Hôm ấy Nam về thăm nhà ở Đà Lạt. Anh chỉ còn mẹ đang ở tại thành phố nghỉ mát thơ mộng này. Cha anh đã mất từ nhiều năm xưa. Mẹ anh giọng nghiêm trang:
- Cậu ngồi đây cho tôi nói chuyện.
Nam ngồi xuống, cùng dùng trà với mẹ. Mẹ anh nói:
- Cậu đã lớn, học hành xong rồi, phải lo việc lập gia đình, tìm người xứng đáng tử tế, ý hiệp tâm đầu mà đi tới hôn nhân. Ðừng để lớn tuổi quá mới lập gia đình, cha già con cọc. Mấy người bạn của mẹ cũng có con gái hiền ngoan, học giỏi, đảm đang, nếu muốn mẹ tìm cách cho cậu gặp gỡ một vài cô, tùy cậu hợp tính hợp tình với ai thì tiến tới hôn nhân.
Nam thưa với mẹ:
- Con mới ra trường được hơn một năm, chưa vội vàng gì mẹ ạ. Con muốn tự ý chọn người bạn đời cho con để sống chung sau này.
Mẹ anh vừa hỏi thăm dò, vừa nói với vẻ khuyên răn:
- Tôi nghe nói cậu giao du tằng tịu với một góa phụ một con, tôi không bằng lòng. Nghe nói cô này cũng chưa hẳn là goá phụ, chỉ là vợ chưa cưới của người bạn cậu, đã chết vì chiến tranh. Giao du như vậy, nhỡ người ta có bầu, cuộc đời cậu sẽ lỡ dở, nhiều phiền phức lắm. Tôi cũng không công nhận nếu cậu lấy vợ đã có một con như vậy.
Nam biết là một bạn thân của anh, được mẹ anh coi như con nuôi trong nhà, đã cho mẹ biết quan hệ của anh với Quỳnh Dung. Trong lòng anh không trách gì người bạn này, chỉ quý mến mẹ anh và tiết lộ cho mẹ anh biết. Người bạn quen đã lâu năm, làm Giáo Sư Trung Học, gia đình nho giáo, có lẽ anh bạn cũng không tán thành khi thấy cuộc tình của anh với Quỳnh Dung đằm thắm, có hướng đi tới hôn nhân.
Nam cảm thấy thương mẹ. Người mẹ nào chẳng muốn mọi sự thật tốt đẹp cho con mình, cho hạnh phúc của con mình và có lẽ còn cho cả niềm hãnh diện của mình nữa. Nhưng tình cảm của Nam với Quỳnh Dung đã thật đậm đà. Anh muốn bất chấp dư luận và nghĩ rằng sẽ vượt qua sự buồn phiền sẽ có của mẹ anh. Hai tuần sau đó, anh gặp Quỳnh Dung. Sau những phút thân ái bên nhau, anh nói với nàng:
- Anh muốn cưới em. Mình sẽ tổ chức lễ cưới gần dịp Tết này, em đồng ý không?
Quỳnh Dung cảm động. Nàng úp đầu vào ngực anh. Anh thấy nàng thực sự rung động, rồi nước mắt ướt áo anh. Nam thầm nghĩ nàng sung sướng tìm thấy lại hạnh phúc. Nhưng Nam ngạc nhiên khi nghe nàng nói:
- Anh cho Dung một thời gian rồi trả lời anh nhé.
Nam cho rằng nàng muốn hỏi ý kiến cha mẹ hay có một vài ý tưởng riêng tư. Những tuần sau đó, mỗi lần gặp gỡ, Quỳnh Dung vẫn tỏ ra yêu anh nồng nàn. Nhưng khi hỏi về quyết định lập gia đình thì nàng trì hoãn, không cho anh một ý kiến rõ rệt. Nam thấy tự ái. Anh nghĩ hai người đã yêu nhau sâu đậm như vậy, Quỳnh Dung còn cần suy nghĩ gì thêm nữa. Lần đó anh có ý giận nàng và bẵng đi ba tuần lễ, không về Sàigòn thăm nàng nữa. Nhưng Quỳnh Dung tự đến thị xã Mỹ Tho tìm anh. Trong căn nhà nhỏ nơi anh ở, nàng biểu lộ tình yêu cho anh hơn mọi lần, ân cần và đầy thương mến, đam mê. Một đêm dài bên nhau. Trời gần sáng, anh nhắc lại ý định muốn cưới nàng. Quỳnh Dung ướt mắt, tâm tình:
- Em biết anh yêu em, em cũng yêu anh vô cùng. Em đã không tiếc gì với anh. Nhưng em không thể nhận lời lấy anh vì thế nào người ngoài và dư luận sẽ làm anh khó chịu. Hôn nhân này sẽ gây buồn phiền cho mẹ anh rất nhiều. Anh sẽ không hoàn toàn hạnh phúc với em đâu. Em biết mẹ anh không tán thành chuyện chúng mình. Nhận lời lấy anh là em tham lam. Em ghi nhận và cảm ơn tình yêu của anh dành cho em. Mình đã yêu nhau đầy đủ và đẹp. Em không quá lãng mạn đâu anh, nhưng em nghĩ kỹ rồi, cuộc tình của mình sẽ giữ mãi nét đẹp khi mình không lập gia đình cùng nhau. Em gặp anh, gần bên anh lần này có lẽ là lần cuối. Em cần chọn một lối thoát cho anh, cho em, cho hai chúng mình...
