Rời Việt Nam khi còn là một cô bé nhưng Kim Nguyễn gìn giữ ngôn ngữ của mẹ cùng chữ viết của cha, biết quan sát để thâu vào lòng mình những bi đát của một xã hội tan vỡ. Chính những tang thương hằn ghi ấy, khiến Kim Nguyễn không bao giờ quên tiếng Việt vì là tâm tình của cả một miền Nam bị thôn tính. [Trần Vũ]
Chúng ta có câu “Năm hết, Tết đến”. Tết đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới, của một chu kỳ mới. Mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu cái Tết đã trải qua. Thông thường, chính sự lặp lại các công đoạn chuẩn bị đón Tết và những tập tục quen thuộc đi kèm… ta cảm thấy ấm áp, được nuôi dưỡng, nhất là khi ta có một gia đình ấm êm để trở về, khiến ta nhớ mãi không nguôi, nhất là những cái Tết của tuổi thơ. Nhưng cũng có những thay đổi bất ngờ, ụp đến, sẽ để lại trong ta những dấu ấn khó phai nhòa. Đó chắc chắn là “Mẹ ơi! Xuân này con không về” của người lính chiến xa nhà (1), hay của các cô gái xuân thì mòn mỏi thương nhớ người yêu nơi chiến tuyến hoặc của bà Mẹ lau dọn ảnh con trai còn rất trẻ mới vừa đền nợ nước… Quê hương Việt Nam mình đã từng chìm ngập trong khói lửa triền miên và khốc liệt nên những mùa Xuân chia ly, tang tóc đã quá quen thuộc với nhiều người, trừ thế hệ 8x trở đi. Trong bài viết này, tôi không có tham vọng kể lại mùa Xuân Mậu Thân 1968, hay mùa Xuân tràn trề hy vọng 1973 khi hiệp định Paris còn chưa ráo mực, vì lúc đó tôi còn bé quá. Tôi chỉ dám kể lại những cảm xúc, ký ức về những mùa Xuân tôi bắt đầu có ý thức và trí nhớ.
Đầu tiên là Tết năm 1975.
Tôi gần 10 tuổi, chưa biết đọc báo để hiểu tình hình chiến sự, nhưng mơ hồ cảm nhận được nỗi lo âu, phập phồng, đe dọa đó đây. Vài năm trước đó tôi quá non nớt nên chỉ biết về chiến tranh qua những chương trình “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ”: các chị lớn cùng bạn học gói ghém những gói quà nho nhỏ để gởi đến tận những tiền đồn hẻo lánh cho các anh chiến sĩ cũng được “ăn Tết”; thêu khăn tay hay nắn nót những lá thư viết trên giấy học trò bày tỏ lòng cảm kích, tri ân các anh đang xông pha ngoài tiền tuyến để bảo vệ an ninh cho đồng bào được an vui… Tất cả chỉ là kỷ niệm nhẹ nhàng, pha chút lãng mạn. Vì trong nhà toàn con gái nên Ba Mẹ tôi không phải lo âu những lần “Tổng Động Viên” như các gia đình khác. Ba tôi là Sĩ Quan của VNCH nhưng chỉ lo về tài chánh, suốt ngày trong văn phòng. Ông lại rất kín tiếng không hề kể nhiều về công việc cho vợ con nghe, nên chiến tranh với tôi lúc đó dường như chỉ có mặt trên Tivi hay báo chí. Như đã nói, tôi còn quá nhỏ để quan tâm đến những tin tức loại đó, Ba Mẹ lại càng muốn che chở không muốn chúng tôi biết nhiều về những điều căng thẳng ấy.
[Mãi sau này Ba mới kể cho tôi nghe: năm 1972 ông chuyên phụ trách trả lương cho lính. Năm đó không biết bao nhiêu lính tử trận; Có khi tối hôm trước còn thấy anh chàng lái máy bay chiến đấu thật hào hoa phong nhã tại vũ trường, hôm sau đã nghe tin “đại bàng gãy cánh”. Bổn phận của Ba là xuất ngay 3 tháng lương tiền tử cho thân nhân! Sống chết chỉ cách nhau như một cơn gió thoảng!]
