Lịch sử như cuồng phong thổi tạt người ta ra tứ tán như mớ lá thu cuối mùa. Chiếc nằm héo hắt, thoi thóp góc tối. Chiếc vật vờ cuối bãi đầu ghềnh. Năm mười năm. Vài ba mươi năm. Rồi đây, nửa thế kỷ! Mà thôi, sá chi thời gian. Một ngày cũng là xa khi tuổi tác không biết chờ biết đợi. Khi kẻ đi, người ở lại đoạn đành.
Bốn con trai, năm con gái sanh ra từ một gia đình không giàu không nghèo, ở một tỉnh nhỏ ven bờ sông Cái, tách ra từ sông lớn Tiền giang, chảy miệt mài qua bao nhiêu ruộng đồng, vườn tược xanh mướt bốn mùa. Ghé lại, sông tách ra thành những con kinh nhỏ tươm đầy nước ngọt vây quanh thị trấn, vốn đã có tên từ thuở vương triều Nguyễn còn tại vị. Gia đình đông con, người cha người mẹ nuôi con không bằng cao lương mỹ vị, chỉ ngày hai bữa cơm no mà cốt nuôi bằng đức tính khiêm cung, trọng đức. Nhất là tinh thần nhân văn vốn đã là bản chất của cả một dân tộc, dẫu trải suốt bốn ngàn năm luôn phải chống đỡ với trùng trùng bão táp từ thiên nhiên đến lòng người.
Bằng mọi giá, kể cả cái giá tận tâm đến tận cùng, cặp vợ chồng già, vừa vét cạn lòng dạy dỗ học trò nơi trường ốc, vẫn dồn hết sức sót lại lo un đúc bầy con. Từ đó, trai cũng như gái, lớn lên chưa có ai đi trệch lối đi của bậc sinh thành...
Đường đời trước mặt dẫu không hoàn toàn phẳng phiu cũng khá là suôn sẻ dẫu quanh quanh khói súng tiếng đạn càng lúc càng gần. Con cái, trai như gái học hành đỗ đạt. Theo ngày tháng, đứa lấy chồng, đứa ra nhiệm sở, y như bầy chim đủ lông đủ cánh bỏ ổ bay xa. Dẫu vậy, ngày qua ngày, không đứa này thì đứa khác, vẫn quen lối quay về. Khi năm bảy bữa. Lúc đôi ba tiếng đồng hồ. Ngôi nhà xưa có cha mẹ già như ngọn hải đăng vẫn ngày đêm soi đường dẫn lối cho bầy con trưởng thành đã ra đời nhận trách nhiệm với quê hương. Đứa chiến trường, đứa bệnh viện, đứa công sở, đứa trường ốc... Mỗi người một việc. Mỗi việc lồng lộng một ý thức trách nhiệm được dạy dỗ từ ngay lúc ấu thời.
Ba bữa Tết, năm bảy ngày phép, mùa phượng đỏ ba tháng bãi trường... những bước chân đi về vẫn làm rộn rã lòng già. Ngôi nhà mỗi lúc một rêu phong vẫn tươi rói tin yêu và sắc son gia huấn. Tóc bạc mỗi lúc một thưa vẫn đủ sức níu kéo, cột chặt tình nghĩa anh em dẫu đường đời riêng bước có xô giạt đâu đâu. Dưới mái nhà đó, lấp lánh trong cặp mắt héo mỏi của tuổi già vẫn là những buổi sum họp rộn rã, ấm như ly rượu nồng san sẻ mà người cha già đã chắt chiu ủ cất, ngọt lịm như chén chè xôi nước mà người mẹ già đã nắn nót từng viên...
Ôi những bữa tiệc đoàn viên. Những bất trắc trên đường đời riêng lẻ, những vui buồn từng cảnh ngộ riêng tư... gần như phút chốc bị xóa sạch. Chỉ còn đó. Người cha già đã một đời sừng sững Thái Sơn. Người mẹ già với tấm lòng mẫu tử mênh mông như sóng nước Thái Bình ngày lặng gió. Và bầy con, phút chốc không còn nghề nghiệp chức tước, không còn trách nhiệm với bất cứ gì khác ngoài bổn phận của đứa con với cha mẹ đã có lúc nâng niu mình như trứng mỏng. Phút chốc, cả đám như một bầy chim non tụ về, ríu ra ríu rít trong chiếc lồng son đã được chăm sóc hết mực tưng tiu.
