User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguoigiacodontrongvienduonglao
 
Nhờ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, người viết đã được nghe nhiều tâm sự của nhiều người. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có niềm vui nỗi khổ riêng mà không gia đình nào giống gia đình nào, không cá nhân nào giống cá nhân nào.
 
Niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ không có đơn vị đo lường thì người ngoài làm sao biết được nó to hay nhỏ, nó nặng hay nhẹ? Chỉ riêng những người trong cuộc mới thấu hiểu, mới cảm nhận, mới thấm thía mà thôi. Bạn đồng ý chứ?
 
Bạn đừng thấy một người luôn cười nói huyên thiên ngoài mặt mà cho rằng họ đang hạnh phúc. Nhiều khi bạn lầm đấy nhé!
 
Bạn cũng đừng thấy một người đang vật vã khóc than mà cho rằng họ đang đau khổ. Chưa chắc đúng đâu bạn ạ!
 
Nếu đúng tất cả thì người xưa đã chẳng cần phải thốt: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”.
 
Cái quan trọng trong sự vui mừng hay đau khổ đó là người trong cuộc có thể tự “control” được hay không (ngưòi viết tạm dịch là tự chế ngự, tự kềm chế) và phương cách, thái độ đối phó với những cảm xúc vui buồn đó như thế nào mà thôi. Chúng ta cần phải chấp nhận sự việc đã xảy ra, cũng cần có thái độ lạc quan và lòng vị tha để giải quyết vấn đề thì tinh thần mới an lạc được. Đúng không bạn?
 
Thứ Bảy vừa qua, trên đường đi chợ, người viết nhìn thấy một bà cụ già khập khễnh bước chầm chậm đến trạm xe buýt với chiếc ghế đẩy có bánh xe lăn cô đơn một mình thật tội nghiệp vô cùng!
 
Người viết tự hỏi không biết bà cụ già này có con cháu gì không mà phải tự một thân một mình di chuyển khó khăn như thế khi tuổi già sức yếu. Nhìn hình ảnh đó, nguời viết thấy rằng đời sống con người không thể nào thoát khỏi vòng sinh, lão, bịnh, tử. Khi còn trẻ thì sức khỏe sung mãn, trí óc sáng suốt, tinh thần minh mẫn. Khi về già thì sức khỏe suy yếu, bịnh tật đủ thứ, trí nhớ sa sút, tinh thần hỗn loạn, bi quan.
 
Đời sống và cách suy nghĩ của con người cũng thay đổi tùy theo văn hóa, môi trường xã hội mình đang sống. Có nhiều bậc cha mẹ Việt Nam sống ở hải ngoại vẫn khư khư giữ lấy quan niệm, giá trị đạo đức Khổng Mạnh là con cái phải biết vâng lời cha mẹ, phải phụng dưỡng cha mẹ già với quan niệm “Dưỡng nhi đại lão” hay “Trẻ cậy cha, già cậy con” ngày xưa, như thế mới là con có hiếu. Trong khi đó con cái lớn lên, học hành và trưởng thành nơi xứ người, hấp thụ cách giáo dục Tây phương rất thực tiển, tôn trọng đời sống cá nhân nên sự thông cảm giữa cha mẹ và con cái không thể nào đúng như lòng mong muốn của hai giới già và trẻ.
 
Người già thì bịnh tật, tinh thần yếu ớt, tình cảm cô đơn, thích được gần gũi con cháu nhưng con cái cũng có những lo lắng về gia đình, công ăn việc làm của chúng nên cũng không thể nào săn sóc cha mẹ chu đáo được nên cũng đành phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão mà thôi.
 
Nhìn một bà lão già cô đơn giữa phố chợ trong mùa Giáng Sinh tấp nập người đi, người viết chợt nhớ đến nhà văn Huy Phương đã nói lên niềm đau của những người già nơi xứ người dưới đây: “Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái. Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc. Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền Đông, bày tỏ ý kiến của cụ:
 
“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này. Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết. Con cái ở đâu? Đó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá. Vì tôi không có con gái, chỉ hai “đực rựa”: một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu. Có lúc tôi nghĩ: hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng? Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không thấy mẹ ra mở. Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết. Thật là thảm!”
 
Câu chuyện như trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu, nhưng chắc chắn là chuyện có thể tránh được. Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khoá nhà để dùng lúc cần thiết. Đem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ. Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khoẻ không? Điện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào?
 
Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con? Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con. Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy. Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng. Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ. Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home, vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng.
 
Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng. Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ. Nếu là đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ.
 
Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home. Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại.
 
Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn. Mời xem một Youtube Người Già Nơi Viện Dưỡng Lão ở Mỹ. Xin chia sẻ với quý vị một thực trạng đã và đang có của 'Vô Thường'
 
 
Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ. Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy xe lăn cho bà? Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn?”
 
