Chị lao công vừa đẩy cái máy hút bụi trên sàn, vừa ái ngại nhìn Nhạn.
- Khuya lắm rồi, về đi em!
Phải, về đi thôi. Chuyến bay từ ViệtNam sang Seoul là chuyến bay cuối cùng trong ngày. Phi trường đã vắng người.
Thân nhân của Bình đã ra về khi anh vào phòng cách ly. Còn Nhạn, từ lúc đến sân bay, cô vẫn đứng tách riêng, giấu mình một chỗ kín đáo, lặng lẽ nhìn mọi hoạt động của Bình.
Nhạn đã thuê một chiếc taxi vào Sài Gòn để tiễn Bình. Lúc Bình đẩy xe hành lý vào sân, suýt nữa Nhạn bị lộ diện. Chiếc va-li đặt trên cái thùng giấy bỗng ngã chúi ra trước. Nhạn kêu “ui da” và nhoài người tới. Cũng may, Bình đã dừng lại và đỡ va-li lên. Nhạn cũng kịp kìm chân lại.
“Nhạn nè, đừng đi tiễn Bình nghen! Cứ tưởng tượng giây phút Bình vào trong, quay lại thấy Nhạn víu tay vào lan can, nhìn theo, Bình thương lắm. Rồi Nhạn sẽ trở về nhà một mình trong đêm khuya. Buồn, vắng lạnh. Thương lắm… Thôi! Mình chia tay ở đây, nghen Nhạn”.
Đó là buổi tối ở Đà Lạt, khi nhóm bạn ý tứ đi vượt lên phía trước, Bình đã nói vậy và siết chặt tay Nhạn, đôi bàn tay tìm nhau ấm nóng. Nhạn im lặng, coi như đồng ý.
Quả thật Nhạn rất sợ những cuộc tiễn đưa.
Tiễn đưa bao hàm nghĩa chia tay. Mà có cuộc chia tay nào không rưng rưng, vương vấn nỗi buồn? Mấy người bạn ở chung phòng Nhạn, cứ mỗi lần Tết, hè, họ lại về quê. Chỉ về quê thôi, dài nhất chừng ba tháng, vậy mà khi chiếc xe đò chuyển bánh, tàu lửa khởi hành, Nhạn đã thấy buồn.
Từ những cuộc tiễn đưa đó, mỗi lần nghe âm thanh của tiếng còi tàu, tiếng động cơ xe gầm lên, lòng Nhạn man mác cảm xúc khó tả.
Nhạn hiểu lòng Bình, hiểu Bình không muốn Nhạn buồn. Có bao giờ Bình làm cho Nhạn buồn đâu.
Ngày xưa, mỗi lần Bình từ Sài Gòn ra nhà bác, Bình và Nhạn vẫn thường chơi với nhau. Tuổi lên tám, lên mười bao nhiêu là trò chơi: tạt lon, đá kiện, nhảy dây… Bình luôn nhường nhịn Nhạn. Không hiểu sao trong đám nhóc năm bảy đứa quanh nhà bác của Bình, Nhạn được Bình chiều chuộng nhất. Có lẽ Nhạn là cô bé yếu ớt, mảnh mai, nhút nhát, cần sự che chở?
Nhạn vào Đại Học, phải rời Biên Hòa vào Sài Gòn. Nhà Bình gần ký túc xá Nhạn ở. Bình thường xuyên tới lo lắng cho Nhạn. Nhất là mấy hôm đầu Nhạn xa nhà, Bình đến thăm Nhạn hàng ngày, nhờ đó Nhạn vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Cùng tuổi mà sao Nhạn có cảm tưởng Bình lớn hơn cô nhiều. Người ta nói con trai cùng tuổi với con gái thường giống như chị em. Nhưng với Nhạn thì ngược lại.
- Cô nhỏ ơi! Về chứ. Bộ cô tính ở lại đây luôn hả?
Chú tài xế taxi từ bãi đậu xe ngoài xa, chạy vào tìm Nhạn.
- Nè! Xe đi tiễn về hết trơn hết trọi rồi, chi còn mỗi xe tui. Về đi cô nhỏ ơi.
Xe ra cổng, Nhạn ngoái đầu nhìn lại, phi trường đã yên ngủ. Chỉ còn mấy ngọn đèn vẫn thao thức với nỗi buồn chia tay. Những con đường Sài Gòn cũng đã vắng người qua lại.
Đêm Đà Lạt hôm ấy mang hương vị chia tay. Nhạn cảm nhận rất rõ cái hương vị ấy. Giữa phố chợ tấp nập, Nhạn chỉ nghĩ đến những ngày tới, những ngày Bình đi xa. Lòng Nhạn rưng rưng buồn. Ôi! Bốn năm dài đằng đẵng vời vợi, chất chứa bao nhớ nhung.