Trở lại những ngày giáp Tết 75, tôi nhớ mồn một mặt trăng mang một màu sắc thật kỳ lạ: nó đỏ quạch và rất lớn khi vừa ló dạng. Bà Ngoại tôi chép miệng nói “Đây là điềm không hay rồi. Thế nào cũng binh đao khói lửa, thậm chí “nồi da xáo thịt” đây!” Bà không nói gì thêm, chỉ dặn Mẹ tôi mua trữ thêm gạo, muối, đường, nước mắm và thuốc men.
Rồi mùa Xuân đó cũng qua đi. Những gì bà Ngoại tôi với trực giác của một phụ nữ sống dưới thời Pháp thuộc, thấy tận mắt người chết như rạ vào năm Ất Dậu, bỏ của chạy lấy người, di cư vào Nam năm 54, đã đúng một phần lớn. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi nghĩ nếu ông Ngoại tôi không mất sớm và bà Ngoại tôi không đã quá già, chắc 2 người đã hối thúc Ba Mẹ tôi đi di tản hồi 30 tháng Tư. Nhưng rút cuộc gia đình tôi không đi đâu, chọn ở lại rồi hồi hộp đón chờ cơn cuồng nộ của lịch sử, đồng thời giữ chút hy vọng, tin tưởng sẽ không có cuộc “trả thù đẫm máu” như những gì bên thắng cuộc loan báo. Ba tôi về nhà lôi cây súng lục duy nhất ông nhận được từ Bộ Không Quân (và chưa bao giờ bắn một phát đạn nào ra khỏi nòng), tháo gỡ ra nhiều mảnh rồi vứt hay chôn đâu đó. Cậu ruột tôi và những Chú Bác khác cũng tương tự như thế chăng? Từ đó đến bây giờ, những người của phe Bắc Việt vẫn còn rêu rao là “Đại thắng mùa Xuân 1975”. Cho gia đình tôi và hàng triệu gia đình khác tại miền Nam Việt Nam đó lại là cái Tết-sum-họp-đầy-đủ-cuối-cùng; tháng 6 cùng năm, Ba tôi như Một Triệu quân, cán, chính khác của chế độ VNCH ra trình diện để đi “học tập cải tạo”, với niềm tin (rất ngây thơ!) sẽ học tập “từ 15 ngày đến 1 tháng”, nên chỉ chuẩn bị lương thực, thuốc men cho thời gian ngắn ngủi đó.
Trễ nhất là tháng 9 năm ấy rất nhiều người miền Nam học được chữ ngờ! Nhà nước bắt toàn dân miền Nam đổi tiền một cách dã man, coi như cướp công khai mồ hôi nước mắt, công lao dành dụm của người dân, mặc dù trước đó luôn miệng thề thốt “Không có đổi tiền, đừng nghe bọn tung tin thất thiệt chống phá cách mạng!” Nhưng người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung vẫn giữ được sự khéo léo, nhạy bén, uyển chuyển của kinh tế thị trường nên vẫn bằng cách này hay cách khác len lỏi sống qua ngày. (Hình như chữ “mánh mung” ra đời trong bối cảnh ấy?)