Quỳnh Dung nước mắt tràn trên đôi má. Nam ôm nàng trong lòng. Vòng tay anh muốn bao kín lấy người con gái, anh muốn giữ nàng mãi mãi trong tay. Anh nói ân cần với đầy thương mến:
- Em nghĩ sai rồi. Anh không cần dư luận. Anh không cần quá khứ. Anh muốn sống cho hiện tại và tương lai. Anh muốn sống cho chúng mình. Tại sao phải nghĩ tới người khác, không nghĩ đến hạnh phúc của chính mình. Mình yêu nhau và có làm gì sai trái đâu. Chỉ khi làm gì sai trái mình mới ân hận.
Quỳnh Dung nói:
- Em tin lời anh nói. Nhưng trong thầm kín, con người khó tránh khỏi ám ảnh của quá khứ. Em nhớ một lần mình yêu nhau, anh có hỏi "Ngày xưa em có yêu anh Hưng như anh không...", và lần anh thấy bài thơ anh Hưng làm tặng em vào dịp em và anh ấy đến Cồn Dừa, em thoáng thấy vẻ buồn nơi anh. Xã hội mình thiện cảm với những hôn nhân xứng đôi vừa lứa. Em không chồng, lại có một con. Anh chưa từng lập gia đình, có nghề nghiệp, có nhiều tương lai. Mẹ anh và bà con trong gia đình anh, bạn bè anh sẽ nghĩ sao. Yêu nhau, bây giờ anh cho là chuyện gì cũng nhỏ. Sau này sống chung lâu dài, có lúc anh sẽ thấy những khó chịu trong nội tâm và do ngoại cảnh đưa tới. Em nghĩ em chỉ xứng đáng và đem hạnh phúc với một người cũng hoàn cảnh dang dở như em. Quá khứ dù hạnh phúc hay đau khổ cũng khó xóa mờ. Hơn nữa, có một vài điều thầm kín em không thể nói với anh được.
Nam nhớ mãi sáng ngày kế tiếp. Quỳnh Dung hôn anh từ biệt, rồi từ đó nàng tránh né tiếp xúc với anh. Gần Tết năm ấy, Nam được tin nàng thành hôn với một Sĩ Quan Không Quân. Ông này có một con với một cô vũ nữ, ông cũng định cưới người vũ nữ nhưng không được gia đình ông chấp nhận. Người vũ nữ sau đó làm "vợ bé" của một "ông lớn" trong chính phủ. Nam lập gia đình. Từ đó anh không liên lạc với Quỳnh Dung. Anh chẳng hề muốn khuấy động cuộc sống của người tình cũ và cũng không muốn làm buồn phiền vợ mình. Tuy không liên lạc, nhưng anh vẫn thường theo dõi cuộc sống của người cũ qua bạn bè. Đầu năm 75, vài tháng trước khi Sàigòn đổi chủ, anh được biết chồng của Quỳnh Dung đã hy sinh trong một phi vụ. Nam có viết một thiệp chia buồn với nàng và đó là lần chót anh liên lạc với người con gái đẹp nhưng gặp nhiều nghịch cảnh, nhiều đau thương trong cuộc đời.
Gặp Lại Người Xưa
Nam lái xe tới nơi sớm hơn dự liệu. Anh lấy phòng ngay tại khách sạn, nơi tổ chức cuộc hội thảo ngày mai. Khách sạn Hyatt Regency tại Quận Cam khá tiện nghi, đẹp, có những hàng cây Palms cao phía trước và dọc theo một đoạn dài bên đường phố. Anh về phòng nghỉ ngơi sau khi lái xe một lộ trình dài. Anh có địa chỉ và số điện thoại một số bạn quen gần đây nhưng không gọi và cũng không tính đi thăm như những lần cùng đi với Hằng, vợ anh. Nhớ tới Hằng, anh điện thoại báo cho nàng anh đã tới nơi an toàn, thứ bảy sẽ kết thúc cuộc hội thảo chuyên nghiệp, sáng Chủ Nhật anh sẽ lái xe về và dự định tới nhà khoảng sau buổi trưa.