Vậy mà rồi, người tính xuôi đời lộn ngược, y như cơn đại hồng thủy đã có lần xóa sạch mọi vết tích trần gian, gia đình như một khối ngọc lành bỗng vỡ tan ra từng mảnh. Biến cố 30-4-1975. Xảy cái, đoạn trường!
Gái đứa theo về quê chồng lánh nạn rồi bồng bế con vượt biển, đứa ở lại nuôi chồng “cải tạo”. Bốn con trai ba con rể bỗng chốc thành tù nhân không bản án. Ông bà giáo già bị đuổi về quê. Ngôi nhà xưa có mái ngói âm dương sậm màu rêu phủ, có cây nguyệt quế trổ bông thơm ngát những đêm Rằm chay tịnh, có hàng cột treo liễn cẩn xa cừ kể chuyện đời xưa, có một tuổi thiếu niên chạy nhảy thênh thang trên tấm lòng mênh mông của cha mẹ... bỗng chốc lọt vào tay đám cướp ngày. Cả bầy con rồi như đám lục bình không rễ, trôi giạt đó đây. Kể cả bên kia biển lớn. Rồi bít luôn đường về...
Xa quê, dẫu không bằng thiên lý mà xa chính tận lòng người, đám con lưu lạc lặn lội kiếm ăn nuôi bầy cháu nhỏ, cắc củm đồng ra đồng vào, chuyển đổi về quê nuôi cha nuôi mẹ, đang bị vây bọc bởi trùng trùng hận thù giai cấp và mê muội tột cùng.
Mười mươi năm rồi bầy con tha phương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỏi mòn chờ đợi dù biết là vô vọng, ruột thịt đứt từng khúc ném vãi tứ phương, lòng mẹ lòng cha nào chịu thấu. Đến lúc, rồi cũng xuôi tay. Con cái, đứa chót vót tận miền cực Bắc. Đứa chênh vênh tuốt phía cực Nam. Đứa còn kẹt lại đắp mồ cha mẹ, lạy biệt rồi bỏ đi tìm đất sống. Đứa lỡ chân giữa xứ người lạ lẫm, chẳng mũ mấn, lạy biệt ra bốn phương tám hướng mà chẳng biết hồn cha mẹ có theo mình thoát được cửa địa ngục ở quê nhà. Nước mắt chẳng biết chảy xuôi hay chảy ngược, chỉ biết nước mắt mặn chát tới tận chỗ sâu huốt của lòng...
Từ đó, cái hướng thường ngóng trông dòi dõi, chỗ cứ hằng đêm gợi nhớ miên man... chỗ nhớ chung cùng của bầy con tứ tán, cứ đi về qua những giấc chiêm bao. Có bữa mơ về ngang Mỹ Thuận. Ngay mùa gió chướng nước tuôn tuôn. Bên kia sông Cái, con đường lớn. Ngó mút hàng cây... chợt thấy buồn. Vĩnh Long còn đó, ở cuối đường. Cách mấy cầu ngang, mấy dặm sương. Như thể dang tay là giáp mặt. Sao lòng thiên lý vẫn tha hương...
... Sao nghe như vẫn tiếng thở dài. Ngờ trong sương khói có mây bay. Có người trắng tóc mù đôi mắt. Khóc suốt mười năm cuộc đổi thay....
Chuyện kể ra chẳng có gì là lạ. Chuyện của hằng triệu người đã bỏ xứ ra đi từ sau cơn đại họa. Dẫu vậy rồi ai có phần nấy. Người có lần trốn đi vì thiếu ăn thiếu mặc. Nay thấy có ăn có mặc thì quày quả quay về. Kẻ tự biệt đày vì sự đối nghịch của niềm tin thì coi như tự kết án lưu đày, dẫu lòng không nguôi gió bão. Nhớ thương như gió chướng cứ quậy suốt năm dài tháng rộng. Nhất là mỗi lúc, từ xa nghe tin Tết về bên đó. Nhớ tới độ đâm ra ghiền nghe mấy bài vọng cồ đã có thời cứ lắc đầu quầy quậy. Nỗi nhớ như thứ rượu cay, càng uống càng say mà dẫu có đập ly rồi lại đi tìm ly khác.
