọng lưỡi tàn độc của chồng, cô thét lên: ”Anh im đi!” Định trâng tráo: ”Tao không im! Mày dám làm gì tao nè?” Uyên chồm tới, thẳng tay tát vào má Định một cái nẩy lửa. Vì bất ngờ, Định lãnh trọn năm dấu tay Uyên. Cáu tiết, Định đập Uyên một trận ra trò rồi ngồi vào bàn viết đơn xin ly dị. Mọi việc được kết thúc đúng như ý Định mong muốm. Uyên ký ngay vào tờ đơn, không chút do dự. Và, anh đã bỏ đi.
 
- Mẹ, mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi!
 
Uyên bừng tỉnh, ngước lên. Bé Thư đng đứng cạnh Uyên, dang đôi tay bé bỏng ôm lấy mẹ. Siết chặt con vào lòng, Uyên khóc như mưa, như gió. Nhưng bé Thư nào hiểu gì. Bé quá quen với cảnh mẹ khóc. Nó đưa bàn tay vỗ nhè nhẹ vào lưng mẹ rồi nói: ”Nín , nín đi mẹ! Để con hát ru mẹ ngủ nghe mẹ!” Rồi bé hát câu ca dao mà Uyên thường hát khi dỗ bé: ”Anh buồn có chốn thở than. Em buồn như ngọn đèn tàn thắp khuya”. Uyên chợt nhớ về chốn cũ. Ở đó, con đường trải đá lổn nhổn, quanh co, dẫn đến ngôi nhà chật hẹp trong xóm nghèo. Ở đó, chị Thuyền mái tóc ngả màu khói sương, sớm chiều tần tảo. Ở đó, hai đứa em lêu lỏng vì thiếu người dạy dỗ và ở đó có ba, một người đến cuối đời vẫn chưa tìm được hướng đi riêng cho mình. Tất cả gợi lên trong lòng Uyên nỗi giận hờn lẫn xót thương, tội nghiệp. Chúng hòa quyện vào nhau, biến thành mối dây chằng chịt bổn phận, khó rời. Uyên phải về thôi. Dù ở đó chẳng có gì cho Uyên hết. Còn gì nữa mà ở lại đây? Ngôi nhà ư? Định đã tuyên bố cho Uyên, Uyên không cần. Cái Uyên cần là tình yêu, nhưng Định đã giết chết nó rồi. Mọi thứ đối với Uyên bây giờ là vô nghĩa. Uyên vội vã thu dọn quần áo, xếp vào va li cũ, quà tặng của bạn bè nhân ngày Uyên và Định cưới nhau, Uyên không mang theo những món gì mà không phải do Uyên làm ra. Chỉ có bé Thư, Uyên chiếm lấy. Đó là gia tài duy nhất, ngoài Uyên còn có Định góp phần tạo nên. Nhìn ngôi nhà lần cuối, Uyên kéo con đi ra cửa.
 
Một chiếc xe du lịch đỗ lại trước mắt Uyên. Kiên, bạn Định đẩy cửa, nhảy xuống, nét mặt hốt hoảng, giọng nói như hụt hơi:
 
- Chị… Uyên, anh… Định bị tông xe, nặng lắm, chắc khó sống, chị theo tôi…
 
Đánh rơi chiếc va li xuống đường, Uyên chết lặng mấy giây mới kêu lên được: ”Trời ơi!”. Như cái máy. Cô kéo con leo lên xe.
 
Hiểm nghèo đã đi qua. Định thoát chết nhưng một chân bị cưa. Khi anh ngất trên vũng máu, một ít tiền, đồng hồ đeo tay, nhẫn vàng đều bị kẻ gian thừa cơ hội lấy mất. Trong túi Định chỉ còn lá đơn xin ly dị. Người ta trao nó cho Uyên. Cô đã xé đi. Xem như không có nó Dù trong Uyên vết rạn nứt chưa lành lặn và tình yêu đã chết. Nhưng Uyên cương quyết không bỏ rơi Định. Hết tình, cô sẽ sống với anh bằng nghĩa. Nghĩa vợ chồng. Bằng sự ràng buộc của bổn phận, đạo lý, của tình người và vì con. Bé Thư cần một người cha.
 
Uyên sẽ xây dựng hạnh phúc với những sắc màu như thế. Tựa như chiếc cầu vồng vắt ngang đỉnh trời sau cơn mưa. Và, Uyên bỗng thấy mình hạnh phúc.
 
 
Nguyễn Thị Mây
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com