User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
songthao
 
Tôi ở ngay Montreal mà cũng không biết là nhạc sĩ Lê Trạch Lựu cùng ở chung thành phố với tôi. Cho tới khi đọc được bài viết về ông trên báo Thanh Niên Online ở trong nước tôi mới biết ông là đồng… tỉnh với tôi! Ông là tác giả của bản nhạc “Em Tôi” mà hầu như mọi người đều biết. Ấm ớ về nhạc như tôi mà lúc nào cũng có thể nghêu ngao em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh / mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ được. Hứng từ nàng… nhạc nào đã khiến ông sáng tác được bản nhạc bất hủ này vào năm 1953? Ông kể với ký giả H.Đ.N.: “Mùa hè năm 1946, hướng đạo sinh Hà Nội gồm nhiều “đạo” (phiên đội) cả nam lẫn nữ tập trung ở ga Hàng Cỏ để đáp tàu đi dự trại hè tại biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tôi bỗng để ý thấy trong đoàn có một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã và đặc biệt có đôi mắt tuyệt đẹp. Nếu bảo rằng có “tiếng sét ái tình” thì quả thật tôi đã bị “đánh một quả” đến choáng váng. Đến nơi, đoàn tôi gặp may là được ở trong những biệt thự nhìn ra bờ biển của khu nghỉ mát do người Pháp vừa rút khỏi. Phía sau ngôi nhà bọn tôi ở có một giếng nước và không hiểu vô tình hay cố ý mà trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy ra giếng giặt áo. Lúc nào tôi cũng ngồi bên cửa sổ ngắm cô ấy. Thỉnh thoảng cô ấy ngước mắt nhìn về phía tôi, mỉm cười khiến tôi xuyến xao quá đỗi... Trở về Hà Nội, gần như ngay lập tức tôi đi tìm nhà cô ấy. Hóa ra chúng tôi ở khá gần nhau. Và ơn trời, tôi phát giác ra: thằng Mỹ - đứa “đệ tử” vẫn đi theo tôi bấy lâu nay lại chính là em ruột của nàng. Qua Mỹ, tôi biết nàng tên là Phượng. Từ đó, mỗi chiều, tôi thường xuất hiện trước cổng nhà nàng với một lý do rất ư chính đáng: rủ chú Mỹ đi chơi. Và như hiểu được tình cảm của tôi, những buổi chiều nàng cũng thường ra hiên nhà hóng mát hoặc rũ tóc bên thềm. Tôi nảy ra ý định viết thư cho Phượng, nhưng nghĩ đến tình huống nàng cầm bức thư và... xé tan tành, hoặc quẳng xuống đất thì có mà... độn thổ! Cách đơn giản nhất là nhờ chú Mỹ làm “giao liên”. Vậy là suốt 70 ngày, mỗi ngày một bức thư được Mỹ chuyển đến cô chị, nhưng tuyệt nhiên chẳng có hồi âm. Tôi nghi Mỹ “giếm” những bức thư đi, nó thề “bán sống, bán chết” đã chuyển rồi, còn tại sao không có thư trả lời thì “anh đi mà hỏi chị Phượng”. Tôi đau khổ, hoang mang… Cho đến một chiều trước ngày Toàn quốc kháng chiến một tuần, Mỹ háo hức tìm tôi với bức thư hồi âm đầu tiên của nàng. Tôi run run mở bức thư có những con chữ tròn tròn, đều đều. Trong thư Phượng nói là cũng đã “để ý” tôi từ hôm gặp đầu tiên. Sở dĩ nàng không hồi âm là muốn thử xem tôi có phải là người đứng đắn không. Sau đó gia đình nàng tản cư về Hà Đông. Hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội đến thăm nàng. Ngạc nhiên trước “nhiệt tình” của tôi, bố mẹ nàng đã cho phép tôi đi chơi suốt một buổi dọc bờ sông Nhuệ (dưới sự giám sát của... Mỹ!). Đó là một lần bên nhau duy nhất, một ngày hạnh phúc ngập tràn. Chỉ một điều khiến tôi ân hận đến mãi bây giờ là đã không dám cầm tay Phượng, dù chỉ một lần”.
 