Người miền Nam sẵn tính đôn hậu, cả tin, mà hệ thống tuyên truyền của Cộng Sản thì quá tinh vi; sau vài tháng nhốt hết “ngụy quân”, “ngụy quyền”, nhà văn, nhà báo với cái tên hãi hùng “Biệt kích cầm bút” thì họ loan tin “Chỉ cần học tập tốt thêm vài tháng nữa là sẽ được về ăn Tết”. Vì vậy khi Tết 1976 lại về, tôi nhớ miền Nam lúc đó nhờ chưa đói khổ lắm, vì những “tàn dư của Mỹ ngụy” còn sót lại khá đủ (lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men v.v.) nên lòng người chan chứa hy vọng, phơi phới, mừng đón cái Tết đầu tiên không loạn lạc chiến tranh. Hình như Mẹ tôi vẫn nuôi giấc mơ đúng chiều 30 Tết, Ba tôi biết đâu sẽ bao vải trên vai, gõ cửa rồi bước vào nhà để hưởng mùa Xuân đoàn tụ, thanh bình… Nên Mẹ tôi vẫn cố gắng ăn Tết lớn: đầy đủ bánh chưng xanh, mai vàng chơi chới và bao lì xì đỏ thắm cho các con. Nghe tin được cho đốt pháo, Mẹ tôi lặn lội vào Chợ Lớn Mới là nơi ngày xưa Mẹ hay cất hàng, tìm mua bằng được những tràng pháo làm theo kiểu cổ truyền của người Hoa, bảo đảm nổ to và đều, với xác pháo đỏ hồng hai mặt. Ôi! Tiếng pháo nổ giòn giã, thỉnh thoảng một cây pháo đại nổ ầm, làm trẻ con giật bắn mình và reo hò, làm người lớn vui lây và lại hy vọng…
Sẵn đây, tôi xin chia sẻ với độc giả một chi tiết bên lề: tuy lúc ấy nhà nước chưa chính thức kiểm soát hàng hóa, nhưng công an cũng hạn chế việc mua bán pháo, nên họ khám xét rất nghiêm ngặt. Mẹ tôi ngồi sau xe gắn máy của một cháu trai, khi mua được pháo thì mẹ giấu trong bụng giả làm bà bầu và cháu trai độn trên lưng giả làm người gù. Đi qua nơi kiểm soát dễ dàng nên Mẹ thừa thắng xông lên, đem gửi hàng vừa mua được tại nhà người quen gần đó rồi vòng về đi buôn pháo thêm 2 chuyến như vậy nữa. Về đến nhà Mẹ kể lại, bà còn cười chảy cả nước mắt, tự trào: “Không lẽ công an không nhìn thấy anh chàng Quasimodo kỳ quái chở nàng Esmaralda bụng cao vượt mặt, lại không thắc mắc nghi ngờ.”
Năm đó Mẹ tôi còn dư pháo để bán lẻ, rủng rỉnh thêm tí tiền ăn Tết. Bọn tôi thì chiều 30 – như mọi năm – hăng hái chùi rửa sân trước nhà là lề đường cho người đi bộ. Sau khi được kỳ cọ sạch sẽ, màu vàng của gạch lộ ra thật đẹp để sáng Mùng Một phủ đầy xác pháo hồng tươi tắn, tặng cho chúng tôi một quang cảnh thật hứng khởi, giúp chúng tôi lạc quan, yêu đời… dù vắng bóng Ba. Cô bé gần 11 tuổi là tôi thiếp đi trong đêm Giao Thừa với vầng trán thơ ngây, miệng chúm chím cười, tai còn văng vẳng tiếng pháo giòn giã, mơ đến sáng ngày mai xúng xính áo đẹp nhận tiền lì-xì… Tôi đã không bị thất vọng vì ngay cả Ông đánh giày trước nhà vẫn giữ được truyền thống lì-xì mỗi chị em chúng tôi (để tỏ lòng biết ơn Ba Mẹ tôi nhường cho ông một góc sân để tìm kế sinh nhai). Các Chú Bác họ hàng cũng vậy, vẫn còn mừng tuổi chúng tôi như xưa. Hôm nay ngồi đây nhớ lại, tôi vẫn không tìm thấy một chi tiết bi đát nào lắm khi nhớ về Tết 1976.