Nhạn tin Bình sẽ trở về như lời ước hẹn. Bởi Nhạn tin Bình, tin tình yêu của Bình. Hồi nào tới giờ, Bình không thất hứa với Nhạn điều gì. Bình nói: “Ngày mai Bình sẽ làm cho Nhạn con diều” là đúng ngày mai Nhạn có con diều. “Chủ Nhật tới Bình sẽ mượn cho Nhạn bộ Cuốn theo chiều gió”, y như rằng đúng hẹn. Cho nên lần này Bình hẹn: “Bốn năm nữa Bình sẽ về” , Nhạn tin chắc sẽ có ngày lên phi trường đón anh.
Bình đã mua lẵng hoa bất tử, đặt vào tay Nhạn với ánh mắt thiết tha: “Nhạn cất giữ cẩn thận, mai mốt đi đón Bình nhớ mang theo nghen”. Chị bán hoa dặn lấy keo xịt tóc xịt vào thì hoa sẽ bền màu. Nhạn đã xịt hết cả lọ keo vào lẵng hoa. Ngày đi đón Bình, Nhạn sẽ mang theo lẵng hoa đó.
Vẫn tay trong tay, Bình kéo Nhạn ghé vào uống nước bên lề đường. Ba cái hỏa lò hừng hừng than hồng, tỏa rực hơi ấm. “Cô cậu uống gì? Đậu xanh, đậu nành, đậu phộng?”. Người đàn ông luống tuổi mở nắp nồi, hơi bốc thơm lừng. Ly đậu xanh nóng hổi ngon tuyệt. Mà sao mùi lò than, mùi đậu xanh lại mang hương vị chia tay?
Họ vòng qua hồ Xuân Hương, đi bộ dọc theo bờ hồ. “Nói gì đi Nhạn”, Bình bảo.
Nhạn lắc đầu, buồn hiu. Bình dừng lại đứng trước mặt Nhạn: “Nhạn cười lên nào! Hổng chịu cười là Bình chọc lét à nghen”. Ừ, hồi nhỏ mỗi lần Nhạn khóc nhè, Bình chưa kịp chọc lét đâu, chỉ cần đưa ngón tay ngoéo ngoéo từ xa là Nhạn đã cười bò lăn lóc. Có lần Bình chọc lét vào nách con gấu bông, Nhạn cũng cười. Nhớ chuyện cũ, Nhạn mỉm cười nhưng là nụ cười buồn.
“Nhạn mỏi chân chưa? Sáng giờ leo núi, đi bộ nhiều lắm mà. À, Nhạn kể sự tích núi Lang Biang cho Bình nghe đi”. Nhạn biết Bình cố tìm cách cho Nhạn nói. Có lần Bình khen giọng Nhạn ấm và nhẹ như ru. Nhạn biết Bình yêu lắm giọng nói của mình.
Hồi sáng, cả nhóm bạn kéo vào thung lũng Tình yêu rồi leo lên ngọn đồi có vườn Địa Đàng. Tới nơi, họ mệt nhoài nằm nghỉ dưới chân tượng ông A-đam và bà Ê-va, nghe thông reo vi vu. Bình phát hiện trái cấm to quá cỡ, làm sao ông A-đam ăn nổi? Một cô bé xách thùng nước ngọt tới mời, xin kể chuyện miễn phí. Cách tiếp thị thật thú vị. Bọn con trai nhao nhao: “Cho uống nước miễn phí luôn đi em”.
Cô bé bĩu môi nguýt dài một cái rồi chỉ ngọn núi cao ngất trước mặt. Đó là núi Lang Biang. Cô bé vừa kể vừa ngâm thơ… Đó là chuyện tình giữa chàng Lang và nàng Biang, một thiên tình sử diễm lệ, chất ngất nỗi đau chia ly. Nhạn bỗng nghe vang vọng nỗi buồn trong tiếng thông vi vu.
“Mình quay lại chợ đi Bình, chắc các bạn đang trông tụi mình”.
Chợ Đà Lạt vẫn nhộn nhịp dù đêm đã khuya. Khách du lịch đi lòng vòng dạo chơi, mua quà lưu niệm. Nhóm bạn đang vây quanh một cái bàn thấp tè, có chưng mấy miếng gỗ thông khắc tên. Bình và Nhạn cũng sà xuống, một cô gái đang chăm chú cầm cái lưỡi cưa lọng thanh mảnh, nhỏ xíu lướt trên miếng gỗ thông. Hàng chữ cứ dần dần hiện ra dưới đôi tay thoăn thoắt. Rồi cô khéo léo tách dòng chữ ra khỏi khung gỗ, lấy keo dán lên màu gỗ thông được cắt xiên theo thân cây có hình ô-van.