Cái tay ở gần kề mà không biết cầm khiến nhạc sĩ Lê Trạch Lựu mất luôn… vợ! Bởi vì sau đó chiến tranh bùng nổ nên đôi người đôi ngả. Ba năm sau, năm 1951, ông đi Pháp và từ ngày đó tới nay chưa hề trở về Việt Nam. Tình vào cuối thập niên 1949 chay tịnh như vậy. Có cái tay mà cũng không dám rớ tới. Qua thập niên 1950, tình hình mặt trận yêu đương đã sáng sủa hơn nhiều. Nhà thơ Trần Dạ Từ, khi yêu, đã biết mi người tình, tuy cái mi còn như… hết hồn. Lần đầu ta ghé môi hôn / Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Từ thập niên 1960, tình yêu đã luồn lọt đến mọi khe hở. Nếu nhạc sĩ Lê Trạch Lựu yêu trong thập niên này thì tình hình chắc đã khác. Nhưng nếu “em tôi” trở thành “madame Lê Trạch Lựu” thì thiệt hại vô số, giới thưởng thức nhạc chắc sẽ chẳng có “Em Tôi”. Tình dang dở mới là nguồn hứng để các văn thi nhạc sĩ sáng tác. Nếu vẹn câu thề rồi thì chỉ lo sản xuất các công dân cho tổ quốc, thơ thẩn nhạc nhiếc gì nữa.
 
Chuyện tình của các ông thi sĩ nhạc sĩ ngày xưa cứ lửng lơ con cá vàng như vậy cả. Có hai chàng nhạc sĩ xứ Quảng là Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca, cùng thầm yêu một cô gái tên Hồ Thị Thu. Khoảng thập niên 60, Thu khoảng mười tám đôi mươi, nữ sinh trường Trung Học Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam. Nàng có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng. Hai chàng nhạc sĩ  lúc đó đều là học trò chân đất, bạn thân với nhau. Có lẽ họ cùng ấp úng như nhau. Nàng Thu đi lấy chồng sớm. Chồng của nàng là trai thời loạn, một Trung Úy Pháo binh tên Trần Đình Ái. Kể về cuộc tình này, anh Hồ Luân, anh rể của cô Thu và là bạn của cả Vũ Đức Sao Biển lẫn Đynh Trầm Ca cười hô hố: “Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị tên Liên. Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như mất hồn! Còn con Thu có tình cảm chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà…hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó!”.
 
Người trong cuộc chính cống là nàng Thu. Hỏi thì nàng kể rất vui: “Dạo đó tôi với anh Đynh Trầm Ca cũng có tình cảm nhưng chỉ là tình cảm tuổi mới lớn. Hồi quen anh ấy tôi mới học lớp Đệ Lục trường Trung Học Tiểu La, nhưng rồi không duyên nợ. Tôi lấy chồng năm 1966, chồng tôi người gốc Hà Nội”. Tới đây thì tôi muốn giấu một nụ cười. Không giấu thì tên Hà Nội là tôi chắc sẽ khốn với các ông bạn gốc Quảng như các ông Luân Hoán, Phan Xuân Sinh, Lưu Nguyễn tài hoa rất mực. Dù sao, mối tình ấm ớ của hai chàng nhạc sĩ Quảng với một người đẹp cũng cho giới thưởng ngoạn lời được hai bản nhạc rất nổi tiếng: “Thu, Hát Cho Người” của Vũ Đức Sao Biển và “Ru Con Tình Cũ” của Đynh Trầm Ca. Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt / Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa / Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ / Về đồi sim ta nhớ người vô bờ. Đó là tâm sự của ông Vũ Đức Sao Biển. Còn ông Đynh Trầm Ca thở than: Ba năm qua em trở thành thiếu phụ / Ngồi ru con như ru tình buồn / Xin một đời thôi tiếc thương nhau / Xin một đời ngủ yên dĩ vãng.
 