Sang Tết 1977 bắt đầu nhiều khốn khó hơn. Tôi nhớ lần đầu tiên gia đình nhận tin được phép gởi quà cho Ba tôi lúc ấy đã bị đưa ra tận núi rừng Việt Bắc, sơn lam chướng khí. Tôi còn nhớ rõ mẩu giấy nhỏ Ba tôi chỉ ghi mỗi dòng chữ: “Gửi ngay cho Ba 3 ký ruốc”. Luật lệ nhà nước nói rõ, thân nhân chỉ được gởi đúng 3 kg mà Ba không dặn dò thuốc men, chỉ muốn 3 ký thịt chà bông! Mới 11 tuổi đầu, tôi cũng “đọc” được điều ẩn giấu giữa dòng chữ: Ba tôi phải đói khổ ghê lắm nên chỉ ao ước mỗi 3 ký ruốc thôi! Đêm hôm đó là lần đầu tiên tôi khóc khi nhớ về Ba, vì biết ra Ba mình đang bị đói khát cùng cực. Nhưng tôi không hiểu rõ tại sao, tôi chỉ lờ mờ hiểu trại cải tạo là nhà tù, là trại tập trung và tội nhân như Ba phải lao động khổ sai. Tôi thấy mình bất lực nên giữ nỗi buồn này cho riêng mình, vì mơ hồ tôi biết Mẹ và các chị lớn còn trăm mối lo toan khác: Sau các đợt “bài trừ văn hóa đồi trụy”, “đánh tư sản”, ”đổi tiền” và bây giờ là sức ép của bà tổ trưởng tổ dân phố muốn đẩy gia đình tôi đến “Vùng kinh tế mới” càng ngày càng gia tăng. Bệnh suyễn thời con gái của Mẹ tưởng đã tuyệt hẳn, giờ lại bộc phá, hoành hành, Mẹ tôi điêu đứng. Mẹ tôi vẫn ráng đi dạy để giữ được hộ khẩu tại Sài Gòn, nhưng những cơn suyễn quái ác kéo về ngày càng nhiều mà thuốc Tây ngày càng khan hiếm! Tôi bắt đầu để ý thấy các chị lớn cứ 2-3 tháng gói một miếng vàng mỏng đem đi đâu đó bán để có tiền mua ở chợ trời một ống thuốc “Hydrocortisone” là loại cực mạnh về cho Mẹ tiêm.
Có thể nói đó là cái Tết đầu tiên của tuổi thơ mà tôi không còn nao nức trông chờ. Tôi chỉ biết tìm niềm vui nơi lũ bạn cùng lớp. Khoảng thời gian đó, trên Tivi, mọi nhà được xem vở chèo Tấm Cám khá hay. Vào dịp Tất Niên, bọn tôi rủ nhau đóng lại vở tuồng đó, đóng suông chớ không hát chèo. Vào những giờ chơi hay những tiết học trống xen kẽ, tụi tôi lo tập tuồng tích. Đó là những giây phút vui đùa, hạnh phúc hiếm hoi cho các cô bé sắp lên 12 tuổi. Tôi nhớ đứa nào cũng ốm nhom, tập xong khát nước quá chừng, nhưng không có tiền để mua nước mía hay chè đậu đỏ bên hông trường nổi tiếng ngon nhất Sài Gòn. Vậy mà vẫn vui đùa, phá phách, chia nhau tìm áo tứ thân, khăn mỏ quạ, guốc mộc để trang điểm cho cô Tấm (là tôi!) lúc còn nghèo hèn, rồi rạng rỡ trong áo dài, nón quai thao để sánh vai cùng hoàng tử đeo thanh trường kiếm bằng nylon! Bạn T Thu trong lớp được giao đóng vai mẹ Cám, hôm trình diễn, các bạn hóa trang vẽ mặt cho bạn quá điêu luyện nên lúc giáp mặt trên sân khấu, khi bạn quắc mắt kêu “Con Tấm đâu ra đây ta bảo!”, tôi thật sự run sợ, lắp bắp nói không ra lời. Hai đứa diễn quá xuất thần làm cả lớp cười ầm. Kỷ niệm dễ thương đó mới đây còn được bạn bè âu yếm nhắc lại.