Nhạn xuýt xoa: “Tuyệt vời quá!“. Một đứa phụ họa: “Đúng là đôi tay tài hoa của nghệ nhân”. Mười hai đứa, mười hai mẫu gỗ có những chữ nổi bay bướm, duyên dáng.
Đứa nào cũng lộ vẻ khâm phục vì cô gái ấy không hề dùng bút viết tên trước trên miếng gỗ, mà chỉ lách lưỡi cưa cắt một mạch hết chữ này đến chữ khác, liền nhau. Chữ nào chữ nấy cứ đều tăm tắp, đẹp mê hồn. “Em muốn khắc trái tim không?”, “Chữ kỷ niệm Đà Lạt hả?”, “Em thích hình cô dâu chú rể”, “Ngọn nến nhé!”… Cô gái cứ lần lượt điểm tô vào cạnh tên mỗi đứa một biểu tượng nào đó. Bình hỏi:
- Chị ơi, chị khắc hình lẵng hoa bất tử này vào được không?”
- Được chứ.
Cả bọn leo lên những bậc tâm cấp, trở lại chỗ xe đợi. Đứa nào đứa nấy lủ khủ quà. Nào hoa, đồ len, thú bông…
Sáng sớm, trong lúc cả phòng còn đang ủ mình trong những tấm chăn nệm dày cộm, ấm áp. Bên ngoài trời hãy còn mù sương. Hơi nước đọng mờ cửa kính. Nhạn đưa ngón tay tính viết tên Bình lên nhưng chợt rụt lại.
“Đừng bộc lộ tình cảm thái quá, đừng mềm yếu nghe con”. Mẹ dặn khi Nhạn xin phép đi Đà Lạt chơi với Bình và nhóm bạn. Mẹ lại an ủi: “Bốn năm trôi qua cái vèo con à. Đó, mới ngày nào, mẹ có cảm tưởng như mới đây thôi, con còn oe oe trong vòng tay mẹ, thoắt đó đã hơn hai mươi năm” .
Khuyên vậy nhưng buổi tối Bình lên máy bay, thấy Nhạn nhấp nhỏm ra vào không yên, mẹ nghĩ ngợi rồi bàn với ba, cho phép Nhạn đi Sài Gòn tiễn Bình. Dù sao cả hai gia đình đã ngầm chấp thuận tình cảm của hai đứa.
Đâu ai ngờ rằng Nhạn đã nép mình sau đám đông, lặng lẽ theo dõi Bình. Cũng không ai ngờ rằng khi gia đình Bình đã về, Nhạn vẫn đứng đó, rồi chạy lên lầu nhoài người cố tìm bóng dáng Bình bên trong. Mãi đến khi thấp thoáng cáo đàn ghi-ta Bình đeo trên lưng lướt nhẹ trên cầu thang cuốn, rồi khuất hẳn, Nhạn mới ngồi phịch xuống, thẫn thờ nhìn lên bảng báo hiệu. Dòng chữ số chuyến bay của Bình đi đã nhấp nháy đỏ. Mắt Nhạn nhòa lệ.
Chiếc taxi lướt nhanh trên xa lộ khuya khoắt. Mọi vật hai bên đường lùi nhanh ra phía sau. Giờ này Bình đang bay giữa bầu trời đêm.
“Nhạn yêu. Hôm ở phi trường, Bình cứ có cảm giác như Nhạn đang lẩn khuất đâu đó gần Bình. Cảm giác thật kỳ lạ phải không? Bình đã tới Canada an toàn. Rất nhớ Nhạn! Đừng quên cất giữ lẵng hoa bất tử, Nhạn nhé!”.
Nhạn nhanh nhẹn gõ tay lên bàn phìm, trả lời e-mail cho Bình. Cô chợt nhận ra rằng bản thân cuộc sống đã mang nặng những cuộc chia tay. Bào thai phải lìa khỏi lòng mẹ để làm người. Lớn lên, đi học xa, đi làm, cưới vợ, cưới chồng… Rồi cuối cùng, con người sẽ chia tay tất cả những gì thân yêu nhất đẻ vĩnh viễn vào cõi hư vô.
Nhạn và Bình đang ở chặng thứ hai của cuộc đời: Chia tay để lớn thêm, để sống.
Ôm lẵng hoa bất tử vào ngực, Nhạn thì thầm: “Bình ơi! Ngày Bình về, Nhạn sẽ đi đón Bình. Lẵng hoa bất tử này chắc chắn sẽ còn nguyên vẹn”.
Trương Thị Kim Chi
Nguồn: https://vietvanmoi.fr/