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, nửa đời nửa tu, nhưng cửa Phật rộng mở cho những bóng hồng bước vào. Dù chỉ là những chiếc bóng thoáng qua trước cửa chứ chưa vào tâm hồn ông. Bài thơ “Vết Chim Bay” ông làm năm 24 tuổi được gợi hứng từ một cô nữ sinh thường vào sân chùa để học bài. Nàng đẹp thánh thiện như ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhà tu họ Phạm tới làm quen. Mới được một tuần, tình chưa bén, bóng nàng đã khuất. Nhà tu si tình ngồi ở sân chùa đợi mong bóng dáng nho nhỏ của người đẹp trở lại. Nhưng bóng chim tăm cá khuất nẻo. Nàng chẳng bao giờ về lại chốn cũ. Mười năm sau, khi trở lại chùa xưa, leo lên gác chuông, nét phấn trắng ghi tên hai người vẫn chưa phai, lòng bâng khuâng chuyện cũ, chàng đề thơ.
 
Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in…
Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm.
 
Nhưng nàng thơ nổi tiếng nhất của nhà thi sĩ cửa chùa này là Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị Ngọ”. Tình yêu kiểu nhà tu là tình yêu chỉ phớt qua da. Phớt qua mà cũng… hứng ra gì. Chẳng gì cái tên Ngọ rất tầm thường đã được nâng lên thành thơ, rất thơ. Đó là cô bạn cùng lớp lại là hàng xóm của nhà thơ, người gốc Hải Dương. Hai lần gần gũi như vậy tưởng mối tình dễ bộc lộ. Nhưng không, Phạm Thiên Thư còn tệ hơn Lê Trạch Lựu. Yêu ở trong lòng nhưng mồm miệng bị đóng khằn không mở ra được. Yêu trong thập kỷ 1970 mà cái miệng còn vướng víu như vậy thì chán thật. Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, nàng đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật với mái tóc dài xõa trên bờ vai mỏng. Chàng thi sĩ của chúng ta chỉ biết nhìn trộm. Khi tan trường, Hoàng Thị Ngọ một mình lẽo đẽo trên đường, nhà thơ lại chỉ lẽo đẽo theo sau. Tệ! Vậy mà còn kể: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”. Tôi chán ông này quá. Nhưng cứ tình câm như vậy văn học lại có được một bài thơ hay.
 
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Con chim giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
 
Cứ theo suông như vậy thì em có đi lấy chồng là chuyện dĩ nhiên. Em đi theo người, anh ôm mối tình si. Tình nở thành thơ. Thơ cũng như rượu, để lâu mới ngấm. Mười năm sau (lại mười năm, ông nhà thơ này coi bộ khoái con số mười của thời gian!), trở lại đường xưa, thơ mới da diết.
 
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Đời như biển động
Xóa dấu ngày qua
 
Được Phạm Duy phổ nhạc, Hoàng Thị Ngọ trở nên quen thuộc với cả nước. Theo nhà thơ thì nhan đề của bài thơ khác bản nhạc. Không phải “Ngày Xưa Hoàng Thị” mà là “Ngày Xưa Hoàng Thị Ngọ”. Không hiểu sao khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy lại cắt bớt đi như vậy. Phải công nhận là cái tên Hoàng Thị Ngọ bay cao đến như vậy là nhờ nhạc sĩ Phạm Duy. Có thể nói là Phạm Thiên Thư tạo ra Hoàng Thị Ngọ nhưng Phạm Duy tô son trát phấn cho nàng. Chỉ một bóng hồng nhưng gợi ra được hai cái hứng cho hai nghệ sĩ, bên thơ bên nhạc.
Phạm Thiên Thư ỡm ờ trong tình yêu. Phạm Duy chắt hết tình yêu. Ông chắt hơi kỹ với vụ mà báo chí thời cuối thập niên 1950 gọi là vụ “ăn chè Nhà Bè”. Chuyện không tốt đẹp đã trở thành chuyện thương tâm cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ngày nay hai nạn nhân của vụ ăn chè này, hai chị em Phạm Thái Hằng và Phạm Đình Chương, đã ra người thiên cổ. Hầu như chúng ta đều biết chuyện lùm xùm này nên chẳng cần nhắc lại, chỉ xin trích một câu trong cuốn Hồi Ký III của  Phạm Duy: ”Dù chưa đến độ lúc nào cũng đấm ngực thùm thụp để nhận cái tội gốc của những người mang số kiếp nòi tình, tôi luôn luôn buồn rầu khi phải nhắc lại mối tình cấm (amour défendu) mà tôi cả gan đi vào khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi chỉ buồn vì đã làm buồn lòng người vợ, người em. Buồn vì biết rằng những đổ vỡ này sẽ không bao giờ có thể hàn gắn được”.
 