Tắm mát xong, Nam thấy khỏe và thoải mái. Anh định mặc đồ nhẹ đi tản bộ rồi vào phòng ăn tại khách sạn dùng cơm tối. Nhưng anh bỏ ý định. Ði dạo một mình không mục đích, dùng cơm đơn độc cũng chẳng thú vị gì. Anh ở lại phòng, gọi một phần ăn nhẹ do khách sạn đem tới tận nơi, rồi nằm coi trên màn ảnh nhỏ một phim tình cảm cho tới khuya. Truyện phim buồn. Người con gái đẹp, chồng đi chinh chiến và mất tích. Nàng cô đơn rồi lấy một người bạn thân của chồng. Chinh chiến hết, người chồng mất tích tưởng đã qua đời, bỗng trở về. Người bạn bèn trao trả vợ mình cho người chồng cũ, anh ra đi đến một thành phố nhỏ xa xăm, để tránh cảnh éo le mỗi khi gặp gỡ người cũ và mong an bình hoàn toàn cho bạn và cũng cho người mình đã một thời yêu thương. Truyện phim bình thường, cổ điển, không mới lạ gì, nhưng vai nữ diễn xuất linh động và đối thoại hay, đôi chỗ làm Nam liên tưởng tới chuyện mình.
Hai ngày họp chuyên nghiệp qua chậm. Có lẽ vì Nam nóng lòng chờ ngày ra mắt tập tiểu thuyết mới của Quỳnh Dung. Trong những giờ họp chuyên nghiệp, anh chỉ dành một chút chú ý đến bài thuyết trình của diễn giả quan trọng nhất, còn lại hình như anh lơ là với các bài khác ngay cả với phần hỏi đáp, bàn luận đôi khi sôi nổi. Anh bỏ luôn bữa cơm trưa bế mạc vào ngày thứ Bảy. Dùng thức ăn Âu Mỹ cả hai ngày qua đã chán quen, anh lấy xe đến khu phố đông người Việt tại Quận Cam và dùng bữa trưa một mình với vài món ăn hương vị quê nhà.
Nam đến một thư viện, nơi tổ chức buổi ra mắt sách của Quỳnh Dung vài phút trước giờ ghi trong chương trình. Khách tham dự đã khá nhiều, khác với những cuộc hội họp hoặc tiệc cưới mà Nam thường đến, đa số khai mạc trễ. Anh chọn một chỗ ngồi nơi hàng ghế gần cuối phòng. Năm ba người đang sắp xếp những những tập tiểu thuyết trên một bàn dài, vài người đang chuẩn bị hệ thống âm thanh và ghế cho thính giả.
Quỳnh Dung đến cùng vài người bạn. Ở tuổi bốn mươi, nàng còn nét đẹp và thanh lịch, duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam màu cánh sen tươi sáng, với những nét thêu mỹ thuật vài hoa và lá sen nho nhỏ bằng chỉ kim tuyến nơi phía trước. Một nữ xướng ngôn viên của một đài truyền hình địa phương làm điều hợp chương trình, chào mừng và cám ơn thân hữu cùng quan khách. Một nhà văn nữ trẻ tuổi nói về tác giả Quỳnh Dung, rồi một nhà văn nam lão thành trình bày những nhận xét cá nhân về những tác phẩm của nàng và thêm những lờì đặc biệt giới thiệu về tập truyện mới. Kế tiếp, Quỳnh Dung nói chuyện với quan khách và thân hữu tham dự. Giọng nói, dáng điệu của nàng cho Nam nhiều ấn tượng, nhiều gợi nhớ về ngày xưa. Không khác thời nào đã xa, nàng vẫn thật duyên dáng trong cách nói chuyện, có nét chững chạc tự tin hơn ngày nàng ở tuổi đôi mươi. Sau những phỏng vấn ngắn của vài nhà báo, nàng về bàn để ghi chữ và ký kỷ niệm cho khách tham dự muốn có tác phẩm của nàng. Nam vì ngồi ở những hàng ghế sau, anh đứng vào gần chót cùng vài người khách khác. Anh chủ tâm như vậy để có thêm thời giờ ngắm nhìn nàng và nghe những đối thoại ngắn nàng trao đổi cùng thân hữu và những người mến mộ.
Đến khi anh tiến tới trước bàn của người yêu xưa, phía sau anh chỉ còn ba bốn người khách cũng đang chờ nàng ký tên vào tập sách. Như một phản ứng đã quen thuộc, nàng chưa nhìn anh khi cầm cuốn sách từ tay anh, biên nhanh hai chữ "Bản của..." rồi nàng mới ngước lên với nụ cười thân hữu. Nam đọc chậm để nàng viết tên mình trên một trang trong của đầu tập sách "tôi tên Lê Văn Nam". Quỳnh Dung mở sáng đôi mắt còn nét đẹp:
- Trời ơi anh Nam! Sao anh đến mà không cho em biết, bất ngờ quá!
Nàng im lặng ngẩn người nhìn anh, rồi như cố lấy lại tự nhiên, nàng nói:
- Để em đề tặng anh một ấn bản đặc biệt. Nàng đặt cuốn truyện đã biên dở dang hai chữ, lấy một ấn bản quý bìa đẹp từ phía dưới bàn, chuẩn bị viết, xong lại thôi:
- Em muốn gặp anh nói chuyện lâu, lúc đó đưa sách tặng anh sau. Anh chờ em một chút nhé. Em cũng sắp xong rồi.