Nỗi nhớ như thứ chủ nợ khắc nghiệt cứ đeo theo mà rỉa rói. Nhớ sao là nhớ. Nhớ từng cọng cỏ nhớ đi. Nhớ từ giọt sương nhớ lại. Nhớ gốc mai già lặt lá mỗi bữa Rằm tháng Chạp cho kịp đơm bông ba ngày Tết. Nhớ bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên được lau chùi rồi đánh bóng sáng ngời. Nhớ đêm Giao Thừa thơm nức mùi nhang đèn cúng rước ông bà. Nhớ áo mới mẹ may với đồng tiền mừng tuổi. Nhớ nồi xào bần hâm lửa riu riu. Nhớ lại cả những bữa cơm chiều có dĩa cá trê dầm nước mắm gừng, cay ngọt đủ mùi. Phải vậy thôi đâu. Nỗi nhớ như thứ bệnh hay lây. Hết chuyện này đến chuyện khác. Nhớ chiếc tủ kiếng có bày đồ sứ Giang Nam, kế thừa từ đời ngoại tổ. Nhớ tủ sách to bằng cả tấm vách ngang, chen chút không biết bao nhiêu là sách vở trải đã mấy đời, từ những bộ tự điển dày cộm bìa đóng gáy da có chữ mạ vàng, gom góp từ đời ông bà cha mẹ đến phần thưởng học lực cuối năm của anh chị em.. tiếp đến là những bộ sách biên khảo đủ loại, rồi tiểu thuyết Ta, tiểu thuyết Tây, truyện Tàu của nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã. Ngăn cuối là nguyệt san, bán nguyệt san, rồi đặc san với lại tuần báo Tây, Ta lẫn lộn. Đặc biệt là những tờ báo xuân với hình ảnh pháo đỏ mai vàng đã làm náo nức chờ Tết, những hồn thơ dại. Sách cũ sách mới được chưng dọn tưng tiu y như là báu vật -Riêng thằng con thứ bảy vừa được chín mười tuổi được giao cho cây chổi lông gà phủi bụi hằng tuần. Và cũng chính từ những trang chữ úa vàng đó đã đưa hồn nó đi tứ xứ, ngay cả lúc chân chưa từng qua được bến Bắc Mỹ Thuận lấy một lần. Ờ há, những chân trời viễn mơ làm gì có ranh giới. Khổ nỗi, mơ thì mơ vậy mà chừng bít đường về lòng lại cứ bồn chồn như đứng ngồi trên lửa than.
Nỗi nhớ như căn bệnh trầm kha sanh đủ thứ biến chứng. Từ món đồ lặt vặt bắt trớn qua những hình ảnh sống. Những anh. Những chị. Những em. Mớ ruột rà đang vung vãi tứ phương. Từng cái móng tay móng chân được nâng niu cắt xén bởi người chị thứ hai đi học xa dịp lễ về thăm nhà. Vòng tay đỡ đần cùng với tiếng xuýt xoa của người anh thứ ba khi đứa em trợt chân té ngửa. Từng đồng bạc chị thứ tư gởi về góp thêm thịt thà cá mắm cho bữa cơm của đám em còn nhỏ dại. Từng bí quyết Văn Phạm hay Toán Học được anh thứ năm giảng lại ở nhà sau khi rối mù ở lớp. Từng chiếc áo đồng phục được thêu thùa hoa mỹ của người chị thứ sáu. Và mấy đứa em nhỏ cứ nấn níu bên chân. Trời ơi làm sao nhớ hết. Chẳng vậy, hun hút đâu từ vô thức như vọng lại từng lời dặn dò của mẹ của cha, tiếng nhắc nhở anh-em-như-thể-tay-chân, huynh-đệ-như-thủ-túc... làm như lại cứ văng vẳng bên tai. Êm ái mà gãy gọn. Ngọt ngào mà dứt khoát. Lời cha dạy mẹ khuyên làm như rõ lại từng âm...