Hậu quả của vụ này là cuộc ly dị giữa Khánh Ngọc và Phạm Đình Chương. Một bài báo của Sông Lô trên trang mạng DCVOnline mới đây đã ghi lại: “Nghe nói, sau khi ly dị, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phải chịu cảnh gà trống nuôi con, ông cố gắng hát và sáng tác trở lại. Một đêm trên một sân khấu đại nhạc hội, ông gặp lại người cũ của mình và ông đã bị từ chối khi ngỏ ý muốn đưa nàng về nhà vì trời đang mưa. Quá đắng cay, ông lặng lẽ về căn nhà với chập chùng kỷ niệm, nhìn mưa rơi mà lòng tan nát, tủi thương cho thân phận, ý định tìm chết bỗng chớm trong ông, nhưng tiếng khóc của trẻ thơ đã làm ông bừng tỉnh mà níu ông lại! Nhạc phẩm “Nửa Hồn Thương Đau” theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền được ông sáng tác cũng vào cái đêm mưa hôm đó”.
 
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
 
Tâm sự của Phạm Đình Chương nhưng  thơ của Thanh Tâm Tuyền. Hai người là bạn thân. Họ có cùng chung một hứng cảm chăng? Nghệ sĩ là những người có con tim mẫn cảm. Họ sống được trong tim nhau. Và họ trải được lòng mình cho những người thưởng ngoạn.
 
Phạm Đình Chương cùng quê Sơn Tây với nhà thơ Quang Dũng. Có lẽ cùng sinh trưởng nơi miền Bất Bạt nên họ đi vào lòng nhau. Mối tình của Quang Dũng với nàng thơ Akimi Nhật được ông cho vào bài thơ “Mắt Người Sơn Tây” được Phạm Đình Chương hứng thú thắp cao bằng nhạc. Chắc con tim của người Sơn Tây có chung nhịp đập! Nàng thơ tên Nhật, còn gọi là Akimi, là một thiếu nữ nhan sắc mà Quang Dũng ca ngợi bằng bốn câu thơ.
 
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên
 
Bốn câu gợi hứng từ vẻ đẹp thần kỳ của cô hàng nước ngỡ là con dân xứ Phú Tang này đã được Quang Dũng tự tay dán lên vách quán. Lúc đó Quang Dũng là Đại Đội Trưởng Trung Đoàn Tây Tiến đóng ở Hòa Bình. Mỗi lần nghỉ phép về thăm gia đình ở Phùng, nhà thơ thường tạt qua chợ Đại thăm người tình cũ tại quán cà phê của nàng. Cảm hứng từ cô gái có cái tên Nhật Akimi đã cho chúng ta hai bài thơ “Mắt Người Sơn Tây”  và “Đôi Bờ” bất hủ. Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm / Em đã bao ngày em nhớ thương. Khi phổ nhạc, Phạm Đình Chương đã ghép hai bài thành một “Đôi Mắt Người Sơn Tây”.
 
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
 
Nói về hứng khởi của người viết là nói chuyện vô cùng. Có thể đó là một bóng dáng chưa dám cầm tay của Lê Trạch Lựu, có thể là hai mối tình một chiều ấm ớ của Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca, có thể là mối tình câm của Phạm Thiên Thư, cũng có thể đó là nỗi đau một đời của Phạm Đình Chương hay có thể là mối tình chia ly của Quang Dũng. Hứng còn có thể là một ánh mắt vu vơ, một bóng dáng nhạt nhòa, một cái vấp nhẹ của con tim hay một mối tình vô vọng. Đối với người sáng tác, cuộc đời ở mỗi mảnh, mỗi chốn, mỗi giây phút đều là những phút thần diệu của hứng khởi. Đúng lúc đụng vào con tim là… tóe ra thơ ra nhạc ra tranh ra văn.
 