Nam thấy nếu truyện trò lâu khi còn vài người phía sau anh chờ đợi không tiện, anh nói với nàng:
- Dung cứ tiện nhiên thong thả, tiếp bạn bè và độc giả ái mộ. Anh có nhiều thời giờ. Anh chờ Dung ở phía cuối phòng. Khi Dung xong mọi việc, mình sẽ hàn huyên.
Một vài đôi mắt tò mò nhìn anh. Khách tham dự còn lưu luyến ở lại nói chuyện với Quỳnh Dung khi nàng đã ký tên kỷ niệm một ấn bản chót. Nam thấy rõ nàng nóng lòng chờ đợi để từ biệt những người bạn lưu lại sau cùng, rồi nàng đến bên anh rất ân cần:
- Gặp anh em mừng quá. Qua bạn bè nói anh chị ở San Jose. Mà chị Hằng đâu, em muốn gặp chị nữa.
Một ngạc nhiên đến với Nam. Anh không ngờ nàng biết anh ở thành phố ấy. Biết anh, biết cả tên vợ anh. Biết mà không hề liên lạc. Cũng như anh. "Vẫn hằng theo dõi bước nhau đi". Anh chỉ biết nàng còn độc thân. Nhìn nàng với ánh mắt thân tình, anh nói:
- Anh họp nghề nghiệp có hai ngày, nên Hằng không đi cùng với anh. Anh muốn đi kỳ này để xem Dung ra mắt sách, gặp lại Dung và mừng Dung đã mau chóng thành công. Anh và nhiều độc giả thích đọc truyện của em.
Quỳnh Dung lộ nét vui. Nam thấy nàng vẫn đẹp, vẫn nồng hậu, vẫn quyến rũ. Nhìn nàng, anh nói:
- Anh thích màu áo dài của em. Thấy áo dài là thấy nhớ Việt Nam, nhớ Sàigòn của mình. Anh muốn hàn huyên lâu cùng Dung. Anh ở xa lại, không biết nhiều chỗ tại Orange County này. Anh đang ngụ tại Hyatt Regency cũng gần đây. Mời Dung chiều nay dùng cơm tối tại nhà hàng của khách sạn nơi anh đang ở, mình nói chuyện, có thuận tiện cho Dung không?
Quỳnh Dung nắm tay anh, nhìn anh nàng nói thân mật:
- Anh vẫn còn hay khen phụ nữ. Nhưng bây giờ em không để anh dụ ngọt như hồi mình đi Vũng Tàu hay Đà Lạt đâu.
Nàng cười nói tiếp:
- Từ thành phố xa tới, anh là khách. Em mời anh, chừng bảy giờ tối nay lại nhà em ở Irvine, mình dùng cơm tối, cho thân tình và nói chuyện lâu được.
Nam nhận lời. Quỳnh Dung cho anh địa chỉ và điện thoại nhà. Anh không biết là Quỳnh Dung vì thân anh hay vì Mỹ hóa, nàng ôm anh khi tạm biệt. Cái "hug" rất Tây phương. Mọi khi Nam vì không quen, anh hay ngại ngùng khi ôm người đồng hương khác phái tại đất Mỹ này. Nhưng với nàng thì rất khác. Hương tóc người xưa, thân thể của nàng, một thời vọng nhớ, một thời yêu đương cho anh dạt dào những tình cảm khó diễn tả trong lòng.
Biên Giới Cuộc Tình Đã Xa
Nam tìm nhà không khó. Căn nhà của Quỳnh Dung còn mới, mái ngói đỏ, một tầng, trong khu yên tĩnh. Đón anh nơi cửa, nàng tươi mát với y phục gọn và trang nhã. Chiếc áo lụa màu gạch tươi, tôn bộ ngực còn đầy nét kiêu hãnh dù nàng ở tuổi 40. Chiếc váy đen ngắn ngang gối. Đôi sandales kiểu đẹp, cao vừa phải cho nàng dáng gọn gàng, tự nhiên không kiểu cách. Trang trí trong nhà khéo, cho Nam biết nàng có cuộc sống đầy đủ. Vào cuối thu, giờ này buổi tối Cali mới hơi lạnh, nhưng nàng đã để lò sưởi trong căn phòng gia đình. Ngọn lửa reo nhẹ, gây không khí ấm cúng. Nàng mời anh dùng cơm tối tại phòng ăn. Ánh đèn để dịu, hai ngọn nến trên bàn. Nàng nói:
- Hôm nay em làm mấy món ngày xưa anh vẫn ưa.
Nàng cho dùng món ốc đặt trong hai đĩa sứ đặc biệt, làm theo kiểu Escagot bỏ lò tại mấy nhà hàng Pháp. Rồi món soupe fromage. Món thịt bò nướng lò và rau salade cresson. Tráng miệng có trái dâu như dâu Đà Lạt, dùng với cà rem. Vừa thưởng thức món tráng miệng, Quỳnh Dung vừa nói:
- Ít thời giờ, em không làm được món Ommelette Norvégienne ngày trước anh và em hay dùng tại một nhà hàng ở Sàigòn.
