User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
pexels lebele 15862253
Hình: Pixabay
 
Khi cánh hoa cuối cùng buông mình theo làn gió, người ta không chỉ nhìn thấy sự chia lìa của màu sắc và hương thơm, mà còn cảm nhận vẻ đẹp vĩnh cửu của sự mong manh. Cuộc đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao tựa như một bài thơ vừa khép lại trong tiếng thở dài của thời gian. Nhưng ở đó, giữa từng câu chữ, từng nỗi đau, từng khoảnh khắc rực rỡ và từng giọt nước mắt, người ta nhận ra rằng cái chết không bao giờ là một sự kết thúc. Nó chỉ là một giai đoạn của sự sống, một cách để người nghệ sĩ viết nên hồi cuối cùng trong quyển tiểu thuyết của riêng mình.
 
Sự ra đi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao gợi lên tinh thần sâu lắng của mỹ học về cái chết trong văn hóa Nhật Bản* – nơi người ta không nhìn sự sống và chết như hai thái cực đối nghịch, mà như những dòng chảy hòa quyện trong một chu kỳ vô tận. Cái đẹp được tôn vinh trong sự tạm bợ, trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi biến hoại, tựa cánh hoa anh đào rơi xuống đất để nhường chỗ cho mùa mới. Sự tan biến ấy, tưởng chừng là kết thúc, lại mở ra một chân trời mới của sự bất tử trong ký ức và cảm xúc của người ở lại. Bằng cách chọn đối diện với cái chết một cách thanh thản và chủ động, bà đã khép lại một vòng đời trọn vẹn, tựa cánh hoa đào cuối cùng rơi xuống trong tiết xuân, đẹp nhất, lặng lẽ nhất, nhưng để lại một ấn tượng không phai trong lòng người.
 
Sinh ra trong một thời kỳ đầy biến động, nữ văn sĩ Quỳnh Dao lớn lên giữa những thay đổi không ngừng của đất nước, gia đình và tâm hồn. Tuổi thơ bà như chiếc thuyền nhỏ giữa dòng nước lớn, đôi lúc dập dềnh bất định, nhưng lại tìm được bến đỗ trong những vần thơ và câu chữ. Từ nhỏ, bà đã chìm đắm trong văn thơ cổ điển Trung Hoa, những triết lý nhân sinh gói gọn nơi từng dòng chữ thánh hiền. Tâm hồn bà như một dòng sông nhỏ âm thầm chảy giữa những biến động lớn lao, sớm thấm đẫm vẻ đẹp của văn thơ cổ điển, nơi từng dòng chữ là ngôn từ, cũng là nhịp đập của thời gian, là tiếng vọng nhân sinh, dẫn lối để bà bước vào thế giới của những cảm xúc nguyên sơ và sâu lắng nhất bởi sự hòa quyện giữa hiện thực nghiệt ngã và cái đẹp siêu thoát của nghệ thuật. Với bà, văn chương không phải là những khuôn mẫu hay kỹ thuật, mà là tiếng lòng chạm đến mọi ngóc ngách của cảm xúc con người. Những nhân vật trong tiểu thuyết Quỳnh Dao yêu và đau, hy sinh và tàn lụi, như thể mỗi câu chuyện là một phần của đời sống thực.
 
Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, khi nhiều gia đình Việt rời xa quê nhà, đặt chân lên một vùng đất mới với tất cả sự lạ lẫm và chông chênh, không gì có thể diễn tả nỗi buồn hôi hổi ấy. Tha hương, như một cơn gió lạnh thổi suốt đêm trường, không để lại gì ngoài cảm giác lạc lõng và khát khao về một ngày trở về xa xôi, tưởng chừng không bao giờ thành hiện thực. Nhưng trong những ngày tháng ấy, văn chương của Quỳnh Dao tựa một nguồn an ủi. Những cuốn sách in lại, những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm của bà, đã mang đến cho gia đình Việt những giờ phút nguôi quên nỗi chạnh lòng.
 