Đêm qua, nghe văng vẳng mấy câu nhạc của những người Sơn Tây, tôi, một người Sơn Tây bất đắc dĩ, bỗng nổi hứng viết bài này. Phải nói cho rõ tại sao tôi lại là người Sơn Tây…dỏm. Nguyên ông bà cụ thân sinh ra tôi là người Hà Nội. Nhà cửa, gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội. Ông cụ tôi bị đổi lên làm việc ở Sơn Tây và bà cụ sanh tôi tại đây. Sanh tại Sơn Tây nhưng ông bà lại về nơi chôn nhau cắt rốn khai sanh cho tôi ở Hà Nội, đâu chừng mấy tháng sau đó. Việc di dời nơi sanh đã khiến tôi bị thiệt thòi: chẳng biết ngày tháng sanh chính xác để nhờ ông Võ Kỳ Điền bấm cho lá số tử vi! Nhưng chẳng cần tử vi tôi cũng biết số tôi là số con…dã tràng. Cứ miệt mài những chuyện không đâu! Thôi thì lại miệt mài vậy.
 
Chuyện hứng tới đây có thể chấm dứt được nhưng tôi lại muốn thòng thêm tí đuôi. Người Sơn Tây Quang Dũng, khi… đôi bờ với nàng thơ Akimi, ông đã hỏi: Em đi áo mỏng buông hờn tủi / Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? Akimi đã đi rất xa. Năm 1954, nàng di cư vào Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do. Năm 1975, theo vận nước, nàng di tản qua Mỹ và hiện sống tại đây.
 
Tí đuôi nữa mà tôi muốn thêm là chuyện tình của người cùng ở thành phố Montreal với tôi, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu. Bài hát “Em Tôi” được ông sáng tác tại Pháp vào năm 1953 trong một lúc nhớ về người yêu cũ và gửi về cho nhà xuất bản Tinh Hoa ở Sài Gòn. Và bản nhạc trở thành một hiện tượng. Qua bạn bè còn ở Việt Nam, ông liên lạc được với cậu Mỹ, em của người đẹp Phượng. Nhạc sĩ họ Lê kể tiếp: “Cậu ấy thư cho tôi ‘chị Phượng đợi anh suốt mấy năm mà anh vẫn bặt tin. Tưởng anh đã chết, chị để tang anh ba năm (nhiều người đi hỏi, chị vẫn lắc đầu). Nhưng… hôm qua là ngày cưới của chị ấy, ba mẹ thúc giục mà chị ấy đã 26 tuổi rồi’. Muốn cho nàng yên phận với chồng con, từ đó tôi không còn liên lạc gì với quê nhà”. Cuối năm 2009, nhờ một người bạn cũ, ông biết được số điện thoại của Phượng ở Hà Nội. Ông vội gọi về. Đầu dây bên kia, từ Hà Nội, bà Phượng trả lời. Lê Trạch Lựu kể lại. “Tôi xưng tên, cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại ba lần: anh Lê Trạch Lựu hả? như không tin là có thật. Khi tôi xác nhận là tôi, cô ấy òa ra khóc… Sau những ân cần hỏi han, Phượng kể: Anh ấy đeo đẳng Phượng trong bốn năm trời. Phượng nói Phượng đã có người, anh ấy cứ đeo đẳng. Phượng kể thật với anh ấy chuyện Phượng và anh, anh ấy chịu là trong lòng Phượng có một người…Rồi tôi hỏi:”Phượng còn giữ những bức thư không?” Tôi muốn tìm hiểu lúc 16 tuổi tôi viết văn ra sao, chắc lủng củng lắm! Phượng bảo: “Em để vào một chiếc hộp chung với tập ảnh chụp hồi đó. Nó theo em đi tất cả mọi nơi, nhưng chồng em thấy em lúc nào cũng buồn, nói với em nên giấu nó vào một chỗ, lúc nào vui hãy mở ra. Thế là ông ấy bỏ vào đâu không rõ. Mấy năm sau ông ấy mất, tìm cái hộp khắp nơi mà không ra! Em nhớ anh viết dài… dài lắm. Hôm nọ muốn tìm cái hình anh ngày đó mà chẳng thấy. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may mà con cháu bữa đó không có ở nhà…”.
 
Thêm một tí đuôi nữa: hiện nhạc sĩ Lê Trạch Lựu sống với vợ là bà Danica, một phụ nữ Pháp gốc Ba Lan. Họ vẫn còn hít thở cùng một thứ không khí với tôi ở Montreal!
 
07/2011
Song Thao
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com