Anh khen nàng:
- Dung của anh vẫn giỏi như ngày xưa. Chỉ vài ba giờ đã làm xong một bữa ăn đặc sắc.
Nàng khiêm tốn:
- Cả ba món đều bỏ lò nên dễ làm anh ạ. Em chuẩn bị trước khi anh tới cho vừa đủ chín, khi dùng tới món nào em chỉ cho để thật nóng trong Oven ít phút là xong. Món salade thì em làm trước.
Khi chai rượu đỏ Cabernet đã vơi gần một nửa, Quỳnh Dung tâm sự chuyện mình:
- Lúc Sàigòn đổi chủ, chồng em lại mới qua đời, em cũng vất vả, đi dạy học cho qua ngày để sinh sống. Cháu Thịnh, con em và anh Hưng, vượt biên qua Mỹ cùng gia đình chú bác và ông bà Nội vài năm sau. Năm 86, gia đình bên nội cháu bảo lãnh em qua bên này. Em vừa làm việc, vừa học. Học xong, em nhận việc làm phụ tá quản thủ một thư viện tại đây. Em yêu thích công việc đang làm, có dịp đọc sách báo và nhiều tác phẩm mới cũ, khi rảnh thì viết lách, tài liệu thật là nhiều và tiện lợi tra cứu. Không như khi xưa, lúc học Văn Khoa tìm một quyển sách quý để đọc đôi khi rất khó. Cháu Thịnh cũng sắp học xong Đại Học tại Boston, cháu có ý muốn theo cùng nghề của anh. Lúc còn học Trung Học, cháu khi ở với Nội, khi thì đến em. Bây giờ học ở xa, mùa Hè nào cháu cũng về đây với em. Cháu mới về lại Boston, chuẩn bị cho niên học mới.
Dung rót thêm rượu vào ly của Nam. Anh hỏi nàng:
- Còn chuyện tình cảm em ra sao?
- Em vẫn ở độc thân. Có vài người có cảm tình, cả Việt cả Mỹ, ngỏ ý muốn cùng em lập cuộc đời, nơi xa quê hương này. Nhưng em quen sống độc thân rồi anh Nam ạ. Lúc nhỏ một nhà tướng số nói em cao số. Anh thấy không, chỉ là người yêu chưa cưới của anh Hưng thôi, anh Hưng đã mất. Lấy chồng phi công, chồng tử nạn. Nếu anh ngày trước lập gia đình với em, chưa biết ra sao đó. Anh có tin tướng số không, em không muốn tin mà vẫn phải tin.
Nam đáp lời nàng:
- Anh không tin tướng số qua những ông thầy nói. Nhưng anh tin rằng mỗi người có một số mệnh, một định mệnh an bài. Anh kể qua chuyện mình, chuyện gia đình, những may mắn khi có dịp di tản sớm cuối tháng Tư năm 75.
Sau bữa ăn ngon miệng và vui, cùng ôn những kỷ niệm cũ, nàng mời anh ra ngồi trên chiếc ghế sofa nơi phòng gia đình, vừa chuyện trò, vừa uống tiếp chai rượu chát. Không khí thân mật bên chiếc lò sưởi, ánh lửa bập bùng. Nàng cho thêm củi đốt. Mùi gỗ thơm, thỉnh thoảng có những tiếng lách tách của những thớ gỗ mới khi bén lửa. Nam ngồi gần bên, choàng tay qua vai nàng, cử chỉ thân mật như những ngày đã xa. Ôn lại chuyện yêu thương ngày trước, anh nhìn nàng:
- Anh nghĩ hạnh phúc nhất ở đời là tình yêu. Có tình yêu, được sống bên người mình yêu thương là một diễm phúc. Chắc em có đọc, văn hào Leon Tolstoi lúc cuối cuộc đời, còn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, ông viết một truyện ngụ ý nói tình yêu là quan trọng hơn cả, ý nghĩa hơn cả (2). Anh không biết rõ ông muốn nói tình yêu nào, tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên, tình yêu gia đình, tình bạn ... Nhưng anh nghĩ hẳn là phải có tình yêu nam nữ.
Ngừng một chút, anh hỏi nàng:
- Ngày ấy sao em không nhận lời lập gia đình cùng anh, bất chấp mọi dư luận, để mình mãi bên nhau?