Tết 1978, Sài Gòn cũng như toàn thể đất nước thật sự kiệt quệ. Các chợ trời mọc lên như nấm. Ai nấy đều đổ ra đường kiếm cái ăn. Thường là mua đi bán lại nếu có vốn. Đa số làm nghề “chà đồ nhôm” là chữ nói lái của “chôm đồ nhà”, nghĩa là lấy những đồ ở nhà bán đi lấy tiền đong gạo, mua thức ăn. Tất cả đều phải vào hợp tác xã, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm, tất cả đều nằm trong tay nhà nước. Và thường thì chả có gì để mua, nhưng người dân vẫn cắn răng, nhẫn nhịn, xếp hàng cả ngày (tên gọi đùa của Xã Hội Chủ Nghĩa) để mua nửa lít dầu hôi, một (!) cái bánh xe đạp, vài ký bo bo, mấy lít gạo xấu, vài ký bột mì, mấy ký khoai lang sùng! Mẹ tôi đã nghỉ dạy vì sức khỏe kiệt quệ. Các chị lớn lần lượt “được” đánh rớt khi thi vào Đại Học vì lý lịch con “ngụy”. Ba tôi vẫn biền biệt, chưa bao giờ được gia đình đi thăm nuôi. Lớp 7, tức là Đệ Lục ngày xưa, chúng tôi học “Nghêu Sò Ốc Hến” nhưng không đứa nào còn háo hức đóng tuồng tích cho buổi Tất Niên. Sáng Mùng Hai, tôi mở cửa nhà, hụt hẫng khi thấy chợ búa khắp nơi mở lại. Người ta dường như không có khả năng vui chơi 3 ngày Tết nữa rồi. Khi cái bao tử luôn kêu réo thì không thể nào nằm nhà đánh bài cào, tứ sắc, tổ tôm, mạt chược được!
Nghỉ Tết xong đi học lại, lần đầu tiên vắng bóng 2 đứa bạn. Nhỏ bạn thân còn lại trong bộ 3 nhất quyết không hé răng nhưng hầu như đứa nào cũng biết bạn mình đã đi chui. Độ vài tuần sau tự dưng 2 bạn trở lại, nét mặt hốc hác, nghiêm nghị, ánh mắt ưu tư. Cũng không ai nói gì, hỏi gì nhiều. Dường như sau gần 3 năm, bọn học sinh chúng tôi cũng học được cách co lại, kín miệng, kín tiếng, nín thở qua sông!
Vài tuần trước Noel 1978, tôi đi bán chính thức với các chị. Không một lời từ giã, không một lần chia tay dù là với đứa bạn thân nhất, vì tuy là “bán chính thức” nhưng với giấy tờ giả làm người Hoa, tôi đâu dám kể cho bạn bè. Cũng may lúc đó hình như nhà nào cũng âm thầm tính toán tìm đường vượt biên nên không ai lạ gì với sự vắng mặt bất thường của ai đó. Nhỏ bạn thân nhất cũng hoàn toàn thông cảm và lặng lẽ cầu nguyện cho tôi đi trót lọt. Nhưng mãi sau Tết 1979 chúng tôi mới được ra đi. Những kỷ niệm về cái Tết cuối cùng trên quê hương đã được tôi kể trong bài viết trước. Đó là những cái Tết không quên trong lòng tôi. Tôi nghĩ, dù chỉ là những kỷ niệm riêng tư nhưng khi nhắc lại, có lẽ tôi cũng gợi được vài ký ức chung cho độc giả.
NTTK – Chùa Lá, 14/01/2024, hồi tưởng những ngày Tết xưa.
(1) “Xuân Này Con Không Về”, tác giả Trịnh Lâm Ngân