Vậy đó, rồi giữa tấm lòng cô quạnh như cứ cồn cào một thúc gọi thiết tha đến làm như rục rịch cả đôi chân đã thấm mỏi. Làm như đâu đó cứ thầm thì những nhắc nhở vô thanh. Dáng dấp, tiếng nói, giọng cười, thói quen... của từng người một, từ thuở còn chung dưới một mái nhà bỗng đâu sống lại mồn một y như lúc đời chưa dâu bể. Vậy mà rồi có lúc vì mọi thứ lý do, cả đám mịt mù nhau như bóng chim tăm cá. Mà thời gian thì đâu có chịu đợi chờ. Với mớ tuổi đời càng lúc càng chồng chất, đường qua lại càng lúc càng thêm thiên lý. Những lúc đó, làm như từ trong vô thức, có gì đó mà chẳng rõ là gì, kiểu như thứ mà người ta gọi là huyết thống bỗng như sôi lên, không ầm ĩ mà âm ỉ, như ngón tay khều vói, lẳng lặng kêu rêu mà rù quến tới mức làm rung động cả tấm lòng đã tịnh, rằng đã tới lúc, đã phải lúc...
Trời cuối thu ở vùng đất lạnh đẹp đến não nùng. Lá cứ vàng hực lên như muốn níu chậm lại bước thời gian. Nhưng mà có được đâu. Cây có vàng lá cũng chỉ là những nấn níu đến tội nghiệp. Biển lá lồng lộng đó rồi ra như một hơi thở hắt. Một ngày. Vài ba ngày, lá sẽ rệu rã rồi gió sẽ cuốn đi. Từ lìa cành, những chiếc lá vốn vẫn thường quấn quýt nhau, bỗng chốc như bầy con mồ côi. Mỗi chiếc một hướng. Mỗi chiếc một phương. Từ đó, lòng người cũng úa vàng theo lá mà vật vã.
Nghĩ tới nghĩ lui rồi đâm ra hoảng hốt. Thiệt vậy sao. Những chiếc lá mùa sau đâu phải là mớ lá năm trước. Mỗi đời lá như một kiếp người. Dẫu có trăm năm cũng chỉ là một cái chớp mắt của thời gian. Vuột tay một lần làm sao kịp để vói tay lần nữa... Tháng 10 rồi như một cái khoát tay. Ngoắc gọi hay vẫy chào. Ai biết. Chỉ biết lòng càng thêm khắc khoải. Rồi lại thêm nữa, như trêu ghẹo của thiên nhiên, cuối tháng 10 là những bước dọ dẫm của mùa đông. Thứ mùa đông khắc nghiệt của miền đất trải dài theo vĩ tuyến 45 độ Bắc mà cõi sống rồi như chìm lĩm vào giấc đông miên.
Vậy mà rồi bỗng nhiên từ bốn phương vọng lại những tiếng gọi bầy, những tiếng gọi vừa thê thiết vừa thúc bách, rủ rê nhau hợp đoàn tìm chỗ ủ ấm lại lòng nhau. Huyền nhiệm làm sao, chỉ mới một tiếng hẹn hò thôi đã đủ làm bừng lên tàn lửa ấm đã tới hồi riu riu ở cuối đường lữ thứ. Nhất là với kẻ sẩy chân, lỡ bước ở tận miền riêng lẻ. Tháng 10 rồi bỗng thành lễ hội. Cả bầy nhớ cha nhớ mẹ nhớ anh nhớ em như những nhánh sông lạc dòng, rồi được dịp hợp lưu đổ vào biển lớn. Người, đường bộ. Kẻ, đường bay. Đứa qua hằng trăm dặm biển.