Quỳnh Dung chớp mắt:
- Lúc xưa khi mình chia tay, em đã nói nhiều cùng anh rồi, anh nhớ không. Đời em dang dở, đã một con, không xứng đáng với anh và với gia đình anh. Có thể thời gian đó em còn mang nặng quan niệm của xã hội Việt Nam mình. Còn một điều nữa bây giờ em mới nói với anh. Ngày ấy, em không hiểu sao mẹ anh biết rất rõ quan hệ tình cảm của chúng mình. Mẹ anh viết cho em hai lá thư, thư chót có một câu em còn nhớ " ... tôi xin cô, cô hãy buông tha con tôi, tôi chỉ còn có Nam là con trai, anh nó đã sống như vợ chồng với một cô gái bán Bar không ra gì, có ba con rồi, coi như bỏ đi...". Em giấu anh, không cho anh biết chuyện này, sợ anh oán trách mẹ. Rồi một lần Cụ tìm gặp em, Cụ khóc. Em thấy nếu em về cùng anh, không chắc có đem hạnh phúc trọn vẹn cho anh. Em mong anh hiểu và không buồn nhiều.
Nam nhớ tới chuyện người anh, đã làm mẹ anh buồn phiền không ít. Anh ôm nàng:
- Nhưng bây giờ, kiểm xét lại em nghĩ gì về quyết định ngày xưa của mình?
- Em có chút tiếc nuối, đáng lẽ em có thể nghe theo lời anh, đáp ứng tình anh. Em nghĩ ngày ấy anh nói đúng, lẽ ra mình phải sống cho mình. Dư luận không đáng kể. Không nên sống vì người khác, không nên sống vì dư luận.
Nàng nép vào anh:
- Chỉ có một điều làm em thấy an ủi. Em cao số, lấy anh có thể bây giờ anh đã chết rồi.
Nam ôm nàng nhiều hơn, nói một cách trào phúng như phỏng theo lời ca một nhạc bản:
- Anh không chết đâu em.
Rồi anh hôn nàng. Quỳnh Dung đáp ứng. Những nụ hôn say sưa, kéo dài và ngọt như của những ngày đã xa bừng sống lại. Anh luồn tay vào trong làn áo lụa của nàng. Anh không rõ Quỳnh Dung vì ở nhà muốn thoải mái, hay hôm nay do chủ tâm, nàng không mang dây nịt nơi ngực. Làn da người yêu cũ vẫn còn mời gọi, mịn màng, cho anh nhiều rung động. Anh nhận được những chuyển động nơi cơ thể nàng. Rồi Nam đổi hướng, đưa tay di chuyển trên đôi chân thon dài trước kia đã khiêu vũ nhiều lần cùng anh trong những phòng trà. Tự Do, Queen Bee, Maxime, Baccara, Mỹ Phụng... Khung trời Sàigòn. Một thời hoa niên. Một trời kỷ niệm... Bàn tay anh thoa nhẹ trên da nàng, rồi từ tốn hướng về phía trên đầu gối, mặt trong một bên đùi Quỳnh Dung. Anh thì thầm:
- Mình vào phòng của em nhé.
Nhưng anh thật ngạc nhiên và hụt hẫng. Quỳnh Dung dùng tay nàng cản ngăn sự chinh phục của anh. Nàng chặn giữ bàn tay anh lại, ngưng hôn anh, vẫn thân ái nhìn anh vài giây rồi mới nói nhẹ nhàng:
- Anh Nam, hôm nay như vậy mình đủ trả nỗi nhớ cho nhau rồi. Yêu nhau, mình giữ nhau đừng đi quá xa, đừng làm điều đáng trách, anh và em sẽ phải ân hận về sau.
Ngưng một chút nàng mới tiếp:
- Em có lòng mến chị Hằng. Tuy không tiếp xúc với chị lần nào, nhưng lúc ở Sàigòn do bạn bè chỉ, em có thấy chị vài lần trên đường phố. Em thấy chị hiền và dễ thương. Em không muốn làm chị ấy đau khổ. Khi trước em đã không muốn làm mẹ anh buồn phiền. Bây giờ, nếu anh ngoại tình, nỗi đau của chị Hằng còn lớn hơn nhiều so với nỗi buồn của mẹ anh. Em nhớ mãi một câu anh nói khi mình chia tay "Chỉ khi mình làm gì sai trái mới ân hận". Luân lý nơi nào, hay tôn giáo nào thì ngoại tình cũng là một sai trái, cho anh và cho em, là làm khổ vợ anh và không biết chuyện gia đình anh sẽ ra thế nào sau này. Em không muốn làm tổn hại hạnh phúc gia đình anh. Mình nên ngưng ở đây anh Nam.
Nam không biết nói sao. Nàng đã biết kiềm giữ và nàng có lý. Giọng nàng thân mật mà lại như dẫn dụ, như khuyên răn, nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết định. Lời Quỳnh Dung nói bỗng nhiên làm những hứng khởi đang bồng bột của anh ngừng lại. Anh nghĩ, có thể biện bạch bằng lý lẽ thiên vị cho mình, cộng thêm những cảm tình yêu thương sẵn có giữa anh và nàng, con đường dẫn anh vào chuyện ngoại tình có thể vẫn còn lối mở, vẫn còn hướng đi. Nhưng chính Nam cũng không hiểu tại sao, anh ngồi ngay ngắn lại. Rồi anh chỉ đôi lúc cầm tay nàng, và thân mật nói chuyện thêm cho đến nửa khuya. Khi từ biệt, Quỳnh Dung tiễn anh tới cửa, nàng chợt dừng lại, nắm lấy tay anh. Anh nghĩ nàng còn lưu luyến hay đổi ý. Nhưng nàng nói:
- Em quên chưa tặng anh cuốn truyện mới in.