(Nguồn: Trích trong Nước Mắt Chảy Xuôi- Người già Việt ở Phương Tây- Tác giả Huy Phương)
 
Cám ơn nhà văn Huy Phương đã nói lên cảm nghĩ của những người “thất thập cổ lai hy” như chúng ta. Xin được chúc phúc cho những ông bà cụ vẫn còn được sống chung với con cái và được phụng dưỡng cho đến ngày quy tiên.
 
Riêng vợ chồng người viết thì cũng đã chuẩn bị tinh thần để có thể thích ứng được với đời sống tuổi hạc của mình nơi viện dưỡng lão mai sau rồi.
 
Trong hiện tại cứ hãy vui lên mà sống, còn viết văn làm thơ được thì cứ làm thơ viết văn, còn cắt cỏ làm vườn được thì cứ làm vườn cắt cỏ coi như mình đang tập thể dục cho khỏe người, còn đi “tiếu ngạo giang hồ” được thì cứ đi ta bà thế giới cho vui, kẻo mai kia chân giò yếu đuối, bịnh hoạn liên miên không đi đâu được nữa thì hối tiếc nhé. Smile!
 
Chúng tôi vẫn thường bàn với nhau “nhà ta, ta ở” cho đến khi nào già quá không thể tự chăm sóc cho mình được thì vào viện dưỡng lão ở vì đó là giải pháp tất yếu của hầu hết chúng ta. Kẻ trước người sau rồi cũng phải vào đó hết để chờ ngày đi đoàn tụ với ông bà, chạy đâu cho khỏi. Chúng tôi cũng thường bàn nhau với bạn bè là có nên về ở chung với con cái hay không thì đa số cũng có cùng một ý kiến rất “cấp tiến” với tôi là “nhà ta, ta ở” vẫn hơn.
 
Xin mời bạn đọc cùng đọc với người viết đoạn văn như sau được người viết sưu tầm trên internet coi có đúng không nhé.
 
Nhà ta ta ở
 
“Trong đầu óc chúng tôi - những hội viên của hội lão này - cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con, của bạn bè về những vụ ở chung với con cái. Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết, mà đều là bẽ bàng, dại dột. Bố hay mẹ goá, nghe lời ngon ngọt của con - trai hay gái - bán nhà, đem tiền về gửi con, rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu.
 
Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật, khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như «công» lớn, chúng bèn nhắc nhở, khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm, chỉ đến ngày thứ ba là ươn, là thối sình lên rồi. Thế là ông bà già tức tưởi, khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng. Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì. Cụ nào cũng tắc lưỡi nói, vẫn biết đây là chuyện hàng xóm, con mình chả đến nỗi thế, nhưng nó ở nhà mình thì mình là chủ nhưng nó vẫn coi là nhà của nó, nhưng mình ở nhà nó là không được, vì nhà nó là nhà nó, không phải là nhà mình, nó là chủ mà mình là người ở nhờ” (Ngưng trích Bà Ba Phải-Ở với ai?).
 
Người viết nói vòng vo tam quốc đã đời ở trên rồi chắc bạn cũng đã suy nghĩ và đã có ý kiến “Già Rồi Tôi Ở Với Ai” rồi chứ nhỉ? Hy vọng bạn sẽ chọn lựa đúng nhé.
 
Chúng ta sẽ chào mừng Chúa Giáng Sinh ra đời đem niềm vui và hạnh phúc đến cho muôn người và Năm Mới sắp đến. Hy vọng những bậc cha mẹ đang ở nhà riêng hay đang ở viện dưỡng lão sẽ được con cháu đón về nhà xum họp gia đình vui vẻ bên nhau hay ít nhất con cháu hãy đến thăm cha mẹ già đang sống cô đơn nơi viện dưỡng lão nhé. Mong lắm thay!
 
Hy vọng những người con có cha mẹ già đang ở viện dưỡng lão đọc và suy nghĩ về cảm nghĩ của nhà văn Huy Phương dưới đây:
 
“Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Chẳng lẽ là không? Vì nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù”.
 
Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến, người viết xin chúc tất cả quý bạn có những phút vui và hạnh phúc với người thân trong buổi tiệc sum họp gia đình của quý bạn. Bạn nhé!
 
Xin mời thưởng thức một Toutube vui về Xmas với hình ảnh dễ thương, vui vẻ để chúng ta có thể sống lạc quan thêm một tí nhé vì đới vẫn còn đẹp sao. Smile!
 
We Wish You A Merry Christmas | Super Simple Songs
 
 
Merry Christmas and Happy New Year Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.
 
Sương Lam
 
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 304-ORTB 710-122415)
 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com