Tháng 10 ở một thành phố cực Tây của lục địa Bắc Mỹ, cả đám đã họp bầy. Ở đó anh em đã gặp lại nhau. Những người anh người em mà tuổi tác đã chập chùng năm tháng, đã trải qua đủ đầy vinh quang và tủi nhục đã gặp lại nhau, nối lại những vòng tay, nối lại những ước nguyện của cha mẹ từ một thuở rã bầy vì những giãy giụa điên cuồng của lịch sử.
Ở đó, những sớm những chiều những đêm, quanh bàn ăn, quanh ngọn lửa đã được đun ấm giữa sân vườn, họ đã ngồi bên nhau, quây quần như chưa bao giờ tan tác.
Ở đó, những tình cảnh xưa được dựng lại. Rõ như mới hôm qua hôm kia. Những kỷ vật đã mất rồi bỗng hiện lại nguyên hình. Cây Tây Ban Cầm sậm màu đỏ Bordeaux có vết tróc nơi thùng đàn với những tập nhạc đóng bìa cứng được chuyền từ tay anh đến tay em, chuyền luôn cả niềm say mê âm nhạc. Tập sách Toán của Charles Bossut mà cả bọn đã lần lượt chúi mũi ngày đêm. Những bài thơ được nắn nót bằng từng dòng mực tím, được chuyền từ người chị đến đứa em trai mới lớn như lời nhắn nhủ về một thứ mỹ cảm văn chương. Những tập sách khảo luận được sang tay như những sửa soạn cho dự phóng tương lai. Xưa hơn nữa, những câu chuyện cổ tích được kể hằng đêm như dọn đường cho những giấc chiêm bao, và nhất là những lời dỗ dành khi lơ là việc học... Rồi còn chiếc xe đạp nhôm có hàng dây thun đan như cánh quạt che kín bánh sau mà anh chị em đã tập cho nhau dong ruổi. Còn con đường Trương Vĩnh Ký có hàng sao cao vút ngày qua lại mấy lượt nắng mưa...
Bỗng chốc, kỷ niệm rồi ùa về, giành nhau mà thắt thẻo. Vui buồn cứ thay nhau mà nỗi niềm. Dẫu vậy, làm sao sống cho đủ lại một trời quá khứ khi ngay những thứ gần như vô nghĩa cũng nấn níu như còn mãi đó trong mắt, trên tay. Mọi thứ đã tro than bỗng dưng rồi như bắt lửa khi chia nhau từng kỷ niệm. Và... trùm lấp lên tất cả là những lời dạy dỗ, khuyên nhủ của cha mẹ như cái khung mà anh em đã nương theo suốt một thời mới lớn, đã khuôn đúc phẩm giá của từng người. Để khi gặp lại nhau, sau mười mươi năm riêng lẻ mỗi góc trời, mỗi người đã nhìn thấy lại chính mình qua dáng dấp, tính khí của từng người ruột thịt. Đã xa lắm dáng hào hoa, chỉ còn lại dạng phong trần của một thời đi giữa chiến tranh. Rồi sau đó, những đọa đày của một cuộc trả thù đốn mạt. Cả đám nhìn nhau, bồi hồi. Và ngẩng mặt. Dưới cái bóng hiện tiền của cha mẹ dù đã khuất dạng đến biệt mù.
Ở đó, giữa những bàn tay chăm sóc và chiều đãi ân cần của bầy cháu trẻ, thế hệ thứ hai đã được nuôi dưỡng và học hành, đỗ đạt nơi xứ người vẫn còn nguyên vẹn truyền thống của cha ông, quấn quýt chăm sóc, hỏi han kể lể. Xen lẫn thứ tiếng xứ người lưu loát vẫn chen đầy, dẫu lắm lúc gượng ép, thứ tiếng mẹ đẻ vốn đã lạc loài, từ khi. Như một huyền nhiệm, ở đó, họ đã sống lại sự đầm ấm trong không khí gia đình của căn nhà xưa, có hàng cửa lá sách sơn xanh, có khung cổng sắt điểm đầy hoa giấy tím, và nhất là có người cha lúc nào cũng chững chạc trong bộ âu phục màu trắng ngà những khi lễ lạc và chiếc áo dài gấm xanh với khăn đóng xếp hình chữ “nhân” ngay giữa trán mỗi khi cúng giỗ. Và bà mẹ áo hai vạt dài trang nhã, bóp đầm cặp nách, chăn dắt đám học trò ra về mỗi chiều tan lớp...