Nàng vào lấy một ấn bản đặc biệt, ghi tặng Nam, đề ngày và ký tên bên dưới những dòng chữ: Thân tặng anh Nam, "kỷ niệm" ngày ra mắt tập truyện này. Anh thấy nàng ghi hai chữ kỷ niệm trong ngoặc kép.
Tới cửa, anh ôm Quỳnh Dung, hôn nàng một lần nữa. Nam không dám chắc với lòng mình, đây có phải là chiếc hôn cuối cùng giữa anh và nàng không. Lần từ giã nhau ở Mỹ Tho khi trước, đã tưởng là nụ hôn chót. Lần này cũng làm anh nôn nao, xao xuyến như năm xưa. Anh nói với nàng như một hứa hẹn thật lòng:
- Khi nào Dung phát hành tập truyện thứ năm, anh sẽ lại đến tham dự ngày ra mắt sách.
Nàng nói với anh:
- Và anh nhớ mời chị cùng đi.
Nam ra xe, mở động cơ, rồi hạ thấp một bên kính. Anh khoa nhẹ tay chào Quỳnh Dung. Đêm Cali lúc đó đã hơi lạnh. Nàng trong chiếc áo mỏng vẫn đứng trước cổng nhà nhìn theo. Anh tự hỏi, tưởng tượng, nếu mình tắt máy xe, rồi quay trở lại vào nhà nàng, câu chuyện có thể đổi khác hay không, như một cảnh cuối của một phim tình cảm trên màn ảnh mà một số khán giả thường hồi hộp vào đoạn kết. Nhưng anh không làm như vậy.
Hạnh Phúc Vẫn Bình Yên
Xe lăn bánh. Nam về thẳng khách sạn dự định đọc ít trang cuốn tiểu thuyết nàng mới cho. Nhưng rồi không biết nghĩ sao, anh thu xếp nhanh hành trang của mình rồi xuống lầu dưới, trả phòng khách sạn. Anh lên xe lái đoạn đường xa, giữa đêm khuya về nhà. Đường trường, có lúc anh hướng giòng tư tưởng về người tình cũ. Dù đã một thời quen thân với Quỳnh Dung, giờ đây anh vẫn còn chưa rõ, chưa hoàn toàn hiểu nàng. Mỗi con người là một đơn vị rất đặc biệt, có ai hiểu ai trọn vẹn đâu. Ai có thể đi sâu vào cõi tâm linh của người khác, dù là người thân. Nhưng Nam vẫn suy nghĩ, vẫn phân tích. Quỳnh Dung là một cô gái mới, rất mới đối với thế hệ nàng. Tâm hồn lãng mạn phóng khoáng nhưng không sống quá buông thả. Anh gần như biết chắc chỉ có Hưng và anh là hai người tình thực sự của nàng trước khi nàng lấy chồng. Khi yêu thương, nàng thật là đằm thắm, hiến dâng trọn vẹn cho người mình yêu. Nam đoán nghĩ là nàng đã từng rất thân mật nơi bờ cát Cồn Dừa khi tắm sông cùng người yêu, bạn anh. Rồi nàng cũng đã yêu Nam rất đam mê. Nhưng sau nàng đã quyết định lập gia đình trước khi Nam lấy vợ để cho anh quên nàng đi, dễ tính chuyện đời mình, và để không làm buồn phiền cho mẹ anh. Chỉ mới vài giờ trước đây, nàng đã có đủ lý trí để tránh không đem buồn khổ cho vợ anh, ngăn giữ anh khi hai người đã đi sát tới biên giới của ngoại tình. Phân tích, Nam nghĩ rằng tuy nàng lãng mạn, phóng khoáng, đam mê, nhưng cũng nhiều lòng nhân ái và nhiều lý trí, nhiều nghị lực hơn anh, để tránh được cám dỗ. Anh thầm nghĩ về những hành động của con người. Nhiều khi giữa đúng và sai, tốt và xấu... chỉ có một gạch nối rất nhỏ, rất mỏng manh. Trong cuộc sống với nhiều nhận định, nhiều xét đoán theo lý nhị nguyên của thế gian này, giữa thành thật và giả dối, trung hậu hay phản bội, ngay thẳng hay gian trá, thiện tâm hay ác độc... nhiều khi chỉ có những bước chuyển tiếp rất ngắn, chịu nhiều ảnh hưởng của thời gian, không gian, hoàn cảnh, những cám dỗ và tâm lý cá nhân khi hành xử... Lắm khi hành động của con người ở một khoảng nào lưng chừng giữa hai đối cực của lưỡng nguyên.