Đã có một thời nơi đất khách như thế, nhiều gia đình Việt hải ngoại chìm vào những thước phim chuyển thể từ văn của Quỳnh Dao. Dẫu đó là những câu chuyện đầy nước mắt, nhưng lại mang đến một nỗi buồn dịu dàng, khác hẳn nỗi buồn thăm thẳm của đời lưu vong. Nỗi buồn trong văn Quỳnh Dao dẫu nặng trĩu, lại có một sự dễ chịu, bởi nó như một người bạn đồng hành cùng chúng ta trong những tháng ngày buốt giá. Nỗi buồn ấy không gợi lên sự tuyệt vọng, mà khơi dậy một cảm giác đồng cảm sâu sắc –ngay cả trong mất mát, thương đau, cũng có một vẻ đẹp để chúng ta trân trọng. Nỗi buồn ấy, như cánh hoa vừa chạm mặt đất, nhắc nhở rằng tất cả những điều quý giá nhất đều mong manh và ngắn ngủi, chính vì thế mà tạo nên vẻ đẹp.
 
Người ta thường gọi bà là “nữ hoàng tiểu thuyết diễm tình”, nhưng Quỳnh Dao chưa bao giờ chỉ dừng lại ở tình yêu. Đàng sau những câu chuyện tình đầy nước mắt là sự soi chiếu của một tâm hồn sâu sắc, luôn trăn trở về ý nghĩa của hạnh phúc, sự sống và cái chết. Bà không né tránh sự khắc nghiệt của đời người, mà đối diện với nó bằng tất cả lòng can cảm và sự thấu hiểu. Những mối tình trong tác phẩm của bà dù đẫm nước mắt, nhưng không phải để gợi sự tuyệt vọng, mà để nhắc nhớ người ta rằng trong mọi mất mát, luôn có một tia sáng của hy vọng.
 
Bấy giờ, có lẽ chính sự thấu hiểu sâu sắc về nỗi đau và cái đẹp của sự tạm bợ, đã khiến bà lựa chọn cách đối mặt với cái chết hôm nay. Trong cuộc hành trình cuối cùng, bà không tìm kiếm sự níu kéo hay chống chọi vô vọng, mà lựa chọn ra đi với sự thanh thản và chủ động. Đó không phải là sự thất bại, trốn chạy, mà là một lời tuyên ngôn của tự do. Một lần nữa, bà dạy chúng ta rằng cuộc đời dù ngắn ngủi hay dài lâu, chỉ thật sự ý nghĩa khi ta sống trọn vẹn từng giây phút, và khi ta dám chọn cách khép lại câu chuyện của riêng mình.
 
sachvanen
 
Sự ra đi của Quỳnh Dao, theo một cách nào đó, giống như sự rụng xuống của cánh hoa đào trong triết lý Nhật Bản về cái đẹp của sự tạm bợ. Nó không mang lại cảm giác trống rỗng, mà lại gợi lên một cảm giác vĩnh cửu. Văn chương của bà, giống như hương hoa, sẽ tiếp tục lan tỏa trong ký ức của độc giả, như một lời nhắc nhở về tình yêu và nỗi đau không đơn thuần chỉ là cảm xúc, mà là những khoảnh khắc tạo nên con người chúng ta.
 
Trong một thế giới ngày càng vội vã, những câu chuyện của Quỳnh Dao vẫn hiện hữu như một ốc đảo bình yên, nơi chúng ta có thể dừng lại, hít thở và cảm nhận. Bà dạy chúng ta rằng mọi mất mát, mọi bi kịch, đều có thể biến thành cái đẹp nếu ta biết cách yêu thương và thấu hiểu. Bằng cách kể những câu chuyện tưởng chừng như đầy đau khổ, nhưng chính ra lại gieo mầm cho sự sống, cho hy vọng và cho niềm tin vào giá trị của từng khoảnh khắc hiện tại.
 
Hôm nay, nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã khép lại hành trình của mình, nhưng dấu ấn bà để lại vẫn như ánh trăng trong đêm, lặng thầm chiếu rọi và sống mãi trong tâm hồn những ai từng chạm đến thế giới đầy cảm xúc và triết lý nhân sinh của bà. Ở đó không còn là những câu chuyện nằm trên những trang sách, mà là những bài học về cách sống, cách yêu cũng như cách đối diện với cái chết.
 
Bấy giờ, tựa một cánh hoa rơi, bà đã để lại một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người. Như hương hoa cõi tạm, nhẹ nhàng nhưng dài lâu.
 
Huệ Đan 
_____________________
* Xem “Mỹ học về sự chết” & “Hoa Anh Ðào Trong Tâm Thức Người Nhật Bản” trong tác phẩm Bông Hồng Cho Ngày Tháng Không Tên, tiểu luận và dịch thuật văn học Nhật Bản của Hoàng Long, Lotus xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014.
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com