Ở đó, giờ khắc như đứng sựng để rồi thụt lùi lại ba bốn mươi năm về trước, với những xúc động không có chữ để diển tả. Trong một thân xác đã dợm chừng mệt mỏi, con tim đã trệch nhịp thanh xuân, người ta cười nói, hỏi han, kể lể những bước trần ai đơn độc. Bỗng chốc mọi trầm luân đã trải thân dường như trở nên nhẹ hửng khi được dịp chia sẻ với thân tình. Niềm tin yêu quyến thuộc như lực bạt sơn hà, xóa nhoà hết mọi khó khăn cùng cực từ khi người ta đơn độc. Mọi chuyện được kể lại cho nhau nghe ra nhẹ nhàng như vết bụi hờ. Làm như có anh đó, có chị đó, có em đó, có ruột thịt quanh quanh, người ta thấy như thêm chân thêm tay. Kể lại cho nhau như tâm sự, những thành công hay thất bại trên xứ người, san sớt qua lại với thân tình, mọi dạn dày phong sương dường như thành truyện cổ tích, với cái kết cuộc có hậu là cuộc trùng phùng của bầy chim vỡ tổ. Suốt bảy ngày là bảy cuộc đại yến, không chỉ xào nấu bằng thực phẩm trần gian mà bằng những vòng tay siết không muốn buông, những nhắc nhớ đến mủi lòng, những tiếng cười hả dạ... Và dĩ nhiên, không thiếu món muối xát đến mặn lòng khi nhìn quanh còn đôi ba chỗ trống.
Vậy đó, rồi y như sự an bày của vận số từ mấy mươi năm trước. Có kéo níu thế nào rồi cũng hoài công. Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Trong vị ngọt của ly rượu đỏ vẫn ẩn tàng vị đắng của men cay. Cái ý chia biệt đã lấp ló ngay từ trong định nghĩa của hai chữ trùng phùng. Sức ly tâm quái ác của cuộc chiến tranh vô nghĩa đã bắn tung người sống sót ra mọi ngã. Và cuộc phấn đấu để tồn vong nơi đất khách của những kẻ sa cơ đã buộc chặt người ta vào từng nơi riêng rẽ, lẻ mọn. Dù không muốn cũng đành.
Ngày thứ bảy của cuộc hội ngộ, anh em tiễn đưa nhau. Rồi mỗi người mỗi chuyến đi về mỗi hướng. Vòng tay siết chặt một lần, hai ba lần... rồi cũng quay lưng. Rưng rưng? Chút cay nơi khóe mắt? Vị đắng nơi chót lưỡi? Khu phố cũ quanh quanh rồi vẫn y nhịp bình thường. Nắng mai đã lên. Rồi chiều sẽ xuống. Đêm sẽ lặng lẽ tới khi mọi người chỉ còn thấy nhau qua vọng tưởng.
Như mọi lúc. Như hằng khi. Như cuộc đời vẫn tiếp tục cái vòng quay bình thường của nó. Như trái đất vẫn tiếp tục xoay đều quanh cái trục của nó. Người vui cứ vui. Người buồn cứ buồn. Cuộc đời tự nó không vui cũng chẳng buồn. Người có vui hay buồn cũng tự mình chọn lấy.
Khi buông nhau ra, ai nấy đã cố kềm lòng vì dẫu sao tự mình đã chọn lấy cho mình ngã rẽ. Có điều nếu được sàng sảy chuyện đời, không chừng gặp lại rồi... lại chia tay còn buồn nhiều hơn khi chưa gặp lại. Nhất là, những người anh em đó đã có lúc nhìn nhau, mắt lấp lánh hào quang của một thời vàng son đã mất.
Mà thôi, thà vậy còn hơn. Ít ra còn vớt vát được thoang thoáng chút hương xưa, đã có lúc tưởng là vô vọng.
Cao Vị Khanh