Xe đã đổ đầy nhiên liệu từ ngày hôm qua. Ban đêm đường vắng, Nam lái với tốc độ khá nhanh. Hơn sáu giờ sáng Chủ nhật anh đã về tới nhà. Trời vào cuối mùa Thu nên còn chưa sáng rõ. Hằng mở cửa đón anh, giọng ngái ngủ nhưng vui mừng:
- Anh! Anh về sớm vậy?
- Tại anh muốn về ngay. Anh nhớ em.
Hằng ôm cổ anh, hôn nhẹ lên má:
- Xạo, anh nói xạo.
Nam nói với vợ:
- Em tiếp tục ngủ đi. Còn sớm, Chủ Nhật mà. Anh thay đồ rồi cũng cần đi nghỉ, anh lái xe suốt cả nửa đêm.
Hằng ngoan ngoãn nghe lời chồng trở vào phòng tiếp tục giấc ngủ. Nam tắm xong, anh đến nằm bên vợ. Anh thấy một niềm vui, thoải mái được trở về với nơi chỗ quen thuộc của mình, ấm cúng hơn chiếc giường nơi khách sạn. Hằng đang khép mắt ngủ tiếp, mặt nàng hướng về phía anh. Chiếc áo ngủ bằng satin màu hồng của Hằng hơi lệch sang một bên, lộ chiếc vai trắng và một phần phía trên ngực bên phải. Anh vẫn yêu dáng nằm này của Hằng từ ngày mới cưới nàng vào đầu mùa Xuân năm ấy. Anh quen Hằng trong dịp họp mặt sinh nhật của cô em họ. Lúc ấy Hằng đang học năm chót tại một trường nữ Trung Học tại Thủ Ðô. Tình yêu nhanh chóng đến với anh và Hằng rồi hai người thành hôn chỉ một thời gian ngắn sau lần đầu gặp gỡ. Nam ngắm nhìn vợ ngủ. Anh thấy Hằng hiền và vẫn đẹp. Nàng nhỏ hơn Quỳnh Dung hai tuổi. Anh muốn ôm vợ vào lòng nhưng rồi lại thôi, để cho nàng ngủ tiếp. Nhưng anh nghĩ sai, Hằng chỉ khép mi, chưa ngủ lại. Nàng nhẹ mở mắt hỏi Nam, giọng yêu thương:
- Anh đi họp kỳ này có vui không?
- Không vui vì không có em. "Ba ngày... không có em".
Anh trả lời nàng như vậy bằng cách nói khẽ mà như hát theo câu "Những chiều... không có em" của một nhạc bản mà Hằng ngày xưa thích nghe anh hát lúc hai người mới thân nhau. Hằng đưa tay nhéo nhẹ vào một bên má anh:
- Anh lại xạo nữa. Đàn ông các anh hay xạo lắm!
Nói xong nàng rúc đầu vào ngực chồng. Nam thân ái ôm vợ, anh thì thầm:
- Anh hơi xạo một chút thật. Gặp bạn bè phải có những chuyện vui, nhưng không có em cùng đi anh thấy không an toàn, lái xe dễ lạc đường.
Có lẽ Hằng còn ngái ngủ hay đang muốn đón nhận và tận hưởng cái hạnh phúc trong vòng tay chồng, nàng không để ý gì đến những chữ bạn bè, an toàn, lạc đường của anh. Nam ôm Hằng vào gần mình hơn...
Hai vợ chồng anh chỉ tỉnh giấc khi tiếng động cơ xe của mấy người thợ làm khu vườn nhà anh rồ máy để ra về vào lúc gần trưa. Cả anh và Hằng có lẽ vì mệt, đã ngủ quên nên không có dịp chỉ cho mấy người chuyên săn sóc vườn tược những chỗ muốn làm cho bớt rậm rạp như đã dự định. Nhưng Nam thấy một niềm vui. Hôm nay khu vườn nhà anh chưa quang đãng như ý muốn, nhưng tâm hồn anh không bị vướng bận nhiều, không ân hận nhiều. Tiếng cười đùa của đứa con trai anh, mười lăm tuổi, đang chơi cùng mấy đứa bạn tại cái sân bóng rổ trong khu vườn rộng phía sau nhà vang vọng về, nghe hồn nhiên, vui nhộn. Rồi tiếng xe hơi con gái lớn của anh đang học mới năm đầu Đại Học tại San Francisco vừa về tới, thăm nhà để ăn cơm cùng với cha mẹ ngày Chủ Nhật như thường lệ. Anh thầm cảm ơn... một người đã giúp anh dừng lại bên bờ cám dỗ để còn giữ được cái hạnh phúc vẫn bình yên của gia đình mặc dù mới ngày hôm qua anh đã trải qua những rạo rực, những lôi cuốn, những cảm xúc đam mê như của một thời nào đã xa, hơn hai mươi năm về trước.
Trần Văn